Monday, August 13, 2018

MỸ - NGA - TRUNG : CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC VÌ SAO, PHẦN 2 (Thùy Dương - RFI / ĐIỂM BÁO)




Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 13-08-2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang biến không gian thành tâm điểm trên trên bàn cờ chiến lược của Mỹ. Trên đây là nhận định trong bài viết trên báo Le Monde « Cuộc chiến giữa các vì sao, phần 2 ».

Hồi giữa tháng 06/2018, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ phát biểu : « Chỉ hiện diện trong không gian là chưa đủđể bảo vệ Hoa Kỳ, chúng ta cần thống lĩnh không gian ». Ngày 09/08, phó tổng thống Mike Pence thông báo trước các tướng lĩnh bộ Quốc Phòng về việc thành lập lực lượng không gian, độc lập với Không quân Mỹ.

Hiệu quả trên thực địa của các lực lượng võ trang phụ thuộc ngày càng nhiều vào khả năng định vị địa lý và sự an toàn của các vệ tinh. Quỹ đạo trái đất chưa bao giờ trở thành một khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột như hiện nay và đang trở thành một ván cờ lớn về chiến lược. Trong khi đó, số quốc gia có khả năng thành lập lực lượng quân sự không gian không ngừng tăng. Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh : « Một số nước đang tìm cách làm rối loạn các hệ thống của chúng ta trên không gian, và gây ảnh hưởng tới ưu thế của Mỹ ».

Vào thời chiến tranh lạnh, chỉ có Liên Xô là đối thủ thực sự của Mỹ trong lĩnh vực này. Dự án lá chắn phòng thủ tên lửa mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan tung ra hồi cuối những năm 1980, còn được gọi là « Cuộc chiến giữa các vì sao », đã buộc Liên Xô - vốn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế - lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới, gây tác động tiêu cực cho kinh tế nước này và góp phần khiến Liên Xô sụp đổ.

Nhưng nước Nga của Vladimir Putin, dù GDP không cao hơn Ý, lại trở thành một cường quốc không gian, cả về quân sự. Hồi năm 2014, Nga đã đưa lên quỹ đạo vệ tinh Kosmos 2499, còn tháng 03/2018 đã bắn thử tên lửa siêu thanh, có tốc độ cao hơn gấp nhiều lần vận tốc ánh sáng và có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nhưng thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ hiện nay lại là từ Trung Quốc. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc đã cho phá hủy một trong các vệ tinh cũ bằng tên lửa phóng từ Trái đất. Ngày 03/08, Bắc Kinh thông báo phóng thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh.

Theo Le Monde, khi chỉ còn vài tháng là tới kỳ bầu cử Quốc Hội giữa kỳ, chủ đề không gian trên hết là một lựa chọn mang tính chính trị đối với vị tổng thống đã đắc cử nhờ khẩu hiệu « Nước Mỹ là trên hết » và kể từ khi đắc cử, ông Trump không ngừng nói muốn « đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại ».

Cho dù hiện kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt và đảng Cộng hòa đang chiếm nhiều ưu thế, nhưng tổng thống Donald Trump biết mọi chuyện chưa ngã ngũ. Không gì vận động được nhiều cử tri bằng việc tung ra chủ đề chinh phục không gian. Đây là đường biên giới mới mà tổng thống John F.Kennedy cách nay khoảng 60 năm đã vạch ra và vẫn còn gây tiếng vang rất mạnh trong tâm trí người Mỹ.

Donald Trump đã tăng ngân sách cho NASA. Ông cũng đã yêu cầu cơ quan này tiếp tục nghiên cứu về Mặt trăng, nhất là chuẩn bị các chuyến bay tới Sao Hỏa. Le Monde kết luận là trong cuộc đua tới Sao Hỏa, nước Mỹ đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc của Tập Cận Bình, người đã quyết khẳng định Trung Quốc là một cường quốc của thế giới, kể cả về chinh phục không gian.

*
Giấc mơ quyền lực của Trung Quốc ở cảng Gwadar - Pakistan
Trong chuyên mục Thế giới, báo kinh tế Les Echos nói tới « Giấc mơ quyền lực của Trung Quốc ở cảng Gwadar ». Từ năm 2013, với dự án Những con đường tơ lụa mới, các nhà đầu tư Trung Quốc « đổ xô » đến Pakistan. Trung Quốc đầu tư tới 54 tỉ đô la cho các dự án hạ tầng cơ sở ở Pakistan, trong đó có cảng chiến lược Gwadar ở tỉnh Baloutchistan, miền cực nam nước này. Chính quyền Islamabad tin tưởng rằng Trung Quốc tới để giúp Pakistan phát triển và gần 60 tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc sẽ mang lại giàu sang thịnh vượng cho nền kinh tế quốc gia vốn đang bấp bênh.  

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra bi quan, vì 91% lợi nhuận của cảng sẽ lại « rơi vào túi » các nhà đầu tư Trung Quốc. 9% còn lại sẽ được rót cho chính phủ Pakistan. Còn tỉnh nghèo khó Baloutchistan, vốn khan hiếm điện và nước, sẽ không được hưởng lợi trực tiếp.

Nhiều người gọi đó là « món quà tẩm độc », bởi vì đầu tư Trung Quốc chỉ càng khiến các nước trong khu vực phụ thuộc vào nguồn vốn của Bắc Kinh. Washington thậm chí còn chỉ trích về sự thiếu minh bạch trong các khoản tiền mà Trung Quốc cho Pakistan vay, trong khi nước này hoàn toàn có thể được hưởng nhiều kế hoạch hỗ trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế FMI.   

Đối với chuyên gia về chiến lược quốc tế, giáo sư  Jean-Paul Larçon, thuộc Đại học thương mại danh tiếng của Pháp HEC Paris, cho rằng đầu tư vào cảng Gwadar thực chất là ván bài địa chiến lược của Trung Quốc để kiểm soát các con đường vận chuyển khí đốt quanh eo biển Ormuz.

*
Người Rumani sống ở nước ngoài về nước biểu tình đòi giải tán chính phủ tham nhũng
Liên quan tới châu Âu, báo Le Figaro nói về « Những người Rumani quay trở về nước để biểu tình ». Từ hôm thứ Sáu 10/08/2018, vài chục ngàn người Rumani đã xuống đường, ở thủ đô Bucarest cũng như ở nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, để phản đối nạn tham nhũng. Họ đòi giải tán chính phủ thuộc đảng Xã Hội - Dân Chủ. Theo báo Le Figaro, điều đáng nói là phần đông lại là những người dân trở về Rumani từ nước ngoài để biểu tình chống chính phủ.   

Rumani là một trong những quốc gia nghèo nhất Liên Hiệp Châu Âu, với mức lương trung bình là 520 euro/người/tháng. Từ 15 năm trở lại đây, 4 triệu/20 triệu dân Rumani đã phải ra nước ngoài kiếm sống, đa phần tới các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 2017, họ đã gửi về nước 4.3 tỉ euro (2,5% GDP). Nhưng nhiều cho rằng những khoản tiền họ gửi về đã « không cánh mà bay mất » vì nạn tham nhũng trong nước.

Các cuộc biểu tình ở Rumani trỗi dậy kể từ khi thủ tướng Viorica Dancila tiến hành cải cách tư pháp, hạn chế quyền hành của các thẩm phán, nhằm giúp các chính trị gia tham nhũng không bị tư pháp xét xử, cũng như để trấn áp các nhà đối lập.

Nhung cuộc khủng hoảng ở Rumani không đơn thuần là khủng hoảng xã hội mà còn là khủng hoảng thể chế và chính trị. Mâu thuẫn với đa phần dân biểu cánh tả, tổng thống Klaus Iohannis, thuộc đảng trung hữu, ngay từ hôm thứ Sáu 10/08 đã chỉ trích « sự can thiệp tàn bạo và quá đáng » của lực lượng an ninh nhắm vào người biểu tình. Tổng thống Iohannis cho rằng « chính phủ đang chống lại lợi ích của dân chúng » và « đẩy đất nước vào cảnh rối ren, hỗn loạn ».

Cuộc khủng hoảng tại Rumani khiến các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nhất là vì Rumani sẽ giữ trọng trách chủ tịch luân phiên châu Âu trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 01/01/2019.  

*
Glyphosat của Monsanto : Mối nguy thực sự cho tập đoàn dược phẩm Đức Bayer
Liên quan tới vụ tòa án San Francisco buộc tập đoàn hóa chất Monsanto bồi thường 289 triệu đô la cho một người làm vườn Mỹ mắc ung thư giai đoạn cuối sau nhiều năm sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup, báo Le Figaro nhận định « Chất glyphosat của Monsanto là nguy cơ rủi ro thực sự của tập đoàn Bayer ».

Đây là lần đầu tiên tập đoàn Monsanto bị kết án vì sử dụng chất glyphosat trong thuốc diệt cỏ. Le Figaro gọi phán quyết của tòa án San Francisco là một quyết định lịch sử, mang lại niềm hy vọng cho hàng ngàn người đang kiện Monsanto, nhất là ở Pháp. Trong khi đó, phán quyết này lại mang lại một mối nguy cho tập đoàn dược phẩm Bayer danh tiếng của Đức.

Sau cuộc chiến kéo dài một năm rưỡi, hồi tháng 06/2018 Bayer đã mua lại tập đoàn Monsanto với giá 63 tỉ đô la. Hiện nay, công luận đang lật lại thương vụ lịch sử giữa tập đoàn danh tiếng Đức chuyên về dược phẩm và một bên là gã khổng lồ Mỹ chuyên về thuốc diệt cỏ và hạt giống cây trồng. Một số nhà phân tích dự báo những nguy cơ tài chính mà Bayer phải đối mặt sau vụ Monsanto có thể ví hậu quả của vụ bê bối Dieselgate của tập đoàn xe hơi Volkswagen. Rất có thể Bayer sẽ rơi vào rắc rối tư pháp với những hậu quả tài chính tàn phá nặng nề.

*
Trang nhất các báo Pháp
Báo công giáo La Croix dành trang nhất cho « Sự bất tuân định mệnh tại California ». Bang California, Hoa Kỳ đang tìm các giải pháp dài hạn để khắc phục nạn cháy rừng hiện xảy ra ngày càng nhiều.

Báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến việc « Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng tài chính ».Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 14% giá trị. Sự thiếu phản ứng của nhà chức trách, nhất là của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự báo một tuần nhiều rủi ro cho thị trường tài chính nước này.

Trong khi đó, báo Libération hướng độc giả tới sự tàn bạo của chế độ Syria qua hàng tựa « Tối nào họ cũng quẳng các thi thể đi ». Gần đây, chế độ của tổng thống Bachar al Assad công bố danh sách những người mà họ gọi là « đã mất tích », hé lộ rằng đây là thực sự là « chế độ của cái chết ». Naijah Albulcal, một giáo sư mỹ thuật bị giam giữ nhiều tuần trong các trại giam ở Syria kể với Libération những điều ông từng chứng kiến và những bức tranh mà ông phác họa về các đòn tra tấn tàn ác trong nhà tù Syria.

Vẫn liên quan đến khu vực Trung-Cận Đông, báo Le Figaro chạy tựa trang nhất «Tại Afghanistan, Daech huấn luyện các chiến binh nhí ».

--------------------------

Gia HưngRFI
Đăng ngày 13-08-2018

Đêm qua, 12/08/2018, là đêm thứ ba liên tiếp hàng ngàn người dân Rumani tại thủ đô Bucarest biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức.

Hàng chục ngàn người Rumani tuần hành trên đường phố Bucarest đòi giải tán chính phủ, ngày 11/08/2018.Inquam Photos/Octav Ganea via REUTERS

Theo hãng tin Reuters, đã có 15 ngàn người biểu tình đồng loạt vẫy cờ Rumani, cờ NATO, và cờ Liên Hiệp Châu Âu. Họ tập trung tại quảng trường bên ngoài trụ sở chính phủ. Những người biểu tình đồng thanh hô vang khẩu hiệu chống tham nhũng, đồng thời kêu gọi chính phủ Rumani từ chức.

Cuộc biểu tình đêm qua tại thủ đô Bucarest và các thành phố lớn khác đã diễn ra một cách yên bình, đối lập hoàn toàn với cảnh tượng cách đây hai ngày, khi cuộc biểu tình mới bắt đầu. Đêm đó, cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để trấn áp người biểu tình. Khoảng 500 người đã phải nhập viện.

Kể từ khi đảng Dân Chủ - Xã Hội lên cầm quyền từ đầu năm 2017, đảng này đã dần dần hợp pháp hóa một số hoạt động trước đó bị coi là tham nhũng.

Vào tháng 06/2018, lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội, kiêm chủ tịch Hạ Viện Rumani, ông Liviu Dragnea, đã bị kết án tù ba năm rưỡi với tội danh lạm dụng chức quyền.









No comments: