Sự
ra đi của Thượng Nghị Sĩ Mỹ John McCain đã được nói đến nhiều trong những ngày
qua, với tất cả niềm mến tiếc và kính trọng. Nhiều người đã viết rồi, song mình
vẫn cảm thấy viết về ông như một nhu cầu, một thôi thúc của trái tim.
Cuộc
đời của John McCain cho chúng ta thấy rõ một điều, đó là tình yêu thương con
người rất đỗi thiêng liêng, vượt ra ngoài mọi biên giới của đời sống. Từ một tù
binh bị đọa đày chốn ngục tù, bị làm nhục đủ kiểu, McCain trở về cuộc sống bình
thường, lòng không thù hận, góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh đã là
kỷ niệm buồn của cả hai dân tộc. Ông tích cực tham gia vào quá trình kết nối
hai đất nước từng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau và một trong những điều quan
trọng nhất ông đã làm là góp phần lớn vào việc cứu vớt tương lai của hàng trăm
ngàn gia đình, hàng triệu trẻ em Việt Nam có nguy cơ sống vất vưởng và bị kỳ thị
ngay trên quê hương của mình.
Chương
trình HO cho phép xuất cảnh những công chức, quân nhân VNCH từng bị tù cải tạo
từ 3 năm trở lên sau 30.4.1975 đã tạo cơ hội đổi đời cho hàng trăm ngàn gia
đình Việt Nam, và nay là hàng triệu những người trẻ tuổi thuộc thế hệ con cháu
họ đang có những chỗ đứng xứng đáng trong một xã hội văn minh và nhân bản. Tôi
có những người bạn từng vượt biển trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái
chết, những người từng sống trong các trại cải tạo, là đối tượng của chương
trình HO do McCain góp phần xây dựng, nay hầu hết con cháu họ đã là bác sĩ, nha
sĩ, luật sư …, chí ít cũng là những người lao động lương thiện và có năng lực
trong một xã hội Mỹ không kỳ thị, biết trân trọng những đóng góp tích cực cho sự
phát triển chung của cộng đồng. Tôi cho rằng chính 5 năm nằm trong ngục thất Hỏa
lò Hà Nội đã hun đúc cho McCain niềm thương cảm đó đối với những phận người
không chung dòng máu với ông, nhưng sau 30.4.1975 đã chung chịu số phận như ông
trước đó.
Khi
lắng lòng nghĩ về sự ra đi của một con người chính trực như TNS John McCain,
tôi tâm đắc với câu của nhạc sĩ Tuấn Khanh (Khanh
Nguyen) “anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện”, có những
kẻ thất bại, thậm chí ngã gục trên chiến trường, muôn đời sau vẫn xem họ là những
anh hùng. Lịch sử của nước Mỹ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó: sau cuộc nội
chiến những năm 1860-1865, người lãnh đạo đạo quân thất trận phương Nam Robert
E. Lee trở về trong sự kính trọng của những người thắng cuộc phương Bắc, những
binh sĩ dưới quyền ông được an nghĩ vĩnh viễn trong nghĩa trang quốc gia
Arlington, nơi dành cho mọi người con yêu của đất nước, không phân biệt thành
phần xuất thân trong xã hội. Bức tường đá đen ngay thủ đô Washington ghi tạc
danh sách 58.245 người con của đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam
luôn là biểu tượng làm rung động tấm lòng hàng triệu người trong và ngoài nước
Mỹ mỗi khí đứng chiêm ngưỡng cái vĩ đại của sự hi sinh vì đại cuộc.
Ở
đất nước chúng ta, một Trần Bình Trọng hiên ngang chửi vào mặt kẻ thù, “ta thà
làm quỷ nước Nam, không thà làm vương đất Bắc” rồi chịu chết, một Nguyễn Thái Học
cất tiếng hô dõng dạc “Không thành công thì thành nhân” trước khi lên máy chém,
và gần chúng ta hơn, trong những ngày tháng tư 1975 đáng nhớ của cả dân tộc, những
Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng … đã chọn cái chết để thể hiện khí tiết và tinh thần
trách nhiệm trước dân tộc, trước những binh sĩ dưới quyền họ. Dù thất trận, họ
vẫn là biểu tượng tinh thần bất khuất của người chiến sĩ.
Thượng
Nghị Sĩ John McCain đã nằm xuống trên một đất nước sẽ luôn vinh danh ông, trong
lòng những người Việt Nam đang là công dân Mỹ đã nhờ có ông mà tìm được cuộc sống
xứng đáng trong một xã hội công bằng và nhân bản, trong tâm tưởng của mọi người
Việt nói chung, bởi vì dù xuất thân từ đâu, chúng ta vẫn luôn biết yêu lẽ công
bằng và tình nhân ái giữa Người với Người.
An
nghỉ nhé John, rất thương tiếc và kính trọng ông.
Lê
Nguyễn
27.8.2018
27.8.2018
No comments:
Post a Comment