Monday, August 13, 2018

QUYỀN BỘ TRƯỞNG MUỐN TIN XẤU CHỈ 10%, BLOGGER NÓI 'SẼ THẤT BẠI' (VOA Tiếng Việt)




13/08/2018

Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) của Việt Nam được báo chí trong nước hôm 11 và 12/8 dẫn lời phát biểu rằng tin bài về “cái xấu” chỉ nên chiếm 10% mặt báo. Những người am hiểu báo chí Việt Nam nói với VOA rằng cách quản lý báo chí nặng về kỹ thuật sẽ “thất bại”.

Theo các trang tin Sài Gòn Giải phóng online và Kienthuc.net, tại một hội nghị mới đây do Bộ TT-TT tổ chức bàn về quản lý báo chí ở cấp độ nhà nước, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã so sánh các tỷ lệ khác nhau trên mặt báo của lượng tin bài về điều mà ông gọi là “cái xấu”.

Trước các lãnh đạo của nhiều cơ quan báo chí dự hội nghị, ông Hùng, người lên làm lãnh đạo bộ hồi cuối tháng 7, đưa ra quan điểm rằng “cái xấu xuất hiện với tỉ lệ 30% trên mặt báo nghĩa là cái xấu trở thành cái chính của xã hội”.

Ở mức độ thấp hơn, theo quyền bộ trưởng, người cũng là một thiếu tướng quân đội, khi lượng tin bài về “cái xấu” chiếm 20% mặt báo, điều đó báo hiệu “cái xấu có xu hướng trở thành cái chính trong xã hội”.

Ông Hùng cho rằng ở mức độ 10% mặt báo nói về “cái xấu”, điều này cho thấy “cái xấu” không phải là cái chính nhưng “nó cũng là cái răn đe đối với chúng ta để sửa lại mình”.

Các bài tường thuật của báo chí không cho biết quyền bộ trưởng thông tin và truyền thông có đưa ra định nghĩa cái xấu là gì hay không, cũng như không viết rõ ông Hùng nêu ra ba con số về tỷ lệ phần trăm dựa trên những dữ liệu nào. Trước khi làm lãnh đạo bộ thông tin và truyền thông, ông Hùng là Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, có tên gọi tắt là Viettel.

Tại hội nghị hôm 10/8, sau khi so sánh một cách khái quát, Quyền Bộ trưởng Hùng gợi ý có tính chất chỉ đạo rằng các tổng biên tập “nên cân nhắc con số này”.
Ông được dẫn lời phát biểu rằng “chúng ta nên hạn chế ở mức 10% vì xã hội mình cơ bản là tốt. Và 10% đủ thúc đẩy chúng ta, cảnh báo chúng ta”.
Theo ông Hùng, nếu báo chí do nhà nước quản lý “sử dụng đến 30% hay 20% thì có nghĩa là xã hội chúng ta đang rất xấu, niềm tin vào xã hội rất xấu”.

Quyền Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị hôm 10/8/2018

Gợi ý của vị quyền bộ trưởng đã dẫn đến nhiều bàn luận trên mạng xã hội. Các nhà báo, một số chuyên gia nghiên cứu báo chí, luật sư, blogger đặt câu hỏi “thế nào là xấu” và bày tỏ lo ngại rằng phát biểu của ông Hùng có thể được hiểu như là một “mệnh lệnh”.

Họ cũng viết trên mạng xã hội rằng báo chí có chức năng phản ánh sự thật và không nên bị “quản lý bằng chỉ tiêu”.

Từ Hà Nội, bà Trần Lệ Thùy, nhà nghiên cứu về báo chí, mạng xã hội, cho VOA biết ý kiến của bà:
“Viết về vấn đề xấu nên dựa theo tiêu chí là có đúng nghiệp vụ hay không, có chứng cớ hay không, và nó có phản ánh lợi ích công hay không, thay vì chỉ nhìn nó là thông tin xấu”.
Nữ học giả từng tu nghiệp tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford, Anh, lưu ý rằng khi các nhà báo làm đúng các tiêu chí nêu trên, việc đưa tin xấu có thể được xem là một trong những cách phản ánh thực tế đời sống để giúp cho việc xây dựng một xã hội được quản trị công tốt hơn.

Nhà văn Phạm Viết Đào nhận xét với VOA rằng do Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nền tảng là một nhà quản lý kỹ thuật, nên trên cương vị hiện nay, dường như ông Hùng có xu hướng đặt ra các khuôn khổ “cứng nhắc”.
Ông Đào, cũng từng là một blogger bị bỏ tù vì “nói xấu” đảng, nhà nước, cho rằng cách quản lý “đặt ra mức trần” hay “rọ mồm” trong đời sống xã hội thông tin sẽ “có hại”, cũng như “không giúp ích” chính phủ và nhân dân “nhìn thấy thực chất các vấn đề xã hội” để tìm các giải pháp phù hợp.

Nhà văn có thời là thanh tra chống tham nhũng tại Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nói:
“Chả có tỷ lệ nào là kiểm soát được thông tin cả. Bản thân cuộc sống nó xảy ra thế nào thì phải đưa thông tin trung thực như thế. Ông [Hùng] phát biểu như thế chứng tỏ ông không hiểu xã hội thông tin. Đối với xã hội thông tin mà anh dùng kỹ thuật anh cai quản nó thì anh sẽ thất bại”.

Trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ của VOA, bà Thùy và ông Đào nói nên có sự phân biệt giữa thông tin “câu khách” hay “lá cải” với việc đưa tin về các ý kiến phản biện xã hội.

Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định ông không ủng hộ việc một số cơ quan báo chí “sa đà” hay “xoáy sâu” vào các chi tiết của các vụ bạo lực hay các vụ án “cướp, giết, hiếp”. Ngược lại, ông cho rằng “phải để”, “phải khuyến khích” các thông tin nêu lên chính kiến hay phản biện về các chính sách.

Ông nói:
“Những thông tin về người ta phản ứng trong xã hội về những chính sách của nhà nước phải đưa rộng ra cho mà biết. Tin về phản ứng ở các vùng miền, phản ứng này nọ giữa chính quyền và người dân, mà anh bịt thông tin đó lại, thì hậu họa còn lớn hơn”.

Đã có ít nhất hai cuộc thảo luận trên mạng xã hội về gợi ý 30-20-10% mới đây của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Trong số gần 70 lời bình luận, nhiều người bày tỏ thất vọng về hơi hướng quản lý cứng rắn của ông.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm thấp nhất trên thế giới về mặt tự do báo chí, theo cách đánh giá của các tổ chức phương Tây.

Hồi cuối tháng Tư, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã ra báo cáo thường niên xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí. Cũng như năm 2017, tổ chức này năm nay tiếp tục liệt Việt Nam vào “danh sách đen” về tự do báo chí trên thế giới.
Báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng 5 nói Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do với các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet, bên cạnh các vi phạm nhân quyền khác. Bộ Ngoại giao Việt Nam, như thường lệ, đã phản bác báo cáo này.

VIDEO :








No comments: