Sunday, August 19, 2018

BẮC KINH : MỸ PHÓNG ĐẠI "THÁCH THỨC QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC" (tin tổng hợp)




BBC Tiếng Việt
19 tháng 8 2018

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Bảy lên tiếng 'phản đối mạnh mẽ' nội dung bản phúc trình của Ngũ Giác Đài về việc phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc.

Bắc Kinh thúc giục Mỹ hãy 'ngưng việc đưa ra những nhận định không đúng đắn', Tân Hoa Xã tường thuật.
Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong bản phúc trình thương niên gửi Quốc hội nói rằng quân đội Trung Quốc "nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công" vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đáp trả với việc nói rằng bản phúc trình đã nói vống về cái gọi là "mối đe dọa từ Trung Quốc" và sự "thiếu minh bạch trong quân sự".

'Phỏng đoán thuần túy'

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đệ đơn phản đối tới Mỹ về nội dung trên, và nói đó hoàn toàn chỉ là "phỏng đoán thuần túy".
"Trong vòng ba năm qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã nhanh chóng mở rộng các vùng hoạt động trên mặt nước của các phi cơ ném bom, tích lũy kinh nghiệm ở các vùng biển then chốt và nhiều khả năng đang luyện tập để tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh," bản phúc trình của Ngũ Giác Đài viết.
Bản phúc trình, được công bố vào thời điểm hai nước đang có quan hệ căng thẳng quanh vấn đề thương mại, điểm việc Bắc Kinh nâng cao năng lực quân sự, trong đó có khoản chi tiêu quốc phòng trong năm 2017 ước tính là trên 190 tỷ đô la, bằng một phần ba của Hoa Kỳ.
Bản phúc trình cũng cảnh báo về việc Trung Quốc có các kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân ra các đảo và bãi đá ở Biển Đông.
"Các kế hoạch của Trung Quốc trong việc cung ứng điện cho các đảo này có thể sẽ bổ sung thêm yếu tố hạt nhân vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ," bản phúc trình viết.
"Trung Quốc ra chỉ dấu cho thấy các kế hoạch phát triển có thể diễn ra nhằm cung cấp điện cho các đảo và bãi đá ở vùng Biển Đông nhiều bão tố bằng các trạm điện hạt nhân nổi; tin tức nói việc phát triển sẽ bắt đầu trước khi bước vào năm 2020."
Bắc Kinh nói rằng bản phúc trình đã hoàn toàn phớt lờ các thực tế và đã đánh giá một cách không đúng đắn những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích an ninh của nước này.
"Quân đội Trung Quốc cương quyết phản đối điều này, và đã đệ trình công hàm nghiêm khắc tới phía Mỹ," tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra cuối ngày thứ Sáu 17/8 viết.

'Phát triển hòa bình, mang tính phòng thủ'

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ngày hôm sau tiếp tục nhấn mạnh rằng trong vai trò là một bên luôn hỗ trợ cho hòa bình thế giới, một quốc gia đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là bên duy trì trật tự quốc tế, Trung Quốc luôn đi theo con đường phát triển hòa bình và chiến lược quốc phòng mang tính phòng thủ.
"Các nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực quốc phòng là nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ," ông Lục được Tân Hoa Xã dẫn lời. Ông nói thêm rằng thực thị các quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền là điều hoàn toàn chính đáng và không thể bị chất vấn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ cách suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh và cách tiếp cận kiểu cũ, và hãy có thái độ tích cực đối với Trung Quốc, đồng thời ngưng việc ra các bản phúc trình 'vô trách nhiệm', hướng tới duy trì sự phát triển ổn định trong quan hệ giữa hai quốc gia cũng như quân đội hai nước.


Trong năm nay, không quân Trung Quốc đã cho phi cơ ném bom đáp xuóng các đảo và bãi đá ở Biển Đông trong khi diễn tập ở vùng biển có tranh chấp.
Tuy Washington và Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ quân sự với nhau nhằm tháo gỡ căng thẳng, nhưng mối quan hệ này đã bị thử thách trong những tháng gần đây.
Đáng chú ý là hồi tháng Năm, Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận chung đa quốc gia.

-------------------------------------

VOA Tiếng Việt
19/08/2018

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đệ trình kháng nghị với Mỹ về một báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng quân đội Trung Quốc có thể đang tập luyện chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhắm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ, nói rằng nhận định này "phỏng đoán thuần túy."

Nhận định này, vào lúc căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao về vấn đề thương mại, được đưa ra trong một báo cáo thường niên nêu bật nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, với chi tiêu quốc phòng mà Lầu Năm Góc ước tính vượt quá 190 tỉ đôla vào năm 2017.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong một thông cáo vào cuối ngày thứ Sáu rằng báo cáo của Lầu Năm Góc trình bày sai mục đích chiến lược của Trung Quốc và phóng đại "cái gọi là mối đe dọa quân sự Trung Quốc."

"Quân đội Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và đã đệ trình công hàm kháng nghị nghiêm khắc với phía Mỹ," bộ nói.

Trung Quốc đang tiến theo con đường phát triển hòa bình và theo đuổi một chiến lược quốc phòng mang tính phòng thủ, và vẫn luôn là nước đóng góp cho hòa bình thế giới và bảo vệ trật tự toàn cầu, bộ cho biết.
"Việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa là để bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu," bộ nói.
"Cải cách, việc phát triển vũ khí và năng lực phòng thủ trong không gian internet của quân đội Trung Quốc là chính đáng và hợp lí. Những chỉ trích trong báo cáo của Hoa Kỳ là phỏng đoán thuần túy."

Báo cáo của Lầu Năm Góc nói dù Quân đội Giải phóng Nhân dân tiếp tục mở rộng hoạt động, song không rõ thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đi là gì qua việc cho các máy bay ném bom thực hiện các chuyến bay "ngoài mục đích phô bày năng lực được cải thiện."

Năm nay, không quân Trung Quốc đã cho các máy bay ném bom hạ cánh trên các đảo và các bãi đá ở Biển Đông như một phần trong một cuộc diễn tập huấn luyện trong khu vực có tranh chấp.
Vào tháng 1, Lầu Năm Góc đã đưa việc chống lại Bắc Kinh, cùng với Nga, vào tâm điểm của một chiến lược quốc phòng mới.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói "công tác xây cất hòa bình" ở Biển Đông là quyền của Trung Quốc trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, và họ chỉ trích Mỹ về các hoạt động tự do hàng hải ở đó.
Trung Quốc nói báo cáo của Mỹ gây tổn hại tới lòng tin lẫn nhau giữa hai nước, bộ cho biết.
"Chúng tôi đòi phía Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, nhìn nhận việc phòng thủ và xây cất quân sự của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lí, ngừng phát hành những báo cáo có liên quan và thực hiện các bước thực sự để thúc đẩy và bảo vệ sự phát triển bền vững của quan hệ liên quân đội," bộ nói.

----------------------------

Đăng ngày 18-08-2018

Một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Mỹ trình Quốc Hội báo cáo thường niên, báo động về nguy cơ Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự, nhấn mạnh đến việc oanh tạc cơ Trung Quốc được huấn luyện để có thể tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh tại Biển Đông, cũng như khu vực Tây Thái Bình Dương, bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm qua, 17/08/2018, lên tiếng phản đối.

Hãng tin Reuters, dẫn lại thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, theo đó báo cáo của Lầu Năm Góc đã bóp méo các chủ trương phát triển quân đội của Trung Quốc, và phóng đại « cái gọi là thách thức quân sự Trung Quốc ». Bắc Kinh yêu cầu phía Mỹ từ bỏ tư duy « thời Chiến tranh Lạnh », nhìn nhận một cách khách quan về các hoạt động quân sự và xây dựng quốc phòng của Trung Quốc.

Theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc, mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là nhằm « bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền lợi của Trung Quốc về an ninh và phát triển, cũng như hòa bình và ổn định trên thế giới ». Bắc Kinh cho rằng báo cáo nói trên có hại cho sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời hy vọng Washington có các « biện pháp cụ thể » để duy trì và thúc đẩy các quan hệ quân sự song phương.

Báo cáo dài 145 trang của bộ Quốc Phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc, công bố hôm 16/08, đặc biệt lưu ý đến việc, năm 2016 lần đầu tiên, Bắc Kinh triển khai oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt nhân, tại nhiều khu vực hàng hải chiến lược. Với lực lượng này, kể từ giờ Trung Quốc có được trong tay « bộ ba » vũ khí chiến lược, có khả năng tấn công hạt nhân từ trên không, trên bộ và trên biển.

Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc xây nhà máy hạt nhân ở Biển Đông
Theo nhật báo Singapore The Straits Times, cũng trong một bản báo cáo thường niên công bố ngày 16/08/2018, bộ Quốc Phòng Mỹ cảnh báo về các kế hoạch của Trung Quốc đặt các nhà máy hạt nhân nổi tại các đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Lầu Năm Góc cho biết : « Các kế hoạch của Trung Quốc cung cấp năng lượng cho các đảo này thêm một yếu tố hạt nhân vào các tranh chấp chủ quyền ». Bản cáo nhắc lại chính Trung Quốc đã từng tuyên bố  sẽ xây các trạm điện nguyên tử nổi để cung cấp năng lượng cho các đảo và đá tại Biển Đông và các kế hoạch này có thể được tiến hành trước năm 2020.

Theo tờ nhật báo Hồng Kông  South China Morning Post, một tờ báo chính thức Trung Quốc vào năm 2016 cũng đã từng thông báo là Bắc Kinh có thể xây đến 20 nhà máy hạt nhân nổi « để thúc đẩy việc phát triển thương mại » vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.

------------------------------

VOA Tiếng Việt
17/08/2018

Quân đội Trung Quốc đang mở rộng hoạt động của các máy bay ném bom trong những năm qua trong khi ‘rất có thể huấn luyện binh lính’ để tấn công Mỹ và các nước đồng minh, một phúc trình của Lầu Năm Góc được công bố hôm thứ Năm ngày 26/8 cho biết.

Đánh giá này được đưa ra trong bản phúc trình hàng năm của cơ quan này mà trong đo nhấn mạnh nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc với chi tiêu quốc phòng của họ trong năm 2017 được ước tính đã vượt quá 190 tỷ đô la.

“Trong vòng ba năm qua, Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay ném bom trên các vùng biển, có thêm kinh nghiệm ở những vùng biển trọng yếu và nhiều khả năng đang huấn luyện để tấn công các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh,” bản phúc trình cho biết.

Phúc trình nói rằng trong khi PLA đã tiếp tục mở rộng tầm hoạt động, thì hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh muốn gửi thông điệp gì qua việc tiến hành các chuyến bay ‘vượt ngoài phạm vi thể hiện năng lực đã cải thiện’.

Hồi đầu năm không quân Trung Quốc đã đưa các máy bay ném bom ra các hòn đảo và bãi san hô trên Biển Đông.
Lầu Năm Góc cũng đã xem việc đối phó với Trung Quốc và Nga là trọng tâm của chiến lược quốc mới của Mỹ.
Bản phúc trình cho biết mặc dù kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc cũng sẽ vượt mức 240 tỷ đô la cho đến năm 2028.

Cũng theo phúc trình này thì chương trình không gian của Trung Quốc đang tiến triển nhanh chóng.
“PLA tiếp tục tăng cường khả năng quân sự không gian mặc dù lập trường công khai của họ là phản đối việc quân sự hóa không gian,” phúc trình viết.

-----------------------------------

VOA Tiếng Việt
19/08/2018

Bắc Kinh đã lần đầu tiên đặt vĩnh viễn một tàu nghiên cứu và cứu nạn ở Biển Đông, và bước đi gây quan ngại các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này bị coi là một “vỏ bọc” của Trung Quốc.

Tàu và trực thăng Trung Quốc tham gia "cứu hộ" ở Biển Đông.

Bộ Giao thông Trung Quốc mới đây đã đưa con tàu mà Tân Hoa Xã nói là có thể chống đỡ sóng cao tới 6 mét tới Trường Sa. Con tàu có tên Cứu hộ Biển Nam 115 còn có bãi đáp trực thăng.
Quan chức của Bộ này được trích lời nói rằng Trung Quốc sẽ “liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu nạn hàng hải ở Biển Đông theo các thỏa thuận quốc tế”.
Các chuyên gia nhận định với VOA rằng Trung Quốc có thể đã triển khai tàu và quảng bá hình ảnh tốt đẹp về nước mình quanh nỗ lực cứu nạn, sau khi khiến nhiều quốc gia láng giềng tức giận vì các hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Cơ quan nghiên cứu Biển Đông ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận định với VOA: “Toàn bộ chuyện rầm rộ thông báo một hoạt động mang tính nhân đạo như vậy nhằm để che đậy việc quân sự hóa rõ ràng và tẩy não bằng một vỏ bọc thân thiện”.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã cấp tập xây cất các đảo nhân tạo trên Biển Đông, và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng tuyên bố rằng Bắc Kinh làm vậy để “tự vệ” trước “áp lực từ Hoa Kỳ”.

Công trình xây dựng của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

“Trung Quốc có thể tìm cách để làm dịu sức nóng từ các hành động quân sự bằng cách công bố các hoạt động cứu nạn, nhưng tôi không nghĩ rằng nó sẽ giúp thay đổi nhận thức”, ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nhận định với VOA.
"Nó giống như đang có một cuộc chiến PR [quan hệ công chúng], nhưng tôi nghĩ rằng khả năng giành chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến về quan hệ công chúng này kém hơn vài năm trước vì tôi nghĩ rằng yếu tố quân sự [ở Biển Đông] ngày càng trở nên lộ rõ, khó có thể che giấu”.
Ông Graham nói rằng các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc đã được triển khai ra Biển Đông trước cả tàu cứu nạn.
Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể đang hy vọng sẽ đuổi kịp chính phủ các nước khác bằng việc đưa tàu cứu hộ ra vùng biển tranh chấp.
Đài Loan, đối thủ chính trị của Trung Quốc, đã thực hiện công tác nghiên cứu và cứu hộ tại Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình, hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Một quan chức tuần duyên Đài Loan nói hồi năm 2015 rằng cơ quan của ông đã cứu các ngư dân không phải là Đài Loan khỏi các cơn bão ở Trường Sa.
Năm ngoái, các binh sĩ Australia đã tham gia một cuộc diễn tập cứu hộ với lực lượng Philippines ở một vịnh gần Biển Đông.
Bà Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, cho rằng các nhà lập pháp Philippines có thể coi tàu cứu hộ của Trung Quốc với một thái độ “ngờ vực”.

VIDEO :









No comments: