Sunday, February 23, 2025

VIỆT NAM CÔNG BỐ "ĐƯỜNG CƠ SỞ" Ở VỊNH BẮC BỘ HƠN 20 NĂM SAU HIỆP ĐỊNH VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Thành / RFI)

 



Việt Nam công bố ''Đường cơ sở'' ở Vịnh Bắc Bộ hơn 20 năm sau Hiệp định với Trung Quốc

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/02/2025 - 19:46  -  Sửa đổi ngày: 22/02/2025 - 19:50

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20250222-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C6%A1-s%E1%BB%9F-%E1%BB%9F-v%E1%BB%8Bnh-b%E1%BA%AFc-b%E1%BB%99-h%C6%A1n-20-n%C4%83m-sau-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Hôm qua, ngày 21/02/2025, chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về « Đường cơ sở » tại Vịnh Bắc Bộ, hơn một năm sau khi Bắc Kinh công bố Đường cơ sở tại vùng biển này, nơi Việt Nam và Trung Quốc đã có một Hiệp định phân định ranh giới trên biển, ký kết từ hơn 20 năm trước.

 

HÌNH :

Bản đồ phân ranh giới Vịnh Bắc Bộ (Golf of Tonkin) giữa Việt Nam và Trung Quốc, và "Đường cơ sở" của Việt Nam (màu đỏ), công bố tháng 2/2025. © Wikipedia

 

Năm 1982, chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố về Đường cơ sở ven bờ biển, nối liền điểm số 0, nằm ở ranh giới Tây Nam đến điểm A11, đảo Cồn Cỏ, thuộc tỉnh Quảng Trị, miền Trung. Riêng khu vực từ đảo Cồn Cỏ đến biên giới phía Bắc, tức vùng Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam chưa xác định Đường cơ sở.

 

Theo báo chí trong nước, « Đường cơ sở » nói trên, dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, « là căn cứ để xác định ranh giới và phạm vi các vùng biển của Việt Nam theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển UNCLOS và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000 » (theo trang mạng chính phủ Việt Nam).

 

Đọc thêm :

Vịnh Bắc Bộ: Trung Quốc muốn vẽ lại ranh giới khi công bố "đường cơ sở" mới?

 

Tuyên bố về « Đường cơ sở » của Việt Nam tại Vịnh Bắc Bộ có ý nghĩa ra sao ? Trả lời RFI, nhà nghiên cứu độc lập Song Phan, chuyên theo dõi tình hình Biển Đông, từ Sydney, cho biết một số nét chính :

 

01:18

Nhà nghiên cứu Song Phan (Sydney)

 

« Đúng ra là trước khi hai bên ký hiệp định phân giới trên biển, mình đã phải có Đường cơ sở, vì từ Đường cơ sở mình đo ra mà tính Lãnh hải, và đo ra tính vùng Tiếp giáp lãnh hải và vùng Đặc quyền kinh tế, hoặc là Thềm lục địa… Nhưng khi mình ký kết hiệp định với Trung Quốc thì mình chưa có cái này. Cả hai bên đều không có.

 

Nói chung Đường cơ sở này chỉ ảnh hưởng chút xíu đến Lãnh hải thôi, còn việc phân định vùng biển, thì hai bên đã phân định rồi, thành ra không có ảnh hưởng gì hết. Không có ảnh hưởng đến việc mất mát vùng biển của Việt Nam. Mà bây giờ chỉ chủ yếu để xác định cái Lãnh hải của mình bao nhiêu, ở những phần nào, để mình bảo vệ. Và thứ hai là người bên ngoài biết Lãnh hải mình ở chỗ nào để có hành xử cho đúng. Thí dụ như việc lái tàu, nếu đi vô trong lãnh hải thì phải đi qua theo kiểu « đi lại vô hại », còn đi ngoài Lãnh hải, thì đi theo kiểu tùy ý.

 

Cái phần từ Đường cơ sở vào đến bờ thuộc về Nội thủy, tức gần như là đất liền. Tức là bên ngoài vô đó là phải có passport (hộ chiếu). Còn Lãnh hải cũng là vùng nước mình có chủ quyền, nhưng theo quy định, mọi người đều có thể « qua lại vô hại được ».

 

Tôi thấy là đường nối liền mười mấy điểm này (từ A11 đến A24) tương đối là khá tuân thủ UNCLOS. Nhưng nếu trước đây mà mình vẽ trước Đường cơ sở này thì có thể mình đã được lợi hơn trong Hiệp định phân chia vùng biển của Vịnh Bắc Bộ. »

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - BÃI THUYỀN CHÀI

Biển Đông: Trung Quốc phản đối Việt Nam bồi đắp, mở rộng “tiền đồn” ở quần đảo Trường Sa

 

NHẬT - MỸ - BIỂN ĐÔNG

Mỹ - Nhật lên án những "hành vi khiêu khích" của Trung Quốc ở Biển Đông

 

Tạp chí Việt Nam

Biển Đông: Quan hệ Việt-Trung hữu hảo, Bắc Kinh giảm bớt áp lực với Hà Nội

 

 

 

 

 


No comments: