Nguyễn Hải Hoành
29/11/2019
Mới đây Michael Bloomberg đã chính thức tuyên
bố sẽ tham gia cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong thành phần Đảng
Dân chủ. Bloomberg cho biết trước đây ông từng nói sẽ không ra tranh cử, nhưng
nay lại thay đổi quyết định bởi lẽ ông không nghĩ rằng các ứng viên Tổng thống
đại diện đảng Dân chủ hiện nay có thể đánh bại được ông Trump.
Michael Bloomberg cùng những người Mỹ
"gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái
gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây, ở tuổi 77, ông muốn
trở thành Tổng thống nước Mỹ. - Ảnh minh họa
Vài nét
tiểu sử
Michael Bloomberg sinh năm 1942 trong một gia
đình Do Thái bình thường. Khi còn là sinh viên đại học, ông vừa đi học vừa tự
kiếm sống bằng mọi cách, kể cả lao động chân tay. Từ hồi ấy ông đã say mê môn
tin học và tỏ ra có năng khiếu xuất sắc trong lĩnh vực này.
Năm 1966, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị
kinh doanh Đại học Harvard, Bloomberg làm giao dịch viên chứng khoán cho
Salomon Brothers, một công ty hàng đầu phố Wall. Chàng trai Bloomberg 24 tuổi
làm việc mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 12 giờ.
Nhờ cần cù như thế và nhờ có đầu óc kinh
doanh nhạy bén kèm theo tầm nhìn xa xuất chúng, sáu năm sau ông trở thành cổ
đông của công ty này, và cứ thế dần dần tiếp quản hầu hết mọi thứ của công ty,
từ cổ phiếu, nghiệp vụ giao dịch và bán hàng cho tới hệ thống thông tin.
Thế nhưng năm 1981, nội bộ Salomon Brothers xảy
ra một cuộc đấu đá. Do tính nói thẳng hay làm người khác mất lòng mà Bloomberg
bị hất ra khỏi công ty sau 15 năm cúc cung tận tụy làm việc.
Nhưng cú vấp ngã đau điếng này chẳng hề làm
ông nản chí. Bloomberg sử dụng khoản tiền 10 triệu dollar công ty bồi thường để
khởi đầu một sự nghiệp mới – lập công ty dịch vụ phần mềm tài chính lấy tên
là Innovative Market Systems (năm 1986 đổi tên là Bloomberg
L.P.).
Ý tưởng này xuất phát từ sự phân tích sáng suốt
của Bloomberg, một người vừa nắm vững kiến thức chứng khoán, nghiệp vụ đầu tư lại
cực giỏi về ứng dụng công nghệ máy tính. Ông thấy trước các công ty tài chính
làm đầu tư, ngân hàng… sẽ cực kỳ cần sử dụng dịch vụ phần mềm máy tính để tăng
hiệu suất công việc.
Quả vậy, năm 1982, công ty chứng khoán hàng đầu
Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của Innovative Market Systems, họ
nhận đặt 20 thiết bị đầu cuối và đầu tư 30 triệu USD mua 30% cổ phần của công
ty.
Nhờ đó công ty của Bloomberg phát triển nhanh
như thổi với tốc độ 40% mỗi năm. Số thiết bị đầu cuối từ 5000 năm 1987 tăng lên
hơn 250 nghìn năm 2009.
Năm 1990 Michael
Bloomberg (và Matthew Winkler) thành lập hãng thông tấn Bloomberg
News để cung cấp báo cáo tin tức tài chính cho các thuê bao của
Bloomberg Terminal. Tại thời điểm năm 2010, Bloomberg News có
hơn 2.300 biên tập viên và phóng viên tại 72 quốc gia và
146 văn phòng tin tức trên toàn thế giới. Sau 22 năm ra đời, Bloomberg News đạt
được thu nhập cao hơn cả Tập đoàn thông tấn Reuteus lớn nhất thế giới, có lịch
sử 150 năm.
Tiếp đó Bloomberg lập đài phát thanh, đài
truyền hình và website đều lấy tên mình. Kênh truyền hình Bloomberg phát suốt
ngày đêm ; là nguồn cung cấp tin tức gốc có tín nhiệm trên các lĩnh vực kinh tế,
tài chính-tiền tệ toàn thế giới.
Cùng với các thành tích đó, Michael Bloomberg
trở thành người giàu nhất thành phố New York và giàu thứ 5 nước Mỹ với tài sản
cá nhân lên tới 16 tỷ dollar (3/2009 ; năm 2019 là 55 tỷ). Chỉ trong hai năm
ông nhảy từ bậc thứ 142 lên bậc thứ 17 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế
giới của tạp chí Forbes (2019 là thứ 7). Thật là một kỳ tích !
Xin làm
đầy tớ dân
Sau nhiều năm làm chủ một tập đoàn khổng lồ,
năm 2001 Bloomberg từ chức CEO để ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New
York.
Với một quá khứ thành đạt hiếm có và đề cương
tranh cử xuất sắc được lòng dân, lại biết khéo léo sử dụng hệ thống thông tin
truyền thông rộng lớn của mình phục vụ tranh cử, Bloomberg đã trúng cử và từ
1/1/2001 trở thành thị trưởng nhiệm kỳ thứ 108 của thành phố New York.
Tháng 11/2005 ông tái đắc cử chức vụ này cho
tới hết năm 2013.
Cần nói là do tự bỏ tiền túi (69 triệu đô-la)
vào việc tranh cử, vì thế ông có thể đàng hoàng tuyên bố : sau khi trúng cử,
chính sách của ông sẽ không chịu ảnh hưởng của những người quyên góp tiền cho
tranh cử. Đúng vậy, thời gian nắm quyền, thị trưởng Bloomberg đã hành xử hoàn
toàn vì dân chúng New York mà không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào ;
chẳng ai có thể can thiệp vào các quyết định của ông.
Ở nước Mỹ, rời thương trường sang chính trường
có nghĩa là phải chấp nhận sự hy sinh đáng kể về lợi ích kinh tế. Có người nói
đùa : Bloomberg chán làm ông chủ rồi, nay muốn làm… đầy tớ.
Đúng vậy, làm quan ở Mỹ thực sự là làm đầy tớ
dân, luôn bị đặt ở vị trí trên đe dưới búa rìu dư luận, bị giới truyền thông
luôn theo dõi, soi mói bới lông tìm vết việc công việc tư ; ai không năng nổ
tích cực, không thay đổi được tình trạng cũ, ai làm dở hoặc chỉ làm được ít việc,
hoặc đời tư có bê bối gì là lập tức bị dân công khai chê bai, phê phán thâm chí
chửi bới trên báo đài. Chưa kể lương bổng của quan chức nhà nước bao giờ cũng
thấp hơn nhiều so với làm kinh doanh bên ngoài. Chẳng hạn ông Bush con khi làm
Tổng thống được lĩnh lương 400.000 đô la/năm, trước đó mỗi năm ông bỏ túi hàng
triệu đô la nhờ kinh doanh dầu mỏ.
Thế mà Bloomberg đã làm tốt công việc thị trưởng
thành phố lớn nhất (hơn 8 triệu dân) và phức tạp nhất nước Mỹ này suốt cả hai
nhiệm kỳ.
Trước đây ông là đảng viên Đảng Dân chủ nhưng
năm 2001 chuyển sang Đảng Cộng hòa ; năm 2007 ông rời Đảng Cộng hòa, năm
2018 lại gia nhập Đảng Dân chủ.
Bloomberg là con người tổng hợp nhiều tính
cách : vừa là nhà chính trị vừa là đại gia truyền thông, đại gia tài chính tiền
tệ, chuyên gia tin học… Rõ ràng, từng ấy thứ chung đúc lại trong một con người
thì người đó nhất định phải có nhiều phẩm chất ưu tú xuất chúng.
Thị trưởng
không có văn phòng làm việc riêng, không có thư ký riêng
Sau khi tuyên thệ nhậm chức thị trưởng ngày
01/01/2002, Bloomberg thề quyết mang phong cách làm việc hoàn toàn mới vào cơ
quan công quyền của thành phố. Ai từng đến tòa Thị chính New York đều vô cùng
ngạc nhiên khi thấy thị trưởng thành phố khổng lồ này không có văn phòng làm việc
của mình.
Ông cho cải tạo một hội trường lớn thành nơi
làm việc chung toàn cơ quan của tòa thị chính, một văn phòng hoàn toàn mở với
dân chúng. Bản thân Bloomberg ngồi một bàn một ghế giữa đám nhân viên của mình.
Ông từng nói "Tường ngăn là vật chướng ngại, công việc của tôi là phá hết
tường ngăn".
Tuần san Time bình luận :
"Bloomberg đem lại cho thành phố New York hiệu suất và tính công khai
trong suốt của công việc, đây là điều chưa từng có".
Cũng vậy, thị trưởng Bloomberg không có thư
ký riêng. Bất cứ ai, từ dân thường tới nhà lãnh đạo, đều có thể tiếp xúc thẳng
với ông mà không qua một trung gian nào. Tất nhiên vì thế ông bận rộn hơn vì chẳng
có người giúp những việc có tính hành chính sự vụ.
Không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà thực
sự công tác quản lý thành phố New York đã có tiến bộ trông thấy, chả thế mà ông
tái đắc cử thị trưởng. Tỷ lệ phạm tội giảm dần, kinh tế các vùng được kích
thích tăng trưởng, thâm hụt ngân sách giảm dần, chất lượng sống của người dân
được cải thiện với những biện pháp như cấm hút thuốc lá tại nhà hàng và quán rượu,
cấm làm ồn trên đường phố. Việc thiết lập các đường dây nóng tố giác tội phạm
và tư vấn đã tăng được sự giao lưu giữa chính quyền với dân …
Thị trưởng
đi làm bằng tàu điện ngầm
Ngay từ hôm đầu tiên nhậm chức, Bloomberg đi
làm bằng tàu điện ngầm (subway). Người dân New York đã quen thấy ngài thị trưởng
của mình không kiếm được chỗ ngồi (vì tàu quá đông), mỗi lần đi làm và về nhà
đành phải đứng nửa giờ trên tàu. Mới đầu nhiều người cho rằng đây chẳng qua là
ngài tân thị trưởng muốn chơi trội một thời gian thôi, nhưng khi thấy ông đi
tàu điện hết năm này sang năm khác thì người ta thực sự kính nể con người ý chí
sắt đá này.
Bloomberg tâm sự : đi tàu điện ngầm vừa tiết
kiệm tiền vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, mặt khác lại có dịp tiếp xúc trực
tiếp với quần chúng loại thu nhập thấp nhất (đa số người thu nhập trung bình trở
lên đều đi xe riêng), chưa kể lại còn có điều kiện hiểu rõ công việc ngành giao
thông thành phố, ngoài ra còn góp phần hóa giải nỗi lo của dân chúng về sự an
toàn của tàu điện ngầm sau vụ khủng bố 11/9. Đúng là nhất cử đa tiện. Thật khó
hiểu nhà tư bản giàu nứt đố đổ vách ấy lại có thể chịu gian khổ, chịu "mất
thể diện lãnh đạo" như vậy.
Thị trưởng
không lương
New York đông dân, sản lượng kinh tế cao hàng
đầu trong số các thành phố ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 40.450 USD/năm
(2001), vì thế thị trưởng New York có mức lương khá cao so với nhiều thành phố
khác. Thế nhưng Bloomberg ngay từ đầu đã tuyên bố ông chỉ nhận mức lương tượng
trưng là 1 USD/năm – điều chưa từng có tại New York. Năm 2005 chính khách
"gàn dở" này thắng cử chức thị trưởng nhiệm kỳ thứ hai.
Nước Mỹ có không ít người như thế, chẳng hạn
ông Hindman, thị trưởng thành phố Columbia bang Missouri 5 nhiệm kỳ liền (từ
1995 tới nay) cũng không nhận lương và cả đời đi làm bằng xe đạp. Vợ chồng ông
chỉ sống bằng lương hưu. Rõ ràng họ thực sự muốn làm việc vì dân, hoàn toàn chẳng
vì danh lợi. Nhưng không vì thế mà họ làm việc kém hiệu quả.
Nhà từ
thiện hào hiệp
Như mọi người Do Thái giàu có khác, Bloomberg
rất tích cực làm từ thiện giúp đồng bào mình, đúng theo Kinh Thánh dạy.
Theo Biên niên sử Từ thiện, hàng
năm Bloomberg đều đặn hiến tặng hoặc cam kết hiến tặng tiền cho công tác từ thiện
với quy mô như sau : năm 2004 tặng 138 triệu, năm 2005 – 144 triệu, năm 2006 –
165 triệu và năm 2007 – 205 triệu đô-la.
Năm 2007, Michael Bloomberg trở thành nhà từ
thiện lớn thứ 7 của nước Mỹ. Năm 2008, website Bloomberg công bố góp 500 triệu
USD cùng với Bill Gates thực hiện dự án giúp chính phủ các nước đang phát triển
kiểm soát thuốc lá. Như vậy tức là năm sau ông hiến nhiều hơn năm trước.
Nơi được Bloomberg quyên tặng tiền đều là các
tổ chức giáo dục, y tế… Chẳng hạn ông từng góp hơn 300 triệu đô la cho Đại học
Johns Hopkins, nơi ông từng học tập và sau đó thời gian 1996-2002 làm chủ tịch
hội đồng quản trị nhà trường.
Tháng 6/2010, hai tỷ phú giàu nhất thế giới
là Gates và Buffett ra "Tuyên ngôn Cam kết hiến tặng", kêu gọi các
nhà giàu Mỹ cùng hai ông cam kết trong quãng đời còn lại của mình hoặc sau khi
chết sẽ hiến tặng xã hội ít nhất một nửa tài sản. Bloomberg là người đầu tiên
hưởng ứng phong trào Cam kết hiến tặng (Giving Pledge campaign) này.
Michael Bloomberg cùng những người Mỹ
"gàn dở" như ông đã góp phần hoàn thiện xã hội Mỹ, làm phong phú cái
gọi là "sức mạnh mềm" của đất nước này. Giờ đây ở tuổi 77 ông muốn trở
thành Tổng thống nước Mỹ. Với tài sản nhiều hơn khoảng 17 lần đương kim Tổng thống
Trump, liệu Bloomberg có được toại nguyện ?
Nguyễn Hải Hoành