Hậu
quả của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đối với Ba Lan
Piotr Arak - BPB
Đỗ Kim Thêm, dịch
30/06/2022
https://baotiengdan.com/2022/06/30/hau-qua-cua-cuoc-chien-tranh-xam-luoc-ukraine-cua-nga-doi-voi-ba-lan/
Tóm
tắt: Là một
lân bang, Ba Lan đang gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến tranh
xâm lược của Nga tại Ukraine. Cuộc xung đột vũ trang đã tác động đến từng người
dân Ba Lan, một phần vì sự hiện diện của người tị nạn ở Ba Lan. Do Belarus hỗ
trợ, sự xâm lược của Nga tại Ukraine ngoài ra cũng có tác động đến toàn cầu và
cả nền kinh tế Ba Lan. Các hậu quả của chiến tranh đã thể hiện rõ trong các chỉ
số lạm phát, tâm lý xã hội, thị trường lao động, khí đốt và dầu mỏ.
***
Trong năm
nay, do hậu quả của cuộc gây chiến của Nga tại Ukraine, mức tăng trưởng kinh tế
Ba Lan có thể thấp hơn khoảng 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt là cuộc
chiến dẫn đến sự suy yếu đáng kể các hoạt động trong khu vực sử dụng đồng euro.
Vào tháng 12 năm 2021, Viện Kinh tế Ba Lan (Polski Instytut Ekonomiczny – PIE)
dự đoán là GDP sẽ tăng lên 4,3%. Hiện nay, không thể ước tính đầy đủ và chính
xác về tác động kinh tế và tài chính của cuộc chiến Ukraine đối với nền kinh tế
Ba Lan. Do cuộc chiến còn đang tiếp diễn, các hậu quả này sẽ chịu những rủi ro
cực kỳ bất thường, ngoài ra cũng còn kèm theo sự bất trắc về hậu quả của chính
sách Zero-Covid của Trung Quốc và các hạn chế nghiêm trọng liên quan đến đại dịch,
hiện đang ảnh hưởng ngày càng nhiều trong các khu vực công nghiệp của Trung Quốc.
Theo các
nghiên cứu của PIE và Ngân hàng Kinh tế Quốc gia (Bank
Gospodarstwa Krajowego – BGK) vào tháng 3 năm 2022, cuộc
chiến Ukraine là mối đe dọa đối với các hoạt động kinh tế của 42% các doanh
nghiệp được khảo sát. 54% các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, giao hàng và
hậu cần bày tỏ mối quan tâm nhất. Cũng trong lĩnh vực xây dựng, 42% các doanh
nghiệp cho thấy các rủi ro nghiêm trọng hoặc rất cao đối với các hoạt động của
họ. Nỗi lo sợ của các doanh nghiệp Ba Lan đã được nhìn thấy trước khi Nga bắt đầu
xâm lược, nhưng hiện nay thậm chí trở nên rõ ràng hơn. Cuộc chiến Ukraine cũng
gây rất nhiều bất ổn giữa các doanh nghiệp có liên quan đến tình hình kinh tế,
3/4 các doanh nghiệp tin rằng đây là một trở ngại rõ ràng cho kinh doanh.
Hậu quả rõ
ràng nhất của cuộc chiến đối với nền kinh tế Ba Lan là các nguồn năng lượng
ngày càng đắt đỏ, đáng chú ý là việc tăng giá tại các trạm xăng. Nếu giá hàng
nguyên liệu tăng cao kéo dài trong một thời gian, sức mua của hộ gia đình sẽ bị
ảnh hưởng đáng kể, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm mức tăng trưởng kinh tế
trong năm nay.
Mặt khác,
có dự kiến là dòng người tị nạn từ Ukraine sẽ làm tăng các chi phí về tiêu
dùng. Chi phí bảo trợ cho một triệu người đến Ba Lan sẽ lên tới hơn 20 tỷ
Zlotys mỗi năm, tức là khoảng 1% GDP. Tuy nhiên, mức chi tiêu có thể dao động,
vì một số người tị nạn sẽ chuyển đến các nước Tây Âu (bao gồm Đức, Tây Ban Nha
và Ý) và một số trở về Ukraine.
Do mức xuất
khẩu sang Ukraine và Nga giảm đi, nên tác động trước mắt đối với nền kinh tế Ba
Lan được ước tính là vừa phải, vì tỷ lệ của các quốc gia này trong mức xuất khẩu
của Ba Lan chiếm không cao quá đặc biệt. Năm 2021, con số này chỉ là 2-3%. Sự
gián đoạn nghiêm trọng có thể xảy ra là do tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực
nhập khẩu, vì Ba Lan vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu năng lượng của Nga.
Chính sách
tài sách nới lỏng hơn liên quan đến chiến tranh có thể tạo thuận lợi cho việc
tăng trưởng kinh tế Ba Lan. Chi phí ngày càng tăng cho việc trợ giúp người tị nạn
và vũ khí có thể mang lại một sự thúc đẩy tích cực cho nền kinh tế, mặc dù nó
không quá nhiều đến mức là sẽ bù đắp đầy đủ cho các ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt
động kinh tế.
Đồng thời,
chiến tranh có thể là một cơ hội lớn lao để đạt được nhanh hơn một thỏa hiệp với
các định chế của châu Âu về lĩnh vực nhà nước pháp quyền (*). Việc đề ra hiệu lực
của kế hoạch phát triển quốc gia do chính phủ Ba Lan đệ trình (mà các quỹ tài
trợ cho kế hoạch này hiện nay đang bị Ủy ban Liên Âu phong toả) sẽ là một tín
hiệu rất tích cực không chỉ cho nền kinh tế, mà còn cho các thị trường tài
chính. Do các biện pháp hành chính tiên khởi cần thiết trong việc phân bổ cho
Ba Lan, nên ảnh hưởng thực sự của các nguồn lực tài chính khả dụng theo khuôn
khổ của kế hoạch phát triển đất nước đối với nền kinh tế sẽ thể hiện vào cuối
năm 2022 và đầu năm 2023.
Dựa theo Bảng
chỉ số giá tiêu dùng, mức lạm phát được ước tính trung bình hàng năm cho năm
2022 là 10,8%. Tương tự như các dự báo tăng trưởng kinh tế, nó sẽ phụ thuộc nhiều
vào tình hình địa chính trị và giá cả hàng hóa. Giá lúa mì, ngô và dầu hiện
đang đạt gần như đến mức kỷ lục. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì
Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc đứng hàng đầu. Trong năm nay, có
thể giả định rằng thế giới không thể mong đợi Ukraine cung cấp ngũ cốc, vì đã cấm
xuất khẩu các loại cây trồng cơ bản và hoạt động của cảng Odessa sẽ còn bị gián
đoạn bởi chiến cuộc.
Chính phủ
Ba Lan ủng hộ việc duy trì cái gọi là biện pháp chống lạm phát cho đến cuối năm
2022. Điều này liên quan đến việc giảm thuế tiêu thụ gián thu, chẳng hạn như
thuế trọ giá gia tăng (VAT) đối với xăng dầu và thực phẩm. Nếu mức giảm này được
huỷ bỏ vào cuối tháng 7 năm 2022, như dự kiến ban đầu, thì đà tăng giá tiêu
dùng trong năm nay sẽ cao hơn khoảng hai phần trăm điểm so với mức trung bình
hàng năm.
Nằm trong
dự kiến là việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục. Trong các quý tới, mức lạm phát sẽ
không trở lại mức tăng hoặc giảm 1% điểm trong mục tiêu 2,5%. Cần cứu xét đến
việc giá gia tăng trong phạm vi hai con số, nên có thể giả định rằng Hội đồng
Chính sách Tiền tệ (Rada Polityki Pieniężnej) sẽ tăng lãi suất tham chiếu
của Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (Narodowy Bank Polski – NBP)
lên ít nhất 5,5%. Con số thấp hơn có thể xảy ra, nếu hoạt động kinh tế suy yếu
nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong hiện tại, chúng ta dự kiến sự suy yếu là trong
chừng mực.
Mức lãi suất
cao hơn là cần thiết để cân bằng cho nền kinh tế Ba Lan đang có phần giao động,
nhưng hậu quả sẽ là tiêu dùng ít hơn, đầu tư yếu hơn và tăng trưởng kinh tế chậm
hơn. Mức tăng trưởng GDP được đề ra trong quý IV/2021 là 7% và quý I/2022 8%
không thể kỳ vọng là đạt, do hậu quả của các vấn đề về chính sách tiền tệ và
nhu cầu, nên nền kinh tế sẽ hạ nhiệt.
Sau khi
chiến tranh bùng nổ, đồng tiền Ba Lan đã mất giá đáng kể. Vì đồng tiền Zloty vốn
dĩ đã yếu kém trước đó, trên thị trường tiền tệ Ba Lan đã đạt được các kỷ lục mới:
Hơn 5 Zlotys mới tương đương cho 1 đồng Euro và gần như nhiều hơn cho 1 đồng
Franc Thụy Sĩ. 1 đô la Mỹ đổi 4,60 Zloty là mức giá cao nhất cho đồng tiền này
trong hơn 21 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc đến việc nếu Bộ Tài
chính Ba Lan có kế hoạch trao đổi các quỹ của Liên Âu trên thị trường tiền tệ,
thì triển vọng suy yếu lâu dài của tỷ giá hối đoái Zloty là ít. Mặt khác, việc
đồng tiền Ba Lan có giá cao hơn chắc chắn sẽ có thể sẽ xảy ra, nếu các căng thẳng
địa chính trị giảm.
Do dòng
người tị nạn, tỷ giá hối đoái yếu hơn và doanh thu ngày càng tăng của các công
trái phiếu Ba Lan có nghĩa là khoảng công chi to tát không được bù đấp bởi các
nguồn thu trong hiện tại. Kết quả có thể tiên đoán là mức thâm hụt ngân sách và
nợ công ngày càng tăng. May mắn thay, sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Corona
gây ra, tình trạng nợ công và thâm hụt của Ba Lan đang trên đà đi xuống. Một
thách thức đối với ngân sách công cũng sẽ là sự gia tăng kinh phí quốc phòng.
Ngay từ năm 2023, 3% GDP sẽ được cung cấp cho mục đích này.
Mức thâm hụt
ngân sách Ba Lan năm 2021 là 1,9% của GDP và mức nợ tính theo GDP là 54%. Chính
phủ dự báo mức thâm hụt sẽ là 4,3% vào năm 2022 và sau đó hy vọng là sẽ giảm xuống
còn 3,7% của GDP và mức nợ giảm xuống còn 51,5% so với GDP (2023). Trong những
năm tiếp theo, dự báo giảm thêm xuống còn 2,5% GDP hoặc 49,7% so với GDP
(2025).
Ba Lan tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn
Đến cuối
tháng 4 năm 2022, hơn 3 triệu người đã vượt biên đến Ba Lan. Họ được cung cấp
thực phẩm, thuốc men và nhận trợ giúp xã hội. Đây là một phong trào nhập cư đến
từ Ukraine hoàn toàn khác, nếu so với cuộc chiến Donbass năm 2014. Vào thời điểm
đó, chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động đã đến Ba Lan, hàng trăm ngàn
người, họ đã tăng cường cho thị trường lao động Ba Lan và tăng hiệu quả cho nền
kinh tế Ba Lan.
Hiện nay,
nhiều phụ nữ và trẻ em đến Ba Lan, họ là những người chủ yếu gây ra chi phí
trong ngắn hạn và trung hạn. Họ được cung cấp nơi cư trú, thực phẩm, giáo dục
và chăm sóc y tế. Một đạo luật đặc biệt về viện trợ cho người Ukraine ước tính
chi phí này là 1,8 đến 3,5 tỷ Zlotys. Tuy nhiên, trên thực tế, các công chi chắc
chắn sẽ cao hơn đáng kể, đó là nghĩa vụ đạo đức của Ba Lan đối với lân bang.
Trong trung hạn, một số người tị nạn sẽ nhận việc làm và có thể tự quyết định lấy
là có nên ở lại Ba Lan hay không.
Đồng thời,
nhiều người Ukraine đang rời Ba Lan và vào quân đội Ukraine để chiến đấu cho đất
nước. Có tin cho là có đến hàng chục ngàn người về, mặc dù các con số đích thực
không được biết rõ, vì do tình hình nhập cư luôn biến động giữa Ukraine và Ba
Lan.
Ba Lan đã
có rất nhiều người tiêu dùng mới, điều này chắc chắn sẽ làm tăng doanh thu của
các chuỗi bán lẻ, và ít nhất là trong ngắn hạn, thúc đẩy cho mức tiêu dùng tư
nhân và GDP cũng như tăng số thu thuế. Tuy nhiên, về lâu dài, phần lớn chi phí
hỗ trợ cho người tị nạn sẽ phải được ngân sách chi trả.
Phong trào
tị nạn cũng có thể là một thách thức lớn đối với thị trường lao động Ba Lan.
Theo các công nhân từ Ukraine cho biết, những người di cư kinh tế đến Ba Lan
trước chiến tranh chủ yếu tìm được việc làm trong ngành xây dựng, công nghiệp
chế biến, hoạt động hành chính (bất động sản, kế toán) và các dịch vụ kinh
doanh hỗ trợ, cũng như trong lĩnh vực vận tải và kho bãi. Đa số đã làm việc ở
Ba Lan dưới trình độ của họ. Hiện nay, phụ nữ sẽ tìm kiếm việc làm. Nhìn chung
đầu tiên, có thể kết luận rằng, trong số những người tị nạn có nhiều phụ nữ có
trình độ mà Ba Lan đang có nhu cầu, thí dụ như y tá, giáo viên, thợ may, đầu bếp,
thông dịch viên và nhân viên hành chính. Do đó, có những cơ hội tương đối rộng
mở để tìm việc làm, bởi vì trong lĩnh vực sản xuất, nhờ tự động hóa và công nghệ
mới, nhiều công việc cũng có thể do phụ nữ đảm nhận mà trước đây chỉ dành cho
nam giới. PIE thực hiện các nghiên cứu và cung cấp thông tin về
các công việc tiềm năng có thể được tạo ra ở Ba Lan vào năm 2022 và sẽ được những
người tị nạn đảm nhiệm.
Dựa trên
cơ sở các chỉ số về phụ nữ trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, người ta đã
đánh giá cao mức tỷ lệ phụ nữ trong số các công nhân mới. Các ước tính cho thấy,
vào đầu tháng 3 năm 2022, các doanh nghiệp Ba Lan đã hoạch định tuyển dụng khoảng
253.000 phụ nữ trong ba tháng tới. 3/4 các công việc này nằm trong lĩnh vực ẩm
thực và khách sạn, thương mại và các dịch vụ khác, tức là các lĩnh vực đang tìm
kiếm công nhân và hướng đến việc tìm phụ nữ nhiều hơn.
Việc mở cửa
để thu dụng cho thị trường lao động và đơn giản hóa thủ tục hợp đồng nhận việc
hợp pháp ở Ba Lan, cũng như các cơ quan Lao Động sẽ tạo điều kiện tối đa để
giúp cho người tị nạn tìm việc làm và giới chủ nhân cung ứng việc. Một cơ sở dữ
liệu tổng hợp các thông tin về khả năng người tỵ nạn và nhu cầu của giới chủ
nhân qua hệ thống Woiwodschaften giúp các doanh nghiệp có thể tìm ra các thông
tin về năng lực của các nhân viên Ukraine tương ứng. Việc phân phối đồng đều
người tị nạn ở Ba Lan sẽ có tầm quan trọng đáng kể để tránh một cuộc khủng hoảng
về người tị nạn và cho phép người Ukraine tự lo sinh kế của họ. Một thách thức
sẽ là việc trẻ em Ukraine đến các trung tâm giáo dục và nhà trẻ hằng ngày, bởi
vì nhà trẻ đã có vấn đề trước khi dòng người tị nạn đến các thành phố lớn.
Những kinh
nghiệm đến nay cho thấy, chủ thường tìm nhân viên, khi ít nhất họ có thể giao
tiếp bằng tiếng Ba Lan. Trong các trường hợp riêng biệt, tiếng Anh cũng có thể
gọi là đủ. Điều này dẫn đến sự cần thiết là phải tổ chức các khóa học cơ bản về
ngôn ngữ Ba Lan, đặc biệt là đối với phụ nữ có cơ hội làm việc trong lĩnh vực y
tế, giáo dục và các lĩnh vực khác có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Trong
tương lai, việc đào tạo theo từng ngành chuyên biệt sẽ cần thiết, nhưng các chi
phí cho các khoá này mà giới chủ nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, có thể
sẽ không thể trả nổi. Đây là vấn đề mà các hiệp hội các chủ nhân và các tổ chức
công có thể giúp đở với các dự án đào tạo đặc biệt.
2/3 người Ba Lan tự nguyện giúp người Ukraine
Cuộc chiến
tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đã gây ra một làn sóng đoàn kết ở Ba Lan. Ba
Lan và Ukraine có một lịch sử chung đầy khó khăn, trong đó không thiếu chiến
tranh và tội ác. Đặc biệt, người Ba Lan bị tổn thương bởi vết thương chưa lành
của vụ thảm sát thường dân Ba Lan ở Volhynia do Quân nổi dậy Ukraine (UPA)
gây ra vào năm 1943/44. Tuy nhiên, ngày nay, người Ba Lan đã đặt lịch sử qua một
bên, mở rộng cửa và giúp đỡ những người tị nạn Ukraine.
Các cuộc
thăm dò trước khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy, người Ukraine là một trong những
dân tộc không được ưa chuộng nhất đối với người Ba Lan. Viện Thăm dò Dư luận Ba
Lan CBOS đã nghiên cứu về mối quan hệ của người Ba Lan với các
quốc gia khác trong nhiều năm: thiện cảm dành cho người Ukraine thấp hơn so với
phần lớn các quốc gia châu Âu. So với các nước láng giềng khác của Ba Lan, họ tự
đặt mình giữa người Nga, những người có ít thiện cảm nhất và người Belarus. Tuy
nhiên, kể từ những năm 1990, nói chung, mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine đã
được cải thiện. Các khảo sát của CBOS trước chiến tranh cho thấy,
41% số người Ba Lan được hỏi có mối quan hệ tích cực với người Ukraine và 25%
có thái độ tiêu cực. Đối với người Nga, thiện cảm thể hiện là 29 % và ác cảm 38
%.
Vào giữa
tháng 3 năm 2022, CBOS đã tiến hành các cuộc khảo sát về chủ đề
viện trợ mà người Ba Lan đã cung cấp cho các nước láng giềng của họ. 68% người
dân đã giúp đỡ người tị nạn Ukraine bằng hiện vật hoặc tài chính. Phần lớn người
Ba Lan, 88%, cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện liên quan đến cuộc
xâm lược Ukraine của Nga. Hơn một nửa số người được hỏi, 57%, cho biết trong cuộc
khảo sát là họ sẽ tẩy chay các sản phẩm của Nga.
Một số ít
người được hỏi cho biết đang tìm cách để bảo vệ bản thân và gia đình do những hậu
quả tiêu cực của chiến tranh có thể xảy ra. Trong nhóm này, 11% cho biết họ sẽ
tích trữ tiền mặt, 8% dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, và 4% dự trữ
xăng dầu. Ngoài ra, một số người được hỏi đã dự định hoặc cân nhắc việc di chuyển
đến một nơi an toàn hơn, với nhiều người (8%) xem xét việc rời khỏi đất nước
hơn là đi nơi khác trong Ba Lan (4%).
Nhà nước
Ba Lan cũng phản ứng bằng các biện pháp trợ giúp. Giá trị ước tính về viện trợ
quân sự của Ba Lan cho Ukraine là bảy tỷ Zlotys (1,5 tỷ euro). Vào tháng 3,
Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Ukraine một hình thức
trao đổi tiền tệ trị giá 963 triệu euro (**). Nếu tính bao gồm cả giá trị viện
trợ nhân đạo, viện trợ của Ba Lan cho Ukraine đã lên tới hơn 2,5 tỷ euro. Tuy
nhiên, số tiền này không tính đến số tiền viện trợ cho người tị nạn mà chính phủ
Ba Lan ước tính sẽ trả thêm 2,1 tỷ euro (mười tỷ Zloty) cho đến cuối năm nay, số
chu cấp tài chính cho người tị nạn, hoàn trả chi phí cho những người dân tiếp
nhận người tị nạn và các qũy bổ sung cho chính quyền địa phương để nâng cấp trường
học.
Một phần
chính của sự hỗ trợ này là cấp tiền cho các gia đình Ba Lan mà họ cung cấp một
căn hộ hoặc chỗ ở cho người tị nạn. Theo ước tính của chính phủ, dựa trên dữ liệu
của chính quyền địa phương, khoảng 600.000 người sử dụng khoản hỗ trợ này. Nếu
tính đến số trợ cấp tiền mặt được sử dụng cho chỗ ở và thực phẩm của người dân
Ukraine (40 Zloty mỗi ngày), giá trị của khoản viện trợ này lên tới khoảng 720
triệu Zlotys.
Điều quan
trọng trong bối cảnh này là việc trả tiền cho các gia đình sau khi họ nhận được
mã số PESEL, một loại mã số mà dân Ba Lan sử dụng để liên lạc với
chính quyền, và sau này thực tế đánh đồng công dân Ukraine với người Ba Lan sau
hai năm. Do cuộc chiến còn đang diễn ra, nên việc chu cấp cho những người hỗ trợ
người tị nạn sẽ được gia hạn (từ 60 ngày lên 120 ngày). Những người tị nạn
nghèo nhất có thể nhận được trợ cấp xã hội trong những điều kiện tương tự như
người Ba Lan, tức là không chỉ tiền dành cho trẻ em nói chung “trong khoảng
trên 500 ” cho mỗi đứa trẻ, mà còn các dịch vụ chăm sóc khác. Ngoài ra, mỗi người
Ukraine nhận được một khoản tiền chào mừng là 300 Zloty và tiền Hryvnia của
Ukraina, gây ra các vấn đề trong việc trao đổi tiền tệ trong các ngân hàng nhà
nước PKO BP và Pekao SA. Việc này được phối hợp
của NBP ở một tỷ lệ cố định (0,14 Zloty cho mỗi Hryvnia; tối
đa 10.000 Hryvnia cho mỗi người).
Ngoài việc
tiếp nhận riêng người tị nạn, người Ba Lan đã cung cấp các phương tiện vận chuyển
người tị nạn từ Ukraine và quyên góp tiền cho những người còn ở lại Ukraine.
Hàng ngàn tình nguyện viên đã tổ chức các trạm tiếp đón nhận người tị nạn, phân
phối các hiện vật quyên góp, cung cấp thông tin và chỉ dẫn về pháp lý, cung cấp
hỗ trợ tâm lý và trợ giúp ngôn ngữ. Gần hai tuần sau khi chiến tranh bùng nổ,
riêng tại Warsaw có hơn 6.000 tình nguyện viên đã đăng ký tình nguyện giúp cho
người tị nạn Ukraine. Theo đó, người ta có thể ước tính, trong cả nước có ít nhất
là vài chục ngàn người. Người Ba Lan cũng trao các khoản quyên góp bằng hiện vật,
bao gồm thuốc men, quần áo, thực phẩm, vật phẩm vệ sinh. Mức độ dấn thân thiện
nguyện và phân phối các khoản đóng góp bằng hiện vật không thể xác định được
giá trị tài chính thực sự.
Chỉ có một
phần dữ liệu trong phần sưu tầm mức quyên góp qua Internet là khả dụng, bởi vì
không phải tất cả các nhà tổ chức đều công bố thông tin về số tiền thu được.
Các tin về số lượng quyên góp lớn nhất, được điều hành bởi các tổ chức phi lợi
nhuận nổi tiếng, mang lại hơn 100 triệu Zloty (bao gồm Fundacja
Siepomaga gần 50 triệu Zloty, Polska Akcja Humanitarna khoảng
30 triệu Zloty, Zundacja Pomagam.pl gần 11,5 triệu
Zloty). Caritas Polska đã quyên được hơn 100 triệu Zlotys
(ngoài các khoản quyên góp bằng hiện vật ước tính khoảng 136 triệu Zlotys). Tuy
nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ của số hỗ trợ thực tế được cung cấp – vì nhiều
khoản gây quỹ được thực hiện trong các doanh nghiệp, trường học, v.v. và kết quả
của họ không được công bố, cả danh sách cuối cùng cũng như ước tính theo mẫu đại
diện đều không thể thực hiện được.
Ngoài ra,
còn có sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các chuỗi bán lẻ lớn nhất,
ngân hàng, nhà cung cấp điện thoại di động, các doanh nhân ngành xây dựng. Giá
trị hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn nhất hoặc hiệp hội các ban ngành thường vượt
quá một triệu Zloty. Nhiều doanh nghiệp không công bố dữ liệu về sự đóng góp của
họ, điều này gây khó khăn cho việc ước tính ngay cả giá trị quyên góp.
Ba Lan trên đường độc lập khỏi năng lượng Nga
Phản ứng
trước sự xâm lược của Nga với Ukraine là nhiều quốc gia phương Tây muốn trở nên
độc lập với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, vì Nga có thể sử dụng số tiền
thu được từ việc bán để tài trợ cho các thiết bị quân sự. Đối với Ba Lan, các hợp
đồng dài hạn về cung cấp khí đốt và dầu mỏ của Nga sẽ sớm kết thúc. Vào tháng 4
năm 2022, chính Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, do đó, nó phủ đầu cho
việc chấm dứt hiệp ước. Tuy nhiên, Ba Lan đã chuẩn bị cho điều này. Các cơ sở tồn
trữ khí đốt ở Ba Lan đã đong đầy với 76%, trong khi mức trung bình của Liên Âu
là 32%.
Vào cuối
năm 2019, sản lượng khí đốt tự nhiên ở Ba Lan chỉ đạt dưới 5 tỷ m3, phục vụ khoảng
1/4 nhu cầu trong nước, đứng ở mức 20 tỷ m3 vào năm 2019.
Tiến trình
làm bớt phụ thuộc khí đốt của Nga đã diễn ra từ lâu ở Ba Lan. Trong các năm từ
2015 đến 2019, tỷ trọng khí đốt nhập khẩu của Nga đã giảm khoảng 17 phần trăm
điểm. Ba Lan nhập khoảng 17,5 triệu m3, trong đó 10 triệu m3 đến từ Nga, chiếm
55% trong tổng số nhập khẩu.
Mặc dù
trong thực tế, hơn một nửa số lượng khí đốt nhập khẩu của Ba Lan đến từ Nga, việc
thay thế nguyên liệu thô của Nga có thể được là nhờ sự đa dạng hóa dần dần của
các tuyến đường cung cấp. Năm 2022, đã có kế hoạch cho việc bắt đầu vận chuyển
khí đốt từ thềm lục địa Na Uy thông qua đường ống dẫn khí Baltic Pipe có
công suất hàng năm là mười tỷ m3, cũng như dự kiến đưa vào vận hành đường ống dẫn
khí Ba Lan-Lithuania (GIPL), nó tạo điều kiện cung cấp khí đốt từ nhà ga
khí đốt ở Klaipeda. Điều này có thể làm thay thế cho một phần nguồn cung cấp
khí đốt của Nga. Ngoài ra, cũng có kế hoạch tăng công suất của nhà ga LNG ở
Świnoujście lên 6,2 tỷ m3 vào năm 2022/23 và lên khoảng 8,3 tỷ m3 mỗi năm từ đầu
năm 2024. Việc mở rộng này cho phép một số cung ứng lớn LNG được chuyển đến Ba
Lan, ví dụ từ Mỹ và Qatar. Năm 2019, Ba Lan đã nhập khẩu khoảng 3,5 triệu m3
LNG, bao gồm 950.000 m3 từ Mỹ và 2,3 triệu m3 từ Qatar.
Liên quan
đến việc Ba Lan nhập khẩu dầu của Nga, chính phủ Ba Lan tuyên bố rằng, các hợp
đồng cung cấp có thời hạn sẽ hết hạn vào đầu năm 2022/23 và họ không có kế hoạch
ký kết các hợp đồng mới. Ba Lan cũng từ bỏ việc nhập khẩu than của Nga.
Điều quan
trọng là toàn bộ châu Âu phải loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Liên
Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga chiếm khoảng 45% trong tổng số lượng nhập khẩu và
phục vụ 40% cho nhu cầu. Tương tự như trường hợp dầu mỏ, các quốc gia Đông và
Trung Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Tuy nhiên, về mặt
danh nghĩa, các nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất là Đức, Ý, Hungary và Hà Lan.
Tháng 3
năm 2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một kế hoạch tạm thời về cách Liên Âu có thể
trở nên độc lập với nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030 và kêu gọi giảm
65% nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2022. Tính toán của PIE cho thấy, nhờ đa dạng
hóa nguồn cung, thay thế khí đốt bằng năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân
và than đá, cũng như khai thác tiềm năng tiết kiệm (bao gồm thiết lập làm mát
thấp hơn hai độ cho các hệ thống điều hòa không khí vào mùa hè) và các biện
pháp tương ứng về phía nhu cầu để giảm tiêu thụ trong công nghiệp, việc giảm
khoảng 91% nhập khẩu khí đốt sẽ có thể khả thi trên toàn Liên Âu.
Hơn nữa,
việc đa dạng hóa lâu dài nguồn cung dầu không đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng đáng
kể. Hiện nay, hầu hết việc nhập khẩu vào Liên Âu diễn ra bằng đường biển. Vào
năm 2021, thậm chí không một nửa công suất của NAFTOPORT Ba
Lan (Gdansk/Gdańsk) được sử dụng. Sự gia tăng sản lượng dầu ở Nam Mỹ sẽ cho
phép chúng ta chỉ nhận được dưới một triệu thùng mỗi ngày, tức là khoảng 40% lượng
dầu nhập khẩu từ Nga. Trong các cuộc đàm phán thuận lợi với các nước OPEC, bao
gồm Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran, châu Âu có thể
ngừng mua dầu của Nga, gình lấy được phương tiện của Nga dùng để tài trợ cho sự
xâm lược chống lại các nước láng giềng.
***
Piotr Arak là Giám đốc Viện Kinh tế Ba Lan
(Polski Instytut Ekonomiczny – PIE), Warsaw. Trước đây, ông làm việc trong
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Bộ Hành chính và Số hóa Cộng hòa Ba Lan
và Phủ Thủ tướng. Chuyên đề nghiên cứu của ông là chính sách kinh tế, số hóa và
các vấn đề quốc tế.
_________
Phụ
chú của người dịch:
(*) Trước
đây, các dự án cải cách tư pháp tại Ba Lan đã gây xung đột gay gắt với Liên Âu.
Cuộc chiến Nga-Ukraine làm xoa dịu các tranh chấp.
Trong
chuyến viếng thăm Warsaw ngày 2/6/2022, Chủ tịch Ủy ban Liên Âu Ursula von der
Leyen thông báo, sau khi kiểm tra, các khoản tiền dự định tài trợ cho Kế hoạch
Krajowy Odbudowy (KPO) do Ba Lan đệ trình bị đóng băng theo cơ chế pháp quyền của
Liên Âu nay được giải toả và việc giải thể Phòng Kỷ luật của Tòa án Tối cao
(Sąd Najwyższy – SN) là điều kiện cho việc giải ngân. Biện pháp này bắt đầu thực
hiện trong một vài tháng tới.
Các nhà
phê bình chế độ tiếp tục lo ngại rằng việc cải cách về nhà nước pháp quyền của
Ba Lan sẽ không có những thay đổi sâu rộng; ngược lại, các chính sách mị dân và
độc tài ngày càng nhiều làm cho nền dân chủ sẽ lâm nguy.
(**) Một
loại hợp đồng trao đổi giữa hai loại tiền tệ theo tỷ giá hối đoái cố định tại một
thời điểm thỏa thuận trong tương lai.