Tuesday, June 30, 2015

Trần Quang Cơ với quan hệ Việt - Mỹ (Đinh Hoàng Thắng - Viet Studies)





Đinh Hoàng Thắng
Viet Studies    1-7-2015

Đôi lời : Bản gốc của tác giả (do một thân hữu gửi cho viet-studies). Một 'phiên bản" của bài này cũng được Vietnamnet (mục Tuần Việt Nam) đăng hôm nay, nhưng với một tựa đề khác, do tòa soan VNN đặt. VNN cũng cắt bỏ nhiều đoạn rất "lý thú". 

Viet-studies đã đối chiếu bản của VNN và bản gốc như sau đây :

TẠI SAO PHẢI CẮT XÉN?
 
Viet-studies xin đăng dưới đây bản gốc bài Trần Quang Cơ với quan hệ Việt – Mỹ” của  Đinh Hoàng Thắng (tựa đề do chính tác giả đặt). Bản này đã được gửi cho Vietnamnet, và được đăng với tựa đề do tòa soạn Vietnamnet đặt: "Ông Trần Quang Cơ: Người thúc đẩy bình thường hóa Việt- Mỹ" (http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/247889/ong-tran-quang-co--nguoi-thuc-day-binh-thuong-hoa-viet--my.html)

So sánh bản trên VNN (đã được tòa soạn "biên tập") với bản gốc(viet-studies tô vàng những chỗ bị cắt bỏ hoặc thay đổi), có thể thấy vài sự vênh nhau như sau :

(1) Tên và nội dung bài viết đề cập đến công lao Trần Quang Cơ đối với toàn bộ vấn đề Việt – Mỹ chứ không chỉ bó hẹp vào mỗi một khâu “bình thường hóa quan hệ”. Tại sao lại phải “ăn bớt” công lao của cụ như thế?

(2) Bỏ đoạn Mãi tới năm 2009, nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông mới “bật mí” cái triết lý sống còn về an ninh quốc gia với truyền thông: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Tại sao VNN lại bỏ đoạn này? Có phải vì  VNN không muốn ai nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc và dấu nhẹm luôn cả cái kế sách mà Trần Quang Cơ tâm đắc?

(3) VNN lại bỏ luôn cả ý “phi ý thức hệ” trên sap-pô bài của Đinh Hoàng Thắng và cuốn Hồi ký của cụ (chú thích [5]). Vì sao?

(4) Đặc biệt hơn, VNN thay hai cái subtitles để giảm nhẹ hai nội dung bản gốc muốn nhấn mạnh. (a) Thay subtitle thứ nhất là bỏ luôn cả sự tiếc nuối của cụ Cơ, mà tác giả đã hàm ý an ủi cụ, “Muộn còn hơn không”. Thay subtitle thứ hai làm thay đổi hoàn toàn thông điệp của cả người đã khuất lẫn tác giả ĐHT. Câu cuối cùng bài viết trích tâm sự cụ Cơ Tiếc thay hiện nay điều đó còn là sự mong đợi của chúng ta” bị VNN “quên” hay “cố cắt bỏ”; thành ra tâm sự của cụ Cơ (trên bản của VNN) trở thành một thông điệp sáo rỗng, một lời khuyên chung chung. Trong khi đó, với câu kết này (trên bản gốc), cụ Trần Quang Cơ đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ và nghiêm trọng về quan hệ hiện nay giữa đảng và dân.

Bái phục các biên tập viên của VNN/TVN, phân ưu với cụ Cơ, gia quyến và tác giả!

----------------------

Trần Quang Cơ với quan hệ Việt - Mỹ

Đinh Hoàng Thắng

Bản lĩnh Trần Quang Cơ từ trong sâu thẳm luôn chủ trương xây dựng một nền ngoại giao phi ý thức hệ, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ đến cùng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bang giao Việt – Mỹ hiện nay đã và đang phát triển vượt bậc. Nhất là xét trong bối cảnh lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị thăm chính thức Hoa Kỳ vào đầu tháng 7 này.

Nền ngoại giao “Đổi mới” với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đã được khởi động vào thời điểm then chốt năm 1991 (Đại hội 7 ĐCS). Chính cái “nhân” gieo thuở ấy đã mang lại mùa gặt hứa hẹn hôm nay.

Tuy nhiên, hàng thập kỷ sau này khi nhìn lại, cựu Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ vẫn cảm thấy có phần tiếc nuối. Theo ông, những việc cần thiết làm với Mỹ, trên thực tế chúng ta đã tiến hành, nhưng “chậm trễ tới cả mười năm”[1].

Muộn còn hơn không

Giờ thì đã quá muộn để có thể hỏi trực tiếp cựu Thứ trưởng Thứ nhất Trần Quang Cơ về cách ông tính như thế nào để đưa ra chỉ dấu cho thấy, chúng ta triển khai một kế sách về an ninh quốc gia quan trọng dường ấy mà để muộn mất cả chục năm. Chúng ta rất muốn hỏi ông nguyên nhân tại sao. Không phải để quy trách nhiệm, mà cái chính là để rút bài học cho hiện tại và cho tương lai.

Kế sách ấy, hồi bấy giờ chắc chắn đóng dấu “Tuyệt Mật” và hầu như khả năng các nhà báo tiếp cận tài liệu chắc bằng “không”. Mãi tới năm 2009, nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông mới “bật mí” cái triết lý sống còn về an ninh quốc gia với truyền thông: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”[2].

Và cũng trong năm 2009 ấy, khi được hỏi, nếu nghĩ lại, ông có thấy trước đây những cơ hội nào bị bỏ lỡ, những điều gì Việt Nam có thể làm khác không, ông Cơ đã thẳng thắn: “Tôi thấy điều có thể làm khác là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm hơn. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ”[3].

Quả thật, ngay từ rất sớm, ông Trần Quang Cơ đã có cái nhìn rất tỉnh táo khi cho rằng, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với các nước lớn, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực.

Ông Cơ cũng đã phân tích các mối tương tác tạo nên vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Ông cho rằng, tuy không có một vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Washington ở Châu Á–TBD và Đông Nam Á. Hơn nữa, về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nguyên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.

Rất nhiều suy tư và đánh giá của ông Trần Quang Cơ đã được thể hiện trong cuốn hồi ký của mình cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại một hội thảo gần đây về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nguyên Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Mỹ Lê Bàng đã đề nghị việc ghi nhận công lao của của một số cá nhân trong việc thúc đẩy, đàm phán bình thường hoá quan hệ với Mỹ mà trước nay chưa được nhắc đến nhiều trong đó có Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Lê Mai...[4]

Vẫn là sự mong đợi

Là chuyên gia loại một, ngay từ những ngày đầu, ông Trần Quang Cơ đã giữ cương vị nòng cốt trong hầu hết các giai đoạn quan trọng nhất của ngành ngoại giao vào những năm từ 1960 đến 1980 của thế kỷ trước. Với tư cách là một chuyên viên cao cấp về Mỹ, ông đã tham gia với vai trò là một trong những cán bộ lãnh đạo các đơn vị chuyên trách, tham mưu về giải pháp phục vụ cho cuộc hòa đàm Paris, sau đó trực tiếp tham gia đoàn đàm phán cả công khai lẫn bí mật (Kết thúc vào tháng 1/1973).

Mấy năm về sau, trong chiều hướng đi tìm những đối thoại thẳng thắn giữa các cựu thù, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã đề nghị các học giả và các nhà lãnh đạo cuộc “chiến tranh Việt Nam” (theo cách nói của người Mỹ), cùng ngồi xuống duyệt lại những quyết định trong chính sách để hiểu rõ hơn, nhưng đặc biệt là để rút tỉa những kinh nghiệm lịch sử cho toàn cầu thông qua “bài học Việt Nam”.

Sáu hội nghị như thế đã diễn ra tại Hà Nội từ tháng 11/1995 đến tháng 2/1998. Hội nghị thứ 7 diễn ra tại Viện Rockefeller ở Bellagio, Italy. Ông Trần Quang Cơ, ông Nguyễn Cơ Thạch và một số học giả, tướng lĩnh và cựu lãnh đạo CHXHCN Việt Nam đã tham dự chuỗi hội nghị ma-ra-tông này, mà quan trọng nhất là hai hội nghị chính vào tháng 6/1997 và tháng 2/1998. Cả ông Cơ lẫn ông Thạch đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình hàn gắn quan hệ Việt – Mỹ.

Nhưng có lẽ liên quan đến các diễn tiến phức tạp hơn trong quan hệ với Mỹ và các nước lớn khác là giai đoạn đầy năng động và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Ông Trần Quang Cơ lúc ấy đã là thành viên ban lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, cùng với tân Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Thứ trưởng Trần Quang Cơ luôn chủ động đề xuất các ý kiến dựa trên những đánh giá tỉnh táo, những trăn trở về quyền lợi của đất nước, thấm nhuần tinh thần độc lập, tự chủ trong tư duy cũng như trong tác phong lãnh đạo.

Liên quan đến công tác nghiên cứu chiến lược cũng như các hành vi mang tính động thái, ông Trần Quang Cơ luôn có cách nhìn “cân bằng và đối trọng”. Trong quan hệ với Mỹ, ông chủ trương phải tăng cường hợp tác trên nhiều mặt nhưng vẫn cần đấu tranh khi nẩy sinh vấn đề trái với lợi ích của ta. (Ví dụ như vấn đề chất độc da cam chẳng hạn). Với Trung Quốc cũng vậy, ông thường nhắc không thể quá nặng về hợp tác và nhân nhượng để bị đánh giá là ta thúc thủ, coi nhẹ mặt đấu tranh[5].

Viết những dòng này nhân ngày tiễn ông Trần Quang Cơ đi xa, lớp hậu sinh chúng ta hẳn không quên một trong những dòng tâm sự cuối cùng của ông: “Rút cục chỉ có chính nhân dân ta mới thực sự cứu được nước ta thôi. Nhưng trên dưới phải một lòng, như thời Hội nghị Diên Hồng ngày xưa. Đảng phải dựa vào Dân, Dân vững lòng tin cậy vào Đảng thì dân tộc ta mới thực sự có sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tiếc thay hiện nay điều đó còn là sự mong đợi của chúng ta”[6]./.

(Hà Nội ngày 1/7/2015, viết nhân Tang Lễ cựu Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ)


 


[5] “Hồi ức và suy nghĩ”: http://www.truyen-thong.org/so14/so14.html
[6] Những dòng này được lưu lại trong một bài viết có tên là “Suy tư, ghi dưới là “tháng Chạp năm 2010” mà ông Cơ đã chuyển cho ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế.

Viet-studies nhận được ngày 1-7-15 từ một thân hữu







Khuyến nghị Cải Cách Đại Học của Nhóm VED có được chấp nhận? (Hà Mi - BBC)



Hà Mi
BBCVietnamese.com
30 tháng 6 2015
Mới đây Nhóm Đối thoại giáo dục gồm các nhà khoa học trẻ và tâm huyết với ngành giáo dục do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì vừa đưa ra khuyến nghị đại học Việt Nam tới giới lãnh đạo ngành.
Bản khuyến nghị là kết quả ba năm nghiên cứu của nhóm về cải cách Đại học cho rằng "Hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức" và là một quá trình lâu dài và liên tục.
Theo Nhóm Đối thoại giáo dục (VED), việc hình thành nhóm là "tự nhiên, xuất phát từ việc các thành viên của nhóm đều quan tâm tìm hiểu thực trạng giáo dục Việt Nam và mong muốn tìm ra giải pháp cải cách để giáo dục Việt Nam trở nên tốt hơn."
Sau hai năm hoạt động, Nhóm đã "tạm chốt dự án nghiên cứu của mình bằng một bản khuyến nghị chính thức về cải cách giáo dục đai học. Tuy nhiên đây là một cái 'chốt' để mở, chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc trên bản khuyến nghị này."
Một số ý kiến về các Khuyến nghị của VED
Phó Gs Tiến sĩ Ngô Doãn Đãi, nguyên Phó trưởng ban Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội; nguyên giảng viên cao cấp Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội
Năm nhóm vấn đề được Nhóm Đối thoại Giáo dục đưa ra các khuyến nghị và lộ trình thực hiện đúng là những vấn đề quan trọng cần được thảo luận kỹ càng về cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam và các tác giả đã phân tích đúng hiện trạng trong cả 5 nhóm.
Những khuyến nghị đưa ra trong 4 nhóm: “Cải cách tài chính”, “Đảm bảo chất lượng”, “Nghiên cứu khoa học và giảng dạy”, “Dân chủ nội bộ và tự do học thuật”, theo tôi, về cơ bản là phù hợp và nếu được nghiên cứu áp dụng, chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho việc cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam.
Tôi đặc biệt đồng tình và ủng hộ các khuyến nghị sau:
  • “Các trường được toàn quyền quyết định các vấn đề số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo..." trong “Cải cách tài chính”;
  • “Kết quả kiểm định chất lượng độc lập cần được xem như tiêu chí trong việc phân bổ ngân sách... bổ nhiệm/tái bổ nhiệm các nhân sự cấp cao trong trường đại học” trong “Đảm bảo chất lượng”;
  • “Giảm số môn bắt buộc, giảm số giờ lên lớp ... tăng giờ hướng dẫn thực hành và làm bài tập” trong “Nghiên cứu khoa học và giảng dạy”;
  • "Thành lập các nghị trường giảng viên và sinh viên ... có thể tham vấn trực tiếp cho Ban giám hiệu” trong “Dân chủ nội bộ và tự do học thuật”.
Tuy nhiên, theo tôi, một số khuyến nghị sẽ không thể thực hiện được.
  • Khuyến nghị về việc trường đại học Việt Nam cần có “Hội đồng ủy thác” kiểu “Board of trustees”.
Đề nghị này không thực tế vì trong các trường đại học của Việt Nam hiện tại, theo Điều 56, Luật Giáo dục 2005, “tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà trường lãnh đạo nhà trường”. Quan hệ giữa “Hội đồng trường” và Đảng ủy nhà trường hiện nay cũng chưa được Luật Giáo dục 2005 quy định rõ và nếu có thì tổ chức này cũng chỉ được thành lập một cách hình thức, không có thực quyền.
Việc thành lập “Hội đồng ủy thác” cũng sẽ không khác gì việc thành lập“Hội đồng trường” hiện nay. “Hội đồng ủy thác” không được bầu hiệu trưởng như Board of Trustees trong các trường đại học ở Hoa Kỳ vì ở Việt Nam hiệu trưởng các trường đại học “do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận” (Điều 20, Luật Giáo dục đại học).
  • Khuyến nghị về việc phân quyền làm chủ đại học cho địa phương.
Đề nghị này cũng không phù hợp với thực tế Việt Nam vì đa số các trường đại học hiện nằm ở hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hai thành phố ở miền Trung là Huế và Đà Nẵng. Các tỉnh, thành phố này sẽ không đủ sức để quản lý nhiều trường đại học cấp quốc gia như vậy và cũng sẽ không có gì thôi thúc họ phải cạnh tranh với các tỉnh, thành có trường đại học địa phương mới thành lập. Các tỉnh, thành có đại học địa phương cũng không đủ sức tham gia cuộc “cạnh tranh giữa các tỉnh thành phố” như nhóm tác giả hy vọng.
Để các khuyến nghị trong nhóm vấn đề “Cải cách mô hình quản trị đại học” có thể thực thi, thì trước hết Luật Giáo dục cần xác định rõ quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và quyền hạn trách nhiệm của Hội đồng trường hay Hội đồng ủy thác.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Về cơ bản, để có thể đổi mới Đại Học như bản kiến nghị nêu ra thì phải đổi mới những cỗ máy, những tư tưởng đã bám trụ vào đầu óc và cách thức vận hành đất nước từ hàng chục năm qua.
Chất lượng của sinh viên là hệ quả của chất lượng sản xuất học sinh giỏi đại trà từ những năm bắt đầu ngồi ghế nhà trường.
Chất lượng của giáo viên là chất lượng tồn đọng của bao thế hệ mỏi mòn kiến thức, chất lượng của các cơ quan kiểm định độc lập sẽ chịu ảnh hưởng của sự nhập nhèm trắng đen đã trở thành một món gia vị không thể thiếu trong xã hội Việt Nam v.v.
Bản kiến nghị là một viễn cảnh đẹp cho hệ thống Đại học ở Việt Nam, tuy nhiên, cần phải hiểu đó là "viễn cảnh", tức là một tương lai khá xa xôi.
Chúng ta hoàn toàn có thể chạm tay vào tương lai đó, và điều này cần sự thay đổi mạnh mẽ từ bản chất của rất nhiều hệ thống kết nối chằng chịt của một đất nước đã chót đặt lên đầu mình quá nhiều chiếc vòng kim cô.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Cổng giáo dục GiapSchool
Tôi có một lý thuyết rất đơn giản để bày tỏ quan điểm của mình. Đó là đặt câu hỏi: Có nó, hay không có nó, thì vui hơn/tốt hơn?
Trong trường hợp này, tất nhiên là có bản tổng kết nghiên cứu và khuyến nghị của nhóm đối thoại giáo dục thì tốt hơn, và cũng vui hơn, vì thế tôi rất ủng hộ.
Điều làm tôi băn khoăn là đề xuất tăng học phí như nhóm đề xuất sẽ làm giảm cơ hội vào đại học cho học sinh nông thôn. Đi ra từ nơi đó nên tôi biết rất rõ, với mức học phí hiện thời, thì với đa phần học sinh xuất thân nông thôn, việc học đại học thực sự là gánh nặng cho cả gia đình.
Dù nhóm có đề nghị chính sách tín dụng dành cho sinh viên nghèo thì tôi cũng không mấy tin tưởng. Cũng giống như nhà ở xã hội, chính sách nghe ra thì rất tốt, nhưng lợi ích thực tế rất khó về đến tay người nghèo.
Tôi coi việc đầu tư cho giáo dục, tức đầu tư cho con người, là một loại đầu tư hạ tầng. Đó là hạ tầng con người. Vì thế, cần đặt trong góc nhìn đối sánh với các loại đầu tư hạ tầng khác. Chẳng hạn, nếu so với dự án sân bay Long Thành vừa được Quốc hội thông qua, thì thấy chỉ riêng kinh phí đầu tư cho dự án này đã đủ để miễn phí cho sinh viên đại học cả nước trong 30 năm với mức học phí hiện thời.
Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn miễn học phí cho sinh viên cả nước, thay vì làm sân bay mới vào thời điểm này.
Khi hạ tầng con người được đầu tư, trình độ nhân lực tăng lên, thì họ sẽ tự tạo ra sự phát triển trong mọi lĩnh vực. Sân bay có thể chậm 10 năm, nhưng lợi ích và tác động xã hội của việc miễn phí cho toàn bộ sinh viên trong mấy chục năm là vô cùng lớn.
Ngoài ra, hai yếu tố đang có tác động rất mạnh đến giáo dục đại học, là công nghệ và chính trị, thì rất mờ nhạt trong bản tổng kết này.
Hy vọng trong các nghiên cứu tiếp theo, nhóm sẽ bổ khuyết thêm những nghiên cứu và khuyến nghị liên quan đến hai lĩnh vực này.
Đinh Bá Anh, dịch giả
Tôi cho rằng Khuyến nghị cải cách giáo dục đại học của Nhóm Đối thoại Giáo dục là rất sâu sắc, về cơ bản đã chạm được những vấn đề cốt tử của đại học Việt Nam.
Nếu khuyến nghị này được hiện thực hóa, nó có thể tạo ra trong tương lai một nền đại học có chất lượng cả về giảng dạy lẫn nghiên cứu, đồng thời mang lại cơ hội tiếp cận tri thức lớn hơn cho tất cả công dân Việt Nam, là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thành một nước công nghiệp hiện đại, sánh vai với các nước khác trong khu vực.
Mặc dù vậy, tôi không nghĩ rằng khuyến nghị này sẽ được các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam tiếp nhận trong thời gian tới. Vì thiếu sức ép cần thiết.
Nền chính trị Việt Nam hiện vận hành dựa trên các nhóm lợi ích và sức ép (từ nhân dân hoặc từ bên ngoài), chứ không phải dựa trên viễn kiến của giới lãnh đạo tinh hoa dựa trên tinh thần khai minh.
Các nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện chưa có nhu cầu xây dựng đại học hiện đại, vì nó chưa mang lại lợi nhuận trước mắt cho họ so với các lĩnh vực khác (trong khi lại tiềm ẩn rủi ro cao);
Nước ngoài cũng không có nhu cầu ép Việt Nam cải cách giáo dục (đối với một số nước thì giáo dục Việt Nam càng yếu kém có khi lại càng hay);
Các giảng viên đại học - dù than thở - vẫn sống được khá tốt theo một cách nào đó, trong khi nhân dân nhìn chung không quan tâm giáo dục vận hành theo cách gì, miễn là con cái họ có bằng tốt nghiệp.
Ngược lại, nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, dù chất lượng tồi tệ, vẫn mang lại lợi ích không nhỏ cho một số nhóm có quyền quyết định, đồng thời vẫn thỏa mãn nhu cầu của những người tham gia vào nó. Nghĩa là nó không có sức ép nào để phải cải cách cả. Trừ phi Việt Nam xuất hiện một tài năng chính trị, người vừa có đủ quyền lực, vừa có đủ viễn kiến, ý chí và quyết tâm thực hiện cải cách, còn không thì tất cả chỉ vẫn chỉ dừng lại ở những khuyến nghị của những nhóm trí thức thiểu số, như tình hình đã luôn như vậy, từ mấy chục năm nay, mà thôi.
Phản hồi của VED
BBC Việt Ngữ đã liên lạc với Nhóm Đối thoại giáo dục (VED) và đặt một số câu hỏi về các khuyến nghị này.
BBCNhóm chờ đợi gì từ phía các nhà lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam và chính phủ Việt Nam sau khi đưa ra các khuyến nghị nói trên?
- Chúng tôi đưa ra khuyến nghị này trong tinh thần "chúng ta có thể làm gì" chứ không phải "các nhà lãnh đạo sẽ làm gì". Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận này lành mạnh và tích cực hơn là ngồi "chờ đợi" và suy đoán về phản ứng của những người làm lãnh đạo.
Chúng tôi hy vọng các kiến nghị của mình được đọc và khơi mào thảo luận rộng rãi trong các nhà làm giáo dục, không phải chỉ ở cấp lãnh đạo. Chúng tôi chờ đợi sự lắng nghe và phản biện từ lãnh đạo ngành giáo dục và những chuyên gia về giáo dục đại học ở Việt Nam, những giảng viên, nghiên cứu viên, nhà quản lý đang làm việc trong và ngoài môi trường đại học Việt Nam.
Những thảo luận như vậy luôn có ích cho việc hình thành một triết lý giáo dục và triết lý quản lý giáo dục. Kết luận cuối cùng của các nhà giáo không nhất thiết là trùng khớp với các kiến nghị của chúng tôi.
Mục đích của nhóm VED là đưa ra một bộ kiến nghị rõ ràng và nhất quán, để làm cho đại học Việt Nam tiệm cận với những giá trị phổ quát có ở đại học các nước phát triển. Nhưng chúng tôi không có ý coi bộ kiến nghị của mình là "kim chỉ nam" cho một nền giáo dục.
BBCLiệu Nhóm hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ xem xét, thực thi tất cả hay bao nhiêu trong số các khuyến nghị này?
- Lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo cũng và Bộ khoa học công nghệ đã có hồi âm tích cực. Chúng tôi được biết chuyên viên và lãnh đạo Bộ giáo dục và Đào tạo cũng như Chính phủ đang xem xét các ý kiến đưa ra trong khuyến nghị.
BBC: Có ý kiến cho rằng một số khuyến nghị không thể thực hiện được như khuyến nghị cần có Hội đồng ủy thác - kiểu Board of Trustees hay khuyến nghị về phân quyền làm chủ đại học cho địa phương. Nhóm có đề xuất giải pháp gì để có thể thực thi những khuyến nghị như thế này?
- Kiến nghị của chúng tôi là một phần trong mong muốn đổi mới và cải cách đất nước. Chúng tôi tin rằng để cải cách thực sự, cần có sự tham gia của cả người dân lẫn chính phủ, cả ở khâu xác định phương hướng và ở khâu triển khai.
Từ quan sát đại học ở một số nước tiên tiến, chúng tôi nhận thấy việc thành lập Hội đồng uỷ thác có thể mang đến những nguồn lực lớn cho đại học. Vì mô hình này còn rất mới mẻ ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, cần thận trọng trong việc tiếp nhận và triển khai nó.
Xác định các chi tiết cụ thể của quá trình thực thi đề nghị này, tất nhiên, sẽ là bước tiếp theo mà chúng tôi hy vọng sẽ có điều kiện và thời gian để nghiên cứu.
Chúng tôi kiến nghị địa phương tham gia vào hội đồng uỷ thác chỉ khi địa phương thấy phát triển đại học là ưu tiên của địa phương, thực sự cam kết và sẵn sàng hỗ trợ phát triển nhà trường trong khả năng nguồn lực sẵn có của chính quyền địa phương (hạ tầng, chính sách ưu đãi …), và thực sự MUỐN tham gia quản trị trường, MUỐN đầu tư cả về nguồn lực và công sức cho đại học. Việc này cần được tiến hành thận trọng dè dặt và không có tính bắt buộc đối với điạ phương.
Đảng ủy nhà trường có thể có đại diện trong Hội đồng ủy thác (Board of Trustees) nên vẫn tham gia vào việc định hướng phát triển nhà trường, cũng như tham gia trực tiếp vào các hoạt động “vĩ mô” như gây quỹ, quyết các hạng mục đầu tư lớn và bầu ban giam hiệu.
Đảng ủy nói riêng và Hội đồng ủy thác nói chung sẽ không tham gia điều hành hoạt động của trường. Việc vận hành trường đại học sẽ do Ban giám hiệu đảm nhận.
Hiện nay Hội đồng trường (hay Hội đồng ủy thác như đề nghị của nhóm chúng tôi) không hoạt động được vì có ít thực quyền. Thường thì hiệu trưởng kiêm luôn Bí thư Đảng ủy; hoặc giao cho một phó hiệu trưởng mà hiệu trưởng tin cậy làm Bí thư Đảng ủy.
Muốn Hội đồng trường có thực quyền hơn cần phải xác định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng ủy, mối quan hệ giữa Đảng ủy với Hội đồng trường, Ban giám hiệu và các tổ chức khác trong trường như thế nào, sự lãnh đạo của Đảng ủy đối với các tổ chức này được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào.
Đồng thời, Luật Giáo dục Đại học phải quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng trường hơn, trong đó nhất thiết phải có quyền bầu và bãi miễn Hiệu trưởng. Thành phần Hội đồng trường cũng cần thay đổi. Phải có đại diện của chính quyền địa phương, của Bộ chủ quản (hoặc đại diện của Bộ liên quan) trong Hội đồng trường. Ví dụ có đại diện của Bộ Y tế ở Trường Đại Học Y ,có đại diện Bộ Giao Thông ở Trường Đại học Giao thông vận tải ).
Theo Luật Giáo dục Đại học hiện nay, Hội đồng trường phải có đại diện ngoài trường; nhưng những vị đại diện này yếu thế quá, vì thường thì họ chỉ là nhà hoạt động xã hội được mời vào để lấy tiếng.
Ngoài việc địa phương cử người tham gia hội đồng trường thì rất nên có một thành phần khác là đại diện cựu sinh viên (alumni). Cựu sinh viên rất hay tham gia, thậm chí rất tích cực, trong hội đồng trường vì những người này phần lớn có thực tâm muốn xây dựng trường.
Việc địa phương cử người tham gia Hội đồng trường sẽ giải quyết được các bế tắc do chồng chéo trách nhiệm quản lý của Bộ giáo dục và đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2010/NĐ-CP phân công trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc quản lý các trường đại học đóng trên địa bàn, trên cơ sở phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chủ quản.
Theo chúng tôi, đây là một bước đi hợp lý, tuy nhiên việc phân cấp không triệt để và thiếu các cơ chế phối hợp hữu hiệu làm cho công tác quản lý nhà nước không những không hiệu quả hơn mà còn trở nên chồng chéo và bế tắc.
Một ví dụ cụ thể của tình trạng này là trong năm 2014, UBND TPHCM đã kiến nghị với chính phủ "đề nghị không quản lý nhà nước với các đại học trên địa bàn" và sửa đổi nghị định 115/2010/NĐ-CP theo hướng chuyển toàn bộ trách nhiệm quản lý nhà nước về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
H.M.
----------------------------------
Đối thoại Giáo dục 
Cập nhật lần cuối 16/06/2015
Phân tích và khuyến nghị của nhóm "Đối thoại Giáo dục"
Nhóm Đối thoại giáo dục vừa đưa ra một Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam tại địa chỉ :
Theo lời giới thiệu,
Nhóm Đối thoại giáo dục tập hợp một số nhà khoa học có chuyên môn ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng chia sẻ các nguyên tắc nghiên cứu khoa học và ước vọng về một nền đại học Việt Nam lành mạnh và tiến bộ. Nhóm đã tập trung làm việc từ năm 2013 theo những chuyên đề khác nhau trong một dự án cải cách toàn diện nền giáo dục đại học và  đã tổ chức một Hội thảo trong hè 2014 để chia sẻ những suy nghĩ của mình và thảo luận với nhiều giảng viên, nhà khoa học cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục. Từ đó đến nay, nhóm tiếp tục nghiên cứu những chuyên đề chưa được đề cập đến trong Hội thảo và để hoàn thành bản tổng kết này.
Tài liệu này được soạn theo cấu trúc sau đây. Phần A bao gồm một số nhận định chung và phương pháp luận.  Phần B liệt kê những phương hướng, đề mục cải cách mà chúng tôi coi là mấu chốt. Mỗi đề mục được chia thành ba phần: phân tích hiện trạng, khuyến nghị và lộ trình. Phần C bao gồm danh sách những thành viên của nhóm Đối thoại giáo dục tham gia làm bản tổng kết này.
Bạn đọc có thể bấm vào đường dẫn nêu trên để đọc toàn bài, hoặc mở tệp pdf đính kèm dưới đây để có cả bài viết và các phụ lục bao gồm :
PL1 : Mức độ hỗ trợ của nhà nước trong nuồn thu của một số đại học công lập Hoa Kỳ.
PL2 : Chi phí đơn vị, tỷ lệ đóng góp giữa học phí và đầu tư nhà nước cho sinh viên bản địa tại Australia năm học 2014-2015.
PL3 : Nghiên cứu và Phát triển trong đại học. Tham luận của GS Ngô Quang Hưng (ĐH bang New York tại Buffalo, Mỹ) tại hội thảo về Cải cách giáo dục VED 2014 (*).
PL4 : Quản trị đại học : có thể và chưa thể. Tham luận của TS Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen) tại hội thảo về Cải cách giáo dục VED 2014.
PL5 : Tự chủ đại học, thực trạng và giải pháp cho ĐH VN. Tham luận của GS Nguyễn Minh Thuyết tại hội thảo về Cải cách giáo dục VED 2014.
PL6 : Vai trò của các uỷ ban và giảng viên trong đại học Mỹ. Bài tham luận gửi email về hội thảo về Cải cách giáo dục VED 2014, của GS Phạm Hữu Tiệp (ĐH Arizona, Mỹ).
(*) VED là viết tắt của Vietnam Education Dialogue, hay Đối thoại Giáo dục Việt Nam. Hội thảo VED 2014 được nhóm này tổ chức chung với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM
---
Attachments