CHUYỆN LẠ : Ế DỰ ÁN
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Thứ Sáu,
09/30/2022 - 03:52 — nguyenhuuvinh
https://www.rfavietnam.com/node/7359
Dự án và… chạy dự án
Cách đây
vài ba năm về trước, chắc chẳng mấy ai tưởng tượng được rằng sẽ có ngày các dự
án không được người ta quan tâm mặn mà, không đua nhau chạy chọt và bằng mọi
cách để được duyệt các dự án của nhà nước.
Bởi thời
đó, có được dự án là một quãng đường gian nan, là liên tiếp những cuộc “chạy việt
dã” từ địa phương đến trung ương.
Những cơn
khát dự án, nhu cầu dự án nhiều đến mức ở khắp nơi, xuất hiện hàng loạt “cò” dự
án trên mọi lĩnh vực, ở mọi cấp, mọi ngành.
Bởi có dự
án là có ăn, là có đút túi, là có mọi thứ.
Bởi các dự
án đã từng được đại biểu Quốc hội nói thẳng ra rằng: Chương trình dự án 135 về
Trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc của chính phủ, từ lâu đã biến thành 531.
Bởi số tiền rót cho dự án đã rơi rụng từ trung ương về địa phương với tỷ lê
5-3-1 và kết quả của phủ xanh không ở đất trống, đồi trọc mà phủ đỏ Hội trường
Ba Đình.
Từ chối và không mặn mà với dự án
Báo chí Việt
Nam đưa tin: Sáng 18/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính
phủ CSVN đi khảo sát hiện trường, xây dựng 3 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Hà
Nam gồm cơ sở 2 Bệnh viện Lão khoa, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh
viện Bạch Mai tại Hà Nam.
Đây là cụm
3 dự án lớn của ba bệnh viện lớn tại Hà Nội, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai và
Bệnh viện Việt Đức. Các dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch
Mai, Bệnh viện Việt Đức được đặt tại phường Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh
Hà Nam.
Cơ sở 2 của
Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, đáp ứng khoảng 5.000 lượt
khám mỗi ngày. Tổng diện tích trên 123.000 m2, bệnh viện gồm một tầng hầm và 6
tầng nổi. Đây là bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên khoa sâu như tim mạch, nội
khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp. Với tổng mức đầu tư được phê duyệt
4.990 tỷ đồng.
Còn cơ sở
2 của Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, có thể khám khoảng
3.500 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh viện có một tầng hầm và 9 tầng nổi trên tổng
diện tích sàn xây dựng hơn 125.000 m2. Bệnh viện Việt Đức mới chuyên về ngoại
khoa, chữa trị các chấn thương về xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống,
vi phẫu tim mạch. Với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 4.968 tỷ đồng.
Cả 2 cơ sở
này được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014, khởi công năm 2015, theo kế hoạch, sẽ hoàn
thành năm 2017.
Như vậy,
là dự án đã được phê duyệt cách đây 8 năm và lẽ ra đã đưa vào sử dụng cách đây
5 năm trước.
Thế rồi,
vượt quá kế hoạch đó về thời gian, ngày 21/10/2018, khu khám bệnh thuộc Bệnh viện
Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, được
khánh thành.
Tại buổi lễ
khánh thành này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị
Kim Tiến và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã tung ra muôn vàn lời hay ý đẹp.
Vũ Đức Đam
thì rằng: Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức là dự án lớn nhất hoàn thiện
5 cơ sở bệnh viện mới lớn nhất từ trước đến nay. Một bệnh viện đưa vào sử dụng
ngoài cơ sở vật chất và trang thiết bị thì yếu tố con người, ở đây là các thầy
thuốc phải có một quá trình, phối hợp chặt chẽ. Vì vậy, hai bệnh viện cần phải
nỗ lực tiếp tục làm tốt nhiệm vụ.
Còn Nguyễn
Thị Kim Tiến, Bộ trưởng thì nổ rằng: “Với mục tiêu xây dựng các bệnh viện
mới theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực,
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến
để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân
lực chất lượng cao, góp phần giảm quá tải các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh
viện tuyến cuối và giảm việc người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh”.
Thế nhưng,
sau khi khánh thành xong, thì cả hai bệnh viện đều bỏ hoang cho đến nay vì
không thể đưa vào hoạt động.
Bốn năm trời
với hàng ngàn tỷ đồng tiền dân đầu tư, để rồi phơi mưa nắng cho cỏ mọc, kết hợp
với con người mặc sức tàn phá.
Và báo chí
cho hay: Sau khi khánh thành, bệnh viện được sử dụng làm nơi chăn thả trâu bò
và… nuôi vịt. Tại hai bệnh viện này, cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục dang dở,
nhếch nhác. Một số tòa nhà xuất hiện bong tróc, xuống cấp.
Thế rồi đến
hôm nay, Thủ tướng đến thăm và tất cả cứ trơ gan cùng tuế nguyệt để trêu tức
chơi.
Theo Bộ Y
tế, đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có
khu khám bệnh. Song cũng từ đó, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh
viện đều đang đóng cửa. Mặc dù tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57% nhưng bệnh
viện đã khánh thành năm 2018. Và khánh thành xong thì sử dụng để… nuôi vịt.
Nguyên nhân nào?
Nhìn lại mấy
dự án này, cũng là điển hình cho vấn nạn của ngành Y tế thời gian gần đây, ta
thấy gì?
Nguyên
nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh
trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu
tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh
các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.
Và hàng loạt
nguyên nhân khác nữa được nêu ra, nhưng chung quy lại, thì chẳng ai chịu trách
nhiệm, vì ở đó chỉ có các yếu tố là “chưa lường hết” chứ không phải do ngu dốt,
kém cỏi… Mà đã chưa lường hết, thì sẽ lường sau, có sao đâu, dân chưa chữa bệnh
thì chữa sau, chẳng sao cả.
Và cuối
cùng, thì cũng chẳng ai hề hấn gì, chỉ có tiền dân là đổ ra mà chẳng ai xót, chỉ
vì nó là tiền dân. Người dân được chữa bệnh hay không, cũng đâu có quan trọng.
Bởi, dân
đâu phải là cán bộ, đảng viên của đảng.
Bởi vì cán
bộ, đảng viên mới là “hồng phúc của dân tộc” chứ dân thì chết lớp này, nó đẻ lớp
khác, có sao đâu, chẳng có gì là quan trọng.
Sở dĩ nó
kéo dài, dằng dai gần chục năm nay dù vài dự án khoảng chục tỉ đồng chỉ vì đối
tượng phục vụ của nó là “nhân dân”. Bởi hệ thống cán bộ, đã có hẳn một bộ phận
gọi là “Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương”. Ở đó, thì chi phí cỡ chục,
vài chục tỉ đâu phải là vấn đề.
Thậm chí,
cán bộ đảng, đám “đầy tớ trung thành tận tụy với nhân dân” ấy khi ốm đau, thì
cái Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương ấy vẫn cứ thừa. Bởi họ đua nhau chạy
ra nước ngoài chữa bệnh, để dành chỗ ở mấy cái bệnh viện kia mà phục vụ nhân
dân.
Tử tế đến
thế là cùng.
Cũng bởi
cái bệnh viện ấy, những dự án ấy với mục đích và đối tượng phục vụ là nhân dân
nên mới vậy. Nếu nó có mục đích không cần là phục vụ đảng, mà chỉ cần cho lực
lượng bảo vệ đảng mà thôi, thì chắc chắn là sẽ luôn hoàn thành trước kế hoạch.
Cứ xem hệ
thống công an đủ loại hiện nay thì rõ chẳng cần bàn cãi nhiều. Hệ thống đó, chỉ
nhằm biết “Còn đảng, còn mình”, chỉ phục vụ chiếc ghế của một nhúm đảng viên,
thì đã được đầu tư số tiền ngân sách hàng năm gấp 11 lần số tiền đầu tư cho
ngành Y tế phục vụ gần 100 triệu dân.
Và không
chỉ có chừng đó số tiền ngân sách. Những cơ hội kiếm chác, bòn rút, bóp nặn dễ
dàng nhất, ra tiền nhất trong xã hội, kể cả là bẩn thỉu nhất, trắng trợn nhất
thì vẫn thuộc về lực lượng công an.
Thế nên, đủ
các loại cảnh sát nọ đến công an kia, lực lượng này đến hệ thống khác với hằng
hà sa số nhân lực và phương tiện, thiết bị sẵn sàng trấn áp nhân dân bảo vệ đảng
đến cùng.
Thế nên
công an, cảnh sát không chỉ có lực lượng chính quy, ngoài ra còn nuôi cả hệ thống
dân phòng, côn đồ và đủ thứ nhằm đàn áp dân chúng dám mở miệng, dám không chịu
hài lòng với ý đảng.
Thế nên
công an, cảnh sát được thành lập không chỉ các lực lượng như Cảnh sát cơ động,
phản ứng nhanh, trật tự… mà còn kỵ binh, không quân và với đà này, chắc thời
gian nữa sẽ thành lập lực lượng pháo binh, tên lửa của cảnh sát nữa cũng nên.
Bởi cha
ông nói từ lâu: “Có thực mới vực được đạo”.
Thế nên,
hàng chục ngàn nhân viên ngành y đã bỏ nghề không do dự, dù để vào được nghề
đó, họ đã phải gian nan, thậm chí là mất nhiều thời gian cuộc đời và những khoản
tiền không nhỏ.
Thế nên,
dù nhà nước kêu gọi ra rả rằng Y Đức, rằng lương tâm… thì khi đói, điều đó cũng
vô nghĩa. Bởi người ta thấy những kẻ to mồm kêu y đức, lương tâm… thì chính là
những kẻ thiếu đạo đức nhất, vô lương tâm nhất khi chuyển thành “đồng chí bị lộ”
trong các vụ án tham nhũng mà ngành Y tế vừa bị bóc ra.
Thế nên,
hàng chục, hàng trăm bệnh viện vừa qua không có thuốc men, các dự án không ai
thèm thực hiện dù trước đây là mơ ước, là mục đích của các cán bộ đảng viên
ngành y tế cũng như mọi ngành.
Chỉ bởi,
ngành Y tế vừa qua, các đồng chí đã và đang theo gương Bộ trưởng đua nhau vào
lò nên các cán bộ đảng viên không dám thò tay ra vặt tiền chùa như trước.
Và xưa
nay, cha ông ta vẫn chẳng đã bảo đó thôi: “Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến.
Ang không mật mỡ, kiến bò chi”
30.09.2022
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
nguyenhuuvinh's blog