Monday, February 28, 2011

BỌN ĐỘC TÀI KHÔNG BAO GIỜ TỰ RÚT LUI (Clifford J. Levy)

CLIFFORD J. LEVY (The New York Times, 24/02/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 28 tháng 2 năm 2011

MOSCOW —  Trung Đông và Bắc Phi bị bao phủ bởi làn sóng bất bình của nhân dân đối với các chính phủ độc tài. Nhưng ở đây, trên lãnh thổ cũ của Lenin, trong không gian của Liên Xô cũ, các nhà cầm quyền với bàn tay sắt vẫn giữ được thế thượng phong.

Khả năng sống sót của họ là lời nhắc nhở đủ sức làm cho những người nghĩ rằng việc lật đổ chế độ độc tài bằng một phong trào quần chúng rộng rãi nhất định sẽ đem lại một chế độ dân chủ đầy sức sống phải tỉnh ngộ.

Thí dụ như ngài tổng thống đã tại vị nhiều nhiệm kì ở Belarus, một nước cộng hòa Xô Viết cũ, đã giành thêm được một nhiệm kì nữa vào tháng 12 năm ngoái với 80% phiếu bầu, sau đó, khi kết quả cuộc bầu cử bị coi là không thể chấp nhận được, ông ta đã tấn công quyết liệt phe đối lập. (Từ đó không còn thấy ai nhắc đến họ nữa).

Ở Kazakhstan, một vị tổng thống thậm chí còn cầm quyền lâu hơn đã tự phong cho mình danh hiệu “lãnh tụ của quốc gia”.

So với ông ta thì Vladimir Putin của nước Nga, người mạnh nhất trong số những người cầm quyền hậu Xô Viết,  chỉ là một người mới, ông ta chỉ vừa nắm quyền được có mười năm mà thôi.

Cách đây gần hai thập niên, cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, người ta tin rằng quyền lực ở khu vực này chẳng mấy chốc sẽ được thực thi theo cách khác: Các nước cộng hòa độc lập mới, thoát thai từ xiềng xích của chủ nghĩa toàn trị, sẽ chấp nhận những cuộc bầu cử tự do, đa đảng và các phương tiện truyền thông đại chúng độc rập cứng rắn.

Nhưng những hi vọng này hóa ra là quá sớm, hoặc là ngây thơ. Trong những năm 1990, sự tan rã của Liên Xô đã gây mầm hỗn loạn – rõ nhất là ở Nga – và để đáp lại, một liên đoàn các nhà độc tài đã xuất hiện, họ thề nguyền là sẽ đem lại ổn định và sự phát triển kinh tế. Mô hình dân chủ, từng được khẳng định ở phương Tâ, không được các nước này tín nhiệm.

Vì vậy mà ngay cả khi cơn chấn động ở Ai Cập, Libya và các nước Arab khác đã thu hút được sự chú ý trên khắp các vùng lãnh thổ của Liên Xô cũ thì các nhà lãnh đạo trong khu vực vẫn tin rằng họ không bị đe dọa.

“Trong quá khứ họ đã chuẩn bị cho chúng ta kịch bản tương tự, nhưng bây giờ có vẻ như người ta sẽ có gắng thực hiện nó”, tổng thống Dmitri Medvedev, người được ông Putin bảo trợ, đã cảnh cáo như thế. “Nhưng kịch bản này không thể nào diễn ra được”.

Sự suy tàn của phong trào dân chủ được phản ánh trong vụ bắt giữ một số nhà lãnh đạo phong trào đối lập Nga trong cuộc mít tinh diễn ra vào ngày 31 tháng 12 ở Moskva – một trong những cuộc phản đối thường kì nhằm bảo vệ điều 13 hiến pháp Nga, tức là điều bảo đảm quyền tự do lập hội.

Những vụ bắt bớ này đã không tạo ra bất kì sự phản đối công khai nào, người dân vẫn tiếp tục sống cuộc đời của mình. Không như ở Tunisia.

Những chính khách đối lập đó – nay đã được thả – lại có mặt trong cuộc mít tinh vào ngày 31 tháng 1 với hi vọng rằng Ai Cập sẽ truyền cảm hứng và sẽ kích thích người dân, quảng trường Triumphal ở Moskva sẽ có tinh thần như quảng trường Tahrir ở Cairo.

“Tất cả chúng ta đều theo dõi các sự kiện ở Ai Cập”, Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng nói với đám đông.

“Mubarak cầm quyền ở đấy những 30 năm, hắn là một tên ăn cắp, một kẻ tham nhũng”, Nemtsov nói. “Hắn có khác gì các nhà lãnh đạo của chúng ta?”
Dân chúng hô lớn: “Nước Nga không có Putin!”. Nhưng một lần nữa xã hội không đi theo họ. Có vẻ như không có đến 1.000 người tham gia mít tinh.  

Hơn nữa, nhiều người không còn trẻ nữa. Điều đó giúp giải thích tại sao bạo loạn lại hay xảy ra trong những giai đoạn khó khăn hơn. Khác với Trung Đông dân chúng ở Nga và nhiều nước cộng hòa Xô Viết cũ đang già đi. Ở đây có ít người sẵn sàng thực hiện những nổi dậy đặc trưng cho tuổi trẻ - cả trên đường phố lẫn trên Facebook và Twitter.

Thế hệ già nua lớn lên dưới chính quyền Xô Viết, bị kiểm soát gắt gao đến mức chế độ độc tài hiện nay được coi là tốt lắm rồi. Họ cũng được hưởng nhiều quyền tự do kinh tế hơn.

Ngay cả trong sáu nước cộng hòa Xô Viết cũ, nơi đa số dân là người theo đạo Hồi, các sự kiện ở Trung Đông cũng không tạo ra những hậu quả đáng kể nào.  

Dù sao mặc lòng, trước mắt, bạo lực giúp củng cố vị trí của các nhà độc tài vì nó làm cho giá dầu tăng lên đột ngột và những nền kinh tế dựa vào dầu khí như Nga, Kazakhstan và Azerbaijan sẽ được lợi. 

Thế hệ các nhà lãnh đạo hậu-Xô Viết hiện nay còn biết lợi dụng tâm lí sợ hãi trước sự mất ổn định và nghèo đói hồi những năm 1990, họ biết rằng trong những giai đoạn khó khăn người dân thường thích trật tự độc đoán hơn là nền dân chủ đầy hỗn loạn.

Trong một buổi nói chuyện trên đài phát thanh Echo of Moscow người ta đã bàn về vấn đề tại sao người biểu tình tràn ngập đường phố ở Trung Đông, còn tại Moskva thì không. “Nhân dân ta đã chịu đựng và còn tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng”, Georgi Mirsky, một nhà phân tích chính trị có tiếng, nói như thế. “Vì con người Xô Viết vẫn còn sống – đấy chính là lí do! Tâm lí của người dân (hay ít nhất là phần lớn người dân) chưa thay đổi đến mức cảm nhận được hương vị của tự do”. 

Dĩ nhiên là cũng có một vài ngoại lệ. Đấy là các nước vùng Baltic — Estonia, Latvia và Lithuania — các nước này đã gia nhập EU và chấp nhận các tiêu chuẩn đạo đức của phương Tây. Nhưng trước đây họ vẫn sống bên lề của Liên Xô và chỉ trở thành một phần của nước này khi bị Stalin xâm lược trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới II mà thôi.

Ngay cả cái gọi là những cuộc cách mạng màu diễn ra trong thập niên vừa qua ở Ukraine, Kyrgyzstan và Georgia, được mọi người coi là sự đoạn tuyệt với chế độ độc tài, cũng đã đánh mất tinh thần vốn có của chúng rồi.

Ở Ukraine, sau khi dân chúng tỏ thái độ bất mãn với cuộc Cách mạng Cam, một vị tổng thống mới đã được bầu vào năm ngoái, ông này đã theo gương Putin và tiến hành đàn áp phe đối lập.

Cuộc khởi nghĩa hồi năm ngoái ở Kyrgyzstan đã lật đổ nhà lãnh đạo đã từng lật đổ người tiền nhiệm. Kết quả là các chính khách của các nước láng giềng Trung Á với Kyrgyzstan hiện nay khẳng định rằng họ cần một chính phủ trung ương tập quyền mạnh để tránh xảy ra trường hợp như ở Kyrgyzstan.

“Chúng ta phải nuôi người dân của mình, lúc đó chúng ta mới có thể tạo ra những điều kiện để nhân dân có thể tham gia vào chính trị, Nurlan Uteshev, đại diện của đảng cầm quyền ở Kazakhstan nói như thế.

Putin, thủ tướng Nga và là cựu (cũng có thể là cả trong tương lai nữa) tổng thống thường xuyên nhắc đến thí dụ của nước Ukraine láng giềng. “Chúng ta không được để xảy ra quá trình Ukrine-hóa đời sống chính trị ở Nga”, ông Putin cảnh báo như thế.  

Có một thời gian dường như Georgia đã đứng vào hàng ngũ tiên phong của làn sóng dân chủ. Nhưng năm 2007, tổng thống Mikheil Saakashvili, một đồng minh thân cận của Mĩ, đã đàn áp khốc liệt lực lượng đối lập. Hiện nay những người cạnh tranh với ông ta nói rằng ông ta cũng chẳng hơn gì Putin.

Những người ủng hộ Saakashvili bảo vệ ông ta bằng cách nói rằng ông ta sẽ không tìm cách ở lại thêm một nhiệm kì nữa khi nhiệm kì này kết thúc vào năm 2013. Họ bảo rằng ông ta đã thu được những thành tựu to lớn trong việc hiện đại hóa Georgia, và còn nói thêm rằng hi vọng cải tạo đất nước đã hụp lặn quá lâu trong hệ thống Xô Viết chỉ trong một đêm là hi vọng hão huyền.

Đấy là điệp khúc thường được nhắc tới. Janez Lenarcic, một nhà ngoại giao, đứng đầu Văn phòng thúc đẩy dân chủ của tổ chức OSCE, đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nước này nới lỏng những biện pháp kiểm soát.

“Khái niệm ổn định có vai trò quan trọng ở đây”, Lenarcic nói như thế. “Họ bảo: ‘Chúng tôi cần nhiều thời gian hơn, chúng tôi phải tiến với tốc độ của mình’. Còn chúng tôi thì trả lời rằng ổn định trong dài hạn chỉ có thể diễn ra với những định chế dân chủ đấy sức mạnh, chứ không phải với những cá nhân vì cá nhân không thể nào sống mãi được.”

 Nhưng ông nói rằng ông là người lạc quan, mặc dù có sự trì trệ. Quan điểm của người dân có thể thay đổi. Cuộc điều tra dư luận gần đây đã hỏi người Nga: họ thích trật tự (ngay cả khi phải hi sinh một số quyền của họ) hay dân chủ (ngay cả khi những phần tử phá hoại có thể ngóc đầu dậy). Trật tự thắng, tỉ lệ là 56% trên 23%.

Nghe có vẻ không mấy khích lệ, nhưng cách đây mười năm tỉ lệ là 81% trên 9%.
.
.
.

LIBYA DẬY SÓNG - TIN CẬP NHẬT NGÀY 1-3-2011 (danlambao)


Tin cập nhật – Ngày 1 tháng 3 - 5 giờ sáng (giờ Lybia).


Tin cập nhật, hai Thiếu Tướng Musaed Ghaidan Al Mansouri và Hassan Ibrahim Al Qarawi, chỉ huy hai lực lượng an ninh Al Wahat Security Directorate, và Jabel Al Akhdar Security Directorate vừa đào thoát, tuyên bố đổi chiến tuyến đứng về phiá lực lượng cách mạng.  Lời tuyên bố như sau:
“Chúng tôi,  Thiếu Tướng Musaed Ghaidan Al Mansouri, chỉ huy lực lượng an ninh Al Wahat Security Directorate, và Thiếu Tướng Hassan Ibrahim Al Qarawi, chỉ huy lực lượng an ninh Jabel Al Akhdar Security Directorate tuyên bố trung thành và gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2 của nhân dân Libya, với mục đích tranh đấu cho Tự Do, lòng Tự Trọng và Công Bằng Xã Hội và để chấm dứt sự bất công và đàn áp.

Cùng lúc, Thiếu Tướng Dawood Issa Al Qafsi, chỉ huy các đơn vị quân đội tại  thành phố Ajdabia, Braiga, Bisher, Ogaila, Sultan and Zwaitina, cũng vừa tuyên bố gia nhập lực lượng cách mạng, ông tuyên bố:
“Tôi, Thiếu Tướng Dawood Issa Al Qafsi, công bố gia nhập lực lượng Cách Mạng 17 tháng 2.  Cùng gia nhập với tôi có các sĩ quan, các tu viên quân đội và binh lính thuộc các đơn vị tại những thành phố Ajdabia, Braiga, Bisher, Ogaila, Sultan and Zwaitina.

Những đơn vị quân đội đang phối hợp với lực lượng người biểu tình được vũ trang tiến về Tripoli để lật đổ Tổng Thống Gaddafi.
Vòng vây của dân biểu tình và các lực lượng đối kháng đang khép chặt lại chung quanh thủ đô Tripoli.

Để đối phó với tình hình nguy ngập, Tổng Thống Muammar Gaddafi đã chỉ định ông Bouzaid Dordah, người cầm đầu cơ quan tình báo, tiến hành đàm phán với lực lượng đối kháng ở vùng miền Đông, trước khi sử dụng biện pháp quân sự.  Tuy nhiên, phát ngôn nhân của Hội Đồng Quốc Gia, bộ phận đại diện cho lực lượng đối kháng vừa thành lập hôm chủ nhật vừa qua, cho biết “không còn gì để thương lượng nữa.  Chúng tôi sẽ giúp đỡ những người biểu tình nổi dậy giải phóng các thành phố còn lại ở Libya, đặc biệt là vùng thủ đô Tripoli, bằng quân đội quốc gia, bằng lực lượng vũ trang ủng hộ nhân dân.

Tuy vậy, khi trả lời cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho đài ABC, ông Gaddafi vẫn chối bỏ sự việc nhân dân Libya đang nổi dậy đòi hỏi ông phải ra đi.   Ông Gaddafi đã cười lớn khi nghe câu hỏi là ông có nghĩ đến việc phải bước xuống.  Ký giả Christiane Amanpour cho biết “trong cuộc nói chuyện, ông Gaddafi đã nói với tôi là tất cả nhân dân Libya yêu tôi.  Họ sẵn sàng chết để bảo vệ tôi.

Khi được hỏi nhiều lần về việc thả bom giết hại người biểu tình, “ông Gaddafi nói những việc đó không có xảy ra,  họ chỉ thả bom vào quân đội và các kho vũ khí”.

Một đoạn phim được phát tán trên mạng cho thấy Saif al-Islam, con trai của ông Gaddafi đang khích động đám đông chiến đấu cho cha của mình và hứa sẽ cung cấp vũ khí cho họ.  Đoạn phim này có khả năng sẽ là bằng chứng trước toà án quốc tế cho thấy việc tấn công vào người biểu tình là do gia đình ông Gaddafi chủ động và có kế hoạch.

Nhận định về những câu trả lời đầy lạc quan của Tổng Thống Gaddafi, các nhân viên cao cấp Hoa K cho rằng ông Gaddafi đang bị bệnh hoang tưởng và không còn đủ năng lực để lãnh đạo quốc gia.

Ông David Cohen, nhân viên Ngân Khố Quốc Gia Hoa K, cho biết 30 tỉ Mỹ Kim tài sản của dân Libya đã bị phong toả và đây cũng là con số lớn nhất bị phong toả từ trước đến giờ.

Các chiến hạm của Hải quân Hoa K đang di duyển về phiá biển Địa Trung Hải cho thấy biện pháp can thiệp quân sự cũng đang được Hoa K và các thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cứu xét.  Tuy nhiên, trong buổi họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ, Ngoại Trưởng Clinton cho biết các chiến hạm trên được đưa đến để phục vụ cho mục tiêu nhân đạo và cứu trợ.  Bà cũng cho biết việc biện pháp No-fly zone (khu vực cấm bay nhằm mục đích không cho máy bay chiến đấu cất cánh) cũng đang được Liên Hiệp Quốc cứu xét, và trong cuộc họp Hội Đồng Bảo An,  những thảo luận được đưa ra để gây sức ép lên chính quyền Gaddafi mà không làm hại đến nhân dân Libya.

Pháp cũng tuyên bố sẽ gửi viện trợ nhân đạo, bao gồm lương thực, bác sĩ, y tá và các loại thuốc men đến những vùng giải phóng để giúp dân chúng Libya.

Thủ Tướng Qatar, Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani, cũng lên tiếng kêu gọi ông Gaddafi hãy bước xuống “Bây giờ chưa quá muộn để có quyết định.  Người chiến thắng trong cuộc cách mạng này không thể là ai khác ngoài nhân dân Libya.  Giá trị của sự lãnh đạo là gì ?  Nó sẽ đưa đến những gì ?  Tôi tin rằng ông ta (Gaddafi) nên có một quyết định can đảm.

(Tổng hợp theo  Epoch Times, Al Jazeera, CTV News, CNN)
.
.
.