Wednesday, February 5, 2025

MALAYSIA SẼ LÈO LÁI CON THUYỀN ASEAN RA SAO? (Khánh Linh | Luật Khoa tạp chí)

 



Malaysia sẽ lèo lái con thuyền ASEAN ra sao?

Khánh Linh  |  Luật Khoa tạp chí

Feb 3, 2025   5:22 PM
https://www.luatkhoa.com/2025/02/malaysia-se-leo-lai-con-thuyen-asean-ra-sao/

 

Nỗ lực gìn giữ uy tín của khối.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2025/02/Image-01.jpg

Thủ tướng Anwar Ibrahim. Ảnh: Prime Minister's Office of Malaysia Official Website.

 

Ngày 1/1, Malaysia chính thức đảm nhận vai trò chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025. Đây là lần thứ năm Malaysia giữ cương vị này kể từ khi tổ chức được thành lập vào năm 1967. Trước đó, nước này từng đảm nhiệm vị trí điều phối vào các năm 1977, 1997, 2005 và 2015.

 

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim sẽ chèo lái con thuyền ASEAN dưới chủ đề “Bao trùm và Bền vững” (Inclusivity and Sustainability). [1] Logo của ASEAN 2025 mang màu sắc tươi sáng, lấy hình ảnh hoa dâm bụt đỏ (bunga raya) - quốc hoa của Malaysia - làm biểu tượng. Thiết kế xoáy vào bên trong tượng trưng cho tính trung tâm và sự bền vững của Hiệp hội. [2]

 

Nhiệm vụ lớn lao của Malaysia là tăng cường tính dung nạp trong ASEAN và đưa các chương trình nghị sự theo hướng phát triển bền vững. Các nước thành viên kỳ vọng Malaysia có thể duy trì vai trò trung tâm của khối bằng kinh nghiệm dày dạn của mình, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động. 

 

Tuy nhiên, điều khiến các quốc gia trong khu vực và các nhà quan sát băn khoăn là nước chủ nhà sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách trong khu vực ra sao, như tranh chấp ở Biển Đông và nội chiến ở Myanmar. Đây vẫn là hai bài toán an ninh nan giải vì liên quan đến chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc và các tính toán chính trị phức tạp của các bên liên quan. 

 

Trong bài viết trên Project Syndicate vào tháng 12/2024, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh: “Khi căng thẳng toàn cầu leo thang - từ cạnh tranh chiến lược đến biến đổi khí hậu - tinh thần hợp tác của ASEAN chưa bao giờ quan trọng hơn thế”. [3] Tuy vậy, vai trò của người cầm lái cũng rất quan trọng vì họ điều phối các chương trình hoạt động trong khối.

 

Vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp khi Trung Quốc ngày càng tham vọng độc chiếm vùng biển này. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Philippines nhất là tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vẫn chưa hạ nhiệt. Trung Quốc nhiều lần đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông và đề nghị Philippines “xem xét nghiêm túc” tương lai của quan hệ song phương. [4]

 

Bên cạnh đó, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tháng 2/2021, cuộc khủng hoảng tại Myanmar vẫn kéo dài. Bước sang năm thứ tư, bạo lực leo thang, khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, và nền kinh tế ngày càng suy thoái khiến triển vọng phục hồi của nước này thêm mong manh.

 

Vấn đề cốt lõi là liệu Kuala Lumpur có thể giữ vững nguyên tắc trung lập (neutrality) trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hay không, điều này được dự báo sẽ ngày càng gay gắt khi ông Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng.

 

Tháng 10/2024, Malaysia chính thức trở thành “quốc gia đối tác” (partner country) của BRICS - khối các nền kinh tế gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, v.v. [5] Mặc dù Thủ tướng Anwar thường tuyên bố rằng Myanmar duy trì “trung lập” trong các tranh chấp và cạnh tranh nước lớn, việc này gia nhập BRICS gợi cảm giác Kuala Lumpur đang “chọn phe” khi củng cố quan hệ với Trung Quốc. [6]

 

Tháng 11 cùng năm, Thủ tướng Anwar thăm Trung Quốc. [7] Đây là chuyến đi Trung Quốc lần thứ ba của ông ở cương vị thủ tướng kể từ tháng 3/2023. Tại Trung Quốc, ông Anwar bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc sẽ thúc đẩy các quan hệ chặt chẽ hơn, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. 

 

Tuy nhiên, việc hai nền kinh tế gắn bó chặt chẽ đặt dấu hỏi về khả năng Malaysia không “thiên vị” Trung Quốc trong các kế hoạch hợp tác hay chương trình nghị sự. Kể từ năm 2009, Trung Quốc luôn giữ vị thế là nhà đầu tư lớn nhất tại Malaysia với khoản đầu tư trực tiếp đạt 1,48 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. [8] Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành những lời thân mật cho Malaysia, ca ngợi hai nước “không chỉ là những người hàng xóm tốt đối diện nhau qua biển mà còn là những người bạn tốt có tầm nhìn chung, và là những đối tác tốt vì sự phát triển chung”. [9]

 

Bên cạnh đó, sẽ rất khó để Malaysia có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, các nỗ lực đàm phán vẫn dùng dằng và không có nhiều tiến triển. Nguyên nhân là sự thiếu vắng lòng tin giữa các bên, sự mơ hồ về việc Trung Quốc có tuân thủ các cam kết hay không, cũng như nước này vẫn không ngừng xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông. [10]

 

Malaysia có thể cố gắng thúc đẩy đàm phán COC hay hạ nhiệt căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Thế nhưng, sự khác biệt trong tầm nhìn của các thành viên có thể cản trở việc đạt được những kết quả thực chất. [11] Cụ thể, Trung Quốc có thể ưu tiên đàm phán trực tiếp với Philippines thay vì chấp nhận một quốc gia đứng ra làm trung gian. Tương tự, Philippines và Việt Nam có thể tìm đến Mỹ cùng các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ để tăng cường tiếng nói và nhận được sự ủng hộ ngoại giao lớn hơn.

 

Dù Thủ tướng Anwar khá im ắng về tình hình an ninh ở Biển Đông, ông lại đưa ra tuyên bố khá rõ về mục tiêu của đất nước mình trong vai trò chủ tịch ASEAN. Cũng trong bài viết trên Project Syndicate, ông Anwar khẳng định tầm nhìn của mình “bao gồm cam kết chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở Myanmar, một thử thách mà lương tâm tập thể của ASEAN phải vượt qua nếu muốn duy trì uy tín của mình”. [12] 

 

 

 XEM TIẾP >>>>>  

 

 

 

 





No comments: