Wednesday, July 3, 2024

THẾ GIỚI HÔM NAY : 02/07/2024 (The Economist / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 02/07/2024

The Economist 

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

02/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/02/the-gioi-hom-nay-02-07-2024/

 

Trong quyết định với tỷ lệ phiếu 6-3 theo đúng lằn ranh ý thức hệ, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phán quyết rằng các tổng thống “ít nhất là được giả định miễn trừ” khỏi bị truy tố hình sự đối với các hành động vì “việc công” chứ không phải đối với các hành động vì “việc tư.” Đây là vụ kiện được đệ trình bởi Donald Trump, người bị truy tố vì âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Liệu hành động của ông Trump trong và trước ngày 6 tháng 1 có đủ điều kiện là việc tư hay không, các thẩm phán sẽ chuyển cho tòa cấp dưới quyết định, qua đó có thể trì hoãn phiên tòa cho đến sau tháng 11. Trong bản ý kiến ​​​​phản đối, thẩm phán tự do của toà nói rằng quyết định này “chế giễu nguyên tắc…  không ai đứng trên pháp luật.”

 

Các đảng trung dung và cánh tả của Pháp đã rút một số ứng viên ở các quận mà nhóm còn lại có vị thế tốt hơn để đánh bại Mặt trận Quốc gia trong vòng hai của cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tuần. Hôm Chủ nhật, đảng của Marine Le Pen đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên với 33% số phiếu bầu. Mặt trận Nhân dân Mới cánh tả nhận được 28% số phiếu bầu, trong khi khối trung dung của tổng thống Emmanuel Macron chỉ được 21%.

 

Giá tiêu dùng ở Đức tăng 2,5% so với cùng kỳ trong tháng 6, giảm từ 2,8% của tháng 5. Chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Lạm phát dịch vụ vẫn ở mức 3,9%, chủ yếu là do lương cao. Ở châu Âu, tiền lương thường mất thời gian để điều chỉnh theo điều kiện kinh tế vì thường được quyết định theo các thỏa thuận thương lượng tập thể.

 

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố nội các liên minh mới. Sáu trong số 32 vị trí bộ trưởng sẽ thuộc về các thành viên của Liên minh Dân chủ, phe đối lập trước đây với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Ramaphosa. ANC lần đầu tiên mất đa số trong quốc hội sau cuộc bầu cử vào tháng 5, buộc họ phải thành lập “chính phủ đoàn kết dân tộc” với các đảng khác.

 

Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ sẽ bãi bỏ lệnh cấm thưởng cho các nhân viên hàng đầu của họ ở Anh. Quyết định của ngân hàng đến sau những động thái tương tự gần đây của JPMorgan Chase và Goldman Sachs. Chính phủ Anh đã dỡ bỏ giới hạn do EU áp đặt vào năm 2023 để tăng khả năng cạnh tranh. Morgan Stanley cho biết họ sẽ thay thế bằng “giới hạn tiền thưởng nội bộ phù hợp.”

 

Boeing được cho là đã đồng ý mua Spirit AeroSystems, một trong những nhà cung cấp của hãng, với giá hơn 4 tỷ USD. Nhà sản xuất máy bay Mỹ cho biết việc mua lại sẽ giúp họ cải thiện độ an toàn trong quá trình sản xuất. Boeing trước đây sở hữu Spirit, nhưng đã tách nó ra vào năm 2005. Theo báo cáo, bộ tư pháp Mỹ sẽ sớm buộc tội Boeing về tội gian lận, liên quan đến hai vụ tai nạn chết người.

 

Na Uy đã chặn việc bán mảnh đất thuộc sở hữu tư nhân cuối cùng trên Svalbard, một quần đảo ở Bắc Cực, để ngăn Trung Quốc mua lại. Svalbard là một phần của Na Uy, nhưng một hiệp ước từ năm 1920 trao cho các quốc gia ký kết hiệp ước Bắc Cực – bao gồm cả Trung Quốc và Nga – quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả khoáng sản. Bắc Cực đang ngày càng chứng kiến nhiều căng thẳng địa chính trị hơn.

 

Con số trong ngày: 94%, là tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến ​​của Ukraine vào cuối năm nay.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thái Lan bầu thượng viện

Thượng viện ở Thái Lan không chỉ mang tính nghi lễ, mà có quyền xây dựng và lật đổ chính phủ. Vào năm 2023, viện đã ngăn cản Pita Limjaroenrat thành lập chính phủ sau khi Đảng Move Forward cấp tiến của ông thắng nhiều ghế nhất ở hạ viện. Giờ đây sẽ có một số thay đổi đối với thượng viện. Quân đội bổ nhiệm nhóm thượng nghị sĩ trước đó vào năm 2019. Nhưng thượng viện gần đây đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên sau một thập niên, trong đó khoảng 3.000 ứng viên — đại diện cho nhiều nhóm chuyên môn khác nhau — đã bỏ phiếu giữa họ để chọn ra 200 thành viên. Các thượng nghị sĩ mới sẽ được công bố chính thức vào thứ Ba.

 

Thượng viện được cải tổ sẽ không còn quyền giúp bầu thủ tướng nữa. Nhưng nó sẽ giữ các vai trò quan trọng khác, bao gồm quyền bổ nhiệm tư pháp. Giới quân sự bảo thủ hy vọng các đồng minh của họ sẽ giành được nhiều ghế – và tiếp tục bảo vệ lợi ích của nhóm mình. Kết quả tạm thời cho thấy các cựu tướng lĩnh sẽ nằm trong số những người chiến thắng vào thứ Ba.

 

Chiến tranh không hồi kết ở Gaza

Tin tức từ Gaza có vẻ lặp đi lặp lại một cách đau đớn. Hôm thứ Hai, quân đội Israel lại giao tranh ở khu vực phía đông bắc Shujaiya, ít nhất là cuộc tấn công thứ ba của họ vào khu vực này kể từ tháng 12. Cùng ngày, nhóm chiến binh Jihad Hồi giáo đã bắn khoảng 20 quả rocket vào các thị trấn ở miền nam Israel. Đòn tấn công là lời nhắc nhở rằng sau 9 tháng chiến tranh, nhóm vẫn còn một kho vũ khí dự trữ.

 

Trong những ngày tới, quân đội Israel có thể sẽ tuyên bố chấm dứt chiến dịch ở thành phố Rafah miền nam, bắt đầu vào ngày 6 tháng 5, cùng với đó là chấm dứt các cuộc tấn công lớn ở Gaza. Nhưng nội các Israel vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về số phận lâu dài của khu vực: ai sẽ đảm bảo an ninh và quản lý nó, cũng như cách thức tái thiết lại sau chiến tranh. Các cuộc đàm phán với Hamas về thỏa thuận con tin và lệnh ngừng bắn vẫn bị đình trệ. Giai đoạn mới của cuộc chiến có thể sẽ không khác giai đoạn trước đó là bao.

 

Chính phủ liên minh mới của Hà Lan

Vào thứ Ba, Mark Rutte, thủ tướng Hà Lan tại vị lâu nhất, sẽ rời nhiệm sở sau 14 năm. (Ông sẽ trở thành tổng thư ký NATO vào tháng 10.) Xoay quanh chính phủ liên minh cánh hữu sẽ thay thế ông là một tình huống rất phức tạp.

 

Đảng lớn nhất trong liên minh, Đảng vì Tự do (PVV) cực hữu của Geert Wilders, một nhân vật chuyên kích động quần chúng theo chủ nghĩa bản địa, bị hai đối tác của mình, đảng Khế ước Xã hội Mới (NSC) trung hữu và Đảng Tự do (VVD) nghi ngờ sâu sắc. Và do đó, các đảng này đã chọn một công chức phi đảng phái, Dick Schoof, làm thủ tướng. NSC và Đảng Tự do (đảng cũ của ông Rutte) giành được quyền kiểm soát các bộ quan trọng như tài chính, ngoại giao, quốc phòng, và khí hậu, đồng thời đưa vào các bộ trưởng giàu kinh nghiệm, những người có thể đảm bảo tính liên tục. PVV nắm các bộ nhập cư, cơ sở hạ tầng, và y tế; trong khi một đảng nông dân nhỏ theo chủ nghĩa dân túy nắm bộ nông nghiệp. Cả hai đảng đều đã đưa ra những lời hứa không thể chấp nhận được hoặc mâu thuẫn với các quy định của EU. Điều đó sẽ gây rắc rối cho ông Schoof khi ông tới Brussels – và khi ông trình bày dự thảo ngân sách vào tháng 9.

 

Châu Âu hồi hộp chờ dữ liệu lạm phát

Sau khi thị trường tiêu hóa xong kết quả vòng đầu của cuộc bầu cử Pháp, họ sẽ chuyển sự chú ý sang lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB – đang triệu tập hội nghị thường niên tại Bồ Đào Nha từ thứ Hai đến thứ Tư – cũng sẽ theo dõi loạt dữ liệu lạm phát khu vực đồng euro mới nhất, được công bố vào thứ Ba, để quyết định xem có nên cắt giảm lãi suất trong tháng thứ hai liên tiếp vào ngày 18 tháng 7 hay không.

 

Một số nước đã báo cáo số liệu lạm phát. Tỷ lệ lạm phát theo năm của Đức đã giảm xuống 2,5% trong tháng 6, từ mức 2,8% của tháng 5. Tây Ban Nha ghi nhận mức giảm tương tự, từ 3,8% xuống 3,5%. Điều đó báo hiệu lạm phát giảm ở khu vực đồng euro. Tuy vậy, ECB có thể sẽ chọn thận trọng. Giá dịch vụ vẫn đang tăng một cách bướng bỉnh. Ở Đức, giá dịch vụ tăng 3,9% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Và trên toàn khu vực đồng euro, lạm phát dịch vụ vẫn ở mức trên 4% trong tháng 5. ECB biết rằng chặng đường cuối cùng để giảm lạm phát có thể rất gập ghềnh.

 

------------------------------------

 

THẾ GIỚI HÔM NAY : 01/07/2024

 





NHIỆM KỲ THẨM PHÁN SUỐT ĐỜI VỚI THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM (RFA)

 



Nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời với thể chế chính trị Việt Nam

RFA

2024.07.02

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lifetime-judgeship-with-vietnam-s-political-regime-07022024123544.html

 

Theo quy định mới tại luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2024, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, thẩm phán Tòa án Nhân dân sẽ có nhiệm kỳ suốt đời. Với quy định hiện hành, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lifetime-judgeship-with-vietnam-s-political-regime-07022024123544.html/@@images/e3b22735-7f4a-4ed2-ab62-d64c1d25dd28.jpeg

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình  (Photo: Bao Thanh tra)

 

Một thẩm phán khi được bổ nhiệm phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý, khách quan và công bằng, chỉ tuân theo pháp luật; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA:

 

“Tôi rất tán thành với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời như là một trong các biện pháp cải cách tư pháp tại Việt Nam, theo hướng bảo đảm tính độc lập xét xử của các thẩm phán. Tuy nhiên, vẫn phải hiểu rằng chỉ trong phạm vi ấy thì vẫn chưa đủ, mà phải có các biện pháp cải cách đồng bộ. Thứ nhất là phải bãi bỏ các cơ chế phi pháp luật đang can thiệp sâu vào quyết định của các thẩm phán, chẳng hạn như sự chỉ đạo của Ban nội chính, cơ quan đảng và họp duyệt án.

Thứ hai, phải bảo đảm mức lương cho thẩm phán đủ sống để thẩm phán không bị còn bị đồng tiền chi phối vào các quyết định xét xử của họ. Thứ ba là phải cấm các thẩm phán tham gia đảng phái chính trị để các thẩm phán có thể đưa ra các quyết định khách quan, chỉ tuân thủ pháp luật, không bị tác động, chi phối bởi lợi ích đảng phái chính trị.”

 

Khoản 1 Điều 65 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 nêu rõ, thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Hiện Việt Nam có thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp và thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có 7 năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose, nói với RFA về việc bổ nhiệm thẩm phán ở Hoa Kỳ:

 

“Trong hệ thống tòa án liên bang cũng như tiểu bang, khi một vị thẩm phán được bổ nhiệm thì nhiệm kỳ của họ là suốt đời. Một vị thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ không phải lo lắng cho công việc trong tương lai, không cần phải lấy lòng ai để mưu cầu cá nhân khi hết nhiệm kỳ. Việc của họ là bảo vệ danh dự cho chính bản thân họ bằng cách làm việc theo đúng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ”.

 

Luật sư Duyên nói thêm, việc bổ nhiệm thẩm phán làm việc suốt đời cũng có mặt hạn chế, là đôi khi quan điểm của họ không còn phù hợp với xã hội thay đổi rất nhanh về mọi mặt nên có thể ra những phán quyết lạc hậu.

 

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nói với RFA:

 

“Điều đó phù hợp với chuẩn mực của quốc tế. Đó là điều Việt Nam nên làm để có thể hội nhập với thế giới trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo với thể chế là độc đảng toàn trị. Cho nên để bổ nhiệm thẩm phán có thời hạn 5, 10 năm hay bổ nhiệm thẩm phán suốt đời thì cũng không thay đổi tính độc lập cần có của một thẩm phán khi quyết định một bản án. Lý do là tất cả các thẩm phán đều là đảng viên và theo sự chỉ đạo của đảng, nên không thể mong chờ ở họ một sự độc lập nào trong xét xử cả”.  ,

 

Nói về thẩm quyền thực sự của thẩm phán ở Việt Nam, báo Thanh Tra, cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có bài “Thẩm phán không độc lập, công lý chỉ mang lại cho quan chức”. Nội dung bài viết phỏng vấn GS. TS Lê Hồng Hạnh khi ông còn giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp. Ông Hạnh khẳng định tòa án không xét xử độc lập, thẩm phán không độc lập, không làm được gì, không mang lại công lý cho người dân, mà chỉ mang lại cho cơ quan hành pháp, cho quan chức.

 

Cũng theo ông Hạnh, muốn xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải bảo đảm độc lập tư pháp, phân rõ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Cơ quan tư pháp phải bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực thi, dù bất kỳ ai đều phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý. Nhiệm vụ đó chỉ tòa án mới làm được.

 

Việc bổ nhiệm, tuyển dụng thẩm phán sao cho không bị “lầm”, là điều được nhiều người quan tâm. Một luật gia ở Sài Gòn, yêu cẩu ẩn danh vì lý do an ninh, nói với RFA quan điểm của ông về nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời:

 

“Thứ nhất nó thể hiện tính hội nhập của Việt Nam với thế giới văn minh và các nhà nước pháp quyền. Người thẩm phán khi đó độc lập hơn. Thứ hai, vì nó không có nhiệm kỳ nên không bị áp lực bị thay thế. Thẩm phán Việt Nam thường là đảng viên, trước khi xử thì chi bộ đảng đã định hướng xét xử. Hơn nữa, Việt Nam chưa có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo cả tư pháp, hành pháp và lập pháp, nên người thẩm phán chỉ là người cụ thể hóa định hướng của đảng bằng pháp luật mà thôi, chẳng hạn ca nào xử bao nhiêu năm. Nó khác chỗ đó.

 

Điều quan trọng là quy trình bổ nhiệm ngay từ đầu chuẩn; phải đáp ứng yêu cầu chủ quan và khách quan. Nếu bổ nhiệm nhầm thì rắc rối vô cùng. Mà ở Việt Nam, chủ tịch nước chỉ có một mà còn chọn nhầm, còn bị thay thế, huống gì thẩm phán. Do đó, theo tôi, quy trình bổ nhiệm phải đi với quy trình chế tài. Nếu sai vẫn phải sửa sai”.

 

-----------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Tòa án ‘né’ thu thập chứng cứ dẫn đến bất công trong hoạt động tư pháp

Doanh nhân gửi “tâm thư” cho Tổng bí thư: Gây rối vì lẽ gì?

Việt Nam cần làm gì để phòng, chống tham nhũng hiệu quả?

Cần nghiêm minh trong vụ bé gái bị xâm hại tình dục ở Chương Mỹ

Tiếng gọi lương tri của ngành y tế tại Việt Nam






ỦY BAN NHÂN QUYỀN HẠ VIỆN MỸ KÊU GỌI NHÀ CẦM QUYỀN VIỆT NAM PHÓNG THÍCH BA NHÀ HOẠT ĐỘNG (RFA)

 



Ủy ban nhân quyền Hạ viện Mỹ kêu gọi Việt Nam phóng thích ba nhà hoạt động

RFA
2024.07.01

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tom-lantos-commission-urges-vietnam-to-release-three-prominent-activists-07012024021652.html

 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (26/6), Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho ba nhà hoạt động người Việt tiêu biểu đang bị cầm tù.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tom-lantos-commission-urges-vietnam-to-release-three-prominent-activists-07012024021652.html/@@images/24da5432-d75c-4818-8da3-3a139b05efea.png

Ba nhà hoạt động (từ trái sang): Y Pum Bya, Y Yich, và Phạm Đoan Trang  (RFA edited)

 

Ngày 27/6, uỷ ban chuyên vận động tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn cầu, ra lời kêu gọi phóng thích gần 20 nhà hoạt động khắp thế giới, trong đó có nhà báo-nhà bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang và hai nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo người Thượng là Y Yich và Y Pum Bya.

 

Ba nhà hoạt động trên nằm trong Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project) của Uỷ ban Tom Lantos, trong đó Dân biểu Liên bang Ro Khanna bảo trợ cho nhà báo Phạm Đoan Trang còn Dân biểu Liên bang Glenn Grothman bảo trợ cho hai tù nhân lương tâm còn lại.

 

Ủy ban Tom Lantos cho biết, một phần ba trong số các tù nhân lương tâm thuộc dự án này đã phải chịu một số hình thức tra tấn, trong đó ba tù nhân lương tâm người Việt bị bỏ bê về mặt y tế, đề nghị tất cả họ "phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện".

 

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos, nhưng chưa nhận được phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời email của RFA.

 

Việt Nam thường khẳng định không giam giữ tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, mà chỉ cầm tù những người vi phạm hình sự.

 

Mục sư Y Yich bị bắt vào giữa tháng 5/2013 và sau đó bị kết án 12 năm tù về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.” Còn nhà truyền đạo Tin Lành người Thượng tại Đắk Lắk - Y Pum Bya bị bắt vào giữa tháng 4/2018 và đầu năm 2019 ông bị kết án 14 năm tù giam với cùng tội danh.

 

Ông Y Phic Hdok, sáng lập viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice- MSFJ) hiện đang định cư ở Mỹ đánh giá về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos:

 

Hành động kêu gọi của Ủy ban Tom Lantos đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm Y Yich và Y Pum là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình trạng nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các dân tộc thiểu số đang bị áp bức.

 

Tôi tin rằng sự kiện này sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên Chính phủ Việt Nam và có thể dẫn đến những cuộc đối thoại quan trọng về nhân quyền. Điều này cũng cho thấy sức mạnh của các nỗ lực vận động từ các nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền.”

 

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền của người sắc tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên, cộng đồng quốc tế cần theo dõi liên tục và bền bỉ để bảo đảm rằng những lời kêu gọi này sẽ dẫn đến hành động cụ thể.

 

Ông cũng hy vọng sự việc này sẽ mở ra cơ hội để xem xét lại các trường hợp tương tự khác và thúc đẩy cải thiện tình hình nhân quyền nói chung ở trong nước.

 

Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, cho biết bà rất vui khi được tin Uỷ ban Tom Lantos kêu gọi trả tự do cho con gái bà cũng như hai nhà hoạt động người Thượng.

Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 01/7 về con gái mình:

 

Đoan Trang đấu tranh cho một đất nước có dân chủ và nhân quyền, người dân được sống trong hạnh phúc. Mục đích chỉ là chống chế độ độc tài, công an trị thôi chứ người phụ nữ nhỏ nhắn không có một tấc sắt trong tay thì làm sao lật đổ được chính quyền!”

 

Bà nói tinh thần của con gái rất vững vàng dù đang bị đày đoạ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bằng bản án dài hạn:

 

Đoan Trang kiên định lập trường lắm, không sợ bất kỳ một thế lực nào làm nhụt ý chí của nó. Nó còn động viên tôi là ‘mẹ phải vui sống chờ ngày con về, nếu mẹ buồn chán là thua chúng nó’.”

 

Đây là lần thứ hai Uỷ ban Tom Lantos kêu gọi Hà Nội trả tự do cho Phạm Đoan Trang trong vòng hai tháng. Trước đó, vào ngày 3/5, nhân ngày Ngày Tự do Báo chí Thế giới, uỷ ban này cũng đưa ra lời kêu gọi phóng thích nhà báo này cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân và là một nhà bất đồng chính kiến đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

 

Phạm Đoan Trang từng là phóng viên của một số tờ báo nhà nước. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách bị chính quyền cấm lưu hành như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, và Phản Kháng Phi Bạo Lực. Bà cũng tham gia viết nhiều báo cáo song ngữ về tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam mà nổi bật là Báo Cáo Đồng Tâm viết về vụ công an cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội hồi năm 2020 gây phẫn nộ trong dư luận.

 

Bà bị bắt vào đầu tháng 10/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Năm sau, bà bị kết án 9 năm tù giam. Bà bị đưa đi thi hành ở Trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, cách xa gia đình đến hơn 1.000 km.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

PEN America công bố giải thưởng tự do viết cho Nhà báo Phạm Đoan Trang

RSF hối thúc Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang nhân dịp ba năm bà bị bắt

Việt Nam trả lời chất vấn của chuyên gia LHQ về trường hợp Phạm Đoan Trang

RSF: Phạm Đoan Trang là một trong 73 nhà báo nữ phải đón 8/3 sau song sắt nhà tù

Ủy ban Nhân quyền Mỹ nói VN phải trả tự do vô điều kiện cho ông Trần Huỳnh Duy Thức





VIỆT NAM NHẬN 15 TỶ USD ĐỂ GIẢM ĐIỆN THAN NHƯNG LẠI XÂY THÊM NHÀ MÁY : HOA KỲ 'SẼ GIÁM SÁT CHẶT' (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam nhận 15 tỷ USD để giảm điện than nhưng xây thêm nhà máy: Mỹ ‘sẽ giám sát chặt’  

BBC News Tiếng Việt

2 tháng 7 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxe2nr2y958o

 

Kế hoạch xây dựng một nhà máy điện than mới ở Việt Nam đang thu hút sự giám sát từ các nước giàu đã cấp vốn cho gói tài chính trị giá 15 tỷ USD - được thiết kế để giúp Hà Nội thoát khỏi loại nhiên liệu này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9566/live/e079dc80-353b-11ef-bdc5-41d7421c2adf.jpg.webp

Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cam kết tham vọng rằng Việt Nam sẽ cắt giảm điện than tới 70% vào năm 2050, nhưng việc thiếu điện trầm trọng hiện nay đã khiến Việt Nam tiếp tục cho tái khởi động các dự án nhà máy điện than đang dang dở, trong đó có Sông Hậu 2

 

Nhà máy điện Sông Hậu 2 công suất 2,1 GW, hiện đang được triển khai xây dựng, đã ký kết thỏa thuận kết nối lưới điện quốc gia và khoản vay gần 1 tỷ USD.

 

Nhà máy này do Tập đoàn Toyo Ventures Holding Berhad của Malaysia làm chủ đầu tư.

 

Việc xây dựng nhà máy này có thể khiến Việt Nam vi phạm giới hạn sản xuất điện than được quy định trong thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá hơn 15,5 tỷ USD được công bố vào năm 2022.

 

 

‘Gây thất vọng và đáng lo ngại’

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/97f9/live/3653b4a0-353c-11ef-a044-9d4367d5b599.jpg.webp

Một trang trại điện gió ở Bạc Liêu.

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Lucy Hummer từ Tổ chức Global Energy Mornit (GEM) nói rằng việc chính thức triển khai xây dựng nhà máy Sông Hậu 2 "gây thất vọng và đáng lo ngại vì nhiều lý do".

 

Trước hết là vì việc xây dựng nhà máy này đe dọa các kế hoạch giảm công suất điện than mà Việt Nam đã thiết lập trước đây.

 

Tiếp đó, việc này cho thấy Việt Nam ủng hộ một kế hoạch năng lượng dài hạn đi ngược lại xu hướng từ bỏ than trên toàn cầu.

 

Việt Nam đã cam kết giảm một nửa công suất nhà máy than vào năm 2035 và loại bỏ dần điện than vào năm 2044 để đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

 

Cam kết nói trên - mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đột ngột đưa ra tại Thượng đỉnh kh hậu (COP26) tại Scotland năm 2021 - được đánh giá là đầy tham vọng nhưng "vội vàng".

 

Việt Nam đang trải qua đợt nắng nóng, khô hạn diện rộng gây thiếu điện nghiêm trọng. Và một trong các giải pháp mà Việt Nam ngay lập tức dùng để giải quyết tình hình là tái khởi động các dự án điện than đang dang dở.

 

Bà Hummer nhận định rằng cả Việt Nam và chủ đầu tư từ Malaysia nên xem xét lại việc đặt cược vào tương lai của than ở Đông Nam Á - nơi các khoản tài trợ cho dự án điện than đang giảm mạnh.

 

"Các thỏa thuận tài chính của các đối tác Malaysia sẽ đặt Việt Nam vào thế bị soi xét kỹ lưỡng do các lo ngại về chính trị, kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng," bà Hummer nhận định.

 

Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào vào bậc nhất trong khu vực.

 

Do đó, việc cấp vốn và xây dựng các nhà máy than mới là "không phù hợp với vị thế quốc gia dẫn đầu khu vực của Việt Nam - về cả công suất năng lượng tái tạo đang có và tiềm năng," bà Lucy nói với BBC.

 

"Việc xây dựng các nhà máy than mới trong nước là không cần thiết do ngày càng có nhiều nguồn thay thế rẻ hơn và sạch hơn," bà nhấn mạnh.

 

Nguy hiểm hơn, công suất điện than mà nhà máy Sông Hậu 2 mang lại sẽ đặt Việt Nam vào nguy cơ vi phạm các giới hạn được thiết lập bởi gói tài trợ quốc tế trị giá 15 tỷ USD - theo thỏa thuận JETP.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/eefc/live/cb719460-37c8-11ef-bbe0-29f79e992ddd.jpg.webp

Bà Lucy Hummer

 

Thỏa thuận JETP có quy định rằng Việt Nam sẽ không vượt quá 6 GW công suất điện than mới.

 

Đáng chú ý là, dữ liệu của GEM cho thấy Việt Nam hiện đang có năm dự án điện than chưa được tài trợ có công suất dự kiến vượt quá 6 GW nói trên, bao gồm Long Phú 1, Na Dương 2, Quảng Trạch 1, Vũng Áng 2 và Sông Hậu 2.

 

Năm nhà máy này đã được gia hạn đến tháng 6/2024 để quyết định hoặc tiếp tục triển khai hoặc hủy bỏ.

 

"Chính sách này đặt ngành công nghiệp than vào sự xung đột với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thay vì tạo ra một cơ chế hợp tác trơn tru và bình đẳng," bà Lucy nói với BBC.

 

Kể từ khi Quy hoạch phát triển điện 8 (PDP8) được phê duyệt vào tháng 5/2023, Việt Nam đã đưa một nhà máy than mới - Vân Phong 1 và 2 (với công suất dự kiến mỗi tổ máy là 716 MW) - vào hoạt động.

 

Bốn nhà máy khác cũng đã "rục rịch" là Long Phú 1 Na Dương 2, Quảng Trạch 1và Vũng Áng 2.

 

Cùng với Sông Hậu 2, nếu tất cả các dự án này đều được vận hành thương mại, Việt Nam sẽ đạt công suất than vận hành là 33,2 GW theo dữ liệu của GEM, lớn hơn cả dự báo nêu ra trong PDP8 và các điều khoản của JETP.

 

 

Mỹ ‘sẽ giám sát chặt’

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ad20/live/da938480-353e-11ef-a044-9d4367d5b599.jpg.webp

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở Hải Dương năm 2022

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ và các đối tác quốc tế khác tiếp tục khuyến khích Việt Nam theo đuổi các mục tiêu nêu ra trong JETP để triển khai năng lượng tái tạo và chuyển đổi khỏi năng lượng than, theo Bloomberg.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về khả năng xây dựng và vận hành thêm nhà máy than, điều này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực nói trên.

 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện những cải cách cần thiết, loại bỏ dần việc sản xuất điện đốt than, tăng cường năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện, đồng thời huy động nguồn tài chính đã cam kết để đạt được những mục tiêu này.”

 

Việc Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà máy điện than Sông Hậu 2 càng cho thấy rõ hơn những hạn chế của mô hình JETP, theo nhận định của Bloomberg.

 

Theo thỏa thuận này, Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã đồng ý huy động 7,75 tỷ USD viện trợ và cho vay, cùng với 7,75 tỷ USD từ các nhà đầu tư, tổng cộng là hơn 15 tỷ USD, để giúp Việt Nam về mặt tài chính nhằm thực hiện cam kết cắt giảm điện than, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Jake Schmidt, giám đốc chiến lược cấp cao về khí hậu quốc tế tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, cho biết: “Không phải là một dấu hiệu tốt nếu một quốc gia như Việt Nam tiếp tục đầu tư vào than”.

 

 

Lộ trình xây dựng nhà máy điện than Sông Hậu 2

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6fcb/live/99ab6070-353c-11ef-bbe0-29f79e992ddd.jpg.webp

Dự án nhà máy điện than Sông Hậu 2

 

Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 đã ký thỏa thuận kết nối lưới điện với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và khoản vay 980 triệu USD để mua thiết bị, theo hồ sơ của nhà phát triển Toyo Ventures Holdings Berhad trên sàn Bursa Malaysia vào đầu tháng 6/2024, theo Bloomberg.

 

Dự án Sông Hậu 2 trị giá 2,7 tỷ USD đã bị trì hoãn trong hơn một thập kỷ tại tỉnh Hậu Giang.

 

Dự án này đã được triển khai hơn một năm sau khi giới chức Việt Nam ký gói tài chính khí hậu trị giá 15 tỷ USD với các quốc gia giàu có để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi than, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất.

 

Nếu nhà máy này được xây dựng, Việt Nam có thể vi phạm thỏa thuận đó, theo nhóm vận động về khí hậu Energy Shift Institute.

 

Như một phần của thỏa thuận JETP, Việt Nam đã cam kết giữ công suất điện than ở mức 30,2 GGW vào năm 2030, ít hơn khoảng 7 GW so với kế hoạch trước đó.

 

Theo Christina Ng, giám đốc điều hành của Viện Energy Shift, với những nhà máy than hiện tại và những gì đang được xây dựng, dự án Sông Hậu 2 có thể khiến công suất điện than tại Việt Nam vượt quá giới hạn đã cam kết.

 

 

Đàn áp giới hoạt động môi trường

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b50e/live/22783610-353f-11ef-bbe0-29f79e992ddd.jpg.webp

Từ trái qua: ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Thị Minh Hồng, bà Ngô Thị Tố Nhiên

 

Cuối năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ USD, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero emission) vào 2050.

 

Các nước tài trợ nằm trong nhóm International Partners Group, bao gồm các quốc gia thuộc khối G7, EU, Na Uy và Đan Mạch.

 

Trong các bản kế hoạch trên giấy tờ, Việt Nam được đánh giá là đang đi đúng hướng trên lộ trình loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2050.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về tính khả thi và minh bạch của quá trình này, nhất là khi Việt Nam gần đây đã cho bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường hàng đầu - những người lẽ ra đóng vai trò giám sát độc lập việc thực hiện cam kết đầy tham vọng này.

 

Ngoài bà Ngụy Thị Khanh mới được trả tự do sau 16 tháng tù, hiện một số nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang ngồi tù, như ông Đặng Đình Bách, bà Hoàng Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.

 

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), là người mới nhất bị bắt giữ, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời khỏi Việt Nam sau khi hai nước tuyên bố nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất.

 

Trong tài liệu Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP dài hơn 200 trang mà Việt Nam công bố hồi tháng 12/2023 thì "NGO" (tổ chức phi chính phủ) chỉ xuất hiện có một lần, theo một phân tích của Tiến sĩ Jörg Wischermann từ Viện GIGA nghiên cứu về châu Á, đăng trên trang của Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung (Đức) hôm 10/3.

 

Ông nhận định, trên thực tế, các NGO đã không còn có thể lên tiếng trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

 

Các vụ bắt bớ và truy tố, theo ông, cho thấy "sự tương phản sâu sắc" với những cam kết trong thỏa thuận JETP với phía Việt Nam về cơ chế 'tham vấn.

 

Theo cơ chế tham vấn, các NGO và những tổ chức dân sự đã được định rõ sẽ được tham khảo ý kiến trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam bị đánh giá là "yếu về mặt chính trị". Các bộ khác thì thường xuyên “chây ì”, “trì trệ”, “cản trở và quan liêu” trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, theo ghi chép không công khai của quan chức Anh mà trang Politico tiếp cận được hồi tháng 12/2023.

 

--------------------------

 

Tin liên quan

·         

Việt Nam tăng cường nhiệt điện than, xả thải cao kỷ lục

1 tháng 4 năm 2024

·         

Việt Nam tiếp tục khủng hoảng điện do thủ tướng 'vội vàng'?

28 tháng 5 năm 2024

·         

Năng lượng VN 2023: Điện than đang thoái trào hay bùng nổ?

10 tháng 4 năm 2023






TẬP ĐOÀN NHẬT BẢN & HÀN QUỐC KÝ BIÊN BẢN GHI NHỚ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI Ở VIỆT NAM (RFA)

 



Tập đoàn Nhật Bản và Hàn Quốc ký ghi nhớ thực hiện dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

RFA

2024.07.02

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/marubeni-doosan-vina-join-hands-to-develop-offshore-wind-powr-vietnam-07022024083216.html

 

Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản và Công ty Doosan Vina của Hàn Quốc vào ngày 29/6 đã ký biên bản ghi nhớ để phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam. Sau lễ ký biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ thực hiện nghiên cứu khả thi cho hợp tác này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/marubeni-doosan-vina-join-hands-to-develop-offshore-wind-powr-vietnam-07022024083216.html/@@images/47fcd0b3-f352-43f9-bd66-6e28ee6b2aab.jpeg

Ông Kim Hyo Tae (ngồi bên phải) - Tổng giám đốc của Doosan Vina, và ông Yudai Kato (ngồi bên trái) - Chủ tịch và Tổng giám đốc của Marubeni Asian Power Vietnam ký Bản ghi nhớ ở Quảng Ngãi hôm 29/6/2024  (Tạp chí Năng Lượng Việt Nam)

 

Truyền thông Nhà nước dẫn lời ông Seiji Kawamura, Giám đốc kinh doanh thị trường điện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Marubeni, cho biết năng lượng gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Marubeni. Với thâm niên 50 năm trong ngành điện tại Việt Nam, Marubeni mong muốn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và chính sách của Chính phủ.

 

Doosan Vina là chủ của một khu công nghiệp rộng 100 ha ở Khu Kinh tế Dung Quốc thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Công ty này có kế hoạch sản xuất móng đơn của Tuabin gió và các bộ phận khác cho các trang trại điện gió ngoài khơi tại khu phức hợp công nghiệp này.

 

Hiện các sản phẩm chủ lực của Doosan Vina là mô-đun, cẩu trục cảng biển, kết cấu thép, thiết bị xử lý nhiên liệu thô, lò hơi nhà máy điện, thiết bị khử muối nước biển và các sản phẩm năng lượng xanh.

 

Theo báo Nhà nước, Doosan và Marubeni là đối tác chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai công ty đã xây dựng thành công dự án điện BOT Nghi Sơn 2 tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó Marubeni là thành viên Liên danh Chủ đầu tư còn Doosan là Tổng thầu EPC.

 

Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi với công suất ước tính là 475 gigawatts. Tuy nhiên, cho đến lúc này vẫn chưa có một nhà máy điện gió nào được xây dựng mặc dù Chính phủ đặt ra mục tiêu có được 6 GW điện gió cho đến năm 2030 theo Quy hoạch Điện 8.

 

Hồi tháng 6 năm ngoái, người khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Đan Mạch là Ørsted đã tuyên bố rời khỏi thị trường điện gió ở Việt Nam sau khi đã ký thỏa thuận hợp tác với T&T, một tập đoàn lớn của Việt Nam, vào năm 2021 để đầu tư phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đạt công suất 21GW vào năm 2030.

 

Nguyên nhân được Ørsted đưa ra là Việt Nam thiếu các chính sách chủ chốt liên quan đến việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi. Tuyên bố rời khỏi thị trường Việt Nam của công ty Đan Mạch cho biết: “Đạo đức kinh doanh của chúng tôi đã gặp trở ngại”.

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Việt Nam cần chính sách rõ ràng để đảm bảo tương lai của điện gió ngoài khơi

 





VIỆT NAM NHẬP SIÊU TỪ TRUNG QUỐC CHẠM MỐC 40 TỶ USD (RFA)

 



Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc chạm mốc 40 tỷ USD  

RFA

2024.07.02

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/import-surplus-with-china-at-usd-40-billion-07022024085626.html

 

Nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2024 chạm mốc 40 tỷ USD, chỉ kém năm ngoái 10,2 tỷ USD. Tổng Cục Thống kê Việt Nam báo cáo và truyền thông Nhà nước loan đi ngày 2/7.

 

HÌNH : https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/import-surplus-with-china-at-usd-40-billion-07022024085626.html/@@images/ba82beb3-f2e1-4c6e-85c9-589287bc5107.jpeg

Một người bán đồ gia dụng ngồi trước cửa hàng ở Hà Nội hôm 28/6/2024

 (Nhac NGUYEN / AFP)

 

Số liệu cụ thể cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD, tăng gần 35%. Suốt cả năm ngoái, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 49,4 tỷ USD.

 

Những nhóm hàng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc vào năm ngoái được cho biết gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt hơn 23 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và những phụ tùng khác đạt 22,5 tỷ USD; vải 8,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 7,3 tỷ USD; sắt, thép 5,7 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép 3,4 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo 4 tỷ USD; sản phẩm hóa chất 3,4 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 3,1 tỷ USD; hóa chất 2,9 tỷ USD; dây điện & dây cáp điện 1,5 tỷ USD; xơ, sợi dệt 1,3 tỷ USD; thủy tinh & các sản phẩm thủy tinh 1,1 tỷ USD.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 28 tỷ USD. Cụ thể máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,7 tỷ USD; hàng rau quả hơn 2,3 tỷ USD…

 

--------------------------------------

 Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Việt – Trung chuẩn bị ký thêm các nghị định thư về hàng nông, thủy sản xuất khẩu

Việt Nam nhập siêu hơn 32 tỷ đô la từ Trung Quốc trong năm tháng

Trung Quốc giữ hơn 100 phương tiện vận tải của Việt Nam tại cửa khẩu do tranh chấp

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong bốn tháng đạt 1,8 tỷ đô la

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,6% trong quý một, thặng dư hơn tám tỷ đô la





DÂN BIỂU CALIFORNIA : CẦN PHÓNG THÍCH SƯ THÍCH MINH TUỆ NẾU ÔNG ĐANG BỊ GIAM GIỮ BẤT CÔNG (RFA)

 



Dân biểu California: Cần phóng thích sư Thích Minh Tuệ nếu ông đang bị giam giữ bất công!  

RFA
2024.07.02

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/californian-legisator-calls-for-religious-freedom-for-vietnamese-monk-thich-minh-tue-07022024054146.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/californian-legisator-calls-for-religious-freedom-for-vietnamese-monk-thich-minh-tue-07022024054146.html/@@images/5d4dc373-abba-48f2-97b1-69bd8577ac0c.jpeg

Sư Thích Minh Tuệ

 

Dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang California gửi thư đề nghị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam quan tâm tới trường hợp của sư Thích Minh Tuệ, người bị mất tích lần thứ hai từ tối 12/6/2024.

 

Ngày 1/7, sau khi sư Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) mất tích gần 20 ngày, em trai của ông là Lê Anh Thìn đã thay mặt gia đình gửi đơn trình báo đến công an ba cấp, gồm: xã Ia Tô, huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai với đề nghị giúp đỡ việc tìm kiếm.

 

Cùng ngày, Dân biểu Tạ Đức Trí gửi thư cho Đại sứ Mỹ Marc Knapper, trong đó ông bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của vị tu hành theo 13 hạnh đầu đà của Phật giáo vốn được dư luận trong và ngoài nước quan tâm vài tháng trở lại đây.

 

Dân biểu Tạ Đức Trí nhắc lại việc ông đã gửi thư cho Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vào ngày 4/6 liên quan những lo ngại về tự do tôn giáo ở Việt Nam, sau khi đoàn của sư Thích Minh Tuệ và hơn 70 khất sĩ bị công an bố ráp trong đêm và đưa về các địa phương.

 

Thật không may, kể từ khi tôi viết bức thư đó, tình hình của Thích Minh Tuệ trở nên xấu đi và mối quan tâm của tôi đối với tình trạng của ông ngày càng tăng lên đáng kể,” vị dân biểu viết trong thư viết bằng tiếng Anh.

 

Trong thư được đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân, vị dân biểu từng là thị trưởng thành phố Westminster nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, nói ông không tin tưởng vào khả năng các quan chức chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những tuyên bố trung thực về tình trạng của sư Minh Tuệ hoặc việc ông ấy đồng ý không xuất hiện trước công chúng trong thời gian dài.

 

Tôi hy vọng ngài sẽ sát cánh cùng tôi vì tự do tôn giáo như một quyền cơ bản của con người và ngay lập tức kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tôn giáo đối với Thích Minh Tuệ và trả tự do cho ông nếu trên thực tế ông đang bị giam giữ bất công. Hoa Kỳ phải tiếp tục thúc đẩy vấn đề này bằng mọi cơ hội có được với Chính phủ Việt Nam,” vị dân biểu viết.

 

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Dân biểu Tạ Đức Trí, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

 

Chính quyền không minh bạch trong vụ sư Minh Tuệ

 

Theo nội dung đơn trình báo của gia đình, sư Thích Minh Tuệ thông báo với người thân ngày ngày 12/6 sẽ rời cốc (theo yêu cầu của một người nào đó) trong thời gian 5 đến 7 ngày rồi sẽ quay lại tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy khi nơi tu tập của ông bị nhiều người dân đến đảnh lễ gây mất an ninh trật tự.

 

Tuy nhiên, cho đến ngày 01/7, vị khất sĩ chưa trở về và gia đình hoàn toàn không hay biết về tình trạng tinh thần và sức khỏe của ông.

 

Trong một video clip được đăng tải lên kênh Youtube N.S.N ngày 02/7, ông Lê Anh Thìn cho biết nội dung làm việc với nhà chức trách địa phương về anh ruột mình:

 

Hôm qua tôi có đi làm việc với cơ quan chức năng và họ nói rằng ông Lê Anh Tú là công dân bình thường, ông không vi phạm pháp luật gì cả, nên họ không có quyền giữ ông ấy.”

 

Cũng theo lời của ông Thìn, cơ quan công an cũng "không biết thông tin thầy ở đâu và chỉ tiếp nhận đơn để giúp đỡ." Ông cũng nhắn gửi "qua đây cũng mong mọi người sáng suốt suy nghĩ không nên nghe theo thành phần chống phá nói cơ quan Nhà nước thế này, thế kia."

 

Một cư sĩ Phật giáo ở TPHCM theo dõi sát các thông tin về sư Minh Tuệ cho hay, cơ quan chức năng đã buộc những khất sĩ viết đơn cam kết tự nguyện không bộ hành, không khất thực, không mặc y phấn tảo và không để cho hình ảnh của mình phát tán lên mạng xã hội, mặc dù Hiến pháp và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

 

Cư sĩ Đ.H.T. Hoà cho rằng cách làm của chính quyền không minh bạch và hợp pháp, ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 2/7:

 

Hiện nay bên anh Thìn và gia đình mới làm đơn, chúng ta cần phải chờ xem cách chính quyền phản ứng với câu chuyện này thế nào nhưng mọi chuyện có vẻ đang khá phức tạp.

Vì thầy Thích Minh Tuệ (thế danh Lê Anh Tú) đã có Căn cước công dân, chính quyền địa phương phải bảo đảm cho thầy tất cả các quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Còn không thì đừng có ép phải làm từ ban đầu.”

 

Về an nguy hiện nay của sư Minh Tuệ, vị cư sĩ này nhận định:

 

"Vì thầy Thích Minh Tuệ đã nói là thầy xả ly và chấp nhận mọi thứ xảy ra với mình như nhân quả. Thầy từng dạy cuộc sống vô thường, sống chết không rõ nên phải tu tập ngay. Họ cho thầy sống ngày nào thì thầy tu ngày đó"

 

Cũng theo ông này, các vị đồng tu 13 hạnh Đầu đà theo gương của sư Minh Tuệ cũng đã làm căn cước công dân và công an các tỉnh thành nên để cho họ được tự do tu tập chứ không phải cứ liên tục sách nhiễu, gây khó dễ như hiện nay.

 

Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng công an tỉnh Gia Lai phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sự an toàn cho công dân Lê Anh Tú.

 

Coi tấm gương tu hành khổ hạnh theo hạnh đầu đà của sư Thích Minh Tuệ là kính chiếu yêu đối với nhiều chùa “quốc doanh” trong nhiều năm trở lại đây, người này nói:

 

Tôi không cho rằng mối nguy cho sư Thích Minh Tuệ đến từ phía chính quyền, mà có thể lại đến từ những kẻ đang lợi dụng tu hành để kiếm lợi từ việc cúng dường của dân chúng, vì sự khổ hạnh của ông khiến dân chúng tỉnh ngộ và không còn đến các chùa nặng tính thương mại như bao lâu nay nữa.”

________________________

 

Tìm cách hạ bệ Thích Minh Tuệ - Ai có cái thang, cho Giáo hội xin!

Hành xử của chính quyền với sư Thích Minh Tuệ - đã bất minh còn vô tuệ

Khất sĩ Thích Minh Tuệ mang đến sự tương phản đáng hổ thẹn cho giới tinh hoa Việt Nam

Cách “xử lý” trường hợp ông Thích Minh Tuệ: Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ gì?

Sư Thích Minh Tuệ "ẩn tu" lần hai, các khất sĩ khác mất tích trên đường tới Gia Lai

VTV công bố phỏng vấn sư Thích Minh Tuệ, dân mạng phát hiện nhiều nghi vấn

Bộ Công an cần minh bạch tung tích của sư Thích Minh Tuệ!

Thực hư việc Ban Tôn giáo Chính phủ nói sư Minh Tuệ "tự nguyện dừng bộ hành khất thực"

Sư Thích Minh Tuệ mất tích: Dân biểu Hạ viện California và tổ chức quốc tế bày tỏ quan ngại

Đoàn theo Sư Minh Tuệ còn được tự do bao lâu?

Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?

Tu như Thích Minh Tuệ thì được lợi ích gì?

Hạnh đầu… độc của sư Thích Trúc Thái Minh

Phật cũng phải vào biên chế

Đại tự lâm nguy (Phần 1)

Đại tự lâm nguy (Phần 2)

 

===================

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Sư Thích Minh Tuệ mất tích gần 20 ngày: Gia đình trình báo công an

Đồng Tháp xử phạt hành chính Facebooker đưa tin về sư Thích Minh Tuệ

Dân mạng nghi ngờ bằng tiến sĩ luật của sư Thích Chân Quang, Đại học Luật nói gì?

Vụ sư Thích Minh Tuệ: Công an yêu cầu sư "hộ pháp Kim Cang" không mặc trang phục sư, không đi khất thực

Người thứ hai bị xử phạt vì đăng video liên quan đến sư Thích Minh Tuệ