Thursday, November 30, 2023

HENRY KISSINGER : NGƯỜI ĐỊNH HÌNH THẾ GIỚI ĐẦY TRANH CÃI (BBC News Tiếng Việt)

 



Henry Kissinger: Người định hình thế giới đầy tranh cãi

BBC News Tiếng Việt

30 tháng 11 2023, 17:03 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqvp9pgy2wxo

 

Sự kiện nhà ngoại giao Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100 một lần nữa làm dậy lên những ý kiến trái chiều.

 

Một người theo chủ nghĩa "hiện thực" trong quan hệ quốc tế, ông Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình và cũng bị lên án kịch liệt, bị coi là tội phạm chiến tranh.

 

Với vai trò là Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ, ông đã theo đuổi mạnh mẽ chính sách hòa hoãn (détente) - giúp làm tan băng mối quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc.

 

Đường lối ngoại giao con thoi của ông đã giúp chấm dứt cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả Rập và Israel hồi năm 1973; hòa đàm để đạt được Hiệp định Paris giúp đưa Mỹ ra khỏi một cơn ác mộng kéo dài ở Việt Nam.

 

Thế nhưng điều mà giới ủng hộ ông mô tả là "Chính trị thực dụng" (Realpolitik) thì phe chỉ trích lên án là vô đạo đức.

 

Ông đã bị cáo buộc từ việc hậu thuẫn ngầm cho cuộc đảo chính đẫm máu, lật đổ chính phủ theo cánh tả ở Chile, và nhắm mắt làm ngơ trước "cuộc chiến bẩn thỉu" của quân đội Argentina nhằm vào người dân.

 

Khi nghe tin Kissinger được trao giải Nobel, danh hài Tom Lehrer từng có một tuyên bố nổi tiếng rằng "châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời".

 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7852/live/495347c0-8f59-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Henry Kissenger đã được trao giải Nobel Hòa bình nhưng lại bị giới chỉ trích lên án kịch liệt.

 

 

Chạy trốn Đức Quốc xã

 

Heinz Alfred Kissinger sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu ở bang Bavaria, Đức vào ngày 27/5/1923.

 

Gia đình ông đã phải tìm đường chạy trốn trước sự đàn áp của Đức Quốc xã và gia nhập cộng đồng người Đức gốc Do Thái ở New York vào năm 1938.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5e2a/live/5bef8830-8f59-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Henry Kissinger lúc 11 tuổi và người em trai Walter

 

"Henry" là một thiếu niên có bản tính nhút nhát, luôn giữ được giọng nói đặc trưng và tình yêu bóng đá.

 

Ông đi học vào buổi tối, trong khi làm việc tại một nhà máy sản xuất cọ quét kem cạo râu vào ban ngày và từng có ý định đi học ngành kế toán nhưng rồi đã buộc phải nhập ngũ.

 

Được biên chế vào bộ binh, bộ não và kỹ năng ngôn ngữ của ông đã được dùng cho bộ phận tình báo quân đội. Kissinger đã chiến đấu trong Trận chiến Bulge và tự mình quản lý một thị trấn chiếm được tại Đức - mặc dù lúc bấy giờ mới chỉ giữ cấp bậc binh nhì.

 

Gần cuối cuộc chiến, ông đã tham gia cơ quan phản gián. Người thanh niên 23 tuổi này được giao phụ trách một đội chuyên săn tìm những cựu nhân viên Gestapo của Đức Quốc xã, được toàn quyền bắt giữ đối tượng tình nghi.

 

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về Đảng CS Trung Quốc và đối đầu Mỹ-Trung?

 

 

Cuộc chiến hạt nhân nhỏ

 

Khi trở về Mỹ, ông đã học ngành khoa học chính trị tại Đại học Harvard và bước dần lên những nấc thang học thuật mới.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4b0f/live/70f834c0-8f59-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Ông Kissinger được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ của Tổng thống Nixon vào năm 1968.

 

Năm 1957, ông đã xuất bản một quyển sách nhan đề 'Nuclear War and Foreign Policy' (Chiến tranh hạt nhân và Chính sách ngoại giao) - trong đó cho rằng có thể chiến thắng bằng những cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn. Được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ phản hoài nghi, ông cho rằng việc sử dụng ở cấp độ "chiến thuật" hoặc "chiến lược" các dòng tên lửa mới có thể là điều hợp lý.

 

Cuốn sách này đã khiến ông được chú ý. Hành trình dài đến danh tiếng và ảnh hưởng của Kissinger đã bắt đầu; và lý thuyết "chiến tranh hạt nhân nhỏ" đến nay vẫn còn có tầm ảnh hưởng.

 

Ông đã trở thành trợ lý của Thống đốc New York và của ứng viên tổng thống Nelson Rockefeller. Và khi Richard Nixon trở thành ông chủ Nhà Trắng hồi năm 1968, Kissinger đã được giao một trọng trách sáng giá: Cố vấn An ninh Quốc gia.

 

Đó là một mối quan hệ phức tạp. Tổng thống Nixon đã dựa theo lời khuyên của Kissinger trong quan hệ quốc tế, nhưng lại có khuynh hướng bài Do Thái và ngờ vực người Mỹ gốc Do Thái.

 

Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm: Vừa tránh được cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, quân đội Mỹ vẫn còn ở Việt Nam và Liên Xô vừa tiến hành xâm lược Tiệp Khắc.

 

Hòa đàm Paris: Ông Lê Đức Thọ 'cương quyết' và 'sắc sảo' khi đối đầu Kissinger

 

 

Chính sách hòa hoãn

 

Nhưng Nixon và Kissinger đã đề ra việc giảm căng thẳng với Liên Xô: làm hồi sinh các cuộc đàm phán về giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của đôi bên.

 

Cùng lúc đó, một cuộc đối thoại đã được mở lại với chính phủ Trung Quốc, thông qua Thủ tướng Chu Ân Lai. Điều này đã giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung, nhưng gia tăng áp lực ngoại giao cho giới lãnh đạo Liên Xô - những người đang lo ngại quốc gia láng giềng to lớn này.

 

Các nỗ lực của Kissinger đã trực tiếp dẫn đến chuyến đi lịch sử của Nixon đến Trung Quốc hồi năm 1972, khi ông có cuộc gặp với cả Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông - chấm dứt 23 năm cô lập và thù địch về mặt ngoại giao.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/53c7/live/9287f8f0-8f59-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Thủ tướng Chu Ân Lai và ông Henry Kissinger trong một buổi yến tiệc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh

 

 

Việt Nam

 

Trong thời gian này, Mỹ đang gia tăng nỗ lực rút quân khỏi Việt Nam.

 

"Nền hòa bình trong danh dự" là một cụm từ chính trong cam kết tranh cử của Tổng thống Nixon; và Kissinger đã từ lâu đưa ra kết luận rằng bất kỳ chiến thắng quân sự nào của Mỹ cũng đều vô nghĩa - và rằng họ không thể "đạt được một thực tiễn chính trị có thể tồn tại sau khi chúng ta rút quân hoàn toàn".

 

Ông đã tiến hành đàm phán với Cộng sản Bắc Việt, nhưng đồng ý với Nixon về chuyện ném bom rải thảm bí mật ở Campuchia - nhằm rút cạn nguồn lực và hàng cung cấp cho phe cộng sản.

 

Chính sách này đã dẫn đến cái chết của ít nhất 50.000 thường dân và sự bất ổn tại Campuchia đã dẫn đến một cuộc nội chiến và chế độ thảm sát bạo tàn của Pol Pot.

 

Hòa đàm Paris: Ông Lê Đức Thọ 'cương quyết' và 'sắc sảo' khi đối đầu Kissinger

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2906/live/a77afaa0-8f59-11ee-835e-0ff56f3659b0.png

Henry Kissinger (phải) đã tiến hành đàm phán với lãnh đạo Bắc Việt, ông Lê Đức Thọ, tại Paris vào năm 1973. Hai người đã được đồng trao giải Nobel Hòa bình.

 

Trong một loạt các cuộc đàm phán phức tạp với phía Bắc Việt ở Paris, ông Kissinger - khi đó là Ngoại trưởng Mỹ - đã thương lượng về việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

 

Điều này đã giúp ông được trao giải Nobel Hòa bình - cùng với ông Lê Đức Thọ, đại diện đàm phán từ Bắc Việt - đây là một quyết định bị những giới vận động vì hòa bình công kích.

 

Kissinger đã chấp thuận giải thưởng "với sự khiêm nhường" và dành tặng toàn bộ số tiền thưởng cho con em của những quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này.

 

Hai năm sau đó, khi Cộng sản Bắc Việt đánh bại quân đội Nam Việt Nam, ông đã cố trả lại giải Nobel.

 

Chính trị thực dụng

 

Đường lối ngoại giao con thoi của ông Kissinger đã giúp mang lại một lệnh ngừng bắn theo sau cuộc chiến tranh năm 1973 giữa các quốc gia Ả Rập và Israel.

 

Hệ thống nghe lén bí mật của Nixon tại Nhà Trắng đã ghi lại việc Thủ tướng Israel Golda Meir đưa ra lời cảm tạ chân tình về cách Nixon và Kissinger đã đối đãi dành cho quốc gia của bà ta.

 

Nhưng sau khi bà này hết nhiệm kỳ, các băng ghi âm đã hé lộ mặt tối của đường lối Chính trị thực dụng. Cả Kissinger và Nixon đều không có ý định gây áp lực cho Liên Xô để cho phép người Nga gốc Do Thái tìm kiếm cuộc sống mới ở Israel.

 

"Việc di dân của người Do Thái sang Liên Xô không phải là mục tiêu của ngoại giao của Hoa Kỳ," ông Kissinger nói. "Và nếu họ đưa những người Do Thái vào phòng hơi ngạt ở Liên Xô, thì đó cũng không phải mối bận tâm của Mỹ. Có lẽ đây là một mối quan ngại về nhân đạo."

 

Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng hòa sụp đổ'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/dae3/live/baa3c3a0-8f59-11ee-835e-0ff56f3659b0.png

Ông Henry Kissinger gặp Tướng Augusto Pinochet của Chile vào năm1976.

 

Việc nhà lãnh đạo Salvador Allende, một người theo chủ nghĩa Marx, trở thành Tổng thống Chile đã gây nên vấn đề cho Mỹ. Chính phủ mới khi đó ủng hộ Cuba và đã quốc hữu hóa các công ty của Mỹ.

 

CIA đã tiến hành các chiến dịch bí mật ở Chile nhằm giúp các nhóm đối lập lật đổ chính phủ mới. Kissinger lúc bấy giờ đứng đầu ủy ban cho phép thực hiện hành động này.

 

"Tôi không thấy lý do tại sao chúng ta lại đứng yên mà nhìn một quốc gia chuyển sang cộng sản vì sự vô trách nhiệm của nhân dân nước đó," ông tuyên bố. "Vấn đề này quá quan trọng nên không thể để mặc cử tri của Chile tự quyết được."

 

Thế là quân đội đã nhảy vào và ông Allende thiệt mạng trong một cuộc đảo chính bằng vũ lực, từ đó Tướng Pinochet lên nắm quyền. Nhiều binh lính của ông tướng này hóa ra đã nhận tiền từ CIA.

 

Những năm sau đó, chính Kissinger đã trở thành đối tượng theo đuổi của một số tòa án trong các cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền và cái chết của người nước ngoài dưới thời chính quyền quân sự cầm quyền tại Chile.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1014/live/c878df10-8f59-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Tổng thống Gerald Ford đã giữ ông Kissinger làm ngoại trưởng sau vụ bê bối Watergate.

 

Một năm sau đó (năm 1974), ông Kissinger chứng kiến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức trong nước mắt vì vụ bế bối Watergate. Người kế nhiệm ông Nixon là Gerald Ford vẫn duy trì chức vụ ngoại trưởng của Kissinger.

 

Ông đã gây áp lực khiến phe thiểu số da trắng tại Rhodesia (nay là Zimbabwe) phải từ bỏ quyền lực, nhưng bị cáo buộc đã làm ngơ trước tình trạng "biến mất" của những người chỉ trích chính quyền quân sự Argentina.

 

 

Quyền lực: Thuốc kích thích hiệu nghiệm nhất

 

Ông là nhân vật gây tranh cãi sau khi rời nhiệm sở vào năm 1977: Người ta đã phải rút lại lời đề nghị mời ông vào ngồi ghế trong hội đồng tại Đại học Columbia do vấp phải sự phản kháng của sinh viên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b959/live/da9a9850-8f59-11ee-833d-0f8d294ddc97.png

Ông Henry Kissinger và Vương phi Diana vào năm 1996

 

Ông đã trở thành một người chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại giao của các Tổng thống Jimmy Carter và Bill Clinton, lập luận rằng các tổng thống này muốn một bước nhảy vọt để đạt được hòa bình ở Trung Đông. Đối với Kissinger, điều này chỉ có thể diễn ra từng bước một mà thôi.

 

Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9, Tổng thống George W Bush đã đề nghị Kissinger chủ trì một cuộc điều tra về các vụ tấn công ở New York và Washington, nhưng ông đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ này chỉ trong vài tuần - sau khi từ chối công khai danh sách các khách hàng cho dịch vụ tư vấn của ông và từ chối trả lời các câu hỏi về xung đột lợi ích.

 

Ông đã tổ chức các cuộc họp với Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney để đưa ra lời khuyên cho họ về chính sách ở Iraq theo sau cuộc tấn công năm 2003. "Chiến thắng quân nổi dậy," ông nói với họ, "là chiến lược thoát ra nhanh nhất."

 

Luôn là người có ảnh hưởng, ông đã tư vấn cho Tổng thống Donald Trump về các vấn đề ngoại giao sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017 - một trong các đề xuất là chấp nhận việc Vladimir Putin chiếm Crimea.

 

Mặc dù vậy, trước khi bước vào tuổi 100 vào năm 2023, Kissinger đã thay đổi quan điểm về Ukraine. Sau cuộc xâm lược của Nga, ông đưa ra lập luận rằng quốc gia của Tổng thống Zelensky nên tham gia NATO sau khi nền hòa bình đã được đảm bảo.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c1a7/live/e6589390-8f59-11ee-952c-5f8de97ee99b.png

Ông Henry Kissinger trong cuộc trao đổi với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào năm 2017.

 

Henry Kissinger có một danh sách dài vô tận người quen biết và một trí thông minh nhanh nhạy. "Quyền lực", ông từng ví von, "là loại thuốc kích thích hiệu nghiệm nhất".

 

Với một tính cách khác người thường, ông trở thành trung tâm quyền lực trong thời gian xảy ra những sự kiện mang tính cột mốc của 100 năm qua.

 

Dù bị nhiều người căm giận, Kissinger vẫn không hề hối hận về việc toàn tâm toàn ý theo đuổi các lợi ích của Mỹ và việc bảo vệ phong cách của quốc gia.

 

"Một quốc gia mà cứ đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức trong chính sách ngoại giao", ông từng tuyên bố, "thì sẽ không đạt được gì, cả sự hoàn hảo lẫn an ninh".

 

Có đúng là ông Lê Đức Thọ hoàn toàn không muốn nhận Nobel Hòa bình 1973?

 

Hòa đàm Paris: Ông Lê Đức Thọ 'cương quyết' và 'sắc sảo' khi đối đầu Kissinger

 

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về Đảng CS Trung Quốc và đối đầu Mỹ-Trung?

 

====================================

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

30 tháng 11 năm 2023

·         

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về tương lai Đảng CS Trung Quốc?

29 tháng 5 năm 2023

·         

Vai trò của ông Lê Đức Thọ tại Hòa đàm Paris

16 tháng 10 năm 2021

·         

Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng hòa sụp đổ'

30 tháng 3 năm 2023





KISSINGER NHẬN SAI LẦM - QUÁ MUỘN VÀ KHÔNG ĐỦ (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Kissinger nhận sai lầm – quá muộn và không đủ

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

1 tháng 12, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/kissinger-nhan-sai-lam-qua-muon-va-khong-du/

 

.

Tên tuổi của Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, không xa lạ với người Việt Nam. Mới đây, theo truyền thông Hoa Kỳ, Kissinger ngầm thừa nhận rằng, khi đề nghị Ukaine nhượng lãnh thổ cho Nga để có hòa bình, ông ta đã đánh giá sai trầm trọng về Nga, cuộc chiến của nước này với Ukraine, cũng như phẩm chất của các nhà lãnh đạo và người dân Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-79172851.jpg

Henry Kissinger là khách tham dự thường xuyên của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh chụp tại buổi khai mạc Diễn đàn Davos năm 2015. Ảnh Jeff J Mitchell/Getty Images

 

Kissinger với Nga và Ukraine

 

Sai lầm của Kissinger về Ukraine có nguồn gốc từ sự thỏa hiệp với kẻ thù, “thân thiện” với các chính thể độc tài, xuyên suốt trong học thuyết chính trị thực dụng của ông ta. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-471533882.jpg

Henry Kissinger trong một lần gặp Vladimir Putin – Moscow ngày 29 Tháng Tư 2015 (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)

 

Sau khi Vladimir Putin mô tả sự tan rã của Liên Xô và đế chế đàn áp của nó là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20,” và cho rằng Liên Xô nên được tái thành lập, Kissinger đã tán thành và kêu gọi chính phủ Mỹ “thể hiện sự nhạy cảm hơn đối với những vấn đề phức tạp của Nga.”

 

Sau khi Putin xâm lược Georgia và bị thế giới phương Tây phản đối, Kissinger tuyên bố “cô lập Nga không phải là một chính sách lâu dài bền vững”. Khi Putin chiếm vùng Donbass ở miền đông Ukraine và bán đảo Crimea, Kissinger đã thúc giục Kyiv chấp nhận sự trung lập giữa Nga và phương Tây: “Nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển, nó không được là tiền đồn của bên nào chống lại bên kia”.

 

Ngày 23 tháng Năm 2022, hai tháng sau ngày Putin xua quân xâm lược Ukraine, Kissinger phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos: “Các cuộc đàm phán cần bắt đầu trong hai tháng tới trước khi nó tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia phải là sự trở lại hiện trạng trước đây. Theo đuổi cuộc chiến vượt quá thời điểm đó sẽ không phải vì tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga”.

 

Cái gọi là “nguyên trạng trước đây” của Henry Kissinger là Ukraine phải chấp nhận để Nga chính thức sáp nhập bán đảo Crimea và kiểm soát không chính thức hai tỉnh cực Đông của Ukraine là Luhansk và Donetsk hợp thành vùng Donbass. Nói cách khác, Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga để được hòa bình.

 

Phát biểu của Henry Kissinger khiến nhiều chính khách Ukraine phẫn nộ. Nghị sĩ Ukraine Inna Sovsun nói rằng quan điểm của Henry Kissinger “thật sự đáng xấu hổ”, rằng “thật nhục nhã cho một cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ lại tin rằng việc nhượng một phần lãnh thổ có chủ quyền là cách để tìm kiếm hòa bình cho bất kỳ quốc gia nào”.

 

Khi ấy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chế giễu: “Có vẻ như lịch của ông Kissinger không phải là năm 2022 mà là năm 1938, và ông ấy nghĩ rằng mình đang nói chuyện với khán giả không phải ở Davos mà là ở Munich vào thời điểm đó. Nhân tiện, vào năm 1938, khi gia đình ông Kissinger chạy trốn Đức Quốc xã, không ai nghe thấy rằng cần phải làm hài lòng Đức Quốc xã thay vì chạy trốn hoặc chiến đấu với chúng.”

 

Phụ tá của Zelensky, Mykhailo Podolyak, thậm chí còn gay gắt hơn: “Thật không may, ông Kissinger đã không hiểu gì về bản chất của cuộc chiến này, cũng như tác động của nó đối với trật tự thế giới. Công thức mà cựu ngoại trưởng kêu gọi, nhưng ngại nói ra, rất đơn giản: xoa dịu kẻ xâm lược bằng cách hy sinh một phần lãnh thổ Ukraine.”

 

Vấp phải những lời chỉ trích mạnh mẽ, vào tháng Bảy 2022, Kissinger chống chế: “Tôi không nói rằng [Ukraine] nên từ bỏ các vùng lãnh thổ đó mà chỉ ngụ ý rằng chúng nên có một quy chế riêng biệt trong các cuộc đàm phán.” Ông ta nói miền đông Ukraine và Crimea nên được đối xử khác biệt “vì tầm quan trọng đặc biệt của chúng đối với nước Nga”.

 

Cách đây nửa tháng, vào ngày 17 tháng Giêng 2023, tại một hội nghị khác ở Davos, Kissinger bắt đầu rút lui một phần ý kiến. Ông ta nói rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine, điều mà ông ta đã phản đối từ lâu, sẽ là một “kết quả thích hợp. … Ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa.”

 

Cuối cùng thì Kissinger, 99 tuổi, cũng hiểu ra rằng, Ukraine không thể nhượng đất cho Nga, không thể là nước trung lập mà phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trở thành thành viên NATO là yếu tố quyết định, bảo đảm hòa bình và độc lập của Ukraine trước âm mưu thôn tính của Nga, bây giờ và cả trong tương lại.

 

Kissinger bán đứng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1287635038-1536x1124-1.jpg

Phái đoàn Bắc Việt và phái đoàn Mỹ hội đàm tại Paris ngày 13/01/1973. Đoàn Mỹ bên phải bức ảnh, Kissinger mang kiếng gọng lớn ngồi ở giữa, bên cạnh là trợ lý Winston Lord. Ảnh White House via CNP/Getty Images

 

Nhưng trong cuộc đời chính trị dài dằng dặc của mình, Kissinger không chỉ sai lầm với Ukraine; ông ta đã sai lầm trầm trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam và trong vấn đề quan hệ Đài Loan – Trung Quốc hơn nửa thế kỷ trước. Do thời đó ông ta còn nắm quyền lực to lớn – Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Richard Nixon – những sai lầm của Kissinger không chỉ là lời phát biểu trên diễn đàn hội nghị mà trở thành chính sách, gây hậu quả thảm khốc hơn rất nhiều mà đến nay ông ta chưa bao giờ tỏ ý ân hận hoặc hối tiếc.

 

Năm mươi năm trước, ở hội nghị Paris Kissinger đã bán đứng VNCH. Để đạt mục đích rút hết quân đội Hoa Kỳ ở miền Nam, Kissinger lén lút gặp phái đoàn Bắc Việt, bí mật ký kết với Lê Đức Thọ của cộng sản trong các cuộc mật đàm những nhượng bộ vô nguyên tắc và hết sức tai hại cho nền cộng hòa Việt Nam. Có thể tìm hiểu thêm về sự phản bội của Kissinger trong các bài phân tích của Sài Gòn Nhỏ theo các đường dẫn (link) ở bên dưới.

 

Điều lạ mà các tài liệu mới giải mật năm ngoái cho thấy là Kissinger đã giấu kín những thỏa thuận của ông ta với chính phủ Hoa Kỳ, với chủ của ông ta là Tổng thống Nixon và với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, dù ngay từ năm 1971 Kissinger đã tiết lộ những thông tin đó cho kẻ thù là Nga và Trung Quốc, qua đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

 

Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu chỉ biết được nội dung “các cuộc đi đêm” của Kissinger khi đã quá muộn, ngay trước khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng Giêng 1973. Hành vi đó đã đủ để coi Kissinger như một đặc vụ của cộng sản cài cắm vào hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của chính phủ Mỹ hay chưa?

 

Với hiệp định Paris, Kissinger (cùng với Lê Đức Thọ) được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 -một sự kiện gây sốc cho nhiều người theo dõi thời cuộc lúc đó và đã có ít nhất hai trong năm ủy viên của Ủy ban đã từ chức để phản đối. Dù biết rõ sẽ không có một nền hòa bình nào cả, Kissinger vẫn xông ra nhận giải; để rồi gần hai năm sau, khi cộng sản Bắc Việt thôn tính hoàn toàn miền Nam, ông ta mang giải thưởng tới trả lại cho Ủy ban Nobel như một sự thừa nhận thất bại của mình. Có điều, không ai nhận lại giải đã trao.

 

Mục đích của Kissinger, hòa bình và danh dự đều không thực hiện được, hòa bình đã không đến và những người Mỹ cuối cùng tháo chạy khỏi Sài Gòn một cách nhục nhã. Miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản và sự phản bội của Kissinger làm cho uy tín quốc tế của Mỹ bị sứt mẻ không hàn gắn được cho tới ngày nay.

 

Kissinger khấu đầu trước Trung Quốc

 

Nhưng sai lầm lớn nhất của Kissinger là khấu đầu trước Trung Quốc cộng sản, bắt đầu từ Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 – “tội tổ tông” trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-514871814.jpg

Kissinger (bên trái) đàm phán với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai về Thông cáo chung Thượng Hải ở Bắc Kinh năm 1972. Ảnh Bettmann / GettyImages

 

Kissinger coi nhiệm vụ của mình là cống hiến cho Trung Quốc nhiều nhất có thể. Năm 1972, Kissinger cho rằng Hoa Kỳ phải nhượng bộ một phần vấn đề Đài Loan để khai thông quan hệ với Trung Quốc trong chuyến đi Bắc Kinh lịch sử của Tổng thống Nixon.

 

Sự nhượng bộ đó được ông ta và Chu Ân Lai thỏa thuận thành một thông cáo, trong đó mỗi bên nêu quan điểm của mình đối với Đài Loan và các vấn đề khác. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan hoàn toàn thuộc về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong khi phía Hoa Kỳ không “thách thức” lập trường đó và chỉ “thừa nhận” (acknowledge) nó.

 

Sự lựa chọn thuật ngữ mơ hồ đó dẫn đến những cách giải thích trái ngược nhau và làm cho Trung Quốc và Hoa Kỳ đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Kể từ đó, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng Washington đồng ý với quan điểm của họ, mà họ gọi là “nguyên tắc một Trung Quốc”.

 

Trong khi đó, Hoa Kỳ khẳng định rằng “thừa nhận”  (acknowledge) lập trường của Bắc Kinh không đồng nghĩa với việc “đồng ý” (agree) với lập trường đó, không đồng ý rằng Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc” đó. Washington luôn khẳng định chắc chắn rằng tương lai của Đài Loan chỉ có thể được quyết định một cách hòa bình bởi chính phủ và người dân Đài Loan.

 

Bản thân Kissinger đã pha trộn các khái niệm này để tạo lợi thế cho Trung Quốc, dần dần ông ta coi lập trường của Bắc Kinh là của chính ông ta. Năm 2007, Kissinger cảnh báo Đài Loan hãy nghiêm túc trong việc thỏa thuận với Bắc Kinh về tương lai của họ vì “Trung Quốc sẽ không chờ đợi mãi”.

 

Tập Cận Bình, chia sẻ sự thiếu kiên nhẫn của Kissinger, đã liên tục đe dọa sử dụng hành động bạo lực để thâu tóm Đài Loan. Các tướng lĩnh của quân đội Hoa Kỳ gần đây dự đoán Trung Quốc sẽ khởi binh đánh Đài Loan trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2027.

 

Ngoài vấn đề Đài Loan, Kissinger còn thay mặt Bắc Kinh vận động các nhà ngoại giao và quan chức an ninh cao cấp Hoa Kỳ đánh bóng hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi Cộng sản Trung Quốc gây ra vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn tháng Sáu 1989, Kissinger đã viết trên tờ Washington Post: “Không chính phủ nào trên thế giới có thể dung thứ cho việc quảng trường chính của thủ đô bị chiếm đóng trong 8 tuần” và vì thế “một cuộc đàn áp là không thể tránh khỏi.”

 

Đằng sau hậu trường, Kissinger liên tục thúc giục cựu Tổng thống George H.W. Bush phải im lặng, không ban hành các biện pháp trừng phạt, và chấm dứt cô lập Trung Quốc.

 

Dưới thời chính quyền Donald Trump, Kissinger cũng đã thuyết phục Trump không gặp vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/GettyImages-1201005823.jpg

Henry Kissinger (ảnh: Adam Berry/Getty Images

 

Xem ra cuộc đời chính trị và ngoại giao dài dằng dặc của Henry Kissinger đầy những hành vi phản trắc, khích lệ các chế độ độc tài và xói mòn các nỗ lực dân chủ tự do trên khắp thế giới. Nhiều người khen ngợi Kissinger là người thông minh nhưng những quan điểm, phát biểu, hành động của ông ta lại cho thấy một kẻ thiển cận và tự cao tự đại.

 

Học thuyết ngoại giao thực dụng của Kissinger tóm lại chỉ có một nội dung là sẵn sàng thỏa hiệp, bắt tay với độc tài để nhắm đạt những mối lợi trước mắt. Kissinger không hiểu được khát vọng tự do cháy bỏng của các dân tộc như người Ukraine, người Đài Loan, người Việt Nam và cả người Nga, người Trung Quốc; không hiểu được vì tự do mà người ta có thể hy sinh tất cả để đối đầu với cường quyền như thế nào.

 

Có người bình luận việc Kissinger thừa nhận sai lầm trong vấn đề Ukraine cho thấy một ông già đã gần đất xa trời vẫn có khả năng hối cải, thừa nhận sai lầm không bao giờ là muộn màng. Nhưng với một con người thâm hiểm và lật lọng như Kissinger, mọi sự hối cải hay thừa nhận sai lầm đều không đủ, đơn giản vì ông ta mắc quá nhiều sai lầm và gây ra những hậu quả không thể sửa chữa được.

 

------------------------------------

Đọc thêm:

 

Henry Kissinger: Ukraine nên giao đất cho Nga để kết thúc chiến tranh!

 

50 năm Hiệp định Paris: Sự phản bội của Henry Kissinger

 

Henry Kissinger: Coi chừng “máu chảy, đầu rơi”!

 

Hiệp định Paris 1973: Trong lòng âm mưu bức tử nền cộng hòa

 

 





KISSINGER VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM (Dương Quốc Chính)

 



KISSINGER VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM   

Dương Quốc Chính

pndsoetorShhha0u5c1c7ac7t1m7fluuh1002i0tml495hờia3g183g5 ugu  · 

https://www.facebook.com/chinh.duong.quoc.kts/posts/pfbid02yUumxJPHfwKjfZFueug1CaaojFLi3GVfp62aQsj4BYjrdeKrw291cQwBWcJF6h9dl

 

Kissinger là kiến trúc sư chính cho việc thiết lập bang giao Hoa Kỳ và TQ. Chính vì sự kiện ngoại giao này, nên ông được coi là nhà ngoại giao có sức ảnh hưởng lớn đến thế giới, do hệ quả của mối bang giao nói trên. Hệ quả chấn động nhất là Mỹ và TQ liên thủ để chống lại Liên Xô. Là 1 trong những tác nhân dẫn tới sự sụp đổ của LX và hệ thống XHCN.

 

Ảnh hưởng tiếp theo là tới Đài Loan và Việt Nam. Do Đài Loan bị Mỹ gạt ra, thế chỗ bởi CH ND Trung Hoa ở LHQ, cũng dẫn tới thế chênh vênh của Đài Loan trước mối đe dọa TQ, biến quốc đảo này trở thành 1 quốc gia không chính thức.

 

Đối với Việt Nam, thì mối quan hệ hữu hảo Mỹ - Trung là nền tảng dẫn tới hòa đàm Paris được ký kết. Hòa đàm Paris thậm chí còn bắt đầu trước khi Kissinger đàm phán với TQ, nhưng không đi đến đâu. Chỉ sau khi Mỹ đã có mối quan hệ ngoại giao với TQ thì họ mới an tâm loại bỏ con đê chống CNCS lan tràn, là Việt Nam cộng hòa

 

Mỹ yên tâm là làn sóng CS sẽ chỉ dừng lại ở Việt Nam, từ đó Nixon quyết định rút quân Mỹ khỏi VNCH. Vì lý do chính khiến Mỹ can thiệp vào VNCH là do học thuyết Domino, Mỹ lo ngại làn sóng đỏ từ TQ sẽ lan khắp ĐNA, VNCH được gánh trách nhiệm là tiền đồn chống Cộng, giống Hàn Quốc và Tây Đức.

 

Kissinger cũng là đồng tác giả của HĐ Paris, ông có nhiều cuộc hội đàm bí mật với Lê Đức Thọ, từ đó dẫn đến HĐ Paris được ký kết. 2 người đều được trao giải Nobel Hòa Bình (nhưng Lê Đức Thọ đã từ chối nhận), vì có công cứu vãn hòa bình ở Việt Nam. Nhưng hòa bình chỉ thực sự diễn ra sau 2 năm, do Bắc Việt chiến thắng VNCH, chứ không phải do sự ngưng chiến theo HĐ Paris.

 

HĐ Paris được cho là đã để cho VNDCCH được nhiều lợi thế để chiến thắng và chỉ nhằm mục đích để Mỹ được có hòa bình trong danh dự và ít đếm xỉa tới quyền lợi cũng như sự rủi ro của VNCH. Vì thế mà TT Thiệu đã từ chối ký HĐ cho đến khi Mỹ phải dùng B52 rải thảm Bắc Việt để lấy niềm tin là sẽ không bỏ rơi đồng minh.

 

Đó là vì tuy Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nhưng VNDCCH lại không cần rút, chỉ đóng tại chỗ kiểu da beo. Từ đó họ có thể dễ dàng chiến thắng VNCH, do không còn sự hỗ trợ của Mỹ, trong khi Bắc Việt vẫn được TQ và LX viện trợ.

 

Vào nhiệm kỳ của Nixon, Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế và họ đã chọn việc hỗ trợ Israel đương đầu với các nước Arab thay vì hỗ trợ VNCH chống CS. Nhiều người cho rằng cũng nhờ bàn tay của Kissinger, 1 người Do Thái.

 

Kissinger cũng coi như là người Mỹ có công lao lớn nhất khiến TQ có thể trỗi dậy như ngày nay. Thực ra công Kissinger dẹp LX không lớn vì LX tự chết là lý do chính chứ không phải nhờ vai trò của TQ. Còn TQ trỗi dậy được thì đúng là nhờ Mỹ chơi cùng. Chứ nếu mà Mỹ cứ chặn không cho vào LHQ, vẫn o bế cho Đài Loan thì TQ còn dặt dẹo chán. Vì xét cho cùng thì TQ đi lên được là nhờ học theo Mỹ, làm gia công cho Mỹ, sử dụng các phát minh nền tảng của Mỹ.

 

Vì vậy, có thể thấy rằng Kissinger là 1 nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc Mỹ bỏ rơi VNCH dẫn tới sự sụp đổ, khiến nhiều người Việt cho rằng ông ta là kẻ tội đồ.

.

78 BÌNH LUẬN   

 

 




CUỘC CHIẾN VĂN HÓA BẮC - NAM VẪN SẼ LUÔN TIẾP DIỄN (Tuấn Khanh / Saigon Nhỏ)

 



Cuộc chiến văn hoá Bắc-Nam vẫn sẽ luôn tiếp diễn

Tuấn Khanh  -  Saigon Nhỏ

30 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/cuoc-chien-van-hoa-bac-nam-van-se-luon-tiep-dien/

 

.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/downloadUP-1280x437.jpg

Bên thắng cuộc có quyền phủ nhận

 

Vào những ngày cuối của tang lễ hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người ta dần tìm thấy dòng dư luận đập phá và phủ nhận được tổ chức một cách bài bản xuất hiện ở khắp mọi nơi trên các hệ thống diễn đàn mạng xã hội, cũng như xâm nhập vào các bài viết hay hội luận trên YouTube với những bình luận hết sức tệ hại.

 

Có thể nhìn thấy đó là những người bình luận không có tín ngưỡng, hoặc là những người không có một chút thông tin nào về hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Hay bao quát hơn, là một hay vài thế hệ mù tịt về văn hóa của miền Nam cũ trước năm 1975. Sự thiếu hiểu là cội nguồn dẫn đến những bình luận ngông cuồng, và thậm chí là hoàn toàn không biết mình đang nói gì về một nền văn hóa đủ rực rỡ, hình thành những con người với nội lực trải dài và mở rộng, bất chấp nhiều năm bị ngăn trở và hủy diệt của chính quyền mới.

 

Sự kiện này cũng cho thấy rằng cách bóp chặt và không cho kế thừa phát triển văn hóa của miền Nam, dẫn đến sự tăm tối trong tiếp nhận của nhiều thế hệ thanh niên sau nội chiến. Nó giới thiệu rõ việc thống nhất địa lý là chuyện dễ dàng, nhưng hòa đồng thống nhất, và chia sẻ đẳng cấp văn hóa là một điều hoàn toàn khác.

 

Điều thú vị là trong khi miền Nam, ở chế độ bị coi là thù địch, tất cả những điều độc đáo và đáng quý của miền Bắc, ngay trong khi đang chiến tranh, học sinh trung học, tiểu học cũng đều được học, và được biết được ngưỡng mộ được kính trọng. Vào thời ấy không ai miệt thị Văn Cao trên đường phố hay trên một diễn đàn nào, và không ai làm chuyện phủ nhận hay thóa mạ Lưu Hữu Phước, thậm chí bài hát của ông còn được dùng làm Quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Chiến tranh là điều bất đắc dĩ phải đến, nhưng con người Việt Nam trong lịch sử và những giá trị luôn hiển nhiên được văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận.

 

Đó là lý do khi thống nhất địa lý đất nước, người miền Nam đã ngỡ ngàng nhìn thấy cả một hệ thống tuyên truyền miệt thị chửi bới, từ cấp chính quyền cho đến cả lịch sử, cả dân tộc vốn người miền Nam coi trọng, học thuộc với lòng kiêu hãnh là công dân Việt.  Thậm chí với từng cá nhân của những người miền Bắc tham gia vào hệ thống phỉ báng đó, cũng dường như được đào luyện kỹ càng từ nhà trường đến trên đường phố, để luôn tuôn ra những ngôn ngữ tấn công như vậy. Những ngôn từ như chiến tranh, nặng nề như đấu tố dễ dàng tuôn ra, mà không cần biết rằng họ thực sự đang nói gì, và có hiểu gì về những điều đó hay không.

 

Ngay cả giới trí thức miền Bắc, sự xóa trắng thông tin về một nền văn hóa trong một vùng đất khác biệt, cũng là điều được tìm thấy trên mạng xã hội với những câu chuyện mỗi ngày dần mở ra.

 

Trên trang Facebook của giáo sư Mạc Văn Trang, một trí thức đáng kính với tư duy tự do, ông đã bất ngờ khi phát hiện qua lễ tang của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, về thân thế và cuộc đời hoạt động của ngài, từ trước năm 75 cho đến lúc viên tịch.

 

“Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.

 

Nhưng khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc”, giáo sư Mạc Văn Trang viết.

 

Vị giáo sư uyên bác của miền Bắc, nay như bị hệ thống cầm quyền lạnh lùng vì các phát ngôn độc lập và trung thực của mình, cũng tự mình mở ra thêm một cánh cửa sự thật, về việc văn hóa của hai miền đất nước chưa bao giờ có thể hòa hợp, thực sự không có được cánh cổng để đi qua nó bằng sự hiểu biết và nhìn nhận trong tình dân tộc.

 

“Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất 3 ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.

 

Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh”, giáo sư Mạc Văn Trang kết luận. Trong văn bản gốc, ông cố ý viết hoa cụm từ văn hoá nhân cách, như một cách lên giọng, nhấn mạnh.

 

Điều mà người miền Nam vẫn làm – và có thể gây khó chịu trong tính thống nhất địa lý – là họ tự lưu giữ, tự biết ơn và tiếc nhớ những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống và văn hóa mà họ đã thụ hưởng. Mỗi người dân bình thường đã là một cột trụ truyền thông để nhắc nhở nhau, về ngày mất, ngày sinh của những người đã đóng góp cho nền văn hóa hình thành con người của họ.

 

Họ nhớ Mai Thảo, nhớ Thanh Tâm Tuyền, nhớ Trầm Tử Thiêng, kể về Phạm Duy, nói về Nguyễn Đình Toàn… Từ cuốn sách nhỏ cho đến những câu thơ đã dựng nên một trời văn hóa của miền Nam, cho đến những khổ nạn mà họ đã chịu qua thời thế biến động. Dĩ nhiên những điều đó chỉ có người miền Nam giữ với nhau, tự lưu truyền chứ báo chí của người nhà nước thì khó mà nhắc đến.

 

Dường như có một sự chủ trương rất rõ khi trong ngày cuối của tang lễ hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, trên mạng xuất hiện một người trẻ trong nền văn hoá mới, có hiểu biết về tiếng Phạn, và đưa phân tích rằng Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói sai. Sự lên giọng đúng chỗ và đúng thời điểm, càng làm cho người ta hình dung rõ điều gì đang xảy ra.

 

Nhưng ngay cả với sự hiểu biết Phạn ngữ và Phật giáo đó, chỉ có được từ khi văn hóa tín ngưỡng từ miền Nam lan sang miền Bắc và thúc giục việc hiểu biết thêm nhiều thứ ngoài khối xã hội chủ nghĩa, trong đó có tiếng Phạn, Bởi trước năm 1975 Phật giáo miền Bắc cũng lặng lẽ như miếu đền thờ cúng cầu an, chứ không có một giá trị Phật giáo xiển dương như trong miền Nam, và điều kiện để dễ dàng học hỏi tiếng Phạn cũng không có.

 

Việc phô trương hiểu biết đó, cũng tương tự như chuyện ở miền Nam thật khó khăn để được gọi tên là một dịch giả hay người chuyển ngữ, nhưng thời đại mới hôm nay thì bất kỳ người nào học ngoại ngữ cũng dễ dàng trở thành một dịch giả, bởi đơn giản không cần nền văn hóa, người ta chỉ cần dịch từ, dịch được câu là đủ xưng danh.

 

Người trẻ tham gia phản biện về tiếng Phạn đó, có thể đã 10 hay 20 năm học biết giỏi tiếng Phạn, nhưng chắc chưa từng đọc qua hàng chục bộ kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật… tham khảo với các bậc đại sư các nước để suy tư, nghiền ngẫm về nó nhằm chuyển ngữ đúng với tinh thần triết học Phật Giáo, và sao cho thật gần với người Việt Nam, vượt qua rào cản thô thiển và đơn giản của chuyện dịch từ nước ngoài. Vậy đó, hiểu được miền Nam, hiểu được văn hoá miền Nam  không thể ngu ngơ như đọc một cuốn tự điển mở sẵn, mà phải học đủ để biết nơi chốn đó đã viết ra những cuốn tự điển như thế nào. Đó là chưa nói riêng về Phật học hay tiếng Phạn.

 

Đốt đền để xưng danh, là cách làm quen thuộc. Ngôi đền càng cao quý, tên người đốt sẽ được nhắc muôn đời trong khoái cảm bệnh hoạn đã mưu tính. Đốt sự nghiệp đã lừng lẫy trên thế giới, được khắp nơi trân trọng như thầy Tuệ Sỹ hay đốt ngôi đền Artemis thì cũng một đích đến như nhau. Mà chuyện xưa đã rõ, kẻ đốt đền Herostratus bị nguyền rủa mỗi khi được nhắc đến. Chỉ có khác, chuyện muốn huỷ hoại thầy Tuệ Sỹ trong bối cảnh như hiện nay, không thể thành công, mà chỉ cho thấy rõ sự a dua thấp hèn.

 

Đó cũng là lý do vì sao nửa thế kỷ sau khi thống nhất đất nước, những tài liệu học thuật, kể cả sách giải trí của trước 1975 vẫn được săn tìm in lại. Sách cũ vẫn được chuyền tay với giá ngày càng cao hơn. Thậm chí với những tác phẩm văn học đã được dịch mới, in mới xuất hiện đầy trong các nhà sách, vẫn có vô số người tìm đến các ấn bản cũ hoặc tìm lại ở các bản pdf gốc, để được đọc giọng văn và cách dịch thuật của người có học, và có văn hóa – cũng là “cũ”.

 

Có một người khác trên mạng xã hội lại đi làm một cuộc thăm dò bỏ túi, Anh nói 100% những người được hỏi, không ai biết thầy Tuệ Sỹ là ai. Điều này hé lộ một tin tức đáng suy nghĩ: Sự kiểm duyệt và bóp nghẹt thông tin là có thật. Và cũng không biết vui hay buồn khi những người lớn lên sau năm 1975 nói mình không ai biết thầy Tuệ Sỹ là ai – như cuộc thăm dò nói – nhưng tên hay những điều thị phi của những người bán hàng online, dạy làm giàu tiêu biểu lúc này, họ đều biết.

 

“Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”, Lỗ Tấn có nói. Thiên đường hay địa ngục là do mỗi người tự quyết chọn để đi. Phỉ báng hay trân trọng, hiểu biết hay ngu dốt, thì tuỳ theo giáo dục và văn hoá, mà con người tự do sẽ tìm thấy ngả đường mình phải bước. Trên ngả đường được chọn, vươn vai đứng dậy để nhìn thấy nhau cùng là người Việt Nam, đó cũng có thể là một lựa chọn của người trí thức.

 

 

 




HÀ NỘI VƯƠN LÊN ĐỨNG THỨ NHÌ TOÀN CẦU VÌ . . . KHÔNG KHÍ Ô NHIỄM NGHIÊM TRỌNG (Lê Thiệt / Saigon Nhỏ)

 



Hà Nội vươn lên đứng thứ 2 toàn cầu vì… không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

Lê Thiệt  -  Saigon Nhỏ

29 tháng 11, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/

 

Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu. Ứng dụng IQAir sáng nay 29 Tháng Mười Một xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 thế giới.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-2.png

Xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu theo dữ liệu từ IQAir – Ảnh: IQAir

 

Theo hình ảnh của Báo Tuổi Trẻ, bầu trời Hà Nội bị bao phủ lớp không khí mù đặc vào sáng sớm ngày 29 Tháng Mười Một. Ngay cả lúc mặt trời đã lên cao, vào lúc 9 giờ sáng, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hiển thị chỉ số AQI là 215. Đây là mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đến mọi người dân.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-3.png

Người đi đường buổi sáng sớm đều phải mang lớp khẩu trang dày – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Trong khi đó, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu và không có trạm nào đo được mức tốt cả. Điều này cho thấy không khí không bị ô nhiễm cục bộ, mà toàn vùng thủ đô, đều bị ô nhiễm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-4.png

Khu vực quận Tây Hồ – Bắc Từ Liêm, nơi được Đại sứ quán Mỹ cảnh báo có chất lượng không khí xấu nhất thành phố – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Đáng chú ý số liệu của các tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng không khí của Hà Nội còn tệ hơn, số liệu đo đạc trong nước.

 

Theo Đại sứ quán Mỹ, có 7 trạm đo cho kết quả ở mức rất nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt, điểm đo ở Trường quốc tế Liên Hợp Quốc (quận Tây Hồ) sáng nay có AQI là 299, tiệm cận mức nguy hiểm.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-5.png

Mặt trời lên cao, tòa nhà cao thứ 2 Hà Nội vẫn ẩn khuất sau lớp sương mờ đục – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí Pam Air cũng ghi nhận nhiều nơi có chất lượng không khí ở mức nguy hiểm – mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-6.png

Khu vực quận Cầu Giấy, theo Pam Air có chỉ số AQI là 424 – mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tất cả mọi người – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Đặc biệt điểm đo tại quận Cầu Giấy, chỉ số AQI là 424 – ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người. Cùng lúc, IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ xếp sau Lahore (Pakistan).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-7.png

Khu vực đường vành đai 3 với tòa nhà cao nhất thành phố lúc 8h30. Không khí đặc quánh và người dân chỉ có thể quan sát những tòa nhà khi ở khoảng cách gần – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Điều đáng lo ngại là nhiều dự báo cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có thể kéo dài trong nhiều ngày tới, và cũng có thể một ngày nào đó rất gần, Hà Nội sẽ vươn lên dẫn đầu toàn cầu về sự ô nhiễm của không khí.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/05-Ha-Noi-8.png

Các tòa nhà “biến mất” ở đại lộ Thăng Long. Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội có thể kéo dài trong nhiều ngày tới – Ảnh: Tuổi Trẻ