Wednesday, February 5, 2025

TÌM KIẾM HÒA BÌNH CHO MYANMAR : NỖ LỰC và BẤT LỰC (Diễm Phương | Luật Khoa tạp chí)

 



Tìm kiếm hòa bình cho Myanmar: Nỗ lực và bất lực

Diễm Phương   |   Luật Khoa tạp chí

Feb 5, 2025  5:22 PM
https://www.luatkhoa.com/2025/02/tim-kiem-hoa-binh-cho-myanmar-no-luc-va-bat-luc/

 

Myanmar đang bước vào năm thứ tư của cuộc nội chiến và khủng hoảng quân sự. Sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021, tình hình Myanmar ngày càng trở nên rối ren.

 

Khủng hoảng vẫn tiếp diễn bất chấp các nỗ lực của quốc tế và khu vực - cụ thể là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho đất nước này. 

 

Cách tiếp cận chủ đạo của Hiệp hội cho vấn đề Myanmar là Đồng thuận năm điểm (Five-Point Consensus). Nguyên tắc này bao gồm: chấm dứt các hành vi bạo lực ngay lập tức, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên để tìm kiếm giải pháp hòa bình, đặc phái viên ASEAN sẽ đảm nhận vai trò chủ chốt trong việc tạo điều kiện cho đối thoại, ASEAN hỗ trợ viện trợ nhân đạo, đặc phái viên của ASEAN gặp tất cả các bên liên quan. [1] 

 

Hiện tại, các nỗ lực và thiện chí của ASEAN vẫn chưa thể đem tới thay đổi đáng kể cho Myanmar.

 

Sự thay đổi chế độ biến Myanmar trở thành một quốc gia nằm dưới sự cai trị của quân đội. Trong khi đó, các tổ chức vũ trang sắc tộc tiếp tục phản đối sự lạm quyền của lực lượng vũ trang quốc gia.

 

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2024, tình trạng bạo lực gia tăng khiến hơn 6.000 dân thường thiệt mạng. [2] Không chỉ vậy, hơn một nửa dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ. [3]

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2025/02/2df009fc-9105-4194-8c3b-9ea9f9fb7d76_cx0_cy9_cw0_w1200_r1.jpg

Binh sĩ của chính quyền quân sự đi tìm người biểu tình trên đường ở Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP.

 

Trong năm 2025, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình Myanmar có thể chuyển biến tích cực, tuy nhiên không ít bế tắc vẫn chưa tìm ra giải pháp. 

 

Tháng 11 năm nay, phe quân đội do Thống tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng đây có thể chỉ là một trò bịp chính trị. [4]

 

Những ai kỳ vọng vào một cuộc bầu cử tự do và công bằng có thể sẽ sớm thất vọng khi xung đột và đàn áp vẫn lan rộng. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục bị chèn ép, không gian hoạt động của họ ngày càng bị thu hẹp. Nếu chính quyền quân sự tuyên bố chiến thắng thì đây cũng chỉ là chiến thắng giả hiệu.

 

Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ cuộc bầu cử sắp tới. [5] Việc can dự của Bắc Kinh càng khiến tình hình thêm trầm trọng khi phe quân sự nhận được sự ủng hộ quan trọng để tiếp tục đàn áp.

 

Kết quả của cuộc bầu cử rất có thể làm gia tăng quyền lực cho phe quân đội và đẩy lực lượng này xích gần hơn với Bắc Kinh. Hệ quả là sự chia rẽ trong xã hội sẽ tiếp tục nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và khiến cảnh cửa đối thoại khép dần.

 

Tăng trưởng kinh tế ở Myanmar trong năm nay nhiều khả năng sẽ chậm lại vì những thách thức vẫn tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực chủ chốt. Năng lực sản xuất đang bị hạn chế do tình trạng thiếu nguyên liệu thô và nguồn cung cấp điện giảm, lạm phát gia tăng khiến nhu cầu trong nước giảm theo. [6] Các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lốc xoáy, nắng nóng khắc nghiệt, lở đất, v.v. cũng gây tác động nặng nề đến nền kinh tế Myanmar. [7] 

 

Trong nền kinh tế không có dấu hiệu khởi sắc, người dân Myanmar sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, như tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, các dịch vụ công thiết yếu gần như sụp đổ, những cú sốc kinh tế dẫn đến lạm phát gia tăng, và nguy cơ mất sinh kế. [8]

 

Kế hoạch Ứng phó và Nhu cầu nhân đạo năm 2025 (HNRP) cho Myanmar của Liên Hợp Quốc ước tính có 19,9 triệu người ở nước này cần hỗ trợ nhân đạo, con số này chiếm hơn một phần ba dân số. [9] 

 

Đối với ASEAN, tình hình càng trở nên bế tắc. Các quốc gia đã nản lòng và quyết định dừng bước thay vì cố gắng tìm kiếm đối thoại với chính quyền quân sự. Mặc dù Thái Lan đã tích cực đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán để thúc đẩy đối thoại thông qua cơ chế “tham vấn không chính thức” nhưng chưa có triển vọng rõ rệt nào. [10]

 

Đáng chú ý, các sáng kiến ​​của Thái Lan dù cung cấp một nền tảng cho đối thoại, nhưng lại loại trừ vai trò của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) - lực lượng đối lập với phe quân sự. [11] Điều này đặt ra câu hỏi về tính bao trùm và động cơ chính trị phía sau đề xuất của Thái Lan.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2025/02/PYM-1735954559.webp

Ông Duwa Lashi La, quyền lãnh đạo của Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar. Ảnh: Myanmar National Unity Government.

 

Malaysia, với vai trò là chủ tịch ASEAN năm 2025, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách can dự với chính quyền quân sự Myanmar.

 

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim, Malaysia được kỳ vọng đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các hành động của phe quân sự. Ví dụ, Malaysia có thể tăng cường hợp tác với NUG và các phe phái ủng hộ dân chủ khác ở Myanmar. 

 

Tuy nhiên, động thái này có thể vướng phải sự phản đối từ các thành viên ASEAN ủng hộ việc duy trì nguyên trạng hoặc ưu tiên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. [12]

 

Nguyên tắc đồng thuận (consensus) trong cơ chế ra quyết định của ASEAN sẽ tiếp tục là rào cản cố hữu cho các nỗ lực “dập lửa” ở Myanmar. [13] 

 

Tuy nhiên, chính quyền quân sự có lẽ cũng sẽ không được hưởng bầu không khí dễ chịu trong năm 2025.

 

Nếu sự kháng cự vũ trang lên chính quyền quân sự tăng đáng kể, điều đó có thể tạo tiền đề cho sự leo thang xung đột các phe phái, dẫn đến các làn sóng di cư ồ ạt và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. [14] Các cuộc không kích và ném bom của quân đội vào những nơi công cộng, gồm cả bệnh viện và trường học, khiến nhiều người không còn lựa chọn nào ngoài tha hương. [15] 

 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Liên minh Ba Anh Em gồm các nhóm vũ trang dân tộc như Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar (MNDAA), Quân đội Dân tộc Arakan (AA), và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA) cùng quyết tâm của họ là những yếu tố cần được chú ý. [16] 

 

Sự chống đối quyết liệt của các lực lượng này đối với quân đội cầm quyền ở Myanmar báo hiệu một cuộc khủng hoảng kéo dài, khiến hồi kết của cuộc nội chiến và khủng hoảng nhân đạo càng trở nên xa vời.

 

Tình trạng giằng co giữa các bên sẽ kéo dài khi không phe nào có thể giành chiến thắng tuyệt đối, cũng như không sẵn sàng thỏa hiệp dù chỉ là những thỏa hiệp tạm thời. Sau tất cả, sự thiếu vắng một giải pháp chính trị có thể làm hài lòng tất cả các bên chỉ khiến dân thường gánh chịu hậu quả. 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2025/02/arakanarmy4sep24feat-1.jpg

Các quân nhân thuộc Quân đội Arakan đứng trước cổng chào thị trấn Gwa, bang Rakhine sau khi kiểm soát được nơi này. Ảnh: Arakan Army.

 

Dù bức tranh toàn cảnh về cuộc khủng hoảng Myanmar trong năm 2025 chưa rõ ràng, nhưng bạo lực kéo dài và thảm họa nhân đạo là điều dễ thấy hơn cả. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing không thể dập tắt làn sóng nổi dậy kể từ sau cuộc đảo chính, mà chỉ khiến nội chiến lan rộng. [17]

 

Nếu không có chuyển biến sâu sắc về chính trị nội bộ hoặc sự can thiệp hiệu quả từ ASEAN và cộng đồng quốc tế, hàng triệu người dân vô tội sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

 

Hơn hết, các quốc gia không nên quên rằng một giải pháp thất bại cho Myanmar sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc, qua đó phơi bày sự mong manh của hòa bình trong bối cảnh thiếu vắng những nỗ lực nghiêm túc và hiệu quả.

 

Khủng hoảng chính trị, kinh tế, và nhân đạo không chỉ là thảm kịch đối với riêng Myanmar mà còn kéo theo tình trạng bất ổn dai dẳng, đe dọa sự ổn định của cả khu vực.

 

---------------

Chú thích

 

1. Tene, R. M. (2024, July 30). ASEAN Five-Point Consensus on Myanmar. RSIS. https://www.rsis.edu.sg/rsis-publication/rsis/asean-five-point-consensus-on-myanmar/

2. Myanmar: UN experts urge ‘course correction’ as civilian deaths exceed 6,000. (2024, December 2). The Office of the High Commissioner for Human Rights. https://www.ohchr.org/en/press-releases/2024/12/myanmar-un-experts-urge-course-correction-civilian-deaths-exceed-6000

3. Over 5,000 civilians killed since Myanmar military coup. (2024, September 17). The United Nations. https://news.un.org/en/story/2024/09/1154436

4. South, M. K. (2024, October 11). Don’t fall for the fake election in Myanmar. East Asia Forum. https://eastasiaforum.org/2024/10/11/dont-fall-for-the-fake-election-in-myanmar/

5. Aye, N. C. (2025, January 1). China-backed election raises fears of 'negative peace' in Myanmar. VOA. https://www.voanews.com/a/china-backed-election-raises-fears-of-negative-peace-in-myanmar/7921313.html

6. Rahman, M. (2025, January 6). Myanmar’s Uncertain Horizon: Will 2025 Bring Change or Chaos? Modern Diplomacy. https://moderndiplomacy.eu/2025/01/06/myanmars-uncertain-horizon-will-2025-bring-change-or-chaos/

7. What’s in Store for Myanmar in 2025? (2025, January 7). The Irrawaddy. https://www.irrawaddy.com/opinion/editorial/whats-in-store-for-myanmar-in-2025.html

8. Corsi, M. (2024, December 27). Myanmar Humanitarian Needs and Response Plan 2025 (December 2024). Relief Web. https://reliefweb.int/report/myanmar/myanmar-humanitarian-needs-and-response-plan-2025-december-2024

9. Xem [8]

10. Strangio, S. (2024, December 20). Thailand Hosts ‘Informal Consultation’ on Myanmar Conflict. The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/12/thailand-hosts-informal-consultation-on-myanmar-conflict/

11. Acharya, A. (2025, January 9). Can Myanmar turn the corner in 2025? Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Opinion/Can-Myanmar-turn-the-corner-in-2025

12. Krishnan, S. I. (2025, January 4). Myanmar Crisis to Test Limits of ASEAN Consensus Under Anwar. Cambodianess. https://cambodianess.com/article/myanmar-crisis-to-test-limits-of-asean-consensus-under-anwar

13. Kausikan, B. (2020, September 24). ASEAN's Commitment to Consensus. Australian Outlook. https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/aseans-commitment-to-consensus/

14. Xem [6]

15. Nachemson, A. (2025, January 11). Myanmar’s rebels liberate territory – administrating it is the next battle. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2025/1/11/myanmars-rebels-liberate-territory-administrating-it-is-the-next-battle

16. Uyên Phương. (2023, December 13). Liên minh nổi dậy ở Myanmar tuyên bố quyết tâm đánh bại chính quyền quân sự. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/lien-minh-noi-day-o-myanmar-tuyen-bo-quyet-tam-danh-bai-chinh-quyen-quan-su-20231213124205382.htm

17. What’s in Store for Myanmar in 2025? (2025, January 7). The Irrawaddy. https://www.irrawaddy.com/opinion/editorial/whats-in-store-for-myanmar-in-2025.html

 

-----------

Đọc thêm:

Malaysia sẽ lèo lái con thuyền ASEAN ra sao?

Vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an mờ nhạt của Việt Nam trong vấn đề Myanmar

 

 






No comments: