Friday, March 31, 2017

NGOẠI TRƯỞNG TRẦM LẶNG (LS Nguyễn Văn Thân)




Ls Nguyễn Văn Thân
01/04/2017

Tuần trước, Rex Tillerson Ngoại trưởng Hoa Kỳ tiến hành chuyến công du đầu tiên với 3 nước Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đề tài chính là Bắc Hàn. Tillerson tuyên bố là Hoa Kỳ đã mất hết kiên nhẫn với Bắc Hàn và phải áp dụng sách lược mới. Tất cả mọi giải pháp gồm có giải pháp quân sự sẽ được cứu xét. Hoa Kỳ có thể đánh phủ đầu bằng cách ném bom các cơ sở vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn nhưng hậu quả thật khó đo lường. Bắc Hàn chắn chắn sẽ trả đũa bằng cách tấn công Nam Hàn và Nhật Bản cũng như căn cứ Mỹ tại hai nước này với vũ khí nguyên tử. Không ai có thể đoán được kết cuộc sẽ như thế nào.

Đối diện với vấn đề Bắc Hàn nóng hổi như vậy là một Ngoại trưởng Mỹ khá lạnh lùng. Trái với những lời phát biểu nảy lửa trong cuộc thẩm vấn trước Thượng viện là Hoa Kỳ phải cấm không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo được cải đổi thành các tiền đồn quân sự tại Trường Sa, Rex Tillerson hầu như im hơi lặng tiếng kể từ khi nhậm chức vào ngày 1/2/2017. Trong chuyến công du dừng chân tại Trung Quốc vào cuối tuần qua, Tillerson lại có những lời phát biểu hầu như là lập lại quan điểm của Trung Quốc là hai nước phải hợp tác chặt chẽ và tôn trọng lẫn nhau, và bằng mọi cách tránh xung đột quân sự hoặc thương mại.

Cũng trong chuyến công du này, Tillerson đã phá vỡ thông lệ là không cho phép ký giả đi cùng máy bay. Thật ra các thông tấn xã và cơ quan báo chí đều trả chi phí cho ký giả của họ nhưng khi đi cùng máy bay thì ký giả có cơ hội nói chuyện và hiểu rõ suy nghĩ của Ngoại trưởng cũng như chính sách ngoại giao của chính quyền để đưa tin đến người dân một cách xác thực hơn. Tillerson biện bạch rằng chiếc máy bay quá nhỏ. Nghe thật là khó hiểu vì không lẽ nước Mỹ bỗng trở nên nghèo nàn đến nỗi không cấp cho ông Ngoại trưởng một chiếc máy bay lớn hơn có đủ chỗ ngồi cho ký giả hay sao? Sau khi các tờ báo lớn phản đối thì ông chỉ mời một nhà báo làm việc cho một tờ báo mạng có khuynh hướng bảo thủ và thân thiện đi theo. Sau đó, ông lý giải là ông không muốn phát biểu trước công luận về những chính sách hoặc ý tưởng mà ông chưa ấn định rõ ràng. Nhưng đâu có ai bắt ông làm việc đó. Đồng ý là thông lệ cho ký giả tháp tùng là một đặc quyền mà không phải nước nào cũng có nhưng nó có lợi hai chiều. Các ký giả có điều kiện tiếp cận gần gũi với người có thẩm quyền để lấy thông tin chính xác và trung thực cung cấp cho độc giả. Mặt khác, Ngoại trưởng có cơ hội truyền bá chính sách và đường lối của nhà nước đến với người Mỹ và khắp cả thế giới để hướng dẫn dư luận.

Trước đó thì Tillerson cũng đã phá lệ khi ông từ chối không xuất hiện giới thiệu Báo cáo Nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ. Báo cáo Nhân quyền thường niên là do Quốc hội chỉ định và nêu lên vấn đề nhân quyền của 200 quốc gia trên thế giới được đúc kết từ tường trình của các nhân viên sứ quán Hoa Kỳ khắp mọi nơi. Truyền thống này đã bắt đầu từ nhiều đời Tổng thống trước. Hành vi phớt lờ này của Tillerson là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ không đặt nặng vấn đề nhân quyền trong đối sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian sắp tới.

Ngoại trưởng là một trong những chức vụ béo bở và được thèm thuồng nhất trong một tân chính quyền Hoa Kỳ. Nhiều người ngạc nhiên là Trump đã chọn Tillerson. Về mặt biểu tượng, chọn ông vua dầu hỏa làm bộ mặt đại diện quốc gia mà một số người chỉ trích là chuyên lũng đoạn thị trường dầu hỏa thì chỉ có Trump mới nghĩ ra được. Trong buổi nói chuyện cầu hòa với CIA vào ngày 21/1, Tổng thống Trump bày tỏ tiếc nuối là Mỹ đã không nghĩ tới việc chiếm đoạt dầu của Iraq trước đây và trong tương lai nếu có cơ hội thì Mỹ nên thoải mái “cầm nhầm’’ tài nguyên này làm cho một số người Iraq lo sợ là Mỹ sẽ đưa quân tới xâm chiếm đất nước họ lần nữa. Bản thân Tillerson không có dính líu gì tới Trump. Rudy Giulani và Mitt Romney là hai người dẫn đầu cuộc đua tranh giành chức vụ Ngoại trưởng và cả hai đều là những nhà chính trị lão thành dày dạn kinh nghiệm. Trong khi đó, Tillerson gia nhập tập đoàn Exxon Mobil từ 1975 ngay sau khi tốt nghiệp kỹ sư và leo lên tới chức Tổng Giám đốc từ năm 2006. Chắc chắn là ông có nhiều khả năng mới có thể điều hành được một đại công ty dầu hỏa có cơ sở hoạt động khắp nơi trên toàn thế giới. Nhưng ông không có kinh nghiệm ngoại giao hoặc chính trường. Ngay cả việc chọn người làm phó cho mình mà ông cũng bị thất bại. Tillerson muốn chọn Elliot Abrams là một nhà ngoại giao kỳ cựu thuộc Đảng Cộng hòa dưới thời Tổng thống Reagan và Bush (cha) làm phụ tá nhưng bị Trump phủ quyết vì Abrams viết một vài bài báo chỉ trích chính sách đối ngoại của Trump trong lúc tranh cử. Có lẽ vì vậy mà có người cho rằng Tillerson vẫn chưa lấy được lòng tin của Trump nhất là khi có tới hai quân sư luôn ở bên cạnh Trump là chiến lược gia tranh cử Steve Bannon và con rể Jared Kushner. Tillerson không biết gì khi Michael Flynn chính thức cảnh cáo Iran về vụ nước này thử nghiệm hỏa tiển. Flynn là cựu cố vấn an ninh bị buộc phải từ chức vì nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence là ông không có qua lại với Nga.

Khi Trump ban hành lệnh hành pháp cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo vào Mỹ thì đã có hơn 1,000 nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ ký tên phản đối vì bản chất kỳ thị và phản ngoại giao của nó. Phản ứng của Trump là cắt giảm tới 37% ngân sách của Bộ Ngoại giao. Ngân sách ngoại giao hiện nay là khoảng 50 tỷ Mỹ kim. So với ngân sách quốc gia trên 3,000 tỷ thì 50 tỷ chỉ bằng cái móng tay. Trong khi đó Tillerson thì im hơi lặng tiếng. Bộ Ngoại giao trở thành rắn không đầu. Nhiều nhân viên ngoại giao kỳ cựu chán nản hết tinh thần làm việc và bắt đầu lo tìm việc làm khác. Bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm là vốn quý của quốc gia trở thành phế thải. Để tìm cách đối phó với ngân sách ít hơn, Tillerson cho biết là Bộ Ngoại giao sẽ cắt viện trợ 10 tỷ một năm cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì tổ chức này có khuynh hướng đối xử “kỳ thị” với Do Thái nhất là đối với cách chính sách mở rộng khu định cư cho người Do Thái trong lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Với Trump, hai chữ ‘‘nhân quyền’’ quả thật là một xa xỉ phẩm.

Ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện nay là khoảng 600 tỷ. Trump muốn tăng thêm 50 tỷ. Đó cũng là lý do tại sao phải cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao. Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trước đây đã từng nói là nếu nhà nước không chi đầy đủ cho Bộ Ngoại giao thì quân đội phải mua thêm đạn. Trump không tin vào sức mạnh mềm. Trong các chi nhánh quyền lực, quốc hội ban hành luật và tòa thực thi pháp luật. Mọi chuyện đâu đó minh bạch và rõ ràng. Nhưng ngoại giao là một nghệ thuật tinh tế. Ngôn từ của các nhà ngoại giao thể hiện chính sách của quốc gia họ. Những gì họ nói và cách nói đều quan trọng như nhau. Ngay cả sự im lặng hoặc không lên tiến cũng ẩn chứa sách lược quốc gia mà các nước khác sẽ dựa vào để phản ứng. Sự im lặng cũng có tiếng vang lớn như những lời phát biểu (Every word you don’t say speaks as loudly as those you do). Sự thinh lặng của Tillerson khi từ chối lên tiếng bảo vệ các giá trị nhân quyền và giải trình minh bạch đường lối ngoại giao trước truyền thông và công chúng là một bước lùi tiêu cực và đáng lo ngại.

Robert Jervis là một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia cho rằng quyền lực của Ngoại trưởng Hoa Kỳ xuất phát không phải từ Hiến pháp mà là 5 nguồn khác gồm có hậu thuẫn của Tổng thống, yểm trợ từ nhân viên của Bộ Ngoại giao, quan hệ đồng minh với các bộ trưởng khác trong chính quyền, sự nể trọng của công chúng và được đánh giá là có khả năng bởi nhân viên ngoại giao của các nước khác. Vào thời điểm này thì Tillerson không được điểm cao trong cả 5 khía cạnh này. Chưa gì mà đã có người dự đoán Tillerson sẽ là Ngoại trưởng yếu kém nhất của Hoa Kỳ. Nhưng Tillerson mới vừa nhậm chức chưa đầy 2 tháng. Cũng còn quá sớm để vội vã đi đến bất cứ một kết luận nào. Từ một cái nhìn nào đó thì Trump và Tillerson là hai thái cực. Một bên thì ồn ào và hở ra là đốp chát qua twitter còn bên kia thì lại không thích nói nhiều. Cũng như cặp vợ chồng cần bổ sung cho nhau. Nếu cả hai đều lớn tiếng ồn ào thì ai nói ai nghe? Còn nói là phải tô vẽ và đánh bóng cho Tổng thống Trump thì đối với một nhà ngoại giao có tài năng gấp trăm lần hơn Tillerson cũng sẽ là một thách thức lớn.

“Người Mỹ trầm lặng” là một cuốn tiểu thuyết xuất bản vào năm 1955 của Graham Greene một nhà văn người Anh. Cốt chuyện liên quan tới Việt Nam trong buổi giao thời mà ba thế lực trên sân khấu lịch sử là chủ nghĩa thực dân ở giai đoạn cuối, Việt Minh và Hoa Kỳ. Bốn nhận vật chính trong chuyện là Thomas Fowler một ký giả người Anh thuộc hàng ngũ tuần đã sống và làm việc tại Việt Nam trong hai thập niên để tường thuật diễn biến của cuộc chiến tranh Đông Dương. Adam Pyle một nhân viên CIA là “người Mỹ trầm lặng” tin tưởng vào sức mạnh phi thường của Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam sang một ngã rẽ tươi sáng hậu thực dân và phi cộng sản. Vigot là một thanh tra viên người Pháp cố gắng phục vụ chính quyền thực dân đang giãy chết. Còn Phượng là cô gái Việt Nam 20 tuổi mảnh mai, yếu đuối và ngả nghiêng giữa hai người đàn ông ngoại quốc là Fowler và Pyle. Thông điệp của câu chuyện là thái độ ngạo mạn và thiếu hiểu biết của người Mỹ trầm lặng đã dẫn đến kết cuộc bi đát cho đất nước Việt Nam. Quyết định của Mỹ đổ quân vào rồi lại bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa 20 năm sau phần nào chứng thực khả năng tiên đoán của Graham Greene. Có tin đồn là Tillerson đã đạt thỏa thuận căn bản với Tập Cận Bình là Trung Quốc sẽ giúp Mỹ đối phó với mối đe dọa từ Bắc Hàn và ngược lại Mỹ sẽ nhượng bộ Trung Quốc trong ý đồ thâu tóm trọn Biển Đông. Không biết rồi đây ông Ngoại trưởng trầm lặng Tillerson sẽ có tác động gì đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam đặc biệt là qua chính sách của Mỹ sắp tới liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải tại Hoàng Sa và Trường Sa.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 09:08 




KHÔNG THỂ CÓ PHÁT TRIỂN NHỜ ĐỘC TÀI (Nguyễn Xuân Nghĩa - RFA)




Nguyễn Xuân Nghĩa  -  RFA
2017-03-29

Một ngộ nhận của giới chuyên gia khi họ tin rằng một chế độ độc tài mà anh minh sáng suốt vẫn có thể đem lại thịnh vượng cho người dân.

Ông Vladimir Zhirinovsky, thành viên quốc hội Nga, tổ chức một cuộc họp báo tại Hội đồng châu Âu hôm 25/1/2006, tranh luận về một báo cáo chống lại các tội ác do chế độ độc tài cộng sản gây ra. AFP photo

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, qua nhiều chương trình liền, ông thường nhắc tới một nhu cầu là dân quyền và nhân vị trong công cuộc phát triển kinh tế và chế độ độc tài sẽ không thể đem lại thịnh vượng cho người dân. Ý kiến ấy có vẻ như đi ngược với luận cứ của nhiều chuyên gia kinh tế hay thành tích chói lọi của Trung Quốc với một chế độ thiếu dân chủ. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông giải thích tiếp về nghịch lý đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng trong thế kỷ 20 đã có cuộc tranh luận về giá trị của hai mô hình kinh tế đối nghịch. Một là tập trung kế hoạch của các nước cộng sản hai là tự do phát triển theo quy luật thị trường của các nước dân chủ. Kết cuộc thì các chế độ cộng sản độc tài trôi vào khủng hoảng hoặc tan rã từ năm 1991 nên chẳng còn được nhà lý luận nào bênh vực nữa. Nhưng một số người từng đặt niềm tin vào chế độ cộng sản lại tìm ra một lý lẽ khác, từ cộng sản chạy qua xã hội chủ nghĩa. Rằng thế giới có các nước chuyên chế độc tài nhưng được lãnh đạo anh minh sáng suốt để quyết định về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia nên đạt thành quả phát triển cao.
Hiện tượng được viện dẫn là nhiều nước tân hưng Đông Á chưa có dân chủ thì đã phát triển mạnh. Lớn thì có trường hợp Trung Quốc, nhỏ thì là trường hợp Singapore, Hong Kong, ở giữa thì có Đài Loan, Nam Hàn. Vì nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế của Tây phương cũng đồng tình với lập luận ấy cho nên chúng ta cần tìm hiểu sâu xa hơn về sự sai lầm của họ. Kỳ này, tôi xin được nói về chuyện đó, nhất là về trách nhiệm của giới chuyên gia và sẽ phải lần lượt đi từ đầu qua từng bước.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin được mời ông trình bày sự thể này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, thế giới có nhiều nước nghèo, chậm phát triển hoặc chưa phát triển mà nói cho phũ phàng thì còn chậm tiến. Nhưng các định chế quốc tế vẫn lịch sự gọi đó là các nền kinh tế "đang lên". Trong lãnh vực kinh tế, có loại chuyên gia quan tâm đến việc phát triển các nước nghèo, ta gọi họ là "chuyên gia phát triển", chứ không vơ đũa cả nắm mà phê phán mọi chuyên gia. Chuyện thứ ba, với giới chuyên gia phát triển thì nếu một nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6% một năm, như Việt Nam hiện nay, thì đấy là bước đầu của phát triển vì nếu giữ được tốc độ ấy trong 12 năm liền là có thể nâng lợi tức gấp đôi.
Lấy tiêu chuẩn 6% như hòn đá thử vàng, giới chuyên gia phát triển mới đo lường công cuộc phát triển của các nước nghèo và suy ngược lên lý do, là các nước đã có chính sách kinh tế quốc gia thế nào để giữ được đà tăng trưởng trong lâu dài ? Trường hợp của bốn nền kinh tế Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Nam Hàn được họ coi là mẫu mực. Sau đó họ viện dẫn thêm trường hợp của Trung Quốc rồi của Việt Nam. Yếu tố cần chú ý ở đây là khái niệm "chính sách kinh tế quốc gia", với hàm ý rằng đà tăng trưởng là do các chính quyền hay nhà nước hoạch định và thi hành từ trên xuống, nghĩa là nhà nước mới giữ vai trò trọng yếu.

Quy luật về kinh tế

Nguyên Lam : Thưa ông, khi cho rằng nhà nước mới giữ vai trò trọng yếu qua chính sách kinh tế quốc gia từ trên ban xuống thì phải chăng các chuyên gia về phát triển vẫn đánh giá sai hai yếu tố kia là thị trường và người dân ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng đấy mới là vấn đề ! Đầu tiên, cái tiêu chuẩn 6% ấy thật ra vô giá trị vì nhiều nước nghèo khác cũng từng có chục năm tăng trưởng như vậy, sau đó là suy sụp. Thí dụ như Togo vào quãng 1960, Paraguay vào quãng 1970 hay Oman quãng 1980, rồi Cộng hòa Dominican vào quãng 1990, nước Chad vào quãng 2000 hay Rwanda vào quãng 2010. Ngày nay chẳng còn ai nhắc đến sáu nước bại liệt đó nữa. Lý do ở đây là xứ nào cũng có thể được chục năm tăng trưởng mà không bền vững, và tăng trưởng chưa thể là phát triển.
Sai lầm thứ hai của các chuyên gia về phát triển là cho rằng yếu tố dẫn tới tăng trưởng lâu dài thuộc về chính sách vĩ mô do nhà nước đề ra. Thí dụ như bội chi ngân sách, chế độ kiểm soát giá cả và lãi suất hay mậu dịch, v.v… Lý do sai lầm là vì giới chuyên gia được mời làm tư vấn cho nhà nước về chính sách và tưởng rằng hoặc làm người ta tưởng là nhờ sự cố vấn của họ mà kinh tế đạt mức tăng trưởng trong lâu dài. Sự thật thì nhiều đà tăng trưởng ấy có thể khựng và đảo ngược như các trường hợp nói rên. Nguyên nhân tăng trưởng hay suy thoái có khi chẳng thuộc chính sách kinh tế nhà nước mà vì nhiều yếu tố có tính chất giai đoạn, như sự thăng trầm của giá nguyên nhiên vật liệu, của đầu tư hay viện trợ từ nước ngoài, hoặc thậm chí thiên tai lẫn cả cách đếm sai đà tăng trưởng. Vì thế, Singapore hay Hong Kong cũng có 10 năm ngoạn mục từ năm 2000 tới 2010 nhưng sau đó thì giảm.
Có một quy luật thực tế ở đây là khi một nền kinh tế đạt mức tăng trưởng vượt bậc, hơn hẳn trung bình của các quốc gia khác, thì sau mươi năm là hụt hơi. Đầu năm 1997, các chuyên gia quốc tế vừa ngợi ca phép lạ kinh tế Đông Á thì Tháng Bảy năm đó lại nổ ra vụ khủng hoảng kinh tế với hậu quả là Đông Á bị suy thoái trong bốn năm liền tới độ Nam Hàn còn phải xin Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế cấp cứu. Sai lầm căn bản nhất của giới chuyên gia là nhìn vào chuyện trừu tượng mà quên hẳn số phận của dân nghèo khi sẵn sàng cộng tác với các chế độ chuyên chính độc tài và lại còn nói rằng nhờ sức mạnh của nhà nước thì quốc gia mới dễ phát triển.

Khách sạn và công viên giải trí tại Resort World Sentosa, Singapore chụp hôm 10/3/2017. AFP photo

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua một vấn đề khác, là thưa ông, liệu các chế độ độc tài có ưu thế cao hơn nền dân chủ hay không khi họ đề ra chính sách kinh tế cho toàn dân ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đấy là huyền thoại nguy hại nhất. Huyền thoại là cái gì đó không thật mà cứ được loan truyền, và trong lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia về phát triển ưa loan truyền lý luận tai hại đó. Tôi xin lấy một thí dụ tiêu biểu là công trình nghiên cứu hỗn hợp của Ngân hàng Thế giới và nhà cầm quyền Trung Quốc được công bố năm 2013 mà tiết mục chuyên đề của chúng ta cũng có nhắc tới. Đấy là Phúc trình có tên là "Trung Quốc năm 2030 : Xây dựng một Xã hội Hiện đại, Hài hòa và Sáng tạo".
Sự thật là trong khi Bắc Kinh đàn áp người dân, kiểm soát báo chí thì họ quyết định về các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và kinh tế gia của họ làm công tác tuyên truyền này. Khi thấy Ngân hàng Thế giới tung ra báo cáo ấy thì người ta tin rằng định chế tài trợ phát triển này xác nhận tương lai sáng láng của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của một chế độ sáng suốt có đầy ý chí.
Trong khi đó, người ta bỏ qua số phận của dân nghèo trong một quốc gia đầy ô nhiễm và tham nhũng. Đây là một hiện tượng lầm lạc đã có từ lâu và rất khó sửa. Nó đã có từ thời Đặng Tiểu Bình nay tiếp tục với Tập Cận Bình. Sự thật thì kinh tế có thể tăng trưởng nhờ sức dân mặc dù người dân lại là nạn nhân của chế độ độc tài, và ngược lại, chính sách kinh tế của nhà nước độc tài mới dễ gây ra khủng hoảng.

Khó sửa sai

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao người ta lại khó cải sửa sự lầm lạc như ông vừa nói ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất là nhiều người cho rằng chế độ độc tài có khả năng tập trung cao hơn chế độ dân chủ để phát triển quốc gia dù khái niệm phát triển đó chỉ là tăng trưởng mà thôi. Sự thật ở đây là một thống kê u ám. Các lãnh tụ độc tài thường tàn phá quốc gia mà không có thuốc chữa, còn trường hợp tương đối tốt đẹp như lãnh tụ Phác Chính Hy tại Nam Hàn, Lý Quang Diệu của Singapore hay Augusto Pinochet của xứ Chile chỉ là ngoại lệ, là rất hãn hữu. Thứ hai, nhiều người công nhận rằng dù các lãnh tụ độc tài tệ hại nhất có thể tàn phá quốc gia hơn một lãnh tụ dân chủ bất tài nhất thì các lãnh tụ độc tài sáng suốt vẫn có nhiều thành tựu hơn các lãnh tụ dân chủ sáng suốt nhất. Sai lầm thứ hai này mới khó cải sửa vì nó khá mơ hồ.
Thí dụ điển hình gần gũi với Việt Nam là trường hợp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng đổi mới, hay Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tiến hành sau đó, hoặc gần đây hơn nữa là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều tai họa kinh tế phát sinh từ thời lãnh đạo của các nhân vật ấy mà chuyên gia quốc tế không biết, hoặc có biết một cách mù mờ thì tránh nói tới. Sự thật ở đây là ngoài vài trường hợp ngoại lệ, không phải là chế độ độc tài phát triển quốc gia nhanh hơn chế độ dân chủ. Ách độc tài thu hẹp khả năng cải sửa của thị trường và người dân cho nên dân nghèo mới là nạn nhân ở dưới đáy. Hãy hỏi bà con ở miền Trung ngày nay tại Vệt Nam thì biết thế nào là nạn nhân ở dưới đáy vì nhiều quyết định xa xưa của chế độ độc tài.
Trong khi đó, sự thật lịch sử từ bảy tám chục năm qua đều cho thấy là các chế độ dân chủ đã phát triển bền vững hơn. Quan trọng nhất, chế độ dân chủ có khả năng thẩm xét thực tài của giới chuyên gia trong khi chế độ độc tài lại dùng chuyên gia quốc tế làm bình phong cho các chính sách tai hại của họ. Việc Ngân hàng Thế giới hay Công ty tài trợ IFC vừa bị phê phán cho thấy là chính khả năng các chuyên gia quốc tế về phát triển đang bị thẩm xét lại.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn cho một đề tài lý thú, Nguyên Lam xin yêu cầu ông đưa ra một kết luận, dù đó có thể chỉ là một kết luận tạm cho một vấn đề quá sâu xa phức tạp.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi một chế độ độc tài cho người dân có thêm quyền tự do về kinh tế thì đấy chỉ là một cách dung hợp với yêu cầu của thị trường mà lại được giới chuyên gia phát triển đánh giá là đổi mới hay cải cách. Trong khi đó, chế độ độc tài lại không cho người dân có thêm quyền tự do về chính trị, là trường hợp phổ biến của nhiều nước nghèo, kể cả Trung Quốc hay Việt Nam, thì giới chuyên gia tránh nhắc tới, hoặc còn biện hộ rằng nhờ đó mà có ổn định. Ta rất nên thận trọng với loại chuyên gia ấy khi họ ăn cây nào phải rào cây nấy.
Sự thật quan trọng nhất là công cuộc phát triển nước nghèo phải đi từ dưới lên, từ dân nghèo. Quyền tự do, nhân phẩm hay nhân vị của họ phải là điểm khởi đầu và chính sách phát triển phải ưu tiên nhắm vào họ. Cái chân lý hay "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" theo ngôn từ cộng sản, phải xuất phát từ một điều đã được các nước Tây phương xiển dương từ hơn hai thế kỷ trước, rằng "con người ta sinh ra là phải có quyền tự do và được bình đẳng". Lớp người nghèo khổ nhất không có cơ hội bình đẳng và thiếu tự do chọn lựa.
Chính sách phát triển phải khởi đi từ thành phần bần cùng đó, chứ không từ các giai tầng trên và nhất là không từ lãnh đạo ở chóp bu đã lấy tài nguyên quốc gia nuôi các chuyên gia có nhiệm vụ bảo vệ chính nghĩa đáng ngờ của chế độ. Bản thân tôi thường đọc phúc trình của các chuyên gia này với sự nghi ngờ đó !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.