Wednesday, September 30, 2015

Bạn trẻ "không muốn làm chuột bạch" bị công an Hà Nội ép chuyển nhà nhiều lần (Dân Luận tổng hợp)





Dân Luận tổng hợp
30/09/2015

Đêm qua, 29/9/2015, bạn trẻ "không muốn làm chuột bạch" Nguyễn Thành Nhân (Fb Hoàng Thành) vừa bị công an khu vực và chủ nhà ép ra khỏi chỗ trọ ngày lập tức khi Thành chỉ mới vừa dọn đến nhà mới vào sáng cùng ngày. Đây là lần thứ 2 trong tháng, công an Hà Nội áp lực với các chủ nhà trọ không cho bạn trẻ này thuê nhà nữa.

Bạn trẻ "không muốn làm chuột bạch" Nguyễn Thành Nhân 

Thành Nhân cùng ba người em thuê một căn nhà ba tầng, rộng 30m2 tại hẻm 79/40/2 tổ 1, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo thỏa thuận, hợp đồng kéo dài một năm (từ ngày 24/9/2015 đến ngày 24/9/2016). Sáng ngày 29/9, khi anh em Nhân vừa dọn đến nhà mới thì ngay buổi chiều, một an ninh tên Khánh cùng với vợ chồng chủ nhà đến yêu cầu tất cả 3 anh em phải dọn ra ngoài ngay lập tức. Họ lờ đi tất cả các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như: phía chủ nhà chỉ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người thuê không trả tiền đầy đủ, sử dụng nhà sai mục đích, gây mất trật tự công cộng, mất vệ sinh công cộng.

Theo lời kể của em Thành Nhân, viên an ninh khu vực nói: “Sẽ đuổi tới cùng, cho đến khi Thành không còn ở trên địa bàn này”.

Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 9/2015, lần trước, Thành cũng đã bị đuổi ra khỏi nhà trọ một cách đột ngột như vậy và chủ nhà trọ cũ cho biết lí do là vì an ninh ép.

Thành Nhân cho rằng tất cả những sự sách nhiễu của an ninh đối với mình là do anh tham gia vào các hoạt động xã hội trong thời gian gần đây. Được biết ngày 24/8/2015, Nguyễn Thành Nhân một mình đứng trước cổng Bộ giáo dục và đào tạo cầm tấm bảng "Học sinh, sinh viên không phải là chuột bạch" để phản đối kỳ xét tuyển Đại học lộn xộn, khiến phụ huynh và học sinh phải hụt hơi. Nhân đã bị công an cưỡng chế về đồn làm việc trong 2 ngày 26 và 27/8/2015. Sau đó là liên tục những lần sách nhiễu đối với bạn trẻ "không muốn làm chuột bạch này".

---------------------

Trí Thành, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
30/09/2015

Dân Luận: Phương pháp sách nhiễu này đã được áp dụng đối với blogger Nguyễn Văn Thạnh, khiến anh không thể tiếp tục sống ở Đà Nẵng mà phải chuyển ra ngoài Hà Nội. Blogger Hoàng Thành chỉ vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa nay cũng bị đưa vào diện "sổ đen" và bị sách nhiễu bằng những việc làm hoàn toàn trái pháp luật của lực lượng công an Thủ đô.

*
Vào hồi 19hh30 ngày 30-9-2015, trong khi làm việc, anh Nguyễn Thành Nhân (facebook: Hoàng Thành) nhận được thông báo của ba người bạn cùng phòng về việc chủ nhà trọ (hiện là công an thành phố Hà Nội) yêu cầu không cho anh tiếp tục thuê nhà.

Qua cuộc trò chuyện với phóng viên, anh Thành cho biết, ngôi nhà anh đang ở có hợp đồng thuê nhà là một năm, đóng tiền 3 tháng một lần với giá 5,5 triệu đồng/ tháng và anh đã đóng 22 triệu (bao gồm 3 tháng tiền nhà và 1 tháng tiền đặt cọc). Trong những ngày gần đây, anh Thành và các bạn đã chuyền đồ, lắp đặt điều hòa và sửa sang lại nhà cửa, đồng thời bắt đầu ở tại ngôi nhà này vào ngày 30-9. Tuy nhiên, ngay khi anh cùng các bạn chuyển đến, chủ nhà trọ cùng công an khu vực đã đến và gây áp lực cho mọi người. Theo như ông chủ nhà trọ cho biết, công an khu vực đã yêu cầu không được để cho anh Nguyễn Thành Nhân tiếp tục cư trú trên địa bạn phường Yên Hòa do họ phụ trách, và sẽ đuổi tới cùng nếu anh còn muốn tiếp tục ở đó.

Phản ứng lại những yêu sách phi lý của chủ nhà cùng công an phường Yên Hòa, anh Nhân đã cương quyết không chấp nhận yêu cầu trả lại nhà, đồng thời đưa ra yêu cầu bồi thường về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu như chủ nhà vẫn nhất quyết không cho anh cư trú.

Trước đó, anh Nhân đã từng bày tỏ quan điểm của bản thân về chính sách tuyển sinh đại học năm 2015 của Bộ Giáo dục và đào tạo vào ngày 27-8.

Nguyễn Thành Nhân và biểu ngữ của mình (Fb: Hoàng Thành)

Ngay sau khi đăng lên trang facebook của mình, anh Nhân đã gặp không ít khó khăn trong công việc và cuộc sống khi công an khu vực liên tục gửi giấy mời anh đến đồn công an để “làm việc”. Đồng thời, chủ nhà cũ nơi anh ở cũng đã bị công an phương Yên Hòa gây áp lực và cấm không cho anh tiếp tục thuê trọ. Đứng trước sự sách nhiễu liên tiếp đến từ phía công an, anh Nhân đã khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi bản thân đến cùng một cách hợp pháp.

Trí Thành

------------------------------
XEM THÊM TIN KHÁC :

Phát động chiến dịch ủng hộ Linh mục Nguyễn Văn Lý 
VOA Tiếng Việt  24/9/2015
https://www.youtube.com/watch?v=LgEln5TF6hk
.
Công an Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương đánh chết người

Công An Hải Phòng Đánh Người Dân Gây Xôn Xao Dư Luận
https://www.youtube.com/watch?v=AVZ9xg3QIbQ

Công an Bắc giang đánh chết người ở Yên Dũng





Người dân lập hội, tại sao nhà nước cộng sản lại sợ? (Phạm Nhật Bình)





Phạm Nhật Bình
01/10/2015

Kính gởi quý cơ quan truyền thông báo chí,

Khác với những xã hội hướng về các quyền công dân căn bản, quan điểm của các nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay chưa vươn tới ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự quan trọng đến mức độ nào cho việc đặt để một nền dân chủ đích thực. Do đó họ chỉ làm những việc đơn giản là gán cho các tổ chức xã hội dân sự một ý nghĩa chính trị xấu xa để tìm cách làm khó dễ hoặc ra tay triệt hạ bằng mọi hình thức.

Kính mời quý vị đọc bài viết "Người dân lập hội, tại sao nhà nước cộng sản lại sợ?" của tác giả Phạm Nhật Bình và kính mong được tiếp tay phổ biến.

Trân trọng,
Mai Hương
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
-------------------

Trong lịch sử phát triển loài người, nhu cầu sinh hoạt quần tụ là một nhu cầu tự nhiên, ngay từ thuở sơ khai. Đó là bản chất thiết yếu của con người từ lúc bước ra khỏi thế giới mông muội ban đầu, thể hiện tính “đoàn lũ”, có thể ví với một hình thức khoa học thực nghiệm: vật chất cùng loại luôn có khuynh hướng kết tụ với nhau.

Ngày nay, việc lập hội và sinh hoạt hội trở thành một nếp sống bình thường và hợp pháp trong các nước mà quyền công dân được tôn trọng. Hội là gạch nối giữa chính quyền và người dân và là động lực quan trọng để thăng tiến quốc gia.

Nhưng mãi cho đến nay, quyền lập hội ấy mới được Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Thái Bình báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới hình thức một “dự án Luật về Hội”, sau hàng chục năm bàn thảo và... làm ngơ.

Tuy nhiên cũng như hầu hết những quyền công dân căn bản ở Việt Nam, trước đó quyền lập hội vẫn được “long trọng ghi nhận trong Hiến pháp” Việt Nam, với một câu thần chú muôn đời “phải bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với các hội”. Sở dĩ phải bảo đảm được sự lãnh đạo của đảng, phải chăng vì quyền lợi của đảng mâu thuẫn với quyền lợi nhân dân?

Theo báo Giáo Dục Việt Nam, để đóng dấu chứng thực cho quyền lập hội của người dân, ngay từ năm 1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có Sắc lệnh số 102 về “Luật quy định quyền lập hội” của chính phủ. Và tính đến tháng 12/2014 cả nước có đến 52.565 hội. Cũng như hơn 1000 báo đài quốc doanh trên cả nước theo số liệu mới nhất, mọi hoạt động của trên 52 ngàn hội này đều nằm trong sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng.

Cho nên trong “Dự án Luật về Hội” mới đưa ra, Điều 8 đã quy định rất nhiều hành vi bị liệt vào “các hành vi bị cấm” bao gồm những hình thức cấm đoán điển hình như sau:

- Cản trở công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

- Ép buộc, cưỡng ép công dân Việt Nam thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật.

- Xúi giục, lôi kéo, kích động, mua chuộc công dân Việt Nam thành lập, tổ chức và các hoạt động của hội trái pháp luật.

- Thành lập, tổ chức các hoạt động của hội trái pháp luật v.v…

Như vậy, dù phải đưa ra Dự án Luật về Hội trong một tình thế cần trình diễn bộ mặt cải cách dân chủ, đảng CSVN vẫn lo sợ, luôn rào trước đón sau để khi có dịp siết chặt các hoạt động hội dân sự, nhất là những hội nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Thực chất của nhóm từ “trái quy định pháp luật” không gì khác hơn sợi dây thòng lọng quàng sẵn vào cổ người dân. Nhưng cũng để tỏ ra minh bạch và dân chủ, dù là dân chủ giả hiệu, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ráng phán một câu vô thượng vô phạt “Công dân bị hạn chế thì hạn chế cái gì phải nói vào luật để bảo đảm quyền công dân”. Thực ra nếu có “ghi rõ vào luật” cho đẹp mặt, ai cũng biết những văn bản dưới luật sau đó cũng nhanh chóng vô hiệu hóa việc thi hành nó.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ra lo lắng khi cho ý kiến về dự thảo luật rằng “tình hình hội tràn lan, hoạt động không cao, hành chính hóa lớn, dựa vào kinh phí nhà nước cũng lớn. Bên cạnh đó, có loại không mang tên hội nhưng hoạt động như hội, có tính chính trị trong đó.”

Quan điểm của người đứng đầu cơ quan lập pháp chưa thật sự nhìn thấy việc lập hội và sinh hoạt hội là nhu cầu tự nhiên không thể thiếu của xã hội công dân. Ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ nhìn thấy khía cạnh “trị an” của nhà cầm quyền, không khác thời thực dân thống trị chỉ lăm lăm chiếc dùi cui trong tay.

Ông Hùng cũng như hầu hết các lãnh đạo đảng đều không biết, chính sự tranh đấu và sự khác biệt giữa các “đoàn lũ” thời kỳ đầu đã giúp cho con người phát triển lên một xã hội tiến bộ hơn.

Cũng có người như ông Nghiêm Vũ Khải dù với chức danh là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, lại lên tiếng đòi quản lý hội để “xử lý khi có tiêu cực” và bày tỏ quan điểm không nên quy định tư cách pháp nhân “vì nó là vấn đề dân sự”.

Ông Khải đưa ra một dẫn chứng để biện minh cho sự quản lý này: "Ví dụ tôi sang Nhật Bản học thấy họ bắt cam kết, nếu sang học thì chỉ học chứ không được tham gia vào hoạt động chính trị ở nước đó, ví dụ tham gia vào hoạt động biểu tình. Tôi phải ký vào giấy cam kết, nếu vi phạm là họ đuổi khỏi Nhật Bản. Họ quy định rất mạch lạc như vậy. Đó chính là quản lý nhà nước của họ".

Đây quả thật là một ví dụ bịa đặt, cố tình ngụy biện cho việc cần phải cấm đoán và quản lý chặt chẽ các hội đoàn. Vì không có gì chứng minh cụ thể chính phủ Nhật Bản hay chính phủ các nước văn minh khác như Anh, Pháp, Mỹ… bắt sinh viên Việt Nam du học “ký giấy không đi biểu tình”. Chua chát thay, chuyện này lại có dưới chế độ Cộng sản Việt Nam.

Câu kết luận của ông Khải "Trên thực tế có rất nhiều hội tốt, nhưng cũng có những hội phản động chống phá chế độ, cho nên phải đặt ra vấn đề quản lý”, giúp cho mọi người nhìn thấy bản chất của một nhà nước độc quyền chính trị lúc nào cũng đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi dân tôc. Làm thế nào phân biệt được một hội tốt và một hội phản động, nhà nước Việt Nam lâu nay chỉ nhờ vào lực lượng công an trang bị với dùi cui và còng số 8.

Trước áp lực của đại khối quần chúng yêu nước đã ý thức được quyền lợi vốn có của mình, đảng CSVN buộc phải đưa Dự án luật về Hội ra thảo luận trước quốc hội nhiệm kỳ 13. Đó chưa phải là một bước nhượng bộ hay thay đổi quan trọng trong một nền tảng pháp luật bao giờ cũng dựa trên sự cưỡng bách một chiều hơn là thuyết phục.

Bỏ qua trên 52 ngàn hiệp hội quốc doanh được báo cáo, trong những năm gần đây, mặc dù không được sự ưa thích của chính quyền độc tài, hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam đã nở rộ trong một xã hội khao khát dân chủ, nhân quyền. Gần 60 hội, phong trào dân sự đã được thành lập và điều đáng chú ý đặc biệt là đứng ngoài sự kiểm soát của chính quyền, với hoạt động càng ngày càng phong phú.

Khác với những xã hội hướng về các quyền công dân căn bản, quan điểm của các nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay chưa vươn tới ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự quan trọng đến mức độ nào cho việc đặt để một nền dân chủ đích thực. Do đó họ chỉ làm những việc đơn giản là gán cho các tổ chức xã hội dân sự một ý nghĩa chính trị xấu xa để tìm cách làm khó dễ hoặc ra tay triệt hạ bằng mọi hình thức.

Họ cũng không quan niệm nổi vai trò trung gian giữa chính quyền và những cá nhân trong một hiệp hội. Thiếu vai trò đó, chính quyền không bao giờ đi đến với nhân dân được và chỉ thống trị nhân dân bằng ép buộc. Lúc đó chính quyền cai trị đất nước trong cô đơn giống như một lực lượng xâm chiếm đến từ xa và đó cũng là mầm mống của sự sụp đổ.

Lập hội là một quyền tự nhiên của con người sống trong xã hội với ý thức muốn cho xã hội ấy tiến lên. Nhưng cơ chế “xin-cho” đã ngự trị trong tâm não của các nhà lãnh đạo cộng sản, hầu như họ giữ hết quyền “cho” ngay đối với những điều nhỏ nhất.

Không ai ngạc nhiên khi Dự án luật về Hội sẽ bị trì hoãn trong năm nay, dù có xuất hiện trong chương trình nghị sự của quốc hội. Theo báo chí Việt Nam, hôm 25/9/2015 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên bế mạc kỳ họp đã tuyên bố chỉ đạo rằng ’nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn’, sau hơn 10 lần thảo luận, bàn bạc.

Cũng vì thế mà một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội, ông Nguyễn Quang A khi trả lời phỏng vấn đài BBC cho rằng “nếu ai có quan điểm cho rằng bản thân việc ’dự thảo’ được phép đệ trình lên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã là ’tích cực’ và ’tiến bộ’ thì đó là một sự ’ngộ nhận’”.

Dư luận cũng dễ dàng đồng ý với lời phê phán của ông A đối với bản Dự thảo Luật về Hội lần này là “tồi hơn” cả dự thảo 10 năm về trước.

Phạm Nhật Bình