30/09/18
Xã
luận
Thông tư 19 và những câu hỏi phải được trả lời
Cùng với Thông tư 19 và sự phát giác của Quyết định
689/2004/QĐ-NHNN đã đến lúc Đảng cộng sản phải trả lời một loạt câu hỏi đã được
đặt ra từ lâu và ngày càng gây lo âu và phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam.
Trên thực tế đồng nhân dân tệ đã được người Việt ở
các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc sử dụng từ lâu - Ảnh minh họa (BBC tiếng Việt)
Thông tư 19 (số 19/2018/TT-NHNN) đã gây một xúc động
lớn trong dư luận rồi sau một hai tuần không còn được nhắc lại nữa. Người ta
xúc động mạnh vì thấy chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nhưng không biết nói gì vì
thông tư này dài, nhập nhằng, khó hiểu, nhiều chi tiết và quy chiếu tới nhiều
văn bản khác. Tuy vậy không nên để bị lạc lõng trong các chi tiết và để cho cây
che khuất rừng.
Điều chắc chắn
là Thông tư 19, có hiệu lực từ ngày 12/10/2018, chính thức nhìn nhận, đúng ra
là tái xác nhận, đồng Nhân dân tệ (CNY) như là đồng tiền chính thức trong bảy tỉnh
biên giới Việt Trung (theo các điều 3 và 8). Các điều khoản
khác trong Thông tư chủ yếu có mục đích giới hạn hậu quả của việc cho lưu hành
đồng CNY. Thí dụ như quy định rằng việc xuất và nhập đồng CNY của các thương
nhân phải có chứng từ ; một hợp đồng thanh toán bằng CNY chỉ được sử dụng một
tài khoản ngay cả nếu thương nhân có nhiều tài khoản CNY tại nhiều chi nhánh
ngân hàng biên giới ; các ngân hàng phải báo cáo mỗi quý khối lượng CNY xuất và
nhập ; cư dân Việt Nam tại biên giới không được nộp tiền mặt CNY vào tài khoản
v.v. Tuy nhiên tất cả đều mơ hồ và lúng túng, thí dụ như quy chế "cư
dân có hoạt động thương mại biên giới". Có khác gì một thương nhân ?
Quan trọng nhất trong Thông tư này là câu :
"Quyết định
số 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về
việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại
khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu
lực thi hành".
Vậy
Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 là gì ?
Một cách vắn tắt, đó là quyết định cho phép đồng
Nhân dân tệ (CNY) được lưu hành tự do, tương đương với đồng tiền Việt Nam tại
các tỉnh biên giới và vì, một mặt, mọi ngân hàng đều có thể mở chi nhánh tại
các tỉnh biên giới và, mặt khác, không có gì trong quyết định này phân biệt một
chi nhánh biên giới với các chi nhánh khác nên đồng CNY trên thực tế cũng là một
phương tiện thanh toán như đồng tiền Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Quyết
định này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành theo chỉ thị của thủ
tướng.
Thủ tướng lúc đó là ông Phan Văn Khải nhưng người ta
phải hiểu đây là một quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng lúc đó là phó
thủ tướng thường trực nhưng có quyền hành áp đảo hơn hẳn ông Khải. Ông là con đỡ
đầu của ông Lê Đức Anh -nhân vật có mọi quyền lực vào lúc đó- và được công khai
chuẩn bị để làm lãnh tụ của chế độ trong khi ông Khải gần như chỉ là một gia
nhân của Lê Đức Anh. Hơn nữa ngoài chức vụ phó thủ tướng thường trực, ông Dũng
còn là chủ tịch Hội đồng Tài chính và Tiền tệ. Ông cũng đã là thống đốc Ngân
hàng Nhà nước trước khi giao chức vụ này cho ông Lê Đức Thúy. Ngoài ra Nguyễn Tấn
Dũng còn giữ một chức vụ đặc biệt quan trọng khác là Thường vụ Bộ chính trị Đảng
cộng sản.
Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam từ 5/1998 đến 12/1999 (Báo Mới, 11/04/2016)
Quyết định
689/2004 này rất nghiêm trọng. Tuy ngoài mặt và trên nguyên tắc nó chỉ áp dụng
cho các tỉnh biên giới phía Bắc (còn có hai quyết định khác cho các vùng biên
giới với Lào và Campuchia) nhưng vì không có quy định ngân hàng nào được có chi
nhánh biên giới và cũng không có phân biệt một tài khoản biên giới với một tài
khoản bình thường nên có thể nói tóm tắt là trên thực tế bất cứ ai, doanh nghiệp
cũng như cá nhân, đều có thể có tài khoản CNY và tài khoản này có thể được sử dụng
trên toàn lãnh thổ. Hơn nữa quyết định này còn cho phép mọi ngân hàng
và doanh nghiệp đều được mở những "bàn đại lý" để
trao đổi tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc, các ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc
còn được quyền tự do thỏa thuận hối suất trao đổi. Nếu dụng tâm của Bộ chính trị
Đảng cộng sản Việt Nam, hay ít nhất của các ông Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng và
Nông Đức Mạnh, không phải là chuyển giao dần dần chủ quyền Việt Nam cho Bắc
Kinh thì quyết định này hoàn toàn không thể hiểu được.
Và
tại sao đây lại là một "quyết định" thay vì một đạo
luật do quốc hội biểu quyết ? Tiền là một vấn đề chủ quyền đặc biệt quan trọng.
Vô tình hay cố ý quyết định 689/2004 là một hành động
vừa lạm quyền vừa phản quốc.
Đàng sau đồng
tiền nào cũng là một uy quyền. Khi một người đổi một tài sản
của mình –một con gà, một chiếc xe hay một căn nhà- lấy một tờ giấy, dù tiền mặt
hay chi phiếu, thì phải hiểu là người đó tin rằng đàng sau tờ giấy đó có một uy
quyền bảo đảm sẵn sàng trao lại một tài sản tương đương bất cứ lức nào. Tiền là
chủ quyền. Nhìn nhận cho tiền Trung Quốc tự do lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam
tương đương với nhìn nhận quyền lực của Bắc Kinh trên đất nước Việt Nam, cụ thể
là chấp nhận hậu quả của những quyết định kinh tế tài chính của Bắc Kinh.
Không thể ngụy biện rằng việc cho lưu hành một đồng
tiền nước ngoài đã có tại một số nước. Chỉ có một vài nước hoặc quá nhỏ để vấn
đề chủ quyền không đặt ra hoặc đã quá suy sụp về mặt kinh tế khiến đồng tiền quốc
gia mất hết giá trị mới phải chấp nhận một đồng tiền nước ngoài làm phương tiện
thanh toán.
Quyết định 689/2004 đồng thời cũng là một hành động
gian trá dấm dúi, gần như lén lút, vì ngay cả nhiều chuyên gia kinh tế và tài
chính làm việc trong bộ máy nhà nước cũng không biết tới. Dĩ nhiên các ngân
hàng đều nhận được để thi hành và quyết định này có lẽ cũng được đăng trên Công
Báo nhưng nó đã bị chìm khuất trong vô số công bố khác. Mọi người đều có thể biết
nhưng thực tế là hầu như không ai biết. Một số biết được thì im lặng thay vì
báo động dư luận. Do thiếu tinh thần trách nhiệm hay thiếu hiểu biết hay cả hai
? Kết quả là một hành động gây tác hại nghiêm trọng cho chủ quyền và quyền lợi
quốc gia đã bị giấu nhẹm.
Một câu hỏi
mà bây giờ nhiều người có thể đặt ra là tại sao dù được ban hành từ năm 2004,
Quyết định 689/2004 đã không khiến đồng CNY tràn ngập Việt Nam và gây sự phẫn nộ
đáng lẽ phải có ? Đó là vì một lý do thuần túy kỹ thuật. Cho đến gần
đây đồng CNY được coi là một đồng tiền rất mạnh, tỷ giá hối đoái so với các đồng
tiền khác, kể cả đồng tiền Việt Nam, chỉ có thể lên chứ không thể xuống, Mỹ và
Châu Âu có lúc còn gây áp lực để Trung Quốc tăng giá đồng CNY. Vì thế nên đồng
CNY đã không được dùng làm đồng tiền thanh toán mà là đồng tiền để cất giữ. Tiền
xấu đuổi tiền tốt và đồng CNY là một đồng tiền tốt.
Nhưng ngày nay tình hình đã thay đổi, kinh tế Trung
Quốc dù trên mặt thống kê chính thức vẫn còn tăng trưởng ở tỷ lệ hoang đường gần
7% mỗi năm nhưng trên thực tế đã suy thoái từ nhiều năm nay. Bắc Kinh ngày càng
khó che đậy sự suy thoái ngày càng lộ liễu này bằng những chi tiêu công cộng và
xây dựng kết cấu hạ tầng. Thế giới đã dần dần nhận ra là Trung Quốc sắp khủng
hoảng. Trong một năm qua các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã xuống giá gần 20%
và đồng CNY cũng đã sụt giá gần 10% so với đồng đô la Mỹ trong khi đồng tiền Việt
Nam chỉ sụt giá khoảng 5%. Hậu quả là đồng CNY trở thành một đồng tiền xấu so với
đồng tiền Việt Nam. Đồng CNY vì vậy đang trở thành đồng tiền để tiêu xài thay
vì để cất giữ và nó đe dọa tràn ngập thị trường Việt Nam. Trên thực tế người ta
có thể thấy từ mấy năm qua du khách Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu mua sắm
trong các cửa hàng Trung Quốc để thanh toán bằng đồng CNY. Tình trạng mới này
chắc chắn đã là lý do ra đời của Thông tư 19 : thay thế để giảm bớt hậu quả độc
hại của Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN.
Chưa đủ. Chúng ta cần một quy định rõ ràng và dứt
khoát rằng đồng CNY cũng chỉ là một ngoại tệ như mọi ngoại tệ khác và đồng tiền
duy nhất được dùng làm phương tiện thanh toán là đồng tiền Việt Nam, trừ những
hợp đồng hợp tác quốc tế trong đó các đối tác đã thỏa thuận trước về một đồng
tiền thanh toán. Quản lý tiền tệ là một vấn đề phức tạp, các nước phát triển đã
có kinh nghiệm và đã cùng rút ra những kết luận căn bản. Việt Nam cần học hỏi
và áp dụng những kết luận của họ thay vì đòi phát minh lại môn tài chính quốc tế,
nhất là với trình độ hiểu biết rất sơ sài và sự vô trách nhiệm của các quan chức
tài chính.
Phải rất cảnh
giác. Bãi bỏ thẳng thắn và toàn bộ mọi quan hệ đặc biệt với đồng CNY không chỉ
cần thiết mà còn khẩn cấp. Nền kinh tế Trung Quốc và đồng
CNY có thể khủng hoảng bất cứ lúc nào. Trung Quốc khó còn che đậy lâu hơn nữa
tình trạng suy thoái và một căn bệnh bị cố tình che giấu có thể sẽ rất dữ dội
khi không còn che giấu được nữa. Việt Nam có thể bị lôi kéo vào một khủng hoảng
lớn cùng với Trung Quốc. Càng nguy hiểm hơn vì về mặt kinh tế "biên giới
Việt - Trung" không chỉ là các tỉnh phía Bắc. Lào và Campuchia trên thực tế
đã gần như là những vùng kinh tế của Trung Quốc. Đây cũng là một thành tích
đáng ghi nhận của Đảng cộng sản Việt Nam và khiến chúng ta bị Trung Quốc bao
vây.
Cùng với Thông tư 19 và sự phát giác muộn màng của
Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN đã đến lúc Đảng cộng sản phải trả lời một loạt câu
hỏi đã được đặt ra từ lâu và ngày càng gây lo âu và phẫn nộ trong nhân dân Việt
Nam.
- Việt Nam nợ Trung Quốc bao nhiêu và trong những điều
kiện nào ?
- Các khu rừng đầu nguồn cho Trung Quốc thuê dài hạn
có quy chế nào ?
- Dự án Bôxit Tây Nguyên sẽ bị đình chỉ hay không ?
- Vũng Áng là một đặc khu kinh tế hay là một nhượng
địa ?
- Có hay không có một mật ước Thành Đô?
Cho tới nay Đảng cộng sản vẫn cố tình làm ngơ nhưng
càng ngoan cố không chịu trả lời họ càng mặc nhiên nhìn nhận giả thuyết bất lợi
nhất cho đất nước và cho chính họ.
Nguyễn
Gia Kiểng
(30/09/2018)