Tóm
tắt tình hình Biển Đông năm 2024
Carl Thayer
- The
Diplomat
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2025/02/03/tom-tat-tinh-hinh-bien-dong-nam-2024/
Những
diễn biến lớn ở Biển Đông trong năm 2024 không báo hiệu điều tốt lành cho năm
2025.
Có
bốn diễn biến chính định hình môi trường an ninh ở Biển Đông năm 2024: (1)
Trung Quốc gia tăng hành vi cưỡng ép đối với tàu thuyền và máy bay của hải quân
Philippines; (2) Philippines thông qua chiến lược phòng thủ biển mới; (3) Việt
Nam tăng cường hoạt động xây dựng tại quần đảo Trường Sa; và (4) đàm phán về Bộ
Quy tắc Ứng xử (COC) tiến triển chậm chạp.
Các
hành động cưỡng ép của Trung Quốc
Trong
năm 2024, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể các hành vi đe dọa, quấy rối, và cưỡng
ép đối với Hải quân Philippines, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) và các
tàu thuyền và máy bay dân sự hoạt động hợp pháp trong Vùng Đặc quyền Kinh tế
(EEZ) của Philippines. Trung Quốc cũng đã thành thạo việc đưa một số lượng lớn
tàu của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN), Lực lượng Hải cảnh Trung
Quốc (CCG), Lực lượng Hải binh Trung Quốc (CMM) vào Biển Tây Philippines (tên gọi
ở Philippines dành cho các khu vực Biển Đông nằm trong EEZ của Manila). Đợt
tăng cường cao nhất là 207 tàu Trung Quốc các loại vào ngày 10/09, sau cuộc đối
đầu tại Bãi Sa Bin sẽ được thảo luận dưới đây.
Ngoài
ra, Trung Quốc còn dùng đến chiến tranh pháp lý khi thông qua luật, chẳng hạn
như Quy định về Thủ tục Thực thi Hành chính đối với Các Cơ quan Hải cảnh (ban
hành ngày 15/05), nhằm tạo cho mình lý do hợp pháp để bắt giữ các tàu nước
ngoài tại “ vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.” Sang tháng 11,
Trung Quốc tiếp tục công bố tọa độ các đường cơ sở xung quanh Đảo Hoàng Nham
(tên tiếng Trung của Bãi cạn Scarborough) và nộp một bản sao cho Liên Hợp Quốc.
Từ
tháng 2 đến tháng 6, một tổ hợp các tàu của CCG và CMM đã liên tục đối đầu với
nỗ lực tiếp tế cho lực lượng quân sự của Philippines trên tàu BRP Sierra Madre,
một tàu hải quân cũ mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây. Các hành vi đe dọa và cưỡng ép của
Trung Quốc bao gồm điều động tàu vào các vị trí nguy hiểm, cố tình đâm tàu, và
sử dụng vòi rồng phun nước công suất lớn.
Vào
ngày 17/06, các tàu Trung Quốc đã tiến hành cuộc đối đầu dữ dội nhất của họ nhắm
vào nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế (RORE) của Philippines. Các thủy thủ Trung
Quốc được trang bị rìu, giáo, và dao đã kéo một chiếc thuyền bơm hơi thân cứng
của Philippines đi mất. Sau đó, các thủy thủ Trung Quốc còn lên thuyền và tấn
công lính thủy quân lục chiến Philippines, đập vỡ thiết bị liên lạc của họ, tịch
thu vũ khí của họ, và đâm thủng thân tàu. Trong một vụ việc khác, một lính thủy
quân lục chiến Philippines đã bị đứt ngón tay cái khi một chiếc thuyền vỏ thép
của Trung Quốc đâm vào tàu của anh khi nó đang neo đậu cạnh tàu BRP Sierra
Madre. Sau đó, vào ngày 30/06, Trung Quốc tiếp tục tấn công một tàu của PCG,
Malabrigo, tại Bãi Cỏ Mây.
Sự
cố ngày 17/06 đánh dấu một bước ngoặt. Ngày 02/07, Cơ chế Tham vấn Song phương
Philippines-Trung Quốc về Biển Đông lần thứ chín đã họp tại Manila. Hai bên đã
nhất trí thiết lập đường dây nóng. Sau một loạt các cuộc thảo luận, vào ngày
21/07, hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm thời chưa được công khai để ngăn
chặn các sự cố tương tự.
Cùng
lúc đó, Tướng Romeo Brawner, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, khi đề
cập đến các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc đã mô tả chúng bằng từ viết tắt
ngắn gọn ICAD – nghĩa là các chiến thuật bất hợp pháp (illegal), cưỡng ép
(coercive), hung hăng (aggressive), và lừa dối (deceptive).
Đến
ngày 27/07, tàu ML Lapu-Lapu của Philippines đã tiếp tục nhiệm vụ RORE mà không
có sự cố lớn nào, tạo tiền lệ cho phần còn lại của năm. Tuy nhiên, mỗi nhiệm vụ
RORE đều dẫn đến một cuộc trao đổi lời qua tiếng lại, khi Trung Quốc tuyên bố rằng
họ đã được thông báo trước và đã đảm bảo rằng chỉ có các nguồn cung nhân đạo mới
được chuyển đến. Phía Philippines phủ nhận các báo cáo của Trung Quốc và tuyên
bố rằng thỏa thuận tạm thời “không gây phương hại đến lập trường của nhau ở Biển
Đông.” Vào tháng 12, Philippines đã thực hiện thành công nhiệm vụ RORE cuối
cùng trong năm của mình tại Bãi Cỏ Mây mà không gặp sự cố nào.
Niềm
hy vọng rằng thỏa thuận tạm thời có thể được mở rộng trên khắp Biển Tây
Philippines đã bị dập tắt khi Bãi cạn Sa Bin và Scarborough trở thành nơi Trung
Quốc cưỡng ép Philippines.
Vào
tháng 4, sau khi phát hiện ra các rạn san hô bị nghiền nát tại Bãi Sa Bin,
Philippines đã triển khai tàu Tuần duyên lớn nhất của mình, BRP Teresa
Magbanua, đến ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trên bãi cạn. Vào
tháng 5, Philippines tiếp tục điều động BRP Cabra và BRP Malabrigo đến đồn trú
cùng với BRP Teresa Magbanua. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách triển khai một bến
tàu đổ bộ và một bến tàu trực thăng đổ bộ của PLAN để tiến hành các cuộc tập trận
đổ bộ xung quanh Sa Bin.
Vào
ngày 18/08, BRP Cabra và BRP Engaño, hai tàu tuần tra của PCG có nhiệm vụ cung
cấp hàng tiếp tế cho các đảo Patag và Lawak, đã bị tàu CCG đâm trong các vụ việc
riêng biệt. Cả hai tàu PCG đều bị hư hỏng về cấu trúc. Sang ngày 25/08, tám tàu
của PLAN và CCG đã phá hoại tàu BRP Datu Sanday của Cục Thủy sản và Tài nguyên
Nước Philippines (BFAR) trong một nhiệm vụ tiếp tế cho Bãi Sa Bin và Bãi Trăng
Khuyết bằng cách bắn vòi rồng và đâm tàu.
Vào
ngày 19/08, 40 tàu của PLAN, CCG, và CMM đã chặn BRP Cabra và BRP Engaño tiếp tế
cho BRP Teresa Magbanua. Philippines đã đáp trả bằng cách gửi một máy bay trực
thăng để tiếp tế các vật phẩm đang cạn kiệt. Trung Quốc liền phản công bằng
cách chặn BRP Teresa Magbanua và đâm vào thân tàu ba lần.
Vào
ngày 12/09, BRP Teresa Magbanuay buộc phải rút khỏi Bãi Sa Bin do thời tiết xấu,
thiếu thức ăn, cần điều trị y tế cho thủy thủ đoàn bị bệnh, và cần sửa chữa cầu
tàu và mạn thuyền.
Bãi
cạn Scarborough trở thành địa điểm tranh chấp thứ ba khi các tàu CCG quấy rối
các cuộc tuần tra trên biển của Không quân Philippines và BFAR. Ba sự cố trên
không đã xảy ra vào tháng 8, trong đó máy bay quân sự Trung Quốc bắn pháo sáng
vào đường bay của một máy bay tuần tra của Không quân Philippines và BFAR. Cũng
vào ngày 19/08, có thông tin cho biết, tính đến thời điểm đó trong năm,
Philippines đã gửi 40 công hàm phản đối ngoại giao đến Trung Quốc nhằm phản đối
các hành vi vi phạm chủ quyền của mình.
Đầu
tháng 12, một tàu CCG đã bắn vòi rồng áp suất cao vào một tàu BFAR chở hàng tiếp
tế cho ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough. Đến cuối tháng, các máy bay
phản lực chiến đấu và máy bay ném bom cùng lực lượng hải quân của Trung Quốc đã
tiến hành “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” xung quanh Scarborough. Trung Quốc cũng
đã điều động tàu Hải cảnh “quái vật” 5901 nặng 12.000 tấn của mình đến
Scarborough để tham gia cùng ba tàu CCG và bảy tàu CMM đã đồn trú tại đó.
https://thediplomat.com/wp-content/uploads/2025/01/thediplomat_2025-01-27-140459.jpg
Trong
bức ảnh do Lực lượng Tuần duyên Philippines cung cấp, một tàu của Hải cảnh
Trung Quốc đang phun vòi rồng vào một chiếc thuyền của Philippines gần Bajo de
Masinloc, ngày 03/12/2024.
Khái
niệm Phòng thủ Toàn diện Quần đảo của Philippines
Để
ứng phó với sự gia tăng các hành động cưỡng ép của Trung Quốc trong năm 2023,
vào tháng 01/2024, Philippines đã công bố Khái niệm Phòng thủ Toàn diện Quần đảo
(CADC) của toàn chính phủ. Theo Brawner, người đứng đầu AFP, Philippines đang
theo đuổi chiến lược phòng thủ biển ba mũi nhọn bao gồm thiết lập sự hiện diện
vững chắc; tạo ra sự răn đe hiệu quả bằng cách hiện đại hóa thiết bị quân sự;
và tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác.
CADC
bao gồm việc tái định vị các nguồn lực, kết hợp tuần tra trên không và trên biển
dân sự-quân sự để theo dõi các cuộc xâm nhập của Trung Quốc, tiếp tế cho ngư
dân Philippines, minh bạch rõ ràng trong việc công khai các sự cố, và nâng cấp
cơ sở hạ tầng trên Đảo Palawan và các thực thể đất liền khác ở Biển Tây
Philippines.
Ngoài
ra, Tổng thống Ferdinand Marcos, Jr. đã phê duyệt chương trình Re-Horizon-3 trị
giá 35 tỷ đô la sẽ được triển khai trong thập kỷ tới nhằm hiện đại hóa lực lượng
vũ trang Philippines.
Philippines
cũng sử dụng luật pháp quốc tế để củng cố quyền tài phán của mình ở Biển Tây
Philippines. Ví dụ, vào tháng 6, Philippines đã đệ trình yêu sách về thềm lục địa
mở rộng lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa. Và sang tháng 11,
Marcos đáp trả việc Trung Quốc sử dụng chiến tranh pháp lý bằng cách ký phê chuẩn
Đạo luật Vùng biển Philippines và Đạo luật Đường biển Quần đảo Philippines.
Philippines
cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương trên bộ, trên
biển, và trên không với Mỹ, Australia, và Nhật Bản, có sự tham gia của các đối
tác an ninh khác. Philippines và Mỹ đã tiến hành Cuộc tập trận Balikatan lớn nhất
trong lịch sử. Thủy quân lục chiến Philippines cũng lần đầu tiên đến Nhật Bản để
tham gia Cuộc tập trận Yama Sakura với tư cách là quan sát viên.
Do
các hành động cưỡng ép của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, Mỹ đã nhiều lần đề nghị hỗ
trợ tiếp tế. Nhưng Philippines từ chối lời đề nghị, tuyên bố rằng họ “sẽ sử dụng
mọi biện pháp tự thân trước khi tìm kiếm sự can thiệp của nước ngoài.” Tuy
nhiên, các quan chức Philippines đã nêu khả năng liệu có nên tham vấn với Mỹ để
xem xét sửa đổi Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ Chung nhằm định nghĩa rõ ràng hơn
ý nghĩa của “cuộc tấn công vũ trang” theo sau sự kiện ngày 17/06 hay không.
Trong
một diễn biến đáng chú ý, Philippines đã cho phép triển khai hệ thống phóng tên
lửa mặt đất tầm trung Typhon (MRC) của Mỹ vào tháng 4 trong Cuộc tập trận
Salaknib. Hệ thống Typhon có thể bắn tên lửa SM-6 với tầm bắn tối đa 500 km hoặc
tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn từ 1.300 đến 2.500 km tùy thuộc vào biến
thể. SM-6 có thể đến được mọi điểm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines
cũng như “ba căn cứ quân sự lớn” của Trung Quốc trên các rạn san hô Đá Chữ Thập,
Đá Vành Khăn, và Đá Xu Bi. Các quan chức quốc phòng Philippines cho biết họ muốn
mua Typhon và từ chối xác nhận liệu hệ thống này của Mỹ có bị rút lại hay
không. Trung Quốc phản đối kịch liệt và tuyên bố rằng quan hệ với Philippines
đang ở một ngã ba đường. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 01/2025, các tên lửa
Typhon vẫn còn ở Philippines mà không có kế hoạch nào nhằm loại bỏ chúng.
Vào
tháng 11, trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là
Lloyd Austin tiết lộ rằng quân nhân Mỹ đang được phân công vào Lực lượng Đặc
nhiệm Ayungin đã được triển khai đến Đảo Palawan để hỗ trợ Philippines về hậu cần
và thu thập tình báo trên biển.
Các
công trình xây dựng của Việt Nam ở Trường Sa
Trong
năm 2024, tình hình tương đối yên tĩnh ở mặt trận phía đông của Việt Nam ở Biển
Đông. Các tàu khảo sát và máy bay của Trung Quốc, bao gồm cả máy bay không người
lái, đã nhiều lần bay qua không phận phía trên EEZ của Việt Nam. Có ít nhất hai
vụ việc trong đó các sĩ quan Hải cảnh Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam và tấn
công thủy thủ đoàn, đập vỡ thiết bị liên lạc và dẫn đường, đồng thời tịch thu sản
lượng cá đánh bắt được của họ.
Vào
tháng 6, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á đã báo cáo rằng Việt Nam đã đẩy mạnh
xây dựng trên 27 thực thể của mình ở Quần đảo Trường Sa thông qua việc lấp đất,
nạo vét cảng, và xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm một sân bay dài 1.050m trên
Bãi Thuyền Chài. Nhưng khác với hàng loạt nội dung tuyên truyền của Trung Quốc
chống lại Philippines, Trung Quốc vẫn im lặng về các hoạt động của Việt Nam.
Tuy nhiên, các vấn đề về Biển Đông đã được nêu ra khi hai nhà lãnh đạo đảng Tập
Cận Bình và Tô Lâm gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng 08/2024.
Bộ
Quy tắc Ứng xử Biển Đông
Vào
tháng 07/2023, dưới sự chủ trì của Indonesia, các thành viên ASEAN và Trung Quốc
đã thông qua Hướng dẫn Đẩy nhanh việc Hoàn tất Sớm Bộ Quy tắc Ứng xử Hiệu quả
và Thực chất ở Biển Đông. Tình hình đã khá lạc quan khi có thông báo vào tháng
10 rằng các thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đọc thứ ba và cũng
là vòng đọc cuối cùng của Văn bản Đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông duy nhất.
Sang
năm 2024, Lào thay thế Indonesia làm chủ tịch ASEAN. Vào ngày 25/07, tại Hội
nghị Bộ trưởng ASEAN thường niên ở Viêng Chăn, có thông tin cho biết Campuchia
và Lào đã chặn đề xuất của Philippines về việc đưa vào nội dung tham chiếu đến
sự cố ngày 17/06. Đến cuối năm, nhiều nhà ngoại giao ASEAN đã nhận định một
cách riêng tư rằng có rất ít tiến triển trong vòng đọc thứ ba của COC do có sự
chia rẽ trong ASEAN.
Kết
luận
Những
diễn biến lớn ở Biển Đông vào năm 2024 không báo hiệu điều gì tốt lành cho năm
2025. Trung Quốc sẽ vẫn cam kết khẳng định chủ quyền của mình đối với các vùng
đất liền và vùng biển lân cận nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines,
trong khi PLAN và CCG tiếp tục mở rộng về số lượng. Trung Quốc sẽ tiếp tục gây
sức ép với Philippines để thuyết phục nước này rằng việc chống cự là vô ích vì
chính quyền Trump sẽ là một đồng minh thất thường, còn Philippines không có khả
năng tự mình chống lại Trung Quốc.
Philippines
sẽ phải vượt qua sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với Hiệp ước Phòng thủ
Chung sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Pete Hegseth, Bộ trưởng Quốc
phòng của Trump, thừa nhận rằng ông không biết những quốc gia nào là thành viên
của ASEAN khi được hỏi tại phiên điều trần phê chuẩn của mình. Khi Hegseth cố gắng
bù đắp cho sự thiếu sót này bằng cách lưu ý rằng ông biết Mỹ có liên minh với
Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia, ông cũng không đề cập đến Philippines. Ngoài
ra, Marcos không được mời đến lễ nhậm chức của Trump (nhưng Tập Cận Bình được mời,
dù ông đã cử Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đi thay).
Việt
Nam sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên các thực thể đất liền của mình ở quần
đảo Trường Sa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có xây dựng thêm đường băng
và quân sự hóa các thực thể này hay không. Điều này có thể khiến Trung Quốc chấm
dứt cách tiếp cận “nhẹ nhàng” của mình.
Năm
nay, Malaysia đã thay thế Lào làm chủ tịch ASEAN và điều này đã làm dấy lên sự
lạc quan thận trọng rằng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có thể đạt được tiến triển
vào năm 2025. Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép để nhanh chóng kết thúc các cuộc
đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử với các thành viên ASEAN như một biện pháp làm
suy yếu vai trò an ninh của Mỹ trong các vấn đề trên biển.
--------------
Carl
Thayer là Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và Giám đốc Công ty tư vấn
Thayer.
Nguồn: Carl Thayer, “The
State of the South China Sea: Coercion at Sea, Slow Progress on a Code of
Conduct,” The Diplomat, 27/01/2025
No comments:
Post a Comment