Wednesday, June 30, 2010

CÚI MẶT (Truyện dài của BÙI ĐĂNG)

Cúi mặt

Bùi Đăng

.

Lời giới thiệu của Thư Quán Bản Thảo: Sau biến cố tết Mậu Thân, tạp chí Bách Khoa đăng truyện dài Cúi mặt của Bùi Đăng liên tục 9 số báo, từ số 274 đến số 282 . Lần đầu tiên bút danh Bùi Đăng xuất hiện trên văn đàn Miền Nam khiến độc giả và giới văn nghệ không ít ngạc nhiên: bởi đó là cái tên rất lạ, chưa từng xuất hiện trên bất kỳ tạp chí văn học nào; bởi ngay những dòng đầu tiên của chương đầu tiên đã khiến nhiều nhà phê bình lúc bấy giờ suy đoán rằng tác giả ắt là một nhà văn phía bên kia hồi chánh? Nhưng, Bùi Đăng không phải là nhà văn đất Bắc, ông là giáo viên, đang là hiệu trưởng một ngôi trường tiểu học nằm ở bờ nam sông Ba cách thị xã Tuy Hòa 10 cây số. Và ông đã bị VC bắt khoảng đầu năm 1967 khi đang trên đường đến trường. Ông bị giam giữ trên mật khu, bị còng chân, khóa tay, bị bỏ đói, bị làm nhục vì tội “tay sai đế quốc”. Ông đã được một đơn vị Hoa Kỳ giải thoát sau khi đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng suốt 6 tháng trời và chỉ chờ cái chết đang treo lơ lửng trước mặt vì kiệt sức; sốt rét rừng, phù thũng, đói rét hành hạ.

Truyện không có nhân vật chính. Những Quang, ông Xu, ông Tộ, Hăng, An, Thảo… hay ông Sáu Côn, ông Bốn Trưởng đoàn, ông Tám Lâu, những người cảnh vệ… là một thế giới xâu chuỗi toàn cảnh cuộc chiến tương tàn, giành giật giữa thiện và ác, giữa sự bình yên và khuấy đảo. Những nhân vật trong trại tù ở mật khu là những nông dân bình thường. Họ vào lính không phải để gây đổ máu, chết chóc thù hận, mà hơn hết là muốn được sống yên ổn, được gần gũi vợ con, nhà cửa ruộng vườn. Nhưng khốn thay, những ước muốn nhỏ nhoi kia lại trở thành những tội lỗi khủng khiếp đối với “nhân dân”. Và họ phải đền tội theo cách nghĩ, cách hành động, xuất phát từ một chủ nghĩa lai căng, mị dân và hoang tưởng: thiên đường cộng sản!?

Từ cung cách hành sử của “nhân dân” đến nỗi khổ nhục những người nông dân “có tội với bà con” trong Cúi mặt có thể nói là những cay đắng của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử toàn những màu đen tối, hứng chịu mọi khổ nạn một kiếp làm người dân VN.

Có lẽ vì tính chân thực, không đồ sộ như những tác phẩm lớn trên thế giới, Cúi mặt đã mã hóa sắc gọn cuộc chiến phi nhân bản, đè nặng lên vai dân tộc đến nỗi khi chưa đăng tải hết chương cuối cùng, nhà xuất bản Thái Phương đã nhanh chóng giành quyền ấn hành đầu năm 1969, và sau đó đạo diễn Thân Trọng Kỳ xin phép phóng tác dựng thành phim khởi quay từ tháng 8.1969 tại Vũng Tàu đến tháng 12 cùng năm là hoàn tất và được công chiếu rộng rãi.

Chất nhân bản vừa bi thiết trong Cúi mặt được Bùi Đăng khắc họa từ những gì ông đã sống, đã chứng kiến một cách thật trọn vẹn trong trại tù VC. 6 tháng bị đày ải, dằn xóc đủ để ông vẽ lên bức tranh chân thực và mộc mạc của những người nông dân bị coi là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân!

ta đâu phải đi dân vệ, đâu biết cầm súng giết người, ta làm ruộng, ta sẽ trồng cà ở vườn, ta trồng cải nữa, ta còn gầy một rặng trầu và không chừng bây giờ ta tậu thêm được một đôi bò, một con đực một con cái, chúng sẽ đẻ…

-Trồng cà nữa – Quang há miệng nói nhưng không ra tiếng – An tiếp tục kể những dự định khác. Trong lúc An đương nói thì thằng Tân chợt la lên: “Sao vậy? Lạnh ngắt rồi”. Nó vất con châu chấu xuống mặt sạp. An xoay người đặt một tay lên ngực Quang, mặt hếch sang một bên, nghiêng nghiêng. Một chút sau, An ngồi ngay ngắn vuốt nhẹ lên mặt Quang.

An im lặng gật đầu, giơ tay kéo cái mền lên tận cổ Quang./.

Cúi mặt đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử (trước 1975) khi cuộc chiến vẫn còn khốc liệt trên quê hương. Và, vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay.

Thư quán Bản thảo tái bản tập truyện này như một đóng góp nhỏ vào việc gìn giữ và bảo tồn những tác phẩm văn học giá trị của miền Nam thời chiến.

Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

-----------------------------------------------------------

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 1

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 2

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 3

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 4

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 5

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 6

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 7

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 8

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 9

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 10

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ 11

CÚI MẶT (truyện dài của BÙI ĐĂNG) - Kỳ cuối

.

.

.

NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC

Nhận định

http://www.danchimviet.com/archives/11859

Dư luận trong và ngoài nước đang tập chú vào hai dự án lớn đang gây tranh luận tại Việt Nam là: Xây dựng một loạt các nhà máy điện hạt nhân và đường sắt cao tốc,hai dự án này có tổng mức đầu tư hàng trăm tỉ dollar. Nhiều nhận định cho rằng đây là biểu hiện của căn bệnh vỹ cuồng. Có thực Đảng CSVN mắc bệnh vỹ cuồng không? Chúng ta hãy quay về quá khứ và so sánh với Trung cộng nơi đang khởi công và hoạch định những dự án vĩ đại.

Trung Hoa là một đất nước khổng lồ về diện tích,bậc nhất thế giới về dân số, tốc độ tăng trưởng GDP nhất thế giới, dự trữ ngoại tệ nhiều nhất thế giới, người chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ.

Trung quốc hiện nay có nhiều cái nhất và họ hoàn toàn có khả năng để mơ tưởng đến địa vị lãnh đạo thế giới thay cho nước Mỹ.?..chính vì bị thúc đẩy bởi tham vọng trở thành quốc gia số một thế giới họ không ngần ngại tung ra những khoảng tiền khổng lồ để thực hiện từng bước(và khá khéo léo), tham vọng đó mặc cho hàng trăm triệu nông dân và dân nghèo phải sống với số tiền dưới mức nghèo khổ với điều kiện về an ninh xã hội là con số không và một môi trường ô nhiễm đến kinh khủng.

Hiện nay họ có tòa nhà cao nhất thế giới, đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới và họ đang có dự kiến xây dựng một đập thủy điện khác còn lớn hơn cả Tam Hiệp nữa. Dự án chặn dòng những con sông ở phía Nam để đưa nước ngược lên phía Bắc vốn bị hạn hán triền miên và cả nước sinh hoạt cũng thiếu. Để làm được điều này họ phải bỏ ra hàng trăm tỉ dollar để xây dựng một hệ thống dẫn nước vĩ đại. Năm 2008 họ tung hàng trăm tỉ dollar để tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh và bây giờ là Thượng Hải Expo 2010 làm cả thế giới kinh ngạc. Có thể nói là họ đã rất thành công về mặt quảng bá cho một nước Trung Quốc vĩ đại.

Đó là về kinh tế …còn về quân sự thì sao? Năm 2009 kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, họ đã mời rất nhiều các phái đoàn quốc tế: Hoa Kỳ, Úc, Nga, Ấn Độ, Pakistan vv đến dự buổi phô diễn sức mạnh quân sự của họ và cả thế giới lại phải kinh ngạc trước một thế lực hùng hậu về Hải-Lục-Không quân.

Tất cả những việc này không phải là biểu hiện của căn bệnh vỹ cuồng thời Mao trạch Đông mà là biểu hiện của chủ nghĩa thực dụng của Đặng Tiểu Bình, TC nhắm tới 2 mục đích

- Về mặt đối ngoại họ muốn chứng minh cho Thế giới thấy Trung Quốc ngày nay là một cường quốc kinh tế và quân sự.. là một thực lực có trọng lượng trên chính trường quốc tế-có ảnh hưởng thực sự và rộng lớn.

- Về mặt đối nội: Họ kích động sự ấm ức của những người Trung Quốc có tinh thần dân tộc quá khích vẫn còn cay đắng về sự chiếm đóng của Nhật Bản và các cường quốc Phương Tây.Họ muốn chứng minh cho người dân TQ thấy rằng: dưới sự lãnh đạo của Đảng CSTQ đất nước Trung Hoa vĩ đại và hùng mạnh như thế nào. Có ảnh hưởng và quyền lực trên nhiều hồ sơ gai góc của Thế giới như Iran, Bắc Triều Tiên, Miến Điện.Đây là cách biện minh cho chế độ độc tài toàn trị của Đảng CS. Họ muốn cho người dân TQ (nhất là những người dân nghèo đang bất mãn chế độ vì sự độc đoán chuyên quyền,vì tham nhũng, vì môi trường ô nhiễm, vì khoảng cách giàu nghèo quá lớn, vì nạn ăn cướp đất đai trắng trợn của Đảng CSTQ … cảm thấy được an ủi phần nào khi vị thế của nước Trung hoa Cộng sản được nâng cao trên trường quốc tế mà quên đi thân phận cay đắng của họ!

- Muốn khai thác và vuốt ve tinh thần dân tộc cực đoan của tầng lớp trung lưu giàu có đang ước mơ về một tương lai không giới hạn của dân tộc Đại Hán
Đó là cách họ giữ gìn sự ‘ổn định’ cho Đất nước vốn ngầm chứa nhiều sự bất mãn và xung đột… Tất cả những gì Đảng CSTQ làm không xuất phát từ căn bệnh vĩ cuồng mà xuất phát từ nhu cầu sống còn của chế độ,về tương lai của đảng CS.

CSVN cũng giống như bất cứ chế độ cộng sản nào trên thế giới, bưng bít thông tin và tuyên truyền mị dân là vũ khí để bảo vệ chế độ và đảng CS.
Năm 1980 khi cả nước đang chết đói từng ngày, không hàng hóa, không thuốc men, không có cả tương lai, hội khủng hoảng, cái “hào quang” của chiến thắng năm 1975 không ru ngủ được những người từng ủng hộ, chiến đấu cho đảng cộng sản và không làm và no lòng những người dân đang thiếu đói. Đảng CSVN cảm thấy phải làm một điều gì đó để an lòng dân, để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tại Campuchia. Họ phải thổi một luồng sinh khí vào một xã hội đang chết đói về thể chất và rời rả về tinh thần…Vậy là với sự giúp đỡ của Liên Xô họ đưa Phạm Tuân vào vũ trụ (lúc đó người dân gọi một cách mỉa mai là “quá giang” vào vũ trụ). Việc Phạm Tuân vào vũ trụ không có một giá trị gì về kinh tế cũng như khoa học. Nó đơn thuần chỉ là một thủ đoạn tuyên truyền để giữ vững lòng dân, để câu kết lại một hệ thống đang rã rời.

Họ (CSVN)tạo cho người dân một ảo tưởng về cái gọi là “Thành quả Chủ nghĩa Xã hội” với việc Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên bước chân vào vũ trụ. Cả một hệ thống tuyên truyền gồm mấy trăm tờ báo, hàng triệu chiếc loa ngày đêm ra rả về “sự kiện” này. Rồi bao nhiêu cuộc hội thảo từ trung ương đến địa phương cũng nói về việc này. Những cuộc họp thâu đêm suốt sáng từ xã-phường, Tổ-thôn,những cán bộ tuyên huấn nói thao thao bất tuyệt về việc Phạm Tuân lên vũ trụ với những lời hứa hẹn đao to búa lớn về việc “chinh phục không gian”,”làm chủ vũ trụ” và về một” thế giới đại đồng”.

Người dân thì ngớ ra vì không biết VN lên vũ trụ để làm gì khi họ chỉ ước mơ được ăn một bữa cơm trắng thật no mà không có,còn thế giới đại đồng là một thiên đường hoang tưởng dành cho những kẻ tâm thần!

Giờ đây khi CSVN hội nhập với thế giới và đang sống trong thời đại thông tin điện tử, những chiêu thức tuyên truyền cũng phải ‘đổi mới’ cho hiện đại thì mới mị dân được.

Chương trình điện hạt nhân và đường sắt cao tốc là một thủ đoạn tuyên truyền hiện đại.Họ học tập người anh cả Trung Quốc … bỏ ra hàng trăm tỉ dollar để tuyên truyền. CSVN muốn cho người dân việt nam thấy rằng:dưới sự lãnh đạo ‘tài tình’ của đảng CS,VN đang bước vào sân chơi quốc tế, sân chơi của những “Đại gia”.

Dự án về điện nguyên tử là công trình vĩ đại nhất khu vực Đông Nam Á.Đường cao tốc cũng là dự án hoành tráng và tốn kém nhất Đông Nam Á. Qua những việc này Đảng CSVN muốn cho người dân VN hiểu rằng chỉ có Đảng CS và chế độ XHCN mới mang lại sự phát triển cho đất nước,mới có thể đưa đất nước “đi tắc đón đầu” trở thành con hổ con rồng trong khu vực và thế giới. Đây là cách biện minh khéo léo nhất, nghệ thuật cho chế độ độc tài toàn trị, lấy thành công kinh tế để biện minh cho độc tài tàn bạo.

Bộ chính trị đảng CSVN quả là cao tay với một chiến dịch tuyên truyền bằng hàng trăm tỉ dollar, “nhất cử lưỡng tiện” vừa đánh bóng hình ảnh của chế độ trong mắt người dân nhằm xoa dịu sự bất bình mỗi ngày một lớn của nhân dân về lề lối lãnh đạo đất nước,về nạn tham nhũng về sự nhu nhược đối với Bắc Kinh về sự bất lực không bảo vệ được đất nước và nhân dân trước hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc,về những bất công xã hội, về ô nhiễm môi trường,về sự lạc hậu của y tế, giáo dục, giao thông,về nạn nhũng nhiễu hành dân, cướp đất cướp tài sản của dân mà bọn quan chức địa phương thực hiện với sự bao che đồng lõa,đở đầu của trung ương. Một múi tên trúng hai mục đích,vừa tuyên truyền để củng cố cho chế độ mục ruỗng,vừa tha hồ hốt bạc, vì chắc chắn những công trình này sẽ mang lại hàng tỉ dollar cho giới lãnh đạo …còn nợ thì có người khác trả.!!!

Bất cứ ai cũng biết là đất nước VN cần điện nguyên tử,cần tàu cao tốc,nhưng không phải lúc này và bằng mọi giá. Một đất nước còn quá nghèo và lạc hậu, cũng giống như một người nhỏ con gầy còm lại mang vác quá nặng thì làm sao đi xa cho được?!

Đảng CSVN nhắm mắt lao vào 2 dự án tốn kém này một lần nữa họ đặt lợi ích chính trị lên trên lợi ích kinh tế…Tại sao họ làm như vậy vào lúc này?

CSVN đang hoang mang tột cùng vì những diễn biến gần đây và sắp tới của khu vực Biển đông và Thế giới. Hơn ai hết bộ chính trị CSVN cảm nhận rất rõ là tại Biển Đông đang hình thành một cơn “Siêu Bão”, có thể cuốn trôi tất cả quyền lực và tài sản của Đảng và Chế độ.

Chúng ta hãy trở lại với Hội nghị Shanggi-La 2010 vừa diễn ra tại Singapor 6-7/06/2010.Tại hội nghị này ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã lớn tiếng chỉ trích Trung Cộng muốn độc chiếm Biển Đông. Tại hôi nghị này nước Mỹ đưa ra lập trường của mình là không đứng về bất cứ phía nào trong sự tranh chấp chủ quyền…nhưng nước Mỹ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và không chấp nhận sự đe dọa của bất cứ ai về việc các công ty Mỹ và những nước khác hoạt động kinh tế ở vùng biển này.

Đối với Mỹ, biển Đông là “động mạch” của kinh tế khu vực và Thế giới.Biển đông là đường vận chuyển số lượng hàng hóa của Mỹ lên đến 1300 tỉ Dollar/năm. Còn đối với Trung cộng thì Biển Đông là “quyền lợi cốt lõi” bất khả nhượng như Tây Tạng và Đài Loan!!

Tưởng cũng nên nhắc lại: Cưu thủ tướng Singapor Lý Quang Diệu trong một chuyến thăm Mỹ ông đã đưa ra lời khuyến cáo nước Mỹ rằng: “Nếu Mỹ để mất quyền kiểm soát Đông Á, thì sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất vị trí lãnh đạo thế giới”. Dù cho Ông Lý Quang Diệu không nói ra điều này người Mỹ vẫn biết tầm quan trọng của khu vực Đông Á đối với nền an ninh và quyền lợi sồng còn của Mỹ. Vì vậy Mỹ quyết định quay trở lại Đông Nam Á.

Cuống cuồng lo sợ trước việc Mỹ quay lại ĐNA mà cụ thể là Biển Đông …Việt cộng và Trung cộng (TC) đã liên kết lại đưa ra một lập trường chung, với luận điệu hàm hồ: Biển Đông vẫn ổn định và các bên liên hệ (VC và TC)đang giải quyết những bất đồng tại Biển Đông trên tinh thần “láng giềng hữu nghị anh em! Ông Phùng Quang Thanh còn cẩn thận nhắc nhở cho người Mỹ biết rằng: “Ngoài ra Trung Quốc và Việt Nam còn có quan hệ đồng chí”.

Việc Mỹ muốn hiện diện tại Biển Đông là một cơ may cho Đất nước và dân tộc VN để bảo vệ chủ quyền, chúng ta có thể lấy lại những gì đã mất và bảo vệ những gì chưa mất vào tay TC, vì nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ thì Biển Đông sẽ là cái ao nhà của Trung cộng. Chúng ta sẽ không có cơ hội để lấy lại Hoàng Sa –sẽ mất luôn Trường sa và có thể sẽ mất tất cả. Vậy mà ông Phùng Quang Thanh và (CSVN) không biết là đứng trên lập trường nào mà lại cùng với Trung cộng ‘tẩy chay’ sự hiện diện của Mỹ tại khu vực?!

Tất nhiên ông Phùng Quang Thanh nhìn vấn đề Biển Đông ở tầm chiến lược,ông lo sợ sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột giữa hai quyền lợi Mỹ-Trung. Ông nói: “Nếu chiến tranh xảy ra sẽ là thảm họa cho tất cả các nước”.

Cuộc đụng đầu Mỹ-Trung tất nhiên là một thảm họa, nhưng không phải là thảm họa của các dân tộc trong vùng mà chính là thảm họa của TQ và VN.
Cuộc chiến tại Biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện và sẽ cuốn trôi quyền lực và tài sản của Đảng CSVN và TC ra Biển Đông.

Ông Phùng Quang Thanh có tầm nhìn chiến lược để phục vụ cho Đảng CSVN và TC, những người dân VN cũng có tầm nhìn chiến lược như ông Thanh nhưng họ đứng về phía dân tộc VN.

Theo dõi tình hình chính trị đang diễn biến tại VN thời gian gần đây chúng ta thấy có mấy sự kiện lớn: Quốc hội CSVN lần đầu tiên trong lịch sử của nó “dám” bác bỏ một dự án lớn của Đảng CSVN. Dự án đường sắt cao tốc, theo nhận định của những nhà phân tích tình hình chính trị VN của quốc tế (nguồn VOA) thì đây không phải là một bước “đột phá” mang tính dân chủ.

Rồi kiến nghị của 38 tướng lĩnh-sĩ quan cao cấp và những “nhà cách mạng lão thành” gởi cho Trung ương Đảng và Bộ chính trị yêu cầu cách chức Nguyễn Chí Vịnh với những cáo buộc nghiêm trọng là: Nguyễn Chí Vịnh có quan hệ với cục tình báo Hoa Nam và trước đó một thời gian(4/2010) cũng một nhóm tướng lãnh và cán bộ lão thành CM đứng đầu là Trung tướng Lê Hữu Đức gởi kiến nghị:Phê phán nghiêm khắc và đòi “kiểm điểm” các nhân vật cấp cao của Đảng CSVN như Nông Đức Mạnh,Nguyễn Tấn Dũng,Tô Huy Rứa,Nguyễn Phú Trọng.Đây là những sự kiện chưa có tiền lệ ở VN.Vậy đâu là nguyên nhân của những sự kiện này…Theo tôi: Những người CSVN rất “nhạy cảm” với tình hình thế giới và khu vực…nhất là quan hệ Mỹ -Trung,Mỹ-Nga… Họ đang theo dõi và cảm nhận rất rõ là một cơn “siêu bão” đang hình thành tại Biển Đông …và họ rất am tường câu nói bất hủ của Winston Churchill :Không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi là vĩnh viễn}Cho nên vì quyền lợi của chính bản thân và gia tộc mình những người CSVN nhạy bén nhất, thông minh nhất và cơ hội nhất sẽ mở màn cho một sự tan rã từ thượng tầng của Đảng CSVN.

Dân tộc và đất nước VN chúng ta đang đứng trước một vận hội mới. Một cuộc đổi đời đang ở trong tầm tay.

25/6/2010.

© Huỳnh Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt

.

.

.

NHỮNG CỔ ĐỘNG VIÊN BÍ MẬT BẮC HÀN TRONG WORLD CUP

Những c đng viên bí mt ca Bc Triu Tiên trong gii Bóng đá Thế gii

Nguồn: Suki Kim, Newsweek

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

http://www.x-cafevn.org/node/588

Với trận thua thứ ba của đội Bắc Triều Tiên – thi đấu với Bờ Biển Ngà - tại giải World Cup ngày hôm nay, đội tuyển và một nhúm những cổ động viên của họ sẽ khăn gói lên đường trở về nước. Người dân Bắc Triều Tiên không được phép rời khỏi đất nước mình và một cuộc thi đấu bóng đá quốc tế- vốn là một thứ xa xỉ cho những du khách nước ngoài ở đây - quả là một lãng phí điên loạn cho một dân tộc đang đau khổ từ nạn đói hoành hành. Vậy thì, nhúm người Bắc Triều Tiên ít ỏi được đến Nam Phi để xem đá bóng này là ai?

Tại trận thi đấu giữa CHDCND Triều Tiên và Bồ Đào Nha ở Cape Town đầu tuần trước, tôi, một người Mỹ gốc Nam Hàn, đã ngồi giữa 70 người cổ động viên lẻ loi của đội Bắc Triều Tiên. Trong một sân vận động chật ních người với sức chứa của 63.644 người hâm mộ, hầu như không một ai cổ võ cho Bắc Triều Tiên trừ một số ít những người Âu Châu phất cờ lưu niệm của CHDCND Triều Tiên để tạo sự chú ý của các máy thu hình. Dưới cơn mưa xối xả xối của mùa đông Nam Phi, đội Bắc Triều Tiên - lần đầu tiên trở lại với Giải Bóng Đá Thế Giới sau 44 năm trước đây, đã bị loại khỏi giải bằng tỉ số 7-0 của Bồ Đào Nha, quốc gia từng đánh bại họ trước đây.

Không phải trận thi đấu mà chính những khuôn mặt vô hồn của những cổ động viên Bắc Triều Tiên xung quanh tôi, tất cả đều là nam giới này đã ám ảnh tôi. Mặc áo và đội nón màu đỏ, ở khoảng tuổi 40 đến 50, (chắc họ sẽ không cho tôi biết chính xác tuổi của mình) tất cả cùng khoác một khuôn mặt xanh xao và u tối. Ngồi cách họ một vài chỗ là hai người đàn ông trẻ hơn với làn da khỏe mạnh trông ra dáng những người giám thị họ. Họ không trả lời các câu hỏi của tôi, nhưng đây đúng là phong cách của những kẻ trông nom trong các chuyến đi của tôi đến Bắc Triều Tiên, và họ ra lệnh cho những người cổ động viên phải ngồi ở chỗ nào. Bao quanh bởi những cổ động viên Bồ Đào Nha phục sức xanh vàng rực rỡ hồ hởi thổi còi, nhóm người này, vẫy vẫy qua loa cho có lệ những lá cờ thu nhỏ trong dáng điệu cứng nhắc như những người lính- trông kỳ cục lạc lõng như lẽ ra họ nên ở chỗ nào khác.

Mặc dù nguồn tin của tôi cho tôi biết rằng nhóm người này gồm các công nhân mỏ đồng nhập cư đã đến đây từ Namibia trên một chuyến xe buýt dài 24 giờ đường, nhưng ba người mà tôi nói chuyện trong nửa giờ nghỉ giữa hai hiệp lại tuyên bố rằng họ đến từ Bình Nhưỡng qua ngả Bắc Kinh. Một người nói rằng đội tuyển của mình chắc chắn sẽ tiếp tục vào vòng tiếp theo với sự dẫn dắt của người "Vị tướng Vĩ đại" Kim Jong-il của mình. Một người khẳng định rằng nếu như hai miền Nam Bắc đến đây bằng một đội tuyển (thống nhất) sẽ không có đội bóng nào trên thế giới có thể đánh bại họ. Thống nhất, anh ta nói, là chìa khóa, và chúng tôi, người Triều Tiên, tất cả phải đều hy vọng cho sự thống nhất. Tôi đã cố gắng để nói chuyện với họ nhiều hơn nữa, nhưng họ lảng đi.

Từng đến thăm Bình Nhưỡng nhiều lần trong quá khứ, tôi hiểu rằng nói chuyện với những người như thế này chẳng ích lợi gì. Họ sẽ không trả lời bất cứ điều gì lệch khỏi kịch bản liên quan đến sự thống nhất cùng vị lãnh đạo vĩ đại của họ, và sau khi phán những câu nhận định có tính bùa phép của mình, họ cũng không hề phản ứng gì với cái nhìn soi xét của tôi. Ở Cape Town, cách Bình Nhưỡng rất xa- tôi hy vọng sẽ có được một phút sơ hở để một người nào trong bọn họ sẽ nói lên được một điều, điều gì cũng được, để giúp tôi dò hiểu được cái thế giới kỳ dị mà họ đến. Nhưng khi Bồ Đào Nha không ngừng làm bàn, 70 cổ động viên Bắc Triều Tiên này càng trở nên nghiêm nghị, ít nói hơn.

Rất khó mà diễn tả cái cảm giác không thoải mái mà tôi cảm thấy vào lúc đó. Từng sống ở Mỹ lâu hơn ở Seoul, tôi không đặt bản thân mình vào một tinh thần ái quốc cụ thể nào. Tôi đã buồn đau khi thấy niềm cảm hứng của các vận động viên bị chà đạp dã man, nhưng điều khiến tôi buồn hơn chính là niềm hiểu biết rằng giờ khắc tự do ngắn ngủi của các cầu thủ và những người cổ động viên này (dù họ đến từ Namibia hay Bình Nhưỡng) giờ đây sẽ kết thúc. Và bất cứ điều gì đang đợi họ ở quê nhà đủ đáng sợ đến nỗi họ sẽ thậm chí không dám thì thầm một tiếng nào về chúng.

Một trong những khẩu hiệu lập đi lập lại của World Cup là "thời điểm cho tình anh em" nhưng nếu một quốc gia đã trở nên quá ung rữa trong sự cô lập của mình đến độ chính phủ của họ đã quên đến cả việc làm thế nào để được là một phần của thế giới và người dân của họ không bao giờ được phép giao tiếp với những người khác ở thế giới bên ngoài, ngay cả những người tham dự giản dị của một trận đấu bóng đá thì làm thế nào? Chắc chắn điều đó sẽ là câu hỏi mà những người Bắc Triều Tiên câm lặng này đã gợi lên ở Nam Phi năm nay.

.

.

.

CHẢY MÁU VÀNG ĐEN : TƯỜNG TRÌNH TẠI CHỖ

CHẢY MÁU TÀI NGUYÊN: TƯỜNG TRÌNH TỪ ĐIỂM NÓNG

Bài 7 : Vàng đen và những cơn bão cát

bài và ảnh: Võ Hoàng Minh

Ngày 30.06.2010, 13:55 (GMT+7)

http://sgtt.com.vn/Thoi-su/124908/Bai-7-Vang-den-va-nhung-con-bao-cat.html

SGTT - Vừa đặt chân lên đất Mỹ Thành (Phù Mỹ – Bình Định) chúng tôi đã cảm nhận được ngay “sức nóng” của nỗi bức xúc dai dẳng trong lòng những người dân ở đây. Họ đang sống với nỗi cơ cực mà hoạt động khai thác titan đã mang lại trong những năm qua.

Những người dân dẫn chúng tôi đi về phía biển, vùng đất đã bị băm vằm bởi hoạt động khai thác loại “vàng đen” của nhiều doanh nghiệp, hàng chục người dân thôn Vĩnh Lợi vừa đi vừa kể khổ.

Bà Trần Thị Th. (60 tuổi) ở thôn Vĩnh Lợi nói như khóc: “Từ khi công ty TNHH thương mại Ánh Vy được bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho cái giấy phép về đây khai thác đất đen (titan), cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Lợi chúng tôi lập tức bị đảo lộn. Cái cách họ khai thác như thế nào để lấy được đất đen thì người dân quê mùa chúng tôi không hiểu được, thế nhưng những “núi cát” họ hút lên bày lộ giữa trời, gió biển thốc vô lùa cát bay khắp làng, khắp xóm. Mùa gió bấc tới đây chắc chắn chúng tôi lại phải chịu cảnh “bão cát” tấn công. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, nhai cơm lộn cát mà nước mắt cứ chảy. Quần áo giặt xong, phơi chưa kịp khô, cát tấp lên đành phải giặt lại. Đất sản xuất nằm gần khu khai thác cũng bị cát lấp dần không còn trồng cây gì sống nổi. Nếu tình trạng này kéo dài thì đến cả những ngôi nhà của chúng tôi đang ở cũng sẽ bị lấp”.

.

Cơn lốc titan

Theo người dân địa phương cho biết, trước đây họ chưa từng bị cái nạn cát bay hành hạ như bây giờ bởi được những khu rừng dương ven biển mọc rất dày và xanh tốt che chở, chắn cát. Những khu rừng dương này được trồng từ những năm đầu giải phóng. Sau hơn 30 năm, khi những cây dương vừa kịp trở thành cánh rừng dương cổ thụ thì lại bị những người khai thác titan đốn hạ. Trước mắt chúng tôi bây giờ là một bãi biển “trống hoác” không còn bóng dáng một cây dương với những cái hố cát bị đào sâu đến 20 – 30m để các doanh nghiệp đặt bè hút cát và đặt giàn lọc titan. Bà Đinh Thị Mai ở thôn Vĩnh Lợi than thở: “Hoạt động khai thác đất đen ở đây không những huỷ hoại môi trường trên mặt đất mà với cách hút cát tận “âm phủ” để lấy đất đen như thế này thì đến nguồn nước ngầm cũng bị triệt tiêu. Khu vực thôn Vĩnh Lợi này như một bán đảo, không còn rừng phòng hộ, bờ biển thì bị rỗng ruột, một ngày nào biển lấn vào thì dân chúng tôi biết đi đâu mà sống”.

Không chỉ ở Mỹ Thành (Phù Mỹ), thảm trạng trên còn xảy ra ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát). Bãi biển Trung Lương vốn được xem là bãi biển đẹp nhất ở Bình Định và công ty TNHH Mỹ Tài là đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh Bình Định giao cho 30ha đất tại đây để xây dựng khu du lịch với vốn đầu tư 5 triệu USD. Bà Huỳnh Thị Hồng ở xóm Chánh Nghĩa, thôn Trung Lương cho biết: “Khi nghe ở đây được công ty TNHH Mỹ Tài xây dựng khu du lịch bà con phấn khởi hết biết. Thế nhưng từ ấy đến nay công ty Mỹ Tài không làm cho du lịch, cả ngày lẫn đêm họ chỉ “chăm bẳm” khai thác titan trên diện tích được giao. Cả bãi biển trước đây đẹp là vậy giờ bị băm nát như một bãi chiến trường”. Vào đầu năm 2008, địa bàn khai thác titan của công ty Mỹ Tài còn cách xa nhà dân, đến cuối năm thì khu vực khai thác tiến đến sát khu dân cư.

.

Hàng ngàn người dân khốn đốn

Trên địa bàn hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ hiện có 14 đơn vị được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác titan. Đồng nghĩa với hàng loạt cánh rừng phòng hộ ven biển ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (Phù Cát) bị “khai tử” và hàng ngàn hộ dân đang lâm cảnh khốn đốn vì công cuộc khai thác titan ở Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Lịch, trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Phù Mỹ thừa nhận: “Hầu hết các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn đều có cam kết bảo vệ môi trường nhưng khi thực hiện lại không đạt như yêu cầu đã đề ra. Ngoài vấn đề cát bay đang hiện hữu, ở cấp huyện chúng tôi không đủ năng lực đánh giá tác động của việc khai thác titan đối với môi trường nên chỉ mới dừng lại ở việc đi kiểm tra và báo cáo... miệng với cấp trên”.

Còn ông Đinh Văn Tiên, phó giám đốc sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Định thì bức xúc: “Với diện tích cấp phép gần 2.200ha, nếu các doanh nghiệp khai thác đồng loạt thì ắt sẽ có vấn đề xảy ra về môi trường. Nhất định là sẽ xuất hiện hiện tượng cát bay, cát chảy, nước mặn xâm nhập và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm trong các khu dân cư lân cận”.

.

Mất cả chì lẫn chài

Ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Bình Định bức xúc: “Chỉ tính riêng năm 2009, sản lượng titan khai thác tại Bình Định theo báo cáo của các doanh nghiệp là khoảng 400.000 tấn. Với lượng titan này, các doanh nghiệp bỏ “hầu bao” được khoảng 700 tỉ đồng, thế nhưng ngân sách tỉnh thu vào chưa được 100 tỉ đồng”. Mặc dù lượng khai thác titan “hoành tráng” là vậy nhưng các nhà máy chế biến để xuất khẩu đang bí đầu ra vì vướng mức thuế xuất khẩu đến 18% (theo thông tư số 152/2009/TT-BTC). Trong khi đó, để chế biến titan thô thì các doanh nghiệp phải mất khoản đầu tư rất lớn cho dây chuyền, thiết bị và tiêu hao điện năng rất nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính ra, mỗi tấn xỉ titan xuất khẩu doanh nghiệp bị lỗ đến gần 900.000 đồng.

Ông Thắng cho hay, hiện nay hầu như tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách bán titan thô làm nảy sinh tình trạng “chảy máu” titan qua con đường bán lậu. Bây giờ, ngày nào ở cảng Thị Nại cũng có những chiếc tàu chở titan “hành phương Bắc”. Tàu chở titan lậu này đi rất công khai và chắc chắn điểm đến cuối cùng của những chiếc tàu này là Trung Quốc. Mới đây, ở tỉnh Ninh Bình vừa bắt được một chiếc tàu chở khoảng 3 tấn titan có xuất xứ từ Bình Định nhưng chưa rõ từ doanh nghiệp nào bán ra. Chúng tôi đã thử làm phép tính, mỗi năm Bình Định bị “chảy máu” qua đường bán lậu khoảng 200.000 tấn titan, đồng nghĩa với ngân sách tỉnh sẽ mất đi khoản thu thuế xuất khẩu là 2 triệu USD. Với titan, Bình Định đang mất cả “chì lẫn chài”: mất nguồn tài nguyên, mất nguồn thu xuất khẩu, mất thuế, mất hạ tầng giao thông, mất môi trường sinh thái.

(còn tiếp)

.

Tin, bài liên quan

Bài 7: Vàng đen và những cơn bão cát (30/06)

Bài 6: Núp bóng nạo vét cửa biển để bán cát (29/06)

Bài 5: Tàn phá tài nguyên du lịch tự nhiên (25/06)

Bài 4: Tan hoang núi đá trắng ở Quỳ Hợp, Nghệ An (23/06)

Bài 3 : Bộ, tỉnh, huyện, xã… mạnh ai nấy cấp phép đào vàng (21/06)

Bài 2: Tận thu, tận diệt ở rốn vàng Phước Sơn (18/06)

Bài 1: Quảng Nam: các dòng sông đã chết (16/06)

.

.

.

TƯỢNG ĐÀI LENIN Ở ODESSA (UKRAINA) BỊ PHÁ HỦY

Odessa: tượng đài Lenin bị phá hủy

Kichbu

Jun 29, '10 10:09 PM

http://kichbu.multiply.com/journal/item/814/814

Theo http://lenta.ru/news/2010/06/29/lenin/

Vào đêm rạng sáng ngày 29 tháng sáu tại công viên trung tâm thành phố Reni tỉnh Odessa những kẻ vô danh đã tiêu hủy tượng đài Lenin, hãng "Тimer" đưa tin.

.

Nhà địa chí học địa phương Mikhail Salabash trả lời hãng tin rằng trên bệ tượng đài của Lenin chỉ còn lại đôi chân, đầu và phần thân tượng đài đã bị đập vỡ tan tành và lăn lóc cách đó không xa.

.

Tại cơ quan cảnh sát nói rằng, tượng đài bị phá bỏ bằng phương tiện kỹ thuật: chính xác là: họ móc cáp vào tượng đài và ô tô. Ô tô chuyển bánh, kết quả tượng đài bị vỡ ra từng mảnh.

.

Các nhân viên lực lượng phản ứng nhanh đã phát hiện tại hiện trường những dấu vết của xe ô tô, dự đoán – đó là xe UAZ.

.

Tại viện công tố đã khởi tố vụ án hình sự về việc phá hoại tượng đài . Theo lời ủy viên công tố quận Vitalyi Goloshak, những kẻ phạm tội sẽ bị xử theo điều khoản về hooligan.

.

Trong nội bộ Đảng cộng sản Ucraina người ta buộc tội cho những người Moldavia và Rumynia theo chủ nghĩa dân tộc, những người đã tích cực hơn sau khi tại Moldavia ngày 28 tháng sáu được tuyên bố là Ngày Liên Xô chiếm đóng.

.

Sắc lệnh tương ứng do quyền tổng thống Moldavia Mikhai Gimpu ký đã bị khiếu kiện tại tòa án Hiến pháp.

.

Những tượng đài Lenin ở Ucraina ngay trước đây đã nhiều lần bị những người chuyên phá hủy các di tích văn hóa lịch sử phá hoại.-Kichbu-

.

.

.

Hoa Thượng THÍCH QUẢNG ĐỘ Thông Báo CHUYẾN ĐI BÌNH ĐỊNH

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ thông báo với nhà cầm quyền Hà Nội chuyến đi ra Bình Định tham dự lế Đại tường Đức Cố Tăng Thống

PTTPGQT
2010-06-28

http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1331

PARIS, ngày 28.06.2010 (PTTPGQT) - Vào ngày mồng 3 tháng 6 âm lịch tới đây, tức 14.7.2010, lễ Đại tường Đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang sẽ được cử hành trọng thể tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, tức ngày húy nhật hai năm Ngài viên tịch.

Hàng giáo phẩm thuộc Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cùng 20 Ban Đại diện dự tính sẽ vân tập về Tu viện Nguyên Thiều tham dự lễ Đại tường cùng khánh thành ngôi Bảo Tháp Đức cố Tăng Thống vừa xây xong.

Trong dịp này, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, sẽ dẫn đầu Phái đoàn Giáo hội lên đường ra Bình Định. Do sự kiện Hòa thượng bị quản chế bằng khẩu lệnh và trong thực tế suốt mấy năm qua, nên Hòa thượng đã viết thư Thông báo lễ Đại tườnPg Đức cố Tăng Thống Thích Huyền Quang gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bản sao gửi ba Ông Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh ; Chủ tịch UBND Quận Phú Nhuận ; và Chủ tịch Phường 15 Quận Phú Nhuận “để tri tường”.

Thư Thông báo đề ngày 19.6.2010, gửi bảo đảm qua sở bưu điện Bình Thạnh, Saigon, lúc 15 giờ 52 ngày 20.6.2010.

Lúc Đức cố Tăng thống còn sinh tiền, những dịp Tết nhứt hay khi Ngài đau yếu, Đại lão Hòa thượng thường lấy tàu hay xe hơi ra Bình Định thăm viếng. Nhưng lần nào cũng bị Công an cản trở không cho đi. Điển hình là đoàn xe chở Đại lão Hòa thượng và 10 chư Tăng Viện Hóa Đạo ra Bình Định khi nghe tin Đức cố Tăng thống bệnh nặng thập tử nhất sinh, đã bị Công an chận xe không cho đi hôm 22.11.2004 tại Ngã Ba Trường Vẽ, quận Bình Thạnh, Saigon. Nhưng do áp lực quần chúng công an đành phải để cho đoàn xe ra đi. Nhưng khi xe đến vùng rừng cao su vắng vẻ ở Trảng Bom, cách Saigon chừng 30 cây số, công an đã chờ chực rồi với trên 100 xe mô tô áp giải đoàn xe Viện Hóa Đạo về Saigon không cho ra Bình Định. Lý do không cho đi theo giải thích của công an là “Bình Định đang có bão”. Nhưng về tới Saigon, Hòa thượng bị triệu tập ra công an “làm việc”. (xin xem Thông cáo báo chí phát hành ngày 22.11.2004 trên Trang nhà Quê Mẹ : (1) & (2))

Vào dịp Tết năm Bính Tuất, hôm 11.2.2006, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ cùng 11 chư Tăng Viện Hóa Đạo Đạo đáp tàu lửa ra Bình Bình Chúc Thọ Đức Tăng Thống. Dù đã chuẩn bị mua vé trước, nhưng khi đến nhà ga Saigon, một trăm công an mặc sắc phục và thường phục đã chờ sẵn, hành hung, xô xát phái đoàn không cho đi với cớ “tàu hết chỗ ngồi” và bắt Hòa thượng giải đi trước sự la ó phản đối của quần chúng. (xin xem Thông cáo báo chí phát hành ngày 17.2.2006 trên Trang nhà Quê Mẹ (3))

Dịp lễ tang Đức cố Tăng Thống hai năm trước đây, do xuất kỳ bất ý ra đi, Đại lão Hòa thượng đã có mặt tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, lo việc hậu sự cho Ngài. Thế nhưng công an Bình Định dùng đủ thứ áp lực trục xuất Hòa thượng về Saigon. Thế nhưng chư Tăng ở Bình Định quyết liệt phản đối nên việc trục xuất không thành. Ông Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, đã thề rằng : Bao lâu tôi còn tại chức đây thì ông Quảng Độ không được bước chân tới Bình Định !

Do những ngăn cấm, bức hiếp xẩy ra trong quá khứ vi phạm quyền tự do đi lại, thăm viếng của người công dân, nên dịp lễ Đại tường quan trọng năm nay nhằm “đền đáp công ơn giáo hóa của bậc lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang”, Đại lão Hòa thượng đã viết thư thông báo việc tham dự sắp tới của ngài gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hầu tránh khỏi những sự việc vi phạm các quyền tự do cơ bản được LHQ bảo đảm, và chỉ làm cho công luận thế giới chê cười.

Sau đây là toàn văn Thư Thông báo :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO

Thanh Minh Thiền Viện
90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon

Phật lịch 2554

Số 11/VHĐ/VT

Thư thông báo lễ Đại tường Đức cố
Tăng Thống Thích Huyền Quang

Kính gửi :
Ông Nguyễn Tấn Dũng,
Thủ tướng nước CHXHCNVN

Phật lịch 2554 - Saigon, ngày 19.6.2010


Thưa Thủ tướng,

Tôi đứng tên thư này, là Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

Xin được thông báo cùng Thủ tướng, ngày 3 tháng 6 âm lịch tới đây, tức 14.7.2010, môn đồ pháp quyến cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các giới thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ long trọng cử hành lễ Đại tường Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, tức lễ Húy nhật hai năm Ngài viên tịch.

Đối với truyền thống dân tộc, ngày kỵ giỗ những năm đầu rất quan trọng, trong truyền thống Phật giáo đối với bậc cao tăng lại càng quan trọng hơn trong việc đền đáp công ơn giáo hóa của bậc lãnh đạo cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang.

Tôi là người kế thừa Ngài điều hành Giáo hội hiện nay. Nên tôi có bổn phận ra Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, tham dự cùng chư Tăng, Phật tử tại lễ Đại tường này. Nhưng điều khó khăn cho tôi, là bao năm qua, về nguyên tắc hành chánh, tôi không chính thức bị quản chế do một văn kiện cụ thể nào cả. Nhưng theo lệnh Bác sĩ mỗi tháng tôi phải đến bệnh viện tái khám một lần, nhưng lần nào Công an cũng đi theo. Ngoài ra mất quyền tự do đi lại, không được phép tiếp xúc quần chúng Phật tử, cũng không được quyền thuyết pháp ngay nơi ngôi chùa tôi bị quản chế, là sinh hoạt chính đáng và cần thiết của người Tăng sĩ Phật giáo. Không những thế bất cứ khi nào có người ngoại quốc đến thăm tôi cũng bị Công an sách nhiễu. Bằng chứng gần đây nhất có 2 người Mỹ là các Ông : Thor Halvorssen và Ông Kristopher Anderson đến thăm tôi ngày 16.03.2010, sau khi ra khỏi cổng thanh Minh Thiền Viện thì bị 4 Công an ập đến đánh đấm chưởi bới rồi đưa về đồn Công an Phú Nhuận.

Do đó, hôm nay tôi viết thư này kính thông báo với Thủ tướng tôi sẽ lên đường ra Bình Định tham dự lễ Đại tường Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang. Tôi dự tính lấy chuyến xe lửa tại Saigon lúc 19 giờ tối ngày thứ hai 12.7.2010 ra Bình Định. Ở lại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, các ngày 13 – 14 – 15 – 16.7.2010 để tham dự lễ Đại tường. Sang ngày thứ bảy 17.7.2010 tôi sẽ lấy chuyến xe lửa lúc 17 giờ chiều trở về lại Saigon.

Mong mỏi Thủ tướng cho tôi được thực hiện lòng tưởng nhớ và cầu nguyện trong ngày Đại tường của Đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang của chúng tôi.

Trân trọng.

Thanh Minh Thiền viện, Saigon
Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ

Bản sao kính gửi :
- Ông Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh ;
- Ông Chủ tịch UBND Quận Phú Nhuận.
- Ông Chủ tịch Phường 15 Quận Phú Nhuận “để tri tường”

.

.

.

Bà TRẦN THỊ LỆ Tường Thuật BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÔNG AN HÀ NỘI

BÀ TRẦN THỊ LỆ & MẬT VỤ CỘNG SẢN
TRONG BUỔI LÀM VIỆC NGÀY 29.06.2010

Phóng viên tự do - FNA

http://www.doithoaionline.org/baimoitrongthang/2010/0610/baimoi0610_473.html

Vào lúc 3h chiều ngày thứ 3, 29.06.2010, bà Lệ đã đến công an phường Phương Mai, theo lời “mời làm việc” bất khả từ chối của mật vụ A42 và buổi làm việc kết thúc vào khoảng 4h30p. Bà Lệ cho hay buổi làm việc diễn ra tại phòng họp tầng 2 của trụ sở công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội (trên phố Phương Mai và quay lưng ra hồ Phương Mai hay còn gọi là hồ Kim Liên). Không khí buổi làm việc bình thường, có 2 mật vụ an ninh làm việc với bà, 1 là nữ mật vụ Yến hình như là cấp dưới nên đóng vai nói nhiều, 2 là một nam công an khoảng 50 tuổi, xưng là Tiến có vẻ kẻ cả cấp trên nên đóng vai theo dõi và thỉnh thoảng tham gia theo kiểu “thủ trưởng”.

Về nội dung cuộc làm việc, bà Lệ cho hay có 4 nội dung chính và về cơ bản thì họ nói là chính còn bà thì lắng nghe, thỉnh thoảng đáp lại vài câu nhưng họ có vẻ không thích nghe bà nói lắm và cũng không để cho bà được nói hết suy nghĩ của mình, mặt khác bà nghĩ mình cũng không cần phải nói đi nói lại những điều đã nói nhiều lần rồi, mà ai cũng biết nên cuộc nói chuyện cứ diễn ra không cân xứng cho đến phút cuối cùng.

Trước tiên họ nói rằng việc họ gặp bà là việc gặp bà, còn việc gặp Công Nhân thì lúc nào họ muốn là được, bà không nói gì. Họ cho rằng Công Nhân phải nghiêm chỉnh thực hiện lệnh quản chế nếu không thì sẽ phải gánh chịu hậu quả, việc Công Nhân bị đối xử như vậy là đúng (bà Lệ cho rằng họ ám chỉ cụ thể vụ việc ngày 28 tháng 5 vừa rồi Công Nhân bị đối xử thô bạo không khác gì bị hành hung khi bị bắt giữ tại quán cà phê Highlands tại tòa nhà Pacific góc đường Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt) chứ nếu Công Nhân ngoan ngoãn chấp hành thì đã không có chuyện gì xảy ra. Bà Lệ nói rằng bản thân Công Nhân chưa bao giờ chấp nhận bản án tòa đã tuyên thì hình phạt phụ đương nhiên cũng không. Họ nói đây là đất nước Việt Nam, con bà vi phạm pháp luật thì phải bị trừng phạt thích đáng có bản án do tòa tuyên đúng pháp luật rồi, bà Lệ nói Công Nhân làm đúng theo lương tâm và hiểu biết của mình, và càng đúng với pháp luật quốc tế mà Việt nam đã ký kết tham gia từ lâu lắm rồi, bà nêu tên vài công ước quốc tế về nhân quyền và chính trị, và cả Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam. Bà còn nêu ngắn gọn nội dung điều 6 luật này “trường hợp quy phạm pháp luật Việt nam và điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.”

Ngay lúc này nam mật vụ Tiến có vẻ rất khó chịu và nói với bà một cách hùng hồn rõ ràng từng chữ rằng “Luật đấy nhà nước ký kết là để ngoại giao và quan hệ quốc tế chứ không áp dụng ở trong nước như thế, trong nước áp dụng luật khác, bà hiểu không ?”

Bà Lệ kìm nén sự tức giận và cả nực cười nữa mà nói tiếp “kể cả luật trong nước thì cũng có những điều luật sai trái cần phải được thay đổi, và đến khi nó được thay đổi thì đương nhiên sẽ có người phải nêu ra sự sai trái đó và thậm chí là chấp nhận hy sinh vì vi phạm những điều luật sai trái đó để nó có thể thay đổi. Bà nói tiếp “Tôi đề nghị anh về đọc lại luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt nam năm 2005, anh nói như vậy thì Việt nam ký kết các luật quốc tế để làm gì ?” Bà Lệ chia sẻ là bà đã phải cố gắng hết sức mới không bật ra 2 từ “ để lừa đảo à ?” trong câu nói trên. Viên sỹ quan mật vụ Tiến im lặng và nội dung này cũng tạm dừng ở đây.

Tiếp theo là tiết tục muôn thuở không thể thiếu, được thực hiện theo kiểu tự thôi miên bởi 2 mật vụ, đó là ca ngợi chế độ độc tài cộng sản là hoàn toàn hợp lòng dân, là bền vững mãi mãi, là tất yếu của đất nước Việt nam. Tiếp theo họ còn nức nở ngợi khen sự phát triển kinh tế của Việt nam mà cả thế giới phải “kinh ngạc và ngưỡng mộ”. Cả 2 mật vụ đều khẳng định như đinh đóng cột là nước nào trên thế giới cũng đầy rẫy người nghèo khổ ăn xin ăn mày trên đường phố, và nạn tham nhũng cũng tràn lan như ở Việt nam thôi, và “nhiều người chỉ thích về Việt nam sống vì sống ở Việt Nam còn tốt hơn ở nước ngoài nhiều”.

Bà Lệ chia sẻ rằng nghe họ nói như vậy thì thấy “chán ngán đến tận cổ” đến mức không buồn đối đáp lời nào.

Một nội dung quan trọng nữa mà họ đưa ra là dạy đời bà Lệ. Họ nói bà Lệ nên xem xét lại việc “ giáo dục Công Nhân để trở thành con người có ích cho xã hội, chứ con cái chúng tôi mà ho he một tiếng như thế là chúng tôi phải chỉnh ngay” và “bà cũng nên quan tâm đến việc Công Nhân lấy chồng, xây dựng một cuộc sống riêng tư hạnh phúc ” đến đoạn này thì bà Lệ thấy không những nực cười mà còn bị xúc phạm nữa nhưng vì trong tình trạng có nói cũng vô ích nên bà lại tiếp tục ngồi xem họ thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ cách mạng cao quý mà Đảng và bác Hồ giao phó” cho họ như thế nào.

Và cuối cùng thì họ đe dọa theo kiểu cảnh cáo là “nếu Công Nhân vẫn tiếp tục như vậy thì sẽ bị áp dụng biện pháp mạnh.” Bà Lệ cho hay bà thật sự không tưởng tượng nổi những biện pháp mạnh mà mật vụ nói đến có thể là gì nữa so với những gì mà trực tiếp gia đình bà cũng như những người đấu tranh dân chủ khác đã trải qua, và cuộc sống của Công Nhân phải đến mức như thế nào nữa thì họ mới hài lòng, khi mà Công Nhân 31 tuổi vừa đi tù về lại bị quản chế hành chính, không công ăn việc làm vì Công Nhân lại làm một công việc hơi đặc biệt là “nghành nghề kinh doanh có điều kiện” tức phải có chứng chỉ hành nghề, thẻ chứng mình nghề nghiệp thì mới được xưng danh để hành nghề kiếm sống nếu không sẽ bị coi là lừa đảo. Công Nhân sống giữa thủ đô Xã hội chủ nghĩa mà “thế giới phải kinh ngạc và ngưỡng mộ” nhưng lại không có điện thoại hay Internet, bạn bè thì xa lánh chỉ vì sợ dính dáng đến chính trị ( ! ? ), đi uống cà phê thì bị công an túm cổ, giật tóc, dốc ngược đầu bắt lôi đi giữa thanh thiên bạch nhật trước bàn dân thiên hạ. Bà Lệ cho hay bà thấy phẫn nộ nhưng vẫn giữ được điềm tĩnh tới đoạn này và cũng đúng lúc đó thì cuộc làm việc kết thúc.

Nhiệm vụ cách mạng cao quý đã được mật vụ thực hiện xong, con dân đơn độc thấp cổ bé họng cũng đã chịu trận xong.

Bà còn cho biết thêm là bà thấy xót điện vì máy lạnh phải bật cho phòng họp rộng cỡ 20 người ngồi mà chỉ có 3 người thôi, và thật sự thấy chính quyền độc tài cộng sản này thật quá bóc lột người dân khi mà lấy thời gian của công chức và tiền đóng thuế của người dân để đi làm những việc vô ích như vậy chỉ để phục vụ sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, vì đây mới là bản chất và mục tiêu của cuộc làm việc này, chứ mật vụ Yến, Tiến hay X, Y nào đó thì cũng là như vậy thôi.

Phóng viên tự do - FNA

Cánh chim hòa bình

từ Hà nội

.

.

.

G8 và G20 TỐN BẠC TỶ

NHỮNG NGƯỜI BÁN MÁU

Những người bán máu

Trần Việt Trình

Thứ ba, 29 Tháng 6 2010 19:49

http://www.vietvungvinh.org/index.php?option=com_content&view=article&id=1098:nhung-nguoi-ban-mau&catid=46:chinh-tri-xa-hi&Itemid=82

Đàn ông bán máu.

Trời chưa sang hẳn, anh Hùng ở Phú Nhuận đã hối hả lọc cọc đạp chiếc xe đạp cà tàng hướng về Bệnh viện Truyền máu Huyết học ở Quận 1 Sài Gòn. Mấy năm nay anh giấu vợ dối con để đi bán máu. Dù chưa tới tuổi 50 nhưng trông anh chẳng khác nào một ông già 70, da dẻ nhăn nheo, xanh mét. “Gần 7 năm nay, bà ấy bệnh liệt giường, mọi việc trong gia đình đều đổ hết lên vai tôi. Nào tiền ăn cho cả nhà, tiền thuốc men của bà ấy, tiền học của 2 đứa con”, anh tâm sự. Theo quy định của y tế của nhà nước thì 2 tháng mới được hiến máu một lần nhưng tháng nào anh cũng tự nguyện ... bán. Để tránh sự nhận diện của bác sĩ, anh làm 2 thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở Quân y viện 175 ở Gò Vấp.

“Chẳng qua túng quá nên mới làm liều thôi”, anh Nguyễn Văn Định ở Chợ Gạo, Tiền Giang cũng cùng một nỗi niềm. Anh cũng chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng có tới 9 năm hành nghề bán máu từ Tiền Giang lên tới Sài Gòn đến nhẵn mặt các bệnh viện. Có lúc không còn đường nào khác anh phải ra bến xe đò Miền Đông năn nỉ mấy bác tài cho quá giang ra Hà Nội để … bán máu.

.

Đàn bà bán máu
Đàn ông bán máu, đàn bà cũng bán máu. Chị Hạnh ở Xã Xuân Thới Thượng Hốc Môn, tuổi đời chưa ngoài 50 mà đã có đến hơn 20 năm tuổi hành nghề bán máu. Chị bắt đầu đi bán máu từ năm 1989, lúc đó hoàn cảnh gia đình của chị vô cùng khó khăn, không nghề nghiệp lại một nách hai con nhỏ nên thường xuyên túng quẫn. Khi trong nhà không còn một hạt gạo, nhìn đứa lớn nhăn nhó vì đói và đứa nhỏ khóc đòi ăn, chị đành liều thân đi bán máu. Lúc đó 30 ngàn đồng một bịch máu đã nuôi sống gia đình chị hơn một tuần. Kể từ đó, chị dấn thân vào nghề bán máu.

Suốt 20 năm, chị không nhớ bao nhiêu lần mình rút máu ra bán và cũng không nhớ số máu bán ra là bao nhiêu. Hai đứa con đang tuổi còn đi học, không muốn chúng phải bỏ giữa chừng nên mỗi lần cần đóng tiền học hay mua sách vở cho con là chị phải đi bán máu. Quy định của nhà nước phụ nữ bốn tháng mới được lấy máu một lần nhưng vì túng quẫn quá nên có khi một năm chị bán sáu, bảy lần. Cũng như anh Hùng và anh Định, để qua mặt bác sĩ, chị phải làm hai thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở bệnh viện 175, sau này cả ở bịnh viện Chợ Rẫy nữa.

Hiện nay, chị sống bằng nghề bán rau ở chợ ở quận 4. Chị không còn thường xuyên đi nữa nhưng thỉnh thoảng cần tiền gấp chị vẫn đi bán. Trong suốt 20 năm qua, các con của chị những tưởng mình được nuôi lớn bằng sữa của mẹ mà không hề biết mình được nuôi lớn từ chính những giọt máu của mẹ. Chị bùi ngùi lo âu: “Lo nhất con cái phát hiện. Mình không làm gì xấu nhưng cái nghề này cũng chẳng hay ho gì. Biết rồi chắc chắn chúng sẽ đau lòng”.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở đường Hồ Thị Kỷ quận 10 Sài Gòn, đã gia nhập đội quân bán máu gần 16 năm nay kể từ ngày đứa con trai duy nhất của chị bị bệnh u não. Sau đó chị chuyển sang bán tiểu cầu để được nhiều tiền hơn. Chị bộc bạch: “Cứ đến ngày lấy thuốc cho con là vợ chồng tôi chạy vạy tứ tung, song lần nào cũng bí quá, đành phải bán máu, rồi bán tiểu cầu để lấy tiền. Có tháng túng bấn quá, tôi bán đến 2-3 lần và phải đi 2-3 chỗ, mới đủ tiền trang trải”.

.

Công nhân bán máu

Uyên, một công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình thổ lộ: “Mình ở tận Hải Dương vào đây lập nghiệp, nhưng lương công nhân thấp quá nên mỗi tháng muốn gửi ít tiền cho gia đình mình phải đi bán thêm tiểu cầu mới có thể xoay xở được”. Uyên tâm sự thêm “Công nhân bọn mình, có đứa sống chủ yếu bằng nghề này chứ không phải bằng lương đâu”. Trên gương mặt của cô, một người ốm yếu, là vẻ hao gầy nhợt nhạt của một người thường xuyên bán đi những giọt máu của chính mình, đổi lại là những bữa cơm công nhân đạm bạc và niềm an ủi của cha mẹ nơi quê nhà nghĩ đến sự thành công của đứa con tha phương lập nghiệp.

.

Học sinh Sinh viên bán máu

Một bạn trẻ tên Tân, có 6 năm thâm niên hành nghề bán máu cho biết “Mình đi rút máu từ lúc còn học trung học phổ thông. Hồi đó chưa có chứng minh thư nên mượn tạm của ông anh rồi thay tấm ảnh của mình vào, phí cho dịch vụ này không tốn lắm! Còn các thông tin lưu lại cho bệnh viện khi bán máu thực ra chỉ là thủ tục pháp lý chứ không ai kiểm tra mình bệnh gì trước đó hay sức khỏe như thế nào đâu”. Giọng Tân trùng xuống nói tiếp: “Làm cái nghề này sức khỏe cũng xuống rất nhanh. Có lần rút máu xong, vừa ra khỏi cửa là mình ngã gục xuống. Người nào hành nghề chuyên nghiệp thì sớm muộn cũng làm bạn với đau tim, còn đau đầu hay chóng mặt chỉ là chuyện lặt vặt”. Tân cho hay hiện có rất nhiều người chỉ sống bằng nghề bán máu, thậm chí họ còn chọn bệnh viện làm nơi cư ngụ thường xuyên để dễ dàng hành nghề.

.

Cả làng bán máu

Người người bán máu, nhà nhà bán máu, làng làng bán máu. Đó là làng nổi với hơn 30 gia đình sống dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam. Cả làng có chung một nghề: bán máu. Họ đến từ các miền khác nhau của đất nước như Sài Gòn, Quy Nhơn, Nam Định và Hải Phòng. Phủ Lý trở thành nơi an cư của họ bởi tiện bề đi lại để bán máu cho các bệnh viện ở Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nội. Sở dĩ họ phải làm nghề này vì chẳng còn con đường nào khác kiếm sống. Giá 250cc máu là 150,000 đồng, nhưng thực ra họ không được hưởng toàn bộ số tiền đó. Họ phải chi tiền cho nhân viên giám định để đổi lấy giấy chứng nhận sức khỏe. Ngoài ra, còn phải tiền tàu xe đi lại, nên cứ 250cc máu họ chỉ cầm được chừng 90,000 đồng là nhiều.

.

Tình hình bán máu

Xếp hàng chờ bán máu tại Trung tâm Truyền máu Huyết học. Ảnh: SGGP

http://www.vietvungvinh.org/images/stories/201001/ThoiSu/VN_157b.jpg

.

Ở các bệnh viện lấy máu ở Sài Gòn ngày nào cũng có người rồng rắn xếp hàng chờ bán máu. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu Huyết học có khoảng 100 người đến bán máu. Do nhu cầu bán máu nhiều, để có thể bán được máu, bắt buộc người bán phải đi thật sớm để xếp hàng. Tại Trung tâm Truyền máu Huyết học ở quận 5 mới 6 giờ sáng đã có cả trăm người đứng, ngồi kéo dài từ cửa trung tâm ra tận vỉa hè.

Mỗi lần bán 450ml máu chỉ được 250,000 đồng nhưng phải 2, 3 tháng mới bán được một lần. Còn mỗi lần bán tiểu cầu được 450,000 đồng, chỉ một tháng sau đã có thể bán tiếp. Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện đều rất cần nhưng nguồn cung cấp không đủ cho nhu cầu. Việc lấy tiểu cầu ở trong nước rộ lên chừng 3 năm nay. So với máu toàn phần, tiểu cầu (cách gọi dân dã là máu chọn) có giá cao gấp đôi nên nó có sức hấp dẫn lớn đối với những người bán máu.

Ngành y tế nhà nước quy định mỗi người 3 tháng mới được lấy máu một lần và người hiến máu phải cân nặng trên 45kg và trên 18 tuổi. Nói thì nói vậy nhưng rất nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, cần gấp một khoản tiền đã phớt lờ và qua mặt quy định.

.

Hiến máu hay bán máu?

Ngày 14 tháng 6 vừa qua là ngày thế giới hiến máu, World Blood Donor Day. Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization), Hiệp hội truyền máu thế giới (International Society of Blood Transfusion), Liên đoàn người hiến máu tình nguyện thế giới (International Federation of Blood Donor Organizations) và Hiệp hội Hồng Thập Tự - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies) đã lấy ngày 14 tháng 6 hàng năm làm World Blood Donor Day. Mục đích của ngày này không chỉ để lôi cuốn những người mới tham gia hiến máu mà chính là nhằm tôn vinh những người đã hiến máu thường xuyên 2, 3 lần hay nhiều hơn trong năm.

Ở các nước văn minh tiến bộ, hiến máu là một hành động nhân đạo, có tính nhân sinh cao và thể hiện sự tương thân tương ái. Ở Việt Nam hiện nay người hiến máu thì ít mà người bán máu thì càng ngày càng nhiều. Năm ngoái, năm2009, tổng kết cả nước thâu được 632,902 đơn vị máu, trong đó người hiến máu tình nguyện chiếm 79,06%. Như vậy có nghĩa là có đến 1/5 số máu thâu được không do người dân tự nguyện hiến mà là đem thân đến bệnh viện nạp mạng để bán. Những trường hợp bán máu như đã nêu trên gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần của xã hội. Những mảnh đời đi bán máu ấy khiến ai nghe cũng phải xót xa! Những người này đi bán máu để có tiền duy trì sự sống rồi lại bán đi chính sự sống đó của mình. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn, chỉ những người thân khi biết chồng, vợ, mẹ, cha mình phải đi bán những giọt sự sống để duy trì cuộc sống của họ là thấy đắng lòng và xót xa cho cái thân phận nghèo.

Vừa qua ở trong nước, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6, chính quyền CSVN cũng cho tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để tôn vinh những người hiến máu với chủ đề “Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện Việt Nam”. Qua đó, chính quyền tuyên dương 100 người hiến máu tiêu biểu, có số lần hiến máu cao nhất ở các tỉnh, các thành phố, và các bộ, các ngành. Những người tình nguyện này cao lắm thì cũng chỉ hiến máu đôi ba lần trong năm. Còn những người bán máu như đã nói ở trên thì sao? Chính quyền có quan tâm đến họ không? Có ai tôn vinh họ không? Họ bán hàng tháng và bán dai dẳng hàng chục năm, hàng hai chục năm. Không có tiền cho con đóng tiền học, thiếu tiền nhà, thất nghiệp, … họ đành phải chấp nhận đi bán máu. Nhiều người trở thành kẻ bán máu chuyên nghiệp, thậm chí có người thâm niên 20 năm trong nghề. Những đồng tiền bán máu ít ỏi nhưng là cứu cánh cho nhiều gia đình, giúp bao em nhỏ không phải bỏ học, giữ yên ấm cho biết bao mái nhà. Đó là một việc làm mà chúng ta không khỏi cảm thấy xót xa, ngậm ngùi!

Trớ trêu thay, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh đó, bên cạnh biết bao nhiêu người đang vật lộn với cuộc sống để sinh tồn, bán máu để mưu sinh là những cuộc liên hoan xa hoa tốn kém, những bữa chè chén bạc triệu ở các nhà hàng sang trọng khi các cán bộ tiếp khách. Những cuộc rượu chè xa xỉ đua nhau nốc bia rượu cho đến say xỉn không còn biết đường về. Tính ra một lít máu đỏ của người khốn cùng rút từ chính cơ thể của mình đem bán chỉ được vài ba chục đô la, chỉ đáng giá một chai rượu đỏ loại xoàng đủ cho một cấp lãnh đạo loại thường nhấp môi trong 1 buổi tiệc “chiêu đãi”. Máu người còn rẽ hơn rượu!

Dọc đường phố đông đúc của Hà Nội và Sài Gòn ngày nay có lắm người ăn bận quần áo đắt tiền, lái những chiếc xe hơi sang trọng nhất thế giới, và hàng ngày dùng những bữa tiệc no say tại những khách sạn huy hoàng tráng lệ. Việt Nam ngày nay có tầng lớp đại gia với khả năng tài chính vô hạn, có giới tư bản đỏ sống đời xa hoa tậu nhà hàng triệu triệu Mỹ kim ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có cấp lãnh đạo nhà nước với tài sản kết xù và có con cháu cán bộ cao cấp đua đòi với những chiếc xe hơi Rolls-Royce, Bentley loại hàng “độc” đắt nhất thế giới.

Chủ nghĩa Cộng Sản ngày trước phát triển mạnh nhờ chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến thế giới đại đồng, nhưng ngày nay thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại. Không những không “xóa” mà còn “thêm” để cho sự cách biệt giai cấp ngày càng tồi tệ hơn: giai cấp của tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp của nhân dân thì nghèo mạt rệp. Ở Việt Nam ngày nay người giàu không ít nhưng người nghèo thì quá nhiều và nghèo quá nghèo. Người nghèo thì nghèo đến khốn cùng còn người giàu thì giàu không thể tưởng tượng nổi. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước, ngày càng rõ rệt. Đó là “thiên đường xã hội chủ nghĩa”!

Trần Việt Trình
28 tháng 6 năm 2010

.

.

.