Thursday, May 16, 2024

CHÍNH - PHỤ và THẬT - GIẢ (Trân Văn / Blog VOA)

 



Chính - phụ và thật - giả

Trân Văn

16/05/2024

 https://www.voatiengviet.com/a/chinh---phu-va-that---gia/7614726.html

 

Cuối tuần này, các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ khánh thành “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Việc thực hiện công trình vừa kể được cho là nhằm “thể hiện tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.

 

https://gdb.voanews.com/02af0000-0aff-0242-e3f1-08da29d28dbe_w1023_r1_s.jpg

Các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Việt Nam tham dự lễ động thổ xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh hôm 29/4/2022 tại Phú Quốc, Kiên Giang. Hình minh họa. Photo SGGP.

 

Sau trận bão dư luận hồi 2015 về dự án xây dựng “Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh” ở Sơn La, dự trù ngốn tới 1.400 tỉ trong khi trẻ con ở khu vực đó “ăn không đủ no, trời rét vẫn đi chân đất, thiếu chỗ để học”, giới hữu trách ở Việt Nam bắt đầu ngậm tăm về chi phí thực hiện các “quảng trường” và “tượng đài” để dân khỏi biết, khỏi bàn nữa.

 

Theo xu hướng vừa kể, “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng... không rõ chi phí! Thiên hạ chỉ biết, đại khái, tượng bác đúc bằng đồng, cao 18 mét, nếu kể cả bệ đá thì chiều cao của tượng đài là 20,7 mét, phía sau có dãy phù điêu ghép từ 484 tấm đá...

 

Cứ như tường thuật, tượng đài “bác” và “Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã góp phần nâng cao giá trị của... “khu trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ” vì kề cận “quảng trường” kèm... “cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc” [1].

 

                                                       ***

Việc giới hữu trách vừa lờ đi chi phí thực hiện “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vừa khẳng định công trình vừa kể “thể hiện tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh” vô tình khiến người ta không biết “tình yêu” của “nhân dân” với bác thật sự ra sao.

 

Rồi cũng bởi giới hữu trách khẳng định: “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang... “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” - nên phải ngẫm nghĩ một chút xem điều đó có... thiệt không?.

 

Cách nay hai tuần, tờ Thanh Niên giới thiệu phóng sự ảnh về Hòn Khoai, hòn đảo nhỏ cách Phú Quốc khoảng 220 cây số đường biển. Về mặt hành chính, Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau nhưng đảo không có dân cư, chỉ có binh sĩ của lực lượng biên phòng Cà Mau, binh sĩ hải quân của Vùng 5, nhân viên bảo đảm an toàn hàng hải, nhân viên kiểm lâm trú đóng. Tuy phạm vi trách nhiệm của các lực lượng vũ trang và nhân viên dân sự làm việc tại Hòn Khoai rất rộng (kiểm soát và hỗ trợ tàu bè qua lại ở nội thủy cũng như lãnh hải ở cực Nam của Việt Nam) nhưng trên hòn đảo có diện tích chỉ chừng bốn cây số vuông này thiếu đủ thứ.

 

Những cá nhân đang thực sự “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” không chỉ chật vật xoay sở với chuyện thiếu nước ăn uống, tắm giặt, phải chắt – gạn từng chút từ đáy một dòng suối sắp cạn, bởi từ tháng 10 năm ngoái tới nay tuy trời không mưa song không hề được tiếp tế nước ngọt, bất kể Hòn Khoai chỉ cách đất liền chừng 15 cây số, mà còn phải tự tìm cách sinh tồn với nhiệt độ thường xuyên sắp chạm đến ngưỡng 50 độ C do hệ thống chuyển hóa quang năng thành điện năng trên đảo đã hư hỏng nhưng không được sửa chữa và cũng vì thiếu đủ thứ nên phải hết sức tiết kiệm trong việc dùng máy phát điện để bơm nước, nấu nướng [2].

 

Có lẽ vì không thể kể tường tận trên hệ thống truyền thông chính thức, tác giả phóng sự ảnh vừa đề cập viết trên Facebook thế này: Mấy ngày trên đảo, cứ tối đến là rừng nguội, biển dịu, hết thảy đều cởi trần trùng trục, nằm trên nền nhà cho đỡ nóng và mơ về một cái quạt gió, một miếng máy lạnh như bao người trong đất liền... Có những thứ rất bình thường lại đang là phi thường, ước mơ trong thời 4.0 này, mới chạnh lòng! Ông bà nào nhân hậu, từ bi bác ái, tặng đồn biên phòng duy nhất trên đảo quân sự vùng biển Tây Nam một hệ thống năng lượng mặt trời để bộ đội có điện chạy quạt, nấu cơm, thắp sáng,... nào nào [3].

 

                                                               ***

 

Hồi 2015, giữa trận bão dư luận về dự án xây dựng “Quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh” ở Sơn La, ông Nguyễn Trọng Phúc – Phó Giáo sư, cựu Viện trưởng Lịch sử đảng - khẳng định: “Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tiết kiệm, tự trồng rau, nuôi cá, ăn cơm độn giống nhân dân. Xây tượng đài tốn kém, bác biết sẽ không an lòng” [4].

 

Chắc chắn ông Phúc không bị xếp vào nhóm “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nên mới được vấn ý. Khi một người như ông Phúc mà còn cảmn thấy “sốc” thì tại sao “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” vẫn tiếp tục mọc lên khắp nơi. So “Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ” ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với những chuyện kiểu như chuyện đối đãi với những người đang thực sự “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” ở Hòn Khoai thì cái gì là chính, cái gì là phụ. Tương tự “tình yêu của nhân dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” cái nào là thật, cái nào là giả?

 

-----------------

Chú thích

[1] https://tienphong.vn/tuong-dai-bac-ho-o-phu-quoc-truoc-ngay-khanh-thanh-post1637643.tpo

[2] https://thanhnien.vn/kien-cuong-giu-dao-quan-su-hon-khoai-7-thang-khong-mua-nong-gan-50-do-185240501184205625.htm

[3] https://www.facebook.com/mthanhhai/posts/pfbid0Tzmws3MoabobYZdf1EwBUoqBNonSWotLrRCU4qvWEekdacQshXBwgB82Xvu3N7NRl

[4] https://vnexpress.net/pgs-nguyen-trong-phuc-xay-tuong-ton-kem-bac-se-khong-an-long-3259974.html

 





VÌ SAO BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC TRÁNH NHẮC VỀ "HIỆN TƯỢNG" SƯ THICHA MINH TUỆ? (RFA)

 



Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?

RFA

2024.05.15

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-the-press-avoid-reporting-on-monk-thich-minh-tue-05152024124818.html

 

Một vị sư với y áo chắp vá bằng những mảnh vải rách, cầm nồi cơm điện thay bình bát đi khất thực. Hình ảnh nhận diện ông là đầu trần, chân đất, ông phát nguyện bộ hành dọc đất nước để tập học Phật pháp, được người dân khắp nơi tôn kính, dõi theo. Đánh từ khóa “sư Minh Tuệ” trên google search chỉ có một bài viết trên VTCNews nhắc đến ông, với tựa bài “Hãy để cho sư Minh Tuệ được yên thân tu tập”, ngoài ra không thấy các trang web hoặc báo điện tử khác trong nước loan nhắc về ông.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-the-press-avoid-reporting-on-monk-thich-minh-tue-05152024124818.html/@@images/8778efcd-c8d0-4a98-82ce-9366dc4c1f7c.png

Sư Thích Minh Tuệ   (Facebook Thinh Nguyen)

 

 

Sư Thích Minh Tuệ trở thành hiện tượng

 

Ông xưng pháp danh là Thích Minh Tuệ, tu theo 13 hạnh Đầu Đà. Không tự nhận mình là sư thầy, không theo một giáo hội nào, cũng không thuyết pháp nhưng hành trình của sư đã thu hút được sự chú ý và mến mộ từ rất nhiều người dân trong nước.

 

Truyền thông Nhà nước không nhắc đến ông nhưng hàng chục YouTuber đã đi theo sư Minh Tuệ, ghi lại từng nẻo đường mà vị sư này đi qua. Do đó, nếu tìm kiếm trên mạng, nhiều người sẽ thấy hàng chục video về ông được các trang YouTube hoặc Facebook đăng tải, khiến ông đang trở thành “hiện tượng”.

 

Nói về sư Minh Tuệ, ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường đại học Phật giáo ở Paris, giải thích tại sao vị sư chân chất này đang trở thành hiện tượng:

 

“Cái ct lõi của đạo Phật, của một người tu sĩ là “Giới, Định và Tuệ”. Khi một người tu sĩ giữ chặt những giới luật của một người tu sĩ thì cái “Giới” sẽ sinh ra cái “Định” và cái “Định” sẽ sinh ra cái “Tuệ”. 

Cái “Tuệ” khi mà đã có rồi thì giống như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm. Từ xa người ta nhìn thấy ngọn đèn đó sẽ tìm đến. Một vị sư mà giữ “Giới” thật là chặt thì tự nhiên sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ đến với ông ta.”

 

 

Mất niềm tin với Giáo hội Phật giáo Việt Nam?

 

Một nhà báo trẻ trong nước, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng đây là phản ứng của xã hội và nó cho thấy rằng người ta đã quá nhàm chán với các vị sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

 

“Các ông thầy ở Việt Nam được hậu thuẫn bởi Nhà nước, nói tầm bậy để thuyết phục cúng dường rồi vẽ ra những chuyện mê tín, điên khùng để thao túng người dân đi vào những hố sâu của mê muội. Cho nên, bản thân câu chuyện thanh bạch và đi hành đạo của thầy Thích Minh Tuệ cho thấy một sự khác biệt rất rõ.

Và cái sự ủng hộ đối với thầy Thích Minh Tuệ cũng cho thấy thái độ của người dân đối với Giáo hội Phật giáo Nhà nước quốc doanh Phật hôm nay là đã quá chán.”

 

Đồng quan điểm với nhà báo này, bà Tố Nga, nhận định thêm rằng sở dĩ sư Thích Minh Tuệ được dân chúng sùng bái là bởi:

 

“Có nhiều tăng ni trong hệ thống GHPGVN xảy ra tình trạng kêu gọi phật tử cúng dường quá nhiều nên khi sư Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường thì người dân sinh lòng thần tượng. 

Người dân sống trong một cơ chế chính trị độc tài, giáo dục xuống cấp, tôn giáo cũng bị nhà cầm quyền thao túng nên họ mất niềm tin vào tổ chức tôn giáo của nhà nước, nên khi sư Minh Tuệ xuất hiện với pháp tu tự do, không nhận tiền bố thí thì người dân cảm thấy thầy là chân tu.”

 

 

Nhà nước đang quan sát?

 

Dù đông đảo người dân chú ý và theo dõi hành trình của vị tu sĩ này khi mỗi video trên YouTube về sư Minh Tuệ có lượt view từ trăm ngàn cho đến cả triệu, nhưng hệ thống truyền thông chính thống nhà nước, cho đến ngày 14/5, vẫn rất hạn chế loan tải thông tin liên quan. 

 

Lý giải cho điều này, một nhà báo trẻ giấu tên cho rằng: 

 

“Việc từ chối tham gia một hệ phái do Nhà nước lập ra và thực hiện việc tu tập tự thân không có liên quan đến bất kỳ ai là một điều mà nhà nước hay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thích, không công nhận.”

 

Còn ông Thành Đỗ thì nhìn nhận rằng, chính quyền vẫn đang đứng ngoài cuộc quan sát. Bởi lẽ, theo ông Đỗ, vì số lượng người ái mộ sư Minh Tuệ quá đông nên chính quyền vẫn chưa có động thái ngăn chặn nào. Tuy nhiên, ông Thành Đỗ cho rằng, một khi các sư thầy bên Giáo hội Phật giáo Nhà nước mà lên tiếng thì  tương lai sẽ khó khăn cho vị sư này:

 

“Tôi nhận thấy một điều là vừa rồi có những vị sư mà mình hay gọi là sư quốc doanh của Giáo hội Phật giáo Nhà nước bắt đầu đăng đàn và phán như là một bề trên phán xuống là thầy Minh Tuệ làm như vậy là đúng, là sai, là không được quyền, không được phép… Có một ông trắng trợn nhất là Thích Chân Quang còn kêu thầy là “thằng ba trợn”, thì những điều đó rất đáng lo ngại.

Nhà nước cho tới giờ này vẫn đứng ngoài đứng ngó thôi, nhưng mà khi bắt đầu có một áp lực là nó từ phía bên Phật giáo Việt Nam thì tôi e rằng sẽ dữ nhiều lành ít cho sự Minh Tuệ.”

 

Thượng toạ Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Phật Quang từng phát biểu chỉ trích sư Minh Tuệ trong một bài thuyết pháp của mình, thậm chí còn nói rằng mọi người đang sùng bái một “thằng ba trợn mặc áo rách, ôm nồi cơm đi bộ hành”.

 

Phát biểu này ngay lập tức nhận được hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội khiến sư Thích Chân Quang phải gỡ bỏ video sau một ngày đăng tải trên YouTube của chùa Phật Quang.

 

                                                 ****

 

Cập nhật: 

 

Hôm 16/5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng trước hiện tượng này. Theo đó, Giáo hội khẳng định ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào.

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ làm ảnh hưởng đến Giáo hội này vì có nhiều Phật tử tập trung đông, cúng thức ăn, vật phẩm... gây dư luận trái chiều.

 

Vì vậy, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thông báo đến toàn bộ Phật tử và liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

-------------------------------

 

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

"KFC Thích Quảng Đức": đặt tên do vô tình, thiếu thông tin!?

“Nghề tu”: Trụ trì hơn 10 năm có tài sản hàng trăm tỷ đồng

Vẽ ông Hồ Chí Minh ngang hàng Đức Phật là “nông cạn và bệnh hoạn”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong bài mới trên Time

Thêm ý kiến về Phật giáo và Dân tộc





QUYỀN LỰC, SÁCH & VỞ (Trương Huy San / Facebook)

 



QUYỀN LỰC, SÁCH & VỞ  

Huy Đức  -  Trương Huy San 

16-5-2024  05:17   

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0hfKAK37Nbm2UUncPUNMSQGWBJ6z4rQrX3EifacjdQ916NP98PTmjYvF8p9YCCNLbl

 

Omega vừa gửi tặng tôi hai cuốn sách quý, Leadership của Henry Kisssinger và Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Thế Nào của Nguyễn Cảnh Bình. Kissinger thì ở nơi nhiều người ghét ông nhất người ta vẫn đọc sách và học ông. Nguyễn Cảnh Bình thì, dù rất mâu thuẫn, vẫn là đại diện của một thế hệ khát khao thay đổi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/3-4.jpeg

Ông Nguyễn Cảnh Bình (trái). Nguồn: Huy Đức

 

Nguyễn Cảnh Bình viết cuốn sách khảo cứu này từ 20 năm trước. Đấy là thời điểm mà người Việt Nam nhìn thấy những thành tựu của đổi mới và internet, lạc quan về tương lai của đất nước mình hơn bây giờ. Sự lạc quan trong cả những người muốn hệ thống đổi mới và trong cả những người muốn làm cách mạng. Cả hai lực lượng này đều bắt đầu từ hiến pháp.

 

Nguyễn Cảnh Bình là một người say mê hiến pháp nhưng lại khao khát minh quân. Và ở thời điểm mà Hiến Pháp Mỹ đang được Omega tái bản ở Việt Nam, Trump, một “minh quân” đang sổ toẹt những giá trị mà nước Mỹ đã mất hàng trăm năm thiết lập.

 

Một tổng thống được coi là xấu xa của nước Mỹ như Nixon cũng phải đầu hàng Hiến pháp. Khi bị phát hiện nói dối, Nixon từ chức và thừa nhận rằng, ông đã “làm người dân Mỹ thất vọng khi coi thường lời thề hiến pháp và tiếp tay cho vụ Watergate”.

 

Trump liên tục nói dối và xỉ vả hệ thống tư pháp [xỉ vả cả hệ thống bầu cử đứng đầu bởi ông]. Trump không giấu sự thèm muốn quyền lực của những kẻ như Putin. Với ông ta, không phải hiến pháp và không phải nước Mỹ mà “Trump” là “first”. Không may mắn cho Trump, Hiến pháp Mỹ không dễ dàng bị đảo chính như Hiến pháp của Nga và Trump dù có đắc cử cuối năm nay thì ông ta cũng chỉ được ở tối đa 4 năm trên quyền lực.

 

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói, “Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể”. Nguyễn Văn An là một nhà lãnh đạo có nhiều tố chất của một người đứng đầu, rất tiếc ông bị xếp thứ tư sau những người yếu hơn ông về leadership.

 

Tôi hiểu nhận xét của ông Nguyễn Văn An tuy nhiên qua quan sát lịch sử của thể chế này, tôi thấy rằng, những khi quyền lực tập trung trong tay một cá nhân lại chính là khi đất nước rơi vào thời kỳ xấu nhất. Lúc thì chiến tranh, loạn lạc, đói khát; lúc thì tham nhũng như chốn không người; lúc thì hoang mang, trì trệ.

 

Cho dù không có tam quyền phân lập, giai đoạn “tam nhân phân quyền” trong thập niên 1990s, lại là giai đoạn đất nước ta đi đúng hướng nhất [kéo dài từ trước đó, 1986, cho tới 2006].

 

Quyền lực luôn có khuynh hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối khiến người cầm quyền không còn biết sợ. Những người cầm quyền mà không biết sợ thì họ có thể chiếm đoạt cả thể chế, nhét cả giang sơn vào túi mình. Nhưng, sợ là sợ pháp quyền chứ không phải sợ một người. Nếu quyền lực có được dựa trên sự khiếp sợ một người, ranh giới giữa chống tham nhũng với việc thiết lập các chỗ trống là rất khó đánh giá.

 

Một khi hệ thống sợ một vài người thay vì sợ nhà nước pháp quyền thì cảm nhận công lý sẽ không tồn tại. Không có cảm nhận công lý thì những người đang bị xử lý và cả những người chưa bị xử lý đều phải tự cật vấn về tính chính danh. Quyền lực nhà nước khác quyền lực mafia là ở tính chính danh. Ngay cả dân chúng cũng rất dễ đi từ sự tung hô, hả hê đến chỗ hoang mang, thất vọng.

 

Trump có thế nào thì sau 4 năm vẫn sẽ bị vô hiệu hóa bởi Hiến pháp nhưng những người Nga yêu nước có trí tuệ thì chỉ đảo chính mới có thể phế truất Putin. Dù, chỉ vì ngai vàng mà trong thời đại ngày nay ông ta vẫn đẩy dân Nga và nhân loại vào một cuộc chiến tranh tàn khốc.

 

Quyền lực mê muội con người còn hơn ma túy. Chỉ những người thông minh tỉnh táo thì mới nhận biết được tính hữu hạn của quyền lực. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Những người thủ đoạn, coi dân, coi xã tắc là công cụ để thỏa mãn quyền lực thì mô hình Putin, Hun Sen… là lý tưởng.

 

Thể chế chính trị nào mà chẳng mong có minh quân. Nhưng, biết ai là minh quân. Lịch sử đã từng đặt số phận của nhiều quốc gia vào tay những kẻ vì tưởng chúng là minh quân, để rồi khi chúng lộ nguyên hình thì vô phương cứu chữa.

 

Một quốc gia muốn thịnh vượng phải có một nền tảng vững chắc để chọn đúng và loại bỏ đúng lúc các nhà lãnh đạo. Một quốc gia mà phó mặc sự lựa chọn một nhà lãnh đạo thì sẽ luôn thắc thỏm trong may rủi.

 

Những người coi chính trị là khoa học thì sẽ đọc sách [trong đó có những cuốn sách này của anh Nguyễn Cảnh Bình]. Những người coi chính trị chỉ có mục đích thì sẽ dùng “vở”. Nhưng, chính trị gia đọc sách mà không có “bài”, chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, thì chẳng những các vị không có chỗ, không có người ủng hộ, mà dân chúng cũng không yên mà làm ăn được.

 

.

216 BÌNH LUẬN   

 




TÂM NGUYỆN CỦA DŨNG ADUKU NẾU ANH BỊ BẮT (Dũng Aduku’s Friend)

 



Tâm nguyện của Dũng Aduku nếu anh bị bắt

Dũng Aduku’s Friend

16/05/2024

https://baotiengdan.com/2024/05/16/tam-nguyen-cua-dung-aduku-neu-anh-bi-bat/

 

LGT: Nguyễn Văn Dũng, tức Dũng Aduku, đã bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ đêm 22-4-2024 rồi câu lưu, thẩm vấn, đến tối 25-4 thì thả ra. Sáng 27-4, anh Dũng đã rời khỏi nhà, để lại mảnh giấy với dòng chữ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con ơi, bố xin lỗi”, theo lời của những người thân trong gia đình anh.

 

Kể từ hôm đó, gia đình và bạn bè anh Dũng, không ai liên lạc được với anh. Đến ngày 8-5-2024, người nhà anh Dũng cho biết, có người đã tìm thấy xác của anh bên bờ sông Hồng. Xác anh đã được UBND xã Châu Sơn vớt lên, mang đi chôn cất.

 

Anh Dũng ra đi ở tuổi 47, bỏ lại đứa con thơ 6 tuổi, mà anh yêu quý nhất. Không ai biết vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế. Cho đến giờ, những người bạn thân của anh vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh.

 

Hôm nay, chúng tôi nhận được bài viết của anh V., một trong những người bạn thân của anh Dũng, cho biết thêm về tâm nguyện của anh Dũng trong trường hợp anh bị bắt, bởi dường như anh đã không chuẩn bị cho việc từ giã cõi đời sớm như vậy.

 

                                                       ***

Khoảng cuối tháng 7 năm 2023, khi anh Dũng bắt đầu đi lánh nạn vì liên quan tới vụ án Nhật Ký Yêu Nước, anh có liên lạc với tôi, nhờ tôi một số việc trong trường hợp anh bị bắt và có thể bị kết án tù dài hạn. Anh cũng như tôi và các anh em tranh đấu trong nước đều nhận ra rằng, những người bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây khi bị bắt, ra tòa, họ đều nhận những án tù nặng nề, thường từ 8 đến hơn 10 năm; nên nỗi lo của anh Dũng không phải là vô căn cứ.

 

Anh Dũng dặn tôi rằng, nếu anh bị bắt thì tôi có thể đưa tin này lên mạng để anh em và bạn bè biết được nguyện vọng của anh, để mọi người có thể làm gì đó giúp anh, cũng như tôn trọng ý nguyện của anh. Sau đây là tâm nguyện của anh nói với tôi chín tháng trước:

 

Thứ nhất, nếu anh đi tù, mọi người không cần phải vận động gì cho anh. Anh không có ý định đi nước ngoài, nên không cần vận động quốc tế lên tiếng giúp anh rời khỏi Việt Nam. Công sức mọi người dành để vận động cho anh, hãy tập trung lo cho các anh em khác, những người đang lãnh án tù dài hơn, hoặc những người hiện đang gặp khó khăn, gian khổ hơn anh.

 

Thứ hai, không cần thuê luật sư cho anh. Tiền thuê luật sư hãy để dành lo cho các anh em khác, những người còn đang hoạt động bên ngoài. Số tiền đó có thể giúp nhiều anh em hoạt động thêm một thời gian.

 

Thứ ba, không cần thăm nuôi anh, cũng không cần gửi tiền nhờ gia đình gửi vào cho anh. Anh đã từng bị họ bắt bỏ tù nên cũng quen rồi, anh có thể sống theo kiểu tù “mồ côi” và vẫn thấy ổn. Số tiền để lo cho anh, xin hãy dành lo cho anh em tù nhân khác, hoặc các anh em tù nhân lương tâm mới ra tù, cần ổn định cuộc sống.

 

Thứ tư, đây cũng là điều anh Dũng quan tâm nhất: Anh nói rằng, nếu anh bị bắt thì chưa chắc có nhiều người quan tâm và ủng hộ đâu, bởi vì cái án mà anh bị họ vu khống trước kia. Nhưng nếu có một khoản ủng hộ nào đó thì anh nhờ tôi nói với mọi người rằng:

 

– Không cần gửi tiền hay lo lắng gì nhiều cho mẹ anh, vì mẹ anh đã có lương hưu và hai người anh em ruột của anh cũng có điều kiện và sống có trách nhiệm, sẽ chăm lo được cho mẹ anh.

 

– Không cần gửi tiền hay lo lắng cho vợ anh, vì vợ anh còn trẻ, cô ấy tự kiếm tiền lo cho cuộc sống được. Ngoài ra, cô ấy vẫn còn cha mẹ trợ giúp, nên mọi người không cần phải lo.

 

– Anh nói với tôi: “Nếu được thì em cố gắng giúp anh mỗi năm một lần, vào dịp khai giảng năm học mới, em tới nhà ông bà ngoại thằng con anh, giúp anh đưa cho ông ngoại 5 triệu. Phải đưa trước mặt thằng bé và nói rằng: ‘Tiền này là của bố cháu lo cho cháu, cháu cứ yên tâm rằng bố cháu vẫn luôn luôn bên cháu cho dù bố cháu đang ở nơi đâu’.” Anh bảo tôi dặn ông ngoại (tức bố vợ anh) mua một ít quần áo mới cho con anh và dùng tiền đó đóng tiền học cho nó. Gửi cho ông ngoại cháu mỗi năm cho tới khi nào hết số tiền mà mọi người giúp.

 

Tôi cần nhấn mạnh vào cái ý cuối cùng này một lần nữa: Con trai anh Dũng là tất cả đối với anh, tại sao anh không nhờ mẹ gửi tiền nuôi con hay nhờ vợ anh, bởi anh lo rằng, nếu họ đưa tiền thì thằng bé chỉ biết rằng bà nội cho tiền hay mẹ nó cho nó tiền ăn học. Anh Dũng nói đi nói lại với tôi rằng, anh muốn con anh luôn cảm thấy có một người bố luôn thương yêu nó, luôn lo lắng cho nó, chứ không phải bị mờ nhạt đi theo năm tháng.

 

Nhiều lần anh Dũng bất chấp hiểm nguy (có thể bị bắt bất cứ lúc nào) để anh về nhà vợ, thăm con. Nhiều lần trời mưa bão, hoặc có những đêm lạnh cắt da cắt thịt, anh đã phi xe máy cà tàng, đi 120 km từ Hà Nội về Thái Bình thăm con và ngồi chơi với con chỉ được 15 phút rồi lại trở về Hà Nội. Toàn bộ đoạn đường dài 240 km, chỉ để gặp được con khoảng 15 phút.

 

Cứ mỗi tháng anh Dũng đi thăm con một lần như vậy, vì anh sợ rằng lâu ngày không gặp con thì thằng bé sẽ quên anh mất, tình cảm bố con bị phai nhạt. Mỗi lần anh Dũng đi như vậy, anh đều nhắn tin dặn dò tôi: “Nếu anh bị bắt thì em liên hệ với thằng em tên A này (xin được giấu tên) để lấy địa chỉ cụ thể và đến dọn đồ đạc giúp anh”. Anh dặn đi dặn lại ý cuối (xem ảnh chụp màn hình), còn các ý khác thì anh chỉ dặn bằng miệng.

 

HÌNH :

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/2-249x420.png

 

Bên cạnh đó, anh Dũng muốn gửi tiền cho ông ngoại (của con anh) giữ, vì tuy là người rất nghiêm khắc, nhưng ông rất thương con, thương cháu. Và trong bối cảnh các mối quan hệ ruột thịt xung quanh anh Dũng bấy giờ, thì chỉ có ông là người biết suy nghĩ, có trách nhiệm và ở gần cháu nhất, nên anh không lo chuyện con anh bị thiệt thòi.

 

Trên đây là toàn bộ lời nhờ cậy của Dũng Aduku nói với tôi trong trường hợp anh bị bắt. Tuy nhiên, anh không dặn dò gì trong trường hợp anh qua đời, nên tôi xem những lời nhờ cậy trên đây là di nguyện cuối cùng của anh.

 

Mong rằng những ai quan tâm và quý mến anh Dũng, thì cũng sẽ quan tâm và quý mến con trai của anh, hãy giúp cho thằng bé cảm thấy tự hào vì có một người bố như thế.

 

 

Đỗ Trí Hùng

 

 




VỀ BUỔI TỐI ĐỊNH MỆNH CỦA DŨNG ADUKU (Thạch Vũ / Báo Tiếng Dân)

 



 

 

Về buổi tối định mệnh của Dũng Aduku

Thạch Vũ

16/05/2024

 https://baotiengdan.com/2024/05/16/ve-buoi-toi-dinh-menh-cua-dung-aduku/

 

Tôi quen Dũng Aduku và Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam năm 2011, thời của những cuộc biểu tình sục sôi chống Trung Cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Sau này, vì bận bịu cuộc sống riêng, tôi không còn thời gian gặp gỡ ai trong số những anh em bạn hữu từng xuống đường biểu tình thời ấy.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/1-18.jpeg

Ảnh: Nguyễn Văn Dũng trong một lần biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hồi năm 2011. Nguồn: Ảnh trên mạng

 

Rồi cũng ngót nghét mười năm trôi qua, không ai còn gặp ai nữa. Cho đến hồi tháng hai năm 2024, khoảng sau Tết Nguyên Đán, Binh Nhì liên lạc với tôi, rủ đi uống bia. Ba anh em chúng tôi gặp lại, kỷ niệm như nguyên vẹn. Chỉ khác là ai cũng già đi rất nhiều.

 

Hồi ấy, chúng tôi ai cũng nghèo nên chỉ mời nhau được chén chè chát hay cốc bia hơi bên vỉa hè. Rồi tán gẫu, nói những câu chuyện không đâu vào đâu mà vui. Dũng không bao giờ hút thuốc, nhưng thích xem tôi rít thuốc lào. Mỗi lần như thế, lại hỏi “Thuốc lào là để trị bệnh hắc lào hay nó được trồng bên Lào?” Hoặc những câu vớ vẩn như “Trong các ký túc xá, sinh viên TL nước nôi có đủ dùng? Hay lại cái cảnh đi vệ sinh thì ‘gió chiều nào khai chiều ấy’…?” Rồi lại tranh luận xem trong bài hát “thành phố buồn” thì có buồn thật không… Đấy, toàn chuyện linh tinh, nói xong cười hô hố với nhau.

 

Với tôi, và với nhiều anh em bạn hữu, Nguyễn Văn Dũng là người hiền lành, không có máu hơn thua với ai dù khi tranh luận, anh luôn bảo vệ ý kiến của mình. Dũng ít khi nổi nóng và sẵn sàng chịu thiệt về bản thân mình. Dáng người gầy gò, cặp kính cận quá dày, nước da ngăm đen, trước đám đông hay tỏ vẻ trầm tư khiến anh mang vẻ ngoài hơi khắc khổ.

 

Dũng Aduku cũng là người hết lòng và tận tụy với bạn bè. Khi bạn bè cần giúp đỡ, dù mưa bão hay đêm tối, anh đều lên đường và có mặt ngay. Và một điều nữa, anh không bao giờ than thân trách phận, không kêu khổ, luôn lạc quan, yêu đời và chưa bao giờ ngừng theo đuổi hoài bão của anh.

 

Khác hẳn với Dũng Aduku, Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam là người bộp chộp, phổi bò, nói nhiều đến mức khi rượu vào thì đến việc cung trăng cũng phô ra cho thiên hạ thấy. Binh Nhì từng chia sẻ cho tôi, cho Dũng, cho những anh em cùng cảnh ngộ khi thì điếu thuốc, khi thì gói mì tôm. Những kỷ niệm thời cơ hàn, đẹp đẽ như thế tôi luôn trân quý.

 

Ngoài cuộc gặp hồi tháng 2 thì buổi tối hôm 22/4/2024 là lần gặp thứ hai sau gần chục năm, và cũng là lần gặp cuối cùng của ba chúng tôi.

 

                                                                 ***

 

Nếu ai đã đọc bài viết trên trang Facebook Lý Quang Sơn, có lẽ cũng biết được phần nào diễn biến câu chuyện quanh cuộc gặp định mệnh ấy.

 

Buổi sáng ngày 22/4, Binh Nhì gọi cho tôi, hẹn tới một quán nào đó ở Hà Nội để gặp nhau. Thường thì tôi luôn bận rộn việc làm ăn và cả công việc của Giáo xứ nên ít khi tôi đi đâu được. Ban đầu, tôi đã từ chối nhưng anh ta nài nỉ.

 

Vào khoảng 9 giờ tối, khi đang họp cùng cha đặc trách và một nhóm bác ái, Binh Nhì tiếp tục gọi điện cho tôi tới hai lần, nói sắp phải vào Nam làm việc 6 tháng để lo cho vợ đã có bầu. Coi như cuộc hẹn là để chia tay trước khi anh ta đi làm xa.

 

Một điều bất thường là Binh Nhì nhắc đi nhắc lại rằng tôi phải mời bằng được anh Dũng Aduku. Sau này tôi mới biết Binh Nhì là người thường xuyên liên lạc với Dũng nhưng không hiểu tại sao anh ta không trực tiếp gọi cho Dũng mà phải nhờ tôi. Binh Nhì còn hỏi tôi có biết chỗ ở của Dũng không và ngỏ ý, nếu nhậu xong mà say quá thì cả bọn kéo nhau về chỗ trọ của Dũng ngủ.

 

Thực sự tôi không biết Dũng ở đâu nên nói thẳng với Binh Nhì là tôi không biết. Nhưng tôi có nhận lời Binh Nhì là gọi cho Dũng để rủ ra quán. Tuy nhiên, Dũng không nghe máy. Tôi nhắn tin cho Dũng, nói Binh Nhì rủ đi nhậu chia tay trước khi anh ta vào Nam làm việc.

 

Khoảng 9 rưỡi, khi xong việc nhà thờ, tôi lấy xe chạy tới địa chỉ Binh Nhì mới nhắn là một quán bia ở Trương Định. Dọc đường, thấy điện thoại rung, tôi mở ra thì nhận được tin nhắn của Dũng, báo rằng anh cũng đang trên đường tới điểm hẹn.

 

Khi tới nơi, tôi đã thấy Dũng và Binh Nhì ngồi sẵn ở quán. Ngoài hai người, còn có một người đàn ông nữa mặc đồ thể thao, đeo kính. Tôi thấy anh ta quen quen nhưng chưa nhận ra là ai. Điều lạ là anh ta bắt tay, chào và đọc rõ họ tên và cả tên Thánh trong đạo Công giáo của tôi.

 

Vì vậy, tôi nghĩ anh ta là bạn của Binh Nhì hoặc của Dũng Aduku. Chuyện trò vài câu, tôi mới biết anh ta tên Văn, là an ninh thuộc Bộ Công an. Anh ta còn nói rõ địa chỉ nhà hàng mà chúng tôi gặp nhau lần trước. Điều này làm tôi hết sức bất ngờ, khó hiểu và cảm thấy bất an. Sau lần gặp trước, tôi biết từ khi ra tù năm 2016 cho đến nay, Dũng vẫn bị công an để ý, sách nhiễu. Và khoảng một năm nay, anh đã phải ra khỏi nhà và liên tục thay đổi chỗ ở.

 

Trong suốt buổi, Dũng trở nên trầm tư, ít nói và khuôn mặt lộ rõ vẻ hoang mang. Khi Văn đi ra ngoài (có lẽ đi vệ sinh), Dũng quay ra trách Binh Nhì tại sao lại gọi anh ra khi có tay an ninh này ở đấy. Binh Nhì giải thích rằng, đang ngồi uống bia với một người khác từng tham gia biểu tình trước đây (tôi xin được giấu tên), thì tay an ninh tên Văn tình cờ đi tập thể dục ngang qua nên ghé vào luôn. Khi thấy Văn tới thì người anh em kia đứng lên ra về. Binh Nhì còn cho chúng tôi xem hóa đơn thanh toán tiền nhậu lượt trước và tiếp tục ngồi với an ninh tên Văn trong khi chờ chúng tôi.

 

Khi viên an ninh này quay trở lại bàn, câu chuyện chỉ xoay quanh một vấn đề liên quan đến Dũng. Cả Binh Nhì và Văn đều “khuyên” Dũng trở về Phú Thọ làm ăn, không nên dính dáng đến chuyện đấu tranh gì nữa. Cả hai còn bảo đảm là Dũng sẽ không bị bắt, khởi tố hay gặp vấn đề pháp lý gì liên quan đến Nhật Ký Yêu Nước. Lúc này, tôi luôn có cảm giác lo lắng và đoán có thể Dũng đang gặp những rắc rối rất lớn với phía an ninh. Tôi đã cố lái câu chuyện sang hướng khác, với hy vọng Dũng sẽ cảm thấy bớt căng thẳng.

 

Vì lúc đó điện thoại để trong ba lô nên tôi không tiện lấy ra báo tin cho ai. Mãi đến khi tàn cuộc chuẩn bị thanh toán tiền để về thì xe của an ninh Phú Thọ ập đến. Họ yêu cầu anh Dũng quay trở lại bàn, nói vài câu ra vẻ trấn an và thông báo sẽ đưa anh về Phú Thọ ngay trong đêm.

 

Xin lưu ý, tất cả những người này đều mặc thường phục. Đến lúc này tôi mới để ý có hai người lạ mặt ngồi bàn đối diện ngay từ đầu, luôn quan sát mọi cử chỉ của chúng tôi. Khi đưa Dũng lên xe ô-tô, một viên an ninh đề nghị đưa xe gắn máy của anh về đồn công an. Tôi không đồng ý nên nói anh Dũng giao chìa khóa xe cho tôi. Tôi nói với anh sẽ mang xe đến tận nhà anh ở Phú Thọ.

 

Khi Dũng đã bị đưa đi, tôi và Binh Nhì trở lại bàn với an ninh tên Văn. Anh ta trách tôi rằng đang bộc lộ thái độ không tin tưởng đối với lực lượng an ninh. Anh ta hỏi tôi có tin anh ta không, tôi đã thẳng thắn trả lời: “Em tin Dũng sẽ về Phú Thọ đêm nay an toàn, nhưng em lo sau đó sẽ có nhiều việc phát sinh không lường trước được.” Nhân lúc không ai để ý, tôi có lén nhắn tin, báo tình hình của Dũng cho một số bạn bè được biết.

 

Sự thể sau đó thế nào, trong bài viết đăng trên trang facebook Lý Quang Sơn đã nói khá chi tiết. Điều đáng nói, là trong lần gặp trước, tâm lý Dũng hoàn toàn vui vẻ, thoải mái, khác hẳn với sự lo âu trong lần gặp sau, khi phải ngồi cùng viên an ninh tên Văn.

 

Việc Dũng trách Binh Nhì tại sao lại có sự xuất hiện của Văn mà vẫn gọi anh tới, cho thấy Dũng đã bị gài bẫy. Cho dù Văn đi tập thể dục ngang qua mà ghé vào, nếu không muốn Dũng gặp nguy hiểm, thì Binh Nhì phải báo cho Dũng để anh tránh mặt. Dù Dũng không làm gì sai, nhưng những người từng biểu tình chống Tàu, từng bày tỏ quan điểm trái với nhà nước đều bị liệt vào “thành phần chống đối”. Hơn thế, Binh Nhì biết rõ tình trạng của Dũng khi ấy, thì tại sao còn bày ra cuộc gặp này, dẫn đến kết cục bi thảm như chúng ta đã biết.

 

Sở dĩ bây giờ tôi mới lên tiếng vì cần thêm thời gian tìm hiểu và xác minh một số chuyện, tránh những hiểu lầm và những thông tin chưa chính xác. Tôi đã hỏi người anh em mà Binh Nhì nói đã nhậu cùng trước khi chúng tôi đến nhưng người này đã tỏ ra rất ngạc nhiên. Người này khẳng định không hề biết chuyện gì, không hề được Binh Nhì mời hay ngồi nhậu cùng hôm đó.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/05/1-36.jpg

Ảnh: Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam. Nguồn: FB nhân vật

 

Trong suốt thời gian tôi và một số người quen của Dũng chờ đợi Dũng được thả ra, tôi liên tục gọi và nhắn tin cho Binh Nhì để hỏi thông tin về Dũng, đồng thời cũng tìm cách liên lạc với nhà vợ cũ của Dũng để xác minh thông tin. Kết quả là thông tin từ hai phía luôn có sự khác nhau rất lớn.

 

Điều này nghĩa là giữa hai bên, sẽ có một bên nói dối, một bên nói thật. Trong thời gian Dũng bị “làm việc” với công an cho đến lúc được cho là tìm thấy xác bên bờ sông, tôi không liên lạc được trực tiếp với anh lần nào. Vì thế, tôi không dám khẳng định giữa Binh Nhì và gia đình anh Dũng (cụ thể là mẹ ruột của anh), thông tin bên nào là chính xác. Nhưng ngay cả khi chưa chắc chắn Dũng được thả hay chưa, tôi vẫn quyết định đi xe của Dũng về Phú Thọ, vừa là để trả xe, vừa để xem tình hình của Dũng ra sao.

 

Cuối cùng thì tất cả những gì mọi người thấy, là cái chết đầy bi thảm của Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduku). Anh đã gieo mình bên bờ sông, hay một sự thực nào khác thì chỉ có anh và người nào đó trực tiếp liên quan, mới biết được.

 

Rốt cục, sau cuộc gặp hôm ấy, tôi mất không chỉ một, mà là hai người anh. Tôi coi cả Dũng Aduku và Binh Nhì đều là anh em của mình. Theo thủ tục, người ta còn phải xét nghiệm AND mới kết luận xem xác chết hôm đó có phải của Dũng không? Nhưng sự thực thế nào, mỗi người đều cho mình một câu trả lời.

 

Ai nằm xuống đã nằm xuống, và ai ở lại tự bản thân có lựa chọn lối đi của riêng mình. Đứng trước nấm mộ mới đắp, tôi thầm khấn: “Dũng ơi, nếu là anh, xin hãy yên nghỉ; còn nếu là ai đó khác, xin phù hộ cho anh Dũng được bình an”.






BẬC THẦY ... ĐI BỘ (Fb Đỗ Trí Hùng)

 


BẬC THẦY ... ĐI BỘ   

(Fb Đỗ Trí Hùng)

Cù Tuấn 

12-5-2024  lúc 09:41  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid01B5Tp3AExL7NDy3NPruChLmjxasnKYQvxcoH5muwbNFqgdNAbhQDatxe2FQLdWPkl&id=61559705962827

 

1 – Những ngày gần đây cõi mạng ồn ào về hình ảnh một nhà sư đi bộ, nhà sư này có pháp danh Thích Minh Tuệ. Vài người trẻ tuổi phản biện kiểu : Đi bộ suốt ngày thế để chứng tỏ điều gì? Tự làm khổ mình để thành Phật chăng? Nếu ai cũng đi khất thực thì ai sẽ lao động, đất nước này sẽ đi về đâu?

 

Cái kiểu đặt câu hỏi này, dù rất tôn trọng lớp trẻ học nhiều hiểu rộng, tôi vẫn phải thốt lên, sao mà ngu lấy ngu để, ngu không để đâu cho hết ngu vậy trời?

 

Hỏi thế chắc khi xem Messi đá bóng, lại thốt lên, ai cũng thần tượng rồi học theo Messi đi đá bóng hết, rồi lấy ai lao động làm ra của cải vật chất, đất nước sẽ đi về đâu hả ông giời?

 

Rồi khi xem phim lại than, ai cũng thần tượng học theo trấn thành làm phim, thì lấy ai lao động sản xuất làm ra của cải, đất nước sẽ đi về đâu hả giời?

 

Rồi thậm chí đến nhà toán học hay nhạc công thiên tài cũng bị tra hỏi, nếu ai cũng thần tượng rồi học theo ông ngô bảo châu, ông đặng thái sơn... cứ suốt ngày ngồi làm toán với chơi đàn, thì lấy ai lao động sản xuất, đất nước này sẽ đi về đâu hả giời...

 

2 – Thế giới cổ kim có nhiều nhân vật vĩ đại, nhưng có ba ông được lịch sử tư tưởng đánh giá ngang hàng, chính là Socrat, Chúa Jesus và đức Phật. Ba vị này sẽ lưu danh đến muôn đời như ba bậc thầy thức tỉnh loài người khỏi cõi u mê tăm tối, dù đến nay, hàng ngàn năm đã trôi qua, nhân loại chưa hẳn đã thức tỉnh như mong muốn của họ thì ít nhất nhờ họ mà nhân loại giã từ kiếp cầm thú.

 

Và, cả ba vị này giống nhau y chang ở chỗ : Họ không có nhà cửa, không cần nhà cửa, họ không có chức vụ và không cần chức vụ, thậm chí họ chẳng cần cả món ăn theo nghĩa hốc đẫy tễ lấy ngon miệng như quí vị bây giờ, và ... họ cứ lang thang đi bộ khắp nơi, đi suôt ngày...

 

Nên nhớ, trong ba vị, thì một vị từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ ngôi báu. Một vị được mệnh danh “ người thông minh nhất hy lạp” đã từng được mời làm quan, được ban ghế thủ lĩnh hội đồng tư vấn cho chính quyền, và vị nữa thì các tín đồ xin được quyên góp xây điện để ngài ngự và giảng đạo

 

Nhưng, các vị ấy đã chọn ... lang thang đi bộ, ăn uống tạp nham, màn trời chiếu đất, để làm gì vậy?

 

Và, loài sâu bọ luôn có câu trả lời thay cho sư tử, bằng cái bụng của loài sâu bọ, thế mới buồn cười.

 

3 – Nói về sự đi bộ bền bỉ thì Socrat là người đi ít nhất, ông chỉ loanh quanh trong thành Athen, và tháng đôi lần vẫn rẽ về nhà để nghe vợ ... chửi.

 

Người đi thứ nhì chính là Chúa Giesu, thời kỳ đầu ngài chỉ giảng bài quanh vùng Galilea – phía bắc Israel ngay nay – và vài chuyến đến Yerushalayim tức Jezusalem và không xa hơn...

 

Đứng đầu trong ba vị chính là đức Phật. Ngài quả nhiên có sức lực vô biên, cả sự nghiệp hoằng pháp của ngài, ngài đã băng qua đồng bằng sông Hằng bao la, qua vương quốc Kosala – thuộc Nepan hiện tại – đến tận xứ Ma kiệt đà – tức vùng bắc Ấn độ - xuyên qua rất nhiều vương quốc nhỏ giữa các địa danh trên. Thật là kỳ tích vĩ đại...

 

Câu hỏi là, nếu cả ba vị thầy này đi bộ chỉ để giảng pháp, giảng triết học, giảng lẽ đời, thì, như phần 1 tôi đã nói, họ chỉ cần ngồi xuống lập tức đệ tử sẽ bu đến, và nơi họ tọa sẽ thành học viện, thiền viện, hàn lâm viện...

 

Vậy vì sao họ cứ đi bộ lang thang như kẻ vô gia cư, với những điều kiện sinh hoạt nhếch nhác như ăn mày?

 

4 – Giờ, các bạn hình dung, nếu có một thằng trọc mặc áo cà sa, tay đeo đồng hồ Rolex Thụy sĩ, bước lên xe hơi Mẹc sờ đùi, tọa trong quả tháp bọc vàng...

 

Và rao giảng cho chúng sinh về buông bỏ, về việc coi của cải là phù du, coi vật chất là vô thường, coi cám dỗ là căn nguyên của nghiệp chướng .... thì các bạn có tin được không?

Chắc bạn phải ngu lắm mới tin!

 

Giống như quan to vừa giảng đạo đức vừa ăn cắp, vừa nói về công chính vừa ... chịch phò, vừa hô khẩu hiệu hy sinh cho lý tưởng, vừa vơ vét của cải của bách tích găm hết vào váy vợ...

 

 

5 – Ba nhà tư tưởng bậc thầy của nhân loại họ dấn thân vào con đường tìm lý tưởng, tìm đạo, hướng tới tự do tinh thần và sự cao cả và họ dứt khoát khước từ mọi ràng buộc trần thế. Họ thực hiện đời sống của họ hoàn toàn trùng khít với tư tưởng của họ.

 

Họ khước từ mọi ràng buộc vật chất để đạt được sự độc lập tối đa và sự thiếu vắng hoàn toàn mọi ràng buộc đã khiến họ đạt được sự tự do vô hạn của mình...

 

Họ mới là bậc thầy, là bậc chí thánh của loài người.

 

Và, ông Thích Minh Tuệ, rất có thể ông và những người cùng dòng tu “khổ hạnh” chỉ đang muốn dấn thân trải nghiệm cuộc đời của sư tổ. Những kẻ trần tục và hạn hẹp thấy ông ấy như đang tự đày đọa, ai mà biết, trong tâm ông ấy hoàn toàn là sự thanh thản, sự tự do tuyệt đối.

 

 

P/S:

Cần phải bố thí cho thằng thích chăn bò ở chùa gì vài lời, thằng này thì ai cũng biết - trừ lũ mê muội - là hạng sư chăn bò, vơ vét tiền cúng dường và tọa trong chùa to, thấy thiên hạ tự dưng ca ngơi ông sư khổ hạnh kia thì nó sợ mất khách, nó đăng đàn thóa mạ ông ấy, đúng là đồ vô liêm sỉ. Thích chăn bò đừng lo lắng, vẫn còn nhiều bò cho ngài chăn!

 

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=122096365202323532&set=a.122096365232323532

Thầy Thích Minh Tuệ