Wednesday, February 5, 2025

VIỆT NAM CHỌN EVN và PETROVIETNAM ĐẦU TƯ ĐIỆN HẠT NHÂN, ĐIỆN THAN VẪN GIỮ VAI TRÒ CHÍNH (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam chọn EVN và Petrovietnam đầu tư điện hạt nhân, điện than vẫn giữ vai trò chính

BBC News Tiếng Việt

5 tháng 2 năm 2025   18:28 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgme4exngwo

 

Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán với các đối tác nước ngoài trong tháng này về các dự án phát triển hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Chính phủ cho biết hôm 4/2.

 

Các đối tác mà Việt Nam sẽ thảo luận bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Mỹ, theo thông tin từ truyền thông trong nước.

 

Với yêu cầu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước 31/12/2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

 

Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

 

Báo Điện tử Chính phủ cho hay ông Chính yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2/2025 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, tuy nhiên cần "có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống".

 

Là một trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường nguồn cung cấp điện để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với trọng tâm có nguồn năng lượng sạch hơn.

 

Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Do đó, nhu cầu điện phải tăng từ 12-16%/năm.

 

Vào năm 2009, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch phát triển hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, nhưng đến năm 2016 kế hoạch này đã bị gác lại sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản và do hạn chế về ngân sách.

 

Đến năm 2024, tại Hội nghị Trung ương hôm 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

 

Phát biểu tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân hôm 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, và phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

 

·        Điện hạt nhân Việt Nam: Chọn đối tác nào và vì sao?25 tháng 11 năm 2024

·        Có phải năng lượng hạt nhân đang hồi sinh?21 tháng 11 năm 2024

·        Việt Nam cân nhắc khôi phục kế hoạch phát triển điện hạt nhân13 tháng 9 năm 2024

 

 

Việt Nam điều chỉnh kế hoạch điện

 

Việt Nam xem xét giảm mục tiêu phát triển điện từ khí đốt và điện gió ngoài khơi trong thập kỷ này, trong khi than và các nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ đảm nhận vai trò bù đắp sản lượng trước khi điện hạt nhân được tích hợp vào hệ thống từ năm 2035, theo dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện 8 của Bộ Công thương.

 

Bản dự thảo này, đã qua 7 lần sửa đổi, được đưa ra vào cuối ngày 4/2 và vẫn có thể thay đổi, nhằm thay thế kế hoạch phát điện năm 2023.

 

Mất 4 năm khởi thảo, qua 7 lần sửa đổi, sau 8 tháng thực hiện, Quy hoạch điện 8 lại phải tiếp tục điều chỉnh vì nhiều mục tiêu "không phù hợp".

 

Động thái này diễn ra khi Việt Nam, trung tâm xuất khẩu của Đông Nam Á, đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng từ các nhà sản xuất trong nước và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại đây.

 

VIDEO : Điện hạt nhân Việt Nam: Vì sao Ninh Thuận?

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgme4exngwo

 

 

Điện gió ngoài khơi bị lùi sang 2035

 

Theo kế hoạch sửa đổi, trong thập niên này, Việt Nam sẽ không triển khai dự án điện gió ngoài khơi nào thay vì lắp đặt 6 GW vào năm 2030 như mục tiêu trước đây. Mốc này nay được lùi sang 2035, phù hợp hơn với triển vọng kém lạc quan của ngành.

 

Công suất lắp đặt để chuyển đổi từ khí đốt thành điện cũng sẽ giảm đáng kể so với kế hoạch ban đầu do nguồn cung trong nước hạn chế và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thấp hơn dự kiến.

 

Nhập khẩu LNG - vốn là một phần trong đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh các biện pháp thuế quan, theo các quan chức - được dự báo sẽ tạo ra 18 GW công suất vào năm 2030, giảm so với 22,4 GW theo kế hoạch cũ.

 

Dự thảo cũng nêu rõ, sản xuất điện từ LNG sẽ bắt đầu trong năm nay với tổng công suất ban đầu là 0,8 GW từ các nhà máy điện đầu tiên. Tuần trước, PetroVietnam Power cho biết hai nhà máy LNG với công suất 1,5 GW dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6/2025.

 

Nguồn cung khí đốt nội địa dự kiến chỉ hỗ trợ công suất lắp đặt 10,8 GW vào năm 2030, giảm so với mức gần 15 GW theo kế hoạch ban đầu.

 

Một trong những lý do dẫn đến việc điều chỉnh mục tiêu quy hoạch điện là những khó khăn tại mỏ khí lớn nhất Việt Nam là mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale) của công ty dầu khíMỹ Exxon Mobil, nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, vẫn theo dự thảo nói trên.

 

Theo Reuters, điều này xác nhận các báo cáo trước đó của hãng thông tấn này về vấn đề trên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b217/live/0ca49480-e3ab-11ef-a819-277e390a7a08.jpg.webp

Nhà máy điện gió ngoài khơi ở xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam

 

 

Than tiếp tục đóng vai trò chính

 

Quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo kỳ vọng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng điện từ khí đốt và điện gió ngoài khơi bằng cách tăng cường sản xuất điện từ than, thủy điện và các nguồn tái tạo khác như điện mặt trời và gió trên bờ.

 

Tổng công suất phát điện dự kiến đạt 175 GW vào năm 2030, cao hơn so với mức 150 GW theo kế hoạch ban đầu.

 

Nhằm tránh tình trạng thiếu điện từng xảy ra trong đợt nắng nóng năm 2023, Việt Nam đã tăng nhập khẩu than trong năm 2024 và có kế hoạch mở rộng công suất lắp đặt nhiệt điện than vào năm 2030 trước khi tiến tới đóng cửa các nhà máy khoảng giữa thế kỷ này.

 

Công suất điện than dự kiến đạt 31 GW vào cuối thập kỷ này, cao hơn mức 30,1 GW trước đây.

 

Thêm vào đó, khoảng 7,2 GW công suất tạm thời có thể đưa tổng công suất tiềm năng vượt hơn một phần tư, củng cố vai trò của than như nguồn năng lượng chính của Việt Nam.

 

Công suất điện mặt trời dự kiến cũng sẽ tăng gấp đôi so với mục tiêu hiện tại lên 30,4 GW vào năm 2030.

 

Các lò phản ứng hạt nhân, mới được đưa trở lại kế hoạch phát triển điện, dự kiến sẽ vận hành từ năm 2035 và đóng góp gần 5 GW vào giữa thế kỷ, theo bản dự thảo.

 

---------------

Tin liên quan

·         

Phía sau thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân Việt Nam - Nga

16 tháng 1 năm 2025

·         

Lại sửa Quy hoạch điện 8 - Gọt chân sao cho vừa giày?

3 tháng 1 năm 2025

·         

Điện hạt nhân Việt Nam: Để không mắc kẹt vào một nước

2 tháng 2 năm 2025

 

 





No comments: