Kiểm
soát Groenland : Nước cờ của Donald Trump
Minh
Anh - RFI
Đăng
ngày: 03/02/2025 - 14:27
Ngày
22/12/2024, trên mạng xã hội X, Donald Trump sau khi đắc cử tổng thống tuyên bố :
« Vì những lý do an ninh quốc gia và an toàn tự do lưu thông hàng hải cho
thế giới, Hoa Kỳ cho rằng việc sở hữu và kiểm soát Groenland là điều tuyệt đối
cần thiết ». Do vậy, Hoa Kỳ sẵn sàng mua lại và « không loại trừ »
khả năng chiếm đoạt kiểm soát bằng vũ lực.
HÌNH
:
Một
góc bờ tây đảo Groenland. AFP - JAMES BROOKS
Làm
thế nào Hoa Kỳ, quốc gia dẫn đầu Liên Minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương lại có thể
đưa ra ý đồ tấn công một nước đồng minh, một kịch bản mà cả Liên Hiệp Châu Âu
không hề nghĩ đến ? Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, những phát biểu
trên của ông Donald Trump chỉ là một sự ầm ĩ bề ngoài.
Thực
ra, đó là cả một nước cờ tính toán dài hạn cho tương lai, và châu Âu, một lần nữa,
có nguy cơ trở thành kẻ bên lề « trong một thế giới mà các đại cường kể
từ giờ đặt lợi ích quốc gia là ưu tiên » theo như nhận định từ nhà
báo Alain Guillemoles, trưởng ban Quốc tế, nhật báo công giáo La Croix.
Chiếm
đánh quân sự
Trong
bài viết có tựa đề « Groenland dưới sự kiểm soát của Mỹ : Bằng
cách nào và với giá nào ? » ông Guillemoles trước hết cho rằng
Hoa Kỳ có ít nhất ba phương cách để chiếm lấy kiểm soát Groenland, nhưng hai
trong số này ít khả thi vì nhiều lý do.
Thứ
nhất,
Hoa Kỳ có thể tiến hành một cuộc xâm chiếm quân sự, rồi sau đó cho sáp nhập như
Nga đã làm với bán đảo Crimée của Ukraina. Với vị thế là siêu cường quân sự
hàng đầu thế giới, Mỹ có thể dễ dàng thực hiện cách thức này, nhất là khi Mỹ đã
có một căn cứ quân sự tại Groenland, một lãnh thổ rộng đến hai triệu cây số
vuông nhưng lại rất thưa thớt dân cư với chỉ 57 ngàn người.
Tuy
nhiên, theo nhà báo Guillemoles, tổng thống Trump ít có khả năng bắt chước đồng
nhiệm Nga Vladimir Putin, bởi vì Groenland vẫn luôn là một vùng tự trị thuộc
Đan Mạch, một đồng minh của Mỹ. Người ta khó có thể nghĩ rằng Mỹ sẽ bất thình
lình quyết định đi đến việc chống lại các giá trị của chính mình và chống lại
các nước châu Âu mà Mỹ có quan hệ chặt chẽ.
Mua
lại Groenland, nhưng giá nào ?
Thứ
hai là
mua lại Groenland, nhưng với giá nào ? Năm 2019, Donald Trump đã từng đề
xuất ý tưởng mua lại như thể đó là một giao dịch bất động sản. Văn phòng nghiên
cứu Asterès đã từng thử thẩm định mức giá Groenland nếu như hòn đảo này được
bán, và đưa ra hai phương pháp mua khác nhau có thể được sử dụng.
Đầu
tiên hết là dựa trên một sự so sánh với các vụ mua bán tương tự từng diễn ra
trong thế kỷ XIX, như vụ mua lại Alaska từ Nga năm 1867, theo đó, giá bán có thể
lên đến 77 tỷ đô la. Nhưng cơ quan Asterès lưu ý rằng phương pháp này không
đáng tin cậy lắm, bởi vì « nó giống như việc ước tính giá nhà dựa trên
giá bán của nhà bên cạnh cách nay một thế kỷ ».
Một
phương pháp khác cho mức giá cao hơn rất nhiều lên đến 1.100 tỷ đô la.
Phương pháp này tính toán giá của một tài sản dựa trên những gì nó có thể mang
lại. Đây là mức giá ước tính các nguồn tài nguyên hiện có nằm sâu trong lòng đất.
Tuy
nhiên, nghiên cứu nhìn nhận mức giá này chưa tính đến chi phí khai thác cũng
như chi phí tài trợ cho cơ sở hạ tầng của Groenland. Cơ quan tư vấn này lưu ý
thêm rằng cách tính này vẫn chỉ là một sự giả định, bởi vì chưa có vùng lãnh thổ
nào được bán kể từ sau thương vụ Mỹ mua quần đảo Vierges năm 1915.
Hơn
nữa, Groenland, sau ba thế kỷ, không còn là thuộc địa của Đan Mạch. Chính quyền
Copenhague, dù có muốn cũng không thể bán Groenland, kể từ khi vùng lãnh thổ
này có được quyền tự trị vào năm 1986. Trước những phát biểu ồn ào của Donald
Trump, vị thủ tướng trẻ tuổi Mute Egede, những ngày gần đây nhắc lại rằng
« Groenland thuộc về người dân Groenland, những người duy nhất mới có
thể quyết định tương lai của mình ».
Hậu
thuẫn phe đòi độc lập
Giải
pháp sau cùng được
nhà báo Alain Guillemoles cùng nhiều nhà phân tích đề cập đến và cho là thực tế
nhất, khả thi nhất, chính là hậu thuẫn phe đòi độc lập tại Groenland, không ngừng
thắng thế trên địa bàn. Vào tháng 4/2025, Groenland sẽ tổ chức bầu cử Nghị Viện
vùng và có nhiều khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho
Groenland, theo như thủ tướng Groenland Mute Egede đề cập đến trong bài diễn
văn đầu năm 2025. Trả lời báo La Croix, bà Tamara Espineira, giảng viên trường
đại học Khoa học Chính trị lưu ý rằng « Groenland dường như đã có quyền
tổ chức trưng cầu dân ý mà không cần sự đồng tình từ Copenhague do quy chế của
đảo hiện nay. »
Thế
nên, theo đánh giá của Anthony Bellanger, cây bút xã luận trên đài France Info
và cũng là chuyên gia về quan hệ quốc tế, những gì ông Trump đang làm, tức là
« ông ấy đặt tiền và vũ khí » trên bàn, không hẳn là nhằm chống lại
chính phủ Đan Mạch mà đó là một cách tổng thống Mỹ muốn gởi đi một thông điệp đến
người dân Groenland. Trên kênh truyền hình Pháp France 5, ông Anthony Bellanger
giải thích :
« Đan
Mạch chiếm đóng Groenland trong quãng thời gian 1721-1741. Họ đến đảo cùng với
dân định cư theo đạo Luther để cải đạo vùng đất này. Điều đầu tiên người Đan Mạch
mang đến cho người dân Groenland là bệnh đậu mùa, và dịch bệnh này đã giết chết
2/3 dân số đảo.
Giờ
Groenland còn phải đối mặt với một vụ tai tiếng lớn, đó là trong vòng 20 năm
chính quyền Copenhague đã thực hiện chính sách cưỡng ép triệt sản phụ nữ
Groenland để ngăn cản họ sinh con. Những người phụ nữ đó còn không biết là họ bị
đặt vòng tránh thai. Giờ chính phủ Đan Mạch trong tình thế bối rối, bắt đầu tự
hỏi về việc xin lỗi người dân.
Người
dân Groenland đang dần đi từ trạng thái thuộc địa hoàn toàn sang tự trị tăng cường
vào năm 1989, và giờ bắt đầu tự vấn về nền độc lập của mình. Trong kịch bản
này, câu hỏi duy nhất cần lời giải : Liệu chúng ta có thể bỏ qua Đan Mạch
hay không ? Và ông Trump nói rằng Có. Tôi đang ở đây ! »
Thông
điệp của Trump
hậu
thuẫn phe đòi độc lập, nguyên thủ Mỹ muốn bắn đi một thông điệp rằng Groenland
có thể trông cậy vào nhiều đối tác khác nếu như đảo này không còn sự hỗ trợ từ
Đan Mạch để tài trợ cho nền kinh tế. Hơn nữa, trong một cuộc họp báo hôm 13/01,
thủ tướng Groenland nêu rõ : « Chúng ta phải bắt tay với Mỹ. Chúng
tôi đã bắt đầu khởi động một cuộc đối thoại và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với
Trump. » Ông cũng không quên nhấn mạng rằng « lãnh thổ này vẫn
mở rộng cửa cho hoạt động khai thác mỏ. Điều này vẫn sẽ như thế trong những năm
sắp tới ».
Nếu
như quá trình đi đến độc lập diễn ra suôn sẻ, Hoa Kỳ xem như đã có một lợi thế
trước các đối thủ và có thể đề xuất với Groenland một thỏa thuận liên kết tương
tự như với quần đảo Micronesia. Theo đó, Washington đảm bảo về an ninh nhờ vào
một căn cứ quân sự và tài trợ bảo trì các cơ sở hạ tầng. Giảng viên Tamara
Espineira cho rằng, « đây là một mô hình có thể sao chép dễ dàng với
Groenland. Hoa Kỳ đã hiện diện rất nhiều ở đó. Trong trường hợp có thiên tai,
ai có thể ứng cứu ? Chính là Hoa Kỳ. Và nếu giành được độc lập, đồng tiền
nào sẽ được sử dụng ? Đó sẽ là đô la ! ».
Đối
với Tamara Espineira, mọi sự cho thấy rằng Hoa Kỳ không sẵn sàng từ bỏ. « Ai
cũng tin rằng Donald Trump điên rồ, nhưng ông ấy chỉ là người thô bạo » !
Trong
tình huống này, châu Âu tỏ ra kín tiếng : Giữa một bên là Ukraina và một
bên là Groenland, Liên Âu bảo vệ ai, bỏ ai ? Liệu những phát biểu mà tổng
thống Trump đưa ra có là một lời nhắn nhủ đến Liên Hiệp Châu Âu : « Hãy
để Mỹ kiểm soát Groenland nếu quý vị muốn chúng tôi bảo vệ Ukraina ! »,
hay không ?
No comments:
Post a Comment