Thursday, January 31, 2019

MỪNG HAY LO : NHẬN DẠNG TỰ ĐỘNG ĐỂ BẮT NGHI PHẠM? (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
31/1/2019

Cảnh sát London đang thử nghiệm tự động nhận dạng gương mặt, một công nghệ gây tranh cãi vì lo ngại về tính riêng tư của công dân.

Cảnh sát ở London đang thử nghiệm công nghệ quét mặt tự động.  GETTY IMAGES


Romford, một vùng ở ngoại vi London, chứng kiến việc thử nghiệm trong hai ngày 31/1 và 1/2.
Trước đó, cảnh sát London đã làm thử tám lần ở những nơi khác.

Việc tự động nhận dạng được tiến hành tám giờ trong ngày, có sự chứng kiến của cảnh sát mặc đồng phục, với thông tin được phát cho người dân.
Trong thử nghiệm này, máy của cảnh sát lưu trữ những người đang bị giới chức truy nã.
Nếu máy quét thấy có gương mặt giống với kho dữ liệu, cảnh sát tại chỗ sẽ tiến hành kiểm tra để xác minh danh tính người bị máy báo động.

Cảnh sát London nói tháng 12 năm ngoái, trong một thử nghiệm tương tự, họ đã tiến hành hai vụ bắt giữ do kết quả của máy.
Tuy vậy, có tổ chức như Big Brother Watch, vận động cho quyền riêng tư, lên án công nghệ này là "độc đoán, nguy hiểm, vô luật pháp".
Thông cáo của nhóm này tháng 12 năm ngoái nói "theo dõi người vô tội ở nơi công cộng là xâm phạm quyền căn bản về riêng tư, tự do ngôn luận và tụ họp".

Tại Cardiff, Wales, xe cảnh sát gắn máy nhận dạng tự động

Tại Wales, cảnh sát đã dùng công nghệ tự động nhận diện gương mặt ở nhiều sự kiện tại Cardiff kể từ chung kết Champions League tháng 6/2017.
Một nghiên cứu về việc này nói rằng độ chính xác của nó tại Wales đã cải thiện từ khi sử dụng, nhưng bị xấu đi khi thiếu ánh sáng hay giữa đám đông người.
Tại Wales, từ khi bắt đầu dùng ở trung tâm thành phố Cardiff nhân chung kết Champions League 2017, công nghệ mới này khiến 2.000 người bị nhận diện nhầm.

Chuyên gia về quyền riêng tư của LHQ Joseph Cannataci đã chỉ trích việc sử dụng công nghệ của cảnh sát tại Wales.

Nhận diện gương mặt - thông qua thuật toán để ráp nối gương mặt người với dữ liệu video và ảnh - dĩ nhiên không phải là điều mới mẻ.
Kỹ thuật này đã được dùng để 'tag' người dùng trên Facebook, mở khóa iPhone hay PlayStation.
Đa số công dân Mỹ cũng đã có trong kho dữ liệu nhận diện gương mặt của chính phủ, dựa vào ảnh passport và bằng lái xe.
Tại Mỹ, FBI và nhiều cơ quan thực thi pháp luật đã sử dụng các dữ liệu này từ nhiều năm. Nhưng thường việc ráp nối diễn ra trong hoàn cảnh "cố định", nghĩa là so sánh hình ảnh, video với các hình chụp khác.
Khi công nghệ tiến bộ hơn, xuất hiện khả năng nhận diện gương mặt "trực tiếp". Máy quay video trực tiếp sẽ quét hình ảnh người đang đi để ráp nối với kho dữ liệu nghi phạm.

Theo NBC News, cơ quan an ninh Mỹ đã thử nghiệm công nghệ mới ở một số sân bay. Và hiện nay, người Mỹ đang xây dựng các hệ thống để có thể dùng cho cảnh sát địa phương.
Nhưng công nghệ nhận dạng mới đã gây ra lo ngại về việc theo dõi, xác minh nhầm.
Việc nhận dạng hiện không hoàn hảo, và có thể sẽ không bao giờ hoàn hảo để biết chắc 100% rằng gương mặt trong hai hình là một.

Một nghiên cứu gần đây của Joy Buolamwini, từ MIT, cho thấy các hệ thống còn không xác định được giới tính của các phụ nữ da đen nổi tiếng như Michelle Obama và Oprah Winfrey.
Năm ngoái, truyền thông Mỹ tiết lộ tập đoàn thương mại điện tử Amazon cũng đã bước chân vào ngành "kinh doanh theo dõi".
Khi đó, người ta biết rằng một số lực lượng cảnh sát Mỹ, như tại Orlando, Flodia, đã mua công nghệ nhận dạng của Amazon.
Nhiều nhân viên Amazon kêu gọi tổng giám đốc Jeff Bezos ngừng hợp tác.
Sau khi gặp sức ép, cuối tháng Sáu 2018, cảnh sát thành phố Orlando nói họ dừng chương trình thử nghiệm.


Nhưng khi ngày càng có nhiều công ty công nghệ tiếp thị sản phẩm cho cảnh sát, phải chăng sớm muộn công nghệ này sẽ trở nên phổ biến?

Nicola Dickinson, phó chủ tịch của Digital Barriers, nói với NBC News năm ngoái: "Chúng ta đang rất gần đến việc đưa công nghệ đến tay lực lượng thực thi pháp luật."
Hệ thống nhận dạng của Digital Barriers đã được nhiều nơi ở châu Âu, châu Á và trong chính phủ Mỹ sử dụng, theo lời công ty này. Nhưng họ từ chối tiết lộ tên khách hàng.

Cảnh sát tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đeo kính để nhận dạng nghi phạm. AFP

Tháng Hai năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc, nhân dịp Tết, đã công khai sử dụng công nghệ nhận diện gắn trên kính đeo.
Giới chức nói thiết bị giúp họ trong những dịp đông người như khi người Trung Quốc về quê dịp Tết.
Hình ảnh nữ cảnh sát đeo kính nhận dạng ở một nhà ga ở tỉnh Hà Nam khi đó xuất hiện trên nhiều tờ báo.

*
Tin liên quan
.
.
.
.
.







PHẢN ỨNG CỦA VIỆT NAM RA SAO KHI EVFTA BỊ HOÃN VÔ THỜI HẠN? (Thường Sơn - VNTB)




31-1-2019

Lần đầu tiên trang tin chính phủ Việt Nam phải gián tiếp thừa nhận vai trò của ‘các tổ chức dân sự’.

Những ngày giáp tết nguyên đán 2019.

Một tuần sau khi Liên minh châu Âu quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu), toàn bộ các cơ quan đảng và chính quyền của Việt Nam, từ cấp tổng bí thư đến thủ tướng, các bộ ngành kinh tế vẫn im như thóc mà không có nổi một phản ứng ra hồn. Cùng lúc, hệ thống báo đảng và nhiều tờ báo nhà nước khác cũng im bặt, trái ngược với không khí ‘hồ hởi, náo nức’ đón chào ‘Hiệp định EVFTA sắp được ký kết và thông qua’ trước đó.

Phản ứng duy nhất chỉ đến từ… Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Hiện nay, cả Việt Nam và Liên minh Châu âu (EU) đang tích cực các nỗ lực và thủ tục để sớm có thể chính thức phê chuẩn và đưa Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi”.

Vẹt !

Nhưng để EVFTA ‘đi vào thực thi’, hiệp định này lại cần được ký kết giữa Hội đồng châu Âu với Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên kể từ sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brussels của Bỉ vào tháng 10/2018 và sau tờ trình của Ủy ban châu Âu cho Hội đồng châu Âu, đã không có bất kỳ tín hiệu nào từ phía hội đồng này về việc có khả năng chấp thuận cho Ủy ban châu Âu hoặc chính hội đồng này sẽ ký kết EVFTA với phía Việt Nam. 

Như vậy, ‘đường về nhà còn xa lắm’ - như tựa đề một bộ phim của Việt Nam. Chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội đồng châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu thông qua.

Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội đồng châu Âu: Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu - một cơ quan tham mưu cho Nghị viện châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội đồng châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị viện châu Âu gật đầu cho hiệp định này ‘qua đò’.

Vậy quan điểm của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu ra sao?

Mới đây, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp châu Âu, cùng  sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - tuy là người được xem là ôn hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.

Bernd Lange là quan chức cao cấp của châu Âu đã đến Hà Nội vài ba lần trong hai năm 2017 và 2018, đã tiếp xúc với nhiều quan chức của chính phủ Việt Nam, kể cả với Bộ trưởng công an Tô Lâm, để thuyết phục Việt Nam cải thiện nhân quyền nhằm thỏa mãn một điều kiện của EVFTA mà về sau này đã trở nên một đòi hỏi dứt khoát của Nghị viện châu Âu. Tuy vậy, các quan chức Việt Nam vẫn cố thủ trong não trạng bảo thủ và tiếp tục đàn áp quyền làm người ở dải đất hình chữ S.

Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp trên chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.

Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…

Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nng như hiện nay giữa các tổ chức nn quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở châu Âu. Rõ ràng là tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng ghê gớm của chính thể độc đảng ở Việt Nam, cộng hưởng với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, đã khiến phát sinh hiệu ứng nước tràn ly và nhiều chính phủ đã phải bày tỏ thái độ phản ứng trực tiếp với sự trơ tráo của Hà Nội.

Ngay trước khi cuộc họp của Hội đồng châu Âu về EVFTA diễn ra, một bản yêu cầu khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) đã được gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, kèm theo chữ ký của 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam, yêu cầu hoãn EVFTA do nhà nước Việt Nam đã không chịu có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào.

Trong một bức thư gửi cho Thủ Tướng Shinzo Abe trong năm 2018, Giám đốc của HRW (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền)  tại Nhật Bản Kanae Doi viết: “Chính phủ Việt Nam vẫn là một trong các chế độ đàn áp nhất thế giới. Trong tư cách là nước cấp viện lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản có cơ hội và nghĩa vụ phải lên tiếng về những hành động vi phạm nhân quyền đối với các công dân Việt Nam.”

Những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam - giới mà chính quyền luôn coi thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của đảng CSVN, đã làm nên một chiến thắng lịch sử. Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng lòng’ đối với đảng CSVN: nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn. Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối trá về nhân quyền.

Hẳn đó là nguồn cơn vì sao trong bản tin của Chính phủ Việt Nam về cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao về EVFTA có đoạn “trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin một số tổ chức dân sự kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu thông qua EVFTA”.

Có thể xem đây là lần đầu tiên trang tin chính phủ Việt Nam phải gián tiếp thừa nhận vai trò của ‘các tổ chức dân sự’, hay nói cách khác là của Xã hội dân sự mà đã hình thành và tồn tại trong lòng xã hội Việt Nam từ hàng chục năm qua, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, như một thực thể và hơn thế là một thực thể đáng gờm trong tác động phản biện ra quốc tế đối với những chính sách của chính quyền Việt Nam.

----------------------

LIÊN QUAN

2-1-2019

Bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp châu Âu, cùng  sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - tuy là người được xem là hiền hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.

Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU

Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu là cơ quan có thẩm quyền rất quan trọng trong việc tham mưu EVFTA cho Nghị viện châu Âu. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội đồng châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị viện châu Âu gật đầu cho hiệp định này ‘qua đò’.

Vào năm 2018, Bernd Lange đã đến Việt Nam để gặp một số quan chức cấp cao nhằm thuyết phục chế độ này ‘mở lòng’ cho nhân quyền, trong đó có cuộc gặp với tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an vào chiều 27/7/2018 tại Hà Nội.

Ngay sau cuộc gặp trên, Bộ Công an Việt Nam đã đưa một bản tin ‘lạ’:  “Ngài Bernd Lange khẳng định, cá nhân mình và EU sẽ cố gắng thúc đẩy Hiệp định EVFTA sớm được thông qua, cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Bộ Công an trong thời gian tới...”

Đó là thời điểm sắp diễn ra cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền do Ủy ban châu Âu (cơ quan thuộc Hội đồng châu Âu) tổ chức tại Brusells, Bỉ - dịp mà giới chóp bu Việt Nam rất hy vọng rằng EVFTA sẽ được ‘qua cầu’, cho dù chính thể độc trị này vẫn bị lên án vi phạm nhân quyền trầm trọng bởi nhiều nghị sĩ châu Âu và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Thế nhưng hy vọng đó đã bị dập tắt.

Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, rốt cuộc từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.

Khi đến Hà Nội vào tháng 9/2017, ông Bernd Lange cũng đã nói thẳng “Nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu- EU”. Ông Bernd Lange cũng nói rằng nếu Việt Nam không giải quyết đầy đủ các quan ngại về nhân quyền thì e rằng chuyện thương thảo giữa đôi bên sẽ gặp rắc rối.

Còn chuyến công du Hà Nội của ông Bernd Lange vào những ngày cuối tháng Bảy năm 2018 đã mang lại một tín hiệu mới lạc quan hơn: xác lập vị trí của những yêu sách về nhân quyền trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), từ chỗ khá yếu thế cách đây hai năm, đang trở nên tương đối mạnh mẽ vào thời gian này.

Phát biểu tại hội thảo ‘Kinh doanh và Quyền Con người trong Quan hệ Thương mại và Chuỗi Cung ứng Toàn cầu tại Việt Nam’ vào sáng 25/7 tại Hà Nội, ông Bernd Lange cho biết 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang là mối quan tâm của các Nghị sỹ Châu Âu. Việc Việt Nam đưa ra những cam kết rõ ràng và mang tính ràng buộc sẽ góp phần thuyết phục các nghị sỹ sớm thông qua EVFTA…

Nhưng đã quá rõ là từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến cuối năm đó, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng châu Âu và Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU -  đã không cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.


--------------------------------------------
2-1-2019

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tại Thuỵ sĩ tháng 1 năm 2019 có sự tham dự của 3.000 người từ 115 quốc gia trên thế giới với nhiều lãnh đạo cấp cao và tập đoàn lớn cùng góp mặt. Đây là dịp để ông Phúc tiếp thị quốc gia và mời chào các nhà lãnh đạo, chủ các công ty lớn và các nhà đầu tư đến Việt Nam. 

hủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên khai mạc Cuộc gặp các nhà lãnh đạo về chương trình nghị sự hành động đại dương. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Davos – “EVFTA vận” khắp nơi 

Lịch làm việc của ông Phúc kín mít vì phải gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia từ đông sang tây cũng như lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới.

Trước hết dĩ nhiên là Tổng thống nước chủ nhà Thuỵ Sỹ Ueli Maurer. Thuỵ Sỹ đã cam kết viện trợ 90 triệu đô la mỹ ODA cho Việt nam trong các năm 2017 – 2020 và ông Phúc đã vô cùng biết ơn Thuỵ Sỹ về điều đó.

Sau đó lần lượt có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Romania Ana Birchall, ông Phúc đề cao mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè truyền thống ở khu vực Đông Âu. Khi gặp Thủ Tướng Hoà Lan Mark Rutte, ông Phúc mong được hỗ trợ thêm nhiều chương trình mới ngoài các chương trình về môi trường, giáo dục, nông nghiệp.

Với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, ông Phúc cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Séc đã tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sở tại hòa nhập, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Séc và làm cầu nối cho quan hệ hai nước ngày càng gắn bó.

Ở cả ba cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu nay, ông Phúc đều bày tỏ mong muốn các quốc gia thành viên EU là Romania, Hoà Lan và Cộng hoà Sec thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Ông Phúc cũng bày tỏ nguyện vọng tương tự khi tiếp xúc với ngài Jyrki Katainen, Phó chủ tịch Cộng Đồng Châu Âu thúc đẩy quy trình ký kết để EVFTA có thể được ký kết vào quý 1 năm 2019; đồng thời cũng nhắc luôn ngài Phó chủ tịch EU rằng Việt Nam đang cần được Châu Âu xoá thẻ vàng thuỷ sản.

Ngoài ra với Thuỵ Sỹ, ông Phúc “mong muốn” Thụy Sỹ và Khối Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thực tế để sớm thông qua Hiệp định EVFTA, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Trong các buổi gặp gỡ với các tập đoàn kinh doanh lớn của EU như Tổng Giám đốc Công ty AB Carlos Brito, Chủ tịch Tập đoàn Procter & Gamble Mages-vanran Suranjan, Giám đốc Tập đoàn Adidas Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc Điều hành Carlsberg Cees’t Hart; ông Phúc cũng không ngần ngại yêu cầu các vị này “tích cực thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) sớm đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp định EVFTA để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu thúc đẩy hợp tác đầu tư thời gian tới.”

Chừa ra cửa Đức 

Trong số các lãnh đạo chính trị châu Âu còn có Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, và đặc biệt Angela Merkel, Thủ tướng Đức. Ông Phúc có lẽ đã tránh không giáp mặt bà Merkel vì vụ Trịnh Xuân Thanh.

Trong lần gặp mặt ở G-20 tháng 7 năm 2017 ở Hamburg, bà Merkel đã có một buổi tiếp ông Phúc bên lề hội nghị. Từ lúc xảy ra vụ bắt có Trịnh Xuân Thanh cho tới nay đã hơn một năm rưỡi nhưng phía Việt Nam vẫn chưa trao trả lại Xuân Thanh cho Đức như phía Đức yêu cầu.

Đức vốn là một nhà đầu tư lớn vào Việt Nam và tiếng nói của Đức để giúp cho EVFTA được phê chuẩn sẽ có trọng lượng rất nhiều nhưng lại không được ông Phúc tận dụng trong lần đi Davos này. Nhưng báo đảng lại không hề hé lộ tin tức ông Phúc có gặp bà Merkel và có khẩn cầu nước Đức nói vào một tiếng cho EU sớm thông qua hiệp định EVFTA hay không.

Vụ việc chưa yên, trong khi ông Phúc vất vả đi cạy cục lãnh đạo từng quốc gia trong khối EU cũng như các ông lớn trong các tập đoàn kinh tế nói giúp cho Việt Nam một tiếng để sớm ký được EVFTA, thì chưa đầy một tuần lễ sau, ông Trọng lại phong hàm cấp Đại tướng cho ông Tô Lâm, một người mà báo chí Đức, Slovakia và các quốc gia châu Âu khác cáo buộc đã nhúng tay vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Rõ là người xây người phá!

Điều nay chẳng khác gì lại là một sự thách thức lớn khác với nước Đức khi ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn phải thụ án ở Việt Nam, và mối quan hệ Đức Việt vẫn chưa được nồng ấm trở lại.

Bà Merkel sẽ từ chức năm 2021, từ giờ cho tới đó, ông Phúc vẫn còn phải đi năn nỉ các quốc gia châu Âu dài dài để có được EVFTA một khi vụ Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa được khép lại.

EVFTA vận từ trong nước vận ra 

Chỉ một ngày trước khi diễn đàn kinh tế thế giới 2019 diễn ra, ngày 22 tháng1 năm 2019 phái đoàn Việt Nam đã bị rát mặt trong phiên điều trần về nhân quyền tại Geneva khi các quốc gia trên thế giới xoay Việt Nam về luật An ninh Mạng, các điều khoản ILO, án tử hình...

Và ngay hôm sau đó, ngày 23 tháng 1 năm 2019, đã có thông tin chính thức EVFTA sẽ bị hoãn lại do “lý do kỹ thuật”. Lý do kỹ thuật ở đây chính là các vi phạm nhân quyền mà phái đoàn Việt Nam đã cố gắng phủ nhận trong phiên điều trần chiều ngày 22 tháng 1.

Ông Phúc cũng đã có cuộc gặp gỡ với Phó Chủ tịch Facebook Nick Cleggtại Davos. Ông Phúc vẫn bày tỏ mong muốn Facebook tăng cường hợp tác phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, mà nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin, phát triển kinh doanh qua các mạng xã hội.

Ông Phúc yêu cầu Facebook phải tuân thủ các quy định luật pháp Việt Nam mà có thể hiểu một cách rõ ràng ở đây đó là Luật An ninh Mạng buộc Facebook phải lưu trữ dữ liệu người dùng ở Việt Nam và trình xuất cho công an khi có yêu cầu mà không cần lệnh của toà án.

Để cho EU thông qua EVFTA chỉ cần cải thiện điều kiện nhân quyền ở Việt Nam. Để làm được điều đó trước hết phải hết hèn để dám thừa nhận những vi phạm nhân quyền chứ không phải chối tất và cho rằng luật lệ đặt ra là vì đặc thù của đất nước.

Tiếp theo đó là sửa đổi các điều luật vô lý mà các nước đã nêu ra trong Luật An ninh Mạng , luật Hình sự, và thực hiện các điều khoản mà ILO yêu cầu về quyền của người lao động.
Nếu làm xong, tự khắc EU phê chuẩn EVFTA mà không cần ông Phúc phải vất vả năn nỉ làm gì. Lúc đó là lúc Việt Nam đã biết nâng tầm quốc gia lên ngang tầm các quốc gia văn minh khác trên thế giới.

Tất cả đều nằm trong tay Hà Nội chứ chẳng phải nghị sỹ hay lãnh đạo EU nào.

---------------------

26-1-2019

25-1-2019





THƯ XUÂN GỬI ÔNG TỔNG (Thiện Ý)




Thiện ý
30/01/2019

Thưa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước,

Chúng tôi vừa đọc được tin trên trang nhà của Đài VOA, trong bài phát biểu hôm 26-1-2019 ở Hà Nội, tại sự kiện có tên “Xuân quê hương 2019” họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài về ăn Tết ở Hà Nội, Ông đã tiết lộ rằng người gốc Việt sinh sống tại các nước trên thế giới gửi về Việt Nam “gần 16 tỷ đôla” năm 2018. “tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993”. Và rằng “Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận”. Sự thể này được Ông Tổng đánh giá là “những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam…”.

Sau khi đọc bản tin trên chúng tôi nghĩ đến việc viết ngay “Thư Xuân…” này nhờ Đài VOA đăng tải để chuyển đến Ông Tổng, người đã và đang nắm quyền lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam. Nói cách khác, Ông Tổng là người đang tập trung được quyền lực cao nhất, chưa từng có ở cả hai bộ máy “Đảng và Nhà nước ta”. Nghĩa là tương lai đất nước, dân tộc tốt đẹp hay suy vong đang nằm trong tay Ông và các “Đồng chí” thuộc phe cánh của Ông trong đảng đang nắm thực quyền.

Vì vậy, trước hết, chỉ còn ít ngày nữa là bước qua những ngày Tết năm mới Kỷ Dậu 2019 và cũng là Mùa Xuân của Đất-Trời-Vạn vật, chúng tôi chúc Ông và các đồng chí của Ông: Một Năm mới tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời, trên những thành quả có được từ vị thế quyền lực đẻ ra tài lộc đang có, với sức khỏe dồi dào, tinh thần sáng suốt, để biết phải làm gì tốt nhất có lợi cho dân, cho nước và không làm những gì bất lợi cho hại cho Đất nước, Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam; để tạo dựng những Mùa Xuân Dân tộc vĩnh cửu.

Thứ đến, theo chiều hướng những lời chúc Tết tốt đẹp trên, chúng tôi có đôi điều muốn thưa về ý nghĩa những lời tuyên bố đề cập trong bài phát biểu của Ông trước nhiều người gốc Việt ở nước ngoài về nước dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, liên quan đến số tiền họ gửi về nước “gần 16 tỷ đôla” năm 2018.

Theo nhận định của chúng tôi, sự đánh giá của ông về ý nghĩa số tiền mà người Việt ở nước ngoài có phẩn chủ quan nên có cái đúng, cái không đúng.

Cái đúng là quả thật năm nay người Việt sinh sống ở nước ngoài gửi về gần 16 tỷ gần với số liệu ghi nhận trong một báo cáo về phát triển và di dân của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hồi cuối năm ngoái, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2018 là 15 tỷ 934 triệu đôla, tăng gần 1 tỷ đôla so với năm 2017; cũng như hàng năm họ gửi về Việt Nam một số tiền rất lớn chiếm khoảng từ 6 - 7% Tổng Sản phẩm Quốc nội của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế có thể cao hơn vì có ý kiến cho rằng "có không ít" người Việt gửi tiền về nước qua "dịch vụ chui lủi"…

Nhưng cái không đúng là không phải tất cả những người gửi tiền về Việt Nam là “Việt kiều” theo nghĩa công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Thực tế đa số là những người Việt tỵ nạn cộng sản tại các nước ngoài sau 30-4-1975 bằng con đường di tản hay vượt biển, vượt biên từng bị Đảng và nhà cầm quyền chế độ của Ông Tổng lên án là “phản quốc, phản động, ôm chân đế quốc…”. Mãi cho đến những năm sau này, nhất là sau khi “Đế quốc Mỹ” bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1995), giúp Việt Nam “mở cửa” làm ăn với thế giới bên ngoài, cũng là thời khoảng những người Việt Nam tỵ nạn CS đã ổn định cuộc sống, làm ăn khấm khá đã gửi tiền về giúp đỡ thân nhân gia đình ở Việt Nam. Chính các cuộc gửi tiền này ngày một gia tăng đã gián tiếp góp phần giúp Đảng CS của Ông Tổng vực dậy nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang rãy chết (1975-1995). Từ đó, do đó và nhờ đó kinh tế Việt Nam phát triển để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay. Thế là sau đó, những người Việt “phản quốc, phản động, ôm chân đế quốc” được Đảng và nhà cầm quyền của Ông Tổng xưng tụng là “Những khúc ruột ngàn dặm, Việt kiều yêu nước…”. Nhưng đó chỉ là sự xưng tụng mị dân, có hậu ý chính trị với mục đích tuyên truyền vụ lợi hơn là thực chất cũng như thực tế.

Nay Ông Tổng đánh giá, rằng “những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam…” liệu có đúng thực chất và thực tế không?

Thưa Ông Tổng, theo nhận định của chúng tôi, sự đánh giá của Ông Tổng không đúng thực chất cũng như thực tế. Thực chất hầu hết nhưng người gửi tiền về Việt Nam là để giúp thân nhân cải thiện đời sống khó khăn trong một chế độ làm nghèo đất nước không thể coi là hành động yêu nước truyền thống của người Việt Nam. Vì hầu hết những người gửi tiền này phải bỏ nước ra đi cách này cách khác chỉ là vì không chấp nhận sự áp đặt của đảng và chế độ của Ông Tổng, rằng “yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội”. Vì tất cả họ có chung lòng xác tín “yêu nước là yêu Tổ quốc Việt Nam” chứ “không thể yêu Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa” như Ông và các đồng chí cộng sản của Ông. Đó là lý do những người Việt Nam này phải bỏ nước ra đi kể từ khi đảng của Ông cướp được chính quyền chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa của họ ở nửa nước Miền Nam, để áp đặt chủ nghĩa xã hội trái với ý nguyện của tòan dân Việt trên cả nước. Đó cũng là lý do những người Việt ở nước ngoài này (có tên gọi chung là người Việt quốc gia, gọi tắt là Việt quốc) tiếp tục trường chinh chống cộng (đảng và chế độ Cộng sản Việt Nam, gọi chung là Việt cộng) hơn 4 thập niên qua và vẫn đang tiếp tục cho đến ngày mà họ xác tín rằng: cuối cùng chân lý tất thắng, “chính nghĩa quốc gia, dân tộc, dân chủ” tất thắng “ngụy nghĩa cộng sản, ngụy dân tộc, phản dân chủ”.

Tất cả những người quốc gia chân chính này, trước sau đã chống Cộng với động lực là lòng yêu nước (Tổ quốc Việt Nam) chứ không phải bằng lòng căm thù (dù đảng CSVN đã gây ra rất nhiều căm thù). Mục tiêu tối hậu của người Việt quốc là dân chủ hóa đất nước, tạo tiền đề phát triển toàn diện Đất nước đến phú cường, văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại; để mọi người dân không phân biệt giai tầng xã hội được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc.

Nếu Ông Tổng và đảng CSVN làm được như vậy, chúng tôi tin là người Việt Quốc sẽ ngưng ngay chống cộng. Vì mục tiêu chống cộng của họ chỉ là như thế.

Vì vậy bước vào Năm Mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi đề nghị Ông Tổng và các lãnh đạo hàng đầu đảng và chế độ cần đẩy nhanh tiến trình dân chủ hóa Đất nước một cách hòa bình thay vì tìm cách ngăn cản. Chúng tôi muốn nói đến “Tiến trình diễn biến hòa bình, tự diễn biến, tự chuyển hóa”, điều mà Ông Tổng nhiều lần cảnh giác các đồng chí của Ông. Thế nhưng hành động duy ý chí này không thể cưỡng lại thực tiễn đâu Ông Tổng ạ. Thực sự,không ai muốn một sự chuyển đổi từ chế độ xã hội chủ nghĩa độc tài toàn trị, qua chế độ dân chủ pháp trị gây bất ổn cho Đất nước như một số nước XHXN tiền lệ trước đây cũng như tại nước xã hội chủ nghĩa Venezuela hiện nay. Ông Tổng nghĩ sao?

Một lần nữa chúc Ông Tổng và các lãnh đạo hàng đầu đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam (Đỏ vỏ xanh lòng) sức khỏe dồi dào, để có được tinh thần sáng suốt biết những gì phải làm có lợi cho dân cho nước và quyết không làm những gì có hại cho dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Houston, Mùa Xuân Kỷ Hợi 2019.






QUÊ HƯƠNG CỦA AI? (Mạnh Kim)




31/01/2019

Trong chương trình “Xuân Quê hương 2019” ngày 26-1-2019, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại ngân nga “bài chèo” mùi mẫn rất cũ: “Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của tổ quốc”. Không có gì mỉa mai bằng ý nghĩa của hai từ “máu thịt” này, khi có rất nhiều “máu thịt” năm nào cũng nhìn về quê hương từ xa với tâm trạng rũ buồn...

Có bao nhiêu người Việt năm nay, như nhiều năm trước, không được về cúi đầu thắp nén nhang cho ông bà trên chính mảnh đất quê hương mình? Chưa ai thực hiện thống kê này nhưng chắc chắn con số những “Việt kiều máu thịt” nằm trong “danh sách đen” của Bộ Công an không ít. Nhiều “máu thịt” đã bị khước từ nhập cảnh ngay từ sân bay và gần như vĩnh viễn không thể trở về chừng nào chế độ này còn tồn tại. Đó là chưa kể những người bị “trục xuất” bằng cách này hay cách khác: những nhân vật đấu tranh dân chủ bị gán ghép tội “phản động”. Họ không thể trở về và không biết chừng nào mới “được phép” trở về. Quê hương, với nhiều người, trở thành nỗi khắc khoải đến đau lòng. Quê hương, nhiều khi nhớ quá, đặc biệt những ngày giáp Tết, trở thành nỗi nhớ cồn cào ruột gan, nỗi nhớ chảy nước mắt, nỗi nhớ ngậm ngùi đau xé, đến mức không chịu nổi buộc phải thốt lên để cho vơi lòng. “Năm đầu tiên sau 28 năm ở Mỹ nhớ nhà quá nên cũng chưng diện tìm một chút tết. Tranh voi Thái Lan, mai Nhật Bản, dưa hấu, mứt Cali, phong lì xì và cúc vàng của Mỹ cộng với nỗi buồn rất Việt Nam, vậy là Tết nhé” – tâm sự của nhà báo Mặc Lâm. “Nhớ nhà”, chỉ hai từ thôi, nặng như thiên cân vạn lạng.

Quê hương giờ như thuộc “sở hữu” của chế độ cai trị. Nó trở thành “cái nhà” của những kẻ muốn đuổi ai thì đuổi, cho vào thì mới được vào. Quê hương không còn là mái ngói, sân đình, bụi tre, buồng chuối. Quê hương bây giờ là sự ngạo mạn chiếm hữu của một nhúm người cai trị. Quê hương, mỉa mai đến tột cùng, là hình ảnh mà người ở xa muốn về mà về không được; và người “ở gần” thì muốn thoát nhưng đi không xong. Quê hương là hình ảnh mà những kẻ tha hương luôn ôm chặt như một thứ “căn cước tính”, trong khi người đang sống trên đó thì mang tâm trạng của những người “tạm dung” và “lưu vong”. Nước Việt của thế kỷ 21, sau vô vàn biến động lịch sử, sau bao nhiêu năm chiến tranh huynh đệ tương tàn đầu rơi máu chảy, và sau hơn 40 năm “thống nhất”, đã trở thành một nước Việt nặng trịch nỗi buồn chất nặng lên hai chữ “quê hương”. Có dân tộc nào trên thế giới đang chịu cảnh này, như Việt Nam?

Quê hương tôi, quê hương bạn, quê hương chúng ta… Quê hương luôn có một. Dân tộc nào cũng có một quê hương và dân tộc nào cũng hãnh diện với quê hương mình. Nhưng quê hương này đang thuộc về ai? Có chế độ cai trị nào trên thế giới đang tước đoạt cả quê hương của những người cùng một dân tộc? Làm thế nào có thể xây dựng nên một dân tộc vĩ đại khi chế độ cai trị “chiếm hữu” quê hương như một phần thưởng “chiến thắng” và tự cho mình có quyền định đoạt “ai phải đi” và “ai được về”?

Bất luận thế nào, có một điều chắc chắn rằng, người Việt, trong nước hay lang bạt tha hương bất kỳ đâu trên thế giới, cũng có duy nhất một hướng nhìn khi ngắm quê hương: quê hương chúng ta còn đó. Nó luôn ở đó. Nó tồn tại. Vĩnh hằng. Chẳng gì có thể xóa được định tính quê hương trong lòng người Việt. Chế độ cai trị là nhất thời. Quê hương là vĩnh cửu. “Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò/ Khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng/ Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần/ VN là Việt Nam kiêu hùng” - lời ca khúc Anh vẫn mơ một ngày về của ca sĩ Nguyệt Ánh nhắc rằng hai chữ “VN” nó gần gũi và thiêng liêng thế nào. Nó gắn liền với “hồn thiêng sông núi” và tâm thức Việt, chứ không phải với chế độ cai trị. Nó cho thấy chế độ cai trị có làm gì đi nữa khiến người Việt phải ly tán xa rời quê hương thì hai chữ “VN” ngạo nghễ kiêu hùng vẫn khắc sâu trong tâm khảm, đủ để nuôi dưỡng niềm tin cho một ngày mai tươi sáng hơn…






HAI EM TRAI CỦA TÍN ĐỒ HÒA HẢO NGUYỄN HỮU TẤN ĐẾN HOA KỲ TỊ NẠN (VOA Tiếng Việt)




31/01/2019

Hai em trai của tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn nghi bị chính quyền sát hại tại tỉnh Vĩnh Long đã đến Hoa Kỳ tị nạn.

Trong một thông cáo hôm 30/1, Uỷ ban Cứu trợ Người vượt biển (BPSOS) cho biết hai em trai của tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn đã đến phi trường thành phố Atlanta, bang Georgia vào tối ngày 30/1.

Từ trái sang: vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, chị gái của ông Nguyễn Hữu Tấn, và ông Nguyễn Hữu Vũ và ông Nguyễn Hữu Hải. Photo: BPSOS.

Một video của BPSOS cho thấy hai người em của ông Nguyễn Hữu Tấn là ông Nguyễn Hữu Tài và Nguyễn Hữu Vũ được gia đình và người thân tại Mỹ chào đón.

Trong video, người thân cầm chân dung của tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn, 38 tuổi, người được cho là bị cắt cổ chết tại một đồn công an ở tỉnh Vĩnh Long vào tháng 5/2017, sau khi bị bắt tạm giam về hành vi “tuyên truyền chống nhà nước.”


Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS được kênh Net Việt trích lời nói:

“Sau khi ông Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ chết trong đồn công an, chúng tôi đã đưa vấn đề này ra tại buổi điều trần do dân biểu Chris Smith làm chủ tọa. Ông cùng với Sở di trú Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng can thiệp cho gia đình được đi. Lý do là sau khi ông Tấn bị giết, công an yêu cầu gia đình phải thừa nhận rằng đó là một vụ tự sát, gia đình nhất định không chịu. Họ bị truy bắt, khủng bố tinh thần và bị đe dọa.”


Ông Thắng nói thêm rằng hai người em của ông Tấn đã đến lánh nạn tại vườn rau Lộc Hưng ở Sài Gòn, nhưng may đã chạy thoát khỏi khu nhà này trước khi bị cưỡng chế vào ngày 8/1/2019.

Bà Trần Minh Thi, một cư dân ở Vườn rau Lộc Hưng, chia sẻ với VOA về hai anh em Nguyễn Hữu Tài và Nguyễn Hữu Vũ.
“Hai người này từng thuê nhà ở vườn rau Lộc Hưng. Trong khoảng thời gian xảy ra vụ cưỡng chế thì họ đã chạy trốn. Họ rất là tốt, là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nhưng thuộc kinh của Công giáo. Họ sống chan hòa với bà con Lộc Hưng.”


Trang Mạch sống Media trích lời ông Thắng nói: “Chúng tôi tin rằng vụ cưỡng chế phá nhà và chiếm đất của xóm đạo Công Giáo này sẽ được đưa vào bản phúc trình của USCIRF (Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ) sẽ được công bố vào tháng 3.”

Trang này còn cho biết thêm rằng hai anh em của ông Tấn sẽ làm nhân chứng của vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước các cuộc tiếp xúc với giới chức của Hoa Kỳ.

--------------------------------------

 XEM THÊM 

30/01/2019

Trong 2 tuần kể từ khi Chiến Dịch Công Lý cho VRLH được phát động ngày 15 tháng 1, 2019, BPSOS đã vận động mạnh mẽ với chính quyền Hoa Kỳ, chính quyền Liên Âu và Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ cho mục tiêu khẩn cấp là bảo vệ những người đang bị chính quyền địa phương đặt vào tầm ngắm.

Ngày 18 tháng 1, BPSOS đã liên lạc văn phòng của 3 dân biểu Hoa Kỳ và cung cấp cho họ hồ sơ về VRLH trước cuộc họp của họ và Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Ông Daniel Kritenbrink.

Ngày hôm sau, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cùng Cô Carol Nguyễn, phối hợp viên Các Hoạt Động về Vận Động Chính Sách, họp với chuyên viên đặc trách Việt Nam của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF). Tại buổi họp vấn đề VRLH là một trong những đề tài được bàn luận.

“Chúng tôi tin rằng vụ cưỡng chế phá nhà và chiếm đất của xóm đạo Công Giáo này sẽ được đưa vào bản phúc trình của USCIRF sẽ được công bố vào tháng 3,” Ts. Thắng nói.

Đón người đến từ Vườn Rau Lộc Hưng, phi trường Atlanta ngày 30/01/2019 (ảnh BPSOS)

Ngày 24 tháng 1, BPSOS đã gửi tài liệu về VRLH đến cơ quan ngoại giao và quốc phòng (European External Action Service, viết tắt là EEAS) của chính quyền Liên Âu. Ngày 28 tháng 1, tổ chức CSW ở Anh Quốc đã dùng tài liệu này tại buổi họp với các giới chức EEAS để chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu và Việt Nam vào ngày 4 tháng 3 tới đây.

Ngày 30 tháng 1, qua một bản báo cáo chung, BPSOS đã đề nghị Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ đưa vụ VRLH vào nghị trình của cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, sẽ diễn ra ở Geneva ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.

Theo Ts. Thắng thì đây là đợt báo cáo lần 2 để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm sắp đến. Các báo cáo đợt 1 đã được nộp vào ngày 30 tháng 4 năm 2018. Dựa vào đó Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ đã lập danh sách các vấn đề để yêu cầu Việt Nam giải trình. Ngày 8 tháng 12, chính phủ Việt Nam đã trả lời.

“Báo cáo đợt 2 là để phản biện các trả lời không đầy đủ hoặc thiếu chính xác của chính phủ Việt Nam,” Ts. Thắng giải thích.

Song song với các hoạt động về quốc tế vận kể trên, khoảng chục người có lòng ở nhiều thành phố Hoa Kỳ đã cùng nhau hình thành “nhóm kết nghĩa” để yểm trợ khối cư dân ở VRLH tự bảo vệ trước các biện pháp đàn áp có thể đến từ phía chính quyền, và báo cáo mọi diễn biến để BPSOS kịp thời báo động quốc tế.

Theo thông tin từ BPSOS, 2 nhân chứng của vụ cưỡng chế khu VRLH sẽ đến Hoa Kỳ hôm nay.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ mời họ tham gia các cuộc tiếp xúc với các giới chức Bộ Ngoại Giao, các thành viên của Quốc Hội, và các Uỷ Viên của Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ trong những ngày tháng tới,” Ts. Thắng cho biết

*
Bài liên quan:

Công Lý cho Cộng Đồng Vườn Rau Lộc Hưng: Kế hoạch 5 năm, 4 giai đoạn

Báo cáo gửi Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ




DÂN GIÀU hay ĐẢNG MẠNH? (Cánh Cò)




Thứ Ba, 01/29/2019 - 19:38 — canhco

Hiệp định thương mại tự do EU và Việt Nam, viết tắt EVFTA, đã bị đông lạnh sau khi Nghị sĩ Jude Kirton-Darling và Nghị sĩ Ramon Tremosa, cả hai là thành viên Nghị viện châu Âu đăng lên mạng đoạn video trong đó họ nói có “những lý do kỹ thuật” để hoãn thông qua EVFTA.

Vấn đề nhân quyền đã được hai nghị sĩ nhắc tới như những điểm mấu chốt khiến cho EVFTA chưa thể thông qua: Hàng trăm tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ không xét xử. Luật an ninh mạng vừa có hiệu lực và vụ đàn áp, xóa trắng Vườn rau Lộc Hưng khiến hàng trăm gia đình mất nhà cửa, tài sản một cách vô cớ.

Nghị sĩ Kirton-Darling cho biết nếu Việt Nam không cải thiện những vấn đề nói trên, Hội đồng tiếp theo phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam sẽ rất khó thông qua.
Trước đó, bà Malmstrom, một viên chức cấp cao về thương mại của EU, đã gửi một lá thư đến Hà Nội bày tỏ mong muốn Việt Nam cam kết cải cách các vấn đề lao động và nêu lên những quan ngại về nhân quyền, nhưng Chính phủ Hà Nội đã không có phản hồi gì về lá thư này.

Bên cạnh đó các tổ chức Xã hội dân sự và NGO trong và ngoài nước đã tỏ ra quan tâm tới EVFTA cho một Việt Nam khi chính quyền vẫn còn đối xử bất công với nhân quyền cho chính người dân của họ. Mười tám tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam hôm 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam vì những lo ngại về tình hình nhân quyền.

Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán EVFTA từ năm 2015 và hy vọng rằng bản hiệp định quan trọng ấy sẽ được ký kết vào tháng 5 này. Tuy nhiên hôm 13/11 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam.

Vậy là nguyên nhân làm bánh xe EVFTA bị nghẽn vẫn là vấn đề nhân quyền. Hà Nội biết rất rõ về hạt sạn này nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao không có một phản ứng nào cho dù là lấy lệ để thuyết phục những lời lẽ chống đối đến từ các cấp có thẩm quyền nhất trong việc phê chuẩn hiệp ước?

Đây là một câu hỏi lớn dành cho chính phủ Việt Nam khi cả nước bây giờ đã biết sự thất bại ê chề sau một thời gian dài hy vọng.

Hy vọng vì khi EVFTA được thông qua nó sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội mới. Quan trọng nhất là EU sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với gần 90% hàng hóa mà Việt Nam nhập vào EU.

Trong 3 quý đầu năm nay xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đã đạt 31,2 tỷ USD, tăng 2,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017, trong khi nhập khẩu từ thị trường EU chỉ 9,99 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với EU lên tới 21,24 tỷ USD chỉ trong 9 tháng. Với thuế nhập khẩu khoảng 14% được đưa về 0% cho khoảng 70% tổng số kim ngạch xuất khẩu người ta thấy ngay số tiền mà Việt Nam kiếm được chắc chắn là không nhỏ.

Bên cạnh các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản thì Liên minh châu Âu là một đối trọng và nếu EVFTA được ký kết Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên khi lượng lớn hàng hóa xuất khẩu sẽ không bị đánh thuế đồng nào. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may và thủy sản sẽ ổn định gây tin tưởng cho người sản xuất và nhất là sẽ dần dần bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.

Sau hơn ba năm đàm phán Việt Nam chưa chứng tỏ được khả năng đáp ứng nhu cầu mà đối tác đưa ra. Đối với EU thì vấn đề minh bạch và công bằng là then chốt đã đành nhưng họ vẫn bảo vệ người công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm cũng như phẩm giá con người trong đất nước mà họ ký kết phải được tôn trọng như chính họ hành xử tại đất nước của mình. Việt Nam bị vấn đề “nhân quyền” làm mờ mắt khi ngày đêm lo sợ thế lực phản động có những hoạt động nhằm lật đổ mình, mặc dù các thế lực ấy chỉ là bóng ma, chỉ có khả năng dọa dẫm người yếu bóng vía như chính quyền Hà Nội từ xưa tới nay.

Luật An ninh mạng Việt Nam hoàn toàn diễn theo kịch bản của Trung Quốc và nghĩ rằng sẽ không một quốc gia nào có thể nhảy vào can thiệp. Tuy nhiên Việt Nam không phải là Trung Quốc nên chính luật lệ không giống ai này đã bị EU lên án và gián tiếp trừng phạt thông qua phê duyệt EVFTA.

Việt Nam cũng không thể ngờ là lòng tham vô độ của một nhúm cầm quyền tại Quận Tân Bình lại đưa vấn đề Vườn rau Lộc Hưng lên thành câu chuyện lớn trên truyền thông thế giới. Đối với các định chế dân chủ Tây phương quyền làm người là tất cả, không ai được dẫm lên hay diễn dịch khác với cách diễn dịch phổ quát của Liên Hiệp Quốc.

Có lẽ Việt Nam còn ngủ mê trên những con số ảo đi lên của nền kinh tế, bất cần nhìn thấy hậu quả đang theo sát sau lưng nên bài học WTO vẫn không làm cho Bộ chính trị nhíu mày suy nghĩ.

Họ vẫn suy nghĩ làm cách nào để Đảng mạnh hơn qua cách mà ông TBT, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gắn lon cho Bộ trưởng Công an và Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị bất kể ông Tô Lâm đang chịu trách nhiệm gián tiếp của hai thứ trưởng công an dưới quyền đang trả lời các vi phạm của họ trước tòa án.

Đảng phải mạnh còn dân có giàu hay không thì tính sau.

Đảng lấy ngân sách nuôi đảng viên, tướng tá quân đội thì dĩ nhiên là mạnh rồi. Nhưng câu chuyện Venezuela cũng nuôi hệ thống quân đội và cảnh sát bao nhiêu năm nay có chống lại được nhân dân của họ đâu?

Dân còm cõi thì sẽ bạo động, Đảng bòn rút thì sẽ bị vạch mặt đưa tới sự sụp đổ. EVFTA là cơ hội, là bậc thang để người dân leo lên một tầm cao mới của đời sống nhưng bị Đảng cản trở, phủ định bằng cách làm ngược lại những gì mà đối tác yêu cầu, vậy Đảng có xứng đáng tiếp tục dẫn dắt hơn 90 triệu con người tội nghiệp nữa hay không?






TỪ VENEZUELA ĐẾN VIỆT NAM : SỰ CHUẨN BỊ NÀO CHO DÂN CHỦ? (Nguyễn Trang Nhung)




Thứ Tư, 01/30/2019 - 11:50 — NguyenTrangNhung

Những ngày gần đây, tin tức về cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela thu hút sự quan tâm của thế giới. Theo dõi tình hình quốc gia Nam Mỹ này, một bộ phận người Việt Nam không khỏi háo hức và hi vọng vào sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ tại đất nước mình trong tương lai không xa.

Hi vọng ấy có lẽ xuất phát từ một điều giản đơn rằng chế độ độc tài nào rồi cũng sụp đổ. Có lẽ điều giản đơn này đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thời điểm sụp đổ của một chế độ độc tài, và điều quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi đó.

Trong giới bất đồng chính kiến Việt Nam tồn tại đồn đoán về thời điểm sụp đổ của chế độ độc tài. Quãng những năm 2006 – 2008, đồn đoán ấy là về năm 2014. Gần đây hơn, đồn đoán ấy là về tương lai gần, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Dường như hi vọng và đồn đoán ấy đều xuất phát từ… ước muốn, một ước muốn thiếu thực tế và thừa mơ mộng. 

Năm 2014 đã qua đi và chế độ chính trị Việt Nam vẫn vậy. Tương lai gần, chẳng hạn 10 năm nữa (nếu 10 năm nữa chưa đủ gần thì 5 năm nữa) sắp đến và người ta sẽ sớm có câu trả lời. Song điều quan trọng hơn nữa, như trên đã nêu, là sự chuẩn bị của cả xã hội cho sự chuyển đổi chế độ chính trị từ độc tài sang dân chủ.

Nhìn Venezuela, có thể thấy quốc gia này có sẵn một số tiền đề cho dân chủ. Đó là sự tồn tại (hợp pháp) của nhiều đảng phái khác nhau. Đó là các cơ chế bầu cử, bao gồm phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn nguyên thủ quốc gia, mà ở đây là tổng thống. Đó là thói quen thực hành các quyền con người, quyền công dân, mà điển hình là quyền biểu tình qua cuộc xuống đường với quy mô hàng trăm ngàn người để ủng hộ Juan Guaido như tổng thống lâm thời, v.v. 

Những tiền đề đó là những tiền đề mà Việt Nam chưa có, và nếu không được chuẩn bị một cách thỏa đáng, sự chuyển đối chế độ chính trị tại Việt Nam trong tương lai có khả năng cao sẽ dẫn đến một chế độ độc tài khác hoặc một chế độ dân chủ nửa vời mà thôi.

Để có được những tiền đề đó, những người đấu tranh cho dân chủ cần xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh để có thể đòi hỏi chính quyền thực hiện các cải cách chính trị. Hẳn nhiên, lực lượng này phải được dẫn dắt bởi một bộ phận có đủ tài năng lẫn phẩm chất cần thiết và được hậu thuẫn bởi một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ chừng 30%). Cùng với đó, họ cần bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ cho một bộ phận dân chúng tối thiểu (có lẽ cũng chừng 30%). 

Xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh là rất khó, nhất là khi những người đấu tranh cho dân chủ hầu như không có một chiến lược hay một con đường rõ ràng nào cho chính họ cũng như cho dân chúng đi theo. Họ thiếu một hệ thống tư tưởng hay triết lý để làm kim chỉ nam cho những suy nghĩ và hành động của mình. Họ cũng thiếu sự quan tâm cần thiết tới việc phát triển bản thân và hội nhóm để trở nên đủ tâm lẫn tầm cho mục tiêu dân chủ mà họ theo đuổi.

Khó hơn cả việc trên là bồi đắp một nền tảng nhận thức và ý thức về dân chủ cho dân chúng. Dân chủ không đơn thuần là một thể chế mà còn là một giá trị. Theo nghĩa thứ hai, dân chủ đòi hỏi người dân cần có một số phẩm chất thiết yếu để làm chủ quốc gia, như chấp nhận sự đa dạng và khác biệt, tôn trọng quyền của thiểu số, có trật tự và kỷ luật, quan tâm tới cộng đồng, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, v.v. Đây là những phẩm chất mà người Việt Nam rất thiếu.

Nếu yếu tố thứ nhất – lực lượng đối lập đủ mạnh – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt thể chế, thì yếu tố thứ hai – nền tảng nhận thức và ý thức nhất định về dân chủ – là sự chuẩn bị cho dân chủ về mặt giá trị, và chỉ khi có cả hai yếu tố, thì một nền dân chủ mới thực sự bền vững.

Chừng nào hai yếu tố trên đây chưa xuất hiện, khó có thể hi vọng vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần. Và vì vậy, thay vì hi vọng thiếu thực tế vào một Việt Nam dân chủ trong tương lai gần, cần chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ trong tương lai có thể rất xa, và tương lai đó sẽ càng bớt xa khi sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng.