Oan
khuất và giải oan
Trịnh Khả Nguyên
01/09/2023
https://baotiengdan.com/2023/09/01/oan-khuat-va-giai-oan/
Những ngày nầy là mùa Rằm tháng bảy Âm lịch, một
số chùa chiền, nhà tư rộn ràng lo tổ chức lễ cúng giải oan cho
cõi Âm, là những người đã chết, “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”. Còn
chuyện oan cho cõi Dương, cho người sống thì khác. Chuyện cúng giải oan cho cõi
âm sẽ nói ở phần sau, bây giờ nói chuyện oan trên dương thế. Oan có hai dạng
là bị oan và được oan.
Khi nói đến “oan” ta thường nghĩ đến bị oan. Một
người, nhiều người bị xem, bị ghép vào, bị xét xử về một hay nhiều tội, mà họ
không gây ra. Họ bị oan. Có nhiều, nhưng hai án được xác nhận oan là của các
ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén. Hai ông bị xét ở tù chung thân. May về
sau, cơ quan điều tra, cơ quan xét xử nhận ra hai ông bị oan nên tha. Tuy thế,
họ đã ngồi tù mười mấy năm, đến thân tàn ma dại, gia đình tan nát.
Gần đây có vụ Hồ Duy Hải và Nguyễn Thanh Chưởng
bị tội tử hình vì giết người. Họ đã ngồi tù 17-18 năm rồi. Từ
đó đến nay, họ chịu nhiều khổ sở, đau đớn về tinh thần, thể xác, không sao kể
xiết, gia đình đã khánh kiệt vì mười mấy năm ròng đi kêu oan cho con. Trước
tình cảnh đó, một số người động lòng cũng kêu xin các cấp thẩm quyền, ít nhất,
hoãn thi hành án, cho điều tra lại.
Ở đâu, thời nào, việc gì cũng có sai sót,
nhưng quan trọng là nhận ra điều ấy. Kêu oan là một kênh thông tin giúp lãnh đạo
có thêm cơ sở. Nhờ kêu oan, một số người thoát khỏi tù, khỏi chết oan, như vụ của
các ông Chấn, ông Nén… Trong thời phong kiến, một vụ án oan và kêu oan “lịch sử”
là vụ cụ Bùi Hữu Nghĩa. Cụ thanh liêm nên bị nhóm quan tham ganh ghét tìm cách
ghép tội tử hình. Vợ cụ, bà Tô đã vượt hàng ngàn cây số, ra đến kinh đô Huế,
kêu oan cho chồng. Bà được vua Tự Đức tiếp rồi tha cho Cụ. Thời xưa khó khăn mà
đã vậy, thời nay thông tin tràn ngập không biết lãnh đạo có thì giờ xem không.
Đến vụ “đất”, vụ nầy gây ra nhiều “dân oan” ở
nhiều địa phương, điển hình là vụ Thủ Thiêm mà báo VietNamNet có bài: Từ tấm bản đồ bị thất lạc tới uất ức 16 năm của người dân Thủ
Thiêm.
Nguồn cơn của các chuyện đất đai là việc giải
tỏa, đền bù cho dân không hợp tình, hợp lý. Nếu vì công ích hoặc vì an ninh quốc
phòng mà giải tỏa và đền bù thỏa đáng cho dân thì ai cũng chấp nhận. Đằng nầy,
với danh nghĩa vì nước, vì dân mà chèn ép dân, hầu hết là dân nghèo. Những tập
đoàn kinh doanh bất động sản cậy có thế thần, hay chính các tập đoàn kia là các
thế thần, đuổi dân ra khỏi những mảnh đất họ sinh sống bao đời, trả cho họ giá
một mét vuông đất bằng giá một tô mì.
Rồi các tập đoàn này làm những công trình hạ tầng
cơ sở như điện nước, nhà triển lãm, khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng, sau đó bán lại
với giá “trên trời”. Dân làm sao mua nổi? Chỉ có mấy ông nhiều quyền, nhiều tiền
mới mua được để xây biệt thự, biệt phủ cả trăm, cả ngàn tỷ. Những ông ấy, trước
đây từng là vô sản, đánh đuổi địa chủ, bây giờ các ông vẫn không có “ruộng cò
bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” như địa chủ khi xưa, nhưng bù lại, các ông
lại sở hữu những mảnh đất vàng, đất kim cương, ruộng vườn nào của địa chủ bì kịp?
Ngược lại, người dân tự nhiên thành kẻ mất đất
trên chính quê hương mình, cho nên họ phải khổ thân mười mấy năm ăn chực nằm chờ
ở những nhà tiếp dân, từ địa phương đến trung ương, để xin xét lại. Đất với dân
như nước với cá, bắt cá ra khỏi nước thì cá chết, bắt dân bỏ đất thì họ sống ra
sao? Đất gắn với dân từ lúc sống đến lúc chết, “sống cái nhà, già cái mồ”. Khó
tả hết nỗi khổ của dân mất đất.
***
Được oan
Thường nghe bị oan, ít khi nghe được oan. Thế
mà có đấy! Một số người đức không, tài cũng không nhưng may đâu, do thời thế,
do cơ cấu, họ vớ được cái mà đáng ra họ không thể có được bằng tài sức của
mình, vây là họ được oan Người ta nói, tài hèn mà ở ngôi cao, đức mỏng mà lo việc
lớn, công ít mà bỗng lộc nhiều là mối nguy. Nguy cho dân và cả chính đương sự.
“Chuyến bay giải cứu, vụ test kit” là minh chứng.
Được oan trong công việc làm ăn, một số anh là
cò mồi, làm môi giới nhờ quen biết hay tay chân của xếp mà phát lên, lập ra tập
đoàn, làm công trình nọ, công trình kia. Các công trình của các ông lấy hết tài
nguyên của đất nước, tàn phá môi trường, gây ra thiên tai, dân phải chịu oan,
còn các ông lại giàu oan.
Nhiều vị (bỗng) có bằng cấp cao, được công nhận
học hàm nầy, học vị kia nhưng sở học không tương xứng với bằng. Thế là họ có
danh xưng trí thức oan. Nếu họ được mời/ bổ dụng vào các chức vị quan trọng thì
đó là mối nguy, cứ nhìn giáo dục, y tế thì biết.
Có người vô tài nhưng do “hồng phúc” (chữ của một
cán bộ) lại được chức cao, thật cao, cầm trong tay sinh mệnh của rất nhiều người.
Họ được làm lớn oan. Chuyện nầy đang nhãn tiền.
Giải oan
Phần đông người ta lo giải oan, theo nghi thức
“tâm linh” (cúng kính, lập đàng tràng) cho cõi âm, cho người chết để những vong
hồn, âm hồn ấy thoát khỏi những hình phạt rất rùng rợn “dưới” âm phủ và được
“siêu”. Ít người nghĩ đến giải oan cho cõi dương, cho người đang sống. Thiết
nghĩ, giải oan cho cõi dương cũng quan trọng và cần thiết, bởi cõi nầy dù là
cõi tạm, như người ta hay nói, thì cũng tạm… một đời và ai cũng cố bám càng lâu
càng tốt.
Giải oan tốt cho cõi dương, cho người sống, có
lẽ không cần cúng, lập đàng tràng, tụng niệm, nhưng tốt nhất là tránh gây ra
oan. Phòng bênh hơn chữa bệnh. Muốn thế, điều gần như cơ bản, ai cũng biết là
phải có pháp trị, công lý cho mọi người. Luật phải rõ ràng để tránh bị suy diễn
tùy tiện. Người thực thi, xét xử phải có lương tâm, không chịu áp lực, không áp
đặt, phán xét dựa trên bằng chứng rõ ràng (trọng chứng). Không phải cứ tha hết
là có tâm hoặc “trảm” hết là nghiêm minh. Ông Bao Thanh Thiên một quan tòa được
ca ngợi vì nghiêm minh, kẻ được tha thì hoan hỉ đã đành, người bị phạt cũng
không thấy oan. Trong bóng đá, trọng tài Collina cũng thế, ông rất nghiêm mà
đúng, đã thổi phạt hay tha thì cầu thủ, khán giả “tâm phục, khẩu phục”.
***
Giải oan cõi âm thì khác. Tháng bảy âm lịch,
cao điểm là RẰM tức ngày 15, là mùa cúng giải
oan. Mùa nầy có nhiều cách gọi khác nhau, Phật tử
gọi là mùa Vu Lan báo hiếu, người khác gọi tháng giải oan, tháng cô hồn. Tuy gọi
khác nhau, nhưng “hành” thì giống nhau. Người ta rộn ràng tổ chức lễ cúng giải
oan cho những người đã chết, chỉ lo cho người chết, cõi Âm thôi…
Nhiều người bảo lo cho cõi Âm được siêu thoát
thì cõi Dương mới được bình an (âm siêu, dương thái). Người ta lập đàng tràng,
lễ cúng kéo dài nhiều ngày, số tăng sĩ hành lễ, số tín đồ tham dự rất đông. Bởi
cho rằng lễ cúng càng lớn, càng đông người tụng niệm, cầu xin thì cộng lực càng
lớn và hiệu quả của càng cao. Đây là suy luận theo nguyên tắc “sức mạnh tập thể”.
Lễ cúng đông như trẩy hội, mà hội thật, như hội rước ấn đền Trần (Nam Định), đền
Kiếp Bạc (Hải Dương), hội chùa nầy chùa nọ. Người dự tranh giành, dẫm đạp lên
nhau để “cướp” cái ấn, “cướp” cái tài, cái lộc và “cướp “cả cái phước, cái đức
nữa. Thật là!
Cúng kính lễ bái là chuyện tâm linh cần nghiêm
trang và thực tâm, không phải là sự mua chuộc tội lỗi cho người khác hay cho
chính người gây oan. Vua Lê Thánh Tông, một vị vua văn võ song toàn, am hiểu
kinh điển, lễ nghi và là một nhà luật học, nhưng khi thấy đàng tràng, Ngài đã
phê:
Chứng quả có
đôi vừng nhật nguyệt/
Giai oan chi
mượn đến đàng tràng… (Đề miếu Nàng Trương)
(Tạm hiểu: Chỉ có đôi vầng nhật nguyệt, tức
công lý, mới giải oan được chứ không phải là lập đàng tràng để cúng bái, cầu
xin).
Không phải chỉ có chính quyền cách mạng mới chủ
trương bài trừ dị đoan mê tín mà những người cấp tiến như nhóm Tự Lực Văn Đoàn
trước đây rất lâu đã viết báo, thơ, truyện phê phán hủ tục kia. Không biết tại
sao, sau năm 1975, chuyện cúng kính nói chung và dị đoan mê tín phát triển rất
mạnh. Đặc biêt mùa rằm tháng bảy có lễ cúng giải oan. Người người cúng giải
oan, nhà nhà cúng giải oan.
Dân thường thì cúng thoải mái tại nhà riêng, tại
các chùa. Người đang chức đang quyền muốn cúng giải oan, cầu được tốt lành
nhưng sợ sai quan điểm nên bảo vợ, người nhà đứng cúng thay.
Người thân cô, thế cô, bị oan nên cúng cho khỏi
oan thì đã đành, kẻ gây ra oan, xử oan cho người khác, các quan tham, đám “chuyến
bay giải cứu, test kit” gây ra biết bao người chết oan, cũng cúng giải oan, là
thế nào?
Nghe nói (chỉ nghe nói thôi, không thể kiểm chứng)
những người hiền lành bị “bất đắc kỳ tử” (chết chưa tới số) do thiên tai (động
đất, lũ lụt…) nhân tai (chiến tranh, bạo hành, tra tấn, xử oan, chết do cách chống
Covid…), vong hồn họ cần cúng giải oan. Chuyện nầy hợp lý.
Còn những người khi sống làm việc ác đức, gây
đau thương chết chóc, vu oan giá họa cho người khác, sau khi chết bị vào địa ngục.
Họ cũng cần cúng giải oan không?
Rằm tháng bảy, mùa giải oan cho những người chết
là một lẽ. Còn mùa nào là mùa giải oan cho người đang sống?