Trước
thềm năm mới và thời đại mới
Nguyễn Quang Dy
31/12/2022
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_TruocThemNamMoi.html
Những đợt rét đậm kéo dài trong mùa giáng sinh (2022) như muốn báo hiệu
một năm mới bất thường (2023), và một thời đại mới bất định. Thế giới chưa
thoát khỏi đại dịch Corona thì chiến tranh Ukraine đã ập tới. Đến nay, Trung Quốc
vẫn chưa thoát khỏi đại dịch vì chính sách “zero Covid”, làm dân chúng “tức nước
vỡ bờ”. Dù các nước có thoát khỏi đại dịch thì còn lâu mới thoát khỏi hệ quả nặng
nề đối với hệ thống y tế và nền kinh tế.
Biến số khó lường
Sau hai thập niên khởi đầu thế kỷ 21, loài người đã bị sốc bởi hai sự
kiện khó lường. Một là đại dịch Corona đã làm 15 triệu người chết (theo WHO,
tính đến tháng 5/2022), làm cho nhiều quốc gia, kể cả siêu cường cũng bị khủng
hoảng. Hai là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã làm cho hàng trăm ngàn lính Nga
và Ukraine bị chết (theo các nguồn báo chí), và hàng chục triệu người dân
Uktraine phải sơ tán khỏi quê hương (theo UNHCR).
Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine không chỉ làm cho số người chết ngày càng
tăng, và nhiều thành phố của Ukraine bị phá hủy (destruction), mà nó còn
làm cho nước Nga bị suy sụp từ bên trong (implosion). Cuộc chiến tranh
huynh đệ tương tàn chưa có hồi kết, không chỉ làm thay đổi vận mệnh của nước
Nga và Ukraine, mà còn làm đảo lộn cả trật tự thế giới. Đó không phải là “xung
đột giữa các nền văn minh” hay do “ba dòng thác cách mạng”.
Có thể nói đó là một hệ quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan (ultra-nationalism)
bị thao túng bởi các nhà độc tài kiểu mới như Putin, Tập Cận Bình, và Donald
Trump, làm khuynh đảo thế giới. Nói cách khác, lịch sử chưa thể kết thúc như
Franscis Fukuyama đã tuyên bố (the End of History, 1992), mà nó đang bị
thao túng. Trong thời đại mới, một số học thuyết cũ của chủ nghĩa xã hội hay chủ
nghĩa tư bản có thể trở thành truyện cổ tích.
Chủ nghĩa dân tộc thường là động lực để các quốc gia khởi nghiệp và
phát triển. Người Do Thái đã từng bị ruồng bỏ và mất cả tổ quốc, nhưng một khi
có được mảnh đất Israel sau chiến tranh, họ đã trỗi dậy thành một cường
quốc, do chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể đầu
độc tư tưởng và xô đẩy loài người vào tai họa chiến tranh và diệt chủng. Nước Đức
Quốc xã là một tai họa, và Khmer Đỏ là một bài học.
Sai lầm chiến lược của Putin đang biến ông từ người có công phục hưng
nước Nga nay bỗng thành tội đồ lịch sử và “tội phạm chiến tranh”.
Sau Ukraine, nước Nga “hậu Putin” chắc sẽ là một nước Nga khác, cũng như nước Đức
“hậu Hitler” là một nước Đức khác. Nếu một người dân mắc sai lầm thì gia đình
và hàng xóm bị vạ lây. Nếu lãnh đạo một cường quốc mắc sai lầm thì sẽ là bi kịch
vì không chỉ nước đó mà cả thế giới chịu tai họa.
Liệu Tập Cận Bình có rút được kinh nghiệm để tránh sai lầm chiến lược
như Putin hay không? Rất khó nói, nhất là đối với Đài Loan và Biển Đông. Một
khi tham vọng quyền lực và ảo tưởng khôi phục đế chế trong quá khứ đã ngấm vào
máu và tiềm thức như ma túy thì rất khó buông bỏ. Cụ Hồ từng nói “đế quốc đánh
chết cái nết không chừa”. Đó là bi kịch do “Sự Ngạo mạn của Quyền lực” (the
Arrogance of Power, William Fulbright, 1966).
Giọt nước tràn li
Sau Đại hội 20, chuỗi chỉ huy (chains of command) ở Bắc Kinh
đang bị rối vì có hai trung tâm chỉ huy: một do “cựu thủ tướng” Lý Khắc Cường
lãnh đạo, và hai do “tân thủ tướng” Lý Cường lãnh đạo. Trong tình huống bất cập
đó, các cấp dưới không biết phải tuân theo mệnh lệnh của ai, nên cách tốt nhất
để bảo vệ mình là “không làm gì”. (As COVID soars, China has 2 chains of
command, Katsuji Nakazawa, Mikkei, December 22, 2022).
Làn sóng biểu tình “giấy trắng” đã nổ ra tại nhiều thành phố và địa
phương, trong môt nửa đất nước Trung Quốc, đã làm cho Bắc Kinh bất ngờ và làm
rung chuyển thế giới. Một mặt, Tập Cận bình không thể để mất mặt và mất kiểm
soát, nhưng mặt khác Bắc Kinh không thể đàn áp như tại Thiên An Môn. Trung Quốc
phải nới lỏng và bỏ phong tỏa từ 8/1/2023 để tháo ngòi và kéo dài thời gian để
tìm cách đối phó với làn sóng biểu tình.
Chính sách zero-covid kéo dài đã làm “giọt nước tràn li”, nhưng bỏ
phong tỏa có thể làm gia tăng lây nhiễm. Theo WHO, dịch đã bùng phát trước khi
Bắc Kinh nới lỏng phong tỏa. Các chuyên gia dự kiến dịch sẽ bùng phát theo ba
giai đoạn: Một là dịp lễ Giáng sinh và Năm mới (hiện nay). Hai là dịp
nghỉ Tết Nguyên Đán khi người dân đổ về quê (hạ tuần tháng 1/2023). Ba là dịp
người dân quay trở về thành phố làm việc (tháng 2/2023).
Theo China Insight, trong 3 tháng tới, 60% dân số Trung quốc (khoảng
800 triệu người) sẽ bị lây nhiễm. Trung bình mỗi ngày có 5.000 đến 9.000 người
chết. Các bệnh viện và nhà xác đã quá tải, các lò hỏa táng đã chạy hết công suất
mà vẫn còn hàng dài chờ đợi. Người giàu Trung Quốc tuyệt vọng, đang ra đi ồ ạt
(ước tính 10 ngàn người). Một số chính phủ các nước như Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Ấn Độ,
đã ngừng cấp visa cho người Trung Quốc.
Vaccine của trung quốc chứng tỏ không hiệu quả, nhưng ba năm qua Trung
Quốc đã xuất khẩu rất nhiều như “vaccine diplomacy”, nay mới phải nhập của nước
ngoài. Đây là một bi kịch vì Trung Quốc gặp tai họa thì các nước láng giềng như
Việt Nam cũng bị vạ lây. Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau
thì việc đóng cửa biên giới và hủy các chuyến bay đến từ Trung Quốc là một biện
pháp cần thiết nhưng khó khả thi.
Điều đáng sợ nhất là khả năng virus corona sẽ biến thể thành chủng mới
nếu có hàng trăm triệu người lây nhiễm. Khi đó, biến thể mới sẽ xuất hiện và bắt
đầu quá trình hủy diệt, giáng một đòn nặng nề cho Trung Quốc vì có tỷ lệ dân số
già khá cao. Các chuyên gia dự báo đến mùa xuân, ít nhất một phần ba dân số
Trung Quốc sẽ bị lây nhiễm. Ác mộng về “cơn hồng thủy Corona” cách đây ba năm
nay đang quay lại đe dọa Trung Quốc và thế giới.
Bàn cờ Mỹ-Trung
Theo giáo sư Minxin Pei (Claremont McKenna College) quyền lực của một
nhà lãnh đạo chuyên chế luôn có giới hạn. Nói cách khác, Tập Cận Bình tuy giành
được nhiệm kỳ thứ ba nhưng sẽ phải trải nghiệm “nghịch lý quyền lực” (the
power paradox, Dacher Keltner). Theo nghịch lý đó, càng có nhiều quyền lực,
thì Tập càng cảm thấy bất an. (Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin
Pei, Foreign Affairs, November 21, 2022).
Tại Đại hội 20, Tập đã tìm mọi cách lấp đầy Bộ Chính trị và Ban Thường
vụ BCT bằng những người trung thành với mình. Vào phút cuối, Tập đã thẳng tay
loại hai nhà cải cách hàng đầu là Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Uông
Dương, cũng như ngôi sao trẻ đang lên là Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Xuân Hoa, được
ông Hồ Cẩm Đào bảo trợ. Việc loại bỏ các đối thủ như vậy chắc sẽ tạo ra những kẻ
thù không đội trời chung.
Quyền lực tuyệt đối của Tập nếu không được kiểm soát có thể gây ra xung
đột nội bộ và cản trở quản trị hiệu quả. Chiến thắng của Tập tại Đại hội 20
không phải là đảm bảo cho thắng lợi trong tương lai của ông. Quyền lực mà ông
giành được tại Đại hội 20 có thể rất quan trọng để cơ cấu lãnh đạo ở cấp cao nhất
và ngăn chặn thách thức đối với quyền lực của ông, nhưng quyền lực đó không hữu
dụng mấy để ông thực hiện các chính sách của mình.
Nhiều chuyên gia hàng đầu cho rằng Trung Quốc như một người khổng lồ
“đang đứng bên bờ vực thẳm”. Đó không phải là tin mừng: một Trung Quốc suy
thoái có thể còn nguy hiểm hơn là một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nguy hiểm nhất
là Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan. Để tránh những rủi ro đó, Mỹ cần mau chóng
điều chỉnh ưu tiên chiến lược. (China’s Dangerous Decline, Jonathan
Tepperman, Foreign Afrairs, December 19, 2022).
Theo Matt Potinger, cần kiềm chế tham vọng của Tập Cận Bình ngay bây giờ
hơn là chờ đến khi họ đã tiến hành những bước quyết định khó đảo ngược như tấn
công Đài Loan. Nếu Mỹ và đồng minh tiến hành ngay các biện pháp cứng rắn buộc
Trung Quốc phải phụ thuộc vào thế giới thì mới kiềm chế được tham vọng của Tập.
(Xi Jinping in His Own Words, Matt Potinger, Matthew Johnson, David
Feith, Foreign Affairs, November 30, 2022).
Đó không hẳn là “kiềm chế” (containment) mà là “hạn chế” (constrainment)
như Pottinger đã mô tả. Một chính sách hạn chế, khác với kiềm chế, tính đến
thưc tế hiện nay về sự “tùy thuộc kinh tế” (economic interdependence) nhưng
có lợi cho Mỹ. Hạn chế là tìm cách làm giảm lòng tin của Bắc Kinh rằng họ có thể
đạt mục đích bằng chiến tranh và làm Bắc Kinh mất lạc quan rằng họ có thể tích
lũy được lợi thế so với Mỹ và đồng minh.
Còn nước còn tát
Đại dịch Corona cũng như biến đổi khí hậu là dịp để tăng cường đồng thuận
quốc gia và liên kết quốc tế nhằm đối phó với các thách thức mới. Nhưng đó cũng
là cơ hội để các nhóm lợi ích thân hữu lợi dụng nhằm trục lợi. Các đại án như
“test kit” (Việt Á) và “chuyến bay giải cứu” là ví dụ điển hình về tham nhũng
chính sách đã “chuyển hóa” thành lũng đoạn nhà nước. Nhiều quan chức cấp cao của
các ngành liên quan bị kỷ luật và bắt giam.
Điều đó phản ánh thực trạng phức tạp của thời kỳ quá độ có những vùng
xám và mảng tối đan xen. Nhưng các hạt sạn và con sâu đó không làm lu mờ được
thành tích và phủ nhận được vai trò của ngành ngoại giao trong giai đoạn mới.
Trong một bài dài hơn 6.500 từ, nhà ngoại giao lão thành Vũ Khoan (nguyên phó
thủ tướng) đã đề cập đến thời đại mới. (Một thời đại mới đang
dần hình thành? Vũ Khoan, Tạp chí Cộng sản, 20/11/2022).
Sau khi phân tích đặc điểm tình hình thế giới, ông Vũ Khoan đã nêu “ba
hàm ý chính sách”. Một là, những biến động hiện nay và trong thời
gian tới báo hiệu một thời kỳ hết sức bất an, bất định, với các mối đe dọa
“truyền thống” và “phi truyền thống” đan xen nhau. Hai là, phải
trông vào thực lực với phương châm “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”. Ba
là, thành quả trên mặt trận ngoại giao của ta rất lớn, góp phần hết sức
quan trọng.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được công nghiệp hóa. Bộ Chính
trị đã có Nghị quyết 50-NQ/TW (20/8/2019) về “định hướng hoàn thiện thể chế,
chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm
2030”. Để tránh rơi vào “tình thế khó xử và khó lường” trong quan hệ quốc tế,
“những đối sách trong giai đoạn mới cần được vận dụng một cách cơ động, linh hoạt,
tinh tế, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia”.
Trong cơ cấu nền kinh tế nước ta, đặc biệt là do hệ lụy của đại dịch
Corona làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực FDI ở Việt nam tiếp tục
chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Năm 2019, FDI chiếm 20,35% GDP, 1/4 giá trị vốn đầu
tư toàn xã hội, khoảng 50% sản lượng công nghiệp, 71,7% xuất khẩu và 64,35% nhập
khẩu. Trong đó, công nghệ tiên tiến của Mỹ và Tây Âu chỉ chiếm 6%, trong khi
công nghệ Trung Quốc chiếm 45%.
Trong một bài khác dài hơn 6.700 từ, nhà ngoại giao lão thành Nguyễn
Trung (nguyên trợ lý cho cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã bức xúc về vận mệnh của
dân tộc trong thời đại mới. Theo ông, năm 2022 nên được xem như “một
năm định mệnh của thế kỷ 21”, nhưng nhà cầm quyền và đội ngũ trí thức “vẫn
tiếp tục đi theo đường mòn cũ và thờ ơ trước tình hình mới”. (Năm 2022 thế
giới đang đi về đâu? Nguyễn Trung, Viet-studies, 20/12/2022).
Trong khi một số nhà ngoại giao trẻ bị kỷ luật vì “tự diễn biến, tự
chuyển hóa” trong vụ “chuyến bay giải cứu”, thì ông Vũ Khoan và ông Nguyễn
Trung tuy đã ngoài 80 tuổi, sức tàn lực kiệt, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc,
“còn nước còn tát”. Những bài viết đó như “tiếng hát cuối cùng của con thiên
nga” trước khi từ biệt cõi đời. Nói cách khác, đó là tâm thức của các nhân sỹ Bắc
Hà và tâm trạng của một dân tộc trước thềm một thời đại mới.
Đối tác chiến lược
Chiến tranh liên miên và chia cắt đất nước suốt ba thập kỷ (1945-1975)
đã làm Việt Nam tổn thất nặng nề không chỉ về người và nguồn lực, mà còn về thời
gian và cơ hội phát triển, trong khi các nước khu vực tranh thủ thời cơ phát
triển để vượt lên trước. Thời hậu chiến, (1975-1979) Việt Nam đã để vuột mất cơ
hội hòa giải và tái thiết, nên bị xô đẩy vào cuộc “chiến tranh Đông Dương lần
thứ ba” với Khmer Đỏ và Trung Quốc (1979-1989).
Trong giai đoan đổi mới và mở cửa (từ 1986) tư duy quản trị lạc hậu thời
bao cấp và hệ lụy nặng nề do chiến tranh để lại, đã kìm hãm cải cách và phát
triển của Viêt Nam hàng thập kỷ. Tuy Việt Nam đã đổi mới về kinh tế nhưng chưa
đổi mới về thể chế chính trị, nên thành quả đổi mới vẫn bị hạn chế do bất cập.
Trong khi đó, vấn nạn tham nhũng tràn lan, các nhóm lợi ích thao túng thể chế
và chính sách, làm Viêt Nam tiếp tục tụt hậu so với khu vực.
Người Nhật và người Hàn không tự hào vì “được trời phú rừng vàng biển bạc”
như Việt Nam. Họ dạy con cháu phải chấp nhận khó khăn, thiếu thốn và
thiên tai (như động đất, sóng thần), phải không ngừng học hỏi và làm việc như
điên để vương lên, không được ảo tưởng “làm giàu không khó”. Trong lịch sử, Nhật
đã hai lần trỗi dậy để canh tân và phát triển thần kỳ. Nhật và Hàn là hình ảnh
con phượng hoàng “vươn dậy từ đống tro tàn”.
Với truyền thống chống ngoại xâm và vị trí chiến lược tại Biển Đông, Việt
Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung tại
vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đại sứ Marc Knapper tin tưởng rằng trong năm 2023,
khi hai nước kỷ niệm mười năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, “chúng tôi sẽ
tìm các phương thức để có thể kỷ niệm mốc quan trọng này và tìm kiếm các khả
năng để nâng cấp lên đối tác chiến lược”.
Việt Nam nằm trong danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC),
nhưng ông Knapper cho rằng “Trên cơ sở những giá trị chung, lợi ích chung và
lòng tin giữa hai nước, chúng tôi tin rằng việc nâng cấp quan hệ lên đối tác
chiến lược sẽ càng mở ra nhiều cánh cửa để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn. Chúng
tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các khả năng, đặt rất nhiều kỳ vọng và mong muốn
nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược”.
Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, Thương mại Việt-Mỹ đã
tăng 200%, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đạt $2.8 tỷ USD/năm. Việt Nam có khoảng
30.000 sinh viên du học tại Mỹ, và Việt Nam là nước ủng hộ tích cực Bộ Tứ
(QUAD). Đại sứ Marc Knapper nói với báo chí tại “Triển lãm Quốc phòng Quốc tế”
đầu tiên của Hà Nội (8/12/2022) rằng đây là “một giai đoạn mới để Việt Nam hiện
đại hóa, đa dạng hóa, và toàn cầu hóa”.
Việt Nam muốn thiết lập đối tác chiến lược với Mỹ môt cách lặng lẽ và lấp
lửng (ambiguous), dựa trên nền tảng đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-ASEAN.
Để có đối tác chiến lược với Việt Nam, Mỹ cũng nên lặng lẽ, và có thể công bố
chính thức khi tổng thống Biden đến thăm Hà Nội hay lãnh đạo Việt Nam đến thăm
Washington. (A window of opportunity to upgrade US-Vietnam relations, Jonathan
Stromseth, Brookings, December 20, 2022).
Không đi quá xa, quá nhanh
Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến rất xa, “từ kẻ thù nay đã trở thành
bạn”, thực chất đang trở thành “đối tác chiến lược”. Theo cựu đại sứ Mỹ Daniel
Kritenbrink, chỉ có “bầu trời là giới hạn” (the sky is the limit). Nhưng
theo các nhà nghiên cứu thì hợp tác an ninh Việt-Mỹ vẫn có những giới hạn khó
vượt qua. (The Limit to US-Vietnam Security Cooperation, Khang Vũ,
US-Vietnam Research Center, University of Oregon, June 12, 2021).
Việt Nam đã từng bị Mỹ bỏ rơi năm 1973 và Liên Xô bỏ rơi năm 1979 và
1988. Nay Hà Nội muốn biết rõ liệu có thể tin và dựa vào Mỹ tới đâu tại Biển
Đông. Hà Nội không muốn bị mắc kẹt vào xung đột Trung-Mỹ và một lần nữa trở
thành chiến trường cho các nước lớn. Nếu lợi ích quốc gia liên quan đến “an
ninh đối ngoại” thì ý thức hệ liên quan đến “an ninh đối nội”. Ý thức hệ có vai
trò rất quan trọng đối với hệ thống Đảng và nhà nước.
Quan hệ Việt-Mỹ phát triển tích cực là do hệ quả trực tiếp khi Mỹ và Việt
Nam cùng chia sẻ lo ngại trước sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc. Tuy
quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện đáng kể, nhưng còn quá sớm để khẳng định hai
nước sẽ trở thành đồng minh như Mỹ với Nhật hay với Úc là những nước “có cùng
quan điểm” (like-minded). Nói cách khác, Mỹ giúp Việt Nam nhưng không đẩy
quan hệ Việt-Mỹ “đi quá xa và quá nhanh”.
Theo giáo sư Alexander Vuving (Asia Pacific Center for Security Studies
in Honolulu), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Bắc Kinh ngay sau
khi Đại Hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vừa kết thúc, để làm yên lòng Bắc
Kinh. Đây là thử thách đầu tiên của “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. (Vietnam’s
Approach to China: Bamboo Diplomacy With Neo-tributary Characteristics, Alexander
Vuving, Diplomat, November 12, 2022).
Vuving cho rằng Việt Nam vừa có lợi lớn vừa có hại lớn vì ở cạnh Trung
Quốc. “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam với tính chất “triều cống kiểu mới” (neo-tributary)
được thể hiện khi ông Trọng đến thăm Bắc Kinh. Đây là chuyến thăm chiếu lệ (rituals)
phản ánh sự “bất đối xứng” (asymmetry) về quyền lực, nhằm ổn định. Chiếu
lệ là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm giữ Việt Nam gần Trung Quốc
và tránh xa Mỹ.
Vì chuyến thăm của ông Trọng là chiếu lệ và hoa mỹ (rhetoric)
nên Việt Nam không có thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối với Trung Quốc
sau 2014. Chuyến thăm đánh dấu sự mềm mỏng của Hà Nội với Bắc Kinh nhằm đối phó
với đe dọa của Trung Quốc, trước khi căng thẳng trở lại. Tuy chuyến thăm phá lệ
nhưng không phá cách. Việt Nam nói không với GSI (Global Security Initiative)
và chỉ ủng hộ miệng BRI vì sợ “bẫy nợ”.
Trong khu vực Đông Nam Á, một số nước ASEAN vẫn phải hai mặt để chờ thời
(hedging). Họ có thể điều chỉnh thái độ với Trung Quốc và Mỹ như “swing
states”. Philippines sẽ điều chỉnh thời “hậu Duterte”; Malaysia sẽ
điều chỉnh khi Mahathier Mohamad hay Anwar Ibrahim trở lại cầm quyền; Thailand
và Myanmar sẽ điều chỉnh khi chính quyền quân sự hết thời; Campuchia sẽ điều chỉnh
khi nào Hun Manet lên cầm quyền thay Hunsen.
Lời cuối
Trong cuộc điều trần tai Hạ viện Mỹ (7/12/2022), nhiều ý kiến lo ngại Bắc
Kinh sẽ biến Mekong thành “Biển Đông thứ hai”. Trong cuốn “Những ngày cuối của
dòng Mekong hùng vĩ”, Brian Eyler (Stimson Center) đã nhấn mạnh tầm quan
trọng của tiểu vùng Mekong trong việc đảm bảo an ninh và đời sống của hàng chục
triệu người dân Đông Nam Á. Theo ông, một chiến lược thông minh hơn của Mỹ có
thể giúp khu vực này phát triển mạnh.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã bị mắc kẹt trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung,
nên phải cố gắng giữ cân bằng với nước “cờ thế” (hedging) và nguyên tắc
“ba không, một tùy”. Nhưng cuộc chiến
tranh Nga-Ukraine và hệ quả năng nề của đai dich Corona đã làm đảo lộn nhiều hằng
số và làm xuất hiện các biến số mới khó lường. Đây vừa là thách thức vừa là cơ
hội để Viêt Nam “biến nguy thành cơ”, nhằm thoát khỏi thế “tiến thoái lưỡng
nan”.
------------------
Tham khảo
1. Một
thời đại mới đang dần hình thành? Vũ Khoan, Tạp chí Cộng sản,
20/11/2022
2. Năm 2022 thế giới đang đi về đâu? Nguyễn Trung,
Viet-studies, 20/12/2022
3. The Limit to US-Vietnam Security Cooperation, Khang
Vũ, US-Vietnam Research Center, University of Oregon, June 12, 2021
4. Vietnam’s Approach to China: Bamboo Diplomacy With
Neo-tributary Characteristics, Alexander Vuving, Diplomat,
November 12, 2022
5. Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin Pei, Foreign
Affairs, November 21, 2022
6. Xi Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt
him, Gideon Rachman, Financial Times, November 28, 2022
7. Xi Jinping in His Own Words, Matt Potinger, Matthew
Johnson, David Feith, Foreign Affairs, November 30, 2022
8. The
Power of China’s Blank Sheets of Paper, Melinda
Liu, Foreign Policy, December 3, 2022
9. China’s Restive Middle Class Will Be Xi’s Greatest Test
Yet, Howard French, Foreign Policy, December 6, 2022
10. China’s Dangerous Decline, Jonathan Tepperman, Foreign
Afrairs, December 19, 2022
11. A window of opportunity to upgrade US-Vietnam
relations, Jonathan Stromseth, Brookings, December 20, 2022
12. As COVID soars, China has 2 chains of command, Katsuji
Nakazawa, Nikkei, December 22, 2022
13. The careful balancing act of Vietnam’s bamboo
diplomacy, Nguyen Khac Giang, East Asia Forum, December 23, 2022
14. The Weakness of Xi Jinping, Cai Xia, Foreign
Affairs, Sept/Oct 2022
15. The Taiwan Long Game, Jude Blanchette & Ryan
Hass, Foreign Affairs, Jan/Feb 2023
16. Putin’s Last Stand, Liana Fix & Michael
Kimmage, Foreign Affairs, Jan/Feb 2023
NQD. 31/12/2022