Tuesday, October 31, 2023

GÓI NGÂN SÁCH G7 GIÚP VIỆT NAM NGƯNG SỬ DỤNG THAN : CHO VAY NHIỀU, VIỆN TRỢ ÍT (BBC News Tiếng Việt)

 



Gói ngân sách G7 giúp Việt Nam ngưng sử dụng than: Cho vay nhiều, viện trợ ít

BBC News Tiếng Việt

31 tháng 10 2023, 12:21 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1v1nvxndgo

Các thành viên G7 đề xuất tài trợ cho Việt Nam hơn 300 triệu USD để hỗ trợ các kế hoạch giảm sử dụng than. Khoản tiền này chỉ chiếm 2% gói tài chính 15,5 tỷ USD chủ yếu đến từ các khoản vay tốn kém mà Hà Nội lưỡng lự chấp nhận, theo Reuters.

Các tài liệu này – mà Reuters được đọc – được các nước tài trợ chốt vào cuối tháng 10 - lần đầu tiên tiết lộ chi tiết các khoản chi cấu thành gói ngân sách 15,5 tỷ USD mà các nước G7 và đối tác đề xuất vào tháng 12/2022 nhằm giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy để có thể nhận được khoản tài trợ lớn và các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện kế hoạch loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than và thay thế bằng các trang trại gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Nhưng các nhà tài trợ lại đề xuất các khoản vay đắt đỏ theo lãi suất thị trường trong bối cảnh các dự án điện chậm trễ kinh niên của Việt Nam.

Các nhà tài trợ cũng gặp khó khăn trong các cuộc đàm phán về khí hậu với nước đang phát triển là đối tác khác: kế hoạch trị giá 8,5 tỷ USD cho Nam Phi đã được thông qua vào năm 2021 nhưng vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể và Indonesia đã trì hoãn kế hoạch đầu tư liên quan đến cam kết rót 20 tỷ USD của các nhà tài trợ.

Việt Nam vẫn cam kết hợp tác và đã chuẩn bị một danh sách dự thảo về các cam kết cải cách và hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như trang trại gió và mặt trời, nâng cấp lưới điện và hệ thống lưu trữ pin.

Trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 30/11 tại Dubai, danh sách này cần có sự chấp thuận của các đối tác quốc tế, những người đã yêu cầu Việt Nam đưa ra các quy định cải cách tham vọng hơn, đồng thời phải cò sự tham gia của xã hội dân sự vào các quyết định chống biến đổi khí hậu, một quan chức từ một tổ chức đối tác tài trợ cho biết.

Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

EU dẫn đầu, Mỹ theo sau

Đề xuất mà G7 vừa đưa ra bao gồm 321,5 triệu USD tiền tài trợ, gần như hoàn toàn từ Liên minh châu Âu và các quốc gia EU - những nhà hỗ trợ tài chính hàng đầu với tổng cam kết là 2,6 tỷ USD.

2,7 tỷ USD khác là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, trong đó khoảng 2/3 là do EU, Đức và Pháp cung cấp, và 1/3 còn lại là do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cung cấp - với một phần nhỏ từ Canada.

Tổng vốn tài trợ công đã tăng nhẹ lên 8 tỷ USD so với mức 7,75 tỷ USD đã cam kết vào tháng 12, nhưng hơn một nửa là các khoản vay thương mại theo lãi suất thị trường mà Việt Nam lưỡng lự chấp nhận - đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cao hiện nay trên toàn cầu.

Các tài liệu cho biết, 7,5 tỷ USD còn lại dự kiến sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân theo dạng các khoản vay đắt đỏ, nhưng những khoản đầu tư đó phụ thuộc vào việc Việt Nam cải cách các quy định hiện hành và chất lượng của các dự án cụ thể.

Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào tháng 9 và Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD, hầu như chỉ cho vay theo lãi suất thị trường.

Một chuyên gia về khí hậu, người từ chối nêu tên trong bối cảnh có vẻ như Việt Nam đang đàn áp các chuyên gia và nhà hoạt động năng lượng, cho biết số tiền tài trợ rất thấp và có thể không đủ để thuyết phục Hà Nội loại bỏ dần than.

Theo ước tính của chính phủ, để tài trợ cho các kế hoạch phát điện, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD cho đến năm 2030 và nhiều hơn nữa vào giữa thế kỷ. Các quỹ G7 có thời hạn ban đầu là 3-5 năm và nhằm mục đích thu hút đầu tư tư nhân.

Theo kế hoạch của Việt Nam – vốn khiến các nhà tài trợ phải ngạc nhiên khi chúng được công bố vào tháng 5 - năng lượng được tạo ra từ than sẽ tăng cho đến năm 2030, trước khi giảm trong hai thập kỷ tiếp theo. Than dự kiến sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030 từ mức 31% năm 2020.

-----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

Năng lượng VN 2023: Điện than đang thoái trào hay bùng nổ?

10 tháng 4 năm 2023

.

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

23 tháng 2 năm 2023

.

Ai sẽ giám sát quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch của VN?

4 tháng 7 năm 2023

.




.

HÃNG XE THÀNH BƯỞI TRONG "TRẬN ĐÁNH ĐẸP" TRUYỀN THÔNG (Tuấn Khanh)

 



Hãng xe Thành Bưởi trong "trận đánh đẹp" truyền thông

Tuấn Khanh  

Thứ Hai, 10/30/2023 - 13:52 — tuankhanh

https://www.rfavietnam.com/node/7815

 

Câu chuyện hãng xe vận tải Thành Bưởi từ lúc có những tin tức “tố cáo” của báo chí cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là một vụ đánh thần tốc. Mọi diễn biến được tính toán đưa lên trên mặt trận truyền thông khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng bị gọi tên như tội phạm, dù chưa có toà án nào kết luận.

 

Nếu nói về hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn phối hợp nghiêm, “đánh đẹp” trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với ‘người có tội” theo chủ trương.

 

Sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở GTVT TPHCM chỉ ra là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến năm người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30 Tháng Chín 2023. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng và giấy phép…

 

Quả thật, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của của nhiều tờ báo, truyền hình trong cơn say đấu tố có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen đang lũng đoạn đất nước.

Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ không chỉ có Thành Bưởi. Nhiều hãng xe hoạt động trên các tuyến đường miền Nam mòn mỏi lâu nay không được nâng cấp, đã làm đủ mọi cách để làm được công việc của mình. Và khi tai nạn xảy ra, có tên nhiều hãng xe lớn, kể cả đối thủ của Thành Bưởi. Ví dụ tai nạn “nghiêm trọng” như báo chí mô tả về Thành Bưởi, hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe, làm bị thương nhiều hành khách. Mà chuyện lật xe của Phương Trang cũng thường xảy ra từ cả chục năm nay. Kể cả chết người, hãng xe Phương Trang cũng có. Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu Tháng Mười này.

 

Duy nhất trên báo Tri Thức & Cuộc Sống, một dòng ngắn nằm chen lẫn giữa các lời “tố cáo”, như đánh thức mơ hồ về mặt khác của “trận đánh đẹp” phối hợp, đang tập trung vào Thành Bưởi. “Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện”, trích bài viết.

 

Để nhấn mạnh vào tính “xã hội đen” của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như “sự lộng hành của Thành Bưởi”, “Nhà xe công khai thách thức pháp luật”, thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức “ai chống lưng cho Thành Bưởi?”. Liệu đây là một câu hỏi tu từ hay là một khát vọng đi tới sự thật của báo chí Việt Nam? Và nếu có một quan chức nào đó chống lưng, tờ báo nào sẽ là nơi đầu tiên công khai tên nhân vật đó?

 

Thậm chí, câu chuyện tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra, được giật tít là nguyên cớ của sự lên án tập thể, không có một tờ báo nào quan tâm đến nạn nhân, để phỏng vấn chi tiết công ty này về cách thức giải quyết hậu sự cho người bị nạn, và chuyện này sẽ là tiền đề cho việc các tai nạn xe trong tương lai thế nào, chẳng hạn?  

 

Trên trang Facebook của nhà báo Huy Đức có một nhận định đáng suy nghĩ về “trận đánh đẹp”, rầm rập thẳng hàng của truyền thông nhà nước: “Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật thay vì nhắm vào doanh nghiệp”

 

Quả vậy, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà khi bị giam giữ, nhưng không có nghĩa hệ thống ngân hàng BIDV bị giải thể vì ông ta là người đứng đầu.

 

Việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những “trận đánh đẹp” của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân. 

 

Những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận, nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô lậu của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.

 

 

tuankhanh's blog

 





CÓ BAO NHIÊU HỆ THỐNG LUẬT PHÁP TẠI VIỆT NAM? (J.B Nguyên Hữu Vinh)

 



Có bao nhiêu hệ thống luật pháp tại Việt Nam?

J.B Nguyễn Hữu Vinh  

Thứ Ba, 10/31/2023 - 03:22 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/7819

 

Tại Việt Nam, luật pháp được định nghĩa là hệ thống quy định có nội dung thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị ở đây, là Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức tự nhận vai trò “lãnh đạo tuyệt đối” đối với đất nước, dân tộc từ việc “Cướp chính quyền” năm 1945. Thế rồi, một nhà nước độc tài đã ra đời và một hệ thống luật pháp chỉ nhằm phục vụ chế độ đó được hình thành với mệnh danh là “Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa’.

 

Hình như, cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” – đã trở thành một cụm từ dùng để chỉ một khái niệm trừu tượng nhất, quái gở nhất mà người ta không thể giải thích rành rẽ được như chính cái khái niệm Xã hội Chủ nghĩa mà cả nước đã được hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” từ cả gần thế kỷ trước, để rồi đến hôm nay ngay cả các Tổng Bí thư vẫn còn cứ ú ớ Việt gian rằng: “Dần dần sẽ sáng tỏ” hoặc “đến cuối thế kỷ vẫn chưa chắc đã nhìn thấy Chủ nghĩa xã hội”.

 

Điều đó cũng có nghĩa là cả nước đã được cái gọi là trí tuệ, sáng suốt, tài tình của đảng dẫn dắt đi qua gần một thế kỷ mà chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu. Và đến bây giờ, mới tá hỏa tam tinh rằng chưa rõ cái mặt ngang mũi dọc của nó là cái gì.

 

Và cũng quái gở như cái mục tiêu mà nó hướng đến, những lĩnh vực nó liên quan, cũng đầy rẫy những trái khoáy và ngược ngạo. Trong đó, hệ thống luật pháp, tư pháp như một trò đùa mang tên “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”.

 

Một bộ luật, nhiều cách sử dụng

 

Có thể thấy một điều: Trong hệ thống tư pháp Việt Nam, cùng một hành vi, nhưng sẽ được xem xét, xử lý hoàn toàn khác nhau, không vì tính chất hay hậu quả vụ việc mà là căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, yếu tố chính trị, nghĩa là sự trung thành với chế độ, chủ nghĩa Lý lịch, ý chí cá nhân hoặc một yếu tố nào đó từ sự lãnh đạo của đảng mà sự việc được xem xét hoàn toàn khác nhau, nhiều khi là hoàn toàn ngược nhau trong cách hành xử.

 

Người ta có thể thấy điều này hết sức rõ ràng trong những vụ án đối với những người đấu tranh cho quyền con người, cho quyền lợi của người dân Việt, cho lãnh thổ của Tổ Quốc đang dưới sự hăm he và xâm chiếm của bạn vàng của đảng, cho những người cùng đinh, bần hàn trong xã hội đang bị chà đạp, cướp bóc bởi hệ thống chính trị hiện tại. Những vụ án đó, thường là những vụ án bỏ túi, chóng vánh và vi phạm luật pháp, vi phạm quy trình tố tụng một cách nghiêm trọng. Đặc biệt, những hành vi tra tấn tàn bạo, rồi mớm cung, ép cung… bằng mọi cách để đạt được những gì nhà cầm quyền muốn với họ, cứ nhìn những người dân Đồng Tâm trước Tòa án thì sẽ rõ những điều này.

 

Rất nhiều vụ án, thời gian xét xử chỉ vài tiếng đồng hồ cho mọt bản án cả chục năm tù đối với những người yêu nước, hợp lòng dân nhưng trái ý đảng.

 

Không chỉ với những người được liệt kê vào “thế lực thù địch”, mà ngay cả với những đảng viên cộng sản, thậm chí thuộc “thế lực thân địch” hẳn hoi, cũng không tránh khỏi sự tùy tiện của hệ thống luật pháp và tư pháp hiện nay. Đơn cử vài vụ án làm nổi sóng dư luận, chúng ta sẽ thấy điều gì đằng sau.

 

Vụ án Cô giáo Lê Thị Dung, là đảng viên, bí thư chi bộ hẳn hoi, hoàn toàn không phải là “thế lực thù địch”, nhưng sự hành xử của hệ thống luật pháp đã làm dậy sóng dư luận xã hội.

 

Đó là việc TAND huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù cho bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị quy kết gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm. Đây là những khoản tiền thanh toán dạy thêm và các chi tiêu khác từ ngân sách nhà nước cấp.

 

Viện kiểm sát cho rằng do bà Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5 - 10 năm tù. Sau đó bà Dung bị TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên.

 

Dư luận phản ứng dữ dội, vì sự khắc nghiệt của bản án có “mùi” không bình thường.

 

Thế rồi, trước dư luận xã hội phản ứng, ngày 13/6/2023, hội đồng xét xử TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc chiếm đoạt gần 45 triệu đồng. Mức án này đã giảm 45 tháng tù so với bản án của phiên tòa cấp sơ thẩm TAND huyện Hưng Nguyên tuyên ngày 24/4.

 

Như vậy, có nghĩa là việc xử án này không căn cứ vào Luật quy định, mà căn cứ vào văn bản của Tỉnh ủy Nghệ An rằng phải xử lại để trấn an dư luận nhân dân. Điều đó cũng có nghĩa là luật pháp chẳng có ý nghĩa gì với việc xét xử, tất cả phụ thuộc vào Tỉnh ủy.

 

Người ta đặt câu hỏi: Tại sao rõ ràng cô giáo Lê Thị Dung có sai phạm, trong hành động về tiền bạc, về chứng từ, về sử dụng tiền nhà nước với chứng cứ cụ thể hẳn hoi, mà khi Tòa tuyên án mức án nghiêm khắc, lại tạo nên dư luận xã hội không đồng tình, dù xã hội đã quá chán ngán với nạn tham nhũng của quan chức cộng sản?

 

Xin thưa, đơn giản là vì ở đó, người ta thấy sự hài hước của luật pháp, người ta thấy rằng luật pháp được sử dụng tùy tiện như một phương tiện để trả thù cá nhân. Và người ta so sánh với những vụ án tày trời khác, quan chức được xử cứ như chuyện đùa.

 

Người ta chưa quên rằng: Vài năm trước, vụ án Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị tòa tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù vì tội dẫn đến việc mất quyền quản lý 3 lô đất ở đường Tôn Đức Thắng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 939 tỉ đồng.

 

Vâng, gần 1.000 tỷ đồng của nhà nước, là tiền dân chỉ có hình phạt 3 năm rưỡi tù giam, trong khi đó nhiều sự hài hước đã diễn ra tại những phiên tòa này, đó là phạm nhân đã trưng ra nào là giấy của Phường, của xóm để giảm tội, hoặc là công lao của gia đình để xóa tội…

 

Hài hước hơn nữa, đó là chính nạn nhân bị hại là quân chủng Hải Quân, lại đề nghị tha tội cho thủ phạm là Đô Đốc Nguyễn Văn Hiến. Chỉ đơn giản vì đó là của dân chứ quân chủng Hải Quân chẳng là của riêng ai.

 

Không chỉ một vụ án đó, người ta còn thấy nhiều điều trắng trợn trong các vụ án tương tự.

 

Chẳng có một lý do nào, để Tòa quyết định bỏ qua tội nhận hối lộ của Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, khi mà trước tòa, Phan Sào Nam đã khai rõ ràng hàng tháng phải cống nộp cho Vĩnh hàng trăm ngàn đôla, chưa kể các loại vật dụng đắt tiền như đồng hồ tiền tỷ…

 

Cũng như mới đây, tòa bỏ qua tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Thiếu tướng Công an Nguyễn Anh Tuấn, là Phó Giám đốc Công an Hà Nội khi nhận 2,85 triệu đola để chạy án trong vụ “Chuyến bay Giải cứu”, nhưng chỉ bỏ ra mấy trăm ngàn, còn lại thì đút túi cho đến khi xộ khám mới đưa nộp tiếp.

 

Có thể kể rất nhiều trường hợp tương tự trong hệ thống các vụ án tại Việt Nam.

 

Đến việc đối xử sau kết án

 

Ngày 13/3/2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Cương - giám định viên, giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị. Ông Cương bị khởi tố về hành vi "giả mạo công tác" liên quan đến việc làm sai lệch kết quả giám định pháp y, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

 

Điều lạ là dù đã bị bắt giam, nhưng 8 tháng sau, ông ta vẫn là Giám đốc Trung tâm Pháp y và vẫn hưởng lương, phụ cấp như thường. Lý giải điều này, cán bộ có trách nhiệm nói rằng: “Căn cứ nghị định 112/2020 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Nguyễn Đình Cương do chưa có kết luận của cơ quan điều tra”.

 

Và như vậy, thì vẫn có nghĩa là ông ta đang là Giám đốc và đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi mà không ai thay thế được.

 

Điều người ta băn khoăn tự hỏi: Liệu có đất nước nào, có thể chế nào nhân đạo hơn thể chế Việt Nam hay không?

 

Và ở trong tù gần một năm qua, ông ta có sinh hoạt đảng, vẫn là bí thư chi bộ điều hành hoạt động của chi bộ bình thường, để lại ra các kết quả giám định tương tự hay không?

 

Và một điều nữa, là so sánh với các vụ án vi phạm luật tố tụng hình sự như bắt người rất lâu mới thông báo cho gia đình, và thậm chí là tính thời gian lùi lại rất lâu so với ngày bắt giữ đối với những người hoạt động nhân quyền, thì chính quyền giải thích ra sao?

 

Không chỉ một trường hợp vừa nêu, lấy lý do là mới chỉ khởi tố chưa thành án, chưa có tội. Mới đây, dư luận ngỡ ngàng khi biết được rằng Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ủy viên HĐND Tỉnh Quảng Nam đã bị tuyên án ngày 27/7 với mức án 6 năm tù vì tội nhận hối lộ 5 tỷ đồng. Trước tòa, Trần Văn Tân còn lẩy Kiều: “Trót đà gây việc chông gai”.

 

Thế nhưng, đến tận 3 tháng sau thì Trần Văn Tân vẫn nguyên chức vụ là Phó Chủ tịch Tỉnh và là Ủy viên HĐND Tỉnh. Nguyên nhân, chỉ vì theo lý luận của các quan chức tỉnh này, thì Trần Văn Tân đang kháng án, nghĩa là chưa có tội. Và phải chờ sau phiên phúc thẩm mới có thể kết luận có tước chức vụ hay không?

 

Điều người ta thấy lạ, là với cái sự bình đẳng trước pháp luật, tại sao có hiện tượng kỳ lạ này?

 

Vậy thì sau phiên phúc thẩm, nếu Trần Văn Tân cũng tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên Giám đốc thẩm, thì chờ đến khi nào thôi trả lương và phụ cấp cho tội phạm này?

 

Và nếu như, tất cả tù nhân đều kháng cáo, thì có khi nào bị các hình thức cách chức, kỷ luật, thi hành án khi chưa có bản án Giám đốc thẩm hay không?

 

Câu hỏi không khó trả lời.

 

Cái khó trả lời nhất, là ở chỗ: Đối tượng đó là ai, và nói theo ngôn ngữ dân gian ngày nay thì: “Mày biết bố mày là ai không”?

 

Bởi dù có một hệ thống luật pháp, nhưng có muôn vàn cách hành xử với hệ thống đó.

 

Và đó là cái gọi là “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” trong chế độ Cộng sản.

 

30.10.2023

 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog







BÓNG MA CHUYÊN CHÍNH (Nguyễn Anh Tuấn)

 



Bóng ma chuyên chính

Nguyễn Anh Tuấn  

Thứ Hai, 10/30/2023 - 18:15 — nguyenanhtuan

https://www.rfavietnam.com/node/7818

 

Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam.

 

Những vụ án kỳ lạ

 

Bản án 3 năm tù giam đã khép lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng song vẫn chưa khiến dư luận lẫn những người trong cuộc hết băn khoăn về nguyên nhân thực sự của việc bắt giữ bà.

 

Chẳng ai được thuyết phục rằng chỉ vì những chuyện bóc phốt ồn ào mà bà Phương Hằng bị bắt, bởi lẽ giới showbiz bất kỳ quốc gia nào cũng đầy bê bối bị phanh phui và Việt Nam đâu phải là ngoại lệ.

 

Có người lại cho rằng bà Phương Hằng đụng phải những nghệ sĩ quyền lực, nhưng ở Việt Nam những nghệ sĩ này có thể quyền lực trong giới của họ mà thôi, đâu đủ sức chi phối các cơ quan tố tụng. Đó là chưa kể có những người đấu khẩu với bà Phương Hằng như nhà báo Hàn Ni cũng bị bắt sau đó. Nếu các nghệ sĩ đứng sau vụ tất cả chuyện này thì chẳng lý do gì họ muốn bắt cả Hàn Ni.

 

Trong khi một dấu hỏi lớn vẫn nằm im trong vụ Phương Hằng thì lại xuất hiện một vụ án kỳ quặc khác. Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng sau khi đăng tải các video clips quay cảnh biểu diễn chạy xe phân khối lớn trên đường. Trước đó thì cô đã bị xử phạt hành chính vì các lỗi liên quan tới việc lái xe này.

 

Người ta một lần nữa lại bàn tán xôn xao về lý do bắt giữ Ngọc Trinh nhưng có vẻ cũng chưa ai đưa ra được một nguyên cớ thuyết phục. Người theo thuyết âm mưu thì cho rằng Ngọc Trinh chỉ là đầu mối để dẫn tới những vụ án lớn hơn, song cũng không hề có bằng chứng gì.

 

Ngay cả các luật sư thân chính quyền thường lên báo minh họa cho mọi quyết định bắt giữ của công an thì lần này cũng tỏ vẻ băn khoăn là hình như công an hơi mạnh tay khi bắt giam Ngọc Trinh.

 

Dư luận chưa kịp lắng xuống vụ Ngọc Trinh thì lại bị thu hút bởi việc điều tra bất ngờ của cơ quan công an đối với nhà xe Thành Bưởi - một nhà xe có tiếng lâu năm ở miền Nam. Những lý do mà công an đưa ra, dù được phụ họa bởi báo chí quốc doanh, vẫn không đủ sức thuyết phục dư luận lẫn chính nhà xe Thành Bưởi đến nỗi nhà xe này, bỏ qua cả những thận trọng chính trị thông thường của dân làm ăn ở Việt Nam, đã ngay lập tức ra một thông cáo báo chí tỏ ý nghi ngờ việc điều tra có “uẩn khúc”.

 

Những vụ án như thế này đang xuất hiện thường xuyên hơn những năm gần đây không khỏi khiến cho dư luận thắc mắc điều gì đang xảy ra với cơ quan thực thi pháp luật vậy?

 

Pháp trị hay chuyên chính vô sản?

 

Mấy chục năm Đổi Mới với việc thử nghiệm kinh tế thị trường trong lòng chế độ cộng sản đã khiến cung cách quản trị xã hội ở Việt Nam thay đổi ít nhiều.

 

Từ chỗ là một thứ thừa thãi của một xã hội xô-viết vận hành bằng chỉ thị và nghị quyết, pháp luật bỗng dưng được quan tâm. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành khẩu hiệu giăng mắc nhan nhản từ thành thị đến nông thôn. Cũng dễ hiểu, kinh tế thị trường, dù ở mức chưa hoàn thiện đi chăng nữa, cũng chỉ có thể vận hành được trong một khuôn khổ pháp luật. Tương tự vậy, tiền đầu tư ngoại quốc cũng sẽ chỉ vào một quốc gia vận hành theo pháp luật chứ không phải là chỉ thị và nghị quyết của đảng cầm quyền.

 

Bởi lẽ, đặc trưng của một xã hội vận hành bằng pháp luật - tức một nền pháp trị - là minh bạch và dễ đoán định vốn là những điều kiện cần thiết cho tự do kinh doanh và giao kết hợp đồng của một nền kinh tế thị trường. Trái lại, một nền chuyên chính vô sản, tức là lề lối quản trị xã hội bằng chỉ thị và nghị quyết của một đảng kiểu leninist thì kém minh bạch và không thể đoán định, vốn là những điểm thù nghịch với kinh tế thị trường vì sẽ bóp chết mọi ý định kinh doanh và gây rủi ro cho mọi giao kết hợp đồng.

 

Quen với một xã hội vận hành [tương đối] bằng pháp luật, nhiều người nhìn những vụ án kỳ quặc kể trên qua lăng kính pháp trị không thấy gì khác ngoài sự băn khoăn của mình. Chính ở đây, một lăng kính khác có thể giúp họ bớt băn khoăn: Chuyên chính vô sản.

 

Án của Đảng

 

Ngay sau khi bà Phương Hằng bị bắt giữ, các ngành nội chính Việt Nam bao gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có phiên họp dưới sự chủ trì của ngôi sao chính trị đang lên là Võ Văn Thưởng khi đó là Thường trực Ban Bí thư. 

 

Tại đây ông Thưởng đã cho biết bà Phương Hằng, cùng với nhóm Báo Sạch bị bắt vì “thách thức đường lối, chủ trương của đảng” - một lý do không thể mơ hồ hơn. Ông Thưởng cũng đã tiết lộ “những vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì xử lý theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư.”

 

Vậy là đã rõ, đối với vụ việc dư luận quan tâm, đường hướng xử lý sẽ tuân theo các chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư, chứ không phải dựa trên các cân nhắc pháp lý. Nghĩa là, một người có thể bị bắt vì các cơ quan nội chính xét thấy cần phải làm như vậy nhằm đạt được những mục tiêu chính trị nhất định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, chứ không phải vì đã vi phạm hình sự tới mức phải bị khởi tố và bắt giữ, như trong một nền pháp trị. Lẽ dĩ nhiên là sau khi các cơ quan nội chính đã chốt, công an sẽ làm phần việc còn lại bằng cách diễn giải pháp luật, đôi khi một cách rất khiên cưỡng, để hợp thức hóa việc bắt giữ.

 

Trớ trêu thay, cả Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư đều là những văn bản nội bộ của đảng, đều không công khai và người dân không thể tiếp cận.

 

Vậy làm sao biết khi nào một ai đó bị bắt và nếu bị bắt thì lý do thực sự là gì? Khi bạn nhận ra rằng có những vụ án của đảng trong đó người ta bị bắt đôi khi chỉ vì đảng muốn như vậy, bạn sẽ thấy sự trở lại của một bóng ma sẽ phủ bóng lên đời sống xã hội Việt Nam nhiều năm tới đây.

 

Bóng ma chuyên chính vô sản.

 

nguyenanhtuan's blog





BÍ THƯ THÀNH HỒ MUA 10 TRIỆU VNĐ MỘT TIN BÁO VỀ CÁN BỘ THAM NHŨNG (An Vui / Saigon Nhỏ)

 



Bí thư Thành Hồ mua 10 triệu VNĐ/tin báo về cán bộ tham nhũng

An Vui   -  Saigon Nhỏ

31 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/bi-thu-thanh-ho-mua-10-trieu-vnd-tin-bao-ve-can-bo-tham-nhung/  

 

Một văn bản vừa công bố của Thành ủy ngày 31 Tháng Mười 2023 cho hay cơ quan đầu não của Thành Hồ sẵn sàng mua tin và xử lý thông tin về tham nhũng và tiêu cực, với giá tối đa 10 triệu đồng/tin.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/31.10.23_Anh-6.jpg

Bí thư Thành Hồ Nguyễn Văn Nên đề cập tới quy định trả tiền công cho những cá nhân và tổ chức phát giác cán bộ tham nhũng – Ảnh: Dân Trí

 

Người ký văn bản này là ông Nguyễn Hồ Hải, phó Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Hải cho hay việc mua tin không phải giao dịch dân sự mà chỉ là hình thức khuyến khích, động viên người cung cấp thông tin có giá trị.

 

Việc trả thù lao, khen thưởng cho người cung cấp thông tin là nhằm khuyến khích các cá nhân (trong đó có cán bộ, công chức, viên chức) và tổ chức tích cực tham gia chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Các thông tin này được quy định là việc tố cáo, phản ảnh hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn; tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do Thành ủy, UBND thành phố quản lý.

 

Trước đó, tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội thành phố ngày 28 Tháng Chín, Bí thư Thành Hồ là ông Nguyễn Văn Nên đã từng chia sẻ cần khuyến khích, trả thù lao, khen thưởng những cá nhân và tổ chức phát giác hành vi tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong hệ thống cầm quyền. Ông Nên cho đây là cách giúp cán bộ, công chức, viên chức vượt qua sự trì trệ, né tránh.

 

Đơn vị tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố;  các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành ủy. Người tố cáo có thể gặp trực tiếp hoặc gián tiếp gửi văn bản qua đường bưu điện.

 

Thông tin phản ảnh sẽ được Ban Chỉ đạo thẩm tra, xác định mức trả, dựa trên kết luận, kết quả giải quyết và mức độ, tính chất của hành vi tham nhũng, tiêu cực.

 

Tổng số tiền mua tin không vượt quá 10 triệu đồng/tin.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/31.10.23_Anh-7-1.jpg

Người ký văn bản mua tin tố cáo cán bộ tham nhũng là ông Nguyễn Hồ Hải, phó Bí thư Thành ủy – Ảnh: Thanh Niên

 

Nếu người cung cấp thông tin không có nhu cầu nhận tiền, Ban Nội chính Thành ủy đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng. Ngoài việc được trả tiền khi mua tin, nếu thông tin có giá trị phòng ngừa, góp phần ngăn ngừa thiệt hại hoặc thu hồi được tiền, tài sản có giá trị, thì tổ chức, cá nhân cung cấp còn được xem xét khen thưởng.

 

Những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sẽ được bảo vệ. Nguồn tin tố cáo được tiếp nhận theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người tố cáo chỉ làm việc và cung cấp thông tin trực tiếp cho Ban Chỉ đạo, không qua trung gian.

 

Ban Chỉ đạo sẽ giữ bí mật, không tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác liên quan đến người cung cấp thông tin… Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số và lưu trữ theo chế độ mật.

 

Cũng theo quy định của Thành ủy, người cung cấp thông tin không được phát tán, tiết lộ, hủy hoại tin, làm sai lệch thông tin gốc trong thời gian cơ quan chức năng chưa có kết luận thẩm tra.

 

Mặt khác, người cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; phải bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm nếu phản ảnh sai sự thật.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/31.10.23_Anh-8.jpg

Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, bị dân tố cáo, chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, chứ không mất chức – Ảnh: Thanh Niên

 

Nghe thì có vẻ hay, nhưng giá mua 10 triệu đồng/tin của các quan liệu có bù đắp nổi những rắc rối hoặc xáo trộn trong đời sống mà người cung cấp tin (tham nhũng/tiêu cực của cán bộ) phải gánh chịu?

 

Chẳng hạn như ông Nên từng chia sẻ trong cuộc họp ngày 28 Tháng Chín, phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ bị kỷ luật cũng là từ phản ảnh của người dân!

 

Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ (47 tuổi), phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị của TP.Thủ Đức, bị kỷ luật cảnh cáo do vi phạm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ… khi quản lý đất đai, quản lý xây dựng, bồi thường việc giải tỏa mặt bằng, tái định cư tại địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Từ đó làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước và công tác cải cách thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, cơ quan, đơn vị, theo Tuổi Trẻ.

 

Đó là một bản tin rất chung chung, diễn giải lòng vòng, đọc xong cũng không biết cụ thể ông Tứ đã làm gì đến nỗi “Gây hậu quả nghiêm trọng”?

 

Hề nhất là dù “Gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng ông Tứ không bị mất chức, vẫn tiếp tục giữ chức phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức!





SỐ PHẬN CỦA MỘT CUỐN SÁCH (Đỗ Duy Ngọc)

 



SỐ PHẬN CỦA MỘT CUỐN SÁCH   

Đỗ Duy Ngọc

25-10-2023  04:31  

https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/pfbid02DkpK4YLsVNp5VbQ4JsJ33ZDdMeQdckiGddyk7pMB3CBg5wV1RVR79TnairWSNWkKl

 

Trong 120 ngày cơn đại dịch hoành hành thành phố này năm 2021, biết bao cảnh thê lương xảy ra, biết bao những sai lầm không đáng có, đã khiến cho mấy chục ngàn người bỏ mạng một cách oan ức. Chắc chắn con số người về với tro bụi vì đại dịch lớn hơn con số nhà nước đã công bố. Tan tác, chia ly, đau đớn, phẫn nộ.

 

Trong những ngày ấy, hàng ngày tôi đều viết nhật ký về cơn đại dịch và tôi đặt tên là Nhật ký Sài gòn Lockdown. 600 trang in khổ lớn chất chứa rất nhiều tư liệu và cảm xúc của tôi.

Biết bao văn bản của chính quyền thể hiện sự lúng túng. Biết bao tiếc thương về sự ra đi của người quen, bạn bè và người dân. Biết bao nỗi niềm về một thành phố thân yêu trở thành những con phố không người và những khu phố đầy dây kẽm. Biết bao uất ức, bao niềm đau được ghi lại. Biết bao tư liệu về những năm tháng không thể nào quên của người Sài Gòn.

 

Tôi xin phép bảy nhà xuất bản để in, tất cả đều lắc đầu sau khi đọc bản thảo. Có nơi thắc mắc, sao lại gọi tên thành phố này là Sài Gòn. Có chỗ thì bảo thành phố chỉ giãn cách chứ có lockdown đâu. Và đa số đều ngại nội dung, dù đó chỉ là sự thật. Cũng có nhà xuất bản bảo, có thể cấp giấy phép với điều kiện phải chi 20.000.000 đồng (gồm phí xuất bản 5 triệu + phí biên tập 15 triệu. Giấy phép không thôi đã là 20 triệu thì đành ôm về thôi, sao chịu nổi).

 

Nghe đâu Cục xuất bản đề nghị không cho phép cấp giấy phép cuốn sách này.

 

Ở nước ngoài đề nghị in, nhưng vì để bảo đảm an ninh cho bản thân, tôi từ chối. Thế là bản thảo cuốn sách đành nằm mãi trên bàn, đóng bụi. Số phận của nó là không được cất tiếng, đành phải lặng im. Nó mãi mãi là tư liệu của riêng cá nhân tôi và mốt mai con cháu của riêng tôi sẽ đọc để biết rõ cha ông chúng đã từng trải qua cơn đại dịch hãi hùng như thế nào và trách nhiệm của người lãnh đạo về hậu quả của cơn đại dịch.

 

Nghĩ cũng tiếc nhưng cũng đành vậy.

 

25.10.2023

Hai năm sau cơn đại dịch

DODUYNGOC

 

______

 

Ảnh chụp bìa sách chưa xuất bản của tác giả Đỗ Duy Ngọc:

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10159909216258635&set=pcb.10159909219238635

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10159909216273635&set=pcb.10159909219238635

 

104 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 



CHIẾN TRANH ISRAEL - HAMAS (Dương Quốc Chính)

 



Chiến tranh Israel – Hamas

Dương Quốc Chính

31/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/31/chien-tranh-israel-hamas/

 

Lúc Hamas mới tấn công, mình đã dự đoán cách đáp trả của Israel, bây giờ Netanyahu đang làm đúng như vậy. Israel sẽ tấn công tổng lực, không ngừng, để tận dụng cơ hội có chính danh và sự đồng thuận hiếm có từ dư luận trong nước.

 

Tất nhiên tên lửa thì chính xác hơn bom thường hay bom nguyên tử, nhưng không thể tránh khỏi thường dân bị chết lây. Chiến tranh mà, dân Gaza cũng ủng hộ Hamas thì họ phải chấp nhận có ngày này thôi. Nhất là khi Hamas là tổ chức khủng bố cố tình sống lẫn với dân, dùng chiến tranh nhân dân.

 

Dư luận quốc tế, mình cho là phe tả là chính, nhất là Nga, Tàu và Arab nhao nhao đòi ngưng chiến vì vấn đề nhân đạo. Chơi thế khác gì ủng hộ khủng bô’ đâu. Nó chơi khủng bô’ dã man, chủ động thì phải đánh dập đầu. Nếu Netanyahu ngưng chiến là bay chức đó, thậm chí có thể còn bị ám sát như người tiền nhiệm đã từng bị. Nếu tạm ngưng là mắc bẫy các bố cánh tả (em yêu hòa bình, em ghét chiến tranh, con người sống để yêu nhau).

 

Chuyện này nhiều cái gần gũi với chiến tranh Việt Nam lắm. Dân Bắc Việt ngày xưa mấy ai hiểu Mỹ nó ném bom miền Bắc là do Việt Cộng tấn công VNCH và quân đội Mỹ. Cứ nghĩ nó xâm lược nên ném bom thôi. Có phải tự dưng nó rảnh háng ném bom đâu. Đảm bảo bây giờ vẫn còn nhiều người nghĩ đơn giản vậy. Không hiểu được nguyên nhân sâu xa tới từ đâu.

 

Rồi cũng cánh tả phản chiến khắp châu Âu và Mỹ, cả cánh tả VNCH cũng phản chiến luôn. Kết cục thế nào thì không cần nhắc lại nữa.

 

Hamas bây giờ núp địa đạo y chang Củ Chi với Việt Cộng. Việt Cộng đúng là cảm hứng bất tận với anh em khủng bô’ Hồi giáo! Cuộc chiến xóa sạch Hamas là vất vả với Israel, nhưng lần này toàn đảng, toàn quân, toàn dân nước bạn quyết tâm tiêu diệt khủng bô’ lắm rồi!

 

Hôm nay có mấy người đưa tin là Yemen tham chiến. Nhưng thực tế chưa có quốc gia Arab nào chính thức tuyên chiến với Israel đâu, gồm cả Iran. Lần này là tổ chức Houthis do Iran hậu thuẫn, đóng trên đất Yemen, vừa bắn tên lửa qua Israel nhưng bị đánh chặn.

 

Ngoài ra còn tổ chức Hezbollah ở Lebanon cũng tham chiến từ mặt bắc của Israel, nhưng đây cũng là tổ chức khủng bô’ thánh chiến chứ không phải quân chính quy của Lebanon. Khả năng một cuộc chiến tranh giữa thế giới Arab với Israel, như cuộc chiến 6 ngày đã từng nổ ra, là khó xảy ra. Vì quân đội Mỹ đã áp sát để ngăn ngừa khả năng chiến tranh mở rộng.

 

Nga, Tàu ngồi ngoài hô khẩu hiệu yêu chuộng hòa bình thôi. Lần này dường như phía Việt Nam không thể ra mặt ủng hộ Hamas. Báo chí cách mạng nói chung, không bị định hướng rõ rệt. Tuy nhiên VTV, cơ quan tuyên truyền hiệu quả nhất hiện nay, thì có hướng đưa tin kiểu Nga – Tàu, tức là nặng về thiệt hại của dân thường Gaza, xu hướng của cánh tả, kêu gọi ngưng chiến vì nhân đạo!

 

.

54 BÌNH LUẬN   




NGHẸT THỞ BỞI THÒNG LỌNG CỦA TẬP CẬN BÌNH, GIỚI TỶ PHÚ TRUNG QUỐC THÁO CHẠY (Minh An / Saigon Nhỏ)

 



Nghẹt thở bởi thòng lọng của Tập Cận Bình, giới tỉ phú Trung Quốc tháo chạy

Minh An  -  Saigon Nhỏ
31 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/nghet-tho-boi-thong-long-cua-tap-can-binh-gioi-ti-phu-trung-quoc-thao-chay/

 

Với sự trấn áp thô bạo bằng hình thức “đánh tư sản” theo “phiên bản Tập Cận Bình”, giới tỉ phú Trung Quốc đang tẩu tán tài sản và bản thân họ cũng chạy ra nước ngoài – theo ghi nhận của The Guardian ngày 30 Tháng Mười 2023.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1334755930.jpg

Tháng Chín 2023, Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, bị bắt bởi những tội danh chưa xác định (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

 

Số lượng người siêu giàu ở Trung Quốc đang giảm. Khảo sát mới nhất của Forbes cho biết, trong 2,640 tỷ phú ước tính trên thế giới, hiện có ít nhất 562 ở Trung Quốc, giảm so với con số 607 năm 2022. Các cuộc đàn áp giới tài chính cùng với bầu không khí chính trị hỗn loạn trong nội bộ chính trị Trung Quốc khiến giới giàu có Trung Quốc ngày càng tìm cách trốn chạy ra nước ngoài.

 

Trong thực tế, giới giàu sụ nứt đố đổ vách Trung Quốc chưa bao giờ an tâm và tin tưởng hệ thống chính trị quốc gia và họ luôn tìm mọi cách tẩu tán tài sản và tiền bạc ra nước ngoài. Về mặt chính thức, người Trung Quốc chỉ được phép chuyển $50,000 ra khỏi nước họ mỗi năm nhưng có nhiều kênh không chính thức giúp họ chuyển hàng triệu đôla ra ngoại quốc.

 

Tháng Tám 2023, cảnh sát Thượng Hải đã bắt năm người tại một công ty tư vấn nhập cư, trong đó có chủ công ty, bị tình nghi luồn lách thực hiện các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp vượt quá 100 triệu nhân dân tệ. Một bài báo của truyền thông nhà nước mới đây cũng viết rằng “giao dịch ngoại hối bất hợp pháp đã phá vỡ nghiêm trọng trật tự thị trường tài chính quốc gia”. Theo ước tính của Ngân hàng Natixis, trước đại dịch COVID-19, trung bình mỗi năm có khoảng $150 tỷ chảy ra khỏi Trung Quốc. Các nhà kinh tế cho biết, lãi suất cao của Mỹ và nhân dân tệ suy yếu cũng là động lực mạnh để giới giàu có Trung Quốc chuyển tiền ra khỏi đất nước.

 

Nửa đầu năm 2023, báo cáo chính thức cho biết, cán cân thanh toán Trung Quốc thiếu hụt $19.5 tỷ. Dữ liệu này được các nhà kinh tế sử dụng làm chỉ báo về tình trạng tháo vốn, trong khi giá trị thực của số tiền không chính thức được rút khỏi nền kinh tế có thể cao hơn. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Natixis, cho biết tâm lý bất an về các chính sách kinh tế trong tương lai cùng với cơ hội kinh doanh không ổn định là vài yếu tố khiến người giàu chuyển tiền ra hải ngoại.

 

Năm 2021, Tập Cận Bình đề cập cái gọi là “sự thịnh vượng chung”. Với ngôn ngữ của đảng cộng sản Trung Quốc, khái niệm “chung” phải được hiểu là giới tư bản phải “chia sẻ” tài sản của họ. Đó là thời điểm mà Alibaba, công ty công nghệ do Jack Ma thành lập, phải cắn răng “quyên góp” 100 tỷ nhân dân tệ cho “sự thịnh vượng chung”.

 

Với Tập Cận Bình, giới tư bản tinh hoa là những kẻ không đáng tin, đặc biệt khi hơn $600 tỷ chảy ra khỏi nền kinh tế vào năm 2015, sau khi nhân dân tệ bị mất giá. Bắt đầu từ đó, Bắc Kinh tìm cách siết cổ “đám nhà giàu”. Không chỉ vấn đề tiền của bị tuồn ra nước ngoài, “bọn nhà giàu” còn có thể khuynh đảo, tạo ra quyền lực và khống chế hệ thống chính trị. Đây là nguyên nhân chính khiến Tập Cận Bình phải “triệt” tư sản mại bản. Một trong những gương mặt đầu tiên được chọn để “thí điểm” là tỷ phú Jack Ma.

 

Giờ đây, khẩu hiệu “thịnh vượng chung” mờ nhạt dần khi kinh tế quốc gia nhuốm màu bi đát. Bắc Kinh đang quảng bá Trung Quốc như một nơi mở rộng cửa kinh doanh sau giai đoạn siết chặt bởi Covid. Tuy nhiên, áp lực lên giới tư bản trong thực tế vẫn không giảm. Tháng Chín 2023, Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan, 许家印) người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande (“Trung Quốc Hằng Đại tập đoàn”) và từng là người giàu nhất châu Á, đã bị bắt bởi những tội danh chưa xác định.

 

Bao Phàm (Bao Fan, 包凡), một chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng từng được coi là ông vua trong thế giới giao dịch công nghệ, bị bắt vào Tháng Hai 2023. Bao Phàm biến mất khỏi “giang hồ” từ đó đến nay. Tuyệt đối không ai biết tông tích đương sự. Nhiều giám đốc điều hành cũng bị cấm xuất cảnh.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-56538591.jpg

Nhậm Chí Cường bị án 18 năm tù (ảnh: Getty Images)

 

Môi trường làm ăn hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với thập niên 1990 và đầu những năm 2000, khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Đó là thời điểm Bắc Kinh đưa ra loạt cải cách thị trường hấp dẫn, cho phép doanh nhân tích lũy khối tài sản khổng lồ. Nhà nước khuyến khích “nhà nhà làm giàu, người người làm giàu”. Báo chí vinh danh giới doanh nhân, “đúc tượng vàng” cho họ như thể họ là những người cứu rỗi dân tộc. Họ trở thành đại diện cho một thế hệ “chiến sĩ” mới, trên mặt trận xung kích kinh tế đưa quốc gia tiến đến sự thịnh vượng mà đảng luôn khát khao. Tuy nhiên, khi Tập Cận Bình lên ngai vàng, sự kiểm soát chính trị, thay vì tự do kinh tế, trở thành ưu tiên hàng đầu.

 

Theo dữ liệu từ công ty bất động sản OrangeTee, hơn 10% căn hộ cao cấp được bán ở Singapore trong ba tháng đầu năm 2023 thuộc về người mua Trung Quốc đại lục, tăng khoảng 5% so với Quý I-2022. Công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners cho biết thêm, khoảng 13,500 cá nhân có thu nhập cao dự kiến rời Trung Quốc trong năm nay, tăng từ 10,800 so với năm ngoái.

 

David Lesperance, nhà tư vấn độc lập chuyên hỗ trợ thành phần giàu có Trung Quốc muốn “tái định cư”, cho biết ông nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các doanh nhân muốn chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên ra khỏi Trung Quốc, không chỉ gia đình họ. Trung Quốc trong “kỷ nguyên Tập Cận Bình” không còn là vùng đất của cơ hội. Năm 2017, mỗi tuần Trung Quốc sản sinh hai tỷ phú mới. Bây giờ, những người muốn giàu thì đã giàu. Họ quý mạng sống hơn. Và ra nước ngoài là một chọn lựa.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1243241781.jpg

Tỷ phú Quách Quảng Xương (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

 

Có quá nhiều “tiền lệ” khiến họ phải ra đi. Chỉ riêng năm 2015, ít nhất năm giám đốc điều hành tên tuổi lừng lẫy đã “biến mất” một cách mờ ám, trong đó có Quách Quảng Xương (Guo Guanchang, 郭广昌), Chủ tịch Fosun International, tập đoàn nổi tiếng ở phương Tây bởi sở hữu câu lạc bộ bóng đá Ngoại hạng Anh Wolverhampton Wanderers. Quách Quảng Xương đột ngột biến mất và vài tháng sau xuất hiện, nói rằng mình sẵn sàng hợp tác điều tra với nhà chức trách.

 

Hai năm sau, doanh nhân người Canada gốc Hoa Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua, 肖建) – từng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc – bị đưa khỏi một khách sạn sang trọng ở Hong Kong và sau đó bị bỏ tù vì tội tham nhũng. Tháng Ba 2020, trùm bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang, 任志) biến mất sau khi dám gọi “Tập hoàng đế” là “tên hề” trong cách xử lý đại dịch. Cuối năm đó, sau phiên tòa một ngày, “Tòa án nhân dân” kết án Nhậm 18 năm tù vì tội tham nhũng.

 

Tháng Ba 2023, Quốc hội Trung Quốc công bố thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương, một ‘siêu cơ quan quản lý’ có nhiệm vụ giám sát và cải tổ toàn bộ khu vực tài chính. Cơ quan mới sẽ do chính Tập Cận Bình làm chủ tịch. Đây là chỉ dấu rõ nhất rằng Tập đang kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối, và “đảng của Tập” mới thật sự là nơi kiểm soát và điều hành kinh tế quốc gia chứ không phải bất kỳ bộ ngành nào khác.