Minh
Anh – RFI
Đăng ngày 31-12-2018
Những thời khắc cuối cùng của năm 2018 đang đến gần.
Người dân trên khắp năm châu hồi hộp đón chờ năm 2019 trong niềm hân hoan xen lẫn
lo âu. Dư âm của nhiều biến động chính trị, xã hội và kinh tế trên thế giới trong
năm qua vẫn còn đó và có nguy cơ kéo dài sang năm 2019.
Màn pháo hoa chào đón năm mới trên cầu Harbour và
nhà hát Opera ở Sydney, ngày 31/12/2018 PETER PARKS / AFP
Nhưng AFP khẳng định có một
điều chắc chắn không thể thiếu và rất được mọi người trông đợi vào thời khắc
linh thiêng : Những màn pháo hoa rực rỡ đón mừng năm mới. Tại Úc, một trong những
nơi đầu tiên đón năm 2019, chính quyền Sydney hứa hẹn mang đến cho người xem 12
phút trình diễn pháo hoa đẹp nhất và lộng lẫy nhất từ trước đến nay tại Vịnh
Sydney.
Năm 2019 còn được Liên Hiệp
Quốc mệnh danh là Năm Quốc tế các Ngôn Ngữ Bản Địa. Vịnh Sydney sẽ là nơi diễn
ra các lễ hội tôn vinh các nền văn hóa bản địa, bao gồm cả việc chiếu phim hoạt
hình trên các trụ cầu Sydney Harbour Bridge nổi tiếng.
Ở Hồng Kông, dự kiến có
khoảng 300.000 người tập trung đông đảo ở Victoria Harbour tận hưởng 10 phút
pháo hoa được bắn đi từ năm chiếc thuyền.
Còn tại châu Âu, Anh Quốc
bước sang năm 2019 trong một mối quan hệ mới với Liên Hiệp Châu Âu sau quyết định
Brexit, đang gây chia rẽ đất nước. Như để khẳng định quyết tâm duy trì mối quan
hệ hữu hảo với châu lục, màn pháo hoa từ London Eye sẽ được tiếp nối với các
chương trình âm nhạc do các nghệ sĩ đến từ châu lục trình diễn.
Tổng thống Mỹ Donald
Trump năm 2019 vẫn sẽ tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất các nhật báo quốc tế lớn.
Thế cân bằng địa chính trị trên thế giới trong năm qua đã bị chao đảo và tiếp tục
sẽ có những đổi thay vì tính cách khó lường của vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Dù vậy, AFP cũng nhận thấy
là nếu như tại nhiều nơi trên địa cầu, người dân hân hoan mừng năm mới trong cảnh
an bình, thì đâu đó vẫn còn nhiều người phải đón năm 2019 trong loạn lạc như tại
Yemen, Syria hay Afghanistan…
Pháo hoa : Niềm đam mê tốn kém và nguy hiểm của người
Đức
Người Đức rất thích pháo
hoa. Đêm giao thừa, hàng triệu người dân trên khắp cả nước trở thành những nghệ
sĩ pháo hoa. Thế nhưng, tai nạn cũng thường xuyên xảy ra và làm dấy lên cuộc
tranh luận xưa cũ mỗi năm về việc cấm pháo hoa.
Từ Berlin, thông tín viên
đài RFI Nathalie Versieux cho biết vì sao :
« Hàng năm, vào
ba ngày cuối cùng trong năm, các loại pháo hoa tại các quầy hàng đều được bán sạch.
Năm 2017, người dân Đức tiêu tốn hết 137 triệu euro cho các loại pháo và đủ kiểu
pháo hoa mầu.
Trên nguyên tắc, chỉ có những loại pháo lớn nhập bất
hợp pháp từ Ba Lan là bị cấm. Những du khách nào từng đón năm mới ở Berlin hẳn
không quên tiếng nổ lốp đốp không ngừng của các loại pháo hoa trên các ngõ phố
từ lúc màn đêm vừa buông xuống cho đến lúc trời hừng sáng.
Ầm ĩ, xác pháo rơi vãi khắp vỉa hè, bụi pháo cực kỳ
ô nhiễm, và nhất là hàng chục cánh tay, ngón tay thậm chí là những con mắt bị mất
đi mỗi năm, cái giá phải trả cho niềm đam mê pháo của người Đức là rất cao.
Hiện một số địa phương của Đức như Hanovre, Dusseldorf
hay Suttgart đang tìm cách cấm đoán hay thiết lập các vùng cấm đốt pháo. Ngay cả
Berlin cũng đang nhắm đến việc cấm đốt pháo hoa bừa bãi trước nỗi lo của cảnh
sát, làm thế nào buộc người dân phải tuân thủ một lệnh cấm như vậy ».
-------------------------
Thu
Hằng – RFI
Thứ Hai, ngày 31 tháng 12
năm 2018
Một năm mới may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng
là điều ước của người dân trên khắp thế giới. Dù vô thần hoặc theo bất kỳ tôn
giáo nào, nhiều người vẫn giữ một số phong tục hoặc kiêng kị một số điều để
tránh bị « giông » cả năm. Một bữa ăn thịnh soạn, trả hết nợ
năm cũ, mừng tuổi, dầm mình trong nước lạnh, tặng bát đĩa vỡ… là một vài phong
tục độc đáo đón năm mới.
Hôn nhau dưới bó ghi trắng (S’embrasser sous le
gui)
Người Pháp tin rằng hôn
nhau dưới bó ghi trắng, một loại cây tầm gửi, vào đúng lúc chuông điểm giao thừa
sẽ có một năm mới phồn thịnh. Theo giải thích của báo Le Figaro, nhiều người
dân ở châu Âu còn tin rằng mọi bất đồng và xích mích đều được hóa giải khi hôn
nhau dưới loài cây tầm gửi này.
« Phong tục này có từ thời Gaulois. Thời đó, ghi trắng
là loại cây duy nhất cho quả vào mùa đông và vẫn giữ sắc xanh nên các đạo sĩ
Gaulois coi đó là loại cây linh thiêng, biểu tượng của sự phồn thịnh và khả
năng sinh sản.
Người Scandinavơ còn nghĩ rằng cây ghi trắng biểu tượng
cho hòa bình. Tục truyền rằng hai kẻ thù vô tình đụng nhau trong rừng dưới một
bụi cây ghi trắng thì sẽ tạm ngừng đánh nhau. Đôi vợ chồng có xích mích ôm hôn
nhau dưới bó ghi trắng thì mọi vấn đề sẽ nguôi ngoai.
Vào thế kỷ 18, người Anh treo kissing ball trên cửa
nhà. Đây là một quả cầu được kết từ ghi trắng, gắn ruban và đồ trang trí. Còn
theo truyền thống Hy Lạp, một người phụ nữ không được từ chối một nụ hôn nếu
người đó đứng dưới một bó ghi trắng.
Tóm lại, những tín ngưỡng này dần dẫn đến ý tưởng là
ôm hôn nhau dưới bó ghi trắng sẽ mang lại giầu có cho cả năm đó ».
«
Kiêng » và « không kiêng » món gì
trong bữa tiệc ?
Một bữa ăn thịnh soạn và ấm
cúng bên người thân và bạn bè vẫn là truyền thống của nhiều nước trên thế giới
với niềm tin năm mới sẽ đầy đủ và hạnh phúc. Tại Pháp, bữa ăn vào dịp lễ cuối
năm không thể thiếu món gan béo (foie gras) và cá hồi hun khói (saumon fumé).
Nhiều đặc sản của một số vùng, như ốc sên Bourgogne, con hàu Marennes d’Oléron,
thịt vịt vùng Tây Nam, trứng cá (caviar) Aquitaine, ngày càng phổ biến trên bàn
tiệc. Khi chuông điểm đúng thời khắc giao thừa, sâm-banh sẽ được bật cùng với
những lời chúc mừng năm mới.
Người Nga cũng uống
sâm-banh lúc giao thừa nhưng đặc biệt hơn, họ viết một điều ước lên giấy, sau
đó đốt nó và đổ tro vào ly rượu. Khi uống hết ly rượu có tro, họ tin là điều ước
sẽ thành hiện thực trong năm mới.
Ngày đầu năm của người
Estonia phải no đủ để chắc chắn có thức ăn dồi dào quanh năm. Vì thế, họ ăn đến
bẩy bữa trong ngày đầu năm mới.
Người Ý vẫn giữ thói quen
ăn món cotechino e lenticchie truyền thống, được làm từ xúc
xích và đậu lăng. Hình dạng tròn của những thức ăn này tượng trưng cho phồn thịnh
và mang lại của cải.
Cua và tôm hùm bị coi là
mang lại điềm gở vì di chuyển ngược, nên người dân Croatia kiêng hai loại hải sản
này trong ngày đầu năm. Tương tự, gà và các loại chim cũng bị loại khỏi bàn tiệc
vì họ sợ chúng bay đi cùng với may mắn.
Người dân Bỉ, đặc biệt là
ở thành phố Liège, bắt đầu năm mới cùng với gia đình bằng món choucroute đầy
dinh dưỡng, gồm dưa bắp cải nấu nhừ, các loại xúc xích, khoai tây, thịt ba chỉ.
Khi ăn món này, họ thường nắm chặt trong tay một đồng tiền, hoặc để dưới đĩa,
vì tin sẽ có một năm dồi dào về tài chính.
Để mong được 12 tháng
trong năm mới ấm no và hạnh phúc, người dân Tây Ban Nha ăn 12 hạt nho, từng hạt
một, đúng với từng tiếng chuông nhà thờ điểm từ nửa đêm. Phong tục xuất hiện
vào năm 1909 nhưng theo một số nhà trồng nho ở vùng Alicante (đông nam Tây Ban
Nha), đây chỉ là chiêu marketing để bán hết lượng nho bội thu năm đó.
Một khu vực ở Matxcơva được trang trí lộng lẫy nhân
dịp lễ cuối năm 2018. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Xông đất, bùa chú, « mừng tuổi » bằng
bát đĩa vỡ…
Khá giống với phong tục
xông đất ở Việt Nam, ngay lúc giao thừa, người dân Scotland bắt đầu « tản
bộ » đầu năm (First footing). Người đầu tiên đặt chân vào nhà sẽ
quyết định may mắn cho gia đình suốt năm đó. Nếu như người Việt thường chọn người
hợp tuổi, hợp mệnh với chủ nhà, người Scotland thường để bạn bè và người nhà
vào trước, nhưng với điều kiện phải bước bằng chân phải và luôn mang theo quà.
Người Anh cũng có truyền
thống ra khỏi nhà sau giao thừa, nhưng trong túi họ luôn có một đồng xu, một
chút muối và một mẩu than, tượng trưng cho dồi dào tiền bạc, thức ăn và sự ấm
cúng trong năm mới. Ngược lại, nếu xuất hành đầu năm mà không có gì trong túi,
thì cả năm đó sẽ không gặp may.
Người dân Ailen tiên đoán
tương lai chính trị quốc gia qua chiều gió vào lúc giao thừa. Nếu gió đến từ hướng
tây, sẽ là một năm tốt đẹp. Nhưng nếu gió thổi từ hướng đông, Ailen sẽ gặp vài
sóng gió đến từ nước Anh láng giềng.
Cũng vào đúng giao thừa,
người dân Ecuador đốt một hình nộm bằng giấy, tượng trưng cho một điều gì đó của
năm cũ mà họ muốn bỏ lại đằng sau, hoặc một người mà họ không thích và không muốn
gặp lại người đó nữa.
Tại Mêhicô, những người
muốn đi du lịch trong năm mới, vào lúc chuông bắt đầu điểm 12 tiếng, sẽ chạy
vòng quanh nhiều ngôi nhà, một tay cầm chiếc vali rỗng, tay kia cầm một xấp tiền.
Người dân Đan Mạch có một
truyền thống độc đáo đón năm mới. Họ đặt trước cửa nhà bạn bè bát đĩa, cốc chén
cũ hoặc bị vỡ trong năm cũ. Chồng bát đĩa, cốc chén vỡ càng cao, càng chứng tỏ
chủ nhà được bạn bè yêu quý đến chừng nào. Chỉ khổ cho gia chủ sau đó phải đi đổ
rác !
Tắm trong ngày đầu năm
Dầm mình trong nước lạnh
trở thành truyền thống của nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Mỹ, ngay đầu thế kỷ
20, phương pháp này được cho là có lợi cho sức khỏe và là cách vệ sinh nhất để
bắt đầu một năm. Thực ra, đứng sau lời truyền này là ý tưởng của hai câu lạc bộ
bơi lội đối thủ ở Mỹ để thu hút khách hàng vào mùa đông.
Phong tục này lan sang cả
Hà Lan từ những năm 1960, nhưng trong dòng nước biển lạnh, với niềm tin sẽ có
nhiều ý tưởng minh mẫn trong năm mới. Hóa trang thành ông già Noel hoặc mặc
trang phục đỏ cùng với chiếc mũ chóp nhọn rồi ùa xuống biển hoặc nhảy xuống
sông trở thành truyền thống ở rất nhiều nước châu Âu khác, như ở Pháp,
Scotland, Ý, Bồ Đào Nha, Croatia, Nga…
Té nước trong ngày đầu
năm mới cũng là tập tục của một số nước như Cuba, Cam Bốt, Thái Lan. Người dân
Cuba thường hắt vài lít nước qua cửa sổ để ngừa nạn hạn hán. Đây cũng là phong
tục của người dân Cam Bốt, theo giải thích của EANG Sokminh, một nhà báo đồng
nghiệp RFI ban tiếng Khmer :
« Ở nước chúng tôi, phải nói rằng chúng tôi không biết
chính xác phong tục này có từ đâu. Nhưng theo một số nhà sử học, thuộc đại học
Hoàng gia Phnom Penh, như sử gia Vong Sotheara, thường thì vào ngày thứ ba
trong ba ngày đầu năm, các Phật tử lấy nước để tắm Phật, còn con cái mang nước
để bố mẹ tắm nhằm thể hiện lòng hiếu thảo…
Sau đó, phong tục này được lan sang Thái Lan và với
nắng nóng, mọi người hắt nước vào nhau, rồi dần thành ngày hội. Những ngôi làng
Cam Bốt gần biên giới với Thái Lan bắt chước lễ hội té nước này. Người ta cho rằng
ngày lễ này bắt nguồn từ lễ tắm Phật ở Cam Bốt ».
Còn rất nhiều phong tục độc
đáo khác vẫn được duy trì trên thế giới. Dù dưới hình thức nào, người dân luôn
mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Đây cũng là lời chúc của RFI tiếng Việt gửi
đến quý thính giả. Chúc quý thính giả Năm Mới 2019 an khang, thịnh vượng !
Ded Moroz, ông già Noel của Nga, chúc mừng một thành
viên của Cryophile, CLB tắm trong nước lạnh mùa đông, bên bờ sông Yenisei, ở
Krasnoyarsk, ngày 30/12/2018.REUTERS/Ilya Naymushin