Từ
chuyện y tế: Nhân sự theo quy trình; và khốn khổ, chết đúng... quy trình!
Trân
Văn
28/02/2023
https://www.voatiengviet.com/a/tu-chuyen-y-te-nhan-su-theo-quy-trinh-va-khon-kho-chet-dung-quy-trinh-/6980902.html
Do bà Nhàn có công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ
đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu
với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ ơn”.
https://gdb.voanews.com/031a0000-0aff-0242-b080-08da38e6311c_w1023_r1_s.jpg
Xây dựng bệnh viện cho
dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải dựa vào vài người như
bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn
Trung ương”.
Phần 1
Gần như hoạt động của toàn bộ các bệnh viện lớn
nhất tại Việt Nam đều đã chuyển từ trạng thái bình thường sang cầm chừng. Tuy tất
cả các cơ sở y tế bất kể quy mô đều thiếu đủ thứ (dược phẩm, hóa chất, trang bị,
thiết bị,...) để có thể khám bệnh, chữa bệnh là hết sức bất thường (1) nhưng việc
các điểm tựa cuối cùng cho sức khỏe, tính mạng của những người đang “thập tử,
nhất sinh” như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh
viện Chợ Rẫy (TP.HCM),... cũng thiếu đủ thứ khiến bệnh nhân và thân nhân nếu
không muốn chết mòn thì phải tự di chuyển nhiều nơi để tìm mua thuốc, tìm mua vật
dụng y tế, hoặc làm các xét nghiệm,... rồi giao lại cho bác sĩ của họ chẩn
đoán, xác định cách thức điều trị (2)... rõ ràng là không thể tưởng tượng được!
27 tháng 2 hàng năm là Ngày Thấy thuốc Việt
Nam và năm nay, vào dịp này, các nhân viên y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế chỉ đề
cập đến một chuyện, không chỉ ngành y tế mà những người Việt cần được khám bệnh,
chữa bệnh đều đang ngắc ngoải. Hôm 23/2/2023, Cổng Thông tin điện tử của chính
phủ Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm nhân dịp 27 tháng 2 nhưng chủ đề lại là
“Ngành y vượt khó”. Ở cuộc tọa đàm ấy, Bác sĩ Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh
việt Việt Đức - cảnh báo: Tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư
y tế để chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ
chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết. Chúng ta chỉ
còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo
gỡ được các vướng mắc liên quan đến mua sắm y tế, các bệnh viện hầu như sẽ
không hoạt động được nữa!
Tương tự, khi đón ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí
thư BCH TƯ đảng kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng đến tặng hoa, chúc mừng
nhân Ngày Thấy thuốc Việt Nam, giống như các đồng nghiệp trên toàn quốc, Bác sĩ
Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – dành phần lớn thời gian để trình
bày về những bất cập của qui định hiện hành: Muốn mua sắm thì phải tổ chức
đấu thầu. Muốn xét chọn thầu thì phải có ba bảng chào giá nhưng trên thực tế, tỉ
lệ gói thầu có đủ ba bảng chào giá chỉ chừng 30% đến 40%. Có thể vì biết yêu cầu
đó khó khả thi nên Bộ Tài chính hướng dẫn thêm rằng nếu không đủ ba bảng chào
giá thì có thể thẩm định giá kê khai nhưng trên thực tế, không có cơ quan hữu
trách nào thẩm định giá kê khai có đúng hay không... Do vậy mua sắm
trong ngành y tế rất nhiều rủi ro vì rất dễ trở thành “cố ý làm trái” (3)...
Thiết bị kỹ thuật cao rất đa dạng. Chẳng hạn máy
chụp cắt lớp (Computed tomography – CT) có hàng trăm loại, mỗi
loại có độ phân giải, chức năng khác nhau. Do đặc điểm, các bệnh viện cấp tỉnh
có thể chỉ cần mua máy CT 64 lát cắt nhưng những bệnh viện “tuyến cuối”
cần phải loại 258 hay 512 lát cắt... Do đó, cũng là máy CT nhưng giá rất khác
nhau và rất dễ bị buộc phải giải trình, dễ gặp rắc rối. Theo Bác sĩ Thức, Bệnh
viện Chợ Rẫy cần thiết bị đặt stent mạch vành nhưng không đủ ba bảng chào giá
cho gói thầu này nên có thể chỉ tiến hành đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, những
trường hợp khác sẽ phải chờ... Vào lúc này, 3/5 máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy bị
hư nhưng thiếu ba bảng chào giá nên không thể sửa chữa hay mua máy mới để thay
thế. Tình trạng tương tự là máy siêu âm, 10/35 máy đã hư...
Thiếu trang bị, thiết bị, nhân viên y tế phải
làm thêm giờ (có khoa như Xạ trị phải làm từ 6 giờ sáng hôm nay đến rạng sáng
hôm sau), căng thẳng hơn, cực nhọc hơn nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng ngại
nhất. Điều đáng ngại nhất là bệnh nhân lãnh đủ. Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu
phải đi nơi khác để được chụp, chiếu rồi mang kết quả về Bệnh viện Chợ Rẫy cho
bác sĩ chẩn đoán. Trước, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám – điều trị cho khoảng
6.000 bệnh nhân ngoại trú, nay - con số này chỉ còn... 2.000! Báo điện tử
VietNamNet mới giới thiệu một phóng sự ảnh về Bệnh viện Chợ Rẫy và gọi đó là...
“cảnh tượng chưa từng thấy” (4): Hàng loạt thiết bị kỹ thuật cao hư hỏng,
bất khiển dụng nhưng không thể mua sắm, sửa chữa nên bệnh viện “tuyến cuối”
cho cả khu vực Tây Nam, Đông Nam của miền Nam vốn nổi tiếng đông đúc, giờ thưa
vắng khác thường.
***
Giống như nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực y tế tại
Việt Nam cũng có đủ loại scandal liên quan đến đầu tư hạ tầng, mua sắm dược phẩm,
trang bị, thiết bị,... Giống như nhiều lĩnh vực khác, tham nhũng trong lĩnh vực
y tế tại Việt Nam cũng là vấn nạn trầm kha đã vài thập niên. Nỗ lực chấn chỉnh
bằng việc đặt ra đủ loại quy định, soạn lập quy trình, rồi thanh tra, điều tra
truy cứu trách nhiệm hình sự như đã thấy trong vài năm gần đây đối với lĩnh vực
y tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung không những không khả quan mà còn
cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã mục ruỗng đến
mức vô phương cứu vãn! Dựa trên những gì đã biết, không thể chỉ xem yêu cầu ba
bảng chào giá đang gieo vạ cho cả y giới lẫn dân chúng là biểu hiện của bất
trí, trong nhiều trường hợp, sự vô lý đến mức không thể lý giải vì sao chính là
đặt bẫy để kiếm lợi...
Đầu tháng trước, Tòa án thành phố Hà Nội công
bố hình phạt đối với 36 bị cáo dính líu tới vụ giao cho Công ty Tiến bộ Quốc tế
(AIC) 16 gói thầu trong Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến
2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ (5). Diễn biến của phiên xử kéo dài gần
hai tuần này bộc lộ một điều mà không cá nhân hay cơ quan hữu trách nào ở Việt
Nam chịu thừa nhận: Chính qui định, quy trình là bà đỡ vụ án này.
Xây dựng bệnh viện cho dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải
dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc
AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng
Nai 889 tỉ để làm “vỏ” Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi lãnh đạo Đồng
Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các
thiết bị y tế).
Do bà Nhàn có công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới
chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các
gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền... “tạ
ơn”. Trước tòa, ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai, chính ông
điện thoại cho bà Nhàn để kể về dự án xây bệnh viện đa khoa cho tỉnh bị thiếu vốn
và nhờ bà Nhàn “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nguyễn Thị
Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương.
Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết” (6). Hệ thống tư pháp (công an, kiểm
sát, tòa án) chỉ ghi nhận - đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai
899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến
năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị - nhưng...
không nói gì thêm!
(còn tiếp)
----------------
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/khong-the-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-5710713.html
(3) https://vietnamnet.vn/nguy-co-benh-vien-cho-ray-chi-dat-stent-cho-ca-cap-cuu-vi-vuong-gia-goi-thau-2114148.html
(4) https://vietnamnet.vn/canh-tuong-chua-tung-thay-o-benh-vien-cho-ray-2113981.html
(5) https://thanhnien.vn/nhan-hoi-lo-cuu-bi-thu-tinh-uy-dong-nai-tran-dinh-thanh-lanh-11-nam-tu-1851538705.htm
(6) https://cand.com.vn/phap-luat/lanh-dao-tinh-dong-nai-moc-noi-voi-ai-de-xin-duoc-von-tu-trung-uong--i678668/
*********
Từ
chuyện y tế: Nhân sự theo quy trình và khốn khổ, chết đúng... quy trình! (phần
2)
Trân Văn
28/02/2023
https://www.voatiengviet.com/a/tu-chuyen-y-te-nhan-su-theo-quy-trinh-va-khon-kho-chet-dung-quy-trinh-(phan-2)/6982336.html
Từ năm 2021 đến giờ, hiệu quả duy nhất mà hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền đạt được thông các các cuộc họp, các hội nghị
mang tính chất khẩn cấp, bất thường chỉ là giải quyết những cá nhân đã được đảng
quy hoạch...
https://gdb.voanews.com/03cc0000-0aff-0242-86be-08da21fec8ac_w1023_r1_s.jpg
Tại Hội nghị Triển khai công tác y tế năm 2023, TT yêu cầu ngành y tế: Giải
quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế,
không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Khắc phục tâm lý sợ
sai - “làm ít, sai ít - không làm, không sai”
Phần 2
Những câu chuyện mà tờ Đại Đoàn Kết gom lại để
kể cách nay vài ngày: Một phụ nữ 50 tuổi ở Nam Định bị viêm gan nhưng bệnh
viện không có thuốc nên dẫu sắp đến ngày sinh, cô con dâu vẫn phải lặn lội về
Hà Nội tìm thuốc cho mẹ chồng. Hành trình của cô con dâu tìm thuốc trị viêm gan
cho mẹ chồng gian nan và được ví von như như tìm.. . “thuốc trường sinh bất tử”
trong các chuyện cổ tích. Hay một đứa trẻ bị suyễn mãn tính nhưng
không tìm được thuốc cắt cơn, nửa đêm bé khó thở, cha mẹ phải đập cửa hàng xóm
cầu cứu, may mà hàng xóm có người sẵn thuốc nên bé “tai qua, nạn khỏi” (1)...
vốn đã kéo dài từ đầu năm ngoái đến giờ.
Năm ngoái, hệ thống truyền thông chính thức kể
đủ thứ chuyện không thể tưởng tượng lại có thể xảy ra trong hệ thống y tế Việt
Nam: Bệnh nhân cần phẫu thuật phải ra ngoài tìm mua... dao mổ, túi đựng
nước tiểu (2). Bệnh viện thiếu cả chỉ khâu vết thương, thuốc
tê, nhiều người cần mổ tim không được phẫu thuật vì thiếu thuốc chống đông
máu,... Phẫu thuật phải hạn chế, chỉ thực hiện khi cần... cấp cứu. Hoặc bởi
những ràng buộc về tổ chức đấu thầu, xét chọn thầu, dẫu biết làm như thế là
tăng nguy cơ bị biến chứng nơi bệnh nhân, giảm chất lượng hoạt động của bệnh viện
nhưng giới lãnh đạo bệnh viện vẫn phải chọn mua “loại dao mổ rạch ba lần mới đứt
da” (3)...
Cho dù thực tế chứng minh những quy định, quy
trình tưởng như chặt chẽ về đầu tư cho hạ tầng y tế, mua sắm dược phẩm, trang bị,
thiết bị y khoa,... ấy không chỉ bất cập tới mức bất nhân mà còn thúc đẩy cả hệ
thống từ trên xuống dưới, từ trái qua phải cùng nhau phạm pháp và không thể
phân biệt được đâu là ngay tình, đâu là gian ý. Trường hợp đưa và nhận hối lộ
khi thực hiện Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có liên quan đến Công
ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) như đã đề cập ở phần trước chỉ là một trong vô số ví dụ.
Những vụ án liên quan đến hàng loạt cơ sở y tế và nhân viên y tế đã khiến các
viên chức hữu trách trong lĩnh vực y tế... tỉnh ra. Hoạt động của hệ thống y tế
chựng lại, rối như mớ bòng bong vì không có ranh giới để xác định đâu là làm
trái vì bệnh nhân, vì sự nghiệp y tế, đâu là làm trái vì mình.
***
Tình trạng các cơ sở y tế thiếu hụt đủ thứ vì
giới lãnh đạo không dám mua sắm do quy định, quy trình tạo ra những hàng rào mà
mạo hiểm vượt qua thì không rõ sẽ phải lãnh nhận loại hậu quả nào đã xuất hiện
từ những năm đầu của thập niên 2020 và sự thiếu hụt càng ngày càng trầm trọng
sau khi hàng loạt thương vụ đầu tư, mua sắm trong lĩnh vực y tế trở thành... “đại
án”. Bởi hậu quả càng ngày càng trầm trọng, tháng 12 năm 2021, Quốc hội Việt
Nam tổ chức cho chính phủ điều trần để xem xét - thông qua một “nghị quyết” liên
quan đến việc “cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh
vực y tế”. Nếu chịu khó đọc lại tường thuật về phiên điều trần ấy ắt sẽ
thấy, tuy cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đều biết quy định, quy
trình phi lý, bất cập nhưng không có cá nhân nào ở bất kỳ bên nào muốn giải quyết
hay biết cách giải quyết (4).
Ở phiên điều trần vừa đề cập, do chính phủ
toan đẩy trách nhiệm giải quyết cho Quốc hội nên Chủ tịch Quốc hội thẳng tay vứt
trả gánh nặng cho chính phủ và cật vấn: Tại sao Thủ tướng và chính phủ
không sử dụng quyền Quốc hội đã trao? Thủ tướng và chính phủ phải quyết đoán (4)!
Sau đó thì sao? Sau đó thì Thủ tướng và chính phủ tìm cách chất gánh nặng lên
vai những cá nhân lãnh đạo các cơ sở y tế.
Cuối tuần trước, tại Hội nghị Triển khai công
tác y tế năm 2023, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu ngành y tế: Giải quyết dứt
điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để
tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Khắc phục tâm lý sợ
sai - “làm ít, sai ít - không làm, không sai” (5). Ngay sau
đó, ông Chính gửi công điện: Yêu cầu Bộ Y tế và các bên có
liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đủ thứ trong quý này, tránh
tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm (6).
Song chẳng có gì bảo đảm tình trạng các cơ sở
y tế thiếu đủ thứ sẽ chấm dứt. Những yêu cầu như Thủ tướng Việt Nam vừa nêu hồi
cuối tuần trước vốn đã được ông ta nêu ra năm, bảy lần từ cuối 2021 đến nay. Thậm
chí hồi giữa năm ngoái, do mức độ trầm trọng của tình trạng các cơ sở y tế thiếu
đủ thứ càng lúc càng cao, ông Chính còn triệu tập họp khẩn cấp, đòi “ngành y
tế tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm” và “đề nghị các bộ ngành
địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng
này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân” (7). Tuy nhiên mới đây,
theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế thì “những vướng mắc trong các văn bản
pháp luật” vẫn còn nguyên (8) và rõ ràng các viên chức hữu trách trong lĩnh
vực y tế chẳng dại gì... làm bừa trong khi Thủ tướng và chính phủ chỉ động
viên... “đừng sợ sai” rồi bất động, không làm gì cả!
***
Nạn nhân của tình trạng các cơ sở y tế thiếu đủ
thứ tất nhiên là dân chúng. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến những người
chẳng may mắc bệnh chết mòn mà còn chết chùm. Xét cho đến cùng, sự khốn khổ ấy
xuất hiện là vì các hệ thống từ chính trị đến công quyền không những bất tài,
vô năng mà còn bất nhân. Trước nay, rừng quy định, quy trình vẫn được quảng bá
như giải pháp nâng cao hiệt quả hoạt động của các hệ thống, chống lạm dụng công
quỹ vừa vô tác dụng, vừa không ngăn ngừa được tham nhũng và khi rủi ro gia
tăng, cơ hội “chấm mút” giảm xuống thì viên chức hữu trách trong lĩnh vực y tế
nói riêng cũng như viên chức hữu trách trong các hệ thống đồng loạt “tọa sơn”,
thản nhiên nhìn ngắm đồng loại và cũng là đồng bào vật lộn với khó khăn, quằn
quại vì bệnh tật. Chẳng riêng lĩnh vực y tế, các lĩnh vực khác cũng vậy chứ
không khá hơn.
Từ năm 2021 đến giờ, hiệu quả duy nhất mà hệ
thống chính trị, hệ thống công quyền đạt được thông các các cuộc họp, các hội
nghị mang tính chất khẩn cấp, bất thường chỉ là giải quyết những cá nhân đã được
đảng quy hoạch – sắp đặt để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ
trên xuống dưới nhưng vì nhiều lý do không... xài được nữa. Còn những vấn nạn
liên quan đến quốc kế, dân sinh thì vẫn thế - vẫn chỉ là những chỉ đạo, yêu cầu,
cam kết chung chung chứ không đặt định được giải pháp nào cho ra hồn và tình trạng
hệ thống y tế thiếu đủ thứ chỉ là một trong vô số ví dụ. Sẽ không thể có lối
thoát khi đảng CSVN vẫn cương quyết giành giữ quyền sắp đặt nhân sự - bất kể
đương sự tài, đức ra sao. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, làm sao có thể buộc bà
Đào Hồng Lan chịu trách nhiệm khi bà được... đảng phân công. Chính quy hoạch
nhân sự tạo ra sự khốn khổ đúng... quy trình và có chết thì cũng vẫn là chết
đúng... quy trình. Thứ quy trình biến công dân thành đối tưởng chỉ hưởng “quyền
rơm” nhưng liên tục lãnh “vạ đá”!
-----------------
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/khong-the-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-5710713.html
(2) https://laodong.vn/y-te/benh-vien-da-khoa-vung-tay-nguyen-noi-ve-viec-thieu-dao-mo-cho-nguoi-benh-1079252.ldo
(3) https://dantri.com.vn/suc-khoe/dao-mo-rach-3-lan-moi-dut-da-thuc-trang-chung-o-nhieu-benh-vien-20220823071100024.htm
(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/quoc-hoi-da-trao-quyen-chinh-phu-can-co-quyet-sach-manh-me-hon-799520.html
(5) https://tienphong.vn/thu-tuong-yeu-cau-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-thieu-vat-tu-sinh-pham-y-te-post1512703.tpo
(6) https://zingnews.vn/thu-tuong-yeu-cau-giai-quyet-dut-diem-viec-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-post1406709.html
(7) https://tuoitre.vn/hop-khan-ve-thieu-thuoc-thu-tuong-yeu-cau-sai-thi-sua-khong-de-so-sai-khong-dam-lam-20220623194947856.htm
(8) https://vietnamnet.vn/benh-vien-lon-dong-loat-keu-thieu-thiet-bi-bo-y-te-noi-gi-2113912.html