Sunday, May 31, 2020

'MỸ TRƯỚC NHÂT' NGHĨA LÀ MỸ MỘT MÌNH - VÀ TRONG MỘT THẾ GIỚI HẬU ĐẠI DỊCH, ĐÓ LÀ THẢM HỌA (David Frum)




David Frum
Trà Mi dịch
Posted on May 30, 2020

Nạn thất nghiệp giống như trong thời Đại Khủng hoảng có thể là dấu chấm hết cho thương hiệu chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trump, nhưng điều đó chưa đủ để đưa chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng sắp tới. Chúng ta cần sự lãnh đạo mạnh, đáng tin cậy của Hoa Kỳ một lần nữa.

‘Mỹ trước nhất’ nghĩa Mỹ một mình. Ảnh: Alex Brandon/The Associated Press

Khi tôi bắt đầu viết cuốn Trumpocalypse, ngày tận thế, tôi nghĩ, phần lớn chỉ là một ẩn dụ.

Nhưng một sự kiện rất không ẩn dụ chút nào đã đến: đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu – ở Hoa Kỳ tất cả đều tệ hơn hơn bất kỳ quốc gia ngang hàng nào. Khi tôi viết những dòng này, Hoa Kỳ đã có đến 100.000 người chết được xác nhận do coronavirus mới. Con số người chết thực sự chắc chắn là cao hơn nhiều.

Đại dịch này đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng suy thoái kinh tế mạnh nhất mà lịch sử đã ghi nhận: mất hơn 40 triệu việc làm từ ​​giữa tháng 3 đến cuối tháng 5.







HOA KỲ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NỀN DÂN CHỦ, CHO ĐẾN KHI NGƯỜI DA ĐEN LÀM CHO NÓ TRỞ THÀNH NHƯ THẾ (Nikole Hannah-Jones)




Tác giả: Nikole Hannah-Jones
Đăng trên báo The New York Times ngày 14/8/2019
(Courtesy of NYT)
31/05/2020

Lời nói đầu của người biên tập
Những ngày qua nước Mỹ và thế giới chứng kiến sự bùng dậy của “vết thương chủng tộc” của nước Mỹ sau khi người Mỹ da màu George Floyd đã bị một cảnh sát da trắng đè cổ xuống đất cho đến chết hết sức thương tâm mặc cho tiếng kêu của nạn nhân “TÔI KHÔNG THỞ ĐƯỢC”. Cả nước Mỹ sôi sục. Không chỉ ở thành phố Minneapolis nơi nạn nhân bị giết chết, mà các cuộc biểu tình đi kèm với bạo lực lan ra khắp nước Mỹ: Washington DC, TP New York, TP Atlanta (bang Geogia), TP Phoenix (bang Arizona), TP Denver (bang Colorado), Los Angeles và Oakland (bang California), Portland (bang Oregon), Richmond (bang Virginia)…

Cái chết thương tâm của George Floyd đã khơi dậy vết thương tồn tại lâu đời như lịch sử nước Mỹ. Dưới đây là một bài tiểu luận (Essay) của một “người trong cuộc”, nữ học giả da màu Nikole Hannah-Jones, nhìn lại lịch sử nước Mỹ ở hai bên ranh giới chủng tộc. Bài tiểu luận đã đem lại cho bà giải Pulitzer 2020 tháng 5 vừa qua. Đây không chỉ là “Vấn đề người da đen” (Negro Problem) như người ta thường nói, mà còn là – hay chính là – “Vấn đề của người thuộc địa da trắng” (white colonist) [1].

Albert Einstein đã từng có phát biểu trong một bài viết về “Vấn đề người da đen”:

Ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mọi người đều cảm thấy giá trị của họ được bảo đảm với tư cách một cá nhân. Không ai (phải) quỵ lụy trước một người hay giai cấp khác. Ngay cả sự khác biệt lớn lao về giàu có, sự siêu quyền lực của một số ít người, cũng không làm xói mòn sự tự tin lành mạnh này, và sự tôn trọng tự nhiên đối với nhân phẩm của một người đồng hương.

Tuy nhiên, có một điểm tối trong cái nhìn của người Mỹ. Tinh thần bình đẳng và nhân phẩm con người chủ yếu bị giới hạn vào những người có màu da trắng. Ngay cả trong giới này cũng có những định kiến mà tôi, với tư cách là một người Do Thái, cảm nhận rõ; nhưng những điều đó không quan trọng lắm so với thái độ của những người “da trắng” đối với các đồng hương của họ có nước da sậm, đặc biệt đối với người da đen. Càng cảm nhận mình là một người Mỹ, thì hoàn cảnh này càng làm cho tôi đau đớn. Tôi chỉ có thể thoát khỏi cảm giác đồng lõa này bằng cách nói ra. […]

Tổ tiên của các bạn đã dùng vũ lực để kéo lê những người dân da đen khỏi quê hương của họ; và để phục vụ sự phồn vinh và một cuộc sống dễ chịu của người da trắng, họ đã bị đàn áp và bóc lột tàn nhẫn, bị hạ xuống thành nô lê. Thành kiến hiện đại đối với người da đen là kết quả của sự mong muốn duy trì tình trạng không đáng có này. […]

Phần lớn thái độ của chúng ta đối với sự vật chịu ảnh hưởng bởi các ý kiến và cảm xúc mà chúng ta đã vô thức hấp thu từ môi trường khi còn nhỏ. Nói cách khác, đó là truyền thống – bên cạnh các năng lực và phẩm chất bẩm sinh khác – và chính nó đã làm cho chúng ta trở thành những con người như hiện tại. Nhưng chúng ta hiếm khi suy ngẫm để thấy ảnh hưởng của tư duy có ý thức của chúng ta về hạnh kiểm và những sự tin chắc của chúng ta là tương đối nhỏ bé thế nào so với ảnh hưởng to lớn của truyền thống.

Sẽ là điên rồ nếu chúng ta coi thường truyền thống. Nhưng với sự tự-ý thức ngày càng lớn của chúng ta và trí thông minh ngày càng phát triển, chúng ta phải bắt đầu kiểm soát truyền thống và có thái độ xem xét đối với nó nếu các quan hệ con người muốn có cơ may thay đổi tốt hơn. Chúng ta phải nỗ lực nhận thức những gì trong truyền thống đã được chấp nhận đang làm hại cho số mệnh và phẩm giá chúng ta – và định hình cuộc sống chúng ta theo đó.

Tôi tin rằng ai nỗ lực suy nghĩ đến cùng sự việc một cách trung thực, sẽ sớm nhận ra sự thiên lệch mang tính truyền thống đối với người da đen là không đáng có và thậm chí là tai họa đến thế nào.

Sau thế chiến thứ hai, nạn phân biệt chủng tộc ngự trị phần lớn trên đất nước Mỹ. Trường học, nhà ở, xe buýt, bãi biển ở phía Nam cũng như ở nhiều phần đất khác của Mỹ bị tách riêng ra cho người da màu và người da trắng. Đến ngân hàng máu hiến tặng cũng bị tách ra riêng. Đầu năm 1946 bạo động, bất công diễn ra chống lại người da đen. Trong hoàn cảnh đó, mặc dù được đề nghị tặng bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều đại học mà hầu như Einstein từ chối, ông chấp nhận lời mời của Đại học Lincoln, Pennsyvannia, là đại học đầu tiên cấp bằng cho người da đen. Điều đó có thể là một sự mạo hiểm, nhưng không phải là sự tình cờ. Ông đọc một bài diễn văn 10 phút, trong đó ông nói về nhu cầu cấp bách gìn giữ hòa bình khỏi một cuộc chiến tranh mới. Rồi ông nói tiếp về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ:

Có một sự phân biệt giữa người dân da màu và người dân da trắng ở Hoa Kỳ. Sự phân biệt này không phải là căn bệnh của người da màu. Đó là một căn bệnh của người da trắng. Tôi không có ý định im lặng về điều đó.

Xem thêm chi tiết trong sách Albert Einstein – Mặt Nhân Bản (tr. XXXIII-XXXVII).  Lịch sử nước Mỹ cần được nhìn thêm từ phía khác: Ngày Độc lập Hoa Kỳ – nhìn từ phía khác.

Bài tiểu luận của Nikole Hannah-Jones chính là sự tiếp nối điều Einstein đã muốn nói lên: nỗ lực suy nghĩ đến cùng sự việc một cách trung thực để giúp con người nhận thức để thay đổi thoát ra khỏi “truyền thống”. NXX

                                                            ***
Lời nói đầu của báo NYT:

Vào tháng 8, 2019 chúng tôi công bố The 1619 Project.  Dự án này nghiên cứu nhiều cách thức mà di sản của chế độ nô lệ tiếp tục tác động và định hình cuộc sống ở Hoa Kỳ. Mục tiêu của dự án 1619 là xem xét lại lịch sử nước Mỹ, và đặt những hệ quả của chế độ nô lệ và những đóng góp của người Mỹ da đen vào vị trí trung tâm của câu chuyện mà chúng ta tự kể với chính mình về câu hỏi chúng ta là ai – với tư cách một quốc gia.

Hôm nay, Nikole Hannah-Jones đã giành một giải thưởng Pulitzer [2] cho Bình luận (Commentory) về Đề án 1619 [3] với tiểu luận “Nước Mỹ từng không phải là một nền Dân chủ, cho đến khi người Mỹ da đen làm cho nó trở thành một nền Dân chủ thực sự” (“America Wasn’t a Democracy, Until Black Americans Made It One,”) trong đó bà khám phá câu chuyện người Mỹ da đen đã đóng vai trò những người hoàn thiện nền dân chủ Mỹ như thế nào.

                                                               ***

Tác giả Nikole Hannah-Jones

Nội dung:

Cha tôi luôn treo một lá cờ Mỹ trước sân nhà. Màu sơn xanh trên ngôi nhà hai tầng của chúng tôi luôn luôn bị tróc lở; hàng rào, hoặc tay vịn cầu thang, hoặc cửa trước, tồn tại trong trạng thái hư hỏng triền miên, nhưng lá cờ đó, mới tinh khôi, luôn tung bay trong gió. Mảnh đất phía góc nhà chúng tôi, được chính phủ liên bang kẻ vạch đỏ, nằm dọc theo con sông chia tách thị trấn Iowa của chúng tôi, thành phía cho người da đen bên nay, và phía bên kia cho người da trắng. Ở rìa bãi cỏ của chúng tôi, cao trên đỉnh một cây cột nhôm, là lá cờ mà cha tôi sẽ sắm mới ngay khi nó chỉ vừa cũ đi một chút.

Cha tôi được sinh ra trong một gia đình tá điền tại một đồn điền người da trắng ở Greenwood, Mississipi, nơi người da đen còng lưng trên những cánh ruộng bông vải từ mờ sáng đến mờ tối [4], y như tổ tiên nô lệ của họ không lâu trước đó. Mississippi thời tuổi trẻ của cha tôi là một bang phân biệt chủng tộc (apartheid) nô dịch dân chúng đại đa số là người da đen của nó bằng những hành vi bạo lực khủng khiếp. Cư dân da trắng ở Mississippi hành hình kiểu lynch [5] nhiều người da đen hơn ở bất kỳ bang nào khác trong nước Mỹ, và những người da trắng trong hạt quê nhà của cha tôi hành hình kiểu lynch nhiều cư dân da đen hơn so với bất kỳ hạt nào khác ở Mississippi, thường là vì các “tội” như bước vào một căn phòng có phụ nữ da trắng, va phải một cô gái da trắng, hay cố gắng lập một hiệp hội tá điền. Mẹ của cha tôi, giống như tất cả những người da đen ở Greenwood, không được bỏ phiếu, không được sử dụng thư viện công cộng hay tìm công việc khác ngoài việc quần quật trên các ruộng bông hoặc trong nhà của người da trắng. Vì vậy, trong những năm 1940, bà đóng gói vài món đồ ít ỏi của mình cùng ba đứa con nhỏ rồi nhập vào dòng người da đen miền Nam bỏ chạy về miền Bắc. Bà rời khỏi Đường sắt Trung tâm Illinois ở Waterloo, Iowa, để thấy những hy vọng của mình về Miền Đất hứa huyền thoại tan vỡ khi bà nhận ra rằng Bộ luật Jim Crow [6] phân biệt chủng tộc chưa dừng bước ở đường ranh giới Mason-Dixon [7].

Bà nội (Grandmama), như cách chúng tôi gọi bà, đã tìm được một ngôi nhà trong một khu phố dành cho người da đen tách biệt ở phía đông thành phố, và sau đó tìm được công việc mà người ta mặc nhiên xem là công việc của phụ nữ da đen, bất kể họ sống ở đâu – dọn dẹp nhà cửa cho người da trắng. Cha tôi cũng chật vật đi tìm “điều hứa” ở vùng đất này [8]. Năm 1962, ở tuổi 17, ông đăng lính. Giống như nhiều chàng trai trẻ, cha gia nhập quân đội với hy vọng thoát nghèo. Nhưng cũng còn vì một lý do khác nữa – một lý do phổ biến đối với đàn ông da đen: Cha hy vọng rằng nếu ông phục vụ đất nước mình, cuối cùng đất nước có thể cũng đối xử với ông như một người Mỹ.

Quân đội cuối cùng cũng không phải là lối thoát của cha tôi. Những cơ hội đã phớt lờ ông, hoài bão của ông cũng bị thui chột. Ông được cho xuất ngũ trong tình cảnh u ám và sau đó phải lao động nặng nhọc trong một loạt các công việc phục vụ cho đến hết đời. Giống như tất cả những người đàn ông và phụ nữ da đen trong gia đình tôi, cha tin tưởng vào sự chăm chỉ, nhưng cũng giống như tất cả những người đàn ông và phụ nữ da đen trong gia đình tôi, cho dù lao động cật lực đến thế nào, ông cũng không bao giờ vượt lên được.

Vì vậy, khi tôi còn trẻ, lá cờ ngoài sân chưa bao giờ có ý nghĩa đối với tôi. Sao người đàn ông da đen này, người đã tận mắt chứng kiến cách đất nước ông lạm dụng người Mỹ da đen thế nào, và cách mà họ từ chối đối xử với chúng tôi như những công dân thực thụ, lại có thể tự hào treo lá cờ tổ quốc? Tôi đã không hiểu lòng yêu nước của ông. Điều đó làm tôi vô cùng xấu hổ.

Ở trường, tôi được dạy, thông qua thẩm thấu văn hóa, rằng lá cờ không thực sự là của chúng tôi, rằng lịch sử của chúng tôi, như một dân tộc, bắt đầu với tình trạng bị nô dịch và chúng tôi đã đóng góp rất ít cho quốc gia vĩ đại này. Dường như thứ gần nhất với niềm tự hào văn hóa mà người Mỹ da đen có thể có, được tìm thấy trong mối liên hệ mơ hồ của chúng tôi với châu Phi, một nơi mà chúng tôi chưa từng đến. Việc cha tôi cảm thấy rất vinh dự khi là người Mỹ giống như dấu ấn của sự mất phẩm giá, và sự thừa nhận của ông về thân phận phụ thuộc, thấp hèn của chúng tôi.

Giống như hầu hết những người trẻ tuổi, tôi nghĩ rằng mình đã hiểu nhiều lắm, trong khi thực tế tôi hiểu biết thật ít ỏi. Cha tôi biết chính xác ông đang làm gì khi treo lá cờ đó. Ông biết rằng những đóng góp của người da đen chúng tôi vào việc xây dựng một quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới là không thể xóa bỏ được, rằng Hoa Kỳ đơn giản sẽ không tồn tại nếu không có chúng tôi.

Vào tháng 8 năm 1619, chỉ 12 năm sau khi người Anh đến định cư tại Jamestown, Virginia, một năm trước khi người Thanh giáo đổ bộ vào Plymouth Rock, và khoảng 157 năm trước cả khi những người thuộc địa Anh quyết định họ muốn thành lập đất nước của riêng mình, những người thuộc địa ở Jamestown đã mua từ cướp biển Anh 20 đến 30 người châu Phi bị bắt làm nô lệ. Những tên cướp biển đã đánh cắp họ từ một con tàu Bồ Đào Nha chở nô lệ, con tàu đó đã cưỡng ép họ rời khỏi vùng đất mà ngày nay là đất nước Angola. Những người đàn ông và phụ nữ cập bến tháng Tám năm đó là khởi đầu của chế độ nô lệ Mỹ. Họ nằm trong số 12,5 triệu người châu Phi bị bắt cóc từ nhà của mình và bị xích suốt hành trình trên Đại Tây Dương trong cuộc di cư cưỡng bức lớn nhất lịch sử loài người cho đến trước Thế chiến thứ hai. Gần hai triệu người đã không sống sót sau hành trình gian nan kiệt sức, được biết đến với tên gọi là Chặng Giữa (Middle Passage) [9].

Trước khi nạn buôn bán nô lệ quốc tế được bãi bỏ, 400.000 nô lệ châu Phi đã bị bán vào nước Mỹ. Những cá nhân đó và hậu duệ của họ đã biến những vùng đất mà họ được đưa tới thành một số trong những thuộc địa thành công nhất của Đế quốc Anh. Bằng lao động nặng nhọc, họ đã khai khẩn đất đai trên khắp vùng Đông Nam (Southeast). Họ dạy cho những người thuộc địa trồng lúa. Họ đã trồng và thu hoạch bông, thứ mà ở đỉnh cao của chế độ nô lệ là hàng hóa có giá trị nhất của quốc gia, chiếm một nửa tất cả hàng xuất khẩu của Mỹ và 66% nguồn cung của cả thế giới. Họ đã xây dựng các đồn điền của George Washington, Thomas Jefferson và James Madison, những cơ ngơi trải dài mà ngày nay thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên địa cầu bị mê hoặc bởi lịch sử của nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới. Họ xây nền móng cho Nhà Trắng và Tòa nhà Quốc hội, thậm chí với đôi tay không tự do của mình, họ đặt Tượng Nữ thần Tự do trên đỉnh mái vòm của Tòa nhà Quốc hội. Họ kéo lê những tà vẹt gỗ nặng trĩu của các đường ray xe lửa dọc ngang miền Nam, và tuyến đường sắt đã đưa bông họ hái đến các nhà máy dệt phía Bắc, thúc đẩy Cách mạng Công nghiệp. Họ đã xây dựng khối tài sản khổng lồ cho người da trắng cả ở miền Bắc và miền Nam – đã có thời, người đàn ông giàu thứ hai cả nước là một người buôn bán nô lệ ở bang Rhode Island. Lợi nhuận từ lao động bị đánh cắp của những người da đen đã giúp quốc gia non trẻ này trả hết nợ chiến tranh và tài trợ cho một số trường đại học danh tiếng nhất của chúng ta. Chính việc không ngừng mua, bán, bảo hiểm và tài trợ cho thân xác họ và các sản phẩm lao động của họ đã biến Phố Wall thành một trung tâm ngân hàng, bảo hiểm và thương mại thịnh vượng, và thành phố New York thành thủ đô tài chính của thế giới.

Nhưng sẽ không chính xác về mặt lịch sử khi xem những đóng góp của người da đen chỉ đơn thuần là khối của cải vật chất kếch xù được tạo ra bởi thân phận nô lệ của chúng tôi. Người Mỹ da đen cũng đã, và đang tiếp tục là nền tảng cho ý tưởng tự do của nước Mỹ. Hơn bất kỳ nhóm sắc tộc nào khác trong lịch sử đất nước này, chúng tôi, thế hệ này qua thế hệ khác, đã đóng một vai trò bị bỏ rơi nhưng quan trọng sống còn: Chính chúng tôi là những người hoàn thiện nền dân chủ này.

Một người biểu tình tại cuộc diễu hành năm 1965 từ Selma đến Montgomery,
do Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. dẫn đầu để đấu tranh cho quyền bầu cử đen.
Ảnh Bruce Davidson /Thành viên Magnum Photos.

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia được thành lập dựa trên cả lý tưởng lẫn sự dối trá. Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta, được phê duyệt vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, tuyên bố rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” và “tạo hóa ban cho họ những quyền tất yếu bất khả xâm phạm”. Nhưng những người đàn ông da trắng soạn thảo những từ đó đã không tin rằng chúng có giá trị đối với hàng trăm ngàn người da đen đang sống cùng họ. “Sự sống, Tự do và Mưu cầu Hạnh phúc” đã không được áp dụng cho ít nhất một phần năm dân số của đất nước. Tuy nhiên, mặc dù tự do và công lý, như được hứa hẹn cho tất cả mọi người, bị từ chối bằng bạo lực, người Mỹ da đen vẫn tin tưởng nồng nhiệt vào tín điều của nước Mỹ. Qua nhiều thế kỷ chống đối và phản kháng của người da đen, chúng tôi đã giúp đất nước sống theo đúng những lý tưởng lập quốc của mình. Và không chỉ cho riêng chúng tôi – những cuộc đấu tranh cho quyền người da đen đã mở đường cho mọi cuộc đấu tranh vì những quyền khác, bao gồm cả quyền phụ nữ và quyền của những người đồng tính, người người nhập cư và người khuyết tật.

Nếu không có những nỗ lực lý tưởng, vất vả và ái quốc của người Mỹ da đen, nền dân chủ của chúng ta ngày nay rất có thể đã rất khác – nó đã có thể không hề là một nền dân chủ.

Người đầu tiên chết cho đất nước này trong cuộc Cách mạng Mỹ [10] là một người da đen, bản thân ông không phải là một người tự do. Crispus Attucks là một người chạy trốn khỏi chế độ nô lệ, nhưng ông đã hiến mạng sống cho một quốc gia mới, một quốc gia mà trong đó đồng bào của ông, trong một thế kỷ tiếp theo, sẽ không được hưởng các quyền tự do được đưa ra trong Tuyên ngôn (Độc lập). Trong mọi cuộc chiến mà quốc gia này đã tiến hành kể từ cuộc chiến đầu tiên đó, người Mỹ da đen đều tham gia chiến đấu – ngày nay chúng tôi có lẽ là nhóm đông nhất trong trong tất cả các nhóm sắc tộc phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Cha tôi, một trong số rất nhiều người Mỹ da đen đáp lại lời kêu gọi, đã biết được điều mà tôi sẽ mất bao nhiêu năm để hiểu: rằng năm 1619 cũng quan trọng đối với lịch sử của nước Mỹ như năm 1776. Rằng những người Mỹ da đen, cũng ngang hàng với những con người được đúc tượng bằng đá thạch cao hoa tuyết (alabaster) tại thủ đô quốc gia, là “những người cha lập quốc” đích thực của quốc gia này. Và rằng, không ai có đòi hỏi về lá cờ đó nhiều hơn chúng tôi.

Vào tháng 6 năm 1776, Thomas Jefferson ngồi tại bàn viết di động [11] của mình trong căn phòng trọ ở Philadelphia và viết những lời này: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Trong 243 năm qua, sự khẳng định quyết liệt này về các quyền cơ bản và tự nhiên của loài người đối với tự do và tự quyết (self-governance) đã làm nên danh tiếng toàn cầu của chúng ta như một vùng đất tự do. Tuy nhiên, khi Jefferson sáng tác những lời truyền cảm hứng của mình, một cậu bé tuổi teen, người sẽ không được hưởng bất kỳ quyền và quyền tự do nào, đang đứng gần bên để chờ phục vụ bất kỳ điều gì mà chủ nhân của cậu yêu cầu. Tên cậu là Robert Hemings – em cùng cha khác mẹ của vợ Jefferson, là con trai của cha của Martha Jefferson và một người phụ nữ mà ông ta sở hữu. Việc những người sở hữu nô lệ da trắng giữ những đứa con lai đen của họ làm nô lệ là chuyện thông thường. Jefferson đã chọn Hemings, trong số khoảng 130 nô lệ trong trại lao động cưỡng bức mà ông gọi là Monticello, đi theo mình đến Philadelphia và đảm bảo cho ông luôn được thoải mái khi soạn thảo văn bản cho một nước cộng hòa dân chủ mới được xây dựng trên các quyền cá nhân của con người.

Vào thời điểm đó, một phần năm dân số trong 13 thuộc địa đã phải vật lộn dưới một hệ thống nô lệ tàn bạo không giống bất cứ điều gì đã từng tồn tại trên thế giới trước đây. Chế độ chiếm hữu nô lệ (chattel slavery) [12] không mang tính điều kiện, mà mang tính sắc tộc. Đó là di truyền và vĩnh viễn, không phải tạm thời, có nghĩa là các thế hệ người da đen được sinh ra trong chế đô đó và truyền lại thân phận nô lệ cho con cái của họ. Những người nô lệ không được công nhận là con người mà bị xem là tài sản có thể được cầm cố, trao đổi, mua, bán, sử dụng làm tài sản thế chấp, hay được tặng như một món quà và bị vứt bỏ một cách tàn bạo. Những đồng bào thuộc địa da trắng của Jefferson biết rằng người da đen cũng là con người, nhưng họ đã tạo ra một mạng lưới luật pháp và tập quán, gây kinh ngạc về cả tính chính xác lẫn tàn bạo của chúng, đảm bảo rằng những người nô lệ sẽ không bao giờ được đối xử như những con người. Như William Goodell, người theo chủ nghĩa bãi nô, đã viết vào năm 1853, “Nếu bất cứ điều gì được xây dựng dựa trên sự sai lầm có thể được gọi là khoa học, chúng ta có thể thêm chế độ nô lệ của nước Mỹ vào danh sách các ngành khoa học chính xác”.

Những người nô lệ không thể kết hôn hợp pháp. Họ bị cấm học đọc và hạn chế gặp gỡ riêng tư trong các nhóm. Họ không có quyền với con cái của họ, những đứa trẻ có thể được mua, bán và dứt khỏi họ qua các buổi đấu giá, bên cạnh đồ nội thất và gia súc, hoặc đằng sau các mặt tiền cửa hàng có tấm quảng cáo “Ở đây có bán người da đen”. Chủ nô và tòa án không tôn trọng mối quan hệ ruột thịt với những người mẹ, anh chị em, anh em họ. Trong hầu hết các tòa án, họ không có tư cách pháp lý. Người chủ nô có thể hãm hiếp hoặc giết “tài sản” của họ mà không phải chịu hậu quả pháp lý. Những người nô lệ không có quyền sở hữu, không có quyền làm di chúc và không có quyền nhận thừa kế. Họ bị tra tấn một cách hợp pháp, bởi cả những người làm việc cho chính Jefferson. Họ có thể bị bắt làm việc cho đến chết, và thường là như vậy, để tạo ra lợi nhuận cao nhất cho những người da trắng sở hữu họ.

Tuy nhiên, trong khi đưa ra lập luận chống lại sự chuyên chế của nước Anh, một trong những phương tiện hùng biện yêu thích của những người thuộc địa là tuyên bố rằng họ là nô lệ – đối với nước Anh. Vì sự nước đôi này, họ đã phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội cả trong và ngoài nước. Như Samuel Johnson, một nhà văn người Anh và là một người Bảo thủ (Tory) phản đối nền độc lập của nước Mỹ, đã châm biếm, “Sao những tiếng kêu khóc đòi tự do thảm thiết nhất mà chúng ta nghe thấy được lại đến từ những người chủ nô lệ da đen?” [13]

Một trong những lý do chính khiến một số người thuộc địa quyết định tuyên bố độc lập khỏi nước Anh là vì họ muốn bảo vệ thể chế nô lệ – sự thật đã bị cố ý bỏ ra khỏi câu chuyện thần thoại lập quốc của chúng ta. Đến năm 1776, nước Anh đã trở nên mâu thuẫn sâu sắc về vai trò của mình trong định chế man rợ đã định hình lại Tây bán cầu. Ở Luân Đôn, ngày càng có nhiều lời kêu gọi bãi bỏ buôn bán nô lệ. Điều này sẽ làm đảo lộn nền kinh tế của các thuộc địa, ở cả miền Bắc và miền Nam. Của cải và tiếng tăm nổi bật, những thứ cho phép Jefferson, chỉ mới 33 tuổi, và những người cha lập quốc khác tin rằng họ có thể thành công trong việc tách ra khỏi một trong những đế chế hùng mạnh nhất thế giới, có nguồn gốc từ những lợi nhuận chóng mặt được tạo ra bởi chế độ sở hữu nô lệ. Nói cách khác, chúng ta có thể đã không bao giờ nổi dậy chống lại nước Anh nếu như một số nhà lập quốc không hiểu rằng chế độ nô lệ đã thúc đẩy họ làm như vậy; cũng như nếu họ không tin rằng độc lập là thứ cần phải có để bảo đảm cho chế độ nô lệ tiếp tục được duy trì. Không phải ngẫu nhiên mà 10 trong số 12 tổng thống đầu tiên của quốc gia này là những chủ nô, và một số người có thể lập luận rằng quốc gia này được thành lập không phải như là một nền dân chủ mà như là chế độ cai trị của các chủ nô (slavocracy).

Jefferson và những nhà lập quốc khác ý thức sâu sắc về sự đạo đức giả này. Và vì vậy, trong bản dự thảo ban đầu của Tuyên ngôn Độc lập của Tổng thống Jefferson, ông đã cố gắng dùng lý lẽ để biện hộ rằng đó không phải là lỗi của những người thuộc địa. Thay vào đó, ông đổ lỗi cho nhà vua Anh đã ép buộc những người thuộc địa miễn cưỡng chấp nhận thể chế nô lệ và gọi việc buôn bán người là tội ác. Tuy nhiên, cả Jefferson và hầu hết những nhà lập quốc đều không có ý định xóa bỏ chế độ nô lệ, và cuối cùng, họ đã gạch bỏ đoạn này.

Tuyên ngôn Độc lập cuối cùng không đề cập gì đến chế độ nô lệ. Tương tự, 11 năm sau, khi đến lúc soạn thảo Hiến pháp, các nhà soạn thảo đã cẩn thận xây dựng một văn kiện bảo tồn và bảo vệ chế độ nô lệ mà không bao giờ sử dụng từ này. Trong các văn bản mà họ nói về tự do cho thế giới, họ không muốn bảo vệ sự đạo đức giả của mình một cách lộ liễu, vì vậy họ tìm cách che giấu nó. Hiến pháp có 84 điều khoản. Sáu (6) điều khoản trong đó trực tiếp nói về người nô lệ và tình trạng nô dịch của họ, như sử gia David Waldstre Rich đã viết, và 5 điều khoản khác mang hàm ý (implications) về chế độ nô lệ. Hiến pháp đã bảo vệ “tài sản” của những kẻ đã nô lệ hóa người da đen, cấm chính phủ liên bang can thiệp để chấm dứt việc nhập khẩu những người châu Phi bị nô lệ hóa trong thời gian 20 năm, cho phép Quốc hội huy động lực lượng dân quân (militia) để đàn áp các cuộc nổi dậy của nô lệ và ép buộc những bang đã cấm chế độ nô lệ phải trao trả những người nô lệ đã chạy trốn đến đây tị nạn. Giống như nhiều người khác, nhà văn và người theo chủ nghĩa bãi nô Samuel Bryan đã nêu rõ về sự lừa dối này khi nói về Hiến pháp, “Từ ngữ là tối nghĩa và mơ hồ; tới mức không có người bình thường nào sẽ sử dụng, [và] hiển nhiên là chúng được chọn để che đây trước châu Âu, rằng ở đất nước được khai sáng này, tập tục nô lệ có những ủng hộ viên trong số những người ở những chức vị cao nhất.”

Cùng với nền độc lập, những người cha lập quốc không còn có thể đổ lỗi cho nước Anh về chế độ nô lệ nữa. Tội lỗi đã trở thành tội lỗi của chính quốc gia này, và vì thế, nhu cầu phải tẩy sạch nó cũng trở thành nhu cầu của chính họ. Nghịch lý đáng xấu hổ khi tiếp tục chế độ sở hữu nô lệ trong một quốc gia được thành lập dựa trên tự do cá nhân, các học giả ngày nay khẳng định, làm cho hệ thống đẳng cấp chủng tộc (racial caste system) càng nặng nề hơn. Hệ tư tưởng này, được củng cố không chỉ bởi luật pháp mà bởi cả khoa học và văn học phân biệt chủng tộc, tiếp tục cho rằng người da đen là “chưa giống con người” (subhuman), một niềm tin cho phép người Mỹ da trắng sống với sự phản bội của họ. Đến đầu những năm 1800, theo các nhà sử học pháp lý Leland B. Ware, Robert J. Cottrol và Raymond T. Diamond, người Mỹ da trắng, dù có tham gia chiếm hữu nô lệ hay không, “thì cũng đã có một sự đầu tư đáng kể về mặt tâm lý cũng như kinh tế vào học thuyết về sự thấp kém của người da đen”. Mặc dù quyền tự do là quyền bất khả xâm phạm của những người được coi là người da trắng, nô dịch hóa và khuất phục hóa đã trở thành trạm đến tự nhiên của những người có bất kỳ giọt máu “đen” thấy rõ nào.

Tòa án Tối cao đã đưa tư tưởng này vào luật trong phán quyết vụ Dred Scott [14] năm 1857 của nó, tuyên bố rằng người da đen, dù là nô lệ hay tự do, đều đến từ một chủng tộc “nô lệ”. Điều này khiến họ thua kém người da trắng, và do đó, không thích hợp với nền dân chủ Mỹ. Dân chủ là dành cho công dân (citizen), và “chủng tộc Da đen” (Negro race), tòa án phán quyết, là “một lớp người riêng biệt” mà những nhà lập quốc “đã không coi là một phần của dân tộc hoặc công dân của Chính quyền và “không có những quyền mà một người da trắng buộc phải tôn trọng”. Niềm tin này, rằng người da đen không chỉ đơn thuần bị nô nô lệ hóa mà là một chủng tộc nô lệ (slave race), trở thành gốc rễ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đặc hữu (endemic racism) mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn không thể gột rửa khỏi quốc gia này. Nếu người da đen không bao giờ có thể là công dân, nếu họ là giống loài tách rời khỏi tất cả giống người, thì khi đó họ không đòi hỏi các quyền mà Hiến pháp đã ban tặng, và từ “chúng tôi” trong “Chúng tôi, Nhân dân” (“We the People”) [15] không phải là một lời nói dối .

Vào ngày 14 tháng 8 năm 1862, chỉ 5 năm sau khi tòa án tối cao của quốc gia tuyên bố rằng không một người da đen nào có thể là công dân Mỹ, Tổng thống Abraham Lincoln đã gọi một nhóm năm người đàn ông da đen tự do được kính trọng đến Nhà Trắng để họp. Đó là một trong số ít lần những người da đen từng được đến Nhà Trắng với tư cách là khách mời. Cuộc nội chiến đã hoành hành trong hơn một năm và những nhà bãi nô da đen, những người ngày càng gây áp lực lên Lincoln để chấm dứt chế độ nô lệ, hẳn đã cảm thấy vô cùng háo hức và  tự hào.

Cuộc chiến đã không suôn sẻ với Lincoln. Nước Anh đang suy tính xem có nên can thiệp nhân danh phe Liên minh hay không, và Lincoln, không thể thu hút đủ lính tình nguyện da trắng mới cho cuộc chiến, buộc phải xem xét lại sự phản đối của mình để cho phép người Mỹ da đen đấu tranh cho sự giải phóng của chính họ. Tổng thống đang cân nhắc một lời tuyên bố đe dọa sẽ giải phóng tất cả những người nô lệ ở các bang đã ly khai khỏi Liên minh nếu các bang này không chấm dứt nổi loạn. Tuyên bố cũng sẽ cho phép những người trước đây bị bắt làm nô lệ gia nhập quân đội Liên minh và chiến đấu chống lại các “ông chủ” cũ của họ. Nhưng Lincoln lo lắng về hậu quả của bước đi triệt để này. Giống như nhiều người Mỹ da trắng, ông chống lại chế độ nô lệ như một hệ thống tàn ác không phù hợp với những lý tưởng của nước Mỹ, nhưng ông cũng phản đối sự bình đẳng của người da đen. Ông tin rằng những người da đen tự do là một “sự hiện diện rắc rối”, không tương thích với một nền dân chủ chỉ dành cho người da trắng. “Giải phóng họ, và làm cho họ bình đẳng về chính trị và xã hội với chúng ta ư?” ông đã nói như vậy bốn năm về trước. “Cảm xúc của riêng tôi sẽ không thừa nhận điều này; và nếu như cảm xúc của tôi có thừa nhận điều này, chúng ta sẽ biết rõ rằng phần đông người da trắng sẽ không thừa nhận nó.”

Ngày tháng Tám đó, khi những người da đen đến Nhà Trắng, họ được chào đón bởi Lincoln cao lớn và một người tên là James Mitchell, người mà tám ngày trước đã được trao chức vụ của một vị trí mới được tạo ra – ủy viên phụ trách vấn đề di cư. Đây là sự bổ nhiệm đầu tiên của ông ta. Sau khi trao đổi vài câu xã giao, Lincoln đã đi thẳng vào vấn đề. Ông thông báo với những người khách của mình rằng ông đã được Quốc hội dành riêng ngân sách để chuyên chở những người da đen, một khi được tự do, đến một quốc gia khác.

Một bức chân dung năm 1872 của những người Mỹ gốc Phi phục vụ tại Quốc hội (từ trái sang): Hiram Revels, người da đen đầu tiên được bầu vào Thượng viện; Benjamin S. Turner; Robert C. De Lớn; Josiah T. Tường; Jefferson H. Long; Joseph H. Mưa; và R. Brown Elliot. Currier & Ives -ảnh từ Thư viện Quốc hội

“Tại sao họ nên rời khỏi đất nước này? Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên để xem xét một cách thích hợp,” Lincoln nói với họ. “Các anh và chúng tôi là những chủng tộc khác nhau. … Chủng tộc của các anh phải chịu đựng rất nhiều, nhiều người trong số họ, khi sống giữa chúng tôi, những người chúng tôi cũng phải chịu đựng sự hiện diện của các anh. Nói ngắn gọn, chúng ta bên nào cũng đau khổ.”

Bạn có thể tưởng tượng sự im lặng nặng nề trong căn phòng đó, vì sức nặng của những gì tổng thống vừa nói trong giây lát đã khiến năm người da đen này nghẹt thở. Đã 243 năm trôi qua kể từ ngày tổ tiên đầu tiên của họ cập bến bờ này, trước cả gia đình Lincoln, rất lâu trước khi hầu hết những người da trắng khăng khăng rằng đây không phải là đất nước của họ. Liên minh đã không tham gia vào cuộc chiến để chấm dứt chế độ nô lệ mà để ngăn miền Nam tách ra, dẫu thế những người da đen cũng đã đăng lính để chiến đấu. Những người nô lệ đang chạy trốn khỏi các trại lao động cưỡng bức, mà chúng ta thích gọi là “đồn điền”, cố gắng tham gia vào nỗ lực chung, làm gián điệp, làm thành viên nhóm phá hoại để ngăn quân địch, bắt đầu chiến đấu cho sự nghiệp của ông cũng như của chính họ. Và giờ đây Lincoln đổ lỗi cho họ về cuộc chiến. “[Nếu không có sắc tộc của các anh sống cùng chúng tôi thì đã không có chiến tranh], mặc dù nhiều người ở bên này hay bên kia không ưa các anh cách này hay cách khác. [Tuy nhiên, tôi nhắc lại] [16], không có chế độ nô lệ và chủng tộc da màu làm cơ sở, cuộc chiến đã không thể tồn tại,” tổng thống nói với họ. “Vì vậy, tốt hơn cho cả hai bên là tách ra”.

Khi Lincoln kết thúc bài phát biểu, Edward Thomas, chủ tịch phái đoàn, đã thông báo với tổng thống, có lẽ một cách cộc lốc, rằng họ sẽ bàn bạc về ý kiến ​​của ông. “Cứ thư thả,” Lincoln nói. “Không có gì phải vội vàng cả.”

Gần ba năm sau cuộc họp tại Nhà Trắng, Tướng Robert E. Lee đã đầu hàng tại Appomattox. Đến mùa hè, Nội chiến đã kết thúc, và bốn triệu người Mỹ da đen đột nhiên được tự do. Trái ngược với quan điểm của Lincoln, hầu hết đều không có ý rời đi, đồng quan điểm với một nghị quyết chống thực dân hóa người da đen (black colonization), được đưa ra tại một hội nghị của các lãnh tụ da đen ở New York vài thập kỷ trước: “Đây là nhà của chúng ta, và đây là đất nước của chúng ta. Xương cốt của cha ông chúng ta nằm dưới lớp đất này. … Đây là nơi chúng ta được sinh ra, và chúng ta cũng sẽ chết ở nơi này.”

Việc những người trước đây là nô lệ không chấp nhận đề nghị của Lincoln để từ bỏ những vùng đất này là một minh chứng đáng kinh ngạc cho niềm tin của họ đối với lý tưởng lập quốc của quốc gia. Như W.E.B. Du Bois đã viết, “Ít người từng tôn sùng Tự do dù chỉ với một nửa đức tin tuyệt đối mà người Mỹ da đen đã có trong hai thế kỷ” Người Mỹ da đen từ lâu đã kêu gọi sự bình đẳng phổ quát và tin tưởng, như người theo chủ nghĩa bãi nô Martin Delany, đã nói, rằng “Chúa đã tạo ra tất cả các dân tộc cư ngụ trên trái đất từ một dòng máu”. Được tự do nhờ chiến tranh, khi đó, họ không tìm cách trả thù những kẻ áp bức mình như Lincoln và rất nhiều người Mỹ da trắng khác đã lo sợ. Họ đã làm điều ngược lại. Trong thời kỳ Tái thiết quốc gia ngắn ngủi này, từ năm 1865 đến năm 1877, những người từng là nô lệ trước đây đã nhiệt tình tham gia vào quá trình dân chủ. Với quân đội liên bang kiềm chế bạo lực lan rộng từ người da trắng, người miền Nam da đen bắt đầu thiết lập các chi nhánh của Liên minh Quyền bình đẳng – một trong những tổ chức nhân quyền đầu tiên của quốc gia – để chống phân biệt đối xử và tổ chức cử tri; họ đông đảo đi đầu trong các cuộc bầu cử, nơi họ đặt những người trước đây là nô lệ vào những vị trí mà trước đây những chủ nô của họ đã từng nắm giữ. Miền Nam, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước này, bắt đầu giống với một nền dân chủ, với người Mỹ da đen được bầu vào các cơ quan địa phương, tiểu bang và liên bang. Khoảng 16 người da đen phục vụ tại Quốc hội – trong đó có Hiram Revels của Mississippi, là người đã trở thành người da đen đầu tiên được bầu vào Thượng viện. (Để biết giai đoạn này ngắn ngủi ra sao, hãy hình dung: từ khi Revels là người da đen đầu tiên được bầu vào thượng viện, cho đến khi Blanche Bruce, người da đen tiếp theo được bầu vào văn phòng này là gần một trăm năm, trước khi Edward Brooke ở Massachusetts nhậm chức vào năm 1967.) Hơn 600 người da đen phục vụ trong các cơ quan lập pháp tiểu bang miền Nam và hàng trăm người khác ở các vị trí trong các cơ quan địa phương.

Những quan chức da đen này đã tham gia cùng với những người Cộng hòa da trắng, một số người từ miền Bắc xuống, để soạn thảo những bản hiến pháp bình đẳng nhất cho các bang mà miền Nam chưa từng chứng kiến. Họ đã giúp thông qua luật thuế công bằng hơn và những bộ luật cấm phân biệt đối xử trong giao thông công cộng, chỗ ở và nhà ở. Có lẽ thành tựu lớn nhất của họ là thiết lập những định chế dân chủ nhất của nước Mỹ: trường công lập. Trước thời kỳ Tái Thiết, giáo dục công thực tế không tồn tại ở miền Nam. Giới thượng lưu da trắng gửi con cái họ đến các trường tư thục, trong khi những đứa trẻ da trắng nhà nghèo không được đi học. Nhưng những người da đen mới được giải phóng, những người đã bị cấm học đọc và học viết trong thời kỳ nô lệ, đang bức thiết cần một nền giáo dục. Vì vậy, các nhà lập pháp da đen đã thúc đẩy thành công một hệ thống các trường phổ thông, do nhà nước tài trợ – không chỉ cho con cái của họ mà còn cho cả trẻ em da trắng. Các nhà lập pháp da đen cũng đã giúp thông qua luật giáo dục bắt buộc đầu tiên trong khu vực. Trẻ em miền Nam, cả da đen và da trắng, giờ đây được yêu cầu phải đi học như các bạn bè cùng trang lứa của chúng ở miền Bắc. Chỉ sau năm năm Tái thiết, mọi tiểu bang miền Nam đã đưa quyền được giáo dục công cộng cho tất cả trẻ em vào hiến pháp của mình. Ở một số bang, như Louisiana và Nam Carolina, một số lượng nhỏ trẻ em da đen và da trắng, trong một thời gian ngắn, đã học cùng nhau ở trường.

Được lãnh đạo bởi các nhà hoạt động da đen và một Đảng Cộng hòa bị đẩy nghiêng sang cánh tả bởi tính ngoan cố trắng trợn của những người miền Nam da trắng, những năm ngay sau chế độ nô lệ đã chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ nhất của nhân quyền và dân quyền mà quốc gia này từng chứng kiến. Năm 1865, Quốc hội đã thông qua Tu chính án thứ 13 [17], đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những quốc gia cuối cùng ở châu Mỹ bãi bỏ chế độ nô lệ. Năm sau đó, những người Mỹ da đen, sử dụng quyền lực chính trị mới của họ, đã thúc đẩy các nhà lập pháp da trắng thông qua Đạo luật Dân quyền, đạo luật đầu tiên của quốc gia về lĩnh vực này và là một trong những đạo luật có xu hướng mở nhất về quyền dân sự mà Quốc hội đã thông qua. Đây là lần đầu tiên vấn đề quốc tịch của người Mỹ đen được đưa vào luật. Luật này cấm phân biệt đối xử nhà ở và trao cho toàn thể người dân Mỹ quyền mua và thừa kế tài sản, lập và thực thi hợp đồng, và đưa yêu cầu bồi thường lên tòa án. Năm 1868, Quốc hội đã phê chuẩn Tu chính án thứ 14, đảm bảo quyền công dân cho bất kỳ người nào được sinh ra ở Hoa Kỳ. Ngày nay, nhờ sự sửa đổi này, mọi trẻ em sinh ra ở đây bởi một người nhập cư châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh hoặc Trung Đông đều tự động có được quyền công dân. Tu chính án thứ 14 cũng, lần đầu tiên, bảo đảm một cách hợp hiến sự bảo vệ bình đẳng theo pháp luật. Kể từ đó, gần như tất cả các nhóm bên lề (marginalized groups) khác đã sử dụng Tu chính án thứ 14 trong các cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng (bao gồm cả những tranh cãi thành công gần đây trước Tòa án Tối cao vì lợi ích của hôn nhân đồng giới). Cuối cùng, vào năm 1870, Quốc hội đã thông qua Tu chính án thứ 15, đảm bảo khía cạnh quan trọng nhất của dân chủ và quyền công dân – quyền bầu cử – cho tất cả mọi người bất kể “chủng tộc, màu da, hay tình trạng nô lệ trước đây”.

Trong khoảnh khắc thoáng qua được gọi là Tái thiết này, đa số trong Quốc hội dường như tuân theo ý tưởng rằng, từ đống tro tàn của Nội chiến, chúng ta có thể tạo ra nền dân chủ đa sắc tộc mà người Mỹ da đen đã hình dung ngay cả khi những người cha lập quốc của chúng ta chưa hề nghĩ đến.

Nhưng điều này đã không tồn tại lâu dài.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống lại người da đen nằm ngay trong DNA của đất nước này, cũng như niềm tin, được Lincoln phát biểu thật rành mạch, rằng người da đen là trở ngại cho sự thống nhất quốc gia. Nhiều thành quả của Tái thiết đã gặp phải sự kháng cự dữ dội của người da trắng trên khắp miền Nam, bao gồm cả bạo lực không thể tưởng tượng được chống lại những cựu nô lệ, sự đàn áp cử tri trên phạm vi rộng, gian lận bầu cử và thậm chí, trong một số trường hợp cực đoan, lật đổ các chính quyền lưỡng sắc tộc được bầu cử một cách dân chủ. Đối mặt với tình trạng bất ổn này, chính phủ liên bang đã quyết định rằng người da đen là nguyên nhân của vấn đề và vì mục tiêu của sự thống nhất, hòa hợp, họ sẽ để người da trắng miền Nam tự quyết các vấn đề của mình. Năm 1877, Tổng thống Rutherford B. Hayes, để đảm bảo sự thỏa hiệp với những người Dân chủ miền Nam, điều sẽ cho phép ông làm tổng thống một cách hợp pháp trong một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi, đã đồng ý rút quân đội liên bang khỏi miền Nam. Khi những đội quân rời đi, người da trắng miền Nam nhanh chóng xóa bỏ tận gốc rễ những thành tựu của Tái thiết. Sự đàn áp mang tính hệ thống của người da trắng đối với cuộc sống của người da đen nghiêm trọng đến mức giai đoạn giữa những năm 1880 và 1920 và những năm 30 được gọi là Great Nadir [18], hay chế độ nô lệ lần thứ hai. Dân chủ sẽ không quay lại miền Nam trong gần một thế kỷ.

Một tấm bưu thiếp cho thấy hiện trường vụ giết hại Allen Brooks, một người lao động người Mỹ gốc Phi bị buộc tội mưu toan cưỡng hiếp. Ông đã bị kéo lê trên các đường phố xung quanh Tòa án Hạt Dallas và bị hành hình kiểu Lynch vào ngày 3 tháng 3 năm 1910. Những tấm bưu thiếp về các vụ hành hình kiểu Lynch không phải là hiếm vào những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh từ Thư viện DeGolyer, Đại học Southern Methodist, Dallas

Mặt khác, những người miền Nam thuộc mọi tầng lớp kinh tế, nhờ một phần quan trọng vào các chính sách và luật pháp tiến bộ mà người da đen đã đấu tranh giành được, đã được hưởng sự cải thiện đáng kể trong cuộc sống của họ, thậm chí ngay cả khi họ buộc người da đen quay trở lại một chế độ hầu như là nô lệ (a quasi slavery). Như Waters McIntosh, người từng bị bắt làm nô lệ ở Nam Carolina, than thở, “Chính người da trắng nghèo khổ được giải phóng bởi chiến tranh, chứ không phải người da đen.”

Những cây thông Georgia vút qua cửa sổ chiếc xe buýt Greyhound chở Isaac Woodard về nhà ở Winnsboro, Nam Carolina. Sau khi phục vụ bốn năm trong Quân đội trong Thế chiến II, nơi Woodard đã được tặng thưởng một ngôi sao chiến trận (battle star), anh đã được vinh dự xuất ngũ vào sớm ngày hôm đó tại Doanh trại Gordon và đang trên đường về nhà để gặp lại vợ mình. Khi xe buýt dừng lại ở một tiệm thuốc nhỏ cách Atlanta một giờ, Woodard đã có một cuộc cãi vã nhỏ với người tài xế da trắng sau khi hỏi liệu anh có thể sử dụng nhà vệ sinh không. Khoảng nửa giờ sau, người tài xế lại dừng lại và bảo Woodard xuống xe. Bảnh bao trong bộ quân phục, Woodard bước xuống thang và thấy cảnh sát đang đợi anh. Trước khi anh có thể cất tiếng, một trong những người sĩ quan đã dùng dùi cui đập vào đầu anh. Anh bị đánh đập tàn tệ đến mức lăn ra bất tỉnh. Những cú đánh vào đầu Woodard nghiêm trọng đến nỗi khi tỉnh dậy trong phòng giam vào ngày hôm sau, anh đã không thể nhìn thấy gì. Vụ đánh đập xảy ra chỉ 4 tiếng rưỡi sau khi anh xuất ngũ. Ở tuổi 26, Woodard sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy ánh sáng.

Không có gì bất thường về trận đòn kinh hoàng đã khiến Woodard tàn phế. Đó là một phần của làn sóng bạo lực có hệ thống được triển khai chống lại người Mỹ da đen sau Tái thiết, ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Khi tinh thần bình đẳng của nước Mỹ thời hậu chiến đã bốc hơi theo mong muốn thống nhất đất nước, người Mỹ da đen, chỉ với sự hiện diện của họ, đã là một lời nhắc nhở khó giải quyết về những nhược điểm của quốc gia này. Người Mỹ da trắng đối phó với sự phiền phức này bằng cách xây dựng một hệ thống phân biệt chủng tộc được thực thi một cách dã man, loại trừ người da đen gần như hoàn toàn khỏi cuộc sống chính thống của nước Mỹ – một hệ thống gớm ghiếc đến nỗi sẽ được Đức Quốc xã lấy cảm hứng cho chính sách phân biệt chủng tộc của chúng sau này.

Isaac Woodard và mẹ anh ở Nam Carolina vào năm 1946. Vào tháng 2 năm đó, Woodard, một cựu quân nhân được tặng thưởng huy chương, đã bị cảnh sát đánh đập nặng nề, khiến anh bị mù. Từ Bộ sưu tập và Lưu trữ đặc biệt / Thư viện Đại học bang Georgia

Bất chấp bảo đảm về sự bình đẳng trong Tu chính án thứ 14, phán quyết then chốt của Tòa án Tối cao trong vụ án nổi tiếng Plessy kiện Ferguson [19] năm 1896 tuyên bố rằng sự phân biệt chủng tộc (segregation) đối với người Mỹ da đen là hợp hiến. Với sự chuẩn y của tòa án cao nhất của quốc gia và không có ý kiến nào của liên bang (federal will) muốn chứng minh tính chính đáng cho các quyền của người da đen, các bang miền Nam, bắt đầu từ cuối những năm 1800, đã thông qua một loạt các luật và bộ luật với ý định làm cho hệ thống đẳng cấp chủng tộc của chế độ nô lệ trở thành vĩnh viễn bằng cách từ chối quyền lực chính trị, bình đẳng xã hội và nhân phẩm cơ bản của người da đen. Họ đã ra dự luật về kiểm tra khả năng đọc và viết để ngăn người da đen tham gia bỏ phiếu và tạo ra các cuộc bầu cử sơ bộ chỉ dành cho người da trắng. Người da đen bị cấm phục vụ trong các hội thẩm đoàn hoặc làm chứng trước tòa chống lại một người da trắng. Nam Carolina cấm công nhân dệt da trắng và da đen dùng chung cửa ra vào. Oklahoma buộc các công ty điện thoại phải tách biệt các phòng điện thoại công cộng. Memphis có chỗ đậu xe riêng cho tài xế da đen, và tài xế trắng. Baltimore đã thông qua một sắc lệnh cấm những người da đen chuyển vào một khu nhà có hơn một nửa người da trắng sinh sống, và cấm người da trắng chuyển đến một khu nhà có hơn một nửa người da đen. Georgia quy định việc chôn cất người da đen và người da trắng cạnh nhau trong cùng một nghĩa trang là bất hợp pháp. Alabama cấm những người da đen sử dụng các thư viện công cộng, những thư viện được xây dựng và vận hành từ chính tiền thuế của họ. Người da đen, như thông lệ, sẽ bước ra khỏi vỉa hè để nhường đường cho người da trắng đi qua, và xưng hô với tất cả những người da trắng một cách kính cẩn, mặc dù họ không nhận được điều gì tương tự dù họ có lớn tuổi bao nhiêu đi nữa. Ở miền Bắc, các chính trị gia da trắng đã thực hiện các chính sách tách biệt người da đen vào các khu ổ chuột và vào các trường học tồi tàn dành riêng cho người da đen, vận hành các hồ bơi công cộng chỉ dành cho người da trắng và quy định ngày cho người da trắng và ngày cho người da màu tại hội chợ quốc gia; các doanh nghiệp da trắng thường từ chối phục vụ người da đen bằng cách đặt những tấm biển “Chỉ phục vụ người da trắng” (“Whites only”) trên cửa sổ của họ. Các tiểu bang như California đã tham gia cùng các tiểu bang miền Nam trong việc cấm người da đen kết hôn với người da trắng, trong khi hội đồng trường địa phương ở Illinois và New Jersey bắt buộc có trường riêng biệt cho trẻ em da đen và da trắng.

Hệ thống đẳng cấp này được duy trì thông qua khủng bố sắc tộc ngang ngược và tàn nhẫn. Và những cựu binh da đen như Woodard, đặc biệt là những người dám cả gan mặc quân phục của mình, kể từ Nội chiến, là mục tiêu của một loại bạo lực đặc trưng. Điều này trở nên dữ dội hơn trong hai cuộc chiến tranh thế giới, vì những người da trắng hiểu rằng một khi những người đàn ông da đen được ra nước ngoài chiến đấu và trải nghiệm cuộc sống bên ngoài sự áp bức chủng tộc ngột ngạt của nước Mỹ, họ khó có thể lặng lẽ trở về với sự nô dịch ở quê nhà. Như Thượng nghị sĩ James K. Vardaman của Mississippi đã nói tại Thượng viện trong Thế chiến I, các quân nhân da đen trở về miền Nam “chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa”. Tạo cho một người da đen “dáng vẻ nhà binh” và cử anh ta đi bảo vệ lá quốc kỳ sẽ đưa anh ta “đến kết luận rằng các quyền chính trị của anh ta phải được tôn trọng”.

Nhiều người Mỹ da trắng thấy những người đàn ông da đen trong bộ quân phục của các lực lượng vũ trang Mỹ không phải là những người yêu nước mà là sự phô bày một niềm tự hào nguy hiểm. Hàng trăm cựu chiến binh da đen đã bị đánh đập, bị làm cho tàn phế, bị bắn và hành hình theo kiểu Lynch. Chúng ta thích gọi những người đã sống trong Thế chiến II là “Thế hệ vĩ đại nhất” (the Greatest Generation) [20], nhưng điều đó cho phép chúng ta phớt lờ thực tế rằng nhiều người của thế hệ này đã chiến đấu ở nước ngoài cho dân chủ trong khi lại trấn áp dân chủ đối với hàng triệu công dân Mỹ một cách tàn nhẫn. Trong thời kỳ đỉnh cao của khủng bố chủng tộc ở đất nước này, người Mỹ da đen không chỉ bị giết mà còn bị thiến, bị thiêu sống và bị phanh thây với các bộ phận cơ thể của họ được trưng bày trước các cửa tiệm. Sự hung bạo này có mục đích làm khiếp sợ và kiểm soát người da đen, nhưng có lẽ cũng quan trọng không kém, nó đóng vai trò là liều thuốc tâm lý cho niềm tin người da trắng thượng đẳng: Anh sẽ không thể đối xử với con người theo cách này. Sự cực đoan của bạo lực là một triệu chứng của cơ chế tâm lý cần thiết để giải tỏa người Mỹ da trắng khỏi tội lỗi mang tính căn nguyên (original sin) của đất nước họ. Để trả lời câu hỏi: sao họ có thể quý trọng tự do ở nước ngoài khi đồng thời từ chối tự do cho cả một sắc tộc ở quê nhà, người Mỹ da trắng đã sử dụng cùng một hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc mà Jefferson và các nhà phác thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã sử dụng tại thời điểm lập quốc.

Hệ tư tưởng này – rằng người da đen thuộc về một chủng tộc hạ đẳng, chưa giống con người – không đơn giản biến mất khi chế độ nô lệ kết thúc. Nếu những người trước đây là nô lệ và hậu duệ của họ trở thành những người có học thức, nếu chúng tôi thành công trong những công việc mà người da trắng đã làm, nếu chúng tôi xuất sắc trong khoa học và nghệ thuật, thì toàn bộ sự biện minh cho việc tại sao quốc gia này cho phép chế độ nô lệ tồn tại, phải sụp đổ. Ý tưởng về những người da đen tự do gây ra một mối nguy cho đất nước tự thân nó là khác thường; chúng tôi đã đặt trước mặt tấm gương nhưng quốc gia không muốn soi vào. Và như thế, sự vô nhân đạo đã giáng xuống người da đen bởi mọi thế hệ người Mỹ da trắng biện minh cho sự vô nhân đạo trong quá khứ.

Đúng như người Mỹ da trắng đã lo sợ, Thế chiến II đã châm ngòi cho những gì sẽ trở thành nỗ lực lần thứ hai của người Mỹ da đen để biến nền dân chủ thành hiện thực. Như ban biên tập tờ báo của người da đen, The Pittsburgh Courier, đã viết, “Chúng tôi tiến hành một cuộc tấn công hai hướng chống lại những chủ nô của chúng tôi ở quê nhà và những kẻ ở nước ngoài, những kẻ sẽ bắt chúng tôi làm nô lệ.” Tình trạng mù lòa của Woodard phần lớn được xem là một trong những chất xúc tác cho cuộc nổi loạn kéo dài hàng thập kỷ mà chúng ta đã gọi là phong trào dân quyền. Nhưng thật hữu ích khi dừng lại và nhớ rằng đây là phong trào quần chúng thứ hai cho các quyền dân sự của người da đen – lần đầu tiên là vào thời kỳ Tái thiết. Khi chế độ nô lệ kéo dài hàng thế kỷ kết thúc, người da đen vẫn đang tìm kiếm các quyền mà vì chúng họ đã chiến đấu và giành được sau Nội chiến: quyền được đối xử bình đẳng bởi các tổ chức công cộng, được bảo đảm vào năm 1866 với Đạo luật Dân quyền; quyền được đối xử như một công dân chính thức trước pháp luật, được bảo đảm vào năm 1868 bởi Tu chính án thứ 14; và quyền bỏ phiếu, được bảo đảm vào năm 1870 bởi Tu chính án thứ 15. Để đáp lại những yêu cầu của người da đen cho các quyền này, người Mỹ da trắng treo cổ họ trên cây, đánh đập họ và vứt xác họ xuống những dòng sông bùn lầy, ám sát họ ở sân trước nhà mình, đốt họ bằng bom xăng trên xe buýt, cho chó cắn xé họ, lột da họ bằng vòi cứu hỏa và giết chết con cái của họ bằng chất nổ được đặt bên trong một nhà thờ.

Phần lớn, người Mỹ da đen đã chiến đấu đơn độc. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ đấu tranh cho riêng bản thân mình. Các cuộc đấu tranh đòi tự do đẫm máu của phong trào dân quyền đã đặt nền tảng cho mọi cuộc đấu tranh về các quyền hiện đại khác. Những người lập quốc da trắng của Quốc gia này đã thiết lập một Hiến pháp rõ ràng là phi dân chủ, một Hiến pháp đã loại trừ phụ nữ, người Mỹ bản địa và người da đen, và không quy định quyền bầu cử hay quyền bình đẳng cho hầu hết người Mỹ. Nhưng các đạo luật sinh ra từ sự phản kháng của người da đen có tác dụng đảm bảo quyền bầu cử cho tất cả mọi người và cấm phân biệt đối xử không chỉ dựa trên chủng tộc mà còn dựa trên giới tính, quốc tịch, tôn giáo và năng lực. Chính phong trào dân quyền đã dẫn đến việc thông qua Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1965, điều đã làm đảo lộn hệ thống hạn ngạch nhập cư phân biệt chủng tộc nhằm giữ cho đất nước này được “trắng”. Nhờ người Mỹ da đen, những người nhập cư da đen và da nâu từ khắp nơi trên thế giới có thể đến Hoa Kỳ và sống tại một quốc gia mà ở đó nạn phân biệt đối xử hợp pháp không còn được phép tồn tại. Một điều mỉa mai đích thực Mỹ là một số người Mỹ gốc Á, trong số các nhóm sắc tộc có thể di cư sang Hoa Kỳ nhờ cuộc đấu tranh dân quyền của người da đen, hiện lại đang kiện đòi các trường đại học chấm dứt các chương trình được thiết kế để giúp đỡ hậu duệ của những người nô lệ.

Cuộc diễu hành ở Washington vì dân quyền, 1963. Associated Press

Không ai trân trọng tự do hơn những người đã từng không có nó. Và cho đến ngày nay, người Mỹ da đen, hơn bất kỳ nhóm sắc dân nào khác, ôm lấy những lý tưởng dân chủ vì lợi ích chung. Chúng tôi rất có thể là những người sẽ ủng hộ các chương trình như chăm sóc sức khỏe phổ quát và một mức lương tối thiểu cao hơn, cũng như phản đối các chương trình làm tổn hại những người dễ bị tổn thương nhất. Ví dụ, người Mỹ da đen phải chịu đựng nhiều nhất từ ​​tội phạm bạo lực, nhưng chúng tôi là những người phản đối mạnh mẽ nhất hình phạt tử hình. Tỷ lệ thất nghiệp của chúng tôi gần gấp đôi so với người Mỹ da trắng, nhưng trong tất cả các nhóm sắc tộc, chúng tôi vẫn là những người có thể nói rằng quốc gia này nên nhận người tị nạn.

Sự thật là một nền dân chủ như quốc gia này đang có hôm nay, đã được sinh ra nhờ vào sự phản kháng của người da đen. Những người cha lập quốc của chúng ta có thể không thực sự tin vào những lý tưởng mà họ tán thành, nhưng những người da đen thì tin. Như một học giả, Joe R. Feagin, nói, “Người Mỹ gốc Phi bị nô lệ hóa là một trong những chiến sĩ đấu tranh hàng đầu cho tự do mà đất nước này đã sản sinh ra.” Qua nhiều thế hệ, chúng tôi đã tin vào đất nước này với một niềm tin mà nó không xứng đáng. Người da đen đã nhìn thấy mặt tồi tệ nhất của nước Mỹ, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn tin vào mặt tốt nhất của nó.

Họ nói dân tộc chúng tôi được sinh ra trên mặt nước.[21]

Điều đó xảy ra khi nào, không ai có thể nói chắc chắn. Có lẽ đó là vào tuần thứ hai, hoặc thứ ba, nhưng chắc chắn là trước tuần thứ tư, khi họ không còn nhìn thấy miền đất của mình hoặc bất kỳ miền đất nào trong nhiều ngày đến mức họ không còn đếm nổi. Đó là sau khi nỗi sợ hãi đã chuyển thành tuyệt vọng, tuyệt vọng chuyển thành cam chịu, và cam chịu chuyển thành một sự hiểu biết lâu dài. Sự vô tận xanh thẳm của Đại Tây Dương đã chia cắt họ hoàn toàn khỏi nơi từng là nhà của họ, đến nỗi như thể chưa từng có gì tồn tại trước đó, như thể mọi thứ và mọi người mà họ từng yêu thương đã biến mất khỏi trái đất. Họ không còn là Mbundu hay Akan hay Fulani. Những người đàn ông và phụ nữ này từ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tất cả bị xích lại với nhau trong thân tàu ngột ngạt, giờ đây họ là một dân tộc.

Chỉ vài tháng trước đó, họ có gia đình, trang trại, cuộc sống và ước mơ. Họ tự do. Họ có tên, tất nhiên, nhưng những tên chủ nô đã không bận tâm đến việc ghi lại chúng. Họ đã bị làm cho “đen” bởi những kẻ tin rằng chúng là “trắng”, và ở nơi họ đang đi đến, đen đồng nghĩa với “nô lệ”, và chế độ nô lệ ở Mỹ đòi hỏi phải biến con người thành tài sản bằng cách tước bỏ mọi yếu tố tạo nên họ như những cá nhân. Quá trình này được gọi là “sự điều chỉnh” (seasoning) [22], trong đó những người bị đánh cướp từ miền tây và miền trung châu Phi đã bị ép buộc, thường bằng tra tấn, ngừng nói tiếng mẹ đẻ cũng như thực hành tôn giáo bản địa của họ.

Edward Crawford Jr. ném trả lại một hộp hơi cay được bắn bởi cảnh sát, những người đang cố gắng giải tán những người biểu tình ở Ferguson, Mo., vào năm 2014. Robert Cohen / St. Louis Post-Dispatch, thông qua Associated Press

Nhưng như nhà xã hội học Glenn Bracey đã viết, “Từ đống tro tàn của sự phỉ báng từ người da trắng, chúng tôi đã sinh ra chính mình.” Dù người da trắng đã cố gắng ngụy tạo bao nhiêu đi chăng nữa, người da đen không phải là vật sở hữu. Và vì vậy, “quá trình điều chỉnh”, thay vì xóa đi căn tính (identity), lại phục vụ một mục đích ngược lại: Trong khoảng trống, chúng tôi tự tạo ra một nền văn hóa mới độc đáo cho riêng mình.

Ngày nay, cách nói chuyện đặc trưng của chúng tôi gợi nhớ lại các ngôn ngữ Creole mà những người nô lệ đã sáng tạo để giao tiếp với cả những người châu Phi nói nhiều phương ngữ khác nhau, và những người nói tiếng Anh, những người đã biến họ thành nô lệ. Phong cách ăn mặc của chúng tôi, sự tinh tế và lịch lãm, bắt nguồn từ khát khao của những người nô lệ – bị tước đoạt toàn bộ tính cá nhân –  để thể hiện căn tính riêng của họ. Những người nô lệ sẽ đội nón của họ một cách vui nhộn, hoặc thắt khăn trùm đầu của họ một cách phức tạp. Ngày nay, tính tiên phong về kiểu tóc và thời trang của người da đen phô bày sự phản ánh sống động quyết tâm của những người nô lệ cảm nhận con người trọn vẹn thông qua thể hiện bản thân. Đặc trưng ứng tác của nghệ thuật và âm nhạc da đen xuất phát từ một nền văn hóa mà do sự gián đoạn liên tục không thể bám giữ lấy quy ước. Các tập quán đặt tên của người da đen, thường bị xã hội chính thống bài bác, bản thân chúng là một hành động phản kháng. Họ của chúng tôi thuộc về những người da trắng đã từng sở hữu chúng tôi. Đó là lý do vì sao sự nhất quyết của nhiều người Mỹ da đen, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất, đặt tên con bằng những cái tên do chúng tôi tạo ra, những cái tên không thuộc về châu Âu cũng không từ châu Phi, một nơi chúng tôi chưa từng đến – lại là một hành động tự quyết. Khi thế giới lắng nghe âm nhạc tinh túy Mỹ, thì đó chính là tiếng nói của chúng tôi mà họ đang nghe thấy. Những bài hát đau buồn mà chúng tôi đã hát trên các cánh đồng để làm dịu nỗi đau thể xác của mình và tìm thấy hy vọng trong một nền sự tự do mà chúng tôi không mong đợi được biết trước khi chúng tôi chết, đã trở thành Phúc âm của Mỹ. Giữa bạo lực và nghèo đói tàn khốc của Đồng bằng Mississippi, chúng tôi đã sinh ra nhạc jazz và nhạc blues. Và chính trong những khu dân cư nghèo nàn cùng cực và bị tách biệt, nơi mà người Mỹ da trắng đã buộc hậu duệ của những người nô lệ phải sinh sống, thanh thiếu niên quá nghèo để có thể được các loại mua nhạc cụ, đã sử dụng những đĩa hát cũ để tạo ra một thể loại nhạc mới được biết với tên gọi là hip-hop.

Cách nói chuyện và thời trang của chúng tôi cũng như tiếng trống trong âm nhạc của chúng tôi bắt nguồn từ châu Phi nhưng không thuộc về châu Phi. Từ sự biệt lập đặc thù của mình – cả với các nền văn hóa bản địa châu Phi và cả với nước Mỹ da trắng – chúng tôi đã tạo ra một nền văn hóa nguyên bản quan trọng nhất của quốc gia. Kết quả là, xã hội “chính thống” thèm muốn phong cách của chúng tôi, tiếng lóng và bài hát của chúng tôi, tìm cách chiếm hữu một nền văn hóa đích thực Mỹ làm của riêng của họ. Như Langston Hughes đã viết vào năm 1926, “Rồi họ sẽ thấy tôi đẹp đến thế nào/ Và họ sẽ phải xấu hổ – / Tôi cũng là nước Mỹ.” [23]

Trong nhiều thế kỷ, người Mỹ da trắng đã cố gắng giải quyết “Vấn đề Người da đen” (Negro problem). Họ đã dành hàng ngàn trang cho nỗ lực này. Điều phổ biến, vẫn là chĩa mũi dùi vào tỷ lệ nghèo đói, sinh con ngoài giá thú, tội phạm và tỷ lệ theo học đại học của người da đen, như thể những tình trạng này, trong một quốc gia được xây dựng trên một hệ thống đẳng cấp chủng tộc (racial caste system), là hoàn toàn không thể dự đoán được. Nhưng quan trọng là, bạn không thể xem xét những con số thống kê đó trong khi lại bỏ qua một số liệu khác: rằng những người da đen bị bắt làm nô lệ ở đây lâu hơn nhiều so với thời gian chúng tôi được tự do.

 Ieshia Evans bị các nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ tại một cuộc biểu tình “Black Lives Matter” (Người da đen đáng được sống) năm 2016 bên ngoài trụ sở của Sở Cảnh sát Baton Rouge. Ảnh:Jonathan Bachman / Reuters

Ở tuổi 43, tôi là một phần của thế hệ người Mỹ da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được sinh ra trong một xã hội mà người da đen có đầy đủ quyền công dân. Người da đen đã phải chịu cảnh nô lệ trong 250 năm; chúng tôi mới chỉ được “tự do” một cách hợp pháp 50 năm nay. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn nhất đó, mặc dù vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử không thể kiểm soát, và mặc dù chưa bao giờ có một nỗ lực thực sự để khắc phục những sai lầm của chế độ nô lệ và cả thế kỷ của nạn phân biệt chủng tộc, người Mỹ da đen đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc, không chỉ cho bản thân chúng tôi mà còn cho tất cả người Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ, cuối cùng, trong năm thứ 400 này cũng hiểu ra rằng, chúng tôi chưa bao giờ là vấn đề, mà là giải pháp?

Khi tôi còn là một đứa trẻ – có lẽ khi học lớp năm hoặc lớp sáu – một giáo viên đã giao cho lớp chúng tôi một bài tập nhằm ca tụng sự đa dạng của nước Mỹ – “nồi nấu chảy” [24] vĩ đại của các nền văn hóa và sắc tộc. Cô ấy hướng dẫn mỗi người chúng tôi viết một bản báo cáo ngắn về vùng đất tổ tiên của mình và sau đó vẽ lá cờ của quốc gia đó. Khi cô giáo quay lưng viết bài tập lên bảng, tôi và một cô bé da đen khác trong lớp nhìn nhau một lúc. Chế độ nô lệ đã xóa đi mọi mối liên hệ chúng tôi từng có với một quốc gia châu Phi, và ngay cả khi chúng tôi cố gắng tuyên bố cả lục địa này là quê hương mình, thì cũng không có lá cờ nào cho “châu Phi” cả. Đã quá khó khăn khi là một trong hai đứa trẻ da đen trong lớp, và bài tập này sẽ chỉ là một lời nhắc nhở thêm về khoảng cách giữa những đứa trẻ da trắng và chúng tôi. Cuối cùng, tôi tiến đến quả địa cầu gần bàn giáo viên, chọn một quốc gia châu Phi ngẫu nhiên và tuyên bố đó là đất nước của mình.

Bây giờ, ước gì tôi có thể quay trở lại với tôi thuở nhỏ và nói với cô bé ấy rằng, tổ tiên của đồng bào cô bắt đầu từ đây, trên những vùng đất này, và họ đã dũng cảm và kiêu hãnh vẽ nên những ngôi sao và sọc trên quốc kỳ nước Mỹ.

Chúng tôi từng được bảo rằng, vì thân phận nô lệ của mình, chúng tôi không bao giờ có thể là người Mỹ. Nhưng chính nhờ thân phận nô lệ này mà chúng tôi đã trở thành “Mỹ” nhất.

HẾT

-----------------

Sửa lỗi ngày 15 tháng 8 năm 2019 của NYT
Một phiên bản trước của bài viết này đã đề cập không chính xác đến việc ký Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên ngôn Độc lập đã được phê chuẩn vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, chứ không  phải được Quốc hội ký vào ngày đó. Bài báo cũng viết sai họ của một nhà văn thời Chiến tranh Cách mạng. Tên ông ấy là Samuel Bryan, không phải Byron.

Ghi chú của Biên tập viên ngày 11 tháng 3 năm 2020
Một đoạn văn đã được điều chỉnh để làm rõ rằng mong muốn bảo vệ chế độ nô lệ là một trong những động lực của một số người thuộc địa đã chiến đấu trong Chiến tranh Cách Mạng (Revolutionary War)
[25], chứ không phải của tất cả họ. Đọc thêm.

Nikole Hannah-Jones là một cây bút cộng sự của tạp chí. Nhận học bổng MacArthur [26]  năm 2017, cô đã giành được Giải thưởng Tạp chí Quốc gia, Giải thưởng Peabody và Giải thưởng George Polk [27] .

Adam Pendleton là một nghệ sĩ nổi tiếng với những bức họa, tranh cắt ghép, video và nghệ thuật sắp đặt mang tính chất nghiêm ngặt về mặt khái niệm và mới mẻ trong sáng tạo để đề cập đến lịch sử và văn hóa đương đại.

--------------------

Người dịch:
Lê Tùng Quân & Đỗ Thị Thu Trà

Hiệu đính: Nguyễn Xuân Xanh

-------------------------

Chú thích

[1] Trong bài này, cụm từ “người thuộc địa” (colonist) sẽ được người dịch dùng để chỉ những di dân da trắng gốc Âu đến Mỹ để khai khẩn, định cư…trong thời kỳ lập quốc của nước Mỹ.

[2]  Giải Pulitzer là một trong những giải thưởng danh giá nhất của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là báo chí và văn học. Giải thưởng ra đời theo di chúc năm 1904 của ông trùm báo chí Joseph Pulitzer.

[3] Dự án 1619 là một dự án đang được phát triển bởi Tạp chí New York Times vào năm 2019 với mục tiêu xem xét lại di sản nô lệ ở Hoa Kỳ và dự kiến ​​kỷ niệm 400 năm ngày những người châu Phi đầu tiên đặt chân đến Virginia. Đây là một dự án tương tác của Nikole Hannah-Jones, phóng viên của Thời báo New York, với sự đóng góp của các nhà văn của tờ báo, bao gồm các bài tiểu luận về lịch sử các khía cạnh khác nhau của cuộc sống Mỹ đương đại mà các tác giả tin rằng “có nguồn gốc từ chế độ nô lệ và tác động của nó. ” (Xem Wikipedia)

[4] Nguyên văn “from can’t-see-in-the-morning to can’t-see-at-night” – “từ khi chưa thể thấy được gì vào buổi sáng cho tới lúc không còn thấy được gì vào buổi tối”

[5] Hành hình kiểu Lynch: trừng phạt hoặc giết công khai bởi một nhóm người mà không cần xét xử của luật pháp. https://en.wikipedia.org/wiki/Lynching

[6] Jim Crow laws – là các bộ luật của tiểu bang và địa phương quy định về phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ.

[7] Mason-Dixon Line, ban đầu là ranh giới giữa Maryland và Pennsylvania ở Hoa Kỳ. Trong thời kỳ trước Nội chiến, cùng với sông Ohio, nó được coi là ranh giới phân chia giữa các bang gia nô lệ ở phía nam và các bang tự do ở phía bắc.

[8] Nguyên văn: “Dad, too, struggled to find promise in this land”. Tác giả chơi chữ vì nước Mỹ cũng được gọi là Miền đất Hứa (Promised Land).

[9] Chặng Giữa: một chặng trong giao thương tam giác, trong đó hàng triệu người châu Phi  bị cưỡng bức đến Tân thế giới như một phần của thương mại nô lệ Đại Tây Dương. Các con tàu rời châu Âu đến các thị trường châu Phi với hàng hóa hoặc những người châu Phi bị bắt cóc, đã được vận chuyển ngang qua Đại Tây Dương làm nô lệ; các nô lệ sau đó được bán hoặc đổi lấy nguyên liệu, những thứ sẽ được vận chuyển trở lại châu Âu để hoàn tất chuyến hải hành. Chặng Đầu là việc vận chuyển những người bị bắt (nô lệ) đến các cảng Châu Phi, nơi họ được đưa lên tàu. Chặng Cuối là hành trình từ cảng của nơi bốc dỡ (disembarkation), như Charleston, đến đồn điền hoặc điểm đến khác, nơi nô lệ sẽ bị bắt phải lao động nặng nhọc. Chặng Giữa qua Đại Tây Dương nối Chặng Đầu và Chặng Cuối. Nguồn: Wilipedia

[10] Cuộc Cách mạng Mỹ là thời kỳ thay đổi chính trị sau năm 1763 tại mười ba thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ đã làm nảy sinh cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ chống lại Anh (1775–1783). Thời kỳ sáng lập nên quốc gia Mỹ và sự ra đời của lịch sử Hoa Kỳ, cuộc cách mạng được thể hiện bằng bạo lực chống lại chính quyền Anh, một cuộc chiến chống lại bảo hộ và bất ổn xã hội. Nguồn: Wikipedia.

[11] Jefferson đã thiết kế một chiếc bàn di động, có thể di chuyển trong suốt hành trình ông đi từ Virginia đến Philadelphia. Nó có một mặt nghiêng nằm trên ngăn kéo khóa, nơi cất giữ bút và mực. Ông đã viết bản thảo của Bản tuyên ngôn độc lập nước Mỹ trên chính chiếc bàn di động này. Nguồn: Internet.

[12] Chế độ chiếm hữu nô lệ (chattel slavery), còn được gọi là chế độ nô lệ truyền thống, được đặt tên như vậy bởi vì mọi người được coi là tài sản cá nhân (chattel) của chủ sở hữu và được mua và bán như hàng hóa.

[13] Nguyên văn “How is it that we hear the loudest yelps for liberty among the drivers of Negroes?” Hay đơn giản hơn: How is it that we hear the loudest crys for freedom from the slavers of blacks? https://simple.wikiquote.org/wiki/Samuel_Johnson

[14] Vụ Dred Scott kiện Sandford (năm 1857) Đây được xem là vụ án góp phần đưa Abraham Lincoln – người phản đối chế độ nô lệ – lên chức tổng thống năm 1860 và dẫn đến cuộc nội chiến ở Mỹ một năm sau đó.

[15] “Chúng tôi, Nhân dân” là cụm từ mở đầu của Lời nói đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ.

[16] Hai đoạn trong ngoặc […] được dịch giả thêm vào cho đầy đủ câu nói của A. Lincoln. Xem https://quod.lib.umich.edu/l/lincoln/lincoln5/1:812?rgn=div1;view=fulltext  

[17] Một tu chính án hiến pháp (sửa đổi hiến pháp) là một sự thay đổi trong hiến pháp của một quốc gia hay của một bang (Ví dụ các tiểu bang của Mỹ). Trong các nền pháp lý có hiến pháp “cứng rắn” hay “vững chắc”, các sửa đổi cần có một quy trình đặc biệt khác với quy trình được dùng để ban hành luật thông thường. Nguồn: Wikipedia

[18] Theo nhà sử học Rayford Logan, điểm đáy (nadir) của quan hệ giữa các sắc tộc Mỹ là giai đoạn trong lịch sử Hoa Kỳ từ khi kết thúc Tái thiết vào năm 1877 đến đầu thế kỷ 20, khi nạn phân biệt chủng tộc trong nước tồi tệ hơn bất kỳ thời kỳ nào khác trong lịch sử của quốc gia này. Nguồn: Wikipedia

[19] Đọc thêm về vụ án Plessy kiện Ferguson tại link 

[20] Thế hệ vĩ đại nhất (the Greatest Generation) là thuật ngữ được dùng để miêu trả những người Mỹ đã lớn lên trong Đại suy thoái và chiến đấu trong Chiến tranh Thế giới II, hoặc những người bằng sức lao động của mình đã góp phần vào chiến thắng. Thuật ngữ “the Greatest Generation” được tạo ra bởi cựu biên tập viên của NBC Nightly News và tác giả Tom Brokaw trong cuốn sách cùng tên. 

[21] Ý nói, những người nô lệ bị bắt và đưa đi trên biển, từ đó họ bị đồng nhất, không còn phân biệt quốc gia xuất xứ của họ và trở thành một “dân tộc” mới.

[22] Seasoning: thuật ngữ này được áp dụng cho giai đoạn chuẩn bị bao gồm sự điều chỉnh đối với môi trường văn hóa xã hội, lao động và địa lý mới. Mục tiêu là xóa bỏ ký ức của nô lệ trước thời kỳ nô lệ để lịch sử của họ bắt đầu và kết thúc với sự hữu ích của họ đối với chủ nô. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Seasoning_(colonialism)

[23] “They’ll see how beautiful I am/And be ashamed—/I, too, am America.” từ bài thơ “I, too” của nhà thơ Mỹ da đen nổi tiếng Langston Hughes (1902 – 1967). Xem: https://www.poetryfoundation.org/poems/47558/i-too

[24] “Nồi nấu chảy”: nguyên văn “melting pot” nơi các kim loại khác nhau được nấu chảy để trộn lẫn nhau.

[25] Revolutionary War (hay còn gọi là American War of Independence) là Cuộc chiến dành Độc lập của Mỹ (cuộc chiến giữa người thuộc địa Anh và 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ,từ năm1775 đến năm 1783, kết quả là sự ra đời của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ)

[26] Học bổng MacArthur là một khoản tài trợ 5 năm từ Quỹ MacArthur cho các cá nhân thể hiện sự sáng tạo đặc biệt trong công việc của họ và triển vọng sẽ còn sáng tạo nhiều hơn nữa trong tương lai. Hiện tại học bổng có giá trị 625.000 đô la, được trả hàng quý trong vòng 5 năm. Học bổng được thiết kế để cung cấp cho người nhận sự linh hoạt để theo đuổi các hoạt động nghệ thuật, trí tuệ và chuyên môn của riêng họ mà không có nghĩa vụ cụ thể hoặc yêu cầu báo cáo nào. (Theo trang web của MacArthur Foundation)

[27] National Magazine Award, Peabody Award và George Polk Award là những giải thưởng rất có uy tín trong ngành báo chí và truyền hình Mỹ.

© 2020 Bài viết của Nguyễn Xuân Xanh.

theme: Serena, by Kay Belardinelli