Trọng Thành - RFI
Tháng
01/2020, siêu vi gây dịch Covid-19 làm rung chuyển Trung Quốc. Ít tuần sau đến
lượt toàn thế giới. Nhiều người tìm căn nguyên trong việc Bắc Kinh giấu dịch
khiến quốc tế bị động. Không ít người phê phán phương Tây chủ quan. Tuy nhiên
giới khoa học về sinh thái chỉ ra cội rễ sâu xa của đại dịch chưa từng có. Đó
là nền văn minh công nghiệp đương đại lấy khai thác triệt để thiên nhiên làm mục
tiêu.
Khi rừng già bị hủy hoại, thú hoang bị tận diệt,
virus bành trướng tấn công con người là điều ‘‘không tránh khỏi’’. Mục
‘‘Theo dòng thời sự’’ của RFI xin tổng hợp nhận định của một số chuyên
gia, nhà nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực sinh thái học, về chủ đề ‘‘Cội rễ của
đại dịch Covid-19’’.
Vì sao phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang là cội nguồn
dẫn đến đại dịch?
Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm xung quanh
sự xuất hiện của virus corona mới gây bệnh Covid-19, tên khoa học là
SARS-CoV-2, đang khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh
không tạo điều kiện cho giới khoa học quốc tế đến thành phố Vũ Hán, nơi dịch
bùng phát, tiếp cận hiện trường. Không ít người đặt giả thiết loài virus này
thoát ra từ một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về các
virus nguy hiểm. Thậm chí có người còn cho virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh
học bí mật. Không đi vào các nhận định, suy luận khó kiểm chứng này, về đại dịch
Covid-19, giới sinh thái nhìn chung đều thống nhất ở một điểm: virus
SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 có nguồn gốc động vật hoang dã, cũng giống như
khoảng một nửa số loài virus tấn công con người, từ gần một thế kỷ nay.
Từ virus gây bệnh Sida (được cho là truyền từ loài
vượn), đến Ebola ở Tây Phi (truyền qua dơi), hay virus H5N1 (truyền qua chim),
hay bệnh sốt rét, sốt xuất huyết hay Zika tại châu Mỹ (truyền qua muỗi)… virus
SARS xuất hiện tại châu Á năm 2002 (được truyền từ cầy hương)… Việc phá hủy rừng,
để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi
sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang tiếp xúc với động vật nhà, với
con người, khiến virus dễ dàng bành trướng.
Trong một bài trả lởi phỏng vấn báo Libération, ông
Serge Morand, giám đốc nghiên cứu CNRS, chuyên gia về sinh thái học y tế, nhấn
mạnh đến tình trạng, kể từ những năm 1960 đến nay (tương đương với thời kỳ công
nghiệp hoá mãnh liệt trên quy mô toàn cầu), ‘‘ngày càng có nhiều bệnh dịch
trong năm hơn, dịch bệnh lan rộng hơn…’’, tỉ lệ các dịch bệnh được gọi là ở
quy mô ‘lịch sử’’ nhiều hơn (bài '‘La crise du coronavirus est une crise écologique / Khủng
hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái’’, ngày
26/03/2020).
Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng
thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói
riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học.
Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa
dạng sinh học, nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng.
Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một
ngành công nghiệp, nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học.
Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao
thông hàng hoá và vận tải người. Sự phát triển về giao thông này vừa là
nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với
người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các
ngành sản xuất coi khai thác ‘‘tài nguyên’’ thiên nhiên hoang dã là mục
tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là
con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến
vùng khác.
Một vài con số minh hoạ: Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ
bò nuôi, 25 tỉ gà nuôi, hàng tỉ con heo… Tất cả thường được nuôi bằng các loại
hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương. Để có diện tích
nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng
khổng lồ đã bị hủy diệt… Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến
gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người… Vận tải hàng không, tăng gấp 12 lần
giữa năm 1960 đến 2018, giao thông hàng hải cũng tương tự… Tất cả những yếu tố
này quá đủ làm nguyên liệu cho "những trái bom’’ dịch bệnh, sẵn
sàng phát nổ.
Những con đường đưa các sinh vật ‘‘nguy hiểm’’ đến với thế
giới con người
Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu
IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật
hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với
quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của
nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người (bài ‘‘ ‘Le Covid-19 était inévitable, et même prévisible’ du fait de
notre impact écologique / ‘‘ ‘Covid - 19 là không thể tránh khỏi thậm
chí có thể báo trước’ do tác động sinh thái của xã hội con người ’’,
ngày 17/03/2020).
Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Viện IRD, nhấn mạnh
đến việc khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị
phá hủy, do con người hay do thiên tai, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi,
trong quá trình này, trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể tìm được
các vật trung gian phù hợp hơn, trở thành các phương tiện truyền bệnh hiệu quả
hơn. Ông đặc biệt chú ý đến việc một số không gian sinh sống bị phá hủy dẫn đến
sự diệt vong của một số giống loài tuy mang các bệnh truyền nhiễm, nhưng khả
năng lây lan không cao, việc chúng bị hủy diệt khiến virus bành trướng, phát
triển theo nhiều con đường bất thường. Đây là điều mà ông gọi là ‘‘hiệu
ứng lan toả’’.
Để virus từ một động vật hoang dã truyền được đến
con người và trở thành yếu tố gây dịch bệnh, virus thường phải sự đột biến về
gen, mới có thể xâm nhập vào tế bào người. Cụ thể về dịch Covid-19, theo giáo
sư Serge Morand, virus corona mới xuất phát từ loại dơi (‘‘khả năng chắc chắn
đến 98%’’), việc biến đổi về gen để thích ứng với cơ thể người xảy ra trong
quá trình chúng sống ký sinh trên một động vật trung gian (có thể là qua loài
tê tê hoặc một loài khác). Và loài vật trung gian này thường là một loại vật
hoang dã có nhiều tiếp xúc với con người.
Thuần hóa các động vật hoang: Một kênh truyền bệnh chính
Theo các nhà sinh thái học, việc thuần hóa các động
vật hoang dã đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh truyền nhiễm hiện
nay, như cúm, sởi, sởi Đức, bệnh đậu mùa hay quai bị… Loại người chúng ta cùng
với chó, bò hay lợn, có nhiều căn bệnh chung hơn là so với giữa người với thỏ,
bởi với ba loài trên, thời gian thuần hoá diễn ra vào khoảng 17.000 đến 10.000
năm trước, loài thỏ mới chỉ được thuần hóa từ 2.000 năm nay. Bệnh truyền
nhiễm cũng đến từ loài chuột (sống cạnh loài người từ khoảng 10.000 năm). Loài
chuột làm trung gian truyền các bệnh từ các loại gặm nhấm hoang dã sang người,
loài chó truyền các bệnh từ chồn hay sói. Về phía các loài chim, vịt nhà là nơi
trung gian truyền các virus gây cúm từ vịt hoang… Việc thuần hóa một số giống
loài mới đây, ví dụ như nuôi chồn tại nhiều nước Đông Nam Á, để phục vụ cho
ngành sản xuất ''cà phê chồn'', có thể là các kênh truyền bệnh mới.
Triệt phá môi trường nuôi dưỡng các siêu vi có phải là giải
pháp ?
Một số người muốn tận diệt một số giống loài được
coi là mang bệnh để huỷ bỏ hết nơi trú ẩn của virus, giúp loài người không còn
bị dịch bệnh quấy rối. Giấc mơ này cũng tựa như việc tiêu huỷ hết rừng để không
còn bị cháy rừng. Theo các nhà sinh thái học, thì cần phải làm điều ngược lại.
Có một thực tế là số lượng bệnh truyền nhiễm càng tăng khi các giống loài càng
bị tiêu diệt, siêu vi sẽ tản đi khắp nơi để tìm đường sống. Chuyên gia Serge
Morand lưu ý là chính việc bảo vệ các môi trường tự nhiên, phong phú về hệ sinh
thái, khiến các loài virus có thể gây bệnh, tuy hiện diện nhiều, nhưng chúng sống
gắn liền và phụ thuộc vào một số địa bàn cụ thể, hay nói cách khác ăn ở yên
lành tại đấy, không thể di chuyển dễ dàng sang nơi khác, để gây các dịch lớn.
·
Đọc thêm : Cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu
Về dịch bệnh và chăn nuôi, nhà sinh thái học Serge
Morand tố cáo phương pháp dập dịch gia cầm bằng cách tiêu diệt ồ ạt các giống
gia cầm địa phương, để thay thế bằng các giống công nghiệp, được cho là thích hợp
với ‘‘chăn nuôi lớn’’, như trong dịch H5N1 tại Thái Lan (năm 2004), dịch
cúm gia cầm H5N8 ở Hàn Quốc (năm 2016)... Chính Tổ Chức Nông Lương của
Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến khích cách làm này, trong khi bản thân FAO cũng
thừa nhận kể từ đầu thế kỷ XX, nhân loại đã mất đi khoảng 30% giống gà, 20% giống
heo…, vốn là sản phẩm của quá trình tiến hoá, lai tạo hàng trăm, hàng
nghìn năm. Điều căn bản mà nhiều người không hiểu là, chính sự đa dạng về di
truyền của các vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, biến
thành đại dịch. Nhiều giống vật nuôi lâu đời, sống gắn với một địa bàn cụ thể,
thường có khả năng kháng cự rất tốt với dịch bệnh. Tính đa dạng sinh học cũng cản
trở virus tác oai, tác quái.
Nhìn chung, theo giáo sư Rodolphe Golza, trong kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), thuật ngữ địa chất
học dùng để chỉ thời kỳ con người trở thành thế lực có khả năng làm biến đổi
sâu sắc toàn bộ hành tinh, thì rất có nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm hoàn toàn
mới xuất hiện. Do sự huỷ hoại các không gian sống tự nhiên của các loài sinh vật
hoang dã, do tính siêu kết nối của nhân loại hiện nay (như đã nêu), nhưng
đặc biệt cũng do Biến đổi khí hậu, có khả năng tác động rất lớn đến thế giới
sinh vật hoang dã (đặc biệt do sự thay đổi của nơi cư trú), đến quan hệ giữa
con người với các động vật hoang dã.
Học thiên nhiên để sống với thiên nhiên
Bên cạnh việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chuyên
gia sinh thái Serge Morand đề xuất phát triển mạnh các hình thức nông nghiệp
thuận tự nhiên, trồng rừng thuận tự nhiên, chăn nuôi thuận tự nhiên…, để góp phần
bảo vệ đa dạng sinh học, điều kiện để các loài virus nguy hiểm không dễ dàng trực
tiếp đến với con người. Trên thực tế, vấn đề dịch bệnh từ các loài động vật
hoang dã truyền sang người là một lĩnh vực còn đầy bí ẩn, cần phải có sự
phối hợp nghiên cứu giữa giới y khoa, thú y, sinh thái học, cũng như những nhà
nghiên cứu xã hội, chính trị, để có các chính sách phù hợp ‘‘tránh không cho
các bệnh dịch biến thành khủng hoảng y tế".
Để có một chiến lược phù hợp trong vấn đề mang tính
sống còn này, xã hội con người cần thay đổi triệt để cách tiếp cận. Nhà nghiên
cứu Aleksandar Rankovic, Viện tư vấn về Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế
(IDRRI), nhấn mạnh là cần thay thế lối suy nghĩ theo kiểu con người khai thác,
thống trị thiên nhiên lâu nay, bằng một cách nghĩ thật sự khiêm nhường, để con
người có cơ hội hiểu được sự kỳ diệu của tự nhiên, để biết học cách chung sống
với tự nhiên (theo nhà sinh thái Rodolphe Golza, cùng đối mặt với khủng hoảng
nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á, như Nhật Bản, Malaysia,
Singapore, và kể cả Trung Quốc, đã có truyền thống đối phó với dịch bệnh thường
xuyên, nên có một số phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn).
Khủng hoảng Covid-19 là một khủng hoảng sinh thái,
‘‘khủng hoảng mang tính hệ thống’’, một cuộc đại khủng hoảng. Một bộ phận
giới chính trị dường như đã bắt đầu thừa nhận điều này. Chỉ có các phối hợp tập
thể trên quy mô toàn cầu mới có khả năng giúp nhân loại tìm được lối thoát cho
cuộc đại khủng hoảng hiện nay.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN