Wednesday, February 5, 2025

VỀ VAI TRÒ 'HỘ PHÁP' CỦA ANH BÁU & ANH GIÁP (BS Võ Xuân Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Về vai trò ‘hộ pháp’ của anh Báu và anh Giáp

BS. Võ Xuân Sơn

.

Đoàn Văn Báu hiểu sai về vai trò của mình

Thái Hạo

 

===============================

 

Về vai trò ‘hộ pháp’ của anh Báu và anh Giáp

BS. Võ Xuân Sơn

5 tháng 2, 2025

https://saigonnhonews.com/thoi-su/thay-gi-tren-mang/ve-vai-tro-ho-phap-cua-anh-bau-va-anh-giap/

 

HÌNH : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/02/25.jpg

           (Facebook)

 

Theo đúng tinh thần tranh luận thẳng thắn, tôi dành bài này để nói rõ ý kiến của mình về việc này.

 

 

1.   Quyền tự do tín ngưỡng

 

Ở Việt Nam, nói đến quyền tự do, nhất là quyền con người, đôi khi sẽ bị mang vạ, vì đây là vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, và rất nhiều quyền con người khác, là một trong các quyền cơ bản của công dân nước CHXHCN Việt Nam, được qui định trong Hiến pháp.

 

Không biết từ khi nào, việc nói đến những quyền này đã trở thành vấn đề cấm kỵ, thậm chí có thể bị bỏ tù. Trong lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước vào ngày 17/07/1966, Hồ Chủ tịch đã nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Rõ ràng, tự do là một quyền thiêng liêng.

 

Tự do tín ngưỡng là quyền được tự do đi theo các tôn giáo, các xu hướng tín ngưỡng, tự do tin tưởng vào các giá trị phổ quát của các tôn giáo. Đạo Phật là một trong các đạo lớn, đặc biệt là ở Việt Nam. Tu theo hạnh đầu đà, là một trong các phép tu của Đạo Phật. Như vậy, việc ngăn cản hoặc cố tình làm biến tướng các hạnh tu của hạnh đầu đà, là vi phạm tự do tín ngưỡng, là chống lại Đạo Phật. Việc xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, và các quyền con người khác qui định trong Hiến pháp, là chống lại Hiến pháp, và đi ngược lại tư tưởng “Không có gì quí hơn Độc lập Tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 

2.    Ngài Minh Tuệ và các sư có cần các “hộ pháp” đi theo không?

 

Sư Minh Tuệ đã nhiều lần khẳng định không cần ai “hộ pháp”. Trên thực tế, suốt 6 năm trước khi bị biến thành nổi tiếng, ông đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà không cần bất cứ ai “hộ pháp” cả. Trên thực tế, các “hộ pháp” nếu có, thì cũng chỉ là giúp để ông được toàn tâm toàn ý tập trung vào việc tu tập, chứ không phải bắt buộc Minh Tuệ và các sư tu theo ý của các “hộ pháp”.

 

Việc sắp xếp sẵn người bố thí, vị trí bố thí, giờ giấc bố thí, vật phẩm bố thí… bố trí sẵn nơi nghỉ ngơi, giờ giấc và buộc Minh Tuệ và các sư phải tuân theo là phá các giới tu hạnh đầu đà. Từ gần 2 tháng qua, tôi cứ tưởng mọi việc là tình cờ, và được sự đồng ý của sư Minh Tuệ. Nhưng nhờ những lùm xùm vừa qua, mới biết, thì ra là anh Báu sắp xếp. Và khi các sư phản kháng, thì anh Báu giơ nanh múa vuốt, hiện nguyên hình là kẻ cưỡng bức.

 

Thoạt nghe thì thấy việc anh Báu sắp xếp là giúp cho Minh Tuệ và các sư. Nhưng nếu phân tích sâu hơn, thì anh Báu đang phá các hạnh tu. Còn nhớ việc sư Minh Tuệ kiên quyết không nhặt các mảnh vải mà người dân cố ý vứt ra cho lượm, mà chỉ lượm những mảnh vải thực sự bị vứt đi để may y. Rồi đi xin cơm ở những nhà gặp dọc đường mà không hẹn trước, cho thấy đó mới chính là hạnh tu phải theo.

 

Mọi sự sắp xếp, cho dù là nhân danh bất cứ điều gì, đều là phá vỡ hạnh tu, điều quan trọng nhất đối với Minh Tuệ và những người muốn tu theo hạnh đầu đà. Đối với Minh Tuệ và các sư, điều này quan trọng hơn cả tính mạng của họ.

 

 

3.    Anh Báu có cần đi theo “hộ pháp” Minh Tuệ và các sư không?

 

Sư Minh Tuệ đã nhiều lần khẳng định, chỉ nhờ anh Báu làm giùm các thủ tục pháp lý, cụ thể là xin visa vào các nước, chứ không cần bất cứ ai theo “hộ pháp”. Bản thân Minh Tuệ không thể cho phép hay không cho phép ai theo mình. Điều này cho thấy Minh Tuệ cực kỳ tôn trọng quyền tự do của người khác, là người tôn trọng Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam. Dù không cấm, nhưng rất nhiều lần, trả lời trước nhiều người, ông đều khẳng định không cần bất cứ ai “hộ pháp”. Thậm chí còn nói, anh Báu có thể đi về.

 

Thực ra, việc giúp Minh Tuệ và các sư làm thủ tục pháp lý, thì có rất nhiều người làm được. Thậm chí, theo tôi, ngay trong đoàn đi của Minh Tuệ, các sư vẫn có thể tự làm. Bản thân anh Báu đã khẳng định, chưa có sự giúp đỡ nào từ các lãnh sự quán hay Bộ Ngoại giao… Vậy thì vai trò của anh Báu trong việc này không khác gì một hướng dẫn viên lữ hành.

 

Tôi tin là các sư đi theo Minh Tuệ, ngoại trừ hai sư Minh Trí và Tuệ Minh, đều muốn thoát ra khỏi sự “hộ pháp” của anh Báu. Bằng chứng là những phản kháng vừa qua của họ. Trong khi đó, thì ngay cả khi Minh Tuệ thể hiện rõ sự nghi ngờ động cơ “hộ pháp” của anh Báu, thì anh Báu vẫn cứ khẳng định chắc nịch là thầy có đuổi cũng không đi. Có đuổi cũng không đi, nhưng lại thể hiện ý muốn chăn dắt, bắt Minh Tuệ và các sư phải nghe theo lời mình, tự gán trách nhiệm cho mình nếu Minh Tuệ nhập quốc tịch khác. Vậy đi theo để làm gì?

 

Việc anh Báu tuyên bố “thầy còn tôi còn, thầy mất tôi mất’ là một trong các lí do mà nhiều người tin tưởng vào anh ấy. Nhưng để rồi xem, khi “thầy mất” thì anh ấy sẽ mất ra sao. Nhưng không phải chờ đến ngày “thầy mất”, cũng thấy anh ấy là con người như thế nào, lời nói của anh ấy có đáng tin không. Anh ấy tự tuyên bố là trưởng đoàn, do cơ quan chức năng phân công, rồi lại khẳng định là đi theo Minh Tuệ chỉ vì muốn giúp. Chưa kể anh ấy còn báo cáo công an để làm khó cho Minh Tuệ.

 

Vậy anh Báu kiên quyết đi theo Minh Tuệ và các sư để làm gì? Để phá các hạnh tu của Minh Tuệ? Để ép buộc phải tuân phục sự sắp xếp của anh ta? Để cản trở quyền tự do tín ngưỡng của Minh Tuệ và các sư? Hay để đạt được một mục đích gì khác? Dù là với mục đích gì, thì hoàn toàn không phải vì mục đích giúp đỡ, mà anh ấy gọi là “hộ pháp”, vì bản thân Minh Tuệ đã khẳng định không cần, thậm chí, Minh Tuệ và các sư còn phản kháng lại sự “hộ pháp” của anh ấy.

 

 

4.   Có cần lo sợ việc Minh Tuệ nhập quốc tịch khác không?

 

Cho đến nay, ngoài những lời nói của anh Báu, thì không có bất cứ một bằng chứng nào cho việc Ngài Minh Tuệ có ý định xin tị nạn hoặc nhập quốc tịch khác. Theo tôi, Minh Tuệ chẳng có ý định gì như vậy. Đó chẳng qua là một đòn đánh “dưới thắt lưng” của anh Báu, nhằm hạ uy tín của Minh Tuệ. Ngay cả khi thể hiện sự nghi ngờ anh Báu làm nhiệm vụ theo dõi, Minh Tuệ và các sư vẫn giao hộ chiếu, tài liệu pháp lý về nhân thân duy nhất của mình cho anh Báu giữ và đi làm thủ tục. Nếu có ý định nhập quốc tịch khác, họ có giao hộ chiếu cho anh Báu giữ hay không?

 

Mặc dù tôi tin là Minh Tuệ và các sư không có ý định nhập quốc tịch khác. Nhưng giả sử điều đó xảy ra, thì có gì đáng lo ngại không? Bản thân tôi là người đã bỏ qua nhiều cơ hội ra nước ngoài sống, nhập một quốc tịch khác, nhưng tôi không cho đó là việc xấu. Bởi vì, đó là một quyền cơ bản của con người. Mỗi người có một quan điểm riêng, và họ có quyền chọn cho mình nơi mà họ muốn sống.

 

Tôi đang suy nghĩ, nếu như không có việc bắt buộc Minh Tuệ ẩn tu, bắt các sư khác bỏ chỗ này chỗ kia khi họ đi khất thực theo hạnh đầu đà, thì liệu có chuyến đi ra nước ngoài khất thực của Minh Tuệ và các sư không? Nếu Việt Nam không gây khó khăn cho Minh Tuệ và các sư trong việc tu hành, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho công dân Lê Anh Tú và các công dân khác, thì việc gì họ phải nhập quốc tịch khác, mà lo lắng, rồi ghép cho họ tội phản động?

 

 

5.   Vai trò của anh Giáp

 

Tôi tin rằng ban đầu, anh Giáp muốn đi theo Minh Tuệ, là anh thực tâm muốn giúp. Và việc giúp Minh Tuệ cũng mang lại mối lợi lớn cho anh ấy, tăng view và follower cho các kênh truyền thông kiếm tiền của anh ấy. Anh Giáp là một trong rất ít người có kinh nghiệm trong việc đi bộ ở nhiều nước, có khả năng giúp Minh Tuệ trong việc hoàn tất thủ tục và truyền đạt kinh nghiệm bộ hành ở các nước mà Minh Tuệ sẽ đi qua. Việc anh ấy kiếm tiền, nhưng vẫn giúp cho Minh Tuệ và các sư, là việc cần được trân trọng.

 

Tuy nhiên, trong những ngày qua, anh ấy đã thể hiện sự tham gia của mình vô những mưu mô của anh Báu. Hoặc là anh Giáp vẫn chưa hiểu những giá trị mà Minh Tuệ và các sư đang theo đuổi, hoặc anh ấy đã biết nhưng cố ý theo anh Báu để khống chế Minh Tuệ và các sư. Dù là thế nào thì anh ấy cũng nên rời khỏi đoàn tu, để bảo vệ danh dự cá nhân và các trang truyền thông của anh ấy.

 

====================================

 

Đoàn Văn Báu hiểu sai về vai trò của mình

Thái Hạo

05/02/2025

https://baotiengdan.com/2025/02/05/doan-van-bau-hieu-sai-ve-vai-tro-cua-minh/

 

“Vai” (vị trí) gắn và phải tương thích với “trò” (nhiệm vụ). Nếu vai và trò mà lẫn lỗn hoặc không ăn nhập, không phù hợp, sẽ tạo nên sự vênh lệch, đảo lộn tất cả.

 

Như tôi biết, ngay từ đầu, vai của Đoàn Văn Báu là trợ lý hoặc đại loại thế, và trò của ông ấy là lo thủ tục giấy tờ khi nhập cảnh qua các nước. Hết.

 

Tuy nhiên, hình như Đoàn Văn Báu quên mất cái vai và trò ban đầu ấy của mình, nhầm thành vai trưởng đoàn và trò quản lý/ lãnh đạo. Thế là sinh chuyện.

 

Sư Minh Tuệ (và đoàn tu sĩ) chỉ nhờ lo thủ tục giấy tờ, còn lại thì đi đứng, ngủ nghỉ, khất thực ra sao, v.v… họ tự quyết. Vì Minh Tuệ đã nói rõ, là dù có bị giết thì cũng không đòi ai phải chịu trách nhiệm. Chết thì thôi.

 

Tôi không bàn những sắp xếp, can thiệp, quản lý…, của Đoàn Văn Báu là tốt hay không tốt, nên hay không nên, có ích hay không có ích…, vấn đề là anh ta lẫn lộn vai trò. Người ta không cần và không có nhu cầu về việc anh phải lo những điều ấy, nhưng anh cứ xắn tay vào, dù anh làm tốt đến mấy cũng vẫn là sai.

 

Như một người được nhờ đến để lo tiếp khách trong đám cưới, thì dù anh có là tiến sĩ – giáo sư, nói hay nhất buổi lễ, mà anh nhảy lên phát biểu thay mặt hai họ thì anh vẫn cứ là kẻ phá đám. Hình như ông Báu không hiểu điều này. Cơ sự từ đó mà ra.

 

Cũng thế, một công chức, dù có giữ vị trí nào đi chăng nữa, thì cũng chỉ là người được dân thuê để giúp việc cho dân, và được trả công. Hiểu như thế và làm như thế thì mới không làm “cha mẹ thiên hạ” rồi hách dịch, quát tháo, thị uy, vòi vĩnh…

 

Nhiều người trách Minh Tuệ và các vị tu sĩ trong đoàn là vô ơn. Chưa hẳn đúng, vì họ vốn không cần cái ơn ấy mà anh cứ gia hơn, thì thành ra phiền hà. Cố chấp mãi thì sinh ra oán sầu.

 

Họ chỉ cần anh lo giấy tờ, còn lại cứ kệ xác cho họ được nhờ, sống chết gì họ tự chịu. Nếu nhất quán như thế thì đâu có ra nông nỗi.

 

Vai và trò, danh và thực…, là những điều sơ đẳng nhưng quan trọng, chớ coi thường mà không học lấy. Vai vợ vai chồng, vai thầy vai trò, vai anh vai em, vai quan vai dân…, xã hội nào cũng thế thôi, dù lạc hậu hay văn minh, chuyên chế hay tự do, cũng đều cần minh bạch, rạch ròi, tuân thủ – Chỉ khác là trong xã hội tiến bộ thì những mối quan hệ này sẽ hướng đến việc bảo đảm cho các giá trị tốt đẹp như nhân bản, bình đẳng… (chứ không phải tôn ti luận).

 

Không thực hiện được nguyên tắc tối thiểu này, thì mọi quan hệ xã hội tất sẽ rối loạn, suy vi, tan rã…

_______

Ghi chú: Tựa bài do Tiếng Dân đặt

 

.

303 BÌNH LUẬN  

 






No comments: