Friday, April 4, 2025

TRUMP ĐÁNH THUẾ 46% LÊN HÀNG VIỆT : CƠ HỘI THỨC TỈNH hay CÚ ĐÁNH GỤC? (Trần Huỳnh Duy Thức | Báo Tiếng Dân)

 



Trump đánh thuế 46% lên hàng Việt: Cơ hội thức tỉnh hay cú đánh gục?

Trần Huỳnh Duy Thức

05/04/2025

https://baotiengdan.com/2025/04/05/trump-danh-thue-46-len-hang-viet-co-hoi-thuc-tinh-hay-cu-danh-guc/

 

LGT: Bài viết sau đây của cựu tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, phân tích về chính sách thuế quan của ông Trump ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao và chính phủ Việt Nam cần thay đổi như thế nào để có lợi cho đất nước.

 

Bài viết có nhiều điểm có lý, tuy nhiên cũng không khó để tìm thấy các “hạt sạn”. Tác giả cho rằng, ông Trump đưa ra chính sách thuế như vậy là đúng và rằng phía chính quyền Việt Nam làm sai nên Việt Nam phải điều chỉnh. Đây chỉ là góc nhìn phiến diện. Việt Nam có vấn đề khi cho Trung Quốc mượn nhãn dán vào các mặt hàng xuất khẩu qua Mỹ để rồi bị “vạ lây”, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính để Trump đưa ra chính sách thuế, vì chính sách này không chỉ áp dụng vào hàng hóa từ Việt Nam, mà áp dụng trên toàn cầu.

 

Ông Trump nói rằng, mục đích chính của chính sách thuế của ông ta là mang tiền trở về Mỹ, rằng Mỹ “bị cướp bóc bởi các nước khác”. Điều này hoàn toàn sai vì với chính sách thuế mới, chính người dân Mỹ sẽ phải trả thuế trên những món hàng nhập vào Mỹ, chứ không phải Việt Nam hay nước nào khác. Khách hàng là những người trả tiền để mua hàng hóa, tức là người trả thuế, chứ không phải người bán hàng. Khi áp thêm thuế, thì giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng phải trả giá cao hơn để mua cùng một món hàng.

 

Chính sách thuế của Trump cũng không mang lại việc làm cho công nhân lao động Mỹ. Ví dụ, hãng Nike của Mỹ ở Việt Nam có thể sản xuất một đôi giày với giá $20 đô để bán cho người tiêu dùng ở Mỹ. Với chính sách thuế mới, Nike có thể sẽ phải đóng cửa ở Việt Nam, mở hãng sản xuất ở Mỹ, thuê công nhân Mỹ để sản xuất đôi giày đó. Do cộng thêm chi phí trả lương cao hơn cho công nhân Mỹ và các quyền lợi của họ, cùng với tiền thuê mặt bằng hãng xưởng ở Mỹ cao hơn, nên đôi giày đó sẽ được bán ra với giá $60. Với giá này, khách hàng Mỹ sẽ không mua; do không bán được hàng, một thời gian sau, Nike sẽ phải đóng cửa, công nhân Mỹ lại tiếp tục thất nghiệp.

 

Tác giả bàn về “mô hình cũ”, “mô hình mới”, nhưng ông không nói tới mô hình sắp tới sẽ xuất hiện trên toàn cầu, đó là với công nghệ AI, sự thay đổi mạnh về khoa học kỹ thuật, một lượng lớn công nhân lao động sẽ bị đào thải, robot sẽ thay thế công nhân trong các dây chuyền sản xuất; nhân công robot sẽ rẻ hơn nhân công Mỹ, thì các nhân công Mỹ này cũng sẽ thất nghiệp (không cần đổ lỗi cho nhân công giá rẻ ở các nước khác). Tác giả là dân IT nên không khó để nhận ra điều này.

 

Nhớ lại bài học lịch sử về phong trào đập phá máy móc và đốt công xưởng diễn ra ở Anh và các nước châu Âu hồi đầu thế kỷ 19, công nhân ở các nước đó lo ngại rằng những cỗ máy mới sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan và công nhân sẽ nhận mức lương thấp hơn, nên họ đập phá máy móc; nhưng kết quả là công nhân thời đó không thể đảo ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại. Bây giờ ông Trump cũng không thể đảo ngược sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ông không thể mang lại việc làm cho công nhân Mỹ khi các công nhân này không thể cạnh tranh với robot, thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

 

Sau đây là bài viết của tác giả Trần Huỳnh Duy Thức:

 

                                                        ***

Tóm tắt: Trump đánh thuế 46% lên hàng Việt: Cơ hội thức tỉnh hay cú đánh gục? Không cảnh báo. Không thương lượng.

 

Đây không chỉ là một cuộc chiến thuế. Đây là cuộc tái cấu trúc thương mại toàn cầu. Chuỗi cung ứng cũ đang sụp đổ. Những dòng thương mại mới – minh bạch hơn, bền vững hơn – đang hình thành.

 

Ai nắm bắt được chúng, sẽ vươn lên. Ai cố giữ mô hình cũ, sẽ bị loại khỏi Dòng chảy Thời đại.

 

Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng bằng sự im lặng, giá rẻ. Không thể phát triển nếu không có quyền con người, không có tiếng nói phản biện, không có chủ quyền kinh tế thực sự.

 

Trump không quyết định tương lai Việt Nam. Chúng ta quyết định.

 

Hoặc đứng lên làm chủ luật chơi mới. Hoặc bị đẩy ra ngoài – lặng lẽ.

 

 

PHÂN TÍCH:

 

Chính quyền Trump vừa giáng một đòn thuế nặng nề xuống hàng loạt quốc gia – và Việt Nam nằm trong nhóm bị đánh nặng nhất, với mức thuế lên tới 46%. Thị trường tài chính thế giới rung chuyển, doanh nghiệp Việt Nam tá hỏa, và câu hỏi lớn nhất đặt ra: Chính quyền Việt Nam sẽ phản ứng ra sao – cúi đầu điều chỉnh hay nhìn ra con đường mới mà thay đổi vì lợi ích quốc gia?

 

Nhưng trước khi nhìn ra bên ngoài, ta cần nhìn thẳng vào bên trong. Sự phụ thuộc của Việt Nam vào xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ, là hệ quả tất yếu của một mô hình tăng trưởng thiếu chiều sâu, thiếu chủ quyền kinh tế, và thiếu minh bạch về chính sách.

 

Hậu quả hôm nay đã được tôi và nhiều người khác cảnh báo từ 20 năm trước: Phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nhờ tài nguyên, lao động rẻ.

 

Trump không bất thường. Chính Việt Nam mới bất ổn.

 

Nhiều người cho rằng Trump “điên rồ” khi tung ra mức thuế khủng khiếp như vậy. Nếu hiểu đúng bản chất của “Trumpism”, đây là hành động được tính toán kỹ:

 

• Gây sốc để kiểm soát đàm phán,

 

• Dùng áp lực để buộc nhượng bộ,

 

• Tạo hỗn loạn để tái lập trật tự theo ý mình.

 

Và Việt Nam, với thặng dư thương mại lớn, chuỗi cung ứng mang tính lắp ráp thuê, và dấu hỏi về gian lận xuất xứ hàng hóa, là mục tiêu lý tưởng để Trump khai hỏa.

 

Nhưng điều đáng lo không phải là Trump, mà là Việt Nam đã chuẩn bị ra sao để đón cú đánh đó?

 

Với Trump, Việt Nam là một “kẻ xuất siêu khó chịu” – giống Trung Quốc, Mexico, hoặc bất kỳ quốc gia nào khiến Mỹ “mất việc làm”. Những năm qua, hàng hóa Việt Nam đã tăng vọt tại Mỹ, nhưng chất lượng quan hệ song phương không đi kèm với đó. Việt Nam không có cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động rõ ràng, không minh bạch về truy xuất nguồn gốc, và cũng không chủ động thương lượng sòng phẳng.

 

Kết quả? Mức thuế 46% là cách Trump “rút lại món quà xuất siêu.” Và nếu không phản ứng thông minh, chúng ta sẽ mất nhiều hơn chỉ là đơn hàng.

 

 

Không thể mãi tăng trưởng bằng sự im lặng

 

Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ lẽ ra phải đi kèm với một chiến lược chủ quyền kinh tế. Nhưng điều đáng tiếc là, chúng ta đã quen với việc phát triển trong thế lệ thuộc và không coi trọng lợi ích trong nước.

 

Im lặng khi các tập đoàn nước ngoài thao túng thị trường.

 

Im lặng khi người lao động bị bóc lột với mức lương rẻ mạt.

 

Im lặng khi chính sách thuế, hải quan, ưu đãi… được điều chỉnh theo yêu cầu của nhà đầu tư – chứ không phải của người dân.

 

 

Cuộc chiến thương mại này sẽ định hình lại bản đồ kinh tế thế giới

 

Đây không chỉ là một cuộc áp thuế. Đây là cuộc tái kiến trúc lại trật tự thương mại toàn cầu, nơi những gì cũ kỹ – từ chuỗi cung ứng truyền thống cho đến cách phân phối quyền lực kinh tế – đang bị đập vỡ để hình thành một trật tự mới.

 

Các dòng thương mại mới sẽ xuất hiện – không còn tuân theo logic “rẻ và nhiều,” mà xoay quanh tiêu chuẩn “bền vững, minh bạch và linh hoạt.” Những chuỗi cung ứng lắp ráp, phụ thuộc vào lao động rẻ, che giấu xuất xứ… đang đến hồi kết.

 

Quốc gia nào nắm bắt và dẫn dắt được những dòng chảy thương mại mới này – sẽ vươn lên mạnh mẽ, không cần “xin vai” ai trong sân khấu toàn cầu.

 

Ngược lại, quốc gia nào cứ loay hoay giữ các mô hình cũ, cố bám lấy những chuỗi cung ứng cũ – sẽ bị loại khỏi tiến trình phát triển của Dòng chảy Thời đại.

 

Việt Nam đang đứng giữa ngã ba. Một bên là bám víu – một bên là chuyển hóa. Không còn đường ở giữa.

 

Quyền con người và chủ quyền kinh tế là hai mặt của một vấn đề.

 

Đừng nghĩ rằng thương mại và quyền con người là hai chuyện tách biệt. Một nền kinh tế không đảm bảo quyền công nhân, không minh bạch thông tin, và không có đối thoại chính sách – thì không thể bền vững. Và khi khủng hoảng đến, người dân nghèo, người lao động yếu thế là những người chịu đòn đầu tiên.

 

Chủ quyền kinh tế không thể có nếu người dân không có quyền kiểm soát thông tin, quyền phản biện, và quyền được đại diện trong chính sách.

 

Cú đánh thuế này của Trump, theo một nghĩa nào đó, là lời cảnh tỉnh: Nếu Việt Nam không cải cách thật sự – không dựa vào dân, không giải phóng sáng tạo, không minh bạch luật chơi – thì cú đánh tiếp theo sẽ không chỉ đến từ Mỹ.

 

Chúng ta sẽ chọn gì?

 

Chúng ta có thể:

 

• Im lặng, tiếp tục đi theo mô hình “làm thuê xuất khẩu” và hy vọng Trump sẽ “nguôi ngoai.”

 

• Hoặc đứng dậy, thương lượng với thế giới bằng sự tự tin của một quốc gia có nhân dân làm nền tảng.

 

Chúng ta có thể:

 

• Loay hoay cầu cứu các hiệp định thương mại đã ký.

 

• Hoặc xây dựng lại nền tảng nội lực: công bằng xã hội, minh bạch pháp lý, và tôn trọng quyền con người.

 

Trump không quyết định số phận Việt Nam – chúng ta quyết định

 

Mức thuế 46% có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam lao đao. Nhưng nó cũng là cơ hội để người Việt Nam tự hỏi: Chúng ta có muốn tiếp tục phát triển trong thế bị động; giá trị thấp, hay đã đến lúc làm chủ cuộc chơi?

 

Để làm chủ, chúng ta phải:

 

• Dám thay đổi mô hình kinh tế lệ thuộc.

 

• Dám đối thoại với chính quyền và yêu cầu minh bạch.

 

• Dám đòi lại quyền con người – như một phần thiết yếu của phát triển.

 

Trump có thể gây sốc. Nhưng nếu chúng ta tỉnh ra sau cú sốc đó, thì đó không còn là thảm họa – mà là bước ngoặt.

 

 

 

 




CUỘC THƯƠNG CHIẾN "ĐẸP ĐẼ" CỦA DONALD TRUMP (Edward Luce - Financial Times)

 



Cuộc thương chiến “đẹp đẽ” của Donald Trump

Edward Luce  -  Financial Times

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

04/04/2025

https://nghiencuuquocte.org/2025/04/04/cuoc-thuong-chien-dep-de-cua-donald-trump/

 

Cái giá ngoại giao từ hàng rào thuế quan của Tổng thống Mỹ sẽ kéo dài.

 

Donald Trump từng nói rằng thuế quan là “từ đẹp đẽ nhất.” Sau khi thị trường đóng cửa vào thứ Tư ngày 02/04, ông đã tuyên bố vinh danh “ngày giải phóng” này. Đối với các đối tác thương mại của Mỹ, ngày 02/04 sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên thương mại toàn cầu. Trump đã nâng thuế quan lên mức cao nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley khét tiếng trong thời kỳ Đại Suy thoái. Đối với người tiêu dùng Mỹ, “ngày giải phóng” đồng nghĩa với việc giá cả sẽ tăng cao. Nhưng đối với Trump, đó là sự hiện thực hóa tham vọng cả đời của ông – tuyên chiến kinh tế với những kẻ “gian lận” và “cướp bóc” nước ngoài đã “vơ vét,” “xâm phạm,” “chiếm đoạt,” và “tàn phá” nước Mỹ suốt nhiều thập kỷ. Ngài Tổng thống, xin cho chúng tôi biết suy nghĩ thực sự của ông.

 

VIDEO :

Cuộc thương chiến “đẹp đẽ” của Donald Trump

https://www.youtube.com/watch?v=O7ChVVfeXYg

 

Tác động tức thời của “ngày giải phóng” sẽ là sự bối rối và bất ổn, mà đối với Trump, đây thường là điều cố ý. Tình hình càng hỗn loạn, ông lại càng cảm thấy mình đang kiểm soát được mọi thứ. Tổng thống nói rằng ông đã tính toán mức thuế này dựa trên sự kết hợp giữa thuế quan, trợ cấp, và thao túng tiền tệ. Nhưng cũng có thể ông chỉ đơn giản lấy thâm hụt thương mại song phương của một quốc gia và chia cho lượng xuất khẩu của quốc gia đó sang Mỹ. Một số quốc gia như Brazil và Anh đã “may mắn” chỉ bị áp mức thuế tối thiểu là 10%. Những nước khác, như Việt Nam, Campuchia, và Lào, bị ảnh hưởng ở mức trên 40%. Với EU ở mức 20% và Trung Quốc ở mức 34%, Tổng thống đã tăng giá hàng nhập khẩu trung bình của Mỹ ít nhất là 25%. Và đó là trước khi phần còn lại của thế giới trả đũa.

 

Một tác động khác là về mặt giao dịch. Các quốc gia sẽ đặt câu hỏi về phương pháp luận của Trump và yêu cầu được giảm thuế suất. Các công ty Mỹ cũng sẽ vận động hành lang xin miễn thuế đối với các linh kiện nhập khẩu. Trên cả hai mặt trận này, Trump đều có lợi thế. Khả năng mặc cả của Washington vừa tăng lên đáng kể. Các quốc gia và công ty chịu đưa ra các ưu đãi để đổi lấy mức thuế suất thấp hơn hoặc miễn trừ thuế sẽ được tưởng thưởng, trong khi những ai có hành động đáp trả Trump sẽ bị trừng phạt. Hồ sơ quá khứ của Tổng thống cho thấy ông sẽ tiếp tục tăng thuế quan của Mỹ. Trạng thái cuối cùng là điều không thể dự đoán được. Nhưng dù thương chiến toàn cầu có gây ra bao nhiêu tổn thất về giá cả, tăng trưởng, và việc làm, thì ngành dự báo kinh tế vẫn sẽ tiếp tục phát đạt.

 

Trong khi đó, tác động chính trị chủ yếu đi theo một hướng. Về lý thuyết, lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn sẽ gây hại cho một tổng thống đương nhiệm. Trump lên nhậm chức với lời cam kết sẽ hạ giá cả – khác biệt với lời cam kết giảm lạm phát – nhưng ông đang thực hiện điều ngược lại. Vì lạm phát đã thúc đẩy chiến thắng của Trump, nên hành động cố tình tăng giá của ông sẽ dẫn đến hình phạt. Đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của cử tri vào đêm thứ Ba, khi biên độ phiếu bầu của Đảng Cộng hòa bị thu hẹp đáng kể trong các cuộc bầu cử đặc biệt ở các khu vực an toàn. Theo Reuters-Ipsos, tỷ lệ ủng hộ Trump cũng giảm mạnh trong tuần này, xuống chỉ còn 43%.

 

Nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vẫn còn 20 tháng nữa mới diễn ra. Sẽ là hấp tấp khi cho rằng cử tri miễn nhiễm với thông tin sai lệch về kinh tế. Mạng xã hội đã đưa nghệ thuật đổ lỗi lên một tầm cao gần như khoa học. Hành động hợp lý tiếp theo cần thực hiện – và cũng là một mục tiêu lâu dài khác của Trump – là ra lệnh trục xuất người nhập cư trên quy mô lớn hơn nhiều. Cho đến nay, Trump chỉ giới hạn các vụ bắt giữ và trục xuất trong trường hợp thử nghiệm tuyên truyền. Giai đoạn tiếp theo có thể là tăng cường những vụ việc như thế.

 

Kế đó là tác động đến an ninh quốc gia của Mỹ. Phần lớn sự chú ý đều đổ dồn vào cái giá kinh tế của “ngày giải phóng” của Trump. Nhưng hậu quả địa chính trị có thể kéo dài lâu hơn nhiều. Điều đáng chú ý là Tổng thống đã nhắc đến một danh sách dài bạn bè và đồng minh trước khi nhắc đến Trung Quốc. Nhưng tác động chung là đẩy tất cả những nước này lại gần nhau hơn. Cuối tuần trước, các quan chức kinh tế từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp gỡ các đồng cấp Trung Quốc – cuộc họp đầu tiên như vậy sau nhiều năm, và về bản chất, là một cuộc họp lập kế hoạch về cách đối phó với cuộc thương chiến của Trump. EU và Canada cũng đang có động thái tiếp cận Trung Quốc.

 

Tổng thống tự hào vì mình là người khó đoán. Dù phản ứng dữ dội của thị trường – thể hiện qua giá tương lai giảm khi ông bắt đầu phát biểu – có thể hạn chế bản năng hiếu chiến nhất của Trump, nhưng thế giới hiện nay đã biết rõ khả năng thay đổi thái độ nhanh chóng của ông. Hãy hỏi Mexico và Canada, những nước đã bị ông buộc phải đàm phán lại NAFTA trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình trong một thỏa thuận mà giờ đây bị ông mô tả là “kinh khủng.” Bất kể sự hỗn loạn do thương chiến của Trump chỉ là nhất thời hay sẽ còn tồi tệ hơn, thì cái giá ngoại giao vẫn là dài hạn. Các quốc gia khác sẽ tìm cách thực hiện những thỏa thuận lớn với nhau và bỏ qua nước Mỹ. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa giao dịch của Trump là tự chuốc lấy thất bại. Niềm tin giảm sút đồng nghĩa là số lượng giao dịch cũng giảm sút.

 

 

Nguồn: Edward Luce, “Donald Trump’s beautiful trade war,” Financial Times, 03/04/2025







VIỆT NAM SẼ ỨNG PHÓ THẾ NÀO VỚI MỨC THUẾ QUAN GÂY SỐC CỦA TRUMP (Lê Hồng Hiệp | Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với mức thuế quan gây sốc của Trump?

Lê Hồng Hiệp

05/04/2025

https://nghiencuuquocte.org/2025/04/05/viet-nam-se-ung-pho-the-nao-voi-muc-thue-quan-gay-soc-cua-trump/

 

Vào ngày 2 tháng 4 năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một loạt các mức thuế quan đối ứng toàn diện nhắm vào hơn 180 quốc gia, trong đó Việt Nam phải đối mặt với mức thuế suất cao 46%, có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4. Thông báo này dựa trên mức thuế cơ sở 10% được áp dụng cho hầu hết các đối tác thương mại bắt đầu từ ngày 5 tháng 4, kèm mức thuế quan đối ứng bổ sung được điều chỉnh cho các quốc gia có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ. Đối với Việt Nam, mức thuế quan 46% này — nằm trong số các mức cao nhất— áp dụng cho hầu hết hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ, một thị trường đã hấp thụ 142 tỷ đô la xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ.

 

Mức thuế này gây sốc cho Việt Nam, nhưng Hà Nội có thể sẽ dựa vào các biện pháp ngoại giao để ứng phó. Trong một thời gian, giới chức Việt Nam được cho là lạc quan thận trọng về khả năng tránh được những chính sách thương mại tồi tệ nhất của Trump. Hà Nội có thể đã cho rằng sự can dự tích cực và chủ động  với chính quyền Trump sẽ làm dịu rủi ro. Ví dụ, trong chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vào tháng trước, Việt Nam đã ký các thỏa thuận trị giá 4,15 tỷ đô la Mỹ với các công ty Hoa Kỳ, bao gồm các thỏa thuận cung cấp LNG với Excelerate Energy và ConocoPhillips, như một phần của gói thương mại trị giá 90,3 tỷ đô la Mỹ cho giai đoạn 2025–2030. Cuộc gọi điện sớm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm  nhằm chúc mừng ông Trump sau bầu cử là một ví dụ khác cho sự can dự ngoại giao tích cực của Hà Nội. Những nỗ lực này, cùng với việc Việt Nam cắt giảm thuế quan với nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 31 tháng 3, được coi là những động thái phòng ngừa để đáp ứng các yêu cầu của Trump về cân bằng thương mại.

 

Bản thân con số 46% khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam bối rối, đặc biệt là tuyên bố của chính quyền Trump rằng nó phản ánh mức thuế quan 90% mà Việt Nam áp dụng đối với các sản phẩm Hoa Kỳ, vốn là lý do mà giới chức Hoa Kỳ viện dẫn để biện minh cho mức thuế đối ứng. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới, mức thuế quan áp dụng trung bình của Việt Nam là 9,4%, với mức trung bình có trọng số thương mại thậm chí còn thấp hơn, ở mức 5,1%. Ngay cả khi tính thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, điều mà Trump đã chỉ trích là rào cản thương mại ẩn, thì việc tính toán ra con số 90% vẫn thiếu cơ sở rõ ràng. Sự mơ hồ trong phương pháp luận của chính quyền Trump, khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lưu ý rằng mức thuế của mỗi quốc gia “đại diện cho mức thuế quan của họ”, càng làm Hà Nội bối rối và thất vọng hơn.

 

Có hai động cơ cốt lõi có thể là nền tảng cho mức thuế quan nặng nề này. Thứ nhất, nó nhắm vào thặng dư thương mại 123,5 tỷ đô la Mỹ của Việt Nam với Hoa Kỳ trong năm 2024, tăng 18,1% so với năm 2023. Trump từ lâu đã lên án đây là bằng chứng về các hoạt động thương mại “không công bằng”. Các tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng các mức thặng dư như vậy làm xói mòn sản xuất và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong tờ thông tin về thuế quan mới, Nhà Trắng tuyên bố rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa tái chế, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, đồng thời kìm hãm các nỗ lực thúc đẩy tính bền vững bằng cách ngăn cản thương mại các sản phẩm mới và tiết kiệm tài nguyên”. Phía Mỹ ước tính rằng nếu những rào cản này được gỡ bỏ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và các quốc gia này sẽ tăng ít nhất 18 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

 

Thứ hai, Washington muốn hạn chế việc trung chuyển hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam để né hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, hiện ở mức 54% bao gồm cả các mức thuế quan trước đó. Nikkei Asia đưa tin rằng các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã cáo buộc cụ thể Việt Nam và Campuchia đóng vai trò là trung tâm trung chuyển để Trung Quốc trốn thuế của Hoa Kỳ. Một quan chức tuyên bố rằng Campuchia xuất khẩu 39 đô la Mỹ sang Hoa Kỳ cho mỗi đô la họ nhập khẩu, chủ yếu là do Trung Quốc biến nước này thành điểm trung chuyển quan trọng. Việt Nam cũng nằm chung nhóm, khi quan chức này cáo buộc rằng các cơ sở trông như các nhà máy sản xuất thực ra là các kho hàng nơi hàng hóa Trung Quốc được dán nhãn lại thành hàng Việt Nam trước khi được vận chuyển đến Hoa Kỳ. Do đó, mức thuế quan cao áp dụng cho Việt Nam có thể được coi là một công cụ để Hoa Kỳ gây sức ép buộc Việt Nam phải hành động mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn hành vi gian lận này.

 

Nếu được duy trì, mức thuế 46% này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và dệt may, phải đối mặt với biên lợi nhuận bị giảm sút hoặc đánh mất thị phần tại Hoa Kỳ, đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam trong năm 2025. Các hiệu ứng lan tỏa có thể làm đình trệ sự mở rộng sản xuất công nghiệp và tạo việc làm, vốn là những trụ cột chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch của Việt Nam. Các nhà đầu tư đa quốc gia, vốn coi Việt Nam là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, có thể xem xét lại quyết định của mình, cảnh giác với chi phí cao hơn và bất ổn thương mại. Điều này sẽ làm suy yếu sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong bối cảnh sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Bất chấp cú sốc này, phản ứng của Việt Nam có thể sẽ hướng tới việc tránh đối đầu. Xuất khẩu trực tiếp của Hoa Kỳ sang Việt Nam khá khiêm tốn, chỉ đạt 13,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024. Điều này hạn chế đòn bẩy của Hà Nội trong việc áp dụng thuế quan trả đũa. Thay vào đó, Việt Nam có thể sẽ dựa vào ngoại giao để thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi quyết định của mình, bao gồm mua nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư của Hoa Kỳ, đẩy nhanh hợp tác về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm, bao gồm các khoáng sản quan trọng, và chủ động giải quyết vấn đề trung chuyển hàng hóa Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới và tận dụng tốt hơn các hiệp định hiện tại.

 

Những mức thuế quan này không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà còn cho thương mại toàn cầu và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Chi phí cao hơn cho hàng hóa Việt Nam – chẳng hạn như điện thoại thông minh và hàng may mặc – sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của người Mỹ, có thể thúc đẩy lạm phát đã được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự báo sẽ tăng. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể gây ra sự suy thoái kinh tế rộng hơn, với Goldman Sachs ước tính rủi ro suy thoái ở Hoa Kỳ là 35%. Mục tiêu cắt giảm thâm hụt thương mại của Trump có thể thất bại, vì dữ liệu lịch sử từ nhiệm kỳ đầu của ông cho thấy thuế quan chỉ chuyển hướng dòng chảy thương mại. Điều này đã thúc đẩy nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Mexico và Việt Nam mà không thu hẹp mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ. Về mặt chính trị, điều này có thể phản tác dụng, khiến cử tri xa lánh chính quyền Trump nếu giá cả tăng vọt và việc làm không quay về Mỹ. Việt Nam sẽ nỗ lực xoa dịu các mối lo ngại của Trump, nhưng thành công phụ thuộc vào việc lý tính có quay lại với chính sách thương mại Hoa Kỳ hay không. Trước mắt, Việt Nam sẽ cần phải chuẩn bị cho một chặng đường đầy biến động phía trước.

 

---------------------------

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum ngày 4/3/2025.

 

 

 

 



MỨC THUẾ VÔ LÝ CỦA TỔNG THỐNG TRUMP SẼ GÂY RA THẢM HỌA KINH TẾ (Economist)

 



Mức thuế vô lý của Tổng thống Trump sẽ gây ra thảm họa kinh tế

Economist

Cù Tuấn biên dịch

04/04/2025

https://baotiengdan.com/2025/04/04/muc-thue-vo-ly-cua-tong-thong-trump-se-gay-ra-tham-hoa-kinh-te/

 

Tóm tắt: Nhưng phần còn lại của thế giới có thể hạn chế được thiệt hại

 

Nếu bạn không phát hiện ra nước Mỹ đang bị “các quốc gia gần xa cướp bóc, trấn lột, và hãm hiếp” hoặc bị từ chối một cách tàn nhẫn “quyền được thịnh vượng”, thì xin chúc mừng: Bạn đã nắm bắt thực tế chặt chẽ hơn cả tổng thống Mỹ.

 

Thật khó để biết điều nào đáng lo ngại hơn: Rằng nhà lãnh đạo của thế giới tự do có thể phun ra cả mớ những lời nói vô nghĩa về nền kinh tế thành công và được ngưỡng mộ nhất của mình. Hay thực tế là vào ngày 2 tháng 4, bị ảo tưởng của mình thúc đẩy, Donald Trump đã tuyên bố lần phá vỡ lớn nhất trong chính sách thương mại của Mỹ trong hơn một thế kỷ — và ông đã phạm phải sai lầm kinh tế sâu sắc, có hại và không cần thiết nhất trong kỷ nguyên hiện đại.

 

Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, tổng thống Mỹ đã công bố mức thuế quan “đối ứng” mới đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ. Sẽ có mức thuế 34% đối với Trung Quốc, 27% đối với Ấn Độ, 24% đối với Nhật Bản và 20% đối với Liên minh Châu Âu. Nhiều nền kinh tế nhỏ phải đối mặt với mức thuế dao động; tất cả các mục tiêu đều phải đối mặt với mức thuế ít nhất là 10%. Bao gồm cả các mức thuế hiện có, tổng mức thuế đối với Trung Quốc hiện sẽ là 65%. Canada và Mexico được miễn thuế bổ sung và các mức thuế mới sẽ không được thêm vào các biện pháp dành riêng cho ngành, chẳng hạn như mức thuế 25% đối với ô tô hoặc mức thuế đã hứa đối với chất bán dẫn. Nhưng mức thuế tổng quan của Mỹ sẽ tăng vọt so với mức trong thời kỳ Đại suy thoái kể từ thế kỷ 19.

 

Ông Trump gọi đó là một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Ông gần như đã đúng. “Ngày giải phóng” của ông báo hiệu sự từ bỏ hoàn toàn trật tự thương mại thế giới của Mỹ và chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ. Câu hỏi đối với các quốc gia đang choáng váng vì hành động phá hoại vô nghĩa của vị tổng thống Mỹ là làm thế nào để hạn chế thiệt hại.

 

Hầu như mọi điều ông Trump nói trong tuần này — về lịch sử, kinh tế và các vấn đề kỹ thuật của thương mại — đều hoàn toàn dối trá. Cách đọc lịch sử của ông đã hoàn toàn đảo ngược. Từ lâu Trump đã ca ngợi thời kỳ thuế quan cao và thuế thu nhập thấp vào cuối thế kỷ 19. Trên thực tế, các nghiên cứu học thuật tốt nhất cho thấy, thuế quan đã cản trở nền kinh tế Mỹ vào thời điểm đó.

 

Bây giờ, ông ta lại thêm vào tuyên bố kỳ lạ rằng việc dỡ bỏ thuế quan đã gây ra cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 và rằng thuế quan Smoot-Hawley đã quá muộn để cứu vãn tình hình. Thực tế là thuế quan này đã khiến cuộc Đại suy thoái trở nên tồi tệ hơn nhiều, cũng giống như chúng sẽ gây hại cho tất cả các nền kinh tế ngày nay. Chính các vòng đàm phán thương mại khó khăn trong 80 năm sau đó đã hạ thấp thuế quan và giúp tăng cường sự thịnh vượng.

 

Về kinh tế, những khẳng định của ông Trump hoàn toàn vô nghĩa. Tổng thống Mỹ nói rằng cần phải có thuế quan để thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, mà ông coi là sự chuyển giao của cải của nước Mỹ cho người nước ngoài. Tuy nhiên, như bất kỳ nhà kinh tế nào của tổng thống có thể nói với ông, thâm hụt chung này phát sinh vì người Mỹ chọn cách tiết kiệm ít hơn số tiền đất nước họ đầu tư — và quan trọng là, thực tế lâu dài này không ngăn cản nền kinh tế của họ vượt qua phần còn lại của G7 trong hơn ba thập kỷ.

 

Không có lý do gì mà thuế quan bổ sung của ông Trump lại có thể xóa bỏ thâm hụt thương mại. Việc khăng khăng đòi cân bằng thương mại với từng đối tác thương mại riêng lẻ là điều điên rồ—giống như việc cho rằng Texas sẽ giàu hơn nếu khăng khăng đòi cân bằng thương mại với mỗi một trong 49 tiểu bang còn lại, hoặc yêu cầu một công ty bảo đảm rằng mỗi nhà cung cấp của họ cũng phải là khách hàng của chính công ty đó.

 

Và sự hiểu biết của ông Trump về các chi tiết kỹ thuật thật thảm hại. Ông cho rằng mức thuế mới dựa trên đánh giá về mức thuế của một quốc gia đối với Mỹ, cộng với thao túng tiền tệ và những vụ bóp méo khác, chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng. Nhưng có vẻ như các quan chức đã thiết lập mức thuế bằng cách sử dụng một công thức lấy thâm hụt thương mại song phương của Mỹ, sau đó chia cho tổng hàng hóa nhập khẩu từ mỗi quốc gia và tiếp đó là giảm con số này còn một nửa – điều này gần như ngẫu nhiên, như việc đánh thuế bạn dựa trên số nguyên âm có trong tên của bạn.

 

Danh mục những điều ngu ngốc này sẽ gây ra tổn hại không cần thiết cho nước Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả tiền nhiều hơn và có ít sự lựa chọn hơn. Việc tăng giá linh kiện cho các nhà sản xuất của Mỹ trong khi giải thoát họ khỏi kỷ luật cạnh tranh nước ngoài, sẽ khiến họ trở nên yếu đuối. Khi thị trường chứng khoán tương lai lao dốc, cổ phiếu của Nike, công ty có nhà máy ở Việt Nam (với mức thuế 46%) đã giảm 7%. Ông Trump có thực sự nghĩ rằng người Mỹ sẽ tốt hơn nếu họ tự may lấy giày chạy bộ của mình không?

 

Phần còn lại của thế giới sẽ cùng phải chung tay trong thảm họa này — và quyết định phải làm gì. Một câu hỏi là, liệu có nên trả đũa Mỹ hay không. Các chính trị gia nên thận trọng. Hãy tỉnh táo hơn ông Trump, vì các rào cản thương mại gây hại cho những người dựng lên chúng. Bởi vì chúng có nhiều khả năng khiến ông Trump càng bướng bỉnh hơn là chịu nhường nhịn, chúng có nguy cơ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn — có thể thảm khốc, như thời kỳ đại suy thoái trong thập niên 1930.

 

Thay vào đó, chính phủ các nước nên tập trung vào việc tăng cường dòng chảy thương mại giữa các nước, đặc biệt là trong các dịch vụ thúc đẩy nền kinh tế thế kỷ 21. Với thị phần nhu cầu nhập khẩu cuối cùng chỉ chiếm 15%, Mỹ không thống trị thương mại toàn cầu theo cách mà họ thống trị tài chính toàn cầu hoặc chi tiêu quân sự. Ngay cả khi họ ngừng nhập khẩu hoàn toàn, theo xu hướng hiện tại, 100 đối tác thương mại của họ sẽ khôi phục lại toàn bộ lượng xuất khẩu đã mất chỉ trong vòng năm năm, theo tính toán của Global Trade Alert, một nhóm nghiên cứu. EU, 12 thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hàn Quốc và các nền kinh tế mở nhỏ như Na Uy, chiếm 34% nhu cầu nhập khẩu toàn cầu.

 

Liệu nỗ lực này có bao gồm cả Trung Quốc không? Nhiều người phương Tây cho rằng các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vi phạm tinh thần của các quy tắc thương mại toàn cầu và trước đây họ đã sử dụng xuất khẩu để hấp thụ công suất sản xuất dư thừa. Những lo lắng đó sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu nhiều hàng hóa của Trung Quốc được chuyển hướng khỏi nước Mỹ. Việc xây dựng một hệ thống thương mại với Trung Quốc là điều mong muốn, nhưng sẽ chỉ khả thi nếu nước này cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào nhu cầu trong nước để giảm bớt lo ngại về việc bán phá giá. Ngoài ra, Trung Quốc có thể được yêu cầu chuyển giao công nghệ và đầu tư vào sản xuất tại châu Âu để đổi lấy mức thuế thấp hơn. EU nên tập trung các quy tắc đầu tư của mình để có thể đạt được các thỏa thuận bao gồm FDI và nên vượt qua sự ác cảm của mình đối với các hiệp định thương mại lớn và ký kết CPTPP, hiệp định này có nhiều cách để giải quyết một số tranh chấp.

 

Sự điên rồ của Vua Donald

 

Nếu điều này có vẻ mệt mỏi và chậm chạp, thì đó là vì sự hội nhập luôn là như vậy. Việc dựng lên các rào cản là dễ dàng hơn và nhanh hơn. Không thể tránh khỏi sự tàn phá kinh tế mà ông Trump đã gây ra, nhưng điều đó không có nghĩa là sự ngu ngốc của ông ta sẽ chiến thắng.

 

 

 

 




HÃY KÝ THỈNH NGUYỆN THƯ ĐỂ BẢO VỆ VOA, CŨNG LÀ ĐỂ BẢO VỆ BÁO CHÍ TỰ DO (VOA Petition)

 



 

Hãy ký thỉnh nguyện thư để bảo vệ VOA, cũng là để bảo vệ báo chí tự do

VOA Petition

4-4-2025

https://baotiengdan.com/2025/04/04/hay-ky-thinh-nguyen-thu-bao-ve-voa-cung-la-de-bao-ve-bao-chi-tu-do/

 

Xin vào link này để ký: https://www.change.org/p/savevoa-to-protect-free-press

 

Kính gửi các thành viên đáng kính của Hạ viện Hoa Kỳ,

 

Chúng tôi là các nhà báo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tại Ban tiếng Việt. Chúng tôi kêu gọi quý vị ngăn chặn việc đóng cửa tiếng nói của nền dân chủ Hoa Kỳ. Trước khi ngưng phát sóng vào ngày 15/3, VOA đã có lượng khán giả hàng tuần là 360 triệu người vốn mong muốn có được những thông tin khách quan về quốc gia của họ qua nhiều nền tảng bằng 48 ngôn ngữ.

 

Như quý vị đã biết, VOA đã phản bác tuyên truyền của kẻ thù của quốc gia chúng ta kể từ năm 1942 trong Thế chiến II. Nhưng kể từ ngày 15/3, việc VOA bị ngưng hoạt động đang khiến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ gặp rủi ro với số tiền 886 triệu USD, vốn là ngân sách năm 2024, theo báo cáo mới nhất của VOA gửi Quốc hội. Mối đe dọa nổi bật và nguy hiểm nhất đến từ Trung Quốc, nơi chính phủ độc tài liên tục thách thức quyền lực và sức mạnh của Hoa Kỳ để làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của chúng ta.

 

Khi không có các chương trình thường xuyên mà VOA đưa đến khán giả, chúng ta sẽ thấy phương tiện truyền thông do chính phủ Trung Quốc kiểm soát nhanh chóng đưa ra những gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “tuyên truyền ra bên ngoài”. Đây chỉ là sự mở rộng mới nhất của chiến lược “[kể] những câu chuyện của Trung Quốc và [lan truyền] tiếng nói của Trung Quốc” như ông Tập đã đưa ra lần đầu tiên vào năm 2013.

 

Chúng tôi, những nhà báo tại Ban tiếng Việt của VOA, đã liên tục đối trọng sự tuyên truyền mở rộng của Trung Quốc bằng cách đưa ra thông tin chính xác về Hoa Kỳ cho khán giả của mình. Mỗi ngày, chúng tôi giới thiệu những giá trị tốt nhất của Hoa Kỳ, một nền báo chí tự do, bởi vì VOA là nguồn tin đáng tin cậy hiếm hoi ở các quốc gia độc tài, nơi các nhà báo bị bịt miệng.

 

Một trong những bài phân tích của chúng tôi đã cho khán giả thấy cách Hà Nội đang làm thế nào để cân bằng giữa việc chia sẻ mối lo ngại với Washington về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đầy tranh chấp, với việc duy trì mối liên hệ kinh tế quan trọng của Việt Nam với Trung Quốc.

 

Nhưng kể từ khi VOA tiếng Việt ngừng phát sóng, các khán giả ở Việt Nam không còn được biết về những phân tích như thế nữa, hay những thông tin về các cuộc xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, nạn tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo của Hà Nội và các vi phạm nhân quyền.

 

Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân cho biết, khi sống ở Việt Nam, ông đã được biết tin tức về Hoa Kỳ và thế giới thông qua VOA. Giáo sư Tường Vũ, người từng là tị nạn Chiến tranh Việt Nam hiện cũng đang sống tại Hoa Kỳ, cho biết “VOA đã giúp truyền bá các giá trị của Hoa Kỳ trên toàn thế giới” và “chỉ có thông qua VOA, [người dân] ở các quốc gia [dưới chế độ độc tài] mới biết được sự thật về Hoa Kỳ và các giá trị mà chúng ta bảo vệ“.

 

Nhiều người đã bày tỏ rằng họ nhớ VOA. “Buồn thật, cả tuần nay không thấy đài VOA đăng bài nào trên mạng,” một người dùng Facebook cho biết. “Truyền thông thông tin cũng là cách để quảng bá đất nước cho bạn bè năm châu biết đến USA!“, một người khác viết. Trong khi một khán giả bày tỏ: “Thật đáng tiếc khi Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Á châu Tự do (RFA) – những ngọn hải đăng soi sáng cho sự thật và tự do – nay đã bị dập tắt.”

 

Ban Tiếng Việt của VOA được thành lập vào tháng 6/1943. VOA đã truyền tải hình ảnh của nước Mỹ đến người Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh. VOA đóng vai trò trung tâm trong Chiến tranh Việt Nam chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. VOA tiếp tục truyền tải các giá trị của Hoa Kỳ đến với khán giả Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ khủng hoảng nhân đạo của người tị nạn Đông Dương.

 

Ngày nay, Ban Tiếng Việt vẫn là tiếng nói của nền dân chủ Hoa Kỳ được khán giả ở Việt Nam do Đảng Cộng sản cầm quyền lắng nghe. Việt Nam nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Việc đóng cửa Đài Tiếng nói Hoa Kỳ có nghĩa là các chương trình phát sóng của Nga sẽ lấp đầy khoảng trống thông tin để làm suy yếu các giá trị tự do và dân chủ của Mỹ. Phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Triều Tiên sẽ đe dọa hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. Đài phát thanh RV tiếng Anh của Iran sẽ thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố. Trên hết, nếu không có VOA, sẽ không có đối trọng nào với phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc từ Hoa Kỳ, gây nguy hiểm cho an ninh của Việt Nam, Châu Á và thế giới.

 

Thông qua việc đối trọng những tiếng nói này bằng các thông tin khách quan, dựa trên sự thật, các nhà báo và phóng viên của VOA đã không ngừng đóng góp cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

 

Đối với các nhà lập pháp trong cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia vĩ đại này, chúng tôi kêu gọi quý vị hãy thực hiện mọi hành động cần thiết và thực hiện mọi biện pháp bảo vệ để duy trì an ninh của Hoa Kỳ và cho phép VOA phát sóng trở lại sớm chừng nào có thể.

 

Tất cả các thành viên của Ban Tiếng Việt và những người ký tên ở đây, kêu gọi quý vị hành động ngay lập tức để ngăn chặn việc đóng cửa VOA để chúng tôi có thể tiếp tục sứ mệnh chống lại các mối đe dọa mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt ngày nay.

 

An ninh quốc gia của Hoa Kỳ chính là an ninh của người dân Hoa Kỳ – những người mà quý vị đại diện.

 

_____________

 

Bản tiếng Anh:

 

Esteemed members of the U.S. House of Representatives,

 

We are Voice of America journalists with Vietnamese Service. We urge you to prevent the silencing of the voice of American democracy. Before its closure on March 15, VOA reached a weekly audience of 360 million people eager for unbiased coverage of their nations in 48 languages across multiple platforms.

 

As you know, VOA has been countering the propaganda of our nation’s enemies since 1942 during World War II. Now, since March 15, VOA’s silence is putting the national security of the United States at risk for $886 million, the 2024 budget, according to its latest report to Congress. The most prominent and perilous threat is from China, whose authoritarian government continually challenges America’s power and strength to undermine our global leadership position.

 

Without the regular programming offered by VOA, we see China’s government-controlled media rushing in with what Chinese President Xi Jinping calls “external propaganda.” This is just the latest expansion of a strategy of “[telling] China’s stories and [spreading] Chinese voices well” as Xi first set forth in 2013.

 

We at the VOA Vietnamese Service have consistently countered the spread of China’s propaganda by presenting accurate information about the United States to our audience. Every day, we showcased the best of American values, a free press, because VOA was a rare source of reliable news in authoritarian countries that muzzled journalists.

 

Last year, we gave our audience an exclusive story that explained how Hanoi was attempting to balance the concern it shares with Washington over Beijing’s growing assertiveness in the disputed South China Sea with Vietnam’s significant economic links with China.

 

But, since VOA Vietnamese went dark, the target audience in Vietnam is missing out on policy stories like this and coverage of confrontations at sea between China and Vietnam, corruption in Hanoi’s leadership ranks, and human rights violations.

 

Human rights lawyer Le Quoc Quan said that when he lived in Vietnam, he got news about the US and the world through VOA. Professor Tuong Vu, a former Vietnam War refugee who also now lives in the US, said “VOA has helped spread American values around the world” and that “only through VOA, [do] people in countries [under dictatorship] know the truth about the United States and the values we stand for.”

 

“It’s so sad to see no coverage from VOA for the past weeks,” said one Facebook user. “Information is a way to bring the US to people around the world,” said another. “It is a shame that VOA, a beacon of truth and freedom, has been extinguished.”

 

VOA launched the Vietnamese Service in June 1943. It projected the image of America to the Vietnamese during the Cold War. It played a central role in the Vietnam War against Communism. It continued to bring America’s values to Vietnamese audiences throughout nearly two decades of the Indochinese refugee humanitarian crisis.

 

Today, the Vietnamese Service remains the voice of US democracy heard by audiences in a communist Vietnam, a nation that holds a strategically vital position in America’s struggle against China.

 

Shutting down the Voice of America means Russia’s broadcasts will undermine the American values of democracy and freedom. North Korea’s state media will threaten peace on the Korean Peninsula and in the region. Iran’s English-language Press RV will advance terrorism. Above all, without VOA, there is no counterweight to China’s state media from the United States, that endangers the security of Vietnam, Asia and the world.

 

By countering these voices with unbiased, fact-based reporting, the journalists of VOA have tirelessly contributed to the national security of the United States.

 

To you, lawmakers in the highest legislative body of this great nation, we make a plea that you take all necessary actions and implement all protective measures to maintain America’s security and allow VOA to return on air as soon as possible.

 

All members of the Vietnamese Service of the Voice of America and those who signed here, urge you to act immediately to prevent the closure of VOA so we can continue our mission to counter the threats that America faces today.

 

The national security of the United States is the security of the American people — the very people you represent.







BÀI MỚI NGÀY 04/04/ 2025 (Bauxite Việt Nam)

 


Bauxite Việt Nam

NGÀY 04/04/2025

https://boxitvn.online/

 

BÀI MỚI

 

Vì đâu nên nỗi…! 

Hoàng Tuấn Can  -  04/04/2025

.

Chat với AI về mức thuế 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Việt Nam (phần 2) 

Thái Hạo  -  04/04/2025

.

Chuyện thuế 46%. Thuốc đắng giã tật 

Nguyễn Danh Lam  -  04/04/2025

.

50 years after fall of Saigon, Vietnam can’t heal by erasing half its past | Opinion 

Nghia M. Vo  -  04/04/2025

.

Chat với AI về hành động đánh thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam (phần 1)   

Thái Hạo  -  03/04/2025

.

Chuyên gia về chủ nghĩa phát xít, GS Đại học Yale, rời bỏ nước Mỹ 

Keziah Weir / Vanity Fair  -  03/04/2025

.

Ban đầu có Ngôi Lời 

Trần Gia Huấn  -  03/04/2025

.

Gặp nhau “tâm tình”, điểm lại 

Tuấn Khanh  -  02/04/2025
.

THƯ KHẨN GỬI TỚI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO, CÁC NHÀ QUY HOẠCH, CÁC KIẾN TRÚC SƯ VÀ NHỮNG CÔNG DÂN CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC 

Trần Thanh Vân  -  02/04/2025

.

KÍNH NHỜ HÒA THƯỢNG THÍCH NGUYÊN HẠNH TRỤ TRÌ CHÙA TẢO SÁCH CHUYỂN TỚI NHỮNG NGƯỜI SỐNG CHẾT VÌ KINH ĐÔ THĂNG LONG 

Trần Thanh Vân  -  02/04/2025

.

Ai chịu trách nhiệm cho hơn 2.000 cây xanh bị xâm hại trong đợt cải tạo vỉa hè này? 

Lê Huyền Ái Mỹ  -  01/04/2025

.

Đóng góp được gì cho đất nước thì mình cố mà đóng góp 

Lưu Trọng Văn  -  01/04/2025

.

Thế giới tự do đã biến mất, không còn đường quay lại 

James Kirchick  -  01/04/2025

.

Mỹ đã thay đổi suy nghĩ về châu Âu 

Phillips Payson O’Brien  -  01/04/2025

.

Sự thật không chết – Nó chỉ chờ ngày sáng tỏ 

Trần Huỳnh Duy Thức  -  31/03/2025

.

Trump là kẻ Phản bội khiến Âu châu đứng một mình

Thượng Nghị sĩ Claude Malhuret: Một góc nhìn từ Pháp quốc   -  31/03/2025

.

Khánh Ly và ít điều chưa kể 

Tuấn Khanh  -  31/03/2025

.

Về cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine – Ngày 30/3/2025 

Phúc Lai GB  -  31/03/2025

.

Một trường hợp, câu chuyện Bến Tre 

Vũ Kim Hạnh  -  31/03/2025

.

Zelenskyy từ chối thỏa thuận khoáng sản của Hoa Kỳ, viện dẫn xung đột với nguyện vọng EU và chủ quyền quốc gia 

EU Today   -   31/03/2025

.

Vai trò gây tranh cãi của Steve Witkoff 

Ngô Mạnh Hùng  -  31/03/2025






TIN & BÀI NGÀY 03/04/2025

 



TIN & BÀI NGÀY 03/04/2025

 

 

03/04/2025

VIẾT DÀI TRUNG BÌNH VỀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PUTLER Ở UKRAINE – NGÀY 3/4/2025 (Phúc Lai GB)

TIN TỔNG HỢP VIỆT NAM & QUỐC TẾ NGÀY 03/04.2025

CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA TRUMP KHIẾN CHỈ SỐ DOW JONES GIẢM 1600 ĐIỂM, ĐỒNG ĐÔLA LAO DỐC (Wall Street Journal)

CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA TRUMP LÀ SAI, NHƯNG NÓ PHẢN ÁNH TÂM TRẠNG HIỆN TẠI (Hubertus Volmer | NTV)

ĐỘNG ĐẤT MANDALAY : NƠI SỰ HOANG TÀN LẤN ÁT CỨU TRỢ ÍT ỎI (Yogita Limaye | Mandalay, Myanmar)

VIỆT NAM PHẢN ỨNG THẾ NÀO TRƯỚC THUẾ QUAN CỦA MỸ? (Trường Sơn / RFA)

ÔNG TRUMP ÁP THUẾ TOÀN CẦU, VIỆT NAM CHỊU 46%, CHỨNG KHOÁN CHÂU Á LAO DỐC (BBC News Tiếng Việt)

HIỂU THẾ NÀO KHI TỔNG THỐNG TRUMP NÓI VIỆT NAM ĐÁNH THUẾ HÀNG MỸ 90%? (BBC News Tiếng Việt)

VIỆT NAM, TẤM BIA THUẾ QUAN (Nhã Duy / Báo Tiếng Dân)

NHẬN DIỆN NHỮNG RỦI RO VỚI KINH TẾ VIỆT NAM 2025 (Phương Anh / The Leader)

ÔNG TẬP CẬN BÌNH THĂM VIỆT NAM : MỤC ĐÍCH CHÍNH LÀ GÌ? (BBC News Tiếng Việt)

BAN ĐẦU CÓ NGÔI LỜI (Trần Gia Huấn | Báo Tiếng Dân)

THẤY GÌ TỪ CUỘC GẶP GỠ CỦA NGƯỜI CÙNG PHE CHIẾN THẮNG (Hồ Phú Bông / Báo Tiếng Dân)

50 NĂM TỪ KHI SÀI GÒN SỤP ĐỔ, VIỆT NAM KHÔNG THỂ HÀN GẮN BẰNG CÁCH XÓA BỎ MỘT NỬA QUÁ KHỨ (Nghia M. Vo - USA Today | Báo Tiếng Dân)

CHAT GPT : NỘI CHIẾN DO Ý THỨC HỆ TÀN KHỐC NHẤT & KHÓ HÒA GIẢI NHẤT (Nghiêm Huấn Từ / Báo Tiếng Dân)

CHAT VỚI AI VỀ HÀNH ĐỘNG ĐÁNH THUẾ 46% CỦA MỸ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA TỪ VIỆT NAM (Thái Hạo | Bauxite Việt Nam)

BÀI MỚI NGÀY 03/04/2025 (Bauxite Việt Nam)

BÀI MỚI NGÀY 03/04/2025 (Báo Tiếng Dân)