Saturday, November 23, 2024

TRIỀU TIÊN GỬI QUÂN GIÚP NGA GÂY HẠI CHO NỖ LỰC CÂN BẰNG CỦA TRUNG QUỐC (VOA News)

 



Triều Tiên gửi quân giúp Nga gây hại cho nỗ lực cân bằng của Trung Quốc

VOA News

23/11/2024

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-gui-quan-giup-nga-gay-hai-no-luc-can-bang-cua-trung-quoc/7874020.html

 

Một số đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh đang thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hành động nhiều hơn nữa để gây sức ép buộc Triều Tiên dừng hoặc đảo ngược việc triển khai quân đội tới Nga, nơi có hơn 10.000 binh lính Triều Tiên đã ra tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

 

https://gdb.voanews.com/F41276E5-1734-40A8-9396-8AC329273B74_w1023_r1_s.jpg

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, phải, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng. (Ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 21/6/2019.)

 

Những lời kêu gọi tại hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước ở Brazil và Peru phản ánh tình thế khó xử mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt khi ông cố gắng cân bằng một cách tinh tế giữa Nga và phương Tây.

 

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Brazil Luis Inacio Lula da Silva tại Brasilia vào ngày 21/11, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi tập hợp “nhiều tiếng nói hòa bình hơn” ở Ukraine. Ông thúc đẩy một sự đồng thuận sáu điểm về Ukraine do Trung Quốc và Brazil đưa ra lần đầu tiên vào tháng 5 năm nay, trong đó nhấn mạnh đến đối thoại và đàm phán dẫn đến một giải pháp chính trị.

 

Trước cuộc gặp song phương tại thủ đô Brazil, các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro và hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima, Peru, nói với ông Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh cần thuyết phục Triều Tiên ngừng gửi thêm quân sang chiến đấu cho Nga.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholtz đã cảnh báo ông Tập Cận Bình vào ngày 19/11 tại G20 rằng việc triển khai quân đội Triều Tiên để chiến đấu chống lại Ukraine đồng nghĩa với việc leo thang chiến tranh.

 

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu ông Tập Cận Bình tại APEC đóng vai trò “xây dựng” trong việc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga. Ông Yoon đã tận dụng các cuộc họp toàn cầu như một cơ hội để củng cố sự lên án của phương Tây đối với mối quan hệ quân sự Bình Nhưỡng-Moscow.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng nói với ông Tập tại APEC rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng và năng lực ngăn chặn xung đột Ukraine mở rộng thông qua sự hiện diện của nhiều binh lính Triều Tiên hơn, cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 17/11.

 

Ông Biden chỉ ra lập trường của Trung Quốc kêu gọi hạ nhiệt xung đột và cho biết sự hiện diện của quân đội Triều Tiên đi ngược lại lập trường đó.

 

Hành động cân bằng

 

Trung Quốc đã miễn cưỡng chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì đã cung cấp quân đội và đạn dược để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảnh báo vào ngày 19/11 rằng Triều Tiên có thể triển khai tới 100.000 quân và Hoa Kỳ ước tính rằng khoảng 11.000 quân Triều Tiên đã được huy động ở khu vực biên giới Kursk của Nga.

 

“Bắc Kinh hiện đang thấy mình trong một tình huống khó khăn”, bà Patricia Kim, một thành viên của Viện Brookings, nơi bà lãnh đạo Dự án Trung Quốc Toàn cầu, nói.

 

“Thật khó chịu khi Triều Tiên ngày càng hợp tác quân sự với Nga, mở rộng sang cả chiến trường Ukraine. Ông Putin hiện đang mang ơn ông Kim, và điều này có thể khiến Bình Nhưỡng mạnh dạn có các hành vi mạo hiểm trong nước vốn có thể gây ra tác động tiêu cực đến Trung Quốc”, bà nói với VOA.

 

“Đồng thời, Bắc Kinh tin rằng họ không thể để Bình Nhưỡng hoặc Moscow xa lánh, đặc biệt là khi khả năng xảy ra đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng khi [Tổng thống đắc cử Donald Trump] trở lại nắm quyền”, bà nói.

 

Mặc dù có sự khó chịu, nhưng không có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ đối đầu với Moscow hay Bình Nhưỡng về việc gửi thêm quân đội Triều Tiên, bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ cho biết.

 

Bà Glaser cho rằng Trung Quốc ít quan tâm đến quân đội Triều Tiên ở Nga hơn là về phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Trung Quốc”.

 

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA hôm 20/11 rằng lập trường của Trung Quốc đối với cả Ukraine và Bán đảo Triều Tiên vẫn “kiên định” và Bắc Kinh đã “nỗ lực hướng tới việc hạ nhiệt tình hình” ở Ukraine.

 

Trong khi im lặng về quân đội Triều Tiên, Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp hàng hóa sử dụng kép mà Nga cần để sản xuất vũ khí. Liên hiệp châu Âu cũng đã cảnh báo Bắc Kinh rằng máy bay không người lái tấn công mà Nga đang sản xuất tại tỉnh Tân Cương của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả.

 

Trung Quốc đã cố gắng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine mà không làm phương Tây tức giận vì lo ngại về bất kỳ phản ứng kinh tế nào có thể gây ra — bao gồm các hạn chế thương mại và các chế tài có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này, các nhà phân tích nói.

 

“Trung Quốc rất giỏi trong việc đóng vai trò” mơ hồ này, “với lịch sử không liên kết của mình, trong khi biết rằng nền kinh tế của mình phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại tốt với Hoa Kỳ và EU”, ông Joseph DeTrani, người từng là đặc phái viên cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sáu bên bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc, từ năm 2003 đến năm 2006, cho biết.

 

“Trung Quốc dường như lưỡng lự không muốn sử dụng đòn bẩy hạn chế của mình với Triều Tiên một phần là do căng thẳng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc”, ông nói.

 

Đồng thời, ông DeTrani cho biết, chủ tịch Trung Quốc sẽ không công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga vì sợ rằng điều đó sẽ làm suy yếu uy tín của chính phủ ông với Nam Bán cầu, nơi ông Tập Cận Bình đang cố gắng “chứng minh rằng hệ thống quản lý của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều so với nền dân chủ tự do ở Hoa Kỳ”.

 

Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã trừng phạt các công ty Trung Quốc vì trực tiếp giúp Nga chế tạo máy bay không người lái tấn công tầm xa. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ ngừng sử dụng vấn đề Ukraine để “bôi nhọ hoặc gây áp lực” lên Trung Quốc.

 

Liên kết chống lại Hoa Kỳ

 

Ông Richard Weitz, nghiên cứu viên cao cấp và giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị-Quân sự tại Viện Hudson, cho biết Trung Quốc coi quan hệ đối tác với Nga quan trọng hơn bất kỳ bất đồng nào mà họ có về Triều Tiên.

 

Trung Quốc không “muốn gây hấn với Nga” về vấn đề Triều Tiên, ông nói.

 

“Bất chấp những bất đồng của họ về các vấn đề cụ thể”, bao gồm cả Triều Tiên, “về cơ bản họ liên kết trên toàn cầu chống lại Hoa Kỳ và trật tự phương Tây. Vì vậy, họ sẽ không để những bất đồng cụ thể này về các vấn đề hẹp hơn cản trở sự liên kết toàn cầu đó”, ông Weitz nói.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết tại một cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào ngày 18/11 rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, theo hãng thông tấn Nga TASS.

 

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa Moscow và Bắc Kinh tại các tổ chức quốc tế, bao gồm Liên hiệp quốc, BRICS và G20, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 19/11.

 

“Bằng cách không lên án hành động xâm lược của Nga, Trung Quốc đã vứt bỏ mọi tuyên bố trung lập”, ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói.

 

“Tuy nhiên, không có khả năng Bắc Kinh tin rằng hợp tác quân sự Nga-Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên [Triều Tiên] là có lợi cho mình. Nếu như Trung Quốc đã phản đối mối quan hệ đối tác này, thì chuyện đó dường như không gây nhiều ảnh hưởng đến ông Putin hoặc ông Kim.”

 

 

 




CHIẾN TRANH UKRAINA LẬT SANG TRANG MỚI? (Phan Minh / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina lật sang trang mới ?

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 22/11/2024 - 14:00  -  Sửa đổi ngày: 22/11/2024 - 15:55

 https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20241122-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-sang-trang-m%E1%BB%9Bi

 

Chiến tranh Ukraina, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã thủ tướng và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Israel là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay 22/11/2024.

 

HÌNH :

Một khẩu pháo Msta-S của Nga khai hỏa về phía các vị trí của Ukraina từ một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 19/11/2024. AP

 

Trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa "Nga đe dọa hạt nhân Ukraina". Sau khi Washington bật đèn xanh cho Kiev phóng tên lửa tầm xa ATACMS vào lãnh thổ Nga, tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi của mình. Ngày 21/11, chính quyền Kiev cáo buộc Kremlin lần đầu tiên phóng một tên lửa liên lục địa vào Ukraina. Phải chăng cuộc chiến đã bước sang giai đoạn mới ? Tên lửa nào đã thắp sáng bầu trời Dnipro vào sáng sớm hôm qua ? Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tố cáo "nước láng giềng điên rồ của chúng ta lại một lần nữa cho thấy bộ mặt thực sự của họ". Phía Nga không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận đã phóng tên lửa này, có tầm bắn rất xa và có thể mang được đầu đạn hạt nhân.

 

Các nước phương Tây vẫn tỏ ra hết sức thận trọng. Theo một quan chức Mỹ, trả lời AFP, Nga dường như muốn "dọa dẫm Ukraina và các quốc gia hỗ trợ Kiev, hoặc muốn thu hút sự chú ý, bằng cách sử dụng loại vũ khí này, nhưng điều này sẽ không thay đổi cục diện cuộc xung đột". Mặc dù "cục diện không thay đổi", song sự kiện này chắc chắn cho thấy căng thẳng đang thực sự leo thang. Việc Nga phóng tên lửa đạn đạo vào Dnipro có thể được coi là "hành động đáp trả" của nước này trong cuộc đối đầu với Ukraina và đồng minh, đồng thời là một nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo, sau khi Hoa Kỳ và Anh Quốc lần lượt cho phép Ukraina sử dụng ATACMS và Storm Shadow để tấn công Nga. Điện Kremlin cũng đã nhiều lần khẳng định sẽ coi việc các nước bật đèn xanh cho Ukraina sử dụng tên lửa của họ là "hành động can thiệp chưa từng có" của phương Tây vào cuộc chiến.

 

 

Chiến tranh Ukraina : Cư dân Kiev đối mặt với mùa đông băng giá

 

Vẫn về chiến tranh Ukraina, nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất chú ý đến hàng nghìn người phải trú ẩn trong hệ thống tàu điện ngầm vào chiều hôm qua, sau khi báo động phòng không vang khắp Kiev đang ngập trong tuyết. Trên những bậc thang dẫn xuống hầm trú ẩn dưới lòng đất, có hai người đang chơi cờ. Xa hơn một chút, nhiều học sinh đang kiên nhẫn ngồi chờ cho đến khi báo động được tắt. Đằng sau họ, các nhân viên của McDonald’s cũng đã xuống hầm. Trong suốt một tuần qua, cư dân của thủ đô Ukraina đã lấy lại thói quen xuống tàu điện ngầm mỗi khi còi báo động vang lên, trong bối cảnh xung đột giữa Ukraina và Nga ngày càng leo thang.

 

Tại Kiev, chính quyền đang cố gắng trấn an dư luận và không ngần ngại chỉ trích mạnh mẽ các quốc gia đã quyết định đóng cửa đại sứ quán trong tuần qua, kêu gọi "không nuôi dưỡng bầu không khí căng thẳng" mà Matxcơva đã gieo rắc và duy trì trong nhiều ngày qua. Ngoại trưởng Ukraina Andriy Sybiha, hôm 19/11, đã kêu gọi các đồng minh "giữ bình tĩnh, giữ đầu óc sáng suốt và không đầu hàng trước nỗi sợ hãi". Dân biểu Ukraina Andriy Osadchuk thì nhấn mạnh "Putin có tư tưởng của một tên côn đồ. Nếu mọi người cúi đầu trước những lời đe dọa, hắn sẽ lấn tới. Nếu mọi người phản ứng mạnh mẽ, hắn sẽ không dám quá trớn".

 

ICC truy nã các lãnh đạo Israel

 

Sáu tháng và một ngày là thời gian mà ba thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cần để ra phán quyết về hồ sơ nhạy cảm nhất trong lịch sử của tổ chức này. Trang nhất của tờ Libération đặt câu hỏi có nên phát lệnh bắt giữ thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Gallant về những hành động của họ ở dải Gaza, như yêu cầu của công tố viên ICC Karim Khan vào ngày 20/05 ? Câu trả lời là có, sau khi các thẩm phán của phòng sơ thẩm của tòa án, Nicolas Guillou, Reine Alapini-Gansou và Beti Hohler đã ra phán quyết trên vào hôm qua. Họ cũng đã phát lệnh bắt giữ Mohammed Deif, thủ lĩnh quân sự của tổ chức Hamas tại Gaza, người bị Israel tuyên bố là đã chết. Tuy nhiên, ICC không phát lệnh bắt giữ hai thành viên khác của phong trào Palestine, Yahya Sinwar và Ismaïl Haniyeh, vì cái chết của họ đã được xác nhận.

 

Theo nhật báo thiên tả, lệnh bắt giữ các lãnh đạo Israel đã được xếp vào loại "bí mật" để "bảo vệ các nhân chứng và bảo đảm tiến trình điều tra diễn ra thuận lợi". Theo ICC, Netanyahu và Gallant đã sử dụng nạn đói như vũ khí chiến tranh và cố tình ngăn cản viện trợ nhân đạo đến Gaza với số lượng đủ dùng trong giai đoạn từ 08/10/2023, một ngày sau các cuộc tấn công khủng bố của Hamas nhắm vào Israel, cho đến "ít nhất" ngày 20/05/2024.

 

Tuyên bố của ICC "ghi nhận việc Israel cố ý gây ra tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nước, điện và nhiên liệu, dẫn đến cái chết của thường dân ở Gaza, đặc biệt là trẻ em, do suy dinh dưỡng và mất nước". Tòa án cũng khẳng định các bị cáo đã "cố tình ngăn cản việc đưa thiết bị y tế và thuốc men vào dải đất này, khiến các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cho những người bị thương, kể cả trẻ em, mà không có thuốc hay thiết bị gây mê và/hoặc đã buộc phải sử dụng các phương pháp không phù hợp và nguy hiểm để làm cho bệnh nhân bất tỉnh, khiến những người này phải chịu sự đau đớn tột cùng".

 

 

Liên Âu có đối sách gì trước việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng ?

 

Về quan hệ Hoa Kỳ-Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhật báo Le Monde dành trang nhất quan tâm đến đối sách của lục địa già trong bối cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 01/2025. Mặc dù chưa công bố chi tiết về chính sách sẽ áp dụng đối với EU, nhưng nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của nhà tỷ phú đã gây ra nhiều căng thẳng.

 

Về mặt kinh tế, Trump dự định áp thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa từ Châu Âu, đặc biệt là ô tô Đức. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề cập đến khả năng thay thế khí đốt Nga bằng khí đốt tự nhiên từ Mỹ để giảm bớt căng thẳng. Một số nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng có thể giảm thiểu thiệt hại nếu Donald Trump chọn giải pháp đàm phán.

 

Liên Âu có thể tăng cường mua sắm vũ khí của Mỹ, và điều này sẽ đáp ứng ưu tiên về mặt an ninh của các quốc gia như Ba Lan, đồng thời giải quyết mối quan tâm thương mại của Đức. Tuy nhiên, EU cũng phải xem xét lại về mối quan hệ với Trung Quốc. Donald Trump, giống như người tiền nhiệm Joe Biden, muốn Liên Âu cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Mặc dù một số quốc gia Châu Âu, đặc biệt là Đức, không muốn mối quan hệ thương mại với Trung Quốc suy giảm, song EU gần đây đã áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc.

 

Đối mặt với những thách thức này, các nước thành viên Liên Âu dường như vẫn chia rẽ. Một số quốc gia, như Pháp, bày tỏ lập trường cứng rắn với Hoa Kỳ, trong khi Đức và nhiều quốc gia khác chọn cách tiếp cận êm dịu hơn. Những tháng sắp tới sẽ quyết định xem liệu khối EU có thể duy trì sự đoàn kết khi đối mặt với chính sách của Donald Trump ?! Nếu nhà tỷ phú quyết định gia tăng cuộc chiến thương mại, Liên Âu sẽ không những chỉ phải giải quyết các mối bất đồng trong quan hệ nội bộ mà còn phải tìm được tiếng nói chung nhằm phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên để tránh leo thang căng thẳng với Washington.

 

 

Mỹ : Elon Musk – ông trùm về "đổi mới"

 

Vẫn về Hoa Kỳ, trang nhất và bài xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến tầm ảnh hưởng của nhân vật giàu nhất thế giới, Elon Musk, đối với những chính sách mà chính quyền Trump sẽ đưa ra trong tương lai. Về mặt kinh tế, Washington vốn đã có nhiều lợi thế, nhưng hiện đang tìm cách củng cố vị thế bằng những đột phá mới. Nhà tỷ phú Elon Musk, được tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm vào nội các tương lai, đã chỉ trích mạnh mẽ bộ máy hành chính liên bang khổng lồ mà ông coi là một rào cản đối với sự sáng tạo. Đối với Elon Musk, các cơ quan chính phủ phụ trách các lĩnh vực như dược phẩm, trí tuệ nhân tạo, môi trường, tài chính, thực phẩm và không gian đã trở thành những trở ngại đối với sự sáng tạo và động lực của các doanh nhân. Chủ nhân của Tesla nhận định triết lý mới của Mỹ nên hướng đến việc các doanh nghiệp cần có thể sáng tạo một cách tự do mà không cần chờ đợi sự chấp thuận từ chính phủ.

 

Nếu Hoa Kỳ muốn thống trị các ngành công nghiệp tương lai như trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử, xe tự lái, công nghệ sinh học hoặc không gian mới, Washington cần tạo ra một môi trường thuận lợi mà các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này không phải là điều đơn giản, bởi ông Musk có thể vấp phải "sự kháng cự" của bộ máy hành chính và những cuộc chiến pháp lý, đặc biệt trong một quốc gia mà vai trò của các luật sư không hề nhỏ. Đối mặt với những thách thức này, dường như Elon Musk vẫn tự tin có thể biến Hoa Kỳ thành một thiên đường thực sự cho việc nghiên cứu và phát triển.

 

 

Gladiator II bị chê nhiều hơn khen

 

Để khép lại mục điểm báo hôm nay, RFI xin nói về bộ phim Gladiator II mới ra rạp, khiến khán giả có những phản ứng trái ngược nhau. 24 năm sau thành công vang dội của Gladiator I, với cái chết của võ sĩ giác đấu Maximus, con trai ông là Lucius, quay trở lại đấu trường La Mã. Tuy nhiên, lịch sử bị bóp méo trong phần hai khi Libération nhận thấy có rất nhiều sai sót, như việc Colisée không thể tổ chức những trận thủy chiến, hay việc công chúa Lucilla vẫn sống sót sau cái chết của em trai Commode.

 

Bộ phim chủ yếu khai thác hình ảnh mang tính hư cấu về Roma cổ đại, chứ không tái hiện trung thực các sự kiện lịch sử. Thực tế, Roma trong Gladiator II gần như không thay đổi sau một phần tư thế kỷ. Bạo lực vẫn hiện diện trong các trận chiến của các võ sĩ, đôi khi biến thành những cuộc tàn sát "vô căn cứ" giữa con người và động vật, với những cảnh tượng không thực tế như sự xuất hiện của tê giác và cá mập trong đấu trường.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

VLADIMIR PUTIN - CHIẾN TRANH UKRAINA

Vladimir Putin : Chiến tranh Ukraina đã mang tính « toàn cầu »

 

 

 





VLADIMIR PUTIN : CHIẾN TRANH UKRAINA ĐÃ MANG TÍNH "TOÀN CẦU" (Thanh Hà / RFI)

 



Vladimir Putin : Chiến tranh Ukraina đã mang tính « toàn cầu »

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 22/11/2024 - 11:17

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241122-vladimir-putin-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-%C4%91%C3%A3-mang-t%C3%ADnh-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u

 

Xung đột Ukraina đã « mang tính toàn cầu » và Matxcơva « không loại trừ khả năng tấn công » các nước cung cấp vũ khí cho Kiev xâm hại lãnh thổ Nga. Phát biểu hôm qua 21/11/2024 tổng thống Vladimir Putin tuyên bố như trên đồng thời xác nhận tên lửa Nga nhắm vào thành phố Dnipro là loại vũ khí được chế tạo để mang theo đầu đạn hạt nhân.

 

HÌNH :

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với quốc dân, từ điện Kremlin, Matxcơva, ngày 21/11/2024. © Kremlin.ru / Handout via REUTERS

 

Trong bài phát biểu trên đài truyền hình dài 10 phút tổng thống Vladimir Putin tố cáo Ukraina dùng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh bắn vào lãnh thổ Nga. Hai mục tiêu mà Ukraina nhắm tới là các cơ sở quân sự của Nga ở vùng Briansk và Kursk nhưng điện Kremlin khẳng định Kiev đã « thất bại » khi nhắm tới cả hai mục tiêu này. Với giọng điệu cứng rắn Vladimir Putin cho rằng một khi mà tên lửa nước ngoài cung cấp cho Ukraina để tấn công lãnh thổ Nga thì cuộc « xung đột đã mang tính toàn cầu ». Do vậy, Matxcơva cảnh báo là hoàn toàn « có quyền sử dụng vũ khí để nhắm tới các cơ sở quân sự của những nước cho phép Ukraina dùng vũ khí của họ tấn công các cơ sở của Nga ».

 

Theo thông tín viên Anissa El Jabri phân tích thêm về giọng điệu cứng rắn của tổng thống Vladimir Putin trong phát biểu hôm qua :

 

Vladimir Putin muốn bắt mọi người phải chú ý về tầm mức quan trọng những phát biểu của ông. Chính vì thế mà về mặt hình thức, thông báo chỉ kéo dài vài chục giây trước khi ông xuất hiện trên các đài truyền hình. Nguyên thủ Nga ngồi ở bàn làm việc, sau lưng là quốc kỳ Nga. Cách dàn cảnh này chỉ được dành cho những thời khắc nghiêm trọng. Thí dụ như hồi tháng 2 năm 2022 khi ông thông báo khởi động chiến tranh Ukraina, hay vào tháng 9 cùng năm lúc mà tổng thống Putin ban hành lệnh tuyển lính dự bị và thông báo sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraina. Tương tự như vậy tháng 6/2023 khi Vladimir Putin lên tiếng về cuộc nổi dậy của Evgueni Prigogjine, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự. Mọi người hiểu rằng chính quyền Nga muốn tạo dấu ấn trong công luận nước này cũng như các đối thủ của Nga rằng đây là thời điểm then chốt của cuộc chiến tranh. Điện Kremlin muốn tạo ra sự sợ hãi, gia tăng áp lực với Ukraina và các đồng minh của Kiev, nhất là Hoa Kỳ và muốn đặt mọi người trước một sự lựa chọn rất phũ phàng : chiến tranh toàn diện hay chấm dứt cuộc chiến này theo các điều kiện do Matxcơva áp đặt. Chiến tranh toàn diện có nghĩa là nước Nga sẽ thi hành điều mà chính Vladimir Putin từng đe dọa hồi tháng 6/2024. qua tuyên bố : « Chúng tôi quan niệm có quyền sử dụng vũ khí để tấn công các cơ sở quân sự của những quốc gia nào cho phép dùng vũ khí của họ để nhắm vào những cơ sở của nước Nga. Trong trường hợp những hành vi thù nghịch nhắm vào nước Nga gia tăng, chúng tôi sẽ đáp trả một cách tương xứng ».

 

Điện Kremlin đã ghi nhận về những tranh cãi tại các nước phương Tây liên quan đến những lằn răng đỏ dù là thực hay ảo của Nga. Đương nhiên đó là mục tiêu của tổng thống Putin : ông muốn tận dụng thời cơ này để nhấn mạnh trở lại đến khả năng răn đe của nước Nga mà theo ông, có thể là chưa đủ mạnh.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Lần đầu tiên, Nga tấn công Ukraina bằng tên lửa liên lục địa

 

PHÂN TÍCH

Cho Ukraina tấn công Nga bằng ATACMS : Biden đẩy chính quyền Trump vào thế khó ?

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Matxcơva chưa phản ứng chính thức về vụ Ukraina dùng tên lửa Storm Shadow tấn công Nga







THỰC HƯ VỀ PHI ĐẠN NGA ĐÃ SỬ DỤNG TẤN CÔNG THÀNH PHỐ DNIPRO (Thanh Hà / RFI)

 



Thực hư về tên lửa Nga đã sử dụng tấn công thành phố Dnipro

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 22/11/2024 - 13:14

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241122-th%E1%BB%B1c-h%C6%B0-v%E1%BB%81-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-nga-%C4%91%C3%A3-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-dnipro

 

Vào lúc tổng thống Nga thừa nhận đã huy động tên lửa siêu thanh đời mới để tấn công vào một nhà máy quân sự của Ukraina và cho biết đó là Orechnik, một loại « tên lửa được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân », vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh loại hỏa tiễn này.

 

HINH :

Hỏa hoạn bùng lên tại một địa điểm ở Dnipro, Ukraina, bị trúng tên lửa của Nga, ngày 21/11/2024. © Press service of the State Emergency Service of Ukraine in Dnipropetrovsk region/Handout via REUTERS

 

Hôm 21/2024, trong những thông báo đầu tiên, Kiev cho biết thành phố Dnipro, miền trung Ukraina bị « một tên lửa đạn đạo liên lục địa, không mang đầu đạn hạt nhân » tấn công. Ngay sau đó, một nguồn tin quân sự Hoa Kỳ điều chỉnh lại rằng đây là « tên lửa tầm trung còn trong giai đoạn thử nghiệm ». Lý do : trên nguyên tắc, tên lửa liên lục địa có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, mà Dnipro không cách xa các căn cứ quân sự của Nga đến như vậy.

 

Về tên gọi loại vũ khí được sử dụng hôm qua để nhắm tới Ukraina, nếu như tổng thống Vladimir Putin xác nhận tên lửa Orechnik đã được dùng để nhắm tới Dnipro, giới quan sát, được các hãng thông tấn quốc tế trích dẫn, thiên về khả năng đây là tên lửa RS -26-Rubezh, mà về mặt lý thuyết chương trình phát triển đã dừng lại từ năm 2018.

 

Một cơ quan tình báo Anh, được AFP trích dẫn, cho rằng « về mặt chính thức, Matxcơva chưa bao giờ xác nhận khai tử chương trình phát triển tên lửa RS-26 » Theo một chuyên gia của đại học Oslo, có lẽ tổng thống Putin có một sự chọn lựa khác cho tương lai của các chương trình liên quan đến loại vũ khí này. RS-26-Rubezh được phát triển trên cơ sở sử dụng đến 90 % công nghệ và phụ tùng được dùng cho loại tên lửa RS-26. Chuyên gia Pháp thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, Héloise Fayet, cũng tin rằng tên lửa vừa nhắm tới Dnipro hôm qua là dòng RS-26.

 

Stéphane Audran, chuyên gia về quân sự của Pháp, nhắc lại : tên lửa dòng RS -26 có khả năng mang theo « nhiều đầu đạn », mà mỗi đầu đạn có thể nhắm vào một nơi, và nếu có mang theo đầu đạn hạt nhân, thì mỗi đơn vị có sức công phá « lớn gấp 10 lần so với quả bom đã thả xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945 ».

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

VLADIMIR PUTIN - CHIẾN TRANH UKRAINA

Vladimir Putin : Chiến tranh Ukraina đã mang tính « toàn cầu »

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Lần đầu tiên, Nga tấn công Ukraina bằng tên lửa liên lục địa

 

 

 

 

 

 



LẦN ĐẦU TIÊN, NGA TẤN CÔNG BẰNG PHI ĐẠN LIÊN LỤC ĐỊA (Thu Hằng / RFI)

 



Lần đầu tiên, Nga tấn công Ukraina bằng tên lửa liên lục địa

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 21/11/2024 - 13:39  -  Sửa đổi ngày: 21/11/2024 - 15:04

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241121-l%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-nga-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-ukraina-b%E1%BA%B1ng-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-li%C3%AAn-l%E1%BB%A5c-%C4%91%E1%BB%8Ba

 

Liệu Matxcơva bắt đầu trả đũa Kiev vì dùng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngày 21/11/2024, lần đầu tiên, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sang Ukraina.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa: Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars được phô diễn trong lễ duyệt binh nhân Ngày Chiến Thắng ở Matxcơva. AFP - TATYANA MAKEYEVA

 

Sáng sớm 21/11, Nga đã phóng rất nhiều loại tên lửa vào thành phố Dnipro, miền trung Ukraina, nhắm vào các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong một thông cáo, không quân Ukraina nhấn mạnh đến « một tên lửa đạn đạo liên lục địa được phóng từ vùng Astrakhan (giáp biển Caspi) ở Liên bang Nga ».

 

Lực lượng phòng không Ukraina cho biết đã bắn hạ 6 tên lửa Nga nhưng không nêu rõ bắn hạ được tên lửa ICBM hay không. Trận oanh kích của Nga đã phá hủy một trung tâm phục hồi chức năng, một nhà máy và nhiều ngôi nhà, có hai người bị thương ở thành phố Dnipro.

 

Một nguồn tin trong không quân Ukraina xác nhận với AFP rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi điện Kremlin phát động cuộc xâm lược, quân đội Nga sử dụng loại vũ khí này. Tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế để cùng lúc mang được nhiều đầu đạn quy ước và hạt nhân nhưng lần này không mang hạt nhân.

 

Khi được hỏi về việc Matxcơva phóng tên lửa liên lục địa có thể nhắm đến các mục tiêu cách xa vài nghìn km, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết « không có gì để nói về chủ đề này ».

 

Nga và Ukraina đã gia tăng sử dụng tên lửa tầm xa trong những ngày gần đây. Ngay sau khi Washington cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga, chính quyền Luân Đôn cũng bật đèn xanh đối với tên lửa Storm Shadow cho Kiev.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Matxcơva đe dọa đáp trả vụ Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga

 

NGA - TẬP TRẬN VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Nga tập trận tên lửa hạt nhân liên lục địa

 

 

 




PUTIN SẼ LÀM GÌ TIẾP THEO? (Steve Rosenberg / BBC News)

 



Putin sẽ làm gì tiếp theo?

Steve Rosenberg

Biên tập viên về Nga

22 tháng 11 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvg4jkg305go  

 

“Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?”

 

Đây là câu hỏi mà tôi đã được hỏi rất nhiều trong tuần này.

 

Đó là điều dễ hiểu.

 

Suy cho cùng, đây là tuần mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin đã hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.

 

Đây là tuần mà Mỹ và Vương quốc Anh đã vượt qua (một) lằn ranh đỏ khác của Putin khi cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga.

 

Đây cũng là tuần mà Tổng thống Putin, trên thực tế, đã đe dọa Anh, Mỹ và bất kỳ quốc gia nào khác cung cấp vũ khí như vậy cho Ukraine và vì mục đích như vậy (tấn công vào lãnh thổ Nga).

 

“Chúng tôi tự cho mình quyền sử dụng vũ khí của mình để tấn công các căn cứ quân sự của những quốc gia đã cho phép sử dụng vũ khí của họ để chống lại các cơ sở của chúng tôi,” nhà lãnh đạo Nga phát biểu trước toàn quốc vào tối 21/11.

 

Do đó, “Vladimir Putin sẽ làm gì tiếp theo?” có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất lúc này. Và, vì tôi là biên tập viên về nước Nga của BBC, bạn có thể mong đợi tôi có câu trả lời.

 

Tôi sẽ nói thành thật rằng tôi không có.

 

Có lẽ ngay cả Putin cũng không biết câu trả lời, điều này khiến mọi thứ trở nên đáng lo ngại hơn.

 

Thay vì câu trả lời, tôi sẽ đưa ra một số quan sát.

 

Chấp nhận leo thang

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e0bd/live/f6f67740-a8b1-11ef-8ab9-9192db313061.jpg.webp

Xe phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đi qua Quảng trường Đỏ tại Moscow vào tháng 5/2023

 

Tuần này, Điện Kremlin cáo buộc "toàn bộ phương Tây" đã làm leo thang chiến tranh ở Ukraine.

 

Nhưng gần ba năm chiến tranh tại Ukraine đã cho thấy rằng chính Vladimir Putin là người chấp nhận leo thang như một phương tiện để đạt được mục tiêu của mình - trong trường hợp này là kiểm soát Ukraine hoặc ít nhất là hòa bình theo các điều khoản của Nga.

 

Cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, quyết định tuyên bố bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là một phần của Nga, việc triển khai quân đội Triều Tiên đến tỉnh Kursk, quyết định tấn công vào ngày 21/11 tới thành phố Dnipro của Ukraine bằng một tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung đời mới, lời đe dọa tấn công phương Tây - tất cả đều đại diện cho những mốc leo thang trong cuộc xung đột này.

 

Tôi đã từng mô tả Vladimir Putin như một chiếc xe không có số lùi và không có phanh, lao vút trên đường cao tốc khi chân ga thì bị kẹt.

 

Theo những gì tôi thấy thì tới nay chẳng có gì thay đổi cả.

 

Đừng nên mong đợi cỗ xe Putin đột nhiên giảm tốc hoặc hạ nhiệt ngay bây giờ, nhất là khi các tên lửa tầm xa đã được bắn vào nước Nga.

 

Dù thế, leo thang là một vấn đề khác nữa. Và khả năng này thì ngày càng rõ rệt.

 

Ukraine sẽ hứng chịu nhiều cuộc tấn công từ Nga hơn, thậm chí là các cuộc oanh tạc dữ dội hơn.

 

Các chính phủ phương Tây sẽ đánh giá mức độ đe dọa dựa trên cảnh báo của Putin.

 

Ngay cả trước bài phát biểu trên truyền hình của nhà lãnh đạo Điện Kremlin, phương Tây đã lo ngại về sự gia tăng chiến tranh hỗn hợp của Nga.

 

Tháng trước, người đứng đầu MI5 (cơ quan tình báo, phản gián của Anh quốc) đã cảnh báo rằng tình báo quân sự Nga đã tham gia vào một chiến dịch nhằm "gây hỗn loạn trên các đường phố Anh quốc và châu Âu".

 

"Chúng tôi đã chứng kiến ​​hành vi đốt phá, phá hoại và nhiều hành vi khác nữa," ông nói thêm.

 

Trước đó vào tháng 6/2024, Putin đã gợi ý rằng Moscow có thể trang bị vũ khí cho các kẻ thù của phương Tây nếu Ukraine được phép tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

 

"Chúng tôi tin là nếu ai đó nghĩ rằng có thể cung cấp những vũ khí như vậy đến một vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây ra vấn đề cho chúng tôi thì tại sao chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cùng loại cho những khu vực trên thế giới nơi họ sẽ nhắm vào các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia đang làm điều này với Nga?" ông nói.

 

Lựa chọn hạt nhân

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a67f/live/9159a420-a8b6-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Tên lửa hạt nhân Yars của Nga

 

Câu hỏi "Putin sẽ làm gì tiếp theo?" thường đi kèm với "Liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine không?".

 

Tổng thống Nga đã nói bóng gió một cách khá rõ ràng.

 

Khi tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình - cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - ông ta đã đưa ra lời cảnh báo cho "những người có thể bị thôi thúc muốn can thiệp từ bên ngoài".

 

"Bất kể ai cố gắng cản đường chúng tôi hoặc tạo ra mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, họ phải biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức," nhà lãnh đạo Điện Kremlin tuyên bố.

 

“Và hậu quả sẽ là điều mà các người chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình.”

 

Các nhà lãnh đạo phương Tây thường bác bỏ những gì họ coi là sự đe dọa hạt nhân. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các chính phủ phương Tây đã vượt qua một số "lằn ranh đỏ" của Nga, như cung cấp cho Ukraine xe tăng, hệ thống tên lửa tiên tiến và sau đó là chiến đấu cơ F-16.

 

"Hậu quả" mà Điện Kremlin đe dọa đã chưa bao giờ thành hiện thực.

 

Vào tháng 9/2024, Putin tuyên bố ông sẽ hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân - điều đã được thông qua tuần này. Đó là lời cảnh báo rõ ràng đến châu Âu và Mỹ rằng không được cho phép các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.

 

Bây giờ, lằn ranh đỏ này cũng đã bị vượt qua. Trong bài phát biểu trước toàn dân, Putin đã xác nhận các báo cáo của phương Tây rằng Ukraine đã bắn tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất vào các mục tiêu bên trong nước Nga.

 

Đầu tuần này, khi tờ báo lá cải Moskovsky Komsomolets thân Điện Kremlin hỏi một trung tướng đã nghỉ hưu rằng Nga nên phản ứng thế nào trước cuộc tấn công ATACMS vào tỉnh Bryansk, ông đã trả lời:

 

“Khởi động Thế chiến III chỉ vì các cuộc tấn công vào một kho vũ khí ở tỉnh Bryansk có lẽ là thiển cận.”

 

Sẽ thật yên bình nếu Điện Kremlin cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

 

Nhưng bài phát biểu của Vladimir Putin trước toàn dân không cho thấy điều đó.

 

Thông điệp của ông gửi đến những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây có vẻ như là: đây là một lằn ranh đỏ mà tôi rất coi trọng, tôi thách các vị vượt qua nó.

 

"Ngay cả Putin cũng không biết liệu ông ấy có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Điều đó phụ thuộc vào cảm xúc của ông ấy," Andrei Kolesnikov, nhà bình luận của tờ Novaya Gazeta, nói với tôi gần đây.

 

"Chúng ta biết ông ấy là người cảm tính. Quyết định bắt đầu cuộc chiến này cũng là một bước đi đầy cảm tính. Vì vậy, chúng ta phải nghiêm túc xem xét mục đích của ông ấy về việc thay đổi học thuyết hạt nhân. Họ nói rằng nỗi sợ chiến tranh phải quay trở lại để kiềm chế cả hai bên, nhưng đây cũng là một công cụ leo thang.

 

Theo cách diễn giải này, chúng ta phải thừa nhận rằng Putin, trong một số trường hợp, có thể sử dụng ít nhất một vũ khí hạt nhân chiến thuật trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế. Nó sẽ không giải quyết được vấn đề. Nhưng nó sẽ là khởi đầu cho một cuộc leo thang mang tính tự sát đối với toàn thế giới."

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn nhỏ được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hoặc trong một cuộc tấn công hạn chế.

 

 

Nhân tố Trump

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f73b/live/fc011ba0-a8b6-11ef-a4fe-a3e9a6c5d640.jpg.webp

Tổng thống đắc cử Donald Trump

 

Vladimir Putin có thể hành động theo cảm xúc. Rõ ràng ông ta bị thôi thúc bởi cơn giận đối với phương Tây và quyết tâm không lùi bước của mình.

 

Nhưng ông ta cũng biết thế giới có thể sớm trở thành một nơi rất khác.

 

Trong hai tháng nữa, Joe Biden sẽ rời nhiệm sở và Donald Trump vào Nhà Trắng.

 

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về viện trợ quân sự mà nước này dành cho Ukraine cũng như chỉ trích dữ dội NATO.

 

Gần đây, ông ta cũng khẳng định nói chuyện với Vladimir Putin sẽ là "một điều khôn khéo".

 

Tất cả những điều ấy hẳn sẽ làm Putin vui.

 

Điều đó nghĩa là, bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo mới nhất, Điện Kremlin có thể quyết định không leo thang căng thẳng ngay bây giờ.

 

Tức là, nếu Điện Kremlin tin rằng Donald Trump giúp chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Nga thì sẽ không có leo thang.

 

Nếu niềm tin đó thay đổi, thì phản ứng của Moscow cũng có thể đổi thay.

 

-----------------

TIN LIÊN QUAN

 

Đến lượt tên lửa Anh-Pháp được bắn vào Nga

21 tháng 11 năm 2024

.

'Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào Nga', chuyện gì tiếp theo?

20 tháng 11 năm 2024

.

Kim Jong-un thúc giục Triều Tiên cải thiện năng lực quân sự, sẵn sàng cho chiến tranh

19 tháng 11 năm 2024

.

Tổng thống Belarus trả lời BBC về thông tin lính Triều Tiên ở Ukraine

24 tháng 10 năm 2024

 






PHÁP & ANH CAM KẾT KHÔNG ĐỂ PUTIN "ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU" TẠI UKRAINA (Trọng Thành / RFI)

 



Pháp và Anh cam kết không để Putin « đạt được mục tiêu » tại Ukraina

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 22/11/2024 - 13:22

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241122-ph%C3%A1p-v%C3%A0-anh-cam-k%E1%BA%BFt-kh%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%83-putin-%C4%91%E1%BA%A1t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-t%E1%BA%A1i-ukraina

 

Sau vụ Nga dùng tên lửa đạn đạo tấn công Ukraina, hôm qua, 21/11/2024, ngoại trưởng Pháp và Anh đồng ký tên vào một phát biểu chung, lên án nỗ lực của nhà cầm quyền Nga « hủy diệt kiến trúc an ninh (quốc tế) đã bảo đảm nền hòa bình kéo dài nhiều thế hệ », đưa thế giới trở lại kỉ nguyên lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.

 

HÌNH :

Một vụ nổ tại Kiev do bị Nga tấn công bằng drone, ngày 03/11/2024. REUTERS - Gleb Garanich

 

Trong bài phát biểu, đăng tải trên trang mạng báo Le Figaro, ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Anh David Lammy cam kết cùng các đồng minh « triển khai mọi nỗ lực cần thiết để giúp Ukraina có được vị thế thuận lợi nhất, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững ».

 

NATO tiếp tục hậu thuẫn Kiev 

 

Tối hôm qua, 21/11/2024, NATO ra một thông báo nhấn mạnh việc Nga sử dụng « tên lửa đạn đạo tầm trung » chống lại Ukraina « sẽ không làm thay đổi tiến trình xung đột cũng như quyết tâm của các đồng minh NATO hậu thuẫn Kiev ». AFP hôm nay 22/11, cho hay theo một số nguồn tin ngoại giao, NATO và Ukraina có cuộc họp cấp đại sứ tại Bruxelles vào ngày 26/11, để bàn về cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh của Nga, theo đề nghị của Kiev.

 

Về phản ứng từ Ukraina, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết cụ thể :

 

« Ngày thứ Tư 20/11, nhiều sứ quán tại Kiev đóng cửa với thông báo đã nhận được thông tin về một cuộc oanh kích lớn và ngay tức khắc tại Ukraina. Việc Matxcơva hôm qua sử dụng một loại tên lửa mới để tấn công thành phố Dnipro dường như đã xác nhận các lo ngại này có cơ sở.

 

Tổng thống Ukraina lên án cuộc tấn công mới : ‘‘Hôm nay, kẻ láng giềng điên rồ của chúng ta một lần nữa đã cho thấy bộ mặt thật của mình, cho thấy nhà cầm quyền Nga sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá, tự do và quyền sống của mọi người như thế nào, và cũng cho thấy họ sợ hãi đến mức nào, khi phải sử dụng các loại tên lửa mới như vậy.’’

 

Ukraina thoạt tiên nói đến việc Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng giờ đây Kiev chỉ nói đến tên lửa tầm trung, tương tự như các đồng minh, trong khi chờ đợi thẩm định của các chuyên gia. 

 

Tổng thống Ukraina nói : Putin tìm kiếm vũ khí khắp nơi trên thế giới. Đôi lúc ở Iran, đôi lúc ở Bắc Triều Tiên, và giờ đây là tên lửa mới này, có các đặc tính giống với tên lửa liên lục địa, về các chỉ số như tốc độ, độ cao. Các điều tra vẫn đang diễn ra. Nhưng rõ ràng là Putin đang sử dụng Ukraina như một thao trường. Điều rõ ràng là ông ta sợ hãi khi chứng kiến cuộc sống bình thường đang diễn ra quanh mình, khi tất cả mọi người đơn giản là muốn sống có phẩm giá. 

 

Ngày 21/11 là ngày Tự Do và Phẩm Giá tại Ukraina, kỉ niệm các cuộc cách mạng 2004 và 2013, khi người dân nổi dậy chống lại sự cai trị của Nga. Bất chấp các cuộc tấn công gần như hàng ngày của Matxcơva, dân chúng tại đây không chấp nhận từ bỏ ước mơ về một nước Ukraina độc lập, hội nhập với châu Âu. »

 

 

Nga thông báo với Mỹ 30 phút trước cuộc tấn công

 

Theo phát ngôn viên của điện Kremlin, được báo chí Nga dẫn lại, Matxcơva đã thông báo với Washington 30 phút trước khi tiến hành cuộc oanh kích. Một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận là phía Mỹ đã được thông báo qua « các kênh giảm thiểu nguy cơ hạt nhân ».

 

Người phát ngôn của Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre, cho biết « xem xét nghiêm túc » các đe dọa từ Nga, nhưng tái khẳng định Mỹ « không lý do gì » để thay đổi học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, sau khi Nga quyết định mở rộng các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - VIỆN TRỢ

Tiếp nguyên thủ Ukraina, tổng thống Pháp Macron khẳng định tiếp tục viện trợ Kiev theo đúng cam kết

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Báo chí Anh : Luân Đôn cho phép Ukraina sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công Nga

 

MỸ - UKRAINA - TÊN LỬA

Lãnh đạo Anh, Mỹ hoãn quyết định cho phép Ukraina dùng tên lửa phương Tây để tấn công Nga