Sunday, August 12, 2018

VỢ MỘT TỬ TÙ (FB Mai Quốc Ấn)




12/08/2018  01:12     

Bà Mai Thị Khuyên là vợ tử tù Đặng Văn Hiến- người nông dân nổ súng ở Đak Nông hồi tháng 10/2016. Bất chấp mội lo lắng, khuyên can, người phụ nữ này đã từ trong rừng ra thị trấn Gia Nghĩa (Đak Nông) bắt xe khách ra Hà Nội để nộp đơn xin ân xá cho chồng ở Phủ Chủ tịch nước.

Tìm hiểu về thân phận khốn cùng của người đàn bà có thân xác gầy gò ấy, chỉ có thể thở dài thương cảm…

Duyên ở xứ Nùng, số nơi miền Thượng

Vợ chồng bà Khuyên, ông Hiến đều là người Nùng ở Lạng Sơn. Nắm 1997, cô nông dân tên Khuyên cùng anh cán bộ y tế cộng đồng xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là Đặng Văn Hiến nên duyên chồng vợ. Họ thương nhau vì sự ít nói, chăm làm rồi đến với nhau.

Năm 1998, hai vợ chồng sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên Đặng Thị Nhung. Nhưng đồng lương eo hẹp của chồng và những luống rau quần quật của vợ gặp cảnh mất mùa, sâu bệnh khiến cuộc sống không dư giả của họ càng gặp khó khăn hơn.

Khó khăn kéo dài mấy năm, họ được một người họ hàng bên nhà bà Khuyên cho biết đất trong Tây Nguyên trồng cây, làm vườn tốt hơn xứ Lạng. Cũng ngần ngừ trước cảnh phải ly hương nhưng rồi hai vợ chồng cũng đi đến quyết định rời quê đến miền đất mới mưu sinh. Năm 2005, họ rời Lạng Sơn bản quán để vào miền Thượng

Đến Tây Nguyên, hai vợ chồng thuê đất trồng sắn (khoai mì). Gần hết vụ thì có một người Dao tên Diếp đã khai khẩn trước đó bán giấy tay vườn điều. Dốc hết tiền túi ít ỏi và vay mượn thêm họ hàng, năm 2006 họ mua lại vườn điều 5-6 tuổi đó.

Những này ở Tây Nguyên, vốn kiến thức y tế và 7 năm làm.việc trong lĩnh vực này của Đặng Văn Hiến có đất dụng võ. Bà con không chỉ tiểu khu 1535 có bệnh gì đều hỏi Hiến, nhờ chữa. Bởi khu vực họ sống đúng nghĩa ô yên chướng khí. Ánh nắng 8-9 giờ sáng chưa đủ xua đi những cụm mây lững lờ ngang triền dốc. Thứ không khí thung lũng không có gió đối lưu này rất độc, hít vào nhiều có thể ho ra máu. Các bệnh ngoài da, sốt rét, đau bụng,… của bà con cũng được Hiến chữa chạy tận tình. Bệnh nặng hơn thì sơ cứu rồi mới chở đi viện nên cũng yên tâm. Vì điều này cộng thêm tính chăm chỉ nên dân tiểu khu 1535 thương Hiến hết mực.

Phận số không may đeo bám họ dai dẳng, chỉ 2 năm sau ngày mua được “miếng đất cắm dùi” thì chính quyền tỉnh Đak Nông “giao đất trên bản đồ” cho công ty Long Sơn. Vườn điều của gia đình Hiến, vườn điều của nhiều hộ dân khác và các rẫy hoa màu lâu năm bỗng “vào trong” dự án. (Xin nói thêm là không chỉ có Đak Nông mà các tỉnh khác ở Tây Nguyên cũng có tình trạng giao đất vô tội vạ như vậy.)

Mọi việc chưa dừng lại hay nói đúng hơn là bi kịch chỉ mới bắt đầu, từ năm 2008-2016, mấy chục cuộc xô xát lớn nhỏ ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông. Công ty Long Sơn tổ chức những cuộc cưỡng chế tự phát với các công nhân là người dân tộc bản địa được trang bị vũ khí tự chế, gạch đá. Bạo lực diễn ra liên tục.

Từ năm 2008-2016, việc cưỡng chế với những trận đòn tàn khốc, việc đốt phá chòi dân, rẫy điều xảy ra liên tục. Trong một cuộc họp an dân tại tiểu khu 1535, những người dân đã nói trước máy quay của công an, biên phòng và nhà báo một sự thật kinh khủng:

Công nhân Long Sơn đánh phụ nữ mang thai đến sảy thai, đánh phụ nữ đang bế con đến rơi con xuống đất, kéo cụ già 94 tuổi dựa vào gốc điều rồi đập cán gỗ vào ngực phun máu tại chỗ,… Những người ở tiểu khu 1535 chìa đầu, chìa tay chân, cởi áo để tôi xem những “vết thù” chằng chịt. Cá biệt, có trường hợp của ông Trần Văn Thanh bị bảo vệ công ty dùng rựa chém bay cả một vạt sọ. Ông Thanh may mắn sống sót nhưng mất đi khả năng nói, chỉ còn ú ớ và mỗi ngày đều đối diện với những cơn đau đầu quằn quại, rúm ró cả người.

Như nhiều nạn nhân khác, gia đình của bà Khuyên, ông Hiến không nằm ngoài vòng xoáy bạo lực ấy. Bà Khuyên có kể lại khi gặp tôi và các luật sư (sau ngày ông Hiến đầu thú) rằng đó là những ngày “khổ sở, uất ức không cách nào tả hết”.

Và chồng bà Khuyên đã nổ súng sau tám năm dài kìm nén…

Níu một hy vọng

Tôi đi cùng bà Khuyên và vài người làng ở tiểu khu 1535 đến thăm nuôi Đặng Văn Hiến ở trại tạm giam tỉnh Đak Nông hồi đầu tháng 7/2018. Thông báo vắn tắt một số chuyện xong tôi hỏi Đặng Văn Hiến. Anh Hiến, anh có tin vào công lý không? Hiến đáp: “Tôi vẫn tin vào công lý nhà báo ạ!”. Ông Hiến cảm ơn tôi và định nói gì đó nữa nhưng tôi biết thời gian thăm tù có hạn nên nhường điện thoại cho bà Khuyên nói chuyện. (Tù nhân chỉ được nhìn người thân qua một lớp kính và nói chuyện qua điện thoại.)

Hai vợ chồng nhìn nhau. Ánh nhìn đó không có từ ngữ nào có thể kể hết ra sự yêu thương. Ánh nhìn còn có cả nỗi xót xa vì bị ngăn cách. Có sự bất lực vì thân phận bé nhỏ. Có cả những tâm sự trùng trùng mà nghẹn lời chực khóc….

Ngày tòa xử vụ nổ súng Đak Nông ở phiên phúc thẩm (bị hoãn), có rất nhiều người dân từng là nạn nhân của công ty Long Sơn tìm đến. Cũng có rất nhiều người từng là nạn nhân của việc “thu hồi đất trên giấy” tìm đến để nhìn vào bản án rồi tính tiếp. Tôi nói với bà Khuyên: “Chị hãy bình tĩnh!”. Bà khuyên nói với tôi trong nước mắt điều gì cũng không nghe rõ vì quá ồn ào.

Ngày tòa xử lại vụ nổ súng Đak Nông ở phiên phúc thẩm (sau khi hoãn), vẫn y án tử cho Đặng Văn Hiến. Bà Khuyên khụy xuống, khóc nấc trước sân tòa. Rất nhiều người có mặt ở đó cũng khóc…

Đạo nghĩa vợ chồng hay đạo nghĩa làm người đôi khi phải trải qua những đớn đau, khuất nhục, nhọc nhằn hay sự kém may mắn để kiểm chứng. Nói thêm một chút về Đặng Văn Hiến- chồng bà Khuyên- đó là một người cần cù, làm việc quần quật ngày đêm để nuôi vợ, nuôi con. Dân tiểu khu 1535 rất thương Hiến. Ngày Hiến đầu thú, toàn bộ dân tiểu khu 1535 đã khóc, dân mạn Bình Phước giáp Đak Nông cũng đến tiễn đưa. Ngày xử Hiến ở sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều người ở Tây Nguyên nhưng không phải chỉ Đak Nông tìm đến.
Đặng Văn Hiến đã bắn người, tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng Hiến không vì cướp của mà bắn người, không ai có thể phủ nhận điều đó!

Chỉ là tôi thực sự ngưỡng mộ cách bà Khuyên không bỏ bất cứ cơ hội nào đi tìm những hy vọng le lói để cứu mạng người đầu ấp tay gối của mình. Trộm nghĩ, bà Nguyễn Thị Tồn năm xưa ra triều đình Huế gõ trống kêu oan cho chồng chắc cũng khốn khổ như bà Khuyên thời này ra thủ đô xin ân xá cho chồng. Họ, đều có một tình yêu mãnh liệt với chồng và còn tin vào công lý! Thứ công lý tôi cho rằng thuần khiết, đúng nghĩa chứ không phải thứ công lý biến dạng, tha hóa.

Một vĩ thanh nhiều điều phải nghĩ

Một người bạn đời như vậy dễ có mấy ai? Đó là cách tôi nghĩ về bà Khuyên.

Bà Khuyên- vợ một tử tù- vợ của một người nổ súng để bảo vệ những gốc điều vợ chồng họ trồng trước khi có công ty Long Sơn. Thậm chí, những gốc điều ấy, ngôi nhà tồi tàn ấy của họ còn có trước khi thành lập tỉnh Đak Nông (1/2004). Trước khi chồng của người đàn bà này nổ súng, suốt 8 năm trời gia đình họ nói riêng và những hộ dân ở tiểu khu 1535 nói chung bị đánh đập bởi những giang hồ đội lốt bảo vệ công ty, tài sản của họ bị cướp phá bao nhiêu lần chính họ cũng không còn nhớ rõ.

Bà Khuyên- vợ một tử tù- vợ của một kẻ nổ súng làm chết 3 người nhưng chính họ và rất nhiều hộ dân khác đã làm đơn khiếu nại, tố cáo suốt 8 năm những xã, huyện, tỉnh đều im lặng… Sự im lặng ấy đáng sợ quá! Nhưng còn đáng sợ hơn khi có những trường hợp người dân làm đơn tố cáo công ty Long Sơn tổ chức đánh người, cướp phá tài sản thì bị chính người của cơ quan công quyền “năm tóc, tát liên hồi” và thách thức đi tố cáo tiếp. Tố cáo tiếp, mọi thứ vẫn rơi vào im lặng đến ngày súng nổ….

Sự im lặng khiến những phận người khốn khổ xuống tận cùng đáy xã hội!

Bà Khuyên đã khóc vì mừng khi Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp Bộ Công an kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Đặng Văn Hiến bị tuyên tử hình và báo cáo Chủ tịch nước. Nhưng có lẽ điều cần thiết là sự kháng nghị và phiên giám đốc thẩm để xét xử lại vụ án.

Bởi quá nhiều tình tiết có lợi cho Đặng Văn Hiến như phạm tội lần đầu, đầu thú, thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả, được người nhà các nạn nhân đã chết xin miễn án tử,… đã bị bỏ qua. Trong khi đó, các cá nhân liên quan trực tiếp đến suốt 8 năm hành hạ người dân lẫn nhiều người tham gia tấn công, phá hoại tài sản gia đình Đặng Văn Hiến thì kẻ không xuất hiện tại tòa, kẻ được giảm án. Thậm chí, mấy chục trường hợp không được triệu tập đến để làm rõ.

Sự nghiêm minh của pháp luật đã bị tổn hại khi những thân phận giàu bi kịch như ông Hiến, bà Khuyên xuất hiện. Vậy thì đối tượng cần xử nghiêm chính là kẻ đã “đạo diễn” ra thảm cảnh ấy. Để không còn những người đàn bà đội đơn ra tận trung ương xin ân xá hay kêu oan cho chồng…




---------------------------------

1 NGHỊ ĐỊNH, 60 TRIỆU NÔNG DÂN
Nghị định 109/2010 về xuất khẩu lúa gạo đã được ban hành, áp dụng 8 năm nay nhưng 60 triệu nông dân lẫn hàng nghìn doanh nghiệp lúa gạo (không phải sân sau) đều than trời.
Để trở thành nhà xuất khẩu gạo đáp ứng nghị định 109, trước hết, doanh nghiệp có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục......

----------------------------------

BẢN ÁN & THÔNG TIN
Khoảng 7 ngày trôi qua sau phiên tòa phúc thẩm vụ án nổ súng Đak Nông có những câu chuyện lạ lùng. Nó lạ bởi bản án tử vẫn giữ nguyên cho Đặng Văn Hiến, 2 chủ mưu phía công ty Long Sơn được giảm án, những kẻ liên quan "không thấy đâu" và "làn sóng" đòi xử tử Đặng Văn Hiến.
Như nhiều hộ đồng bào dân tộc khác, gia đình Đặng Văn Hiến từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên vào khoảng 1998-2000. Đến 2004 thì tỉnh Đak Nông tách ra từ 1 phần tỉnh Bình Phước và 1 phần...

---------------------------------

Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý kiến về phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Văn Hiến
Hôm nay, 17/7/2018 Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn số 847/VPCTN-PL thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau phiên tòa xét xử phúc phẩm bị cáo Đặng Văn Hiến.
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa kết thúc xét xử phúc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến và đồng phạm liên quan đến hành vi nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức...

-------------------------------

CÁN CÂN CÔNG LÝ ĐANG Ở TRONG TAY CHỦ TỊCH NƯỚC

TAND Cấp cao tại TP HCM ngày 12/7/2018 đã tuyên y án tử hình Đặng Văn Hiến với lời vạch đường cay nghiệt : “ có 7 ngày để viết đơn xin chủ tịch nước ân xá” .

--------------------------

Tôi đã ký! Hơn 1.200 người đã ký hôm qua đến giờ nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa để đạt 10.000 chữ ký. Xin hãy chia sẻ rộng rãi đến mọi người vì thời gian không còn nhiều cho thân phận khốn cùng ấy.
HƯỚNG DẪN KÝ ỦNG HỘ GIẢM ÁN CHO ANH ĐẶNG VĂN HIẾN - THỜI HẠN CHỈ CÒN 04 NGÀY.
Hiện nay, tại trang Hopecom.org đã đăng tải kiến nghị về việc anh Đặng Văn Hiến. Để giúp anh Hiến, chúng ta thực hiện như sau:...

---------------------------------

MỘT VÀI CÂU HỎI
Khi tôi viết về "Thanh đầu móp" 9 tháng trước khi Hiến nổ súng, họ ở đâu?
Khi tôi trong rừng, họ ở đâu?

---------------------------------

TỰ VẤN
Trước khi tôi làm nhà báo, tôi là một công dân. Trước khi là một công dân, tôi đã là một con người. Là con người thì phải có tình người, là công dân thì tuân thủ pháp luật và là nhà báo thì viết sự thật.
Hôm nay tôi bị tấn công nhiều vì lý do đưa Đặng Văn Hiến ra đầu thú để rồi bị xử tử. Chỉ thắc mắc là những kẻ đang "dạy dỗ", chất vấn trách nhiệm của tôi từng hỏi gia đình các nạn nhân và chính Đặng Văn Hiến hay chưa?

----------------------------------

Đây là nội dung đơn các luật sư soạn cho bà con tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông. Những người nông dân ở đây hiểu rõ vì sao Đặng Văn Hiến nổ súng và đồng ý làm đơn xin miễn án tử cho Hiến. Bởi họ cũng là nạn nhân của công ty Long sơn suốt 8 năm (2008-2016, xem ảnh và comment)!
Sáng mai sẽ có đơn kiến nghị của tôi. Và các bạn có thể tìm hiểu để tự làm đơn kiến nghị nếu muốn. Ngoài ra cũng sẽ có mẫu đơn mà bất kỳ công dân nào cũng có thể điền và ký ...

--------------------------------

NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Hôm nay, em trai Đặng Văn Hiến gọi cho tôi. Anh ấy cảm ơn những nỗ lực của tôi đối với Hiến và các nạn nhân của công ty Long Sơn trong vụ nổ súng Đak Nông và xin tôi lời khuyên. Đại ý dân làng nơi Đặng Văn Hiến từng cư ngụ muốn ra Hà Nội để nộp đơn đến văn phòng Chủ tịch nước xin ân xá miễn án tử cho Hiến.
Tôi lặng đi một lúc. Họ nghèo xơ xác, tích cóp vài đồng tính đi xe khách ra Bắc tìm một chút hy vọng nhỏ nhoi ở trung ương. 

-------------------------------

Những nhân vật của tôi, khốn cùng và đau đớn, bi phẫn và tuyệt vọng. Sự khốc liệt của tranh chấp đất đai (& ô nhiễm môi trường) là điều mà Việt Nam hiện nay đang diễn ra.
Luật sư của Hiến đang làm thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch nước xin ân xá miễn tội chết. Tôi sẽ công bố ngay sau khi xong. Tôi sẽ ký!
Vì linh tính cho tôi biết rằng nếu xử tử Hiến sẽ mở ra những đớn đau khác...

-------------------------------------

LỜI CUỐI
Đặng Văn Hiến- nhân vật mà tôi vận động ra đầu thú sau vụ nổ súng Đak Nông- tiếp tục bị tuyên án tử hình ở phiên sơ thẩm. Lần đầu phạm tội, đầu thú, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả và được người nhà nạn nhân xin miễn án tử không làm Hiến được giảm án.
Không bình luận về kết quả phiên tòa nhưng tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai....









No comments: