Wednesday, August 1, 2018

VIỆT NAM 'ĐẶT MUA' GẦN 100 TRIỆU ĐÔ-LA VŨ KHÍ MỸ (Viễn Đông - VOA Tiếng Việt)




02/08/2018

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mới khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, và Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock, trợ lý tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng, tại lễ chuyển giao tàu tuần duyên trọng tải cao ở Honolulu, Hawaii, tháng Năm năm ngoái.

Khi được hỏi liệu các loại vũ khí Việt Nam mới đặt mua có phải dùng vào mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh hải, nhà ngoại giao này nói: “Chúng tôi không thể thảo luận chi tiết các vụ mua bán quân sự tiềm năng hoặc đang chờ xử lý trước khi chúng được thông báo cho Quốc hội”.

Quan chức này nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam hiện có 24 trường hợp trong chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài với tổng trị giá là 69,7 triệu đôla”.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, các vụ này đã được thông báo cho Quốc hội Mỹ và đang trong các giai đoạn khác nhau để triển khai và chuyển giao cho Việt Nam.

Tổng thống Trump đã chào bán "máy bay, tên lửa" trong cuộc gặp với quan chức Việt Nam khi tới Hà Nội cuối năm ngoái.

Đây là xác nhận đầu tiên của phía Washington kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama năm 2016 thông báo rằng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chào bán “máy bay, tên lửa” với quan chức chủ nhà ở Hà Nội.

Hiện chưa có thông báo từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam về các đơn đặt hàng vũ khí với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hà Nội thường hiếm khi lên tiếng về vấn đề này.

Quan chức Mỹ không muốn nêu tên nói thêm với VOA Việt Ngữ rằng ngoài các đơn đặt hàng trên, trong khoảng thời gian từ năm 2012 tới 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cho phép Việt Nam mua các mặt hàng quân sự, trong đó có các thiết bị điện tử quân sự, trị giá 25 triệu đôla thông qua chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp.

Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS) và Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS) là hai chương trình chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác.

Cụ thể, FMS là một chương trình chuyển giao giữa hai chính phủ. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua đơn đặt hàng, rồi đối tác trả tiền cho thiết bị và Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng hệ thống của mình để mua rồi chuyển cho đối tác.

Trong khi đó, theo chương trình DCS, đối tác đạt thỏa thuận với một nhà sản xuất Mỹ, nhưng nhà sản xuất phải được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp giấy phép thông qua vụ mua bán trước khi chuyển giao thiết bị.


Ngoài việc mua thiết bị quân sự trên, quan chức Mỹ nói thêm với VOA tiếng Việt: “Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam 12 triệu đôla trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF) trong năm tài khóa 2017. Con số cho năm tài khóa 2018 vẫn chưa được xác định”.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cùng các quan chức Việt Nam trong lễ khánh thành cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu của Cảnh sát biển Việt Nam ở Quảng Nam, được xây dựng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, năm 2016.

Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói: "Trong quá khứ, chúng ta là đối thủ trên chiến trường. Nhưng hôm nay, mối quan hệ an ninh của chúng ta chỉ là hợp tác".

"Tháng Ba vừa qua, USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh. Và, sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cách đây hai năm, quân đội hai nước đang tìm cách tăng cường hơn nữa mối quan hệ về an ninh”, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nói thêm.

Hồi tháng Năm năm 2017, tại Hawaii, lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã bàn giao một tàu tuần duyên trọng tải cao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Con tàu này nay có tên CSB 8020 và “được trông đợi giúp nâng cao năng lực nhận thức về các vấn đề hàng hải của Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực của họ trong việc thực hiện các hoạt động thực thi luật hàng hải, tiến hành tìm kiếm và cứu nạn, và các hoạt động ứng phó nhân đạo”, theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Cũng theo cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ này, hồi cuối tháng Ba năm nay, Mỹ đã chuyển giao sáu xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên của Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ đến đất nước cựu thù.

Theo phía Mỹ, những chiếc xuồng này “sẽ đóng vai trò ngăn chặn các tác nhân xấu với những vi phạm chống lại Việt Nam hoặc diễn ra trong khu vực gần Việt Nam”.

Các đơn hàng quân sự của Việt Nam với phía Hoa Kỳ cũng như việc Mỹ trao tàu cho Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.



----------------------------

Thứ Tư, 01/08/2018 13:52

Nga bình luận về sáng kiến kinh tế Mỹ ở ASEAN

(Quan hệ quốc tế) - Hoa Kỳ đang hy vọng củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng sáng kiến kinh tế, trọng điểm là vào khu vực Đông Nam Á.


Mỹ cam kết mở rộng hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ vào ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hứa sẽ mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước này.

Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ trước khi bắt đầu chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ công bố một sáng kiến trị giá 113 triệu USD (gói đầu tư đầu tiên) dành cho các dự án công nghệ, năng lượng và hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Pompeo lưu ý rằng, sáng kiến ​​này nhằm định hình khía cạnh kinh tế trong chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương" (Indo-Pacific) của Tổng thống Donald Trump - một chiến lược nhằm “xây dựng sự hợp tác cùng có lợi trong khu vực chứ không phải tìm kiếm sự thống trị của Hoa Kỳ”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng, Washington muốn một châu Á "tự do và cởi mở" không bị thống trị bởi bất kỳ một quốc gia nào.

Bình luận về sáng kiến của Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik, giới chuyên gia nhận định rằng, dường như Hoa Kỳ muốn đẩy Trung Quốc khỏi lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước trong khu vực và vượt trước Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, họ không thể đạt nhiều thành công trong việc này.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Yang Danzhi từ Trung tâm Nghiên cứu về an ninh khu vực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc lưu ý rằng, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nên được xem như sự tiếp nối của chiến lược “tái cân bằng” quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã được đề xuất dưới thời chính quyền Barak Obama.

Nội dung chính của chiến lược tái cân bằng là củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực và tham gia vào việc phân bổ nguồn lực.

Vị chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng, trước đây các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ hầu như không đề cập đến các vấn đề kinh tế trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông không loại trừ rằng, Ngoại trưởng Pompeo cố gắng lấp đầy khoảng trống đã xuất hiện sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với tuyên bố mới nhất này, ông Pompeo gửi đi hai tín hiệu.

Đầu tiên, ông nhấn mạnh nguyên tắc giữ gìn trật tự, việc bảo vệ các giá trị đạo đức được tuyên bố là ưu tiên cao nhất. Tín hiệu này được gửi đến các nước trong khu vực và toàn bộ cộng đồng quốc tế để xua tan những lo ngại về ý định chiến lược của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, các nước trong khu vực lo ngại rằng, một số cường quốc đang tăng trưởng nhanh có thể làm suy yếu trật tự hiện tại để đẩy Hoa Kỳ khỏi khu vực.

Một tín hiệu khác là Mỹ muốn cảnh báo những cường quốc đang nổi lên. Xét theo diễn biến phát triển các sự kiện trong khu vực, lời cảnh báo này trước hết gửi đến Trung Quốc.

Mike Pompeo khẳng định rằng, Hoa Kỳ sẽ không thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào muốn chiếm ưu thế ở đó. Nhưng, điều trớ trêu là Hoa Kỳ đã chiếm ưu thế trong các vấn đề an ninh ở khu vực này. Ngoài ra, trong một thời gian tương đối dài trong tương lai, vị thế thống trị của Hoa Kỳ sẽ không sớm bị lung lay.

Nói chung, nội dung chính trong chính sách của Hoa Kỳ vẫn là duy trì trật tự khu vực hiện có, nơi mà Hoa Kỳ giữ vị thế thống trị.

Nga: Không nên hy vọng vào chính sách “bình mới rượu cũ” của Mỹ
Chuyên gia Alexei Maslov, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Phương Đông thuộc Đại học Kinh tế Nga đã lưu ý rằng, cuối thế kỷ trước, Hoa Kỳ không chỉ tích cực hợp tác với các nước Đông Nam Á, mà còn kiểm soát một số lĩnh vực trong nền kinh tế của các nước này.

Ví dụ như Washington đã kiểm soát ngành năng lượng và ngành xây dựng cơ sở hạ tầng ở Indonesia. Hoa Kỳ cũng đã hoạt động rất tích cực ở Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2000, sự trỗi dậy của Trung Quốc làm thay đổi tình trạng này. Đặc biệt hiện nay khi Trung Quốc đề xuất dự án riêng cho khu vực này "Một vành đai, Một con đường".

Trong khuôn khổ dự án này, Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ yếu ở Indonesia, Malaysia... đồng thời đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và hỗ trợ cho ngành sản xuất lương thực và ngành nông nghiệp nói chung ở các quốc gia này.

Chuyên gia Alexei Maslov cho biết, trong sáu tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện ở Đông Nam Á, mà điều đó, ở một mức độ nhất định, đã phá hoại nỗ lực của Mỹ thực hiện chính sách này. Ví dụ như một số thực phẩm trước đây được cung cấp từ Hoa Kỳ hiện đang được cung cấp từ Indonesia.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang cố gắng đẩy Trung Quốc khỏi thị trường đầu tư lớn của Đông Nam Á, vượt trước Trung Quốc ít nhất trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tái đầu tư vào ngành này. Chắc chắn trong tương lai gần các nước ASEAN sẽ tổ chức cuộc đàm phán với sự tham gia của Mỹ về thăm dò dầu khí ở Đông Nam Á, về vấn đề vận chuyển sản phẩm năng lượng.

Vị chuyên gia Nga nhận xét rằng, Hoa Kỳ hy vọng chiến lược này sẽ thành công bởi vì một số nước Đông Nam Á thể hiện sự lo ngại trước sự hiện diện quân sự tích cực của Trung Quốc trên Biển Đông.

Washington hy vọng rằng, những lo ngại này có thể được sử dụng để xây dựng một chính sách mới, nhằm giúp Hoa Kỳ quay trở lại khu vực về mặt kinh tế, và sau đó khôi phục sự hiện diện quân sự và gia tăng ảnh hưởng chính trị như họ đã từng làm ở Philippines.

Tuy nhiên, Nhà Trắng không nên chờ đợi một thành công lớn… Ít nhất là vì Trung Quốc đã vượt trước Mỹ về sự hiện diện trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ đầu tư những khoản tiền lớn vào các nước Đông Nam Á mà còn đề xuất một khái niệm mới về sự phát triển giúp các nước trong khu vực tiến lên những cấp độ cao hơn về mặt chính trị, mà không chỉ riêng về mặt kinh tế.

Còn Mỹ trên thực tế đề nghị tiếp tục chính sách cũ, được hình thành từ thời các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chỉ là các nước thứ cấp trong mô hình quan tâm của Mỹ. Do đó, đừng mong thành tựu lớn từ sáng kiến kinh tế của Ngoại trưởng Mike Pompeo - chuyên gia Alexei Maslov nhận xét.

Thiên Nam








No comments: