Thursday, August 23, 2018

TỘI BỎ CON (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 22/08/2018 

Đức Giáo Hoàng viết, "Vừa nhục nhã, vừa hối hận, chúng tôi xác nhận là cộng đồng giáo hội chúng tôi đã không có mặt đúng chỗ mà chúng tôi phải có mặt, và chúng tôi cũng đã không kịp thời hành động, không ý thức được tầm quan trọng và mức nặng nề của những tổn thất gây ra trong nhiều cuộc đời. Chúng tôi không quan tâm đến những con chiên nhỏ. Chúng tôi đã bỏ con."

(With shame and repentance, we acknowledge as an ecclesial community that we were not where we should have been, that we did not act in a timely manner, realizing the magnitude and the gravity of the damage done to so many lives,” Francis wrote. “We showed no care for the little ones; we abandoned them.)

Không ai phủ nhận được tính chí tình trong câu viết của vị lãnh đạo 1.2 tỉ tín đồ Thiên Chúa Giáo; không phải là một giáo dân, nhưng quả là tôi xúc động với câu xưng tội của Ngài. Giáo Hoàng xưng tội 'không quan tâm đến trên 1,000 con chiên nhỏ, bị 300 linh mục lạm dụng tình dục trong suốt 70 năm, mà một đại bồi thẩm đoàn (ĐBTĐ) kết tội là Giáo Hội không chỉ ngó lơ thôi, mà còn đồng lõa bằng thái độ che giấu, bưng bít nữa.”

Chuyện xảy ra tuần trước, Giáo Hoàng chờ đến thứ Hai tuần này, 8/20/18, mới lên tiếng; chậm một tuần, nhưng phản ứng của Giáo Hoàng quả là đúng mức đối với bản tường trình của ĐBTĐ Pennsylvania.

Giáo Hoàng đã rất thật trong câu "chúng tôi đã không kịp thời hành động, không ý thức được tầm quan trọng và mức nặng nề của những tổn thất gây ra trong nhiều cuộc đời."

Ngài nói đúng tâm trạng của giới tu sĩ -cả những kẻ phạm tội lẫn người vô tội: không ai tưởng tượng được mức tàn phá khiếp đảm của hành vi giết con chiên của người chăn chiên.

Quần chúng không chỉ chờ pháp luật trừng trị một cảnh sát viên dùng khẩu súng công vụ để đi đánh cướp, mà họ còn phẫn nộ đòi hỏi phải xử ngay lập tức kẻ lạm dụng lòng tin của quần chúng, và phải xử thật nặng. Giáo Hoàng chân thành nhận lỗi và lên án những tội ác do giới tu hành gây ra, nhưng ngài chưa đưa ra một giải pháp hay biện pháp nào cụ thể cả.

Tuy nhiên ngài đã làm một việc mà trong suốt 2018 năm giáo sử, chưa một vị giáo hoàng nào làm: công khai lên án tu sĩ độc ác (atrocities).

Ảnh chụp Giáo Hoàng Francis hôm Chúa Nhật 8/19 một ngày trước ngày phổ biến bức thư ngỏ cho toàn thể giáo dân.

Bức thư ngỏ xác nhận thái độ nhận tội của quyền lực cao nhất trong giáo hội Thiên Chúa Giáo toàn thế giới, trước lời buộc tội của một ĐBTĐ tiểu bang Pennsylvania, và trước khi ĐBTĐ đó kịp viết bản cáo trạng đưa những tu sĩ thuộc 6 trong 8 giáo phận Thiên Chúa giáo trong tiểu bang Pennsylvania ra trước pháp luật.

Lời nhận tội của Giáo Hoàng có thể quan trọng hơn bản cáo trạng chưa thành hình của hệ thống tư pháp PA (Pennsylvavia), nhưng vẫn không loại bỏ tiến trình pháp luật đó; vì những hành động khiếp đảm như việc một đứa bé gái nằm bệnh viện bị một tu sĩ hiếp dâm, hoặc việc một thiếu nữ có thai với một linh mục, được vị linh mục đó dàn xếp cho phá thai.

Thủ phạm những vụ đó vẫn cần được đích xác minh danh, dù họ đã được quyền lực của giáo hội che giấu tội trạng của họ cho đến thời điểm trọng tội quá hạn truy tố; thủ phạm của hành động che giấu cũng cần bị xét xử, vì trách nhiệm che giấu đó vẫn còn tiếp tục xảy ra dưới quan điểm che giấu tội lỗi là bảo vệ thanh danh cho giáo hội.

Một người phụ lễ tại Brooklyn, New York -ông Greg Kandra- thở ra, lo ngại, "Mọi người, cả nhiều giáo dân nữa, đã công khai lên Facebook và Twitter bày tỏ thái độ phẫn nộ của họ. Dư luận vô cùng căng thẳng."

Yếu tố gây phẫn nộ trong quần chúng là những chi tiết cụ thể được chứng minh qua góc cạnh tang chứng, nhân chứng, của một bản cáo trạng như tên tuổi nạn nhân và tên tuổi các tu sĩ phạm tội, tên, tuổi của những nhân chứng -như cha, mẹ và những thân nhân trực hệ, địa điểm, và chi tiết phạm tội.

Thực chất bản phúc trình của một ĐBTĐ/PA đã minh bạch đến mức Đức Hồng Y Donald Wuerl, tổng giám mục Washington -người đã từng giữ chức vụ tổng giám mục tại PA trong suốt 18 năm cũng không chối cãi thái độ ông che chở nhiều tội đồ giáo hữu.

Đức Hồng Y Donald Wuerl

Hồng Y Wuerl không nhận xét về kết luận của bảo phúc trình cho là, "Ngày nào chưa giải quyết được những tệ tục che giấu vừa kể, ngày đó tệ trạng linh mục lạm dụng tình dục trẻ con vẫn còn tiếp diễn."

Bà Paula Kane, phụ trách môn học Catholic Studies tại University of Pittsburgh, nhận xét, "Phản ứng đầu tiên của quý vị tổng giám mục là nhìn nhận things look bad (mọi việc có vẻ quá tệ), nhưng nhận xét đó không đủ để đáp ứng đòi hỏi của quần chúng. Giáo hội đã làm họ mất tín nhiệm vào vai trò giáo dục đạo đức của giáo hội."

Tuy nhiên phản ứng cụ thể của 68.5 triệu giáo dân Thiên Chúa giáo người Mỹ vẫn chưa có gì rõ rệt cả ngoài bản thỉnh nguyện gửi quý vị tổng giám mục, trong đó có câu "chúng tôi kêu gọi quý vị tổng giám mục chân thành cứu xét việc đệ trình Giáo Hoàng Francis thỉnh nguyện thư, xin từ chức tập thể của quý vị như một hành động chung nói lên thái độ thương xót và hối hận của quý vị trước Thiên Chúa và trước Nhân Loại."

Dĩ nhiên việc từ chức tập thể chỉ là một hành động tượng trưng, vì không thể nào thực hiện được, vậy mà bản thỉnh nguyện đang luân lưu trên mạng, mới chỉ được trên 1,000 giáo dân ký tên đồng ý.

Đa số thầm lặng không muốn có thái độ dứt khoát? Và thái độ của một tòa án thuần túy tư pháp sẽ như thế nào?

Điều có thể nhận xét ngay mà không sợ lầm lẫn là Hội Đồng Tổng Giám Mục tại Hoa Kỳ không thấy họ có lỗi, ít nhất cũng không thấy rõ rệt như Giáo Hoàng đã thấy và đã xưng tội.








No comments: