Sáng thứ năm, ngày 16/08/2018, Tòa Án Nhân Dân Tỉnh
Nghệ An đã đưa vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79
Bộ luật Hình sự ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với ông Lê Đình Lượng.
Ông Lê Đình Lượng xuất hiện trong bộ dạng khỏe
khoắn, thái độ ung dung tự tại đi giữa vòng vây áp giải dày đặc công an suốt từ
phía ngoài đường cái cho đến khuôn viên tòa và phòng xét xử.
An ninh được thắt chặt, việc ra vào đều phải qua
cổng từ an ninh, người và cặp xách đều bị lục soát, sóng điện thoại di động bị
ngăn chặn.
Thân nhân của ông là vợ được vào phòng xử án chính
dự phiên tòa ngồi bên cạnh những “công chúng được phân công” ngồi kín chỗ.
Tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng có hai luật
sư, LS Hà Huy Sơn và LS Đặng Đình Mạnh.
Trong phiên xử, ông Lê Đình Lượng vẫn khẳng định
mình vô tội, không vi phạm tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân” như cáo trạng của viện kiểm sát truy tố và kiên quyết giữ quyền im lặng
suốt phiên tòa đối với tất cả các sự thẩm vấn của hội đồng xét xử và kiểm sát
viên. Do thế, buộc lòng các cơ quan tiến hành tố tụng phải công bố các tài liệu
để chứng minh sự truy tố đối với ông.
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công
tố đã đề nghị tuyên xử với mức án từ 17 – 18 năm tù và 5 năm quản chế, tại địa
phương sau khi mãn hạn tù.
Điều bất ngờ là hai bị án và là nhân chứng chính
hiện diện tại tòa và bị cách ly là Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi
Hổ) trước đây đã từng có lời khai về tội trạng cho ông Lượng thì đều phản cung.
Họ phủ nhận các lời khai trong hồ sơ vì khi ấy bị bắt cóc, nhục hình và bức
cung.
Khi các Ls yêu cầu thẩm vấn họ, thì hết sức khôi
hài, cán bộ dẫn giải xuất hiện và cho biết Hóa bị viêm họng, Dũng bị đau bụng
nên ko thể tiếp tục làm việc.
Trong phần tranh luận, nhiều vấn đề về chứng cứ buộc
tội, về hành vi của ông đã được các luật sư đặt ra, phân tích, đánh giá lại và
khẳng định rằng : Không có chứng cứ chứng minh quan điểm truy tố. Các hoạt động
của ông đối với xã hội, thực chất đó chỉ là những hành vi của một cựu quân nhân
sống có trách nhiệm cao với cộng đồng, với địa phương và là một công dân thực
hiện quyền tham gia xây dựng, quản lý Nhà nước theo hiến pháp mà thôi.
Ngoài ra, luật sư phản đối sự vi phạm về quyền sao
chụp hồ sơ vụ án của người bào chữa do pháp luật tố tụng quy định.
Các luật sư đều cùng thống nhất đề nghị tuyên xử ông
Lê Đình Lượng không phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo
điều 79 Bộ luật hình sự, yêu cầu thả tự do cho ông Lê Đình Lượng tại tòa.
Phần nói lời cuối cùng, ông Lượng khẳng định mình vô
tội.
Trong lời
tuyên án, hội đồng xét xử đã bác toàn bộ lời bào chữa của các luật sư, tuyên
ông Lê Đình Lượng có tội và phải chịu mức án 20 năm tù (trên mức VKS đề nghị)
và 5 năm quản chế.
Suốt quá trình xét xử, ông Lê Đình Lượng giữ thái độ
điềm tĩnh, ung dung hiếm có. Ông liên tục nhắc lại quyền giữ im lặng sau mỗi
câu hỏi thẩm vấn của hội đồng xét xử và kiểm sát viên.
Có thể nói, kể từ khi Bộ luật tố tụng hình sự mới có
hiệu lực cho đến hết phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Lê Đình Lượng, thì ông là
người đầu tiên và kiên định nhất trong việc áp dụng quyền im lặng trong suốt
quá trình tố tụng : Bắt giữ, khởi tố, điều tra và xét xử sơ thẩm.
Bên cạnh tư cách là người bào chữa cho ông Lê Đình
Lượng, thì với tư cách là đồng bào và là đàn ông với nhau, chúng tôi thật sự
khâm phục và ngưỡng mộ về những điều ông ấy đã làm, đã dấn thân, kể cả thái độ
mà ông ấy đã thể hiện trong phiên tòa mà ông ấy là bị cáo. Sự điềm tĩnh, ung
dung của ông ấy khiến có những lúc chúng tôi đã phải tự hỏi “Có đúng ông ấy
đang là bị cáo trong phiên tòa hay không ?”…
Không chỉ ông, mà cả hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa
và Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) đều là những người tranh đấu quả cảm. Sự mất
tự do trong hoàn cảnh hiện tại không hề làm giảm mất đi khí phách ngoan cường
của họ.
Công chúng xứ sở này cần biết về họ …
Vinh, ngày 16/08/2018
Manh Dang
Manh Dang
--------------------------------
BBC Tiếng Việt
16/08/2018
Hôm
16/8, tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất
từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
AUDIO
:
Vợ Lê Đình Lượng nói chồng 'chỉ làm
điều tốt'
Ông Lê Đình Lượng bị cáo buộc tội "Lật đổ
chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam.
Bình luận với BBC sau phiên toà, Luật sư Đặng Đình
Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng, cho rằng có thể mức án 20 năm tù, dành cho
ông Lê Đình Lượng "là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh
đấu".
Mức án 20 năm tù giam nâng hình phạt của những can
phạm bị buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân lên một kỷ lục mới, cao hơn cả
mức 16 năm tù vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" mà
ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án.
Mới hồi tháng 4/2018, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng
cùng với tội danh trên chỉ bị tuyên án 15 năm tù. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018,
ông Đài và cộng sự Lê Thu Hà đã được cho đi tỵ nạn tại Đức.
Im lặng trước tòa là
ngoan cố?
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho BBC biết là "Ông
Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố."
"Có thể
mức án 20 năm tù, ngoài khung đề nghị 17 năm tối đa của Viện Kiểm sát, dành cho
ông Lượng là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu."
"Càng về
sau này, hình phạt cho những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia càng rất
nặng." Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
"Rất
tiếc là những phiên tòa thế này chưa thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp
và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Nghĩa là bản án phải căn cứ vào kết quả tranh
tụng cũng như kết quả thẩm tra chứng cứ tại tòa."
"Còn
trong phiên tòa hôm nay thì cả hai nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời
khai về ông Lượng trong hồ sơ."
Báo Nghệ An
cáo buộc ông Lê Đình Lượng "có nhiều bài viết với nội dung tuyên truyền,
kích động, xuyên tạc, phỉ báng chủ trương, đường lối của Đảng"
Phản ứng của tổ chức
nhân quyền quốc tế
Trước phiên xử một hôm, thông cáo của Ân Xá Quốc Tế
(AI), trích lời bà Clare Algar, giám đốc Điều phối Toàn cầu của AI, nêu:
"Chỉ vì
đã vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa
môi trường mà ông Lê Đình Lượng có thể phải đối mặt với án tù. Đây rõ ràng là
một vụ án bất công và mang tính chính trị và cần phải bị bãi bỏ. Ông Lê Đình
Lượng cần phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện".
Trong khi đó, ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á
châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) được dẫn lời trong thông cáo của tổ
chức này:
"Cuộc
trấn áp mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam với giới bất đồng đã không
ngăn được các nhà hoạt động dũng cảm như Lê Đình Lương tham gia vận động cho
nhân quyền và dân chủ."
"Chính
quyền Việt Nam nên hiểu rằng việc ngăn người dân thực thi các quyền cơ bản của
họ là không hiệu quả."
"Sẽ có
thêm nhiều nhà hoạt động tiếp tục cất lên tiếng nói và phản đối bất công. Việt
Nam đang trên đường trở thành quốc gia có lượng tù nhân chính trị lớn nhất ở
Đông Nam Á."
"Các đối
tác thương mại nước ngoài và nhà tài trợ của Việt Nam nên yêu cầu ngừng hoạt
động trấn áp này."
An ninh thắt
chặt tại các ngả đường dẫn đến tòa án.
THANH NIEN CONG GIAO
Tường thuật phiên xử, báo Nghệ An viết: "Qua
quá trình xét xử, nhận thấy Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy
hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân, tòa án tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù
về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
"Lợi dụng cái gọi là "bảo vệ môi
trường", Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã
kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa gây mất an ninh, trật tự, ách
tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương
tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình,
gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…," báo Nghệ An bình
luận.
Trong cuộc phỏng vấn trước
phiên tòa, bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng, nói với BBC:
"Tôi tin
chồng tôi vô tội vì ông ấy có tội gì đâu mà thừa nhận."
"Từ một
năm nay, tôi cũng không được gửi thuốc men cho chồng trong lúc ông già rồi, lại
bị bệnh gút, thoái hóa cột sống."
"Tôi
nghĩ những gì chồng tôi làm đều rất tốt và đúng pháp luật. Nhưng ông ấy có một
mình mà chính quyền gán ghép tội "Lật đổ chính quyền nhân dân".
"Tôi
không đồng tình với việc chồng bị khép tội nhưng tôi có thể làm gì với cơ chế
này, nhà nước này ngoài chuyện gửi thư kêu oan, kêu cứu?"
-----------------
Tin
liên quan
-----------------------------------------------------
RFA
2018-08-16
2018-08-16
Nhà
hoạt động môi trường Lê Đình Lượng vào sáng 16 tháng 8 năm 2018, bị Tòa án Tỉnh
Nghệ An trong phiên sơ thẩm tuyên mức án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với
cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình
sự cũ năm 1999.
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An
hôm 16/8/2018. AFP
Chỉ có 1 mình vợ ông Lê Đình Lượng được tham dự
phiên tòa sơ thẩm xét xử chồng bà.
Theo luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho ông
Lượng tại phiên tòa sáng nay, hai nhân chứng chính dùng để kết tội ông Lê Đình
Lượng đã phủ nhận tất cả mọi lời khai trước đó, và cho rằng mình bị nhục hình.
“Tôi cho rằng bản án này là sai, không đúng, không
có căn cứ để kết tội ông Lượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Cáo buộc chủ yếu dựa vào 2 lời khai của nhân chứng
là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng nhưng mà tại phiên tòa thì 2 nhân chứng
này đã phản cung, cho rằng các lời khai trước tòa là do bị đánh đập và ép cung.
Thế nhưng tòa vẫn dựa vào các lời khai đó để kết tội”..
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng tham gia bào chữa cho
ông Lê Đình Lượng tại phiên sơ thẩm vào ngày 16 tháng 8, cho rằng sự việc xảy
ra trong phiên tòa hôm nay là “khá khôi hài”.
“Đến phần các luật sư chúng tôi cùng tham gia xét
hỏi thì chúng tôi yêu cầu đưa 2 người này vào để chúng tôi xét hỏi thêm.
Điều hết sức khôi hài là một viên công an dẫn giải
xuất hiện và nói rằng ông Nguyễn Văn Hóa bị viêm họng và người thứ 2 là ông
Nguyễn Viết Dũng bị đau bụng cho nên không còn đủ sức khỏe để vào làm việc
nữa.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết các luật sư bào chữa
kiên quyết yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) cho nhân chứng xuất hiện trước tòa,
để điều thứ nhất: xác nhận có đúng là họ đang trong điều kiện không thể làm
việc hay không; thứ hai: ít nhất là phải có một y tá hay bác sĩ xác nhận việc
này chứ không thể là 1 công an vào thông báo trong bối cảnh gần như là họ phản
cung và không thừa nhận bất cứ điều gì tại tòa. Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra
điểm bất hợp lý là mặc dù cả Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đều khai là bị
bức cung ở Hà Tĩnh nhưng tòa án lại chiếu buổi thẩm vấn ở Nghệ An.
Ông Lê Đình Lượng cũng bác bỏ hoàn toàn video được
chiếu.
Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nghệ An, cơ quan của
đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An, trong bài tường thuật diễn biến
phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng cho rằng ông này thuộc tổ chức “Việt Tân” mà
chính quyền Việt Nam cho là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên đây là tổ chức hợp pháp
tại Hoa Kỳ.
Quốc tế lên án
Sau khi tòa Nghệ An tuyên án đối với ông Lê Đình
Lượng, đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), ông Phil
Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á, lên tiếng cho rằng biện pháp đàn áp có
hệ thống của chính phủ Hà Nội đối với những tiếng nói chỉ trích và giới hoạt
động tại Việt Nam không thể ngăn cản những con người can đảm như ông Lê Đình
Lượng hoạt động cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ.
Human Rights Watch cho rằng Việt Nam hiện nay đang
trong xu thế trở thành quốc gia có số lượng tù nhân chính trị đông nhất tại khu
vực Đông Nam Á. Human Rights Watch kêu gọi các đối tác thương mại nước ngoài và
những nhà tài trợ cho Hà Nội cần yêu cầu Việt Nam chấm dứt tình trạng đàn áp
đang diễn ra.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International),
ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một cựu chiến binh và là một nhà hoạt động xã
hội, đòi hỏi đền bù cho những ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường
Formosa vào năm 2016. Thảm họa này xảy ra do hoạt động xả nước thải độc hại vào
nước biển của công ty Đài Loan, Formosa.
Sự kiện này khơi lên phong trào xã hội to lớn tại
Việt Nam, dẫn đến những đàn áp bởi chính quyền, khiến khoảng 40 người bị bắt,
và buộc hàng chục người phải rời bỏ đất nước.
Ông Lê Đình
Lượng bị bắt vào ngày 24 tháng Bảy năm 2017, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự năm 1999. Ông bị từ chối cho gặp
với gia đình và bị biệt giam gần một năm. Phải tới tháng Bảy năm 2018 ông mới
được phép gặp luật sư của mình.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Lê Đình
Lượng cũng vận động cho các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam và phản đối các
điều luật bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt.
Ngay trước phiên tòa tổ chức này cũng phát thông cáo
đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Lê Đình Lượng ngay lập tức và vô
điều kiện.
VIDEO :
Tuyên ông Lê Đình Lượng 20 năm tù giam
- "Đây là điều khá khôi hài!"
Published on Aug 16, 2018
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng bản án dành cho ông
Lê Đình Lượng là khá nặng, và là điều khá khôi hài khi 2 nhân chứng chính là
Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đều cho rằng bị nhục hình trong khi xét hỏi
nên đã phản cung ngay tại tòa.
-----------------------------
16/08/2018
Hôm
16/8, tòa án tỉnh Nghệ An xử nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng 20 năm
tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘lật đổ chính quyền nhân dân.’
Nhà hoạt động
Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An ngày 16/8/2018. Photo: Báo Nghệ An
Hôm 16/8, tòa án tỉnh Nghệ An xử nhà hoạt động vì
môi trường Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘lật đổ
chính quyền nhân dân.’
Sau khi kết thúc phiên xử, Luật sư Đặng Đình Mạnh
nói với VOA rằng bản án này là rất nặng so với các vụ án cùng tội danh hồi gần
đây. Luật sư Mạnh cho rằng đây là một bản án bất công:
“Đây là một bản án bất công đối với ông Lượng. Với
những chứng cứ trong hồ sơ vụ án, tôi nghĩ tòa không đủ chứng cứ để xử ông Lượng
với tội danh như vậy.”
Theo Luật sư Mạnh thì Viện kiểm sát đã đưa các chứng
cứ rất mơ hồ để buộc tội ông Lượng:
“Trong vụ án của ông Lượng, hầu như các chứng cứ rất
mơ hồ, không rõ ràng và rất là yếu.”
Trả lời phỏng vấn Reuters, Luật sư Hà Huy Sơn, người
cùng bào chữa cho ông Lượng, nói rằng Hội đồng xét xử “không có đủ chứng cứ” để
buộc tội ông Lượng.
Reuters dẫn lời Luật sư Sơn nói rằng thân chủ của
ông sẽ không nhận tội và sẽ kháng cáo.
Báo Nghệ An hôm 16/8 nói ông Lê Đình Lượng là “đối
tượng phản động đặc biệt nguy hiểm” thuộc “tổ chức khủng bố Việt Tân” có trụ sở
tại Hoa Kỳ, đồng thời tố cáo ông Lượng là “đã lôi kéo, dụ dỗ” người khác tham
gia vào tổ chức này, “nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ
chính thể Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Tờ báo tường thuật rằng Hội đồng xét xử xem xét,
đánh giá tại phiên tòa cho thấy “các tài liệu, chứng cứ được thu thập một cách
khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Nhưng báo chí Việt Nam không nêu rõ những chứng cứ cụ thể để buộc tội ông Lượng
là gì.
Ông Lê Đình
Lượng. Ảnh Facebook Nguyễn Thiện Nhân.
Truyền thông trong nước còn nói rằng ông Lê Đình
Lượng đã “lợi dụng cái gọi là bảo vệ môi trường,” để cùng một số đối tượng
“phản động, chống đối” khác kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa,
gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông.
Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giam ông Lê Đình Lượng
vào ngày 26/7/2017, về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” quy
định tại điều 79 Bộ Luật hình sự.
Bà Nguyễn Thị Qúy, vợ của ông Lượng, được phép dự
phiên tòa hôm 16/8, bà khẳng định với VOA rằng chồng bà vô tội:
“Ông ấy không nhận tội gì cả. Những việc làm của ông
ấy là đúng đắn. Ông ấy chỉ giúp dân đòi quyền lợi, đòi môi trường sạch, tranh
đấu để con em được đến trường… Những người hiểu biết pháp luật và lên tiếng đấu
tranh như ông Lượng thì bị quy là ‘lật đổ chính quyền.’”
Theo bà Qúy, ông Lượng từng biểu tình và ký tên vào
thỉnh nguyện thư đòi ngưng khai thác Bôxit ở Tây Nguyên vào những năm 2008, và
tham gia cùng người dân phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.
Năm 2016, ông Lượng đã đồng hành với bà con nhiều
nơi, đấu tranh đòi Công ty Formosa phải bồi thường cho các nạn nhân vì đã gây ô
nhiễm môi trường biển miền trung Việt Nam.
Bà Qúy cho biết thêm rằng từ nhiều năm nay ông Lượng
cũng tranh đấu ôn hòa chống vấn đề lạm thu phí học đường.
Cũng tại Nghệ An, tại một phiên xử phúc thẩm hôm
15/8, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản
chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước,” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự,
do đăng tải 7 bài viết có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, bôi nhọ
lãnh tụ.”
Báo Nghệ An cho rằng Nguyễn Viết Dũng là một trong
các thành viên đã bị ông Lê Đình Lượng “dụ dỗ” để tham gia Tổ chức Việt Tân.
Trước và sau phiên xử ông Lê Đình Lượng, một nhà
hoạt động bảo vệ môi trường và cũng là một cựu chiến binh, các tổ chức nhân
quyền quốc tế như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ân xá Quốc tế, kêu gọi chính
quyền Việt Nam hủy các cáo buộc mang động cơ chính trị đối với ông Lượng, và
trả tự do cho ông ngay lập tức.
VIDEO :
No comments:
Post a Comment