Tuesday, August 7, 2018

THƠ THÁI BÁ TÂN về GIÁO DỤC (FB Thái Bá Tân)





THÔNG ĐIỆP HÔM NAY

Xin nhắc lại thế này:

1. Trẻ học chơi, trong chương trình nhà trường, không tốn tiền thì được. Chủ yếu cho vui chứ không kỳ vọng gì nhiều. Tốt nhất nếu có thể ở nhà tự dạy và nói chuyện tiếng Anh với các cháu.

2. Không bỏ tiền, mỗi buổi nghe nói cả trăm nghìn để học thêm. Vì tốn kém, không hiệu quả. Cả thầy Tây dạy. Còn thầy Việt thì phần lớn không chất lượng, đa số cỡ học trò của tôi, phát âm chưa sõi.

3. Đến lớp 10 thì phải học cật lực, lớp 8 hay 9 cũng được, tùy thể trạng từng cháu. Học liên tục 3 năm. Lên đại học càng học nữa.

4. Bác nào có cháu ở tuổi ấy mời đến lớp tôi ở Bách Khoa, học miễn phí cũng OK. Hoặc thích thì đóng mỗi tháng 150 hay 100 nghìn để thầy in bài và trả tiền thuê phòng của trường. Bảo đảm dạy tử tế, phát âm chính xác, tiến bộ trông thấy, cả về nhân cách, kiến thức chung và thế giới quan.

5. Tôi tâm nguyện chỉ làm điều tốt lành và khuyên điều tốt lành, thích thì nghe, không thì cứ theo mốt cho giống người khác. Nói thật: Các bác đang mắc lừa người ta đấy. Một cú lừa lớn qui mô toàn quốc. Có người dạy trẻ con kiếm mỗi tháng hàng trăm triệu. Tôi thì đủ tiền in bài và thuê phòng là may. Con gái tôi Bảo Hiền ngày nhỏ tôi cũng chẳng dạy. Chỉ dạy mấy tháng trước khi cháu đi New Zealand học, năm lớp 8. Mà tiếng Anh cháu ngon lành.
______

KHÔNG BẮT TRẺ HỌC THÊM TIẾNG ANH

Thương quá, hôm qua nghe một bác từ quê lên Hà Nội kiếm sống khoe cho 2 đứa con gái 5 và 9 tuổi đi học tiếng Anh, mỗi đứa 120 nghìn một buổi. Tôi khuyên thôi ngay, không biết có nghe không. Tội nghiệp. Thậm chí có nói: Cậu đang mắc mưu người ta, một âm mưu toàn quốc.

Post lại bài này nhắc lại các bác. Tin tôi đi. Học chơi mỗi tuân một buổi không mất tiền thì được. Tiên sư cái nước ta. Người lớn, nhất là sinh viên, thì không chịu học, lại bắt trẻ con nói chưa sõi học và mất cả núi tiền. Mà ai dạy? Hầu hết là sinh viên võ vẽ đôi chữ, đến phát âm chuẩn cũng không làm được.

Khuyên các bác không cho con học thêm tiếng Anh, đặc biệt khi còn nhỏ. Tốn tiền, tốn thời gian của bố mẹ và các cháu. Mà kết quả thì gần như con số không.

Tôi là chuyên gia dạy tiếng Anh đấy, có thể là chuyên gia hàng đầu. Học đến mấy rồi cũng quên. Chờ đến lớp 10, thì cho các cháu học, học nghiêm chỉnh, liên tục cho đến hết phổ thông. Ba năm là đủ.

Đề nghị không tranh luận. Thích thì theo, không thì thôi.
________

BÀI QUAN TRỌNG
Tôi, nôm na cứ gọi,
Là chuyên gia tiếng Anh,
Mạo muội xin góp ý
Đôi lời khuyên chân thành.
  Khi con bạn còn nhỏ,
  Không học nhiều làm gì.
  Không cần chạy theo điểm.
  “Bé ngoan” thì quên đi.
Cho chúng chơi thoải mái,
Tuổi chúng là tuổi chơi.
Với chúng, chơi là học.
Quan trọng là tiếng cười.
  Còn chuyện học English,
  Thích thì học cho vui.
  Học ít, kiểu đùa nghịch.
  Vì biết, lại quên thôi.
Không thuê thầy cô dạy.
Không trường chuyên làm gì.
Vừa tốn vừa vô bổ.
Tin hay không thì tùy.
   Để tiền ấy chờ lớn,
   Ba năm cuối phổ thông,
   Tập trung học thật tốt,
   Không tiếc tiền, tiếc công.
Tiếng Anh quan trọng lắm.
Không có nó là gay,
Không chỉ nhằm thi cử,
Mà làm việc sau này.
   Chắc có người sẽ sốc
   Khi nghe lời tôi khuyên.
   Nhưng tôi khuyên đúng đấy.
   Nhất là đỡ tốn tiền.
PS
Nhân tiện xin được nhắc
Một thực tế thế này.
Muốn sốc thì cứ sốc,
Nhưng rất đúng xưa nay.
    Người ta đã đúc kết:
    Cấp một toàn điểm mười,
   Các cấp sau sẽ kém,
   Và thường chẳng hơn người.
_________________

THẦN ĐỒNG
Các thần đồng, hầu hết
Sau thành người bình thường.
Thiên tài thì ngược lại,
Ngày nhỏ học bình thường.
   Đó là một thực tế
   Được tổng kết xưa nay.
   Không quan trọng thời nhỏ.
   Quan trọng là sau này.
Thông minh ba bảy loại.
Thông minh giỏi tiếng Anh.
Giỏi cả Toán, Lý, Hóa.
Học thuộc, tính nhẩm nhanh.
   Tất cả những cái ấy
   Là rất tốt, tuy nhiên,
   Chỉ đủ để học giỏi,
   Thành đạt và kiếm tiền.
Thành thiên tài thì khác.
Thiên tài cần thông minh,
Loại thông minh sáng tạo,
Thường đến muộn, ẩn mình.
   Einstein đã nói:
   Để có thông minh này,
   Trẻ cần đọc cổ tích,
   Đọc nhiều và hàng ngày.
Đọc để rồi suy ngẫm,
Bay bổng và mộng mơ,
Lạc vào những thế giới
Kỳ diệu, đẹp đang chờ.
    Vậy mừng cho các bác
    Có con là thần đồng.
    Con cháu giỏi là tốt,
    Nhưng đừng quá viển vông.
Đừng kỳ vọng nhiều quá.
Đừng bắt học đêm ngày.
Nhất là đừng ngộ nhận,
Kẻo thất vọng sau này.
   Nhân tiện, xin nhắc lại
   Lời khuyên này chân thành:
   Con các bác còn nhỏ,
    Đừng học thêm tiếng Anh.
Một – vì quá tốn kém.
Không chạy theo phong trào.
Hai – để chúng rảnh rỗi
Đọc sách, chơi thể thao.
   Ba – học cũng vô ích.
  Học trước rồi quên sau.
   Chờ lớn lên sẽ học.
   Yên tâm, không muộn đâu.
Tôi là một thầy giáo,
Biết mình đang nói gì.
Có thương mới khuyên thế.
Theo hay không thì tùy.

PS
Tôi ngày nhỏ học dốt,
Ham chơi và cũng lười.
Lớp sĩ số sáu mốt,
Tôi luôn xếp sáu mươi.
    Lớn lên như cỏ dại,
    Rồi cứng cáp thành cây.
    Thời nhỏ không quan trọng.
    Quan trọng là sau này.
________________

LẠI NÓI VỀ THẦN ĐỒNG
Có thần đồng nổi tiếng
Rất giỏi môn tiếng Anh.
Viết, nói chuẩn, lưu loát,
Phản xạ cũng rất nhanh.
   Nhưng dẫu giỏi, thì cậu
   Thực chất chẳng hơn gì
   Một cậu bé học dốt
   Sinh ra ở Hoa Kỳ.
Thêm một thần đồng khác -
Thuộc hết cả Truyện Kiều
Nhớ hàng chục con số,
Tính nhẩm vào loại siêu.
   Tuy vậy, cậu vẫn kém
   Chiếc máy cũ thu âm.
   Càng thua chiếc máy tính
   Cách đây bốn chục năm.
Thực ra cái giỏi ấy
Là kỹ năng đơn thuần.
Và dẫu để thành đạt,
Tất nhiên là rất cần.
   Nhưng thần đồng phải khác.
   Phải như xưa, Mô-za
   Biết chơi và viết nhạc
   Khi lên bốn, lên ba.
Tức là có tố chất
Của một bậc thiên tài,
Thích khám phá, sáng tạo,
Suy nghĩ không giống ai.
   Để có được cái ấy,
   Trừ ngoại lệ Mô-za,
    Thì phải học nhiều lắm
    Trước khi muốn thăng hoa.
Có kỹ năng là tốt.
Nhưng có tài năng không?
Cái ấy mới quan trọng.
Đừng vội tin thần đồng
_________________

KHỈ VÀ RỪNG
Vợ chồng cô cháu đến
Háo hức khoe: Thằng Hành
Vừa rồi cho đi học
Một lớp xịn tiếng Anh.
   Càng háo hức khi nói:
   Học đã mấy tháng nay.
    Bốn trăm nghìn mỗi buổi.
    Mỗi tuần học bốn ngày.
Ông Béo nghe, im lặng,
Thương hại nhìn thằng Hành.
Mới năm tuổi, thằng bé
Gầy đét, da tái xanh.
   Thậm chí không muốn hỏi
   Xem học hành ra sao.
   Vì không hỏi cũng biết
   Trình độ nó thế nào.
*
Người Việt ta, thật tởm,
Cứ đua nhau làm giàu.
Làm giàu bằng mọi cách
Cốt chỉ để khoe giàu.
   Cứ như ta ghê lắm.
   Thử hỏi ta là ai?
   Ta là quê một cục,
   Tầm tầm cái đức tài.
Cái quê một cục ấy
Còn khoe việc thằng Hành
Đi học bơi, vui lắm,
Ở bể bơi Nhà Xanh.
   Học bơi thì đồng ý.
    Nhưng tiền học thì không.
   Mỗi buổi hai tiếng học,
   Tức sáu trăm nghìn dồng.
Trời ơi, sao nhiều thế?
Chúng chặt chém chúng mày.
Dạ thưa, ai cũng vậy.
Ai cũng trả giá này.
   Chúng cháu là nhất định
   Cứ phải cho thằng Hành,
   Không được thua chúng bạn,
    Học thật giỏi tiếng Anh!
*
Nếu muốn, ta có thể
Đưa khỉ ra khỏi rừng,
Nhưng không đưa được rừng
Ra khỏi đầu con khỉ.
    Một ông bác tốt bụng
    Có thể khuyên cháu mình,
    Nhưng không thể bảo đảm
   Chúng sẽ thành thông minh.

*
*

LẠI NÓI VỀ GIÁO DỤC

Muốn cải cách giáo dục
Thì việc làm đầu tiên
Là giải phóng giáo dục
Khỏi bộ máy tuyên truyền.
   Bỏ mấy môn vớ vẩn,
   Chính trị và Mác-Lê.
   Bỏ diễn tập quân sự
   Và mấy cái hội hè.
Bỏ không hô khẩu hiệu,
Thi đua và tiến lên.
Bỏ cháu ngoan, bé khỏe,
Bỏ cả đoàn thanh niên.
   Chỉ tập trung học tập
   Và rèn luyện thể thao.
   Đầu ra thì xiết chặt,
   Cho thoải mái đầu vào.
Chính trị hóa giáo dục
Là việc ngu nhất đời.
Hãy học theo Nhật Bản
Để dạy trẻ làm người.

*
*

NELSON MANDELA VỀ GIÁO DỤC

Trên cổng một trường nọ
Ở Nam Phi, người ta
Khắc câu nói nổi tiếng
Của Nelson Mandela.
    “Muốn hủy diệt một nước,
   Không cần bom hạt nhân.
   Tên lửa và đại bác,
   Tàu chiến cũng không cần.
Chỉ cần ngành giáo dục
Của nước ấy suy đồi.
Chuẩn thấp, chất lượng thấp
Gian lận điểm,và rồi
   Các bác sĩ nước ấy
   Sẽ giết chết bệnh nhân,
   Và các nhà chính trị
   Hoang phí tiền của dân.
Mua bằng, gian lận điểm,
Kỹ sư, nhà mới xây
Nứt lún hoặc sụp đổ,
Hoặc thẩm thấu suốt ngày.
   Cũng vì lý do ấy,
   Trong tay các quan tòa
   Công lý bị bóp méo,
   Gây hậu quả sâu xa.
Khi giáo dục xuống cấp,
Trí thức thành lưu manh.
Tôn giáo sẽ xung đột.
Đất nước sẽ chiến tranh.
   Vì vậy, để sụp đổ
   Ngành giáo dục nước nhà,
   Tức là tự cho phép
   Sụp đổ một quốc gia.

*
*

MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC
Mục đích của giáo dục
Là dạy cho học sinh
Cách suy nghĩ độc lập
Theo hiểu biết của mình.
   Còn ta thì ngược lại,
   Chỉ bắt học thuộc bài
   Và tính toán thật giỏi
   Một cộng một bằng hai.
Làm văn thì nhất thiết
Theo dàn ý của thầy.
Mở đầu phải như thế,
Kết thúc phải thế này.
    Viết khác là điểm kém.
   Phải đúng trước, đúng sau.
   Thành ra, không đồng phục
   Mà ai cũng như nhau.
Bé, đã học lý tưởng,
Rằng phải yêu người này,
Không được yêu này nọ.
Phải đúng như ý thầy.
    Theo chương trình lập sẵn,
    Ta, người dân Việt Nam
    Trưởng thành, không suy nghĩ,
    Chỉ việc cắm cúi làm.
Ngại và lười động não,
Cứ làm theo loa đài.
Theo tuyên huấn chỉ bảo,
Yêu và không yêu ai.
    Giáo dục ta là thế.
    Là thế xã hội ta.
    Gieo gì thì gặt ấy.
    Đừng hy vọng đi xa.
Muốn cải cách giáo dục,
Phải cho phép học sinh
Được suy nghĩ độc lập
Theo kiến thức của mình.
    Sau đó, qua thực tế,
    Chúng sẽ hiểu đúng sai.
    Và được phép lựa chọn
    Yêu hay không yêu ai.





No comments: