Thursday, August 16, 2018

ÔNG TRỌNG ĐI NƯỚC CHÂU ÂU NÀO ĐỂ 'DẬP LỬA' BẮT CÓC? (Phạm Chí Dũng)




17/08/2018

Rất may là ‘đảng trưởng’ Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đi Pháp trót lọt vào tháng Ba năm 2018 để ‘vận động quốc tế linh hoạt sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu’ (EVFTA), chứ không phải ngay vào lúc này - thời điểm mà cơn địa chấn mang tên ‘Trịnh Xuân Thanh’ đã lan tới Paris.
Cuối tháng trước, hai cái tên Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư và Tô Lâm - Bộ trưởng công an - đã bị Tòa Thượng thẩm Berlin bêu tên trong phiên xử kéo dài đến 3 tháng trời vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh,

Đã quyết định ‘thăm’ 3 nước châu Âu?

Ông Trọng - người vừa chủ trì Hội nghị ngoại giao ở Việt Nam với bài diễn văn vẫn không quên nhấn mạnh về ‘điểm sáng đối ngoại’ nhưng lại chẳng hề đả động đến khối Liên minh châu Âu, trong khi báo đảng Quân Đội Nhân Dân kêu gào ‘Không được xuyên tạc đường lối đối ngoại quang minh chính đại của đảng ta’, đang được cho là ‘sẽ sang thăm ba quốc gia châu Âu, có thể là để xoa dịu sự bực bội của các nước này sau vụ Trịnh Xuân Thanh’ vào đầu tháng 9/2018, và hiện tên của ba quốc gia này chưa được tiết lộ - theo thông tin từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Singapore trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFA mới đây.
Thông tin trên xuất hiện chỉ khoảng mười ngày sau khi bùng nổ loạt bài điều tra trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia ngày 3/8/2018 về ‘Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’, và chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak thẳng thừng tuyên bố sẽ không bổ nhiệm đại sứ mới của nước này tại Hà Nội cho đến khi Slovakia kết thúc cuộc điều tra chuyên án trên - được đích thân Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini chỉ thị tiến hành.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Slovakia - Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động thái hạn chế ngoại giao ấy, trước khi có thể dẫn đến những động thái tiếp theo mang tính hạ cấp quan hệ ngoại giao còn trầm trọng hơn thế nhiều.
Nếu chuyến đi 3 nước châu Âu sẽ diễn ra vào đầu tháng Chín năm 2018, quyết định ‘ra đi tìm đường cứu đảng’ này hẳn đã hình thành gần như như ngay tức thì sau phản ứng của Slovakia, cho thấy không chỉ Chính phủ Slovakia bấn loạn mà ‘nhóm Nguyễn Phú Trọng’ và kéo theo các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao của ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ Phạm Bình Minh, cũng rơi vào tâm thế hoảng loạn.
Vậy nếu đi, ông Trọng sẽ chọn những quốc gia nào?

Đức sẽ không mời?

Có khả năng ông Trọng sẽ chọn Slovakia, Cộng hòa Liên bang Nga và có thể cả Cộng hòa Czech và Cộng hòa Pháp.
Nhưng tất nhiên không có hoặc rất khó có khả năng Nguyễn Phú Trọng đi Đức với hai lý do thật dễ hiểu: 1/sau khi đích thân Tổng bí thư Trọng bị Tòa Thượng thẩm Berlin ‘điểm danh’ trong phiên xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trên cơ sở ngoại giao nào và làm thế nào để Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel mời ông Trọng thăm Đức, dù là Bộ Ngoại giao Việt Nam có chạy đôn chạy đáo vận động? 2/ từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn tuyệt đối không có một lời xin lỗi Đức và ‘cam kết sẽ không tái phạm’ theo một yêu cầu có vẻ khá nhẹ nhàng của Đức.
Bỏ qua điểm đến Berlin là một điều hết sức đáng tiếc, bởi điểm nổ vụ Trịnh Xuân Thanh chính là Berlin, và hiện thời người Đức có vai trò chủ chốt trong việc tác động, nếu không nói là quyết định, đến việc Nghị viện châu Âu có thông qua hay không Hiệp định EVFTA.
Vào năm ngoái khi nổ ra khủng hoảng Đức - Việt, Nguyễn Phú Trọng đã không xuất ngoại. Tháng Mười năm 2017, người Đức đột ngột tuyên bố tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một cấp độ trừng phạt mạnh.

Đám cháy Slovakia

Trong thực tế, cơn di chấn động đất từ Đức đã lan rộng và lan mạnh sang Slovakia, Czech và cả Pháp, Nga, Ba Lan… Trong đó có ít nhất 5 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU).
Slovakia - điểm nổ thứ hai và đang rất nhanh chóng tượng hình một đống lửa ngùn ngụt cháy - được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘đối tác thân thiện’ và dù sao quốc gia này cũng được tách ra từ Tiệp Khắc ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ trước đây. Dập được đống lửa ở Slovakia cũng có nghĩa là cách nào đó có thể xoa dịu được sự phẫn nộ của Chính phủ Đức và chặn được một phần nguy cơ đám cháy lan ra toàn khối EU.
Nhưng nếu chọn Slovakia, ông Trọng sẽ phải ứng xử ra sao với chính phủ nước này - cũng đang phẫn nộ không kém người Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong bối cảnh một đảng viên cao cấp của tổng bí thư Việt Nam là Đại sứ Việt Nam tại Slovaki, Dương Trọng Minh, còn đang bị Quốc hội Slovakia đòi trục xuất vì tiếp tay cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Chính vào lúc này, Chính phủ Slovakia đang phải cấp bách cứu vãn thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ. Thậm chí, cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia còn gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này, khi đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid đã tuyên bố rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật. Cơn khủng hoảng chính phủ Slovakia có nguy cơ bùng nổ tệ hại chỉ ít lâu nữa nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không được điều tra rõ để quy trách nhiệm cho không chỉ những quan chức nước này mà cho cả tác giả của vụ bắt cóc.
Bức tranh mới đẹp đẽ làm sao: Việt Nam ăn ốc, Slovakia đổ vỏ.

Gặp lại Macron?

Trong khi đó, nước Pháp mà Nguyễn Phú Trọng vừa viếng thăm vào tháng Ba năm 2018 và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dùng đến 4 tỷ đồng tiền thuế dân Việt để đăng cho được bài viết dài lê thê về ‘triển vọng quan hệ Việt - Pháp’ của ông Trọng trên trang quảng cáo của nhật báo uy tín Le Monde, vào đầu tháng Tám năm 2018 đã chính thức cung cấp cho cơ quan an ninh của Đức tập hồ sơ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Mạng Thoibao.de tại Đức cho biết vào tháng Bảy năm 2017, một nhóm người Việt Nam trong đó có sĩ quan an ninh Vũ Quang Dũng, hiện là trợ lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an Việt Nam đã sang Paris. Nhóm người này đã phối hợp cùng một nhóm khác tại thủ đô Berlin của Đức để thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Chiếc điện thoại và sim mà nhóm người Việt này sử dụng tại Pháp đã được cơ quan chức năng điều tra, và tìm thấy lộ trình di chuyển cũng như tất cả các liên lạc trong chiếc sim này…
Lẽ đương nhiên trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron tại Paris vào tháng Ba năm 2018, Nguyễn Phú Trọng đã không hề hé môi về vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng cũng rất có thể ông Trọng không thể biết được là vào thời gian đó, cơ quan cảnh sát và an ninh Pháp đã âm thầm điều tra nhóm mật vụ của tướng Đường Minh Hưng để hình thành một bộ hồ sơ đủ dày nhằm cung cấp cho Đức và Europol.
Không biết vô tình hay hữu ý, không những không có bất kỳ hứa hẹn nào về ‘Pháp sẽ ủng hộ Việt Nam tham gia EVFTA’ hay ‘Pháp sẽ vận động EU nhanh chóng thông qua EVFTA’, trong cuộc gặp tháng Ba năm 2018 Tổng thống Macron còn đề cập một cách nhấn mạnh về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.
Đề cập và lời kêu gọi của Tổng thống Macron là logic với đánh giá cho rằng Chính phủ Pháp đã chủ động yêu cầu phía Việt Nam phải đưa nội dung “nhấn mạnh nhân quyền” vào Tuyên bố chung Việt - Pháp 2018 và đôn nội dung này lên vị trí thứ 2 trong bản tuyên bố này, vượt hơn nhiều so với vị trí thứ 6 của chủ đề nhân quyền được thể hiện trong bản tuyên bố Việt - Pháp vào tháng Chín năm 2013 trong chuyến công du Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Jean - Marc Ayrault…
Rõ ràng, cả Slovakia và Pháp đều là những trường hợp ‘khó gặm’, nếu Nguyễn Phú Trọng ‘liều mình’ đến những nước này.
Trong khi đó, cả hai bộ nội vụ Slovakia và Đức, thậm chí cả cơ quan cảnh sát của Pháp, đang phối hợp với nhau, tạo thành một ‘Euro Police’ thu nhỏ. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Hai tháng là thời hạn tối đa để điều tra.

Putin có chịu ‘thông cảm’?        

Chỉ còn Liên bang Nga là trường hợp dễ nhận được sự ‘thông cảm’ hơn cả cho vụ ‘trung chuyển Trịnh Xuân Thanh’ - ít ra cũng là suy nghĩ trong não trạng tủn mủn của giới quan chức Việt Nam từ thời Xô viết, hay dựa vào truyền thống có đến hơn 90% vũ khí mà quân đội Việt Nam sử dụng mang xuất xứ từ Nga.
Nhưng khả năng ‘thông cảm’ trên cũng chỉ là cảm tính, có khi chỉ là một giả thiết không có chân đứng.
Truyền thông Đức cho biết sau khi bị đưa tới Bratislava, Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa lên máy bay để bay thẳng từ Slovakia, qua không phận Ba Lan đến thủ đô Moscow của Nga.
Liệu cơ quan an ninh và cảnh sát Nga có nắm được lộ trình này và sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh ở Moscow? Và nếu chưa từng biết nhưng sẽ được các cơ quan tư pháp của Đức và Slovakia cung cấp đủ bằng chứng về vụ này, cộng thêm sức ép rất lớn từ rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới ồ ạt ‘tham chiến’ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người Nga có thể hay có dám bỏ lơ vụ mất mặt quốc tế này? Tổng thống Putin sẽ phải có chính kiến ra sao?
Nước Nga hẳn phải là địa chỉ mà Nguyễn Phú Trọng nhen nhóm hy vọng cuối cùng. Nhưng nếu Putin không dại đánh đổi thể diện nước lớn để bảo vệ hay khỏa lấp vụ mật vụ Việt Nam ‘trung chuyển’ Trịnh Xuân Thanh qua Moscow, hy vọng của ông Trọng sẽ biến thành thất vọng cuối cùng. Hoặc tuyệt vọng.






No comments: