Friday, August 10, 2018

LS NGUYỄN VĂN ĐÀI : ĐÔI ĐIỀU VỀ MỘT PHIÊN TÒA SẮP XỬ Ở VIỆT NAM (LS Nguyễn Văn Đài)



Luật sư Nguyễn Văn Đài
Gửi cho BBC từ Berlin, CHLB Đức
10 tháng 8 2018

Ngày 17 tháng Tám tới đây, theo lịch trình, Toà án tỉnh Quảng Bình của Việt Nam sẽ đưa ông Nguyễn Trung Trực ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc tham gia Hội Anh em Dân chủ, một hội đoàn trong xã hội dân sự Việt Nam, với tội danh hoạt động nhằm lật đổ cái gọi là "Chính quyền Nhân dân" theo điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Một số thành viên Hội anh em Dân chủ trong một lần tiếp xúc với Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.  FB HỘI ANH EM DÂN CHỦ

Là một luật sư theo dõi về nhân quyền nhiều năm ở Việt Nam và theo sát các hoạt động của xã hội dân sự, nhất là ở lĩnh vực vận động ôn hòa cho tự do hóa, dân chủ hóa ở trong nước, tôi có một vài câu hỏi và nhận xét như sau về vụ án này.

Trước hết, ông Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng trong số chín thành viên lãnh đạo của Hội Anh em Dân chủ bị bắt và đưa ra xét xử, khi đưa ông ra Tòa, xin hỏi Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dựa vào những căn cứ nào để cáo buộc tội Hội trên có hoạt động nhằm lật đổ cái gọi là "Chính quyền Nhân dân"?

Chiểu theo một bản án (số 117/2018/HS-ST ngày 05/4/2018) của Toà án thành phố Hà Nội và một bản cáo trạng (số 143/CT-VKS-P1 ngày 5/7/2018) của Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Bình thì họ dựa vào chín chứng cứ sau đây:

Tổ chức họp các hội viên; xây dựng cương lĩnh của Hội Anh em Dân chủ; Xây dựng cơ cấu tổ chức của Hội Anh em Dân chủ; Phát triển lực lượng của Hội Anh em Dân chủ; Đào tạo hội viên; Quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động ủng hộ, tài trợ kinh phí cho Hội Anh em Dân chủ; Tuyên truyền chống cái gọi là "Nhà nước CHXHCN Việt Nam"; Tiến hành kích động người dân phản đối chính quyền; Bản kết luận giám định ngày 10.3.2017 của Hội đồng giám định Bộ thông tin và truyền thông giám định về các cuộc họp bàn của Hội Anh em Dân chủ.

Ông Nguyễn Trung Trực (phải) là thành viên của Hội Anh em Dân chủ sắp được đưa ra Tòa xét xử, theo lịch trình của Tòa án tại Việt Nam. HỘI ANH EM DÂN CHỦ

Để rộng đường dư luận
              
Tôi có một số luận điểm muốn đưa ra ở đây về vụ án này, cũng như về Hội Anh em Dân chủ (sau đây gọi tắt là Hội) và các thành viên của Hội để dư luận rộng đường tham khảo.

Thứ nhất, từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của Hội, mọi thành viên đều tuân thủ các mục tiêu chính trị được ghi trong Điều lệ của Hội.
Đó là đấu tranh bảo vệ và thực thi các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế nghi nhận; và vận động xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh.

Bởi vậy cái mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án Cộng sản Việt Nam gọi là chứng cứ từ điếm 1-6 là những hoạt động bình thường của tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới và Việt Nam.
Các hoạt động đó nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các từng lớp nhân dân về nhân quyền, xã hội dân sự nhằm phục vụ cho việc xây dựng nước Việt Nam dân chủ và văn minh.

Việc xây dựng cơ cấu tổ chức, phát triển thành viên, vận động ngoại giao và tài chính của Hội Anh em Dân chủ cũng chỉ nhằm mục đích thực hiện tốt và hiệu quả việc quảng bá nhân quyền, bảo vệ các quyền con người và góp phần vào việc xây dựng chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam.

Các hoạt động bình thường đó theo tôi không thể nào lật đổ được cái gọi là "chính quyền Nhân dân".

Cáo buộc tuyên truyền chống cái gọi là "Nhà nước CHXHCN Việt Nam", theo tôi, cũng hết sức phi lý và có tính chất qui chụp.
Lý do là bởi vì các thành viên của Hội Anh em Dân chủ chỉ sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ các quan điểm cá nhân về chính trị, kinh tế, xã hội đã và đang xảy ra ở Việt Nam.
Họ có quyền lên án, phê phán các chính sách, việc làm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, khi gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích trực tiếp của chính họ. Đó là các quyền hợp hiến và hợp pháp của các thành viên Hội.

Các việc làm này của họ, theo tôi, không bao giờ là nhằm tuyên truyền chống cái gọi là "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" hay có thể nhằm lật đổ cái gọi là "Chính quyền Nhân dân".

Luật sư Nguyễn Văn Đài (trái) cho rằng không khách thể, đối tượng nào bị 'xâm hại' mang tên là 'Chính quyền Nhân dân', vì ở Việt Nam không tồn tại thực thể này.

'Thực hiện nghĩa vụ, hợp hiến'

Có một cáo buộc nữa được đưa ra là điều được gọi là"tiến hành kích động người dân phản đối chính quyền".
Đây là việc mà theo tôi biết, một số thành viên Hội Anh em Dân chủ kêu gọi người dân và tham gia thực hiện quyền biểu tình bảo vệ môi trường trong vụ Formosa phá huỷ môi trường biển khu vực miền Trung.

Chúng ta đều biết, quyền tự do biểu tình qui định tại Điều 25, và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mỗi công dân qui định tại Điều 43 Hiến pháp Việt Nam 2013.
Như vậy mọi công dân có quyền tự do biểu tình để thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường khi mà nhà cầm quyền cộng sản tại địa phương được cho là đã vô trách nhiệm để công ty Formosa huỷ hoại môi trường.

Kêu gọi biểu tình và tham gia biểu tình để bảo vệ môi trường là quyền hiến định của mọi công dân Việt Nam.

Bản kết luận ngày 10/3/2017 của Hội đồng giám định Bộ thông tin và Truyền thông giám định về các cuộc họp bàn của Hội Anh em Dân chủ. Theo tôi, đây là một sự 'vu khống và chụp mũ' của nhà cầm quyền khi Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng tài liệu do cơ quan an ninh thu thập bằng biện pháp vi phạm Hiến pháp và Pháp luật.

Cụ thể là thế nào? Cụ thể theo tôi là cơ quan an ninh đã có dấu hiệu vi phạm Điều 21 Hiến pháp và Điều 12 Bộ luật tố tụng hình sự khi được cho là tiến hành 'ghi âm trộm' các cuộc họp của Hội Anh em Dân chủ.
Đồng thời toàn bộ nội dung của các cuộc họp đó, theo tôi biết, không có câu chữ nào mà các thành viên sử dụng phản ánh mục đích hay âm mưu của cái gọi là "lật đổ chính quyền Nhân dân".

Thứ hai, ở Việt Nam, từ góc nhìn của tôi, không hề có "Chính quyền Nhân dân" là khách thể mà điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999 bảo vệ.

Điều 4 Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã 'đóng đinh' quyền lãnh đạo của đảng CSVN, bởi vậy nhân dân Việt Nam theo tôi đã bị tước đoạt quyền làm chủ đất nước của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam mà cụ thể là Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương có thể thấy là quyết định mọi vấn đề của đất nước, nhân dân Việt Nam đã và đang chỉ có nghĩa vụ thực hiện, mọi sự đưa ra lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức và có thể nói chỉ là có tính chất uyển ngữ 'lừa dối'.

Bốn thành viên của Hội Anh em Dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên mức án tổng cộng là 66 năm tù giam trong một phiên tòa từ trước tại Việt Nam. AFP

'Chính quyền nhân dân'tồn tại?

Đồng thời nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, theo quan điểm của tôi, đã cấm đoán mọi tổ chức, đảng phái chính trị khác thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Khi nhân dân không có quyền tự do lựa chọn và quyết định đảng cầm quyền, người lãnh đạo đất nước thông bầu cử tự do và công bằng thì chính quyền đó làm sao có thể gọi là 'Chính quyền Nhân dân'?

Có thể thấy khái niệm hay định nghĩa về Chính quyền Nhân dân không có trong Hiến pháp Việt Nam 2013 và nó hết sức mơ hồ trong hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời Quốc hội, hệ thống các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương, các cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị xã hội…, đều đặt dưới sự quản lý và lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam.

Bởi vậy, chế độ chính trị của Việt Nam như thế giới đã nhìn nhận đã và đang là một chế độ độc đảng, toàn trị, mà trong đó chính quyền độc đảng, chuyên chế này mang nhiều tính chất mà theo tôi là 'phản tiến bộ, phản dân chủ', đi ngược lại xu thế văn minh của thời đại về nhiều phương diện từ chính trị, thể chế, luật pháp cho đến quản lý xã hội v.v...

Theo tôi, một nguyên tắc bắt buộc của nền chính trị dân chủ là phải có đa nguyên và đa đảng. Không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có Chính quyền Nhân dân cả.
Do vậy, mục đích của Hội Anh em Dân chủ khi nhìn nhận khách quan, công tâm, cũng là vận động, đấu tranh bằng phương pháp ôn hoà bất bạo động, nhằm tiến tới xây dựng một chế độ chính trị dân chủ đa đảng và khi đó Chính quyền Nhân dân mới được thiết lập ở Việt Nam. Lúc đó điều 79 Bộ luật hình sự 1999 hay điều 109 Bộ LHS năm 2015 mới có khách thể bảo vệ.

Thay lời kết luận, tôi cho rằng hội Anh em Dân chủ cùng với các thành viên của mình được thành lập và hoạt động hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp ở Việt Nam, với mục đích cổ suý và bảo vệ các quyền con người; vận động xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ đa đảng.

Hoạt động của Hội theo tôi là chính nghĩa, hoàn toàn phù hợp với mong ước của nhân dân, quần chúng tiến bộ của Việt Nam ở trong và ngoài nước, phù hợp với sự phát triển và đòi hỏi của xã hội Việt Nam, phù hợp với trào lưu dân chủ của nhân loại tiến bộ.

Nhà cầm quyền Cộng sản, theo quan điểm của tôi, khi đưa ra cáo buộc về cái gọi là "lật đổ chính quyền Nhân dân" với Hội Anh em Dân chủ và các thành viên của Hội là 'hoàn toàn vu khống', 'chụp mũ, phi lý và bất công'.

Với những luận điểm, căn cứ ấy, tôi đề nghị và yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc và không điều kiện cho ông Nguyễn Trung Trực và các thành viên khác đã bị kết án tù.

----------------
* Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một luật sư nhân quyền và cựu tù nhân lương tâm tại Việt Nam, thành viên sáng lập của Hội Anh em Dân chủ, hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức.








No comments: