Friday, August 24, 2018

HÀNG NGÀN NGƯỜI VIỆT LÀ NẠN NHÂN CỦA BUÔN NGƯỜI Ở TRUNG QUỐC & ANH QUỐC (tin tổng hợp)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 24-08-2018 

Có trên 3.000 người Việt Nam hầu hết là phụ nữ và trẻ em đã trở thành món hàng của bọn buôn người từ năm 2012 đến 2017, chủ yếu bị bán sang Trung Quốc. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ bộ Công An Việt Nam hôm nay 24/08/2018 cho biết như trên.

Những kẻ buôn người thường dụ dỗ con mồi từ chợ, trường học, sử dụng Facebook hay một ứng dụng tin nhắn thông dụng ở Việt Nam để kết bạn với nạn nhân, rồi bán họ cho các bar karaoke, nhà hàng hay đưa ra nước ngoài. Theo bộ Công An, có đến trên 90% trường hợp các nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc.

Bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc Hội trong phiên giải trình hôm qua tuyên bố : « Nạn buôn người diễn ra trên cả nước, không chỉ ở vùng sâu vùng xa ». Bà cho biết đã vấp phải những « khó khăn và thiếu sót » trong việc thực thi pháp luật, và kêu gọi các đại biểu Quốc Hội nên có những quy định chặt chẽ hơn.

Quốc Hội Việt Nam đang xem xét lại Luật chống buôn người được đưa ra vào năm 2012.

Bộ Công An cho biết trong từ năm 2012 đến 2017 đã điều tra 1.021 vụ buôn người, bắt giữ 2.035 nghi can. Cụ thể có 3.090 nạn nhân bị lừa bán, trong đó 90% là phụ nữ và trẻ em người thiểu số sống ở những vùng cao hẻo lánh.Theo bộ này, Việt Nam cần tập trung « xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là các sắc tộc thiểu số », để góp phần giải quyết vấn đề.

----------------------------
VOA Tiếng Việt
23/08/2018

Các chuyên gia Anh cảnh báo một số lượng lớn trẻ em Việt Nam có thể đang bị các nhóm tội phạm bóc lột trong các trại trồng cần sa ở London.

Cảnh báo này được đưa ra hôm 20/8 sau khi những số liệu mới cho thấy quy mô của hoạt động sản xuất cần sa ở Anh được công bố, theo Reuters.

Cảnh sát đã phát hiện 314 trang trại cần sa ở London từ năm 2016, tức bình quân khoảng hai ngày một trại, theo số liệu chính thức mà London Evening Standard có được. Các trang trại này thường nằm trong những khu dân cư và các lao động ở đây là trẻ em đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trẻ em được đưa từ Việt Nam và các nước khác tới Anh để làm việc ở các trang trại chủ yếu nằm trong các khu dân cư.

"Số lượng lớn các trang trại cần sa trên khắp London và việc đưa trẻ em Việt Nam vào làm việc ở những nơi này thực sự đáng quan ngại", theo Jakub Sobik, phát ngôn viên tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế. "Có thể có hàng nghìn trẻ em và thanh niên từ Việt Nam bị đưa vào đây và bị các nhóm tội phạm tàn nhẫn bóc lột".

Theo ước tính của Cơ quan Chống buôn người của Anh được The Guardian trích dẫn vào tháng 5/2015, có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam được đưa vào Anh và đang bị các băng đảng tội phạm bóc lột nhằm thu lợi nhuận.

The Guardian cho biết số trẻ em bị buôn vào Anh từ Việt Nam đông hơn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Có tới 96% các nạn nhân bị ép trồng cần sa xác định được danh tính là từ Việt Nam và 81% trong số đó là trẻ nhỏ. Thông thường, các em quá sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng, theo nhật báo Anh.

Cảnh sát London chưa đưa ra phản hồi gì về báo cáo trên, theo Reuters.

Anh được xem là đầu tàu quốc tế trong cuộc chiến chống lại tình trạng nô lệ khi thông qua Luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 nhằm quy án chung thân đối với những kẻ buôn nô lệ và nhằm bảo vệ tốt hơn những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội cũng như buộc các doanh nghiệp lớn phải giải quyết mối đe dọa về lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng luật này vẫn chưa đủ sức răn đe một ngành thương mại ước tính gây thiệt hại cho Anh hàng tỷ bảng mỗi năm.

Hồi tháng hai, chính phủ Anh từng bị chỉ trích vì từ chối cấp quyền tị nạn cho một trẻ mồ côi Việt Nam bị đưa lậu vào Anh để làm việc trong trang trại cần sa.

Tổ chức nhân quyền Walk Free của Australia tháng trước ước tính ở Anh hiện có ít nhất 136.000 nô lệ thời hiện đại, cao gấp 10 lần con số của chính phủ đưa ra năm 2013. Năm ngoái, hơn 2.000 trẻ em được đưa sang Anh và hầu hết bị bóc lột tình dục hoặc cưỡng ép lao động. Đây là con số cao kỷ lục, tăng 66% so với năm trước đó.










No comments: