Thursday, August 16, 2018

HÀNG NGÀN NGƯỜI MỸ CÓ THỂ BỊ TƯỚC QUỐC TỊCH VÌ GIAN LẬN HỒ SƠ (Người Việt Onlie)




August 16, 2018

MIAMI, Florida (NV) – Các giới chức liên bang đang xem xét hồ sơ của hơn 2,500 người trở thành công dân Mỹ qua thủ tục nhập tịch để xem họ có gian lận trong lúc nộp hồ sơ hay không, và nếu có, họ có thể bị tước quốc tịch, theo nhật báo The Miami Herald.

Một nữ phát ngôn viên của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) nói trong tuần này là có từ 100 đến 2,500 trường hợp bị “nghi ngờ” và được chuyển sang Bộ Tư Pháp điều tra.

Bộ Tư Pháp sẽ quyết định có hành động mang tính pháp lý với các trường hợp này hay không, bao gồm cả việc tước quốc tịch những người này, bà Claire Nicholson, phát ngôn viên của USCIS, nói.

Cuộc điều tra này là một phần trong chiến dịch trị giá nhiều triệu đô la của chính quyền Donald Trump, truy tìm những người từng giả mạo trong tiến trình nhập tịch hoặc xin quy chế thường trú nhân (thẻ xanh), hoặc phạm pháp trước khi nhập tịch nhưng lại không báo cáo trong hồ sơ, các giới chức cho biết.

Mùa Hè năm nay, chính quyền thông báo là họ có mời một số luật sư và điều tra viên làm việc dưới hướng dẫn của Cơ Quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới (CBP), để xem xét lại tiến trình nhập tịch.

Và nhân viên di trú đã bắt đầu xem xét những trường hợp có thể gian lận từ Tháng Giêng, 2017, ông L. Francis Cissna, giám đốc USCIS, nói với AP.

Bộ Nội An, cơ quan mà USCIS trực thuộc, cũng dự trù chi ra hơn $207.6 triệu cho một chương trình riêng rẽ mà trong đó cảnh sát di trú (ICE) sẽ mướn thêm người cho bộ phận Điều Tra An Ninh Quốc Gia, để truy tìm những trường hợp gian lận quốc tịch và thẻ xanh, theo ngân sách của ICE cho năm 2019.

Một trong những mục tiêu của chương trình này là tìm những người bị ra lệnh phải rời Hoa Kỳ, nhưng vẫn ở lại và nhập tịch với một danh tính khác.

Và để truy tìm những người này, nhân viên công lực tập trung vào hồ sơ vân tay của những người có lệnh trục xuất từ thập niên 1990 trở về trước, thời điểm mà các dữ kiện chưa được mã hóa bằng kỹ thuật số.

Tước quốc tịch các trường hợp gian lận không phải là mới, nhung được đẩy mạnh dưới thời Tổng Thống Donald Trump.

Trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2017, có 305 người bị tước quốc tịch, trung bình 11 người/năm.

Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, con số này tăng lên 15 vào năm 2016, năm cuối ông làm tổng thống.

Năm 2017, năm đầu tiên của Tổng Thống Trump, con số này tăng lên tới 30 người, và sẽ tăng cao trong năm nay.

Các nhà hoạt động di dân và luật sư nói rằng họ lo ngại kế hoạch này sẽ làm di dân sợ, và biện pháp này có thể ảnh hưởng những người gian lận hồ sơ cách đây cả chục năm. (Đ.D.)

---------------------------

XEM THÊM

Người Việt Online
August 15, 2018

LOS ANGELES, California (AP) — Một chánh án liên bang ở Los Angeles hôm Thứ Ba 14 Tháng Tám ra phán quyết đòi các giới chức thuộc cơ quan di trú trong vòng ba tuần phải quyết định về đơn xin nhập tịch của một nữ quân nhân Lục Quân sinh ra ở Nam Hàn, người đang đi kiện sau khi bị quân đội bất ngờ giải ngũ.

Cô Yea Ji Sea, một cựu quân nhân Hoa Kỳ, sinh ra ở Nam Hàn, đang đi kiện Bộ Nội An đòi phải có quyết định về đơn xin nhập tịch của mình. (Hình: AP Photo/Ariel Tu)

Cô Yea Ji Sea, 29 tuổi, đưa đơn kiện Bộ Nội An hồi tháng qua về việc sở di trú không xét đơn xin nhập tịch của cô, sau khi cô bất ngờ được thông báo phải rời khỏi quân đội.

Hiện có hàng chục người khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.

Cô Sea đến Hoa Kỳ bằng visa du lịch khi còn nhỏ. Sau đó, cô có các loại visa khác trước khi gia nhập Lục Quân năm 2013, theo chương trình đặc biệt dành cho công dân ngoại quốc muốn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Theo chương trình này, những quân nhân bằng lòng phục vụ theo khế ước đầu quân có thể nộp đơn xin được nhập tịch ngay sau khi được chứng nhận.

Hôm Thứ Ba, Chánh Án Michael Fitzgerald đưa ra phán quyết tại Los Angeles, đòi cơ quan di trú phải có quyết định về vấn đề quốc tịch của cô Sea trước ngày 5 Tháng Chín, nếu không sẽ phải giải thích lý do vì sao chậm trễ.

Luật Sư Sameer Ahmed, thuộc tổ chức ACLU ở Nam California, đại diện cho cô Sea, nói rằng cô này đang bị nhiều khó khăn, bất ổn, vì không thể làm việc hợp pháp ở Hoa Kỳ và lo sợ bị cảnh sát di trú bắt giữ.

Cô Sea, được quân đội tặng thưởng hai huy chương trong thời gian phục vụ, nói cô vẫn nghĩ rằng là lính thì sẽ có được sự bảo vệ tối thiểu của luật pháp.

Theo hãng thông tấn AP, có hơn 40 lính Lục Quân Hoa Kỳ trong tình trạng như cô Sea, gây tình trạng bất định cho tương lai của họ.

Lục Quân Hoa Kỳ nay tạm ngưng việc buộc giải ngũ các quân nhân không có quốc tịch, trong khi chờ đợi kết quả duyệt xét chương trình này. (V.Giang)

--------------------------

Người Việt Online
August 8, 2018

SAN DIEGO, California (AP) – Hơn 700,000 người ngoại quốc đáng lý trở về nước trong thời điểm 12 tháng của năm tài khóa 2017, nhưng ở lại Hoa Kỳ, quá hạn visa, Bộ Nội An cho biết hôm Thứ Ba.

Tổng Thống Donald Trump lâu nay tập trung vào bảo vệ an ninh biên giới, tìm cách dựng bức tường trị giá nhiều tỷ đô la dọc biên giới Mỹ và Mexico.

Tuy nhiên, số người ngoại quốc ở quá hạn visa cho thấy, đây là một trong những yếu tố nâng số người sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Một đánh giá ước lượng 40% trong số 11 triệu người sống bất hợp pháp tại Mỹ là ở quá hạn visa.

Trong năm tài khóa vừa qua, kéo dài từ Tháng Mười, 2016 đến Tháng Chín, 2017, có 701,900 người ở quá hạn visa, trong số những người đến bằng đường hàng không hoặc đường thủy – nhiều hơn dân số của tiểu bang Vermont hoặc tiểu bang Wyoming.

Ngoài ra, số người này có thể còn nhiều hơn, vì Bộ Nội An chưa thể thống kê số người vào Mỹ bằng đường bộ mà ở lại quá hạn visa.

Tuy nhiên, số người ở lại quá hạn visa năm 2017 ít hơn năm trước một chút.

Từ Tháng Mười, 2015 đến Tháng Chín, 2016, có 739,478 người ở lại Mỹ quá hạn visa.

Nếu so sánh, với 52.7 triệu người vào Mỹ qua các loại visa, mà không phải là di dân, trong năm 2017, số người ở lại quá hạn tương đương 1.3%, trong khi tỉ lệ này của năm 2016 là 1.5%.

Canada một lần nữa đứng đầu trong 10 quốc gia có số người ở lại Mỹ quá hạn visa, kế đến là Mexico, Venezuela, Anh, Colombia, Nigeria, Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, và Đức. (Đ.D.)








No comments: