Tuesday, August 21, 2018

DU LỊCH, VIỄN KIẾN & ĐẠI HỌA ĐÃ NGAY TRƯỚC MẶT (Trân Văn)




22/08/2018

Tuần trước, báo chí Việt Nam đồng loạt chọn câu chuyện mà bà Hà Bích Liên, một tiến sĩ làm việc tại Đại học Sư phạm TP.HCM, kể tại tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức”, do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, làm “điểm nhấn”.

Theo đó, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, tàu Ovation of The Seas với thủy thủ đoàn 1.600 người, chở theo 4.000 du khách ngoại quốc đến TP.HCM nhưng chẳng ai lên được bờ vì lúc đó các tàu chở hàng đậu kín cảng Phú Mỹ, tàu Ovation of The Seas không có chỗ thả neo.

Bà Liên kể thêm rằng, tình trạng không có bến để các tàu du lịch loại cực lớn (cruise) đưa du khách đến thăm thú Sài Gòn cũng là nguyên nhân khiến tàu Voyager of the Seas, chở 2.800 du khách gạt Sài Gòn ra khỏi hải trình vào đầu tháng 9 tới. Tương tự, tàu Ovation of The Seas, chở theo 4.800 du khách khác cũng đã hủy kế hoạch ghé Sài Gòn vào đầu tháng 10 tới. Bà Liên nhấn mạnh, đó là lý do nhiều công ty lữ hành mất khách, các cơ sở cung cấp đủ loại dịch vụ ở TP.HCM, kể cả chính quyền thành phố này bỏ lỡ những nguồn thu lớn.

Bà Liên dẫn Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Đảng CSVN - ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có du lịch đường biển – như một công cụ hỗ trợ để nhấn mạnh, đó là chuyện “không thể chấp nhận được”. Các cruise thường chở từ 3.000 đến 5.000 du khách, chủ yếu là du khách từ châu Âu, mức chi tiêu trung bình khoảng 100 Mỹ kim/người chẳng khác gì cơ hội hái ra tiền, thành ra không thể ngồi chờ tới khi xây dựng xong cảng chuyên dụng cho cruise, hệ thống công quyền tại TP.HCM phải hành động ngay lập tức, trước khi các hãng kinh doanh du lịch đường biển bỏ đi.

Tiếp lời bà Liên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, giải thích, sở dĩ chủ các cảng hiện có ở thành phố này không mặn mà với cruise vì phí thu được từ các cruise (30.000 Mỹ kim/lần neo đậu) chỉ chừng 1/7 phí thu từ các tàu chở hàng (230.000 Mỹ kim/lần neo đậu). Ông Vũ tiết lộ, bởi cảng chuyên dụng cho các cruise là một “vấn đề cẩn giải quyết” nên TP.HCM sẽ xây dựng “đô thị lấn biển Cần Giờ” với những cảng đủ khả năng đón các tàu siêu trường, siêu trọng (1).

Tọa đàm “Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức”, với câu chuyện hàng chục ngàn du khách ngoại quốc không có chỗ lên bờ chắc chắn sẽ còn được lập đi, lập lại nhiều lần để minh họa cho chủ trương xây dựng “đô thị lấn biển Cần Giờ” của Thành ủy TP.HCM hồi cuối năm trước, được ví von như “siêu dự án du lịch – nghỉ dưỡng”. Đến giờ, người ta chỉ biết diện tích “đô thị lấn biển Cần Giờ” khoảng 2.870 héc ta, trong đó khoảng 1.140 héc ta là lấn biển. Tổng chi phí cho “đô thị lấn biển Cần Giờ” chưa được công bố nhưng chắc chắn sẽ là hàng trăm ngàn tỉ (2). Trước mắt, chỉ tính riêng chi phí xây dựng cầu Cần Giờ (một trong những cây cầu thuộc dự án “đô thị lấn biển Cần Giờ”), chi phí đã là 5.300 tỉ (3).

Rõ ràng du lịch là một lĩnh vực đóng góp đáng kể cho tăng trưởng nhưng có cần “ưu tiên phát triển du lịch” trên khắp Việt Nam bằng mọi giá như Bộ Chính trị Đảng CSVN định hướng qua Nghị quyết 08? Đôi cánh của các cruise có quan trọng tới mức dứt khoát phải kiếm… một cặp, không có là… “không thể chấp nhận được”?...

***
Cách nay bốn tháng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên thế giới rúng động trước phản ứng dữ dội của những cư dân Venice.

Cho dù rất quan tâm hay chẳng màng đến chuyện đi đó, đi đây, ít có ai thuộc nhóm chưa bao giờ nghe nhắc đến Venice. Quần đảo với 118 đảo to, nhỏ, nối với nhau bằng 409 cây cầu nằm ở Đông Bắc nước Ý thu hút khách thập phương không chỉ vì sự cổ kính mà còn vì nét độc đáo được tạo ra từ hệ thống kênh rạch chằng chịt của nó. Du lịch gắn với Venice từ thế kỷ 18 đến giờ nhưng cư dân Venice không những không vui mà còn căm thù du lịch, oán giận du khách.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, dân chúng Venice đổ ra đường, giật tung, phá sập hệ thống hàng rào mà cảnh sát Venice sử dụng để kiểm soát – hạn chế du khách vào khu vực trung tâm. Sở dĩ dân chúng Venice trở thành cuồng nộ vì giải pháp mà ông Luigi Brugnaro - Thị trưởng Venice - đề ra bị họ cho là… ba rọi, không thể cứu được Venice đang hấp hối. Họ đòi Venice phải là chỗ dành riêng cho cư dân Venice, họ không muốn Venice thành túi chứa du khách từ khắp nơi đổ về nữa (4).

Với cư dân Venice, du lịch là đại họa. Năm ngoái, mỗi ngày, khoảng 60.000 du khách đổ vào khu vực chỉ có 55.000 dân này và mười năm vừa qua, chính du lịch đã lộn ngược mọi thứ từ trong ra ngoài. Du lịch không chỉ gây ra đủ loại tác hại nghiêm trọng cho cả môi trường tự nhiên lẫn sinh hoạt xã hội mà còn đẩy vật giá ở Venice tăng vọt, càng ngày vượt càng xa tầm với của cư dân Venice thành ra đã có rất nhiều người ngậm ngùi lìa bỏ nơi họ sinh ra, trưởng thành, từng tưởng có thể gắn bó đến hết đời.

Tuy có tới 30 triệu du khách/năm nhưng từ 2016 đến nay Venice mấp mé bên bờ vực phá sản do chi tiêu quá mức, đầu tiên là để thu hút du lịch, kế đó là khắc phục những hậu quả do chính du lịch tạo ra mà nguồn thu từ du lịch không thể nào bù đắp được. Từng tỏ ra hết sức tự hào vì luôn được các công ty kinh doanh du lịch đường biển tô vẽ như một vết son nhưng năm 2013, chính quyền Venice cấm tất cả các cruise có trọng tải từ 40.000 tấn trở lên đến Venice. Sau đó, một Tòa án của Ý tuyên bố hủy lệnh cấm này vì vi phạm luật pháp hiện hành nhưng nhiều công ty kinh doanh du lịch đường biển loan báo sẽ ngưng đưa các cruise “siêu trường, siêu trọng” đến Venice để bày tỏ sự đồng cảm với những bất tiện mà cư dân Venice phải gánh chịu do du lịch nói chung và các cruise nói riêng, cho đến khi Venice tìm được giải pháp hữu hiệu để có thể tự bảo vệ chính nó từ những tác động bất lợi của du lịch (5).

UNESCO từng xác định Venice là “di sản văn hóa thế giới”. Năm ngoái, cũng UNESCO đưa Venice vào danh sách những “di sản văn hóa thế giới” đang đối diện với nguy cơ bị hủy diệt. Cần lưu ý rằng, trước kia, trong danh sách vừa kể chỉ có tên những “di sản văn hóa thế giới” tọa lạc tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá!

Du lịch phát triển kéo theo nhiều vấn nạn và những vấn nạn ấy càng ngày càng nghiêm trọng. Không phải tự nhiên mà giới nghiên cứu khoa học xã hội cảnh báo về đến “bẫy du lịch”. Không phải tự nhiên mà ở châu Âu, hết Hy Lạp rồi tới Croatia ấn định số lượng du khách được phép đến đảo Santorini và Dubrovnik hàng năm. Hy Lạp hay Croatia cùng giải thích, đó là phương thức duy nhất để bảo vệ những danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của họ không bị du lịch hủy diệt (6).

***
Nếu đặt cảnh báo của Tiến sĩ Hà Bích Liên, hứa hẹn của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, kế hoạch phát triển “đô thị lấn biển Cần Giờ” của Thành ủy, chính quyền TP.HCM bên cạnh những vấn nạn nan giải của Venice hẳn sẽ thấy những bức xúc, trăn trở, đòi hỏi phải có ngay giải pháp để sớm rước những cruise “siêu trường, siêu trọng” từ khắp nơi trên thế giới vào Sài Gòn vì chúng mang theo vài ba ngàn du khách/chuyến, mỗi du khách có thể chi tiêu tới… 100 Mỹ kim là một dạng “có mắt như mù”, “điếc không sợ súng”.

Từ khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Đảng CSVN ra đời, du lịch trở thành lĩnh vực được dành cho đủ thứ ưu tiên để phát triển bằng mọi giá, có bao nhiêu khu vực ở Việt Nam đã và sẽ tan hoang? Nếu so sánh thật sòng phẳng lợi - hại, được – mất giữa kinh tế - văn hóa – xã hội, kể cả chính trị ở quá khứ - hiện tại - tương lai, rồi cộng, trừ, nhân, chia thật rõ ràng, chính xác thì các kế hoạch thúc đẩy du lịch, những đổi thay ở Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, dự tính thành lập ba đặc khu… là yên tâm hay đáng lo?

Đến nay, tiền thu về từ chủ trương phát triển du lịch bằng mọi giá có đủ để bù cho những cảnh quan tự nhiên bị hủy diệt, bờ biển bị bao chiếm, hết chục ngàn gia đình ngư dân này đến trăm ngàn gia đình nông dân khác bị bứng khỏi nơi chôn nhau, cắt rốn, vài ba thế hệ hoang mang, bất bình vì mất sinh kế?... Những cá nhân vạch ra đường lối, công bố chủ trương, hoạch định chính sách dường như chỉ nhìn thấy sự lấp lánh của kim ngân, không nhận ra và cũng chẳng học được gì bổ ích từ thiên hạ nên chỉ bươn bả xúm vào “phát triển du lịch”.

Giữa năm ngoái, tờ Phụ Nữ TP.HCM đăng tâm sự của ông Trần Đức Tài – cư dân Đà Lạt. Ông Tài kể một câu chuyện liên quan tới du lịch ở Barcelona – Tây Ban Nha (Năm 2015, sau khi trở thành Thị trưởng Barcelona, ông Ada Colau ra lệnh ngưng cấp giấy phép xây dựng khách sạn ở trung tâm thành phố. Đến đầu năm 2017, dù du lịch chiếm 12% GDP, chính quyền Barcelona vẫn đóng cửa tất cả các cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm, nâng phí ở các bãi đậu xe dành cho xe chở khách du lịch để hạn chế du khách. Tại sao vậy? Tại vì du lịch đã tạo ra một gánh quá nặng mà dân chúng địa phương không kham nổi và chính quyền thành phố này hiểu rằng, đầu tiên, Barcelona phải là nơi giúp cư dân của nó sống, làm việc ổn định. Barcelona không thể vứt bỏ điều đó để trở thành khu giải trí phục vụ du khách quốc tế) và đem câu chuyện ấy so với Đà Lạt của ông.

Tuy Đà Lạt cũng có nhiều cư dân không sống nhờ du lịch và chính họ tạo ra hồn, cốt riêng để thành phố này phát triển du lịch, song phát triển du lịch theo kiểu bằng mọi giá đã triệt tiêu bản sắc văn hoá bản địa độc đáo – vốn tạo ra sức quyến rũ của Đà Lạt. Ông Tài than, dân Đà Lạt đã bị loại trừ ngay tại thành phố nơi họ sống. Chẳng hạn những quán cà phê hay quán phục vụ điểm tâm giờ không còn chỗ cho cư dân nào ngồi vì du khách đã chiếm hết. Đi chơi, du khách có thừa thời gian nhưng cư dân không thể đợi chờ vì họ còn phải đi làm, đi học cho đúng giờ. Kẹt xe giờ trở thành chuyện bình thường ở khu vực trung tâm Đà Lạt vì đường quá hẹp và lượng xe hơi, xe buýt chở khách du lịch quá đông. Đà Lạt vẫn mát lạnh nhưng đã hết bình yên (7).

Du lịch đã được Bộ Chính trị Đảng CSVN xác định là một trong những “mũi nhọn” của nền kinh tế. “Mũi nhọn” đó đang đâm thủng “phát triển bền vững” và vết tóac càng ngày càng rộng.

-----------------------
Chú thích







No comments: