Thursday, August 23, 2018

DÂN CHỦ KHÓA MỒM, TỰ DO CÒNG TAY (Phạm Trần)





 Ít lâu nay, đội ngũ dư luận viên của tuyên giáo Cộng sản Việt Nam được lệnh chống chế rằng Việt Nam “không cần và không chấp nhận đa đảng” nên đảng viên phải “ngăn chặn và đẩy lùi biểu hiện đòi thực hiện “đa nguyên, đảng”. Đảng CS cũng loạn ngôn cho rằng “không thể có một nền dân chủ "hòa tan" ở Việt Nam.”

Nguyên nhân đảng CS phải phân bua, phản công và đề phòng vì bị tứ phía tấn công như: “không dám đa nguyên chính trị để độc quyền lãnh đạo”; “không dám tổ chức trưng cầu ý dân về Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh vì sợ thất bại”; “không dám phi chính trị hóa quân đội và công an vì sợ mất chỗ tựa lưng”; và “không dám bỏ Điều 4 Hiến pháp vì sợ mất quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.”

(Điều 4: (Khoản 1): “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”)

Nhưng tại sao Tuyên giáo đảng lại bấn loạn với công tác phản biện vào lúc khóa đảng XII làm tổng kết giữa nhiệm kỳ 5 năm (2016-2021), còn được gọi là năm “bản lề”, và chuẩn bị tài liệu tổ chức 2 Hội nghị Trung ương 8 và 9 trước khi bắt tay vào việc tổ chức Đại hội đảng XIII đầu tháng 1/2021? 

Suy thoái-biến chất 

Lý do vì sau 4 Hội nghị Trung ương từ 4 đến 7, nhiều vấn đề quan trọng đã được biểu quyết thi hành nhưng vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe, hay trung ương đã quyết mà địa phương lại không thèm nhúc nhích, hoặc nói một đàng làm một nẻo.  Quan trọng nhất là bệnh lười học các Nghị quyết đã lan tràn trong cán bộ đảng viên.

Bằng chứng như báo Quân đội Nhân dân viết: “Nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc, việc học tập lý luận chính trị của một bộ phận CB, ĐV thời gian qua còn có nhiều bất cập, hạn chế… Biểu hiện lười học tập chính trị của CB, ĐV thông qua một số triệu chứng cụ thể như: Chỉ quan tâm học tập nghị quyết, lý luận chính trị khi chuẩn bị được kết nạp Đảng, chuẩn bị được giới thiệu quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ mới, chứ không coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là nhu cầu tự thân của bản thân; khi cơ quan, đơn vị tổ chức học tập chính trị, nghị quyết thì tìm cách né tránh, viện lý do “này nọ” để không tham gia, hoặc nếu đi học thì tâm lý không thoải mái, đến lớp học theo kiểu “đánh trống ghi tên” cho đủ quân số, không chú ý lắng nghe, không tiếp thu bài giảng, tự ý làm việc riêng.” (theo QĐND, ngày 15/08/2018) 

Đáng chú ý là đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ đã công khai chán học Nghị quyết. Báo QĐND cho biết thêm: “Có một thực tế rất đáng suy ngẫm là một số CB, ĐV (nhất là người trẻ) hằng ngày chỉ thích lướt “web”, chịu khó mày mò tìm kiếm các thông tin giật gân, câu khách trên các trang báo điện tử, say sưa sống “ảo” trên facebook, nhưng chẳng mấy khi cầm đọc một tờ báo, tạp chí của Đảng hay đọc những cuốn sách, tài liệu về khoa học lý luận chính trị và khoa học xã hội và nhân văn. Cá biệt, có những đảng viên nhiều năm đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng do lười học, lười suy nghĩ, lười cập nhật kiến thức nên nắm rất lơ mơ, thậm chí không hiểu biết cơ cấu tổ chức của Đảng, không phân biệt được vị trí, vai trò các cơ quan lãnh đạo của Đảng, không hiểu thế nào là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức...”

Cá biệt, công tác quán triệt và thi hành Nghị quyết Trung ương 4/XII (NQ-4/XII) năm 2016 nhằm: “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” vẫn còn nhiều bất cập.

Bằng chứng sau 2 năm, việc thi hành chỉ riêng tại “15 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, gồm 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương”, Ban Bí thư đảng và 5 đoàn kiểm tra đã tìm ra vô số những nhiệm vụ chưa hoàn thành, hay chỉ làm hình thức.

Báo cáo đưa ra trong phiên họp ngày 10/4/2018 tại Trụ sở Trung ương Đảng viết: “Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đầy đủ. Việc tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết và Chỉ thị còn hình thức, chưa đổi mới, chưa đồng đều ở các cấp, các địa phương, đơn vị; chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện chưa cụ thể...” 

“Công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa chưa thật sắc bén. Có nơi, việc nhận diện những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên còn đơn giản, né tránh, chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể… Việc thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm.” 

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết: “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, hiệu quả thấp, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh gây lãng phí nguồn lực; công tác cải cách hành chính còn hạn chế; việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, kiểm soát, xác minh kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm thực hiện, còn hình thức.”

Lên tiếng tại cuộc họp, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận: “Việc học tập Nghị quyết, Chỉ thị còn qua loa hình thức, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn sơ sài. Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh; kiểm soát quyền lực chưa tốt… Nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị chưa được chú ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế. Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ. Cần chú ý ngăn chặn những biểu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống...”

Với tình hình nội bộ rệu rã như thế, nhất là khi 2 vấn đề chí tử “trung thành tuyệt đối với đảng, kiên định với chế độ” của cán bộ và đảng viên đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” thì có phải đảng viên đã mất hết niềm tin vào đảng rồi không? 

Từ quáng gà đến thông manh

Nếu thế thì tại sao khi có những chỉ trích các khuyết tật của đảng và tình trạng suy thoái đạo đức lên cao của đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền thì lập tức các dư luận viên của Tuyên giáo lại gân cổ lên để xuyên tạc, chụp mũ coi đó là hoạt động chống phá đảng, hạ thấp uy tín lãnh đạo của các thế lực thù địch và “diễn biến hoà bình” nhằm phá hoại cách mạng Việt Nam để loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng.

Một đoạn trong bài viết kém văn hóa của ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tú, đăng trong Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018 là một bằng chứng của bệnh quáng gà. Ông ta đã gom chung những người chống chính sách cai trị hà khắc và phi dân chủ của đảng CSVN vào hàng ngũ “các thế lực thù địch” và dùng danh xưng “chúng” để ám chỉ, dù từ xưa tới nay, đảng CSVN chưa chứng minh được lực lượng này có thật, do ai lãnh đạo và thực lực ra sao.

Ông này viết: “Đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình” và tuyên truyền phá hoại cách mạng Việt Nam, trong những năm qua, các thế lực thù địch tập trung tung ra nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”... Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái biến chất, tham ô, tham nhũng, kích động nhằm tạo sự phân hóa sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Chúng hô hào, khuyến khích cải tổ, cải cách, đổi mới triệt để, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trắng trợn hơn, chúng đã ra sức xây dựng, nhen nhóm các tổ chức đảng đối lập phản động, như cái gọi là “Đảng Dân chủ”, “Đảng Dân chủ xã hội”, “Đảng Dân chủ tự do Thiên chúa giáo”, “Đảng Dân chủ tự do Phật giáo”...

Ăn nói vung vít như thế, nhưng cái loa Nguyễn Xuân Tú không đưa ra được bằng chứng nào về các tổ chức bị nêu tên trong toàn bài viết chỉ có mục đích duy nhất là ca tụng chế độ một đảng duy nhất Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam. 

Ông Tú tự biên tự diễn như pháo nổ rằng: “Trong cuộc trường chinh 30 năm (1945-1975) kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một lần nữa lịch sử và nhân dân lại lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.”

Trước hết, chẳng có nhân dân nào đã tự ý lựa chọn đảng CSVN phát động, lãnh đạo và theo đuổi 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn để tàn phá đất nước và sát hại hàng chục triệu người dân vô tội.

Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, cũng chẳng có người dân Việt Nam nào đã bỏ phiếu cho đảng CS tiếp tục cai trị cả nước để chia rẽ dân tộc và tiếp tục gây hận thù Nam-Bắc.

Hàng trăm ngàn người dân và trí thức miền Nam Việt Nam đã liều chết vượt biên và vượt biển đi tìm tự do, sau ngày quân Cộng sản chiếm Sài Gòn tháng 4/1975 là bằng chứng người dân đã sợ Cộng sản đến chừng nào. 

Do đó, khi ngụy biện rằng Việt Nam không cần có nhiều đảng chính trị và không cần có bầu cử tự do, dân chủ để toàn dân có thể đóng góp xây dựng đất nước là lý sự cùn, chũi đấu xuống cát của những con người bảo thủ, giáo điều, lạc hậu chỉ biết đội độc tài lên đầu và mê muội Chủ nghĩa Cộng sản đã bị buộc tội sát hại 100 triệu người trên thế giới. 

Tác giả Nguễn Xuân Tú đã chứng minh tính u mê ấy khi viết rằng: “Từ sau năm 1975 đến nay, nền chính trị nhất nguyên, với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện, đã một lần nữa khẳng định tính tất yếu khách quan: Đảng Cộng sản Việt Nam độc tôn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không cần sự tồn tại của nhiều đảng… Chính thực tiễn này đã khẳng định, ở Việt Nam hiện nay không cần đa đảng và cũng đúng với nhận định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “Ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”.

Ngăn chặn-hòa tan cái gì? 

Tuy ông Trọng và cả hệ thống đảng đã tận lực chống chèo, nhưng con thuyền độc tài, độc đảng và Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hô Chí Minh đã xiêu vẹo lâm nguy trước cơn hồng thủy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng.

Bài viết trong báo Quân đội Nhân dân ngày 13/07/2017 đã chứng minh tình trạng này: “Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”

Việc chỉ rõ thực chất, tác hại, sự cần thiết phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng” và khẳng định vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay.” 

Với lập luận phản dân chủ như thế, bài viết ngụy ngôn rằng: “Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người nhận thức có phần còn hạn chế, từ đó có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, có thể dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và có thể đi đến mất dần niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” 

Sự thật thì không cần đợi đến khi đảng viên “tự chán đảng” để “tự xa đảng” thì nhân dân mới lìa đảng mà chuyện này đã có từ 30 năm qua, từ khi đảng chỉ muốn “đổi mới kinh tế” cho dân bớt lo cái dạ dầy để tiếp tục bịt miệng và còng tay dân và tiếp tục cai trị độc tài một đảng.

Đó là lý do tại sao Bắc Hà, một cái loa Tuyên giáo đã hô hoán rằng “Không thể có một nền dân chủ "hòa tan" ở Việt Nam”.

Bắc Hà viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 06/0/2018: “Việc người ta lấy một mô hình chế độ dân chủ nào đó, chẳng hạn như mô hình dân chủ Hoa Kỳ với chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” làm “chuẩn” để phủ nhận chế độ dân chủ XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền là một cách nhìn hạn hẹp, nếu không nói là vì động cơ chính trị, muốn xóa bỏ chế độ hiện hữu và thành quả cách mạng hơn 70 năm của dân tộc Việt Nam.” 

Tác giả biện bạch rằng: “Nền dân chủ XHCN của Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử, bản chất chính trị và từ những quy định về pháp lý. Thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng: Chế độ dân chủ XHCN ở Việt Nam ra đời sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945-cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chế độ xã hội và nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã phải chống chọi với các thế lực xâm lược hùng hậu trong các cuộc kháng chiến anh dũng bảo vệ Tổ quốc kéo dài hơn 30 năm (1945-1975) với không biết bao nhiêu hy sinh xương máu của đồng bào và chiến sĩ. Đó là thành quả đấu tranh của cả dân tộc, là nguyện vọng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Với thực tiễn nêu trên, khẳng định không thể có một nền dân chủ “hòa tan” ở Việt Nam.” (theo QĐND, ngày 06/08/2018) 

Toàn là luận điệu tuyên truyền giả dối. Làm gì có dân chủ ở Việt Nam khi quyền làm chủ đất nước của dân phải do “nhà nước quản lý” và đảng “lãnh đạo toàn diện” và “tuyệt đối”? 

Và khi đã không có thì lấy gì để “hòa tan”, hỡi những anh dở người? 

Như vậy, khi người dân không có quyền được nói, quyền tự do tư tưởng bị kiếm soát, báo chí phải viết theo lệnh đảng và mọi thứ quyền con người phải theo chế độ “xin cho” thì có phải là thứ “dân chủ khóa mồm” và “tự do còng tay” không? .

23.08.2018








No comments: