Thursday, August 16, 2018

CỰU NGOẠI TRƯỞNG CỘNG HÒA CZECH : VIỆT NAM LÀ TÂM ĐIỂM CỦA TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC" (Hiểu Bá Linh tổng hợp)




Hiếu Bá Linh tổng hợp
Tác giả gửi tới Dân Luận
15/08/2018

Ông Lubomír Zaorálek, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Trong chương trình phát thanh ngày 9/8/2018 của Đài phát thanh Praha của Cộng hoà Séc có một bài tường thuật về việc Bộ Ngoại giao CH Séc quyết định ngừng cấp visa (thị thực/chiếu khán) lao động cho người Việt Nam. Sau đây là bài lược dịch những phần chính yếu của bài tường thuật trên và bổ sung những tin tức khác về đề tài này.

Chủ tịch Ủy Ban đối ngoại Quốc Hội và là cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Cộng hòa Séc, ông Lubomír Zaorálek, cho rằng Việt Nam là tâm điểm của tội phạm có tổ chức. "Quốc gia này đã trở thành một nguy cơ an ninh hàng đầu", ông phát biểu trong một phiên họp của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội hôm thứ Năm 21.06.2018.

Ông cho biết việc sản xuất chất ma túy tổng hợp Crystal Meth là vấn đề chính trong quan hệ song phương giữa CH Séc và Đức. "Việc sản xuất này được tổ chức bởi các băng nhóm Việt Nam và Trung Quốc. Thiệt hại gây ra cho Cộng hòa Séc đã tới mức độ, lên tới hàng chục tỉ Koruna", ông Zaorálek nói. Phía Việt Nam cho đến nay đã không có biện pháp gì để giải quyết vấn đề.

Việt Nam đơn giản là tổ chức tội phạm. Khi tôi có mặt ở Hà Nội và Sài Gòn, những người Việt bình thường đã xin lỗi tôi, là tội phạm đã được đưa sang CH Séc bằng cách này và với mức độ như thế", cựu Ngoại trưởng Lubomír Zaorálek cho biết.

"Bằng cách này" có nghĩa là bằng con đường xin visa sang CH Séc làm việc và giấy phép cư trú dài hạn, vì kể từ năm 2017 có một thỏa thuận đặc biệt giữa Praha và Hà Nội tuyển dụng lao động từ nước Đông Nam Á này. Thực sự, Cộng hòa Séc thiếu hàng chục ngàn công nhân, như các hiệp hội doanh nghiệp ước tính.

Vấn đề là người Việt tại Séc đã bước vào lãnh vực ma túy“, ông Zaorálek nói. Đặc biệt, ông Zaorálek (thuộc đảng Dân chủ xã hội) nhấn mạnh đến vấn đề sản xuất chất ma túy tổng hợp Crystal Meth. Trong chương trình phát thanh ngày 9/8/2018 của Đài phát thanh Séc ở Praha, ông đã trình bày quan điểm của mình:

"Vấn đề thật khó khăn. Không may là vấn đề sản xuất thuốc ma túy tổng hợp sau đó cũng ảnh hưởng đến các nước láng giềng của chúng tôi. Cho đến nay không ngăn chặn được, về điều này tất nhiên chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với đất nước mình. Chúng tôi đã không hành động đủ sớm. Đó là lý do tại sao tôi đã đề xướng biện pháp cứng rắn hơn".

Quả nhiên, chính phủ đã phản ứng. Kể từ 19/7/2018 Cộng hòa Séc không còn cấp Visa cho người Việt Nam sang Séc theo mục đích lao động và kinh doanh. Chỉ có đoàn tụ gia đình mới được cấp giấy phép cư trú. Quyết định này là tạm thời và có hiệu lực cho đến một thời điểm chưa xác định. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao ở Praha đã viết:

"Cộng hòa Séc đưa ra biện pháp này vì hiện nay Đại sứ quán Séc tại Hà Nội đang quá tải về số lượng đơn xin cấp Visa dài hạn theo mục đích lao động và kinh doanh. Đồng thời Hội đồng Anh ninh Quốc gia Cộng hòa Séc đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác".

Trước đó, ngày 12 tháng Sáu 2018 Quốc hội Cộng hòa Séc đã biểu quyết thông qua hai hiệp định với CHXHCN Việt Nam, là hợp tác chống tội phạm và dẫn độ tù nhân. Thượng nghị viện Séc đã phê chuẩn cả hai hiệp định này từ tháng Tư năm nay.

Trong khuôn khổ hiệp định hợp tác chống tội phạm, mục đích chủ yếu là ngăn chặn tình trạng tội phạm Việt Nam sản xuất và buôn bán ma túy ở Cộng hòa Séc. Nhưng cũng ngăn chặn cả việc nhập cư bất hợp pháp hay hỗ trợ tài chính cho khủng bố. Hai quốc gia cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong bài trừ, ngăn chặn các hoạt động tội phạm và bắt giữ thủ phạm và hàng loạt các ràng buộc khác.

Một vấn đề khác là tham nhũng. Theo nhật báo Séc Mladá fronta Dnes, người lao động Việt Nam không thể tự nộp đơn xin visa. Thay vào đó, một tầng lớp trung gian đã được thiết lập, và họ đòi phải trả tiền đến mức 20 nghìn Đô-la cho việc đặt một giấy phép cư trú ở miền "Đất Hứa". Trong thời gian làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Zaorálek đã bận rộn với vấn đề này. Theo ông, các nhân viên của Đại sứ quán Séc không dính líu đến hệ thống tham nhũng:

"Tôi đã nhờ cơ quan tình báo của chúng tôi kiểm tra. Họ đã xác nhận với tôi rằng vấn đề không nằm ở phía chúng tôi. Đó là lý do tại sao tôi chắc chắn rằng chúng tôi đã làm tất cả để ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không có cách nào ảnh hưởng đến tình trạng tham nhũng trong một đất nước mà chúng tôi chỉ là khách. Nói cách khác, hệ thống cấp visa của chúng tôi - tuy nó hoạt động tốt ở hầu hết các quốc gia khác- nhưng đang đụng phải giới hạn ở nơi đây. Và do đó dòng chảy của lực lượng lao động phải được dừng lại".

Theo thống kê, khoảng 58.000 công dân Việt Nam hiện nay có giấy phép cư trú tại đất nước này. Đó là chưa kể đến nhiều người gốc Việt đã nhập tịch mang hộ chiếu Séc.

Một câu hỏi được đặt ra, ngoài ma túy trong trong cộng đồng người Việt tại Séc, liệu rằng ông Lubomír Zaorálek còn có cả những thông tin khác nữa làm cơ sở để khẳng định "Việt Nam là tổ chức tội phạm" và "đã trở thành đe dọa an ninh hàng đầu"? Chẳng hạn vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà Séc có dính líu đến qua 3 nghi phạm mật vụ cư ngụ ở Praha: Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và Nguyễn Hải Long, đã được ông Lubomír Zaorálek lấy làm cơ sở cho cảnh báo của mình?"

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Đài phát thanh Praha của Cộng hoà Séc tường thuật về việc Bộ Ngoại giao CH Séc quyết định ngừng cấp visa (thị thực) dài hạn cho lao động từ Việt Nam.







No comments: