Tuesday, August 14, 2018

CHẤT ĐỘC RETINAL KHIẾN NHÌN MÀN HÌNH MÁY TÍNH QUÁ LÂU BỊ HỎNG MẮT (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 14-08-2018

Dán mắt vào màn hình máy tính trong nhiều giờ hàng ngày có thể khiến ta bị hỏng mắt là điều đã biết từ lâu. Nhưng con đường nào đã dẫn đến hậu quả này vẫn là điều bí ẩn. Lần đầu tiên, một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Mỹ Science Reports đầu tháng 7/2018, hé lộ cơ chế.

Tiến sĩ Ajith Karunarathne, tác giả nghiên cứu nói trên cho biết, ánh sáng xanh từ máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng… kích thích chất retinal trong võng mạc. Chính chất độc - hủy diệt các tế bào cảm thụ ánh sáng, có chức năng truyền các hình ảnh từ mắt lên não - là thủ phạm gây bệnh thoái hóa thị lực (DMLA).

Nhóm khoa học gia Mỹ đã xác định được phản ứng hóa học đã dẫn đến việc màng các tế bào cảm thụ ánh sáng bị tiêu diệt, trong lúc bộ phận này không có khả năng tái sinh.

Nhóm nghiên cứu Mỹ cũng khám phá ra được một phương pháp mới, có thể ngăn cản quá trình này. Cụ thể là chất alpha tocopherol, một chất khử oxy hóa, thông thường do cơ thể sinh ra, để tự động chống lại các tác động hủy diệt của retinal. Tuy nhiên, khi con người già đi, cơ thể càng ngày càng ít sinh ra hợp chất nói trên.

Phương pháp trị liệu mới sẽ là nhỏ vào mắt một hợp chất có chứa alpha tocopherol, để chống lại các tác động của retinal. Tác giả của nghiên cứu hy vọng sẽ tìm được phương tiện để bảo vệ cặp mắt của mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, đang ngày càng gắn chặt với thế giới công nghệ cao, thế giới của màn hình máy tính.

Trong khi chờ đợi trị liệu mới thành công, tiến sĩ Ajith Karunarathne cảnh báo hãy thận trọng với màn hình máy tính, nhất là các em nhỏ, với thủy tinh thể chưa phát triển đầy đủ, khiến võng mạc phải tiếp nhận nhiều ánh sáng xanh độc hại hơn. Cũng đặc biệt tránh xem màn hình trong bóng tối, vì trong hoàn cảnh này, đồng tử phải giãn ra rất lớn, khiến võng mạc chịu nhiều tác động của ánh sáng xanh.

---------------------------

LIÊN QUAN 

Scientific Reports volume 8, Article number: 10207 (2018)

By Christine Billau : August 8th, 2018






No comments: