Monday, August 20, 2018

CAMPUCHIA NGÃ THEO TRUNG QUỐC & ĐIỀU ĐÓ CÓ Ý NGHĨA GÌ CHO CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA HOA KỲ? (Charles Edel - Foreign Affairs)




Charles Edel  -  Foreign Affairs  
Người dịch: Huỳnh Hoa


Khi thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 29-7 của nước này, đa số các quan sát viên quốc tế đều nhanh chóng tố cáo kết quả đó là gian lận. Với cuộc bầu cử giúp củng cố việc nắm giữ quyền hành kéo dài đã 33 năm và ngày càng chuyên chế của Hun Sen, lời tố cáo đó gây lo lắng. Nhưng còn đáng lo hơn nữa có lẽ là chuyện Hun Sen gần đây đã ngã theo Trung Quốc, cùng những lợi ích địa phương và khu vực ngày càng tăng mà Bắc Kinh nhận được từ mối quan hệ với Campuchia.

Vì vô số lý do, từ lâu Washington đã coi Campuchia như một mục tiêu chiến lược đã mất. Nhưng việc quốc gia này quay sang Trung Quốc có thể là lời cảnh báo về sự hiện diện kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là ở các quốc gia chuyên chế, có ý nghĩa như thế nào đối với vùng Đông Nam Á, và rộng hơn là với khu vực Á-Âu. Để ứng phó một cách hiệu quả, Hoa Kỳ và các đồng minh cần nhìn Campuchia bằng cách nhìn mới, coi đây vừa như một thách thức về an ninh quốc gia vừa như một cơ hội. Mặc dù Hun Sen đã siết chặt quyền kiểm soát đất nước này và đẩy nó tới gần Bắc Kinh hơn, thực sự vẫn có một nỗi căm giận ngày càng rộng lớn, có thể là thầm lặng, trong dân chúng bình thường trước sự thần phục Trung Quốc của chính phủ.

Những mối quan hệ ràng buộc

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc ra sức vun đắp mối quan hệ với nhà độc tài Campuchia. Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Hun Sen khi ông này giải tán đảng đối lập chính của Campuchia, đẩy lãnh tụ của nó vào tù, lũng đoạn mạng xã hội để tăng sự ủng hộ bề nổi của ông ta và chủ trì cuộc trấn áp hai tờ báo độc lập lớn nhất đất nước. Khi cuộc đàn áp đối lập chính trị bắt đầu hồi giữa tháng Mười Một, Trung Quốc đã đứng ra bảo vệ chính phủ [Campuchia]. Sau cuộc gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) hồi cuối tháng Ba, Hun Sen viết trên trang Facebook cá nhân: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ủng hộ và mong muốn Samdech Techo [Hun Sen] chiến thắng cuộc bầu cử và dẫn dắt vận mệnh của Campuchia, làm cho nó phát triển hơn trong tương lai”. Và trước cuộc bầu cử tháng Bảy, đại sứ Trung Quốc tại Campuchia đã tham gia cuộc tuần hành vận động bầu cử của đảng cầm quyền tại Phnom Penh.

Sự ủng hộ này còn có nhiều hình thức cụ thể. Tháng Mười Hai năm ngoái, Trung Quốc cam kết cho Chiến dịch Bầu cử Quốc gia của Campuchia 20 triệu đô la Mỹ để dựng phòng bỏ phiếu, máy vi tính và các thiết bị khác. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng Sáu, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc công bố một gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu đô la và tuyên bố rằng Campuchia là một “người bạn trung thành”. Bắc Kinh cũng làm việc cật lực để vun đắp lòng trung thành đó ở quốc gia láng giềng phương nam của mình. Để giúp Hun Sen bù đắp sự phê phán ở trong nước và quốc tế về bước ngoặt ngày càng chuyên chế của ông ta, Trung Quốc đã gia tăng viện trợ và đầu tư, công bố các món cho vay ưu đãi trị giá hàng trăm triệu đô la, hỗ trợ các dự án hạ tầng cơ sở và nâng số du khách Trung Quốc thăm viếng Campuchia trong năm ngoái thêm hơn 40 phần trăm. Hiện nay Trung Quốc là nước viện trợ lớn nhất của Campuchia.

Đáp lại sự ủng hộ tận tình của Bắc Kinh, Campuchia dưới quyền Hun Sen ngày càng trở thành nước chư hầu của Trung Quốc, giúp mở rộng các tham vọng địa phương và khu vực của Bắc Kinh. Chính phủ Campuchia đã giải tỏa hàng chục ngàn hộ gia đình người Campuchia cho các dự án mà Trung Quốc tài trợ. Quá đáng nhất là trong một thỏa thuận vi phạm luật pháp quốc gia Campuchia, chính phủ đã bí mật nhượng cho một công ty Trung Quốc hơn 20 phần trăm dải bờ biển của Campuchia. Hun Sen đã tận tụy đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ đầu tư của Trung Quốc, phải tấn công những kẻ nào đặt nghi vấn về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng nặng của Campuchia vào nước láng giềng phương bắc. Ông ta cũng bảo vệ các dự án phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài, gạt sang một bên những lời phê phán rằng những dự án như vậy đặt gánh nặng không chịu đựng nổi lên các quốc gia tiếp nhận, gây ra những thiệt hại môi sinh về lâu dài và khiến người lao động địa phương phải rời bỏ quê hương.

Đối với những tham vọng khu vực của Trung Quốc, mối quan hệ với Campuchia mang lại những khoản lợi lộc liên tục. Mặc dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, Campuchia đã kiên trì ủng hộ hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở đó. Campuchia đã che chắn Bắc Kinh khỏi sự phê phán của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bằng cách nhiều lần ngăn chặn các biện pháp buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho hành vi xâm lấn của mình. Ngoài ra, việc Trung Quốc thâu tóm nhiều khu đất rộng lớn trên dải bờ biển của Campuchia và xây dựng các cơ sở cảng biển ở thành phố duyên hải Sihanoukville hé lộ những vị trí tiềm tàng cho các căn cứ hải quân Trung Quốc trong tương lai, cho phép Bắc Kinh có khả năng phóng chiếu sức mạnh ra toàn khu vực và xa hơn nữa. Và năm ngoái, Campuchia đã bãi bỏ một chương trình viện trợ quân sự kéo dài đã lâu của Hoa Kỳ đồng thời nâng cấp hoạt động phối hợp và huấn luyện với quân đội Trung Quốc.

Có lẽ điều quan trọng nhất với một chế độ Trung Quốc mà hình ảnh bị hoen ố ở nước ngoài là Campuchia đã phục vụ như một tiếng nói trung thành, cung cấp sự tuyên truyền tích cực cho Bắc Kinh. Đứng bên cạnh một quan chức cao cấp từ ban tuyên giáo của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng Tư vừa qua, Hun Sen đã chủ trì việc phát hành cuốn sách về tư tưởng Tập Cận Bình bản dịch tiếng Khmer và khuyến khích “các quan chức, giáo sư, sinh viên Campuchia đọc cuốn sách ấy”. Khi truyền thông độc lập bị bịt miệng ở Campuchia, các cơ quan báo chí do nhà nước điều hành của Trung Quốc như báo China DailyThời báo Hoàn Cầu(the Global Times) và Tân hoa xã (Xinhua) lập tức vào lấp chỗ trống, đăng đầy các trang bình luận của báo chí Campuchia và biến chúng thành cái loa tuyên truyền cho Trung Quốc. Về phương diện này, Campuchia là một ví dụ đáng lo ngại về một nhà nước hoạt động nhịp nhàng với bộ máy tuyên truyền và kiểm duyệt của Bắc Kinh.

Trong khi đó, quan hệ với Trung Quốc gây nguy hiểm tiềm tàng cho độc lập và chủ quyền của Campuchia mà chỉ mang lại rất ít lợi lộc cho người dân thường. Mặc dù vốn đầu tư của Trung Quốc mở ra nhiều dự án xây dựng trên khắp Campuchia, các nhà quan sát đã bày tỏ mối lo rằng “các dự án bạch tượng, các thành phố ma và các ngôi làng Potemkin” (**) không làm được gì cho sự phát triển tương lai của đất nước. Theo đúng cung cách làm ăn mà họ thực hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới, các công ty quốc doanh Trung Quốc mang theo lao động Trung Quốc để làm đường sá, đập nước, cầu cống mà không thuê mướn lao động địa phương hoặc chuyển giao kiến thức, chuyên môn cho các cộng đồng địa phương. Tiêu biểu cho cách làm này là đầu tư của Trung Quốc ở thành phố duyên hải Sihanoukville, nơi các sòng bài và du khách Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào. Như phóng viên Anna Fifield tường thuật trên báo The Washington Post, một nỗi căm ghét đang dâng trào trong những người dân thường Campuchia. “Tất cả công cuộc xây dựng mà họ đang làm chỉ có lợi cho người Trung Quốc. Nó tốt cho bọn chủ đất chứ không phải cho dân thường”, một người đàn ông ở Sihanoukville nói. “Trong rất nhiều trường hợp, lợi ích là rất bé nhỏ hoặc chỉ có thiệt hại”, ông Sebastian Strangio, tác giả sách Hun Sen’s Cambodia (Nước Campuchia của Hun Sen), nhận xét. Vốn đầu tư của Bắc Kinh cũng dẫn tới sự suy thoái về môi trường sinh thái ở một đất nước đã phải vật lộn với hàng loạt vấn đề môi sinh.

Một lĩnh vực đáng quan tâm khác là khía cạnh ngoại giao bẫy nợ của viện trợ của Trung Quốc. Trung Quốc đã sắm một vai trò quá lớn trong sự phát triển của Campuchia, đóng góp khoảng 44 phần trăm tổng số vốn đầu tư nước ngoài mà Campuchia nhận được từ năm 1994 đến 2014. Ước tính có khoảng 70 phần trăm số đường sá và cầu cống ở nước này được Trung Quốc hỗ trợ tài chính qua khoản cho vay gần 2 tỉ đô la, tương đương với một phần mười tổng sản lượng GDP của Campuchia. Dòng tiền Trung Quốc đổ vào đã đẩy Campuchia vào một mối quan hệ bấp bênh, thậm chí lệ thuộc vào Bắc Kinh. Campuchia hiện mắc nợ Trung Quốc hơn 4 tỉ đô la, bằng bốn mươi phần trăm tổng số nợ công chưa trả của quốc gia, theo một số dự tính.

Washington sẽ bước vào?

Sự kiện Campuchia ngã theo Trung Quốc đã xảy ra trong sự thiếu vắng một mối quan hệ gắn bó bền vững với Hoa Kỳ và phương Tây. Đây là chuyện không may bởi vì cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Campuchia là mô hình thu nhỏ của một cuộc chiến rộng lớn hơn nhiều nhằm tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Trong Chiến lược An ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2017, Washington thừa nhận rằng “cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa tầm nhìn tự do và tầm nhìn áp bức về trật tự thế giới… đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Nếu Hoa Kỳ muốn ủng hộ các xã hội tự do và cởi mở thì Washington phải làm sao để nêu bật chuyện các chế độ chuyên chế như Campuchia đã không phục vụ nhân dân mình như thế nào.

Các nhà hoạch định chính sách ở Washington thường lãng quên Campuchia trong những cuộc thảo luận rộng rãi hơn về những vấn đề này vì một số lý do. Đây là một nước nhỏ đang phát triển, không có lãnh thổ hoặc biên giới mang tính chiến lược; nó đã bị Hun Sen cai trị hơn ba mươi năm rồi và nói chung nó được coi là một nước hầu như đã nằm trong túi áo của Trung Quốc. Vì vậy, từ quan điểm kinh tế, dân chủ, chính trị và chiến lược, Campuchia bị coi là vùng lãnh thổ cằn cỗi, đáng được công nhận nhưng không đáng chú ý hoặc giúp đỡ.

Đây là một sai lầm. Campuchia có lẽ là kẻ báo hiệu cho những gì có thể xảy ra trong chính trị và chính sách của một quốc gia có chủ quyền khi chính phủ của nó chuyển hoàn toàn sang phe Bắc Kinh; nhưng điều đó không biến nó thành một trường hợp vô vọng. Hoa Kỳ có thể và nên chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc như là một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Và làm như vậy ở một đất nước như Campuchia cũng sẽ cho thấy cam kết của Hoa Kỳ với toàn bộ khu vực chứ không chỉ ở những nơi thuận lợi mà thôi.

Nếu Washington và các đồng minh xem xét lại cách suy nghĩ về Campuchia, sẽ có nhiều việc họ có thể làm – cả trong phạm vi nước này và rộng hơn ở khắp Đông Nam Á. Tính cấp bách của việc cạnh tranh với một nước Trung Quốc ngày càng phi tự do ở Đông Nam Á đang tăng lên, nhưng các nguồn lực của Hoa Kỳ đã không tăng lên tương ứng. Tăng cạnh tranh mà không tăng nguồn lực không phải là công thức để thành công. Để cạnh tranh hiệu quả, Washington cần cam kết thêm nhiều ngân quỹ để thúc đẩy hoạt động ngoại giao công cộng và giao lưu nhân dân với Campuchia. Hai là, cần phải làm nhiều hơn để chống lại các chiến dịch tung tin giả. Trong vòng một năm rưỡi qua, Campuchia đã từ một môi trường truyền thông tương đối cởi mở chuyển sang một môi trường càng lúc càng bị chế ngự bởi tuyên truyền và thông tin méo mó. Hãy suy nghĩ một cách sáng tạo về cách giúp người dân Campuchia tiếp cận thông tin nhiều hơn – hoặc dùng công nghệ để phiên dịch truyền thông nước ngoài sang tiếng Khmer hoặc gia tăng nguồn lực cho đài Voice of America và Radio Free Asia – tạo ra bên trong Campuchia một cuộc thảo luận cởi mở hơn về phương hướng tương lai của đất nước và hoạt động của Trung Quốc trong phương hướng đó. Ngoài ra, mở rộng danh sách các cuộc cấm vận có mục tiêu vào những cá nhân đã tiến hành cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến có thể sẽ làm gia tăng áp lực bên trong chế độ, buộc họ phải suy nghĩ lại về sự trung thành vô điều kiện với Hun Sen.

Washington có thể nỗ lực gấp đôi về hỗ trợ và đầu tư nhằm giúp người dân Campuchia, kể cả thông qua viện trợ nhân đạo và ủng hộ các nỗ lực rà phá bom mìn. Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mới đây có thể cung cấp một bệ phóng để khích lệ đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào Campuchia, vừa nhắm thúc đẩy tăng trưởng tương lai của Campuchia vừa không chỉ khai thác tài nguyên của nước này. Nhiều người Campuchia cảm thấy rằng Trung Quốc chẳng quan tâm gì tới bảo vệ môi trường, quyền của người lao động, huấn luyện nhân viên hoặc tính minh bạch. Đây là lãnh địa có tiềm năng thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, vốn bền vững, do thị trường dẫn dắt, đáp ứng những tiêu chuẩn cao về an toàn và có ý định góp phần thúc đẩy tăng trưởng hơn là lôi kéo quốc gia ấy xuống bằng những món nợ không cáng đáng nổi.

Tuy nhiên, để những ý tưởng trên vận hành được, Hoa Kỳ và các đối tác cần thực hiện một nỗ lực nhịp nhàng để cung cấp một mô hình thay thế khả thi về phát triển bền vững. Tính gộp lại, nguồn lực của Hoa Kỳ, Úc, châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn là rất to lớn. Tất cả các quốc gia này đều chính thức ghi nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á trong sự phát triển tương lai của mình – và đang tiến hành một nỗ lực bền bĩ để cung cấp một hình mẫu thay thế có tác động mạnh mẽ. Làm được như vậy ít ra cũng cung cấp cho các quốc gia như Campuchia một sự lựa chọn thật sự. Gia tăng áp lực lên Hun Sen - hoặc bằng cách nêu bật hơn nữa mối liên kết cá nhân gần gũi của ông ta với Bắc Kinh hoặc tiến hành những cuộc cấm vận có phối hợp nhằm vào những kẻ chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền trong chế độ của ông ta – không phải là một mục đích tự thân. Thay vì vậy, những công cụ chính sách này nhằm chống lại sự lan tràn ảnh hưởng của Trung Quốc và truyền sự tự tin cho người dân Campuchia.

Những cuộc bầu cử gần đây ở Campuchia chỉ nhận được một khoảnh khắc ngắn ngủi sự quan tâm và lên án ở Washington. Nếu như đó là tất cả sự ràng buộc của Washington thì quả là một cơ hội bị bỏ lỡ. Trò chuyện với hàng trăm người Campuchia là sinh viên, lãnh đạo doanh nghiệp, sĩ quan quân đội, viên chức chính phủ và nhà báo trong các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy rằng đất nước còn rất trẻ này có xu hướng thân Hoa Kỳ. Cùng với nỗi khó chịu ngày càng tăng với Trung Quốc là khát vọng có thêm sự ràng buộc với Hoa Kỳ. Campuchia không phải đang nằm trong túi áo của Trung Quốc, cho dù giới lãnh đạo hiện thời của nó làm như vậy. Hãy tận dụng thực tế đó để đấu tranh cho lợi ích của nhân dân Campuchia, làm suy yếu vòng kiềm tỏa của Trung Quốc lên Phnom Penh và làm cho chiến lược của Hoa Kỳ có thêm sức cạnh tranh trong khu vực.

------------------
(*) Charles Edel là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại trường đại học Sydney; trước đây từng phục vụ trong bộ phận hoạch định chính sách của bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Ông cùng với Hal Brands là đồng tác giả cuốn sách sắp xuất bản The Lesson of Tragedy: Statecraft and World Order (Bài học của Bi kịch: Tài trị quốc và Trật tự Thế giới).

(**) Chỉ những công trình xây dựng có thật hoặc tưởng tượng nhằm mục đích đánh lừa mọi người rằng tình hình tốt đẹp hơn thực tế.

Nguồn: 
Charles Edel: Cambodia's Troubling Tilt Toward China 
Foreign Affairs
, August 17, 2018









No comments: