07/08/2018
Ngoài
thực địa
Ngày
2/8 vừa rồi, Đài truyền hình FNN của Nhật Bản công bố một thước phim quay
toàn cảnh các công trình mà Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo ở đá Subi.
Đây là những hình ảnh mới nhất về tình trạng thực tế ở đá Subi, một thực thể
nửa chìm nửa nổi mà diễn giải từ Phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Biển
Đông, Trung Quốc đang đóng quân bất hợp pháp.
Trong
bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp và bá quyền ở Biển Đông,
các nước ASEAN phải tăng cường mua thêm tàu tuần tra để thực thi pháp luật bảo
vệ chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, theo một báo cáo mới công bố của Viện Chính
sách Chiến lược Úc. Trong 11 năm, số tàu tuần tra bờ biển Việt Nam tăng gấp 5 lần.
Đọc thêm: Toàn văn báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc.
Hợp
tác ở Biển Đông
Từ
ngày 2 – 4/8, Hội nghị tư lệnh hải quân các nước ASEAN lần thứ 12 (ANCM-12) do
hải quân Singapore đăng cai tổ chức, với chủ đề “Hải quân các nước ASEAN – Tăng
cường hợp tác, xây dựng tự cường”. Đoàn VN do Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân nhân
dân VN, dẫn đầu tham dự hội nghị.
Theo thông cáo trên website Bộ Quốc phòng Singapore, một
thành tựu đáng kể của cuộc họp là lần đầu tiên thông qua một tuyên bố chung của
các lãnh đạo Hải quân ASEAN. Tuyên bố chung phát tín hiệu rằng, ASEAN sẵn sàng
tăng cường hợp tác thực tế trong an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và thực
hành Bộ luật Quy tắc cho Những Va Chạm Bất ngờ ở Biển (CUES) như một biện pháp
xây dựng lòng tin.
Về
phía Việt Nam, Tư lệnh Phạm Hoài Nam phát biểu tại hội nghị rằng, cần xây dựng khả năng tự cường tập thể khu vực để
giúp hải quân các nước ASEAN ứng phó tốt hơn với những áp lực, thách thức từ
bên ngoài, chủ động giải quyết tốt những mối đe dọa an ninh hàng hải.
Ngày
4/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết cung cấp gói hỗ trợ an ninh mới trị
giá gần 300 triệu USD (7.000 tỉ đồng) cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương, bao gồm ASEAN. “Là một phần trong cam kết thúc đẩy an ninh ở khu vực
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ thông báo gói hỗ trợ an ninh mới gần 300
triệu USD để củng cố hợp tác an ninh trong toàn khu vực”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo cho giới
phóng viên hay bên lề đợt Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và các đối tác đối thoại
ở Singapore. Ông Pompeo còn nhấn mạnh gói hỗ trợ sẽ giúp tăng cường an ninh
biển, phát triển các khả năng về hỗ trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình và chống lại
“những mối đe dọa xuyên quốc gia”.
Cũng
tại Hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thông báo các sáng kiến của Việt
Nam đăng cai hội thảo ARF (Diễn đàn Khu vực ASEAN) lần 2 về “Tăng
cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển” và hội thảo ARF
về “Vận dụng Công ước LHQ về luật Biển 1982 và các công cụ pháp lý quốc tế nhằm
ứng phó với các thách thức trên biển”.
Xem
thêm: Toàn văn Tuyên bố Chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN tại
Singapore ngày 4/8/2018, trong đó ghi nhận về việc ASEAN và Trung Quốc
đạt được đồng thuận về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất.
Báo
Thanh Niên tường thuật, tờ The Philippine Star ngày 5/8 dẫn lời phát ngôn viên
Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị tập trận chung lần đầu tiên ngoài
khơi tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (vùng biển không tranh chấp). Cuộc tập trận sẽ
diễn ra vào tháng 10 năm nay và Mỹ, Úc sẽ không được mời tham dự.
Khai
thác chung ở Biển Đông
Ngày
01/08/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam thông báo đã ký
thỏa thuận mua bán với hai công ty Nhật khai thác khí đốt tại Biển Đông. Thỏa
thuận được ký ngày 31/07, tại Hà Nội, sẽ cho phép bắt đầu từ quý 3 năm
2020, khai thác thương mại sản phẩm của hai giếng khí đốt nằm cách bờ biển Việt
Nam 300 km có tên gọi là Sao Vàng – Đại Nguyệt trong khu vực mỏ Nam Côn Sơn,
ngoài khơi thành phố Vũng Tàu. Dự án khai thác này do hai công ty Nhật góp vốn
đầu tư khai thác được khởi công từ tháng 3 năm nay. Cụ thể công ty Idemitsu
Kosan góp vốn đầu tư 43,08%, Teikoku Oil chiếm 36,92%, phần góp vốn còn lại
thuộc Tập đoàn Dầu khi Việt Nam là 20%. Dự án khai thác khu mỏ này đã được khởi
công từ tháng 3/2018.
Khu
mỏ Sao vàng – Đại Nguyệt không
nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, nhưng gần sát “với đường 9
đoạn” mà Trung Quốc vẽ nên để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở
Biển Đông.
Trong
lúc đó, truyền thông Philippines đưa tin cựu tổng thống Benigno Aquino III phản đối đề án Philippines và Trung Quốc chia sẻ tài
nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với tỷ lệ
60-40.
Theo
ông: “mặc dù tỷ lệ ban đầu là 60-40 (phù hợp với Hiến pháp Philippines),
nhưng tỷ lệ này về sau rất có thể sẽ bị đảo ngược lại. Họ có thể có được 60%
hay 70% cổ phẩn. Đang từ chỗ họ không có quyền gì, đến cuối cùng rất có thể
chúng ta sẽ phải tìm cách thu hút họ, và để thu hút được họ, chúng ta sẽ phải
dành cho họ phần lớn hơn“.
No comments:
Post a Comment