Thursday, August 9, 2018

"SỰ TỒN TẠI CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN ĐANG BỊ ĐE DỌA" (Quốc Anh - Dân Trí)




Quốc Anh  -  Dân Trí  
Thứ Năm, 09/08/2018 - 17:52

Theo ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, với mức độ sụt lún cộng với nước biển dâng tăng dần mỗi năm, sự tồn tại của TPHCM đang bị đe dọa. Dự báo khoảng 50-100 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy.

Ngày 9/8, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải.

Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, TPHCM chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ Biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ Đông.

Từ năm 1962-2001, đỉnh triều cao nhất là dưới 1,5m nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến năm 2010, đỉnh triều đã vượt mức 1,5m. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, đã có 85 lần đỉnh triều cao từ 1,62-1,68m.

Với 63% diện tích có độ cao tự nhiên dưới 1,5m, TPHCM sẽ bị ngập tại những vị trí thấp hơn đỉnh triều nếu không có biện pháp bảo vệ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thành phố xuất hiện nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn, kéo dài. Hệ thống thoát nước hiện hữu không đảm bảo thoát nước kịp thời.

Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (quyết định 752 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ), trong phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước) cần phải có 6.000 km cống các loại, đến nay hệ thống cống hiện có là 4.176km, chỉ đạt khoảng 69,6%.

Ngoài ra, thành phố cần xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 3.076.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay thành phố chỉ hoàn thành được nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất 141.000 m3/ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương công suất 131.000 m3/ngày đêm.

Theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (quyết định 1547 của Thủ tướng Chính phủ năm 2008), thành phố mới hoàn thành 64/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc – Thị Nghè).

TPHCM cần nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải. Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn của TPHCM lên đến 73.411 tỷ đồng.

Tại hội nghị, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam Laurent Umans cho biết, TPHCM đang bị sụt lún, dự tính mỗi năm sụt lún 7cm và mức độ tăng dần mỗi năm.

Theo ông, đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với thành phố và người dân. Sự tồn tại của TPHCM đang bị đe dọa. Theo dự báo khoảng 50-100 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy.

Theo ông Laurent, biến đổi khí hậu làm dâng mực nước biển, tuy mỗi năm chỉ vài mm nhưng về lâu dài sẽ rất đáng kể. Ngoài ra, ông Laurent cũng cảnh báo việc khai thác nước ngầm có liên quan mật thiết đến vấn đề sụt lún.

Ông Laurent đề nghị thành phố cần hành động ngay, không nên chờ đợi nghiên cứu.
Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp, công nghệ mới góp phần giúp thành phố chống ngập và xử lý nước thải như phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị, xây dựng hồ điều tiết ngầm, quản lý nước trong vùng đô thị mật độ cao...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, ngoài vấn đề hạ tầng xuống cấp thì việc phát triển không đúng cũng gây ngập cho thành phố. Chiến lược phát triển về hướng biển, về phía Nam nếu không cân nhắc kỹ cũng là nguyên nhân gây sụt lún, ngập.

Theo ông, quan điểm của thành phố đối với các dự án đầu tư là phải minh bạch, công khai. TPHCM là đô thị chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, thành phố lắng nghe, tiếp thu và có chọn lựa các giải pháp trên cơ sở phải xác định được nguyên nhân gây ngập ở từng vị trí để giải quyết. Việc lựa chọn công nghệ các dự án phải dựa trên kinh nghiệm, năng lực thực tế.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trước mắt thành phố sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước của thành phố và đưa ra các giải pháp chống ngập.

-------------------

Các nhóm dự án TPHCM kêu gọi đầu tư:
7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải gồm: lưu vực Tây Sài Gòn - 7.700 tỷ đồng, lưu vực Bình Tân (9.804 tỷ đồng), lưu vực Tân Hóa Lò Gốm (6.395 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 1 (5.544 tỷ đồng), lưu vực Bắc Sài Gòn 2 (5.100 tỷ đồng), lưu vực Rạch Cầu Dừa (5.000 tỷ đồng), lưu vực Tây Bắc (6.000 tỷ đồng).

6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Chợ Đệm (8.825 tỷ đồng), Xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm (1.097 tỷ đồng), Nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào (522 tỷ đồng), Nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé (1.250 tỷ đồng), Cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình (6.184 tỷ đồng).

3 dự án đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TPHCM gồm: Cống kiểm soát triều sông Kinh (1.200 tỷ đồng), Cống kiểm soát triều rạch Tra (11.122 tỷ đồng), Đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại (3.400 tỷ đồng).

Quốc Anh






No comments: