Sunday, August 5, 2018

AI GÂY NÊN "ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN" CHƯƠNG MỸ? (Võ Thị Hảo)




Võ Thị Hảo
2018-08-04

Chính quyền che giấu việc vỡ đê. Gần một nửa chỗ đê điều hư hỏng bị bỏ mặc

Tháng 10 / 2017, khi đê Bùi 2 được xây dựng với rất nhiều tiền công quỹ, mới đưa vào vận hành thì đã vỡ ngay sau trận mưa đầu tiên, chính quyền Hà Nội huy động 100 người xúc đá bảo vệ đê! Chính quyền phủ nhận việc vỡ đê bằng đủ mọi lời trí trá không ai chấp nhận nổi. Hậu quả là dân Chương Mỹ phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” cả nhiều tháng trời.

Khoảng 21/07/2018 đến nay, nước lũ lại cuồn cuộn đổ về ngập mênh mông cả một vùng Chương Mỹ , chưa kể những huyện khác. Hiện tượng lũ lụt nặng nề như sau vụ vỡ đê năm ngoái. Không thấy nhà cầm quyền thông báo về việc đê có vỡ hay không, hoặc chỗ đê vỡ năm ngoái đã được sửa chữa hay chưa. Nếu sửa thì ai sửa, sửa thế nào và tiền chi là bao nhiêu, ai chi?

Thống kê từ nhà chức trách cho biết, năm 2017, mưa lũ đã gây ra hơn 61 sự cố trên các tuyến đê đi qua 16 quận huyện HN mà TP HN chỉ mới cho phép xử lý khẩn cấp 35 sự cố nghiêm trọng (https://baomoi.com/nhieu-du-an-tu-bo-de-dieu-cham-tien-do/c/26136163.epi). Mặc dù vậy, tiến độ thi công 35 dự án này cũng rất chậm trễ, cả năm nay rồi mà nhiều dự án không hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2018 như kế hoạch cam kết.

Còn 28 chỗ hư hỏng sạt lở còn lại, chính quyền vẫn bỏ ngỏ, chỉ là “yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí lục lượng, thường xuyên theo dõi để báo cáo ...”, mặc dân sống trong nguy hiểm.

Có thể tin được chuyện tày trời này chăng? Ai cũng biết, vỡ hay sạt lở đê chỉ tại một điểm thôi là đã đủ cho nước lũ phá toang cả một vùng. Chậm khắc phục, thi công chậm, không đạt chất lượng...đều là những tội không thể tha thứ được trong quản lý đê đập, gây thảm họa không thể lường được đối với tính mạng và tài sản người dân, đặc biệt đây lại là thủ đô Hà Nội.

Hình chụp hôm 22/7/2018: một làng ở ngoại thành Hà Nội bị ngập lụt.  AFP

Công luận từng hết sức phẫn nộ khi chính quyền đã bất chấp sự thật, che giấu và phủ nhận việc vỡ đê Bùi 2 Chương Mỹ vào tháng 10/2017. Những kẻ dối trá trong bộ máy chính quyền cho đến nay vẫn không hề hấn gì. Không ai bị truy cứu trách nhiệm về việc để đê vỡ . Đơn vị thi công công trình đê Bùi 2 kém chất lượng cũng không bị truy cứu trách nhiệm, khắc phục hậu quả và đền bù thiệt hại.

Ngày 2/8/2018, dư luận cũng hết sức ngạc nhiên khi ông Hùng chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã dành rất nhiều thời gian để đính chính trước báo chí việc ba trường hợp người dân tử vong trong trận lũ lụt dịp cuối tháng 7 vừa qua là “do dân bất cẩn dẫn đến đuối nước” chứ không phải do lũ cuốn như thông tin mà nhiều người đã đưa!

Khốn khổ thay dân ta, khi dòng lũ đổ vể ngập cả nóc nhà, mạng người như chiếc lá tre trong dòng lũ, làm sao chống đỡ được, đã chết mà lại còn bị nhà chức trách đổ tội bất cẩn!

Đã đủ tàn nhẫn chưa, khi đổ tội bất cẩn cho người chết đuối để che giấu việc lũ đổ về Chương Mỹ, lũ chồng lũ, là do việc xả lũ từ thủy điện Hòa Bình?! Động cơ nào, lợi ích nào, lệnh ban ra từ ai, khiến nhà chức trách một mực che giấu những tác hại do xả lũ thủy điện? Gần đây họ đưa ra khái niệm “lũ rừng ngang” – không có trong các khái niệm về lũ của ngành Khí tượng thủy văn để một mực trí trá đánh lừa dư luận?

Người dân biết cẩn thận thế nào cho đủ đây, khi cả vùng nước lũ mênh mông ngập sát nóc nhà, nhiều vùng bị cô lập cả nửa tháng trời ? Vì sao chính quyền sợ từ “lũ cuốn” đến mức ấy, trong khi rõ ràng là nếu không có lũ thì làm sao trong một thời gian ngắn như vậy mà hàng triệu khối nước lũ đổ về uy hiếp đê Bùi và Hà Nội?

Đến chiều 2/8/2018, theo thống kê của chính quyền, toàn huyện Chương Mỹ còn 2.839 hộ bị ngập từ 0,5 - 2m. Trong đó, có 6.097 người dân vẫn đang phải sơ tán, chưa thể trở về nhà ổn định lại đời sống.

Người dân đi trong nước ngập ở Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội.  Võ Thị Hảo

Có thực sự không phải lũ cuốn, khi trong đợt ngập lụt này, Chương Mỹ đã “tổn thất nặng nề nhất về hạ tầng, kinh tế khi ngoài thiệt hại về nhà ở của cư dân, có tới 1.774m tường bao, sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 8.320m đường giao thông nội đồng, 12.110m đường đê hồ đập và 11.860m chiều dài kênh mương và 35 cầu cống đập, 25 công trình đền chùa bị hư hỏng…”(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ngap-lut-o-chuong-my-chu-tich-huyen-bac-tin-3-nguoi-tu-vong-do-lu-cuon-467778.html )

Báo chí hồi hộp theo dõi các hộ đê của thành phố: Đê hữu sông Bùi “bị tràn nước”, đê tả sông Bùi luôn đe dọa bị vỡ..., TP huy động 700 người trắng đêm đắp cát ở Chương Mỹ. Cả triệu dân Hà Nội khăn gói lo sợ chuẩn bị chạy lũ khi thấy nhà cầm quyền chỉ đặt bao cát trên mặt con đê mong manh căng nứt trước hàng triệu m3 nước lũ. May mà trời tạm dùng mưa…

Thời công nghệ hiện đại, nhưng để hộ dân thì nhà cầm quyền chỉ có bao cát và ...chờ nước không lên cao nữa...

Chính quyền là tác giả của “địa ngục trần gian” Chương Mỹ?

Đương nhiên, chính quyền không muốn Chương Mỹ bị ngập lụt. Họ cũng đang đau đầu tìm lối thoát. Nhưng chính sự vô trách nhiệm, vô cảm và kém cỏi, dốt nát, tham lam trong quản lý đã khiến nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền đã là tác giả của “địa ngục trần gian” Chương Mỹ.

Bị quy hoạch là vùng “rốn lũ” của Hà Nội, lẽ ra người dân Chương Mỹ phải được chính quyền đền bù thiệt hại do phải nhiều phen chịu đựng nước lũ dồn về ngập nóc nhà, hết lần này tới lần khác bị mất trắng cả cơ nghiệp.

Trước đó, điều đương nhiên phải làm là chính quyền phải cấp chỗ ở, nhà cửa và đất canh tác ở nơi an toàn khác, tốt hơn chỗ cũ, cho dân để ổn định cuộc sống. Nhưng sự thiếu trách nhiệm của chính quyền khiến dân Chương Mỹ từ trận vỡ đê Bùi 2 tháng 10/2017 đến nay liên tục phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”.

Không gì có thể bù đắp được những thiệt hại cho người dân Chương Mỹ, khi trận lũ tới, ngoài việc bị mất nhà cửa, tài sản, bị nước lũ cô lập nhiều ngày, điện bị cắt, nước sạch không có, không thể đi ở nhờ mãi được, nhiều người bị đói hoặc phải ăn mì tôm sống.

Để có nước uống và kiếm thức ăn, họ phải ngâm mình lội nhiều khi đến ngực hoặc bơi trong biển nước ngập ngụa xác súc vật chết trương phình trôi dạt.

Quanh họ, tấp vào họ, chực chôn vùi họ là những núi rác thải, cây cối hoa màu rữa nát, phân người, phân súc vật bập bềnh ma quái tấp vào người họ, nhà họ, cứ cố sức đẩy ra rồi chúng lại ập vào ngay theo những đợt sóng lũ hoặc khi gió thổi tới.

Nước cống, hóa chất độc hại tanh tưởi gặm mòn da thịt và sức khỏe họ đêm này qua ngày khác. Hàng trăm, ngàn người chân lở loét và ngứa đến mức chỉ muốn “chặt chân vứt đi cho khỏi ngứa”.Vài con chó gà lợn còn sống sót được buộc trên nóc nhà cất tiếng tru và kêu thảm thiết vì đói.

Nước lụt từ ngày 21/7 đến nay vừa rút được vài cm thì đợt lũ mới lại chồng lũ khiến người dân thêm lở loét, nhiễm bệnh, côn trùng rắn rết bò vào tận giường… Điều khủng khiếp nhất là tương lai của họ hoàn toàn vô vọng. Tật bệnh do ô nhiễm và dịch bệnh bùng phát mà không tiền chữa bệnh. Họ đã lâm vào cảnh nợ nần không lối thoát.

Năm 2017, họ đã chịu thảm cảnh này. Họ đã bị đưa ra làm vật hy sinh, làm “rốn lũ” cho Hà Nội nhưng chẳng ai thèm hỏi ý kiến họ hoặc quan tâm đến việc họ cũng cần phải sống và phải được đền bù thỏa đáng.

Một đám tang đi trong nước ngập ở Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội .  Võ Thị Hảo

Quá ghê sợ cảnh “địa ngục trần gian” mà người Chương Mỹ đã phải quằn quại sống cho đến tận ngày hôm nay và những tháng ngày sau. Không thể quên những đám tang và đám cưới dầm mình trong nước lũ cùng bao cay đắng không lời nào tả xiết. Người dân Chương Mỹ không còn biết đi đâu, lại phải trở về “rốn lũ”, gắng gượng sống qua ngày trên mảnh đất cha ông hàng ngàn năm nay bình yên nhưng do quy hoạch sai lầm, thiển cận, do xả lũ thủy điện, họ đã phải làm vật hy sinh cho chính quyền và tiếp tục vật lộn tỏng cảnh địa ngục trần gian của năm 2018 và những năm sau. Nhà cầm quyền luôn tìm cách trí trá thoái thác trách nhiệm và đổ tại trời.

Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ cho biết, số người mắc các chứng bệnh da liễu, tiêu chảy, đau mắt đỏ đang tăng nhanh, bởi ít nhất một tháng nữa nước mới rút, khi đó cơ quan chức năng mới có thể tiêu độc, khử trùng.(https://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/ngap-lut-ngoai-thanh-ha-noi-tim-giai-phap-cho-vung-ron-lu-1256568.html).

Nhưng như thường lệ, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI , Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trình bày báo cáo chỉ nói đến thành tích: “sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn”, không đả động gì đến thảm trạng Chương Mỹ cùng những vùng khác dù việc đó đã và đang xẩy ra.

“Địa ngục trần gian” Chương Mỹ - không thể chối cãi rằng đó là khối ung thư lở lói được che lấp dưới gò má Hà Nội mà nhà cầm quyền cố tô trát phấn son.

Khi “địa ngục trần gian” Chương Mỹ và những nơi khác còn đó, dẫu bao nhiều tòa nhà hào nhoáng và biệt thự lộng lẫy của các quan tham cũng chỉ là sắc màu tương phản, làm nổi bật thêm bản chất đi ngược lại quyền lợi nhân dân của nhà cầm quyền VN.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

VIDEO :
Hà Nội: Lo ngại dịch bệnh phát sinh vì ngập lụt
Tin, bài liên quan

-----------------------------------------------

XEM THÊM

Thứ Bảy, 08/04/2018 - 11:03 — VietTuSaiGon

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 39km đường chim bay, hơn 2 tuần nay người dân xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ đang phải sống chung với nước bẩn và rác ngập. Sau nhiều nỗi lo về sản xuất, sinh hoạt, học hành… của con cái, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật bởi biển rác đang lấn át sân nhà.
Rác thải sinh hoạt, xác động vật, túi nillon, rác nhựa, gỗ…cơ hà các loại rác liên tục tấp vào sân và nhà nhiều gia đình trong các thôn đang ngập lụt ở Chương Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao rác được dọn hàng ngày, tập kết hàng tuần vẫn còn nhiều đầy rẫy, bốc mùi khắp nơi mặc cho nước có về hay không?
Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ phải kể đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Tôi từng gặp nhiều người phụ nữ than phiền về việc rác đâu ra nhiều thế, ở thành phố thì đi đâu cũng thấy thùng rác, ở nông thôn thì lâu lâu mới có một ngày không nghe mùi mắm thối, mùi xác cá mà theo họ thực ra là mùi từ các bãi rác phát ra, theo gió phân tán đến các khu vực chung quanh. Và nhiều người trong số họ đều đồng tình rằng: “khủng hoảng thừa” trong tiêu dùng của người Việt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này.
Với cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, mặc dù du lịch, dịch vụ, công nghiệp và các ngành khác có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng mức thu nhập cao vẫn chỉ nằm trong một nhóm nhỏ… Đa số người lao động chọn lựa các mặt hàng phổ dụng ở phân khúc bình dân. Từ thức ăn, nước uống, áo quần, đồ chơi trẻ con… các mặt hàng giá rẻ mà đa số xuất xứ từ Trung Quốc được tiêu dùng nhiều do phù hợp với mức chi tiêu của người dân.
Nhiều người chọn lựa việc mua nhiều đồ với mức giá rẻ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng bội thực của gia đình. Thay vì mua một quả táo Mỹ, quả lê Hàn, hay là vài quả chuối Việt ở siêu thị với mức giá vài chục ngàn động, nhiều bà nội trợ buộc phải chọn mua một nải chuối với mức giá mười hoặc mười mấy ngàn đồng hoặc một ký táo được dán mác Mỹ ở chợ với giá vài chục ngàn đồng, một ký chôm chôm, ký cam không rõ nguồn gốc với giá từ 15 đến 25 ngàn đồng… Rẻ, nhiều… Rác thải cũng từ đó mà ra.
Một cuộc khủng hoảng thừa thức ăn, rác thải xuất hiện khi hàng mua về với giá rẻ chưa sử dụng đã hư hỏng, buộc phải loại bỏ. Với việc túi nillon được sản xuất hàng loạt với mức giá rẻ bèo, chỉ cần ghé chợ mua một ít tôm cá, trái cây, bún, tỏi, hành… mỗi thứ một ít, người nội trợ được miễn phí mang về ít nhất vài cái túi nilong đủ màu, đủ kích cỡ.
Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải đến từ các nguồn khác, nhất là rác thải y tế từ các bệnh viện, từ vô vàng thuốc giả được kê bán theo đơn hoặc tự phát mua theo nhu cầu. Các bệnh viện ồ ạt thải rác chưa qua xử lý, người tiêu dùng mặc sức mua thuốc giá rẻ về rồi thải ra khi thấy thuốc không chất lượng hoặc đôi khi may mắn uống vài viên đã lành và cũng chẳng mảy may để ý đến những đợt phát thuốc từ thiện miễn phí hoặc bán thuốc, thực phẩm chức năng gần hết hạn sử dụng với giá khoảng 50% dưới danh nghĩa ‘hỗ trợ giá’ trong các bệnh viện, để rồi họ mua về và lại thải ra… Cơ bản là vì mức giá rẻ và họ không cần để ý đến.
Theo một thống kê gần đây trên các trang báo trong nước, nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa,, như vậy mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.
Một khối lượng rác quá khổng lồ so với số lượng nhà máy xử lý rác đếm được trên đầu ngón tay ở Việt Nam!
Rõ ràng, ở Việt Nam đang tồn tại song song một cuộc ‘khủng hoảng thừa’ và một cuộc ‘khủng hoảng thiếu’.
Người ta thừa đủ thứ từ thức ăn, nước uống không đảm bảo chất lượng, vệ sinh… Thừa nguyên vật liệu dởm để tạo ra những công trình cũng thừa không kém bởi mọc ra mà không thể sử dụng. Một cuộc khủng hoảng thừa về những y bác sĩ không có tâm đức, về những nhà giáo sẵn sàng mang học sinh đi bán hoặc bán dâm, bán điểm, thừa những kẻ không biết xấu hổ.
Cuộc khủng hoảng thừa về nông sản hàng năm với đầu ra không có hoặc hàng không đảm bảo chất lượng.
Việt Nam thừa một số lượng khổng lồ giáo sư tiến sĩ được phong hàm và vẫn thừa nhiều vị trí cần được phong hàm bởi số lượng hiện tại chưa đủ để đọ với các nước trong khu vực, mặc dù phong ra chỉ để được gọi là giáo sư, tiến sĩ giấy.
Việt Nam thừa một khoản nợ công mà nhân dân đang còng lưng nộp thuế, lệ phí đủ kiểu vẫn không hiểu vì sao món nợ này ngày càng trương nở ra khi mức GDP năm sau cao hơn năm trước mà số tiền vay mượn cũng ngày càng tăng tỷ lệ.
Nhưng vẫn thiếu?
Những hàng hóa chất lượng Made in Việt Nam tốt hơn hàng Trung Quốc. Nguồn nhân lực chuyên môn cao cho các ngành công nghệ. Những công trình đúng chất lượng với số tiền đầu tư. Những cuộc chuyển đổi ngành nghề được chuẩn bị sẵn về tính chuyên môn, chất lượng cũng như lòng tự trọng, những y bác sĩ tâm huyết với nghề, những thầy cô giáo tận tâm truyền đạt kiến thức, dẫn dắt thế hệ tương lai vào đời…
Những người lãnh đạo đã làm tròn chức trách, những chính sách đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu…?
Liệu đến bao giờ một người dân có quyền được hưởng những gì mà họ đáng được có?
Trở lại với vấn đề người dân Chương Mỹ đang phải đối mặt với nước ngập và rác thải, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của hai người đàn ông trong một quán cà phê ở Hà Nội. Một trong hai người họ nói rằng anh ta đứng ngồi không yên bởi đang buộc phải nghĩ phương án đối phó nếu sự cố vỡ thủy điện Hòa Bình xảy ra, bởi theo tính toán của giới chuyên môn, Hà Nội có thể bị nhấn chìm hơn 30m nếu điều đó xảy ra. Nhưng người còn lại thì lại bảo rằng anh chưa lo đến chuyện đó bởi vấn đề anh nghĩ bây giờ là liệu có ai nghĩ được làm sao ngăn điều đó xảy ra. Anh ta bảo lấy làm lạ là sao người dân Chương Mỹ có thể chung sống được với tình cảnh đó mà không tự hỏi nguyên nhân và hỏi xem ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này, bởi lẽ suy cho cùng, tìm được căn cốt của vấn đề mới có thể giải quyết được vấn đề một cách có khoa học nhất.








No comments: